Đêm tháng sáu. Đất trời sau vần vũ trở nên thanh thản hơn. Gió thổi nhẹ trên những tàu chuối già. Nhang khói đã lịm từ chiều hôm vẫn thảng hoặc sực nồng ngang mũi. Tôi khẽ rùng mình, chả biết tại gió, tại mùi nhang hay vì đêm trăng sáng quắc.
Tôi không nhớ mình đã quẩn trong ngôi từ đường và khu vườn này bao nhiêu lần từ lúc bước vào ngõ cho đến bây giờ, khi quyết định xin ngủ lại. Một quyết định thật điên rồ. Tôi không hối hận, nhưng vẫn chất vấn bản thân tại sao lại đến đây.
Thực ra tôi đã trả lời những câu hỏi này khi lúc chiều bước qua cánh cổng, gặp người phụ nữ vận bộ bà ba màu nâu đất đang cai quản ngôi từ đường. Bà là con cháu đời thứ ba của gia chủ. Tôi trả lời mà không dám nhìn thẳng vào đôi mắt người đối diện. Gương mặt ấy làm tôi rụt rè, xấu hổ. Vốn dĩ quyết định này là sự đối mặt mà tôi phải dùng tất cả dũng khí đã chuẩn bị bao năm nay.
- Cô giáo, bao giờ cô dắt học trò đến thắp hương?
- Có lẽ là gần ngày hai mươi bảy tháng bảy bà ạ. Bữa đó trường cháu sẽ tổ chức chuyến du khảo về nguồn.
Người phụ nữ ngoài sáu mươi nhìn tôi nhiệt thành. Với bà, việc này vẫn diễn ra đều đặn trong năm. Trong khi bà lau chùi, nắng rớt những tia óng ánh vào hiên, sàn nhà bóng lên màu của thứ gỗ được chăm chút, chà xát mỗi ngày. Quanh quẩn một chút, tôi lấy cây chổi đi ra vườn. Trời sắp vào mùa mưa dầm. Lá rụng xếp lớp hong dưới ánh nắng hiếm hoi cong lên lấm chấm hạt bụi đất. Tôi quét vun thành từng đống châm lửa đốt. Những chiếc lá còn âm ẩm của kỳ mưa dài gặp lửa tỏa khói u ám. Tôi ho sặc sụa chạy lùi lại đến khi chạm khu mộ. Những cụm bông trang nở hoa đỏ vây quanh tạo thành vòng chắn đang nhòa đi màu khói. Khói làm khu vườn âm u giữa bầu trời ẩm ướt. Toàn thân tôi bất động, các ngón tay tê tê, giật nhẹ. Cái tên và khuôn hình mờ nhòe trên phần mộ đá bàng bạc trong làn khói không vì thế làm vơi đi nỗi ưu tư bất chợt dâng lên. Bát nhang cuối mộ tung tóe tàn tro, phần que cháy dở nằm ngang dọc rớt bên ngoài. Có lẽ, chúng là tàn dư từ những trận mưa gió triền miên mấy ngày qua.
- Cô giáo thông cảm nghen, hổm rày mưa quá, đám thanh niên tình nguyện ở xã đến thắp hương...
Giọng nói từ phía sau lưng khiến tôi giật mình. Bà bước lên trước tôi, trao nắm hương đã đốt sẵn rồi tiến lại nhặt những que cháy dở đã tắt và chân nhang bị rớt ra ngoài. Vài bụi cỏ và dương xỉ gặp những trận mưa dai dẳng lún phún xanh. Bỗng chốc, tôi thấy chân tay thừa thãi, vội cắm hương khắp khu mộ trong khi bà dùng giẻ lau phần bia đá. Tấm bia được chạm khắc đơn giản, vài chỗ đã mòn phai, rêu xanh, rêu đen xóa mờ mặt chữ. Nó đã ngót nghét trên dưới bốn mươi năm. Thời gian có xóa nhòa được mọi thứ, có làm lành được những vết thương. Chỉ khuôn mặt của người thiên cổ vẫn hiền hòa, thanh xuân như thế. Mái tóc thiếu nữ đen nhánh chấm vai, đôi mắt to tròn cương nghị, chiếc áo bà ba ngả màu cỏ úa ôm sát phần vai và ngực. Đôi mắt trỏ ánh nhìn xuyên thẳng vào tôi. Cảm giác ấy luôn thường trực khi tôi nằm trên bộ ngựa, khi quét nhà hay ngồi ở bậc cửa...
Chiều nổi gió mạnh, tôi thắp nhang, phụ người đàn bà đem cơm cúng.
Tiếng chuông gọi kinh chiều từ ngôi nhà thờ phía bên kia sông đổ từng hồi buồn thảm. Trời chuyển cơn. Gió lật phật trên những tàu chuối. Mây đen kịt nền trời. Hơi nước từ sông bốc lên rợn lạnh. Sông Cái Tàu đoạn này thu hẹp hai bên trước khi gặp gỡ dòng sông Tiền mênh mông nước. Tôi men theo bờ. Đi một đoạn nữa sẽ về đến ngôi nhà thờ bên kia sông, nơi tôi sống suốt thời thơ ấu. Quê hương trong định nghĩa là nơi sinh ra và lớn lên, nếu thật là vậy, đây không phải quê tôi. Tôi được dì Phước kể. Ngày tôi sắp chào đời, một chiếc xe ngựa chạy từ phía thị trấn về phía tháp chuông trong tiếng rên chuyển dạ của người đàn bà. Đứa trẻ sơ sinh là tôi được giao lại cho một nữ tu sĩ trong ngôi giáo đường. Từ đó, suốt những tháng năm tuổi thơ, tôi lẽo đẽo bên dì Phước. Bốn giờ nhà thờ đổ chuông nguyện kinh, tôi lật đật chuẩn bị giúp lễ sáng cho linh mục. Quét dọn nhà thờ, sáng đi học văn hóa, chiều học giáo lý rồi tối lại nguyện kinh. Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi được dạy rằng Thiên Chúa là cha, còn Đức Maria là mẹ. Ngày đi học, những đứa trẻ trong xóm luôn bật cười khanh khách, nhạo báng tôi. Tôi về ấm ức khóc, dụi đầu vào lòng dì Phước. Người vuốt đôi bầu má còn ươn ướt đỏ của tôi, bảo rằng chỉ vì không phải là người Công giáo nên chúng bạn không hiểu được. Dù mang tiếng là đứa bé bị bỏ lại, nhưng tôi lại là đứa trẻ hạnh phúc. Ngoài Thiên Chúa, Đức Mẹ, cha linh mục, dì Phước, tôi còn có ba nuôi - một người đàn ông có ngôi nhà với giàn hoa ti gôn cách nhà thờ một quãng, sau lần vào đây, thấy tôi dễ thương nên nhận đỡ đầu. Mỗi năm, vào dịp lễ Phục sinh và Giáng sinh, lần nào ông cũng tặng tôi rất nhiều quà. Dù một năm chỉ gặp vài lần, nhưng tôi rất yêu ông, cảm giác đầm ấm, gần gũi yêu thương gắn kết. Ba nuôi luôn nhìn tôi bằng đôi mắt phảng phất màu mây. Trong mơ hồ, lòng tôi hân hoan khi ánh mắt ấy trìu mến nhìn, tay giơ lên vuốt những sợi tóc mai của mình.
Đây là lần thứ hai tôi đến, à không, là trở về vùng đất cù lao này. Năm đầu tiên trở thành cô giáo, lúc đang đứng lớp, dì Phước lại trường xin cho tôi nghỉ, bắt xe đò xuôi về. Cả một đoạn đường dài, người đưa vai cho tôi dựa vào ngủ, trong khi tay vẫn không ngừng lần hạt. Xe qua chiếc phà lớn nối đôi bờ sông Hậu, người nâng khuôn mặt tôi lên, một tay đỡ cây thập giá tôi đang đeo ở cổ. Đã hơn hai mươi năm, đó là dịp hiếm hoi ma xơ của tôi đi xa mà không trong chiếc áo chùng đen từ cổ đến chân, mái đầu không trùm kín một chiếc khăn rộng. Áo sơ mi xanh da trời, quần Tây đen hơi thụng lộ rõ vẻ tiều tụy, hao mòn, mái đầu pha màu khói xám. Tôi thương người biết bao khi nhận ra dì già đi nhiều. Đôi mắt trũng sâu, mí mắt với những nếp nhăn xếp chồng. Đôi môi tai tái từ lâu mấp máy mấy bận, chắc là có điều gì hệ trọng lắm.
- Con gái, mỗi người sống trên cuộc đời, Chúa đều trao ban một cây thập tự. Con hãy nhớ, thập tự trên vai càng nặng nề, nếu vượt qua được thì vinh quang nước trời càng rộng mở. Con hãy tín thác vào Ngài.
Tôi cúi xuống, rờ cây thánh giá trước ngực, mơ hồ nhận ra một biến cố khủng khiếp nào đó sắp đè lên đôi vai mình. Liệu tôi có vác đi được đến cuối đường? Qua cửa kính xe, khung cảnh trôi vùn vụt, hai bên đường cây cối ngả theo chiều gió. Tháng sáu năm đó, trời đang có bão, dù không mưa cũng phủ màu mây đùng đục. Nước sông Hậu dềnh sóng, đập mạnh bên thành phà. Tôi nắm chặt cây thập tự, miệng lẩm nhẩm: “Lạy Chúa, con tín thác vào Chúa”.
Tiếng chuông đằm mình xuống lòng sông tan vào tiếng sóng làm tôi trở về thực tại. Tôi bước giật lại. Ngôi nhà bên kia bờ sông vẫn không thay đổi nhiều, giàn hoa ti gôn đã lòa xòa phủ kín đôi bờ giậu phơi. Mái ngói âm dương nhuốm màu tê tái. Những con người trong ngôi nhà ấy, một cách tự nhiên đau đớn trong tôi. Cảm tưởng, máu huyết đang rừng rực chảy, nóng hổi khắp da thịt dù gió từ mặt sông mỗi lúc thêm nhiều.
Chỉ cần qua một lần đò, tôi sẽ trở về nhà. So với việc ngủ lại ngôi từ đường này, đoạn thập giá nào khó vượt qua hơn?
Tôi biết mình đang vác thánh giá nặng từ lần đầu qua xứ cù lao này. Và tự nhủ, để thánh giá nhẹ nhàng đi, tôi sẽ tập quên và từ bỏ. Tôi cố để bản thân như ngày còn dụi đầu vào ngực dì Phước. Cảm giác bị trêu chọc không cha mẹ ngày bé so với hiện tại, nhẹ nhõm hơn nhiều. Ngày lớn, đôi lúc tôi thấy mình bất hạnh vì là trẻ mồ côi. Tôi nào biết điều đó tựa phép màu muốn hoán đổi trong tôi hôm nay. Thật may, bờ vai tôi đã đủ dài, đủ rộng.
Tôi bước vào ngôi từ đường khi người đàn bà đang ngồi gõ mõ. Bà bận bộ bà ba màu xanh xám, tóc búi thấp sau đầu. Tôi quỳ gối, ngồi trên hai chân chắp tay phía sau lưng bà, dáng vẻ ngượng ngập làm theo những động tác cúi đầu vái lạy. Người xứ này phần lớn theo đạo Tứ ân Hiếu nghĩa. Sau giờ tụng niệm lúc ăn cơm tối, bà nhìn tôi đầy bao dung, bảo tôi không phải người đồng đạo, không cần làm theo bà. Tôi khẽ gật đầu, một cách tự nhiên nhất quay sang hỏi thăm về người phụ nữ được thờ trong ngôi từ đường.
- Họ đồn nhau, cô Sáu Hồng linh lắm nên về quở trách. Cô giáo học nhiều, nghĩ thử, cô Sáu Hồng là một nữ anh hùng, ai đời lại hẹp hòi như vậy, đúng không cô giáo?
Tôi gật đầu nuốt trọn miếng cơm chẳng may bị nghẹn, đưa tay vuốt cổ, đập ngực liên hồi. Cảm giác ánh mắt trên bàn thờ vẫn đang đăm đăm nhìn mình như chờ đợi câu trả lời. Tôi bỏ dở chén đũa, chạy vội ra bộ ngựa ngoài hàng ba, ngồi uống nước. Bà đã chuẩn bị gối mền cho tôi từ chiều, nhưng tôi biết, mình chỉ dám ngủ ở hàng ba. Mặc cho gió và mùa này mưa đến thất thường, mặc cho bà nhất mực không đồng ý: “Ai đời, cô giáo đến thắp hương cho cô Sáu Hồng, có lòng muốn ở lại tìm hiểu mà ngủ ở ngoài sao đặng?”.
Tôi là vị khách không mời mà đến. Ít nhất nằm ngoài này, tôi có thể tránh ánh mắt trên bàn thờ lúc nào cũng đăm đăm nhìn tôi. Tưởng như thấu cả tâm can vì một bên mày trên gương mặt khẽ nhướng. Càng về tối, ánh mắt ấy càng bám chặt lấy tôi. Đêm rằm. Trăng rờ rỡ. Bụi dạ lí trước hàng ba đã bắt đầu tỏa hương. Những chùm hoa trắng bé nhỏ, gầy manh trút sạch tinh huyết vào màn đêm mỗi lúc thêm nồng. Hương thoảng, dịu nhẹ tan vào sương đêm. Trong nhà, đèn leo lét vài hột sáng trên bàn thờ. Tiếng sột soạt trở mình, tiếng ho khẽ của người đàn bà vẻ như đang chìm vào giấc ngủ. Tôi trở dậy, khoác thêm chiếc áo len mỏng bước xuống bậc tam cấp. Bụi dạ lí đang nhao theo hướng gió, phe phẩy hương ngào ngạt. Tôi rón rén chọn một cành nhiều chùm bông ngắt cắm vào bình hoa trước khung hình cô gái trẻ. Ánh mắt trong ảo ảnh sáng tối phóng tia nhìn đến tôi. Một lần nữa, tôi lao thẳng ra ngoài như chạy trốn.
Đêm đồng nội thật khác. Đại ngàn trong thẳm sâu ký ức của tôi là tiếng chuông vọng vào vách núi, là tiếng rầm rập của xe ngựa khua trên đá sỏi. Còn nhớ, lần đến ngôi nhà có giàn hoa ti gôn bên kia sông cùng dì Phước, không gian cũng không lắng trầm đến vậy. Cũng có thể vì đêm ấy có quá nhiều người cùng canh thức. Đêm ấy, quá đỗi bất ngờ, hoang mang. Đêm ấy, lần đầu tôi biết rõ về cội nguồn của mình để tự nguyện quấn lên mình vành khăn trắng. Còn đêm nay, trong căn nhà vốn thâm lặng này, chỉ riêng tôi không ngủ, riêng tôi học cách đối diện, dù rằng mọi thứ đã dần chìm vào quên lãng. Thánh giá này vốn dĩ Chúa đã trao ban từ ngày tôi còn chưa tượng hình hay nằm đâu đó ở ngón chân của má, ở ngón tay của ba. Tôi đang vác nó đi trên đoạn nhiều bùn lầy, chúng có thể nhấn tôi lún sâu xuống thăm thẳm nếu không biết cách vác tử tế. Đơn giản, vì nó rất khó nhọc. Tôi trở lại bộ ngựa, ngồi xếp bằng chân, một tay nắm cây thập tự trước ngực, một tay lần chuỗi mân côi. Mặt quay ra khoảng sân ngập ngụa trăng. Làng quê yên ả đến cô tịch. Năm mươi tràng hạt được lần xong, tôi tựa lưng vào cánh cửa đã khép nửa, thư thả duỗi thẳng chân, mắt nhắm hờ tiếp tục đọc thầm những câu kinh tôi thuộc mong tìm giấc ngủ đến. Chắc vì lạ chỗ, tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều câu nguyện mà vẫn chẳng thể chợp mắt. Tiếng dế rả rích. Tiếng ếch nhái nhảy lõm bõm. Sau những trận mưa, chúng thường lộng hành như thế. Dường như cố tình không để yên cho vị khách lạ.
Một trận gió mạnh thổi ngang xổ tung chân mùng đã được tấn cẩn thận dưới chiếc chiếu trúc. Có vẻ trời đang chuyển giông. Vài hạt mưa lác đác xuyên vào thềm. Sực nhớ bó nhang tôi để quên ngoài khu mộ. Chập tối, sau giờ cơm, tôi đã đánh liều ra thắp thêm nhang cho ấm. Trăng mờ như sương. Khu vườn gió quật thốc liên hồi. Mùi chuối già hương chín bói vẫn không át được mùi nhang sực ngay vào mũi. Tôi dợm chân, vấp té nhào xuống gốc chuối. Con chim cú mèo trỏ hai mắt xanh lét hốt hoảng vỗ cánh từ bụi chuối bay đi. Tôi vùng dậy, cúi rạp đầu chạy ngược lại. Mùi nhang đuổi phía sau lưng. Tôi ôm gối chạy vào giường, kéo mền đắp qua mặt.
- Ngoài kia giông, bà cho cháu ngủ chung với.
Bà trở dậy, vấn lại mái đầu, ngáp dài, chép miệng, xỏ dép bước ra cài cẩn thận chốt cửa. Gió thổi mạnh, cánh cửa bị xô ra đập vào liên hồi. Tiếng dép di chuyển đến bàn thờ, tiếng bật tách của hột quẹt, mùi nhang nhanh chóng chui vào mũi tôi. Độ vài khắc, tiếng dép di chuyển đến gần chiếc giường. Dây võng cạ vào cột nhà day nghiến. Tôi hé mền, thấy bà đang đong đưa trên võng. Người già thường khó ngủ. Tiếng chuông từ ngôi đình đâu đây lại đổ. Ngay sau đó là một tràng sấm nổ đì đoàng kèm tia chớp như luồng điện cắt rạch ngang trên nóc nhà. Tất cả hùng hổ đe dọa, dọn dẫn cho cơn mưa nặng hạt đã phát đi hơi nước lạnh vào gió. Tiếng bà hòa vào tiếng mưa dồn dập trút xuống:
- Ngày mai cúng kỳ yên đình thần Hội An, cô giáo ở lại nghe hát bội, mốt hãy về. Cô Sáu Hồng bị bắt cũng vào đêm hôm nẳm. Mới đó, hơn bốn mươi năm rồi.
Tôi nằm yên, không trả lời. Tiếng bà thập thõm trong tiếng mưa. Câu chuyện kéo tôi bềnh bồng trên mây, đầu óc xoay xoay nhẹ, hút sâu về một không gian khác...
*
Tiếng trống dập dồn, ánh nến rực rỡ. Khoảng giữa những trụ cột gỗ tròn, to, bóng nhẵn, đoàn hát bội đang chờ sẵn. Trang phục sặc sỡ, lấp lánh đủ sắc. Đào, kép trát phấn son như mặt tượng sáp. Áo bào, lông vũ đính đầy kim sa. Phía chính điện, trên gian thờ, la liệt các mâm trầu cau, ngũ quả, xôi gà, bánh mứt. Lễ túc yết vừa xong, trống đánh báo đến lễ xây chầu và hát bội. Trước chính điện, gian võ ca đã được bài trí như sân khấu. Diễn viên và nhạc công đều hóa trang, trống mõ dựng sát góc cột. Một ông cụ bạc râu, đội khăn đóng, áo dài thâm đen bước lên trước điện, tay cầm cành dương nhúng vào tô nước ông đang cầm bên tay trái, vẩy ra xung quanh, tiếng sang sảng: “Nhất sái thiên thanh/ Nhị sái địa linh/ Tam sái nhơn trường sanh/ Tứ sái quỷ diệt hình”. Người người vây quanh, cung kính chắp tay vái lạy, đồng lòng dâng lời khấn vái. Ông chánh bái đọc dứt bốn câu, tiến đến cầm dùi đánh ba hồi trống, xong kéo dài khẩu lệnh: “Ca công tiếp giá”. Ngay tức khắc, trống mõ của đoàn hát bội rộ lên, chương trình bắt đầu. Tôi đứng nép vào cánh cửa, trố mắt ra xem hát. Trước nay trong nhà thờ, tôi mới chỉ xem các nghi lễ rửa chân, đóng đinh hay phục dựng vườn địa đàng, Chúa Giê-su được sinh ra trong hang đá.
Lễ kỳ yên diễn tuồng thực như khi xem hát cải lương trên ti vi. Giữa gian võ ca, đào chánh vào vai Bà Trưng quyết lòng thề nguyền cưỡi voi ra trận, trả thù nước, nợ nhà. Đôi mắt đào chánh được tô vẽ sắc sảo, rực lửa hận thù. Phía sau áo mão gắn cờ lệnh nền phi long, tay cô đào cầm cây thương đảo, xoay điêu luyện... Bỗng chó sủa rầm rộ, một phát súng rồi hai, ba phát dội vào trong đình. Người người nhốn nháo, đổ xô ra ngoài. Trước cổng đình, lính tráng vây tứ phía.
“Sáu Hồng! Con ông Bảy Đê nè!”.
Dưới gốc cây sa la, một cô gái nhỏ nhắn đang giãy giụa giữa những vòng dây thừng cuốn chặt, miệng đã bị bịt giẻ. Bọn cảnh sát giơ súng ngăn đám đông xôn xao tiến tới gần. Tiếng xì xầm, rỉ tai nhau sau tiếng quát nạt ra lệnh giải tán của tên cảnh sát đang giơ điếu xì gà quơ quơ ngang miệng, ngón út tay trái hắn cụt lủn sát mu bàn tay. Chúng xô cô gái té nhào xuống, dùng đòn gánh thọc theo vòng dây thừng trên thân người rồi hai tên lính đưa vai vào gánh hai đầu. Trọng lượng cơ thể cô gái treo trên từng đoạn thừng thít mạnh vào da thịt. Khúc hông, ngay chỗ xẻ của tà áo, hở ra phần da cấn mạnh che lút đoạn thừng vòng qua tưởng có thể cắt ngang thân người.
Tên cảnh sát đưa điếu xì gà lên miệng rít bằng bàn tay cụt mất ngón út, ngạo nghễ như để thị uy. “Rốt cuộc, cũng bắt được mày. Sao. Bất ngờ đúng không Sáu Hồng. Mày nhận nhiệm vụ thủ tiêu tao mà. Đồ khốn!”.
Hắn vừa nói vừa gí đầu thuốc lá còn đang đỏ lửa vào má cô gái. Da mặt thiếu nữ đôi mươi non tơ gặp lửa đỏ vồng lên, bén ngọt khen khét cháy trước kẻ đang cúi gằm mặt trợn trừng nhìn cô gái bằng đôi mắt toàn lòng trắng.
Chuyển sang cảnh sau, tên cảnh sát chín ngón dẫn theo cả đám lính kiểng, dân vệ, mũ áo, súng ống chỉnh tề áp giải người nữ tù binh đi thị uy khắp xã. Đến chợ Cái Tàu Thượng, chúng phát loa tung tin Sáu Hồng đã đầu hàng, khai báo. Ai nấy đổ xô thu dọn hàng hóa để tránh mặt, tỏ rõ vẻ lo lắng, sợ hãi. Những chiếc nón lá được kéo thụp xuống che kín mặt. Người đi chợ sà vào sạp mua mớ rau, con cá không đợi nhận tiền thừa, vội vã đi như chạy ra phía đường lớn. Tụi con nít khóc thét, ném lại củ khoai đang cầm trên tay, tìm nơi trốn. Rau rớt vãi giữa đường. Cá lóc ngóc dưới vũng nước vừa đổ té ra. Cô gái thấy người dân nháo nhào chạy trốn, buông lời dõng dạc trấn an. Lúc này người ta mới dám ngẩng đầu lên để ngó rõ người tử tù. Khuôn mặt cô chằng chịt những vết cháy đen đang ứa nước vàng. Hai cặp mí phù, tím mọng cụp xuống, ti hí tưởng như không còn con ngươi thay cho cái dáng thướt tha trong bộ bà ba và đôi mắt to, lanh lợi ngày nào cắp thúng đi rải truyền đơn khắp chợ. Mái tóc đen óng mượt đôi mươi phơi nhuộm màu máu, bết lại giữa trưa hè. Đầu ngón tay, ngón chân run rẩy trong gông cùm lúc chạm đất, sau những đòn kẹp điện và tuốt móng. Tiếng xì xào, ồn ã mỗi lúc thêm đầy y như đêm cô bị trói dưới gốc cây vô ưu.
Tên cảnh sát chĩa súng bắn chỉ thiên để ra oai rồi lệnh dẫn giải nữ tù về đồn.
Cảnh tiếp theo, bổn cũ tiếp tục được soạn lại vào giữa trưa. Nhưng lần này, vừa qua khỏi chợ, Sáu Hồng khuỵu xuống, bất tỉnh. Dưới bộ bà ba không còn xác định được màu, là một thân thể tưởng như đứt lìa từng đoạn. Phần cổ, nơi tay, chỗ bụng, trên ngực, dưới đùi, toạc những đường dao rạch và vết tàn thuốc. Cô nằm đó không thể cựa mình mặc lửa trên trời giội xuống hút nốt chút sức tàn. Một dòng máu rỉ ra nơi mép đã rộp lên bong thành mảng. Tên cảnh sát ngửa cổ tọng nước vào miệng rồi phun phè vào mặt nữ tù. Không ăn thua, hắn lấy báng súng lật qua lật lại. Phạm nhân vẫn bất động, hắn túm tóc, kéo xềnh xệch cô xuống hầm cá tra bên đường.
“Khai mau! Đồ chó!”.
Sau tiếng quát. Hắn nhấn đầu cô chúi xuống mặt nước.
Đã vào mùa mưa, nước trong hầm ngập lún. Lũ cá tra bạo dạn nghe động thấy mùi máu quẫy đạp kéo đến rỉa. Sặc sụa thứ mùi tanh tởm, ô uế của nước tiểu và phân người tù đọng hết năm này sang năm khác. Nhiều người tan chợ về chứng kiến đều nổi gai ốc, lắc đầu chua xót. “Đả đảo đế quốc Mỹ và tay sai!”.
Tựa như tàn tro chỉ đợi để bùng lên cháy lần cuối, tiếng hô dù yếu ớt nhưng dõng dạc vang lên lúc cô được lôi lên bờ.
“Để xem mày còn già họng được nữa không!”.
Tên cảnh sát bóp mạnh khuôn hàm người tù, hai hàm răng nghiến chặt, hắn thọc lưỡi dao vào mép cô riết mạnh..
Cặp mắt người tù như hai cục máu dán chặt vào khuôn mặt hắn. Trong cơn cuồng nộ, lưỡi dao của hắn nhằm tới mắt trái rồi mắt phải cô gái. Con dao sắc ngọt trên tay xoay xoay. Mắt long lên sòng sọc...
*
Gió vù vù thổi trên những tàu chuối trong vườn. Đang hòa vào sương khói trước hàng bông trang không phải cô Sáu Hồng, mà là người đàn ông bước ra từ tấm hình đặt trên quan tài khi lần đầu tôi về xứ cù lao quấn trên đầu mảnh khăn trắng. Đó là ba tôi, tên cảnh sát chín ngón trong câu chuyện người đàn bà giữ từ đường đã kể. Ông mất vì rớt xuống hầm cá tra sau nhà. Đâu ai có thể tước đoạt được quyền làm cha của một kẻ giết người phải không con? Ổng chính là ba ruột con đó. Mẹ con là người tình của ổng, vì sợ ghen tuông nên ổng mới bày đặt ra chuyện nhận con làm con nuôi. Tâm nguyện cuối cùng của ổng trước khi chết là muốn con nhận ổng là cha ruột và thay ổng thi thoảng về ngôi từ đường xin cô Sáu Hồng xá tội để linh hồn siêu thoát. Giọng dì Phước lần cùng tôi về làm ma cho ông rồi sang thắp hương cho cô Sáu Hồng thập thõm lẫn trong tiếng mưa. Đùng! Một tiếng nổ lớn của sấm, sét. Chớp lóe vào chỗ tôi nằm. Cánh cửa xổ tung rung lắc. Tôi vùng dậy, lao ra ngoài cổng. Mưa tát mạnh vào mặt. Theo hướng bờ sông, tôi khuỵu xuống bãi cỏ. Những tia sáng rạch trên mái ngói âm dương. Tôi nắm chặt cây thập tự lạnh ngắt trước ngực, cảm thấy đôi vai nhẹ tênh mặc cho mưa vẫn đang trút xuống liên hồi.