Một buổi chiều tối, tôi và em Mỹ Hạnh - Thư ký xuất bản của Thái Hà Books đến thăm Nhật Nam. Nhật Nam không có nhà. Chúng tôi nói chuyện rất vui và tôi như lại được ngồi trong chính ngôi nhà của mình. Ấm cúng và thân thương đến lạ thường.
Lát sau, Nhật Nam về. Hóa ra, cậu bé đi chơi thể thao. Người vẫn còn mồ hôi nhưng cậu bé lao vào tôi - đúng phong cách rất tình cảm của Nhật Nam. Tôi yêu Nam và yêu cả sự hồn nhiên của cháu lẫn mùi mồ hôi đang tỏa ra từ cậu bé thích thể thao. Câu chuyện cả nhà nói hôm nay là về tình yêu thương và sự giáo dục. Nhật Nam tham gia như một thành viên. Tôi ngồi và quan sát nụ cười hồn nhiên của cháu.
Tôi rời khỏi nhà Nhật Nam và ngay tối hôm đó, tôi đã đọc bản thảo mới của Nam - Những con chữ biết hát. Tôi không muốn khen ngợi nhiều cuốn sách này mà chỉ dám nói một câu thôi: Đây là tâm huyết của một con trẻ, đây là tấm lòng của một cháu bé. Nhật Nam thật sự trải tâm mình trên và trong từng con chữ. Nhật Nam thật sự đã rèn luyện mình qua việc viết cuốn sách này. Đọc mỗi dòng chữ của cuốn sách, tôi như thấy khuôn mặt ngộ nghĩnh, nụ cười rất tươi, sự hồn nhiên rất trẻ con của cháu. Tôi yêu khuôn mặt “búng ra sữa” của “ông cụ non”. Tôi say sưa với mỗi chữ, mỗi nghĩa, mỗi vần, mỗi câu trong bản thảo. Tôi đọc ngấu nghiến đến hết. Một mạch không ngừng. Sau 12 giờ đêm, tôi tiếp tục đọc lại lần thứ hai. Lại thấy hay hơn! Lạ thật!
Nửa đêm, tôi nhấc điện thoại gọi cho Vũ Trọng Đại, Phó Tổng giám đốc Thái Hà Books đề nghị xuất bản ngay cuốn sách này. Tôi nói với Đại rằng cuốn này hay gấp rưỡi so với cuốn trước. Cuốn sách sẽ mang lại ích lợi không chỉ cho các bé, mà cả các bậc cha mẹ. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, những câu chuyện, những trải nghiệm rất thật trong quá trình học tập và rèn luyện của Nhật Nam sẽ có ích cho rất nhiều người.
Nhiều người đang lo làm sao để 80 triệu dân Việt Nam sống tốt. Tôi thì đã tuyên bố và kêu gọi nhiều năm nay là: “Hãy cùng nhau biến dân số tuyệt vời này thành nguồn tài nguyên NHÂN TÀI vô tận”. Muốn vậy, chúng ta phải đổi mới giáo dục, đổi mới cách học và cách dạy. Chúng ta cần có thêm nhiều Nhật Nam nữa. Không chỉ bởi những Nhật Nam này sẽ giúp đất nước phát triển mà quan trọng hơn đó sẽ là những tấm gương để những em bé khác noi theo.
Tôi nhớ như in những tâm sự của anh Thảo và chị Điệp về cách dạy dỗ Nam. May mắn thay, cả ba chúng tôi cùng có chung quan điểm về cách dạy Nhật Nam: Không nương nhẹ và cũng không khắt khe. Chúng tôi để cháu phát triển tự nhiên nhưng có tư vấn và định hướng. Mỗi khi nói chuyện, anh Thảo đều nói: “Bác Hùng cũng như bố của Nhật Nam và cháu Nam vui lắm khi làm bạn với bác.” Tôi vui lắm. Tôi vui về thành quả này của “con trai tôi”!
Trước khi viết những lời này, tôi đã đọc lại cuốn sách Tôi tư duy, tôi thành đạt do Nhật Nam dịch. Phải công nhận rằng Nam dịch rất tốt, rất người lớn. Giọng của dịch giả nhí lần này khác hẳn giọng khi Nam dịch bộ sách Cu Tí khám phá thế giới. Tôi thật tự hào và thật sự cầu mong cho thật nhiều, thật nhiều cháu nhỏ và các bậc cha mẹ có được duyên lành có thể cầm trên tay cuốn sách quý và giá trị này.
Yêu quý và trân trọng.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT
kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà