Hai chị em ngồi nhóm bếp mà mắt cứ sụp xuống, lâu lâu tiếng gà trống đập cánh, gáy vang làm hai đứa nhỏ giật mình. Cứ gà gục thế này, thể nào sáng ra người không có cơm ăn, heo không có cám húp. Bị ma ám hay sao mà cứ u mê như người thế giới khác.
Cái nhà lụp xụp vách trét đất nhồi rơm, để trống những ô cửa nhỏ cho khói bay ra. Căn bếp không có cửa. Nó dóng thẳng ra ruộng. Thửa ruộng lộng gió quanh năm. Thế là bao nhiêu gió cứ va vấp chui vào cái nhà toang hoác này. Chỉ khổ cho chị em nó phải chịu trận. Ngày nào gà chưa gáy sáng đã phải lò mò chui khỏi mùng. Nó dậy trước rồi lay gọi em thức theo. Má Hòa bảo con nhà nông phải biết thức khuya dậy sớm, với lại nhóm bếp giờ đó sáng ra mới kịp cho ba ăn cơm để ra đồng, đàn heo cũng mở mắt ra là được húp cám. Nó không kêu la inh ỏi. Má Hòa khỏi điếc tai. Má bảo mới sinh em bé mà cứ nghe tiếng gào oang oang bên lỗ tai, má sớm muộn gì cũng bị điếc. Má điếc rồi sao dạy dỗ được bọn bây? Người ta có chửi bới, mắng vốn mà không nghe thấy được thì tức chết. Tao điên mất. Tao mà điên thì bây đến cám heo cũng không có mà ăn, rồi thì... Cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại. Má chưa điên, mấy chị em đã muốn điên rồi. Má chưa kịp điếc thì bọn nó giả như mình bị câm điếc. Cái chiêu im lặng coi bộ hiệu quả.
Nhưng cơm thì vẫn phải nấu ngày ba buổi. Em thì vẫn phải bế. Rau heo vẫn cắt về, thái đều tay.
Huyền tám tuổi. Cu Thuận lên sáu. Bé Hậu vừa tròn bốn. Dưới nữa là em Nhiên mới lên hai và út Hiếu vừa đầy tháng. Huyền gọi là út vì hy vọng má đừng sinh em nữa. Cái hông của nó sắp trẹo hẳn sang một bên vì bế em rồi. Những vết tì ngay thắt lưng đã chai đến mất cảm giác. Có bữa đang ẵm con Nhiên ngang hông, nó buông lỏng một tay lên gãi đầu, tay kia trong tư thế mỏi quá mất cảm giác nên con Nhiên nhoài người ra, Huyền không kịp đỡ. Em Nhiên té u đầu còn nó cũng phải hứng một “trận mưa chửi” muốn nổ màng nhĩ. “Mày ghét em đến vậy sao? Nó cùng máu mủ với mày mà mày định giết em à? Mới ranh con mà ác độc. Không được tích sự gì, nuôi mày chỉ tốn cơm tốn gạo...”.
Huyền ghét ai nói dai. Má Hòa không những nói dai, nói nhiều mà má còn đay nghiến. Giá má cứ đánh nó một trận rồi thôi. Giá ba vừa đi làm về nhìn thấy sẽ nói đỡ giùm nó, không thì chửi mắng nó một trận như má thì Huyền đỡ thấy tủi. Đằng này…
Ba im lặng, chỉ giục nó dọn cơm ăn. Thằng Thuận thấy chị vừa bị chửi, nghe ba nói dọn cơm vội chạy tuột xuống bếp bưng mâm chén. Luống cuống thế nào đánh xoảng một cái.
Xong! Chén, dĩa, tô vỡ toang nằm ngổn ngang dưới nền gạch.
“Mẹ cha bây, con cái nhà ai mà phá hoại như vậy không biết. Đồ phá của. Không được tích sự gì, bây muốn tao điên lên mới hả dạ phải không?”. Sợ run cả người, thằng Thuận cúi xuống nhặt lia lịa, miểng sành đâm vào tay chảy máu. Huyền cúi xuống nhặt tiếp cùng em, rồi đi tìm giẻ băng tay cho Thuận. Vết thương không sâu, nhưng xa xót tận vào ruột gan, hai đứa cùng chảy nước mắt.
Bữa cơm vẫn được dọn ra, vì buổi chiều ba còn phải dắt trâu ra đồng bừa ruộng. Nói đến con trâu, Huyền vẫn còn thấy bực mình. Nhà đã bầy heo phải cắt bao nhiêu là rau lang, rau muống, giờ ba lại rước con trâu đực này về. Con trâu to kềnh ấy một ngày một đêm phải nhai mấy bao cỏ. Ba bảo nó ăn rơm, lâu lâu mới phải cắt cỏ nên chị em Huyền đảm nhận luôn. Nhưng rơm thì chỉ tới mùa, tới vụ. Cắt lúa đông xuân xong, được vài tháng là mưa thối đất thối cát. Rơm khi ấy chỉ để làm phân mùn bón cho cây trồng. Ba lại bảo, mưa xuống thì cỏ có mà đầy, cắt một tẹo là đầy bao. Ở cái miền Tây này mà lo gì không có cỏ, chỉ sợ không có tiền mua trâu thôi. Ừ thì cắt cỏ. Thêm một việc nữa sẽ không làm má thấy ngứa mắt, sẽ bớt bị tra tấn... lỗ tai.
Ấy là lo xa, còn bây giờ mới bước sang tháng ba. Đồng ruộng còn hăng mùi rạ tươi. Vài thửa đất đang mịt mù, khét khói đốt đồng. Huyền thích dang hai tay chạy băng qua những cánh đồng. Nhắm mắt lại để nghe gió vuốt ve khuôn mặt, thổi đánh tạt ù qua lỗ tai. Gió không có hình hài, vậy mà trong tiếng gió, Huyền thấy lời ủi an, vòng tay và cả ánh mắt rất hiền. Huyền rượt theo điệu vẫy gọi mãi tới đầu ngàn. Nơi gió đang quấn mình vào các tàu chuối uốn lượn phần phật, ngả nghiêng.
Đầu ngàn nuôi nhiều gió. Gió ba, gió mẹ, gió chị, gió em. Xúm xít, quây quần, chuyện trò, đùa vui. Huyền mơ mình thành gió. Bay trên cánh đồng, bay trên rơm rạ và khói sương. Nếu là gió rồi, Huyền không phải gửi ước mơ theo những cánh diều trên cao xa kia. Gió mạnh. Diều đứt dây, bay hút. Ước mơ cũng vụt mất theo. Đứng ở đầu ngàn, Huyền nheo mắt về căn bếp quen thuộc, nơi khói đang tỏa mù mịt. Mỗi lúc một bốc cao. Đám khói lan rộng hơn, không còn lởn vởn trên mái bếp mà ở gốc cây tầm duộc. Chính xác, khói từ đống rơm vàng chất cao quá nóc nhà…
Cháy! Cu Thuận đang rút rơm. Nồi cơm mới đặt lên bếp. “Em gảy rơm giúp chị xíu nha!”. Một xíu của Huyền...
Quãng đồng từ sau nhà đến đê đầu ngàn nhìn gần hút tầm mắt. Huyền nhao xuống đê. Chạy. Bước chân nó như có ai nâng đỡ. Gió chăng? Gió mau đưa Huyền băng đồng mau hơn nữa. Em Thuận đang ở trong nhà bếp. Theo hướng gió này, lửa từ đống rơm sẽ lan rất nhanh...
Nồi cơm đã cạn nước, Thuận khệ nệ bắc xoong cơm để xuống đất, khêu đống tro còn đỏ lửa rồi đặt xoong cơm vào giữa. Rút nắm rơm to cuộn lại rồi đốt trần trên nắp xoong, y như chị Hai vẫn làm thường ngày. Thuận ngồi nhặt những hạt lúa sót lại trên rơm, đang nổ giòn dưới ánh lửa, trắng và thơm bùi. Những hạt lúa nở bung xòe như bông hoa nhỏ, em đặt vào giữa lòng bàn tay, rồi nghiêng đầu ngắm, không nỡ ăn. Mấy năm trước, khi Thuận còn bé xíu thường được má nhặt cho những bông cốm, lúc cùng má ngồi nấu cơm.
Một làn gió thật mạnh tạt rát cả khuôn mặt. Khói nồng nặc khiến Thuận ho sặc sụa. Đâu đâu cũng mịt mù khói. Bụi tro rơm làm đôi mắt Thuận nhức thốn, nước mắt chảy liên hồi. Trong cơn hoảng loạn, không còn định được phương hướng, nó nhắm mắt chạy hướng ra. Bàn chân run rẩy vấp té, ngã dụi mặt vào đống rơm đang rực hồng tro. Những cọng than rơm bay bay trên đầu Thuận. Hai mắt em như cháy cùng ánh lửa.
Huyền đã lao kịp tới, đỡ em chạy ra ngoài. Khi má Hòa từ cửa bước xuống sân chạy lại thì trời đổ sập một cơn mưa. Thuận ngửa khuôn mặt lên trời gào thét theo tiếng sét đang đánh những đòn chí mạng. Sét cũng mang màu lửa. Tóc em cháy sém mùi khét, trôi rửa theo nước mưa. Chỉ riêng đôi mắt thì không trôi đi ánh lửa.
Thuận sốt và mê sảng mấy ngày liền. Má vướng em nhỏ, còn ba đang mắc đi bừa vì thời vụ sạ lúa đã đến kỳ. Một mình Huyền chăm em trong nỗi thương xót, lo lắng và ân hận. Nó bỗng thù ghét gió. Hôm đó, không mải chạy theo tiếng gió réo gọi, Huyền đã không để em một mình. Không có gió đổi chiều, tro bếp sẽ không bay ngược ra đống rơm. Không có gió thổi bụi tro nóng sẽ không bay lên, mắt em sẽ không nổi đỏ như cục máu tía thế kia. Trong cơn sốt, Thuận vẫn không thôi hoảng loạn, đưa tay bịt hai mắt và la hét. Huyền muốn ba má đưa em đi bệnh viện. Nhưng ba cứ đi đồng miết, trời chưa mở mắt đã ra đồng đến đêm tối mịt mới về đến nhà. Má kêu hổm rầy trở trời, mưa xuống út Hiếu cũng cảm sốt. Út Hiếu còn nhỏ, lúc nào má cũng phải ở bên.
Rồi mắt Thuận đã vĩnh viễn chỉ đọc được màu đen. Gió tây nam thổi những cơn khô khốc. Cặp mắt trơ ra, lẫn những tia đỏ và trũng nước ươn ướt. Bệnh viện bảo mắt em bị nhiễm trùng nặng. Đã là muộn màng cho mọi sự cứu chữa. Bác sĩ trách. Ba cúi đầu. Má khóc lóc, vật vã mong con mắt em sáng trở lại. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Mắt em bị hư thì tâm hồn ấy làm sao còn sáng được nữa. Hòa trong tiếng rấm rứt của má, mưa lại đổ ào xuống…
Huyền chạy thật nhanh mặc cho tiếng sấm, sét đuổi theo, bên tai nó là trùng điệp câu nói: “Tại mày hết, tại mày... tại mày hết”, khuôn miệng của má, giọng nói của má ám ảnh đầu óc Huyền. Nó cứ chạy đi mãi, vấp ngã dập dụi lại đứng lên chạy tiếp. Nước mưa lạnh làm đôi chân tê buốt quên đi cảm giác đau đớn, hay nỗi đau trong lòng quá lớn khiến những vết xước đang rỉ máu dưới chân không còn dám rên rỉ.
Huyền đã đứng trên bờ đê từ lúc nào, mặt ngửa lên trời nhìn trùng trùng những tia nước đang rớt xuống. Mưa đầu mùa không mát mà rát thấu tận xương. Nó nhớ lại cái ngày kinh khủng ấy, ngày đất trời như sụp đổ, ngày đánh dấu cho những chuỗi lao nhọc của chị em nó, Huyền đã hứa gì? Lời hứa ấy sao giờ mỗi lúc một rõ ràng hơn, nó át cả tiếng gió mưa, sấm sét. Tưởng như ai đang bên cạnh nhắc nhở Huyền. Nó đưa tay vuốt mặt, trong màn mưa trắng xóa, nó thấy dáng người đang chạy về phía nó. Cái dáng quen thuộc mà nước mưa không thể xóa dạng được. Là Thuận đang vừa chạy, vừa gọi:
- Chị Hai ơi! Chị Hai!
Bóng Thuận liêu xiêu, nhỏ bé giữa một vùng trắng xóa nước. Huyền lao xuống đê, chạy về hướng em. Nó nhào lại ôm chặt em.
- Ông trời ơi, xin hãy lấy đôi mắt của con đi, đổi vào cặp mắt của em con.
- Không, chị Hai ơi! Không phải lỗi tại chị mà.
- Không, tại chị, nếu chị không mải chạy theo tiếng gió...
- Em… Em không sao hết, em còn có chị mà.
- Không! Chị có tội với má, với em, chị đã không giữ được lời hứa…
- Má không trách chị đâu, vả lại em vẫn còn đôi mắt… đôi mắt là chị đó.
Huyền lại ôm em vào lòng:
- Ừ, suốt đời này, chị sẽ là đôi mắt của em.
Giữa cánh đồng mưa như trút nước, trong thanh âm thịnh nộ lúc giao mùa, có hai đứa trẻ đang dìu dắt nhau như không hề biết rét lạnh.
Không thấy đường, nhưng Thuận vẫn mò mẫm trong đen tối cùng chị thức dậy nhóm lửa. Cảnh vật quen thuộc, Thuận cứ đếm mười bước là khoảng cách từ giường ra cửa sau, hai mươi bước tiếp là ra tới giữa sân, xoay về bên trái là hàng lu nước mưa. Từ chỗ đó đi tiếp năm mươi bước chân là đụng ngạch cửa nhà bếp. Đứng ở ngạch cửa, hướng đi về bên trái chừng mười bước là đến đống rơm.
Bây giờ Thuận có đến hai cặp mắt. Cu Hậu dạo này cũng thức dậy khi thấy chị và anh lò mò từ mùng chui ra. Tiếng chuông ngôi giáo đường rung lên, vang vọng trong canh khuya tĩnh mịch. Lúc người trong xóm dậy đi lễ thì ba chị em Huyền cũng bắt đầu dậy nhóm bếp. Nhà thưa nhà, người quen người, ngồi ở cửa bếp, nhìn ra ngoài đường Huyền cũng biết ai đang đi nhà thờ qua vóc dáng và tiếng nói quen thuộc. Thỉnh thoảng, một vài cô, vài bác gánh hàng đi chợ sớm hay chuẩn bị cuốc, lưỡi hái ra đồng.
Chỉ có một người Huyền thấy lạ… Không biết đấy là ai! Giá mà cô quay mặt lại, hay cô cất tiếng nói…
Trông ra phía rặng tre chắn giữa đất thổ và đất ruộng, trong màu đêm còn đen, Huyền thường thấy bóng cô. Gió nhẹ thổi bay bay tà áo. Cứ đứng đợi như thế, thật lâu cho đến khi tảng sáng, khi tiếng gà cuối cùng gáy tạm biệt màn đêm. Mấy chị em loay hoay, nồi cơm, nồi cám cạn nước thì cô cũng đi từ bao giờ cho kịp buổi chợ hay kịp chuyến đò. Huyền quên béng ngay cô vì bao công việc bủa vây.
Đêm nay Huyền không ngủ được. Cơn đau âm ỉ đủ sức lấy đi giấc ngủ của cả ngày vất vả. Giờ đã quá nửa đêm, Huyền thường đếm thời gian theo lượt những tiếng gà gáy, tiếng chuông nhà thờ đổ. Nghe sao mà buồn, mà tĩnh mịch. Đêm xuống, cả xóm không nghe thấy âm thanh gì khác ngoài hai tiếng ấy. Huyền thích tiếng chuông hơn, nó gợi trong em cảm giác yên ổn, thanh tịnh. Tiếng chuông dè dặt, khoan thai, vang mà ấm. Ở xóm này, tiếng chuông đã điều tiết khiến mọi sinh hoạt của từng mái nhà trở nên nhịp nhàng, đều đặn và giông giống nhau. Duy hồi chuông báo có linh hồn vừa mới ra đi là Huyền ghê sợ và buồn bã - hồi chuông tiễn biệt - hồi chuông cứa lòng.
Huyền khẽ trở mình, cái lưng kêu đánh cộp đau điếng, mặt em nhăn lại, răng hàm trên cắn vào môi dưới để chịu đựng cơn đau. Hồi chiều xách mấy thùng nước tưới rau, Huyền đã thấy cái lưng nó khang khác. Thấy Thuận ngủ ngon quá, nó không nỡ đánh thức em dậy, ráng khiêng cả nồi cám to hơn người từ nhà bếp đến sát mép máng đổ cám ở chuồng heo. Quãng đường lúc khiêng, lúc vần cái lưng Huyền cũng rục rịch theo, kêu cái rắc. Lúc đó, Huyền tưởng như lưng mình bị gãy làm đôi, đau thấu trời. Nhưng bầy heo kêu dữ quá, một hồi Huyền sẽ bị “điếc lỗ tai” nên ráng.
Huyền tính nhờ em xoa dầu giúp mà quay sang thấy cả hai thằng đều đang há hốc miệng ngủ, đứa giạng háng, đứa co ro. Từ ngày mắt không còn nhìn thấy, Thuận thường ngủ co ro như thế. Huyền đưa tay kéo chân Thuận ra cho thẳng thớm, nhưng chẳng được bao lâu, nó lại quay về tư thế ngủ hết sức khổ sở.
Lại một hồi chuông đổ, hình như đã đến giờ nguyện kinh. Huyền còn chưa muốn ngồi dậy, dù cả đêm không chợp mắt. Cái lưng muốn nằm thêm chút nữa. Huyền thấy thương cái lưng quá, nó xấu số mới bị gắn vào người Huyền. Suốt ngày cái lưng ấy phải gánh chịu bao nhiêu cực nhọc, hết xách nước, cắt cỏ, lại nấu cơm, nấu cám, ngơi ra là ẵm em Nhiên. Con nhỏ quen được yêu chiều, lúc nào cũng nhõng nhẽo, khóc rên rỉ, ẵm ngang lưng vẫn chưa chịu, đòi chị phải tha đi hết chỗ này đến chỗ khác. Cái lưng mỏi nhừ, chai lại, đen thâm, hõm vào hằn một vệt ngang hông, rờ vào không còn cảm giác.
- Con Huyền đâu? Mấy giờ rồi còn ngủ nướng, khét chiếu khét chăn hết rồi. Dậy mà nấu cơm đi chứ!
Nghe tiếng má Hòa, cả Thuận và Hậu cùng bật ngồi dậy, tỉnh hẳn ngủ. Huyền nhờ hai em kéo ngồi dậy rồi bước xuống giường, tay đỡ lưng và bắt đầu nhiệm vụ buổi sáng. Chưa bao giờ, cái lưng Huyền lại đau đến vậy. Tưởng chừng như nó sắp gãy ra, Huyền ước mình bị bệnh, mà phải bệnh liệt giường. Bây giờ, chỉ có như vậy, cái lưng mới thôi la ó. Đêm nay trăng lặn muộn, sao trên trời vẫn còn nhấp nháy. Cả không trung vẫn còn chìm trong mơ màng của màn đêm. Mây trên cao chắc đang bay bay nhè nhẹ. Dường như đây là lần đầu Huyền ngắm bầu trời vào lúc còn đêm đen thế này. Nhờ cái lưng đau, Huyền cứ nhấc nhổm, ưỡn lưng nên vô tình ngửa mặt lên trời. Mọi khi đầu tắt mặt tối làm gì có thời gian ngắm trăng sao. Nhìn xung quanh, Huyền như thấy bức tranh thủy mạc mà bữa hổm mới vẽ ở lớp. Ngôi nhà nằm hướng ra bờ kinh, bao quanh là cây cối, phía sau là cánh đồng ngăn cách bởi một hàng tre xanh ken dày như bức tường thành. Bên hiên nhà là hàng kiệu đựng nước thẳng tắp. Chạy dọc theo ngôi nhà và cánh đồng là bờ mương uốn lượn. Đêm nay, người ta đổ ải ruộng, con mương ngập đầy nước trắng xóa uốn lượn, mềm mại như dải lụa trong màn đêm. Huyền sẽ vẽ lại bức tranh này vào một ngày nhàn rỗi. Nhưng biết bao giờ mới có ngày không phải làm việc? Huyền sẽ vẽ vào giờ ra chơi, nhiều giờ ra chơi sẽ hoàn thành bức tranh tuyệt đẹp này.
Cái lưng nhói đau kéo Huyền ra khỏi những mông lung ý tưởng. Nó chống tay xuống đất, tạo thế đứng lên, miệng xuýt xoa, rên khẽ. Như biết được chị sắp làm gì, Thuận nhanh miệng:
- Hai để em đi rút rơm cho.
- Ừa, em đi chệch qua trái một bước để tránh buồng chuối mới chặt, không vấp té chết.
- Hậu ra lấy cái cây ở bên vách cho Hai khuấy nồi cám với, nó đang sôi rồi.
Nồi cám kêu ùng ục dưới bếp rơm đỏ lửa. Hậu khảy rơm vào bếp. Cái nồi cao ngang cổ thằng Hậu, bằng vai thằng Thuận và ngang bụng Huyền. Nó cầm cái cây khuấy cám rồi khó nhọc đứng dậy, vì việc này vượt quá khả năng của hai thằng em. Cám phải khuấy đều tay, không rất dễ bị khét, vừa hụt bớt phần cám mà rửa nồi rất cực. Chưa kể, má sẽ cho một bài giảng về… kinh nghiệm nấu cám. Nghĩ đến việc để má phải phiền lòng, Huyền lại nhanh tay khuấy, tiếng kêu phát ra từ tấm lưng gầy guộc, giơ xương kêu răng rắc, Huyền nghĩ là lưng mình đã gãy làm hai, gãy rụp nửa thân trước xuống nồi cám. Nước mắt Huyền lăn dài hai bên má. Nước mắt tuôn thay cho sự kìm nén cực độ. Một đứa trẻ lên tám, làm sao nghĩ được gì nhiều hơn lúc này ngoài niềm tin mình sẽ chết.
Nhưng dù có chết thì vẫn phải nấu cho xong nồi cơm, nồi cám này. Trong ánh lửa lập lòe, những giọt nước mắt như bị ngấu nghiến hết. Vậy mà cái lưng thì ánh lửa không thể chữa cho khỏi.
- Hai ơi, Hai… au lắm hả? Hay… ể em lên nhà gọi ba… ậy? Hay gọi má xuống n… a!
- Trời còn tối lắm, để ba má ngủ. Hai chịu được mà.
- Để em làm cho. Chị Hai đau lắm hả Hậu?
- Dạ, em… ấy. Hai… ăn mặt, cái lưng Hai cứ… òm… òm nư à cụ.
- Em không nhìn thấy, khuấy cám nguy hiểm lắm. Hai đứa rút rơm, đẩy rơm vào bếp giúp Hai là được.
Huyền nói rồi nheo nheo mắt, nuốt những giọt nước đang cố chảy ngược vào trong. Quay ra ngoài hắng giọng xem như không có gì, để trấn an hai em. Đôi mắt em bất chợt dừng lại ở hàng tre hướng ra ruộng. Trời tờ mờ sáng, gió lùa tà áo trắng bay bay. Sao cô còn chưa đi nhà thờ? Đã trễ thế cô còn đứng đợi ai? Giá mà cô ấy quay mặt lại thì Huyền đã chạy ra hỏi, hay ít nhất cũng biết cô là ai. Nhưng cô chưa một lần quay lại. Dường như cô không biết trong cái vách đất này có sự tồn tại của ba chị em Huyền. Mà lạ quá, sao cô không biết được? Chắc gió thổi ngược từ đồng vào nên cô không nghe thấy chị em Huyền nói chuyện? Cô đứng khuất sau bụi tre, Huyền chắc là hai đứa em mình cũng chưa từng biết cô đứng đó. Huyền lặng nhìn cô mãi, gió lùa tóc cô bay bay. Huyền thấy thương mái tóc, thân quen đến ngộp thở, mái tóc dài chỉ được xõa ra vào đêm đêm hay khi được tắm gội. Nhắm mắt lại, tim Huyền tự nhiên nhói lên, đau kỳ lạ. Nếu cô không đi nhà thờ thì chắc cô đi ra tỉnh có công việc gì đó, cũng có thể là cô giáo dạy ở ngoài phố nên sáng nào cũng phải dậy đi từ sáng sớm. Ý nghĩ cô ấy là một cô giáo khiến Huyền thấy vui vui. Giá hôm nay lưng không đau, Huyền sẽ đánh liều ra đó bắt chuyện với cô, biết đâu Huyền sẽ hỏi được mấy bài tập toán với lại mấy chữ ghép vần mà nó không hiểu nổi khi thì có “hờ”, khi thì không “hờ”, mà cả hai chữ “ngờ”, “gờ” đều rắc rối như vậy. Nhưng mà hỏi cô, biết đọc hết, má sẽ cho nghỉ học. Má đã bảo con gái học biết đọc, biết viết là được rồi. Vậy nên, mai mốt gì ra hỏi cô ấy cũng được, để lâu lâu… nghỉ học muộn hơn một tí.
Ý nghĩ cô ấy là một cô giáo khiến Huyền thấy ấm áp vô cùng. Cô giáo như mẹ hiền mà, dù cô chỉ đứng thôi, nhưng Huyền đã cảm thấy từ cô toát ra một sự trìu mến, đỡ nâng và thương xót. Một thứ tình cảm mà bấy lâu Huyền đang thiếu thốn và khao khát, cả Thuận và em Hậu. Chẳng hiểu sao Huyền muốn giữ lại bí mật về cô cho riêng mình. Em cảm thấy ấm lòng khi nhìn thấy cô. Chả biết, những đêm mưa gió cô có đứng đấy không, vì những khi mưa đêm, trời tối quá, Huyền chưa một lần dám nhìn ra bên ngoài trời. Và thường trời mưa, người trong xóm cũng rất ít khi đội mưa đến nhà thờ. Một phần vì đường kinh tế mới này còn nhiều chỗ quá lầy lội. Mưa xuống, chỉ có nước chịu trận ở nhà. Như nhà Huyền, chỉ đi từ nhà trên xuống nhà bếp, cách một cái sân đất, không khéo còn vấp té, còn chân lấm bùn bầy nhầy là chuyện thường. Mùa mưa nào, chân mấy chị em cũng lở toe toét, da bong tróc, đỏ om, ngứa gãi cả đêm, người ở xóm Huyền gọi là bị nước ăn chân. Nghe thiệt ghê, nước mà ăn được cả chân. Vậy mà nước ăn chân đến cả sáu tháng mùa mưa cộng mùa nước, cả xóm mấy chục đôi chân biết đạp nước bị “ăn” mà vẫn phải chấp nhận. Không nhận chân xuống nước lấy gì bỏ vô cái miệng? Đến con nít như chị em Huyền mà đêm đêm vẫn phải sát phèn hay ngâm nước muối cho đỡ ngứa, đỡ đau.
Ấy là khi mưa bắt đầu dầm dề, thối đất thối cát, chớ giờ thì Huyền đang đau chỗ khác. Cái lưng không đau dữ dội là Huyền nhất định chạy đến gần cô, giả tỉ như chưa dám bắt chuyện thì nhìn khuôn mặt, dáng dấp cũng thấy vui vui rồi. Huyền chắc là cô sẽ mến em. Rồi Huyền sẽ kể chuyện đi học còn mấy chữ chưa biết đánh vần, xin cô chỉ giùm. Hỏi cô xem, sao cỏ cắt rồi lại đâm ra, non và mập còn thằng út sao Huyền đút cơm, ẵm bồng quá chừng mà nó khóc, bịnh hoài. Mỗi bận đi cắt cỏ, rút rơm, trời chuyển mưa, chuồn chuồn bay là là mặt đất, Huyền bắt chuồn chuồn cho cắn rốn mình, rốn thằng Thuận, thằng Hậu mà chưa đứa nào biết bơi, bữa ba chị em vớt lục bình té sông sém chết, mỗi đứa no một bụng nước. Hai thằng em còn nói bị chị Hai xí gạt. Hay cô học cao chắc cô biết có chỗ trị được đôi mắt cho thằng Thuận. Rồi có một ngày, đôi mắt Thuận sẽ sáng trở lại. Hỏi cô uốn lưỡi như thế nào để thằng Hậu không còn ngọng nghịu nữa, nó nói nhiều từ khó hiểu thấy mồ. Còn vá áo làm sao để không bị rối chỉ, sao khâu cho đường kim thẳng tắp như má hồi nẳm. Trời, nhắc tới má, nó lại rớt nước mắt. Lâu quá rồi, không thấy má ngồi may áo cho mấy chị em.
Đàn heo biểu tình dữ dội đòi ăn sáng. Cả ba chị em đứng vây quanh nồi cám. Huyền múc cám ra thau, ra thùng. Cái khó là ai sẽ bưng, xách cám đến máng heo? Huyền cúi người, mặt nhăn lại, răng cắn môi mấy lần mà không sao bưng, xách gì được.
- Em với thằng Hậu khiêng nha Hai!
Huyền khẽ gật đầu, xua tay không cho đổ nước vào thau, hai thằng em chỉ chờ có vậy rồi bốn tay đỡ khiêng thau cám còn đang bốc khói nghi ngút.
- Để vậy khiêng cho đỡ nặng, cám còn nóng lắm, hai đứa bê cẩn thận.
Cu Hậu vịn bưng, lưng quay về phía trước, Thuận bê ở phía sau. Cám nghiêng về phía trước vừa nóng, vừa nặng. Giá mà Thuận còn sáng mắt, em sẽ cúi thấp xuống một tí nữa cho vừa tầm tay với thằng em, em sẽ giữ cho thau cám ở thế cân bằng. Sau sáng nay, Thuận đã nghĩ như thế, đã khóc bằng đôi mắt vốn đã quen ươn ướt…
Huyền cũng khóc, khóc ngay khi thấy Hậu vấp té vào cục gạch để chận mùng heo. Đêm qua, con chó nào đã đẩy cục gạch để chui vào chuồng heo tránh muỗi. Thế đi dịch lùi cùng với thau cám nặng làm Hậu không gượng lại được, sau khi vấp phải cục gạch lăn hẳn ra ngoài đường đi. Cả thau cám đổ vào người Hậu. Hậu hét lên thất thanh, Thuận nhào tới, vuốt cám nóng ở vai, ở trước ngực em.
Tiếng heo gào liên hồi, ba và má từ trong nhà chạy xuống. May mà Hậu chỉ bỏng nhẹ vì có lớp áo mặc bên ngoài.
- Mày sao lại để hai đứa nó bưng cám? Làm biếng vừa vừa thôi!
- Còn hai đứa kia, không làm được thì đừng có xới lới vào, tụi bây toàn là gây ra chuyện phát tức mà.
Cả ba đứa đều bị ăn chửi. Nhưng Huyền thấy ba má la đúng, nếu nó cố một tí chắc cũng sẽ xong thôi. Hoặc không cố nổi, nó phải gọi ba má giúp đỡ. Hai em nó, cu Hậu còn nhỏ quá, thằng Thuận bưng nổi nhưng lại không thấy đường.
Rồi một buổi chiều lộng gió, những cơn giông đổ ập xuống cánh đồng khi lũ trẻ đang thả diều. Cơn giông cuốn bụi bay mù mịt, hung tợn rồi cuốn đi, nước từ trên trời như trút xuống. Khi Huyền vừa cho lũ heo ăn xong thì cô ấy vào nhà trú mưa. Trong tiếng gió rít liên hồi, Huyền thấy bóng cô đứng nép sát hiên nhà. Huyền cùng lũ em mời cô ấy vào trú mưa…