Đêm qua, tôi đã mơ một giấc mơ lạ kỳ.
Tôi già nua và teo tóp nằm trong cỗ quan tài. Đường ra nghĩa trang rợp bóng mát của những khóm trúc hai bên lối đi. Tôi không thấy bà nội, không thấy ba mẹ tôi, một vài anh chị của tôi cũng không thấy, tôi không có lấy một đứa con, không có đứa nào mặc vải màn. Chỉ có những đứa cháu. Chúng đã trưởng thành và quần tụ xúm xít đi dưới quan tài. Vài đứa cháu gái ẵm theo những đứa trẻ nhỏ, chắc là con của chúng. Một cảnh đưa đám rất đông đúc và trang trọng. Khi gần tới mộ huyệt, mắt tôi hoa lên và nóng rực. Những cây nhang trên tay mỗi đứa cháu bỗng bắt lửa, cháy đỏ rực thành những ngọn đuốc lớn. Tay kia của chúng mọc ra những lưỡi hái, súng và những vật tròn dài hình dáng như cái dùi sắt. Chúng tiến lại gần quan tài, những ngọn đuốc chất lên cái xác bất động. Toàn thân tôi nóng rực rồi tan biến vào lửa khi chỉ vài bước nữa là chiếc quan tài được đặt xuống huyệt.
Phía trên ngọn lửa, bà Thơm đang giơ tay kéo tôi. Bà cười sặc, bên mắt phải rực một màu đỏ lửa, phía dưới lủng lẳng một bên chân cụt ngủn.
*
Làng tôi sát biên giới. Bao quanh là những ngọn núi kỳ quặc sừng sững giữa mênh mang đồng xanh cỏ lúa. Đất lẫn cát sỏi, ấy vậy mà bao đời chưa ai nỡ dời bỏ quê đi bao giờ, cả những tháng năm khủng khiếp nhất của chiến tranh. Tôi về đúng tháng mùa hạ, đường quê sực mùi phân bò lẫn vào gió bụi. Nắng nóng soi khét tóc, khét da trên chỏm đầu ba giá của bọn trẻ đang chạy nhảy quanh đụn rơm bên đường. Chúng vừa ốm, vừa đen đủi. Tôi soi tuổi thơ mình trong hình hài của chúng, trong đôi mắt luôn lấp lánh khí chất của người con của ngôi làng có long thần chọn làm nơi tọa ẩn.
Tôi về quê, sau những hoang hoải, bâng khuâng.
*
Tin bà Thơm đã chết làm tôi mất ngủ. Cảm giác vừa thương xót vừa tiếc nuối như tôi vừa đánh mất thứ gì...
Tôi đã quên bẵng đi bà cụ ấy. Từ lâu. Dù bà cụ từng là hàng xóm sát bên nhà.
Quên thật sự cho đến vài ngày đầu tháng Chạp năm vừa rồi, tôi đi nuôi bà nội bệnh nằm viện ở tỉnh. Tôi tình cờ gặp bà Thơm cũng đang nằm viện để chờ cưa chân. Cưa thêm lần nữa, cái chân bị hoại tử, vết cưa trước đó không lành.
Bà nội tôi nằm ở khoa nội tổng hợp luôn đông chật bệnh nhân. Thân nhân đi nuôi bệnh vì thế cũng nhiều lên gấp bội. Nhà vệ sinh của khoa luôn chật cứng người ra vào. Khoa nội cách khoa chấn thương chỉnh hình một khoảng sân trồng nhiều hoa kiểng. Tôi thường đi sang khoa chấn thương chỉnh hình để dùng nhờ nhà vệ sinh khi cần, để tránh chờ đợi, tiện thể ngắm hoa. Nhà vệ sinh khoa chấn thương chỉnh hình nằm cuối một hành lang dài, dọc hành lang thường mở cửa sổ thông thoáng. Thi thoảng, vì sự tò mò, tôi ghé mắt nhìn vào rồi lại sợ hãi trước cảnh người băng đầu, người bó tay, cột chân nên đi thật nhanh cho mau qua.
Trưa đó, khi từ nhà vệ sinh khoa chấn thương chỉnh hình đi ngược lại dãy hành lang, tôi thấy tiếng kêu la, chửi bới liên hồi. Hiếu kỳ, tôi đứng lại xem vì đám đông đã quần tụ xung quanh khu vực cái giường ấy: Một bác sĩ, hai y tá, mấy cô bé điều dưỡng sinh đang thực tập, cả người bệnh lẫn người đi nuôi đang xúm xít, to nhỏ, vẻ rất tò mò. Đứng bên ngoài hành lang, ngay cửa sổ, tôi dễ dàng nhìn thấy nhân vật trung tâm của đám đông: Một bà cụ nhỏ thó, bị cột hai tay và một chân trái, còn chân phải chỉ còn tới đầu gối. Nơi ấy, bông gòn trắng được quấn vòng quanh, xộc xệch, vài miếng bông đã khô máu sắp rơi ra.
Bà cụ quay mặt ra phía cửa sổ. Miệng lại hô hố lên, không biết khóc hay cười mà một phần gối chỗ bà áp mặt xuống thấm ướt.
Bà cụ có vẻ thấm mệt sau cơn giãy giụa liên tục nên nằm im, rên khe khẽ. Nước biển truyền một tay, còn một tay đang truyền máu. Cuộc nói chuyện của người phụ nữ và cô y tá khiến tôi chú ý, không phải vì hiếu kỳ mà vì người được giới thiệu là cháu bà cụ, tôi có cảm giác rất quen.
Hai người đứng quay lưng ra cửa thầm thì mãi. Lúc này, bà cụ đã thiêm thiếp ngủ. Người bà rút lại, nhăn nheo. Nắng gay gắt hắt qua cửa sổ. Đầu bà nhỏ thó như trái dừa khô chưa bóc lớp vỏ ngoài teo tóp, móp méo. Tóc gọt sát da đang lún phún mọc ra, nấm mụn trên đầu bong vảy trắng. Lâu lâu bà lại giật tay, ngọ nguậy. Vẻ đầy bứt rứt. Trộm nghĩ, bà giật dây truyền nước chắc vì muốn giơ tay lên gãi cái đầu ngứa ngáy. Cảm giác ngờ ngợ càng lúc càng khiến tim tôi run run. Bà cụ chỉ còn một bên mắt trái. Con mắt phải tịt lại, loe ngoe vài sợi lông mi trắng ở mí trên dính liền xuống tận mí dưới.
Hình ảnh một bà cụ chột bên mắt phải cứ dần quay cuồng trong đầu. Tôi đi như chạy về khoa nội tổng hợp. Mỗi bước chân chạm xuống đất dội lên tới trí não rồi lại tràn xuống lồng ngực...
*
Tôi chóng mặt. Tin bà cụ Thơm - hàng xóm cũ sát bên nhà qua đời ở viện dưỡng lão khiến tôi không ngủ được. Bà nội do tuổi già khó ngủ nên lại điện thoại cho tôi. Bà nói nhiều chuyện gần xa và lấy nhân vật hàng xóm ngày xưa mới khuất để làm dẫn chứng sống động cho cái luận điểm về việc tôi phải lấy chồng cho thêm phần thuyết phục. “Cha mẹ thì chết hết rồi; anh chị em lúc ấy cũng người còn người mất, mà ai còn cũng già cả, lo cho họ chưa xong; còn cháu chắt, chúng nó có phần, có việc của chúng nó; rồi lại phải vào viện dưỡng lão, chết trong cô độc, người ta đem thiêu xác. Mà, chẳng phải cháu cũng sợ bị đem vào lò thiêu đấy chứ?”.
Sợ đem vào lò thiêu? Bà Thơm từng rất sợ sau khi chết sẽ tan biến trong lửa. Lần ấy, sau khi thăm người cô của mình, cháu của bà Thơm đã ghé sang thăm bà nội khi tình cờ gặp mẹ tôi ngoài hành lang nối giữa hai khoa. Tôi không nhận ra người cháu của bà Thơm. Tôi xa nhà nhiều năm nay, dịp lễ tết mới có về. Bác ấy lại ít khi ở quê, vài năm gần đây sống hẳn với con trai út trên Sài Gòn. Nghe đâu, con trai út của bác làm giám đốc một công ty lớn. “Người hàng xóm xa xa” ấy kể lần gần đây nhất là năm năm trước từng rước bà Thơm về chơi. Lúc này, bà cụ còn khỏe, minh mẫn. Bà nằng nặc đòi đứa chắt họ chở ra nghĩa trang thăm mộ cha mẹ, các anh chị của mình. Bà xoa từng tấm bia, vuốt từng khuôn mặt thân quen. Ngồi trò chuyện với những ngôi mộ cho đến khi mặt trời lặn mất tăm tích. Đứa cháu không kiên nhẫn được nữa, giục bà lên xe chở về. Mấy ngày được về quê, bà Thơm chỉ đòi đi ra nghĩa trang. Hết hạn được “về nhà”, đứng ở cổng viện dưỡng lão, bà chần chừ rồi nắm tay cô cháu gái gọi bà bằng cô mà dặn dò: “Khi nào cô chết, mang xác cô về chôn ở chỗ ông bà nội, sát ba mẹ cháu giúp cô. Cô sợ bị đưa vào lò thiêu lắm!”.
*
Bà Thơm đã được hỏa táng sau khi mất. Viện dưỡng lão nói đã gọi vài cuộc điện thoại về cho người cháu trai gọi bà bằng bà cô. Không người bắt máy, họ đành hỏa táng bà. Họ có biết bà sợ bị thiêu không? Nội tôi bảo họ biết nhưng họ không thể làm khác, bất kỳ người già nào chết ở nơi này, không có thân nhân nhận về, họ đều phải làm như vậy. Họ xem là chuyện bình thường. Viện dưỡng lão vẫn có những cái xác già rúm ró, lạnh băng chỉ sau một đêm.
Mai này tôi chết, gia đình đem xác đi hỏa táng, tôi không sợ.
Nhưng bà Thơm thì khác, bà sợ bị thiêu.
Không sao ru được giấc ngủ. Tôi lại nghĩ về bà Thơm. Cố lục lọi những hình ảnh về bà còn sót lại trong trí nhớ mà lẽ ra hôm ở bệnh viện tôi đã phải làm việc này. Tự nhiên, tôi thấy mình dễ quên. Tôi mới chỉ ngấp nghé ba mươi và chuyện của những ngày lên tám, cách xa mới hơn hai mươi năm. Tôi giật mình. Lần ấy trong viện… Sao tôi lại không nhớ gì về bà cụ kia chứ? Việc này đồng nghĩa với tôi đang dần lãng quên một phần tuổi thơ bé của mình.
Nội vẫn đang kể chuyện qua chiếc điện thoại.
Tôi không tập trung lắm vào câu chuyện của nội. Trí não tôi đang nghĩ đến ngọn lửa…
*
Tôi và vài đứa bạn trong xóm thường trốn ngủ trưa ra khu vườn trồng toàn trúc và chuối. Khu vườn nằm ngay phía sau nhà tôi và ngôi nhà của bà Thơm. Chúng tôi dựng túp nhà chòi giữa những bụi trúc để lấy điểm tựa và bóng râm. “Ngôi nhà” trên dưới, bao vây xung quanh đều bằng lá chuối. Trưa nắng, căn chòi ấy đúng là nơi trú ngụ lý tưởng. Trong một lần khi đang nấu cơm - chơi nhà chòi không thể thiếu tiết mục ấy - trẻ con làng quê, đứa nào cũng biết nhóm bếp hay ít nhất là làm quen với lửa từ khi còn bước sấp bước ngửa. Chúng tôi tận dụng hết những vật dụng trong bếp mà các bà mẹ không dùng nữa để nấu cơm, nấu canh, có khi chiên cá. Chúng tôi bới một cái lỗ nông dưới đất, đặt ba cục gạch như ba cái chân kiềng trong bếp của mẹ. Vo gạo, bắc cơm lên bếp, chụm củi và nhóm lửa. Đứa nào cũng thích đun bếp, cũng thích chất củi vào cho lửa cháy to. Gió thổi mạnh, lửa tạt vào khóm trúc, những cây trúc khô mau bắt lửa. Lửa lan nhanh qua mái chòi, những tàu lá chuối heo héo nằm phơi mình dưới nắng cũng hùa cháy theo. Cả lũ trẻ chỉ biết mở to cặp mắt nhìn ngọn lửa phừng phực cháy, có đứa phấn khích khi lần đầu thấy những cây trúc tươi bén lửa ngọt. Lửa bốc thành ngọn tỏa khói lên trời. Cả đám mới bắt đầu biết sợ.
“Lửa! Dập lửa mau! Má ơi! Ba ơi! Ai cứu ba, má tui với!”. Âm thanh hốt hoảng ấy là của bà Thơm. Bà đang nằm võng phía sau nhà ngủ, ngửi thấy mùi lửa. Cứ vậy, tri hô. Bà chạy lăng xăng gọi người. Mẹ tôi kéo máy bơm ra xịt. Lửa chưa kịp tắt hẳn. Bà Thơm lên cơn co giật. Mắt bà trợn ngược lên trần nhà, miệng sùi bọt mép, mê man những tiếng kêu cứu thảm thiết.
Bà Thơm rất sợ lửa lớn. Tôi bị phạt quỳ giữa nhà vì bà Thơm sợ lửa. Tôi đã không thấy mẹ vô lý nếu mẹ chỉ phạt tôi vì cái tội làm cháy vườn cây.
Mẹ bắt tôi quỳ vì cái cơn co giật vô cớ của bà Thơm.
Bà nội lẳng lặng thở dài. Bà không bênh vực cho tôi như mọi khi tôi bị phạt. Dù rằng - tôi nghĩ - những lần ấy mình đã có những lỗi phạm còn nghiêm trọng hơn lần này.
Ti vi đang phát phim tài liệu. Đoạn phim toàn một màu trắng đen. Nếu không phải đang bị quỳ một chỗ, tôi chắc chắn mình không bao giờ để mắt đến cái màn hình tẻ nhạt lúc này. Cảnh giết người man rợ. Đủ mọi hình thức ghê tởm nhất. Trong bụng tôi thấy tiếc, vì nếu chuyển sang thể loại phim kinh dị với màu sắc rõ nét chắc sẽ thu hút khối người xem. Một đội quân đen đúa, dữ tợn, đùng đùng sát khí, trên tay cầm lưỡi hái, súng và những vật tròn dài hình dáng như cái dùi sắt. Nhìn chúng không khác những con thú khát máu. Đi đến đâu là cắt cổ, là móc mắt, là đâm thẳng từ trên đầu đâm xuống, từ dưới đâm lên. Những đứa trẻ khóc ngất. Vài đứa sơ sinh bị giằng mạnh hai chân, xé đôi thân thể. Những cái xác không nguyên vẹn chất chồng. Vài cánh tay ngọ nguậy trong một đống xác người đẫm máu nằm bất động. Tiếng la hét thất thanh, hoảng loạn. Và lửa. Chúng đốt lửa cháy đỏ loang rực cả một vùng. Nhà cửa, vườn tược cây cối tan biến trong màu lửa. Cơ thể tôi bắt đầu thấy nóng, tôi đổ mồ hôi và thấy máu chảy trong từng thớ thịt đang sôi. Người tôi có lửa. Lửa ở đâu đang thiêu đốt tôi.
Cảnh cuối cùng của đoạn phim làm tôi ấn tượng. Đó là một nhà mồ. Khu nhà mồ ấy rất quen, rất gần. Nó nằm ngay thị trấn. Tôi đã từng đôi lần đi vào. Cảm giác không sợ mà bần thần. Trong mắt một đứa trẻ lên tám, đó là một đống xương trắng khô. Một đống xương và hộp sọ nhiều đến mức tôi không còn cảm giác đó là xương của người chết. Không có cảm giác sợ hãi. Thật khó lý giải cho cái tính nhút nhát của tôi. Thậm chí, tôi muốn sờ vào những hộp sọ. Và, tôi đã sờ bằng mắt. Sọ của người già hằn lên những tiếng thở dài căm thù bất lực. Sọ của các chàng trai trẻ vẫn hừng hực hơi nóng, từng mảng gồ xếp lớp là hằn dấu của hoài bão và ước mơ vừa mới nhen nhúm. Tôi dừng lại chỗ sọ của các thiếu nữ thanh xuân. Những chiếc sọ mỏng hơn, bé hơn. Tôi thấy họ yếu đuối và mảnh dẻ, hẳn đã rất hoảng hốt khi lìa đời. Tôi nghe thấy thanh âm những chiếc sọ đang nỉ non, rấm rứt. Một cái sọ trẻ em nhảy múa trước mặt tôi. Nó tròn vo, dễ thương dù mang hình hài cái sọ. Tuyệt nhiên không gồ ghề, tuyệt nhiên trắng muốt. Cái sọ chứa tiếng cười tinh nghịch. Chắc là chủ nhân của nó còn quá nhỏ, quá thơ ngây để biết được mình đã chết.
Những cái sọ không làm tôi sợ mà cảm giác bần thần. Tôi gọi nó là cảm giác bần thần mỗi khi trong người có những xúc cảm lạ, khi trí não lơ mơ, tay chân trở nên rời rạc thiếu sức lực, một trạng thái gần như mất ít nhiều ý thức và sức lực.
Bộ phim tài liệu cũng khiến tôi bần thần. Làng xóm của tôi - nơi đây đã từng có những thước phim kinh dị diễn ra! Tôi nghĩ là mình bần thần thật sự khi nội bảo, ba và má của bà Thơm đã bị quân tàn bạo ấy thiêu chết trong khi hai người cố giữ căn nhà tổ của dòng họ. Họ cháy cùng ngôi nhà, bay lên cùng tổ tiên trước con mắt hoảng sợ, kêu cứu trong bất lực của đứa con gái. Đứa con gái tội nghiệp cố thâu tóm hình ảnh cuối cùng của ba mẹ bằng một bên mắt duy nhất. Bên mắt duy nhất còn tinh tường để hứng chịu tất cả sự ám ảnh cho con ngươi kế bên từ lâu đã không thể nhìn thấy.
Ba má bà Thơm đã cố giữ ngôi nhà tổ, bằng cả tính mạng. Họ đã chết cùng với ngôi từ đường. Ngôi nhà mà họ đã cố công xây dựng bằng mồ hôi và cả máu của cô con gái. Ngôi nhà nhỏ sát bên nhà tôi từng là một ngôi từ đường khang trang. Vài lần lũ trẻ chúng tôi đã nhặt được những thanh sắt hoen gỉ rỗng ruột ở một cái hố gần khu vườn phía sau nhà. Những thanh sắt vụn được lũ trẻ “thèm” đồ chơi xếp lại thành hình những khẩu súng. Những mảng, miếng khơm khớp nhau dù đôi chỗ bị thiếu hụt, bị cong, bị cháy, bị gãy. Đó là phế phẩm được chất thành đống sau một vụ nổ lớn trước khi ngôi từ đường được xây dựng.
*
Ngày còn nhỏ, những đứa trẻ ở làng tôi thường bị người lớn dọa bà ngoáo ộp mỗi khi không nghe lời, hay khi không chịu ăn cơm. Bà Thơm luôn đóng vai bà ngoáo ộp đó. Bà Thơm chỉ có một mắt. Những đứa trẻ chưa từng nhìn thấy bà ngoáo ộp nhưng tự động sợ bà Thơm mà ngoan ngoãn. Nhưng bà Thơm khi không xưng: “Ta là ngoáo ộp đây” lại rất hiền, rất thích chơi với trẻ con. Những đứa trẻ không phân biệt được đâu là ngoáo ộp nên ít khi dám lại gần bà. Tôi cũng sợ bà ngoáo ộp.
Bà ngoáo ộp làng tôi gắn với nhiều giai thoại. Những người già trong làng thường xầm xì với nhau.
Bà tôi đã già nên trí nhớ kém dần. Lúc ở trong viện, bà lại đang bệnh nên kể những câu chuyện không đầu không cuối. Tôi làm vẻ chăm chú nghe để bà có hứng kể chuyện mà quên đi cơn đau nhức. Giá mà lúc ấy, tôi không để tâm vào chiếc điện thoại thông minh thì bây giờ tôi không đến nỗi phải nằm vắt óc để xâu lại câu chuyện của bà ngoáo ộp.
Dường như bà tôi kể, đã có một vụ nổ lớn xảy ra gần những ngày giải phóng ở nhà bà Thơm. Vụ nổ ấy làm bà Thơm bị mù bên mắt phải. Tin về vụ nổ bất thường lan đi rất nhanh. Ngay trưa ngày hôm sau, tên xã trưởng giắt súng bên hông hùng hổ, kéo theo sau một đám lính mặc quân phục rằn ri tới nhà bà Thơm tra khảo. Chúng trói cha mẹ bà vào gốc cây đào lộn hột. Một tên mặc áo bà ba nâu vào sau khép nép chào tên xã trưởng, rồi trợn mắt bước tới chỗ gốc đào:
- Tao theo dõi vợ chồng mày lâu nay. Tụi bây là Việt cộng. Khai mau, súng ống ở đâu mà dự trữ nhiều như vậy? Đồ láo! Rơm mà phát nổ mạnh như vậy được à?
Máu tứa ra miệng trên khuôn mặt đã bắt đầu sưng húp của hai con người đang bị trói đứng. Họ im lặng, môi mím chặt và mắt long lên căm thù.
- Để xem, chúng còn cứng đầu được nữa không. Trói luôn con Việt cộng con vừa bị chột một mắt lại. Tao móc luôn con mắt của con gái chúng mày, xem chúng mày còn câm được nữa không. À, mà quên, chúng ta còn phải cảm ơn vì trò chơi ngu ngốc của nó.
Người phụ nữ bị trói nhìn thấy con gái mắt còn đang băng bông bị lôi xềnh xệch ra khỏi giường, nước mắt người mẹ tuôn thành dòng. Đứa bé không ngừng kêu la gọi mẹ.
- Bây giờ chúng mày có khai không, tao đếm tới ba…
Không gian như đông lại, tiếng đếm đã dằn mạnh đến lần hai. Hai vợ chồng nhìn đứa con gái mà quên mất những cơn đau đang dội lên.
- Thơm ơi, ba má xin lỗi con - Người cha run lên từng tiếng trong khi người mẹ đã ngất lịm.
Đếm đến tiếng thứ ba, tên xã trưởng ra hiệu cho một tên lính tiến đến móc mắt đứa trẻ. Khi đứa bé đang giãy giụa, kêu cứu thì bất ngờ một ông lão xuất hiện theo sau những tiếng cười vang.
Ông lão ăn vận theo kiểu nhà tu hành. Quần áo sờn màu, tay chống gậy, tay vuốt râu dưới cằm như từ ở ngọn núi nào vừa giáng xuống. Nhà tu hành đi vào giữa sân:
- Nhìn xem, họ chẳng có vẻ gì là những tên Việt cộng. Họ là những tội nhân mà tổ tiên đang trừng phạt. Họ đã đốt đống rơm. Cả làng này, ai cũng biết đất này là đất rồng cuộn. Chỗ đống rơm ấy chính là long nhãn. Bé gái này đã vô tình thiêu cháy một bên mắt của rồng nên đã bị nổ tung một bên mắt. Tiếng nổ lớn ấy chính là tiếng nổ của mắt rồng.
- Nhảm nhí, bắt luôn ông già này lại! - Tên xã trưởng ra lệnh.
- Khoan đã! - Tên mặc bộ bà ba nâu đưa tay ra hiệu dừng lại rồi thì thầm vào tai tên xã trưởng.
Họ rút lui sau đó khi thấy chỗ đất đang đứng dưới chân đã nứt ra một đường lớn từ khi nào. Đất nóng dưới bàn chân.
Đất làng tôi là đất rồng cuộn. Câu chuyện về long thần đang ngự dưới lòng đất đã trở thành niềm tự hào và được kể nhiều lần từ khi núi đồi còn hoang sơ, khi sinh hoạt của những phum, sóc còn quây quần dưới ánh lửa đêm trăng.
Tôi nhớ ngay đến ánh mắt hoảng sợ hôm nào của mẹ khi phun nước dập lửa, tiếng thở dài của nội ngày chúng tôi làm cháy khu vườn. Mọi thứ cứ quay cuồng trong đầu. Cả những cơn co giật, sùi bọt mép và nói huyên thuyên kêu cứu của bà Thơm ngày ấy.
*
Người ta bảo nhau, họ xây từ đường để thờ tổ tiên và để thờ… mắt rồng. Dưới nền ngôi từ đường chỉ xây móng và để rỗng khoảng hầm rộng bằng đúng diện tích ngôi nhà. Họ sợ lại giẫm phải một bộ phận nào đấy của long thần!
Nhưng nội tôi kể, đêm đêm dưới khoảng rỗng của ngôi từ đường ấy hay lấp ló ánh đuốc. Có những con người rì rầm như những bóng ma. Tổ tiên của nhà bà Thơm quy tụ về dưới ngôi từ đường! Vị cao nhân có chòm râu bạc dưới cằm thường quanh quẩn trong vùng tối ấy mỗi đêm. Dĩ nhiên, ông trở thành vị khách quý, vì là cứu tinh của gia đình bà Thơm.
Bà tôi kể tới đây và trong đầu bà không khỏi thắc mắc. Bà đã không nhìn thấy vị cao nhân ấy nữa sau ngày thấy một người giống ông cầm cờ đi tiên phong trong một cuộc nổi dậy. Chòm râu bạc bay lơ thơ trong gió mùa thu, oai phong như một vị thánh.
Sao vậy nhỉ? Giá mà lúc ở bệnh viện tôi đã bỏ qua chiếc điện thoại thông minh để nghe trọn câu chuyện nội kể.
*
Ba má bà Thơm đã cháy cùng ngôi từ đường vào ngày mười tám tháng tư. Ngôi từ đường chắc chắn không chạm đến mắt còn lại của rồng đất. Không có một vụ nổ nào, chỉ có tiếng la hét của con người. Ngôi từ đường vẫn cháy, cháy cùng với những ngôi nhà khác trong làng, cháy cùng vườn tược. Toàn thân long thần bốc lửa.
Tôi thấy khát nước. Tôi múc những giọt cà phê đã loãng màu vì pha từ hồi chiều. Cà phê. Tối hôm ở bệnh viện nằm dưới chân nội, tôi đã nghĩ sáng hôm sau sẽ mang cho bà Thơm một ly cà phê, sẽ thử gọi “bà ngoáo ộp ơi”, xem bà còn nhớ tôi không!
Nhưng, tôi vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được ý nghĩ ấy nữa. Lẽ ra, khi nghĩ nên làm việc gì, tôi phải làm ngay. Tôi tự trách mình. Bà Thơm đã thèm biết mấy ly cà phê của tôi. Chắc chắn là vậy. Bà Thơm phải cưa chân do biến chứng của bệnh tiểu đường, cưa thêm vào lần nhập viện trước tết vì vết cưa cũ không lành do bệnh tiểu đường đã ở giai đoạn cuối.
Bà Thơm bị tiểu đường nên càng thèm cà phê hơn bao giờ. Hồi chưa vào viện dưỡng lão, có bận bà Thơm đau mấy ngày liền bỏ ăn chỉ uống cà phê mà sống, mà tỉnh. Tôi đã nảy ra ý định mang cà phê cho bà Thơm khi nghe nội kể đoạn này. Tôi nhìn những giọt cà phê đã loãng màu, nhạt nhẽo thấy ghét bản thân mình hơn bất cứ lúc nào. Chắc chắn cả đời này, tôi sẽ không bao giờ còn cảm thấy hương vị thơm ngon khi uống cà phê.
Nhưng cháu bà Thơm thì khác. Họ đã bán miếng đất mắt rồng ngay sau khi lo xong thủ tục đưa bà vào viện dưỡng lão. Miếng đất rồng là vị trí đẹp trong khu đô thị mới quy hoạch và vô cùng đông khách sau khi nó biến thành một quán cà phê sân vườn hạng sang. Những đứa cháu họ của bà Thơm thường ghé uống cà phê vào mỗi buổi sáng. Chúng đã chia năm xẻ bảy nơi thờ tự của dòng họ. Chúng sợ sẽ lại bị mắt rồng phun lửa chăng?
Tôi thiếp đi sau khi chất cà phê đã loãng màu không còn tác dụng kích thích trí não.
*
Đêm qua, tôi đã mơ một giấc mơ lạ kỳ.
Tôi hét lên và kịp tỉnh dậy trong trạng thái bần thần rồi hoang mang tột độ. Tôi hoảng loạn ngửi thấy hơi khét ở đâu đó còn vương vất. Toàn thân nóng rẫy và rịn một thứ mồ hôi bết dính.
Tôi thu xếp hành lý và giở lịch xem ngày để viết lá đơn xin phép nghỉ về quê vài hôm.
Đó là ngày mười tám tháng tư.