Bình minh thường đến rất sớm ở ngọn Anh Vũ Sơn. Trong làn sương còn lờ nhờ, tiếng két… két… két liên thanh của bầy vẹt như dàn đồng ca chào ngày mới; đánh thức các anh dậy thay cho tiếng kẻng báo thức thường thấy mỗi độ ở doanh trại xưa kia…
Người quản trang trong bộ đồ lao động loẹt xoẹt tiếng chổi va dưới nền xi măng sau những ngày nắng chan chát của vùng biên viễn. Lá khô, bụi, chân nhang, cỏ mới giẫy vài ba hôm nhẹ tênh rơi vào trong gió cứ quẩn quanh các bia đá. Biết là không thể chiều lòng gió, ông vất cây chổi trà nằm chỏng chơ, lụi hụi nhặt từng chiếc lá cho vào bao tải. Bóng ông nhấp nhô bên những bia đá còn hơi lạnh của sương đêm xứ núi.
- Cô lại đến rồi hả?
Câu hỏi thay cho lời chào một người cũng xem như là đã quen mặt. Gọi là quen mặt vì vài năm gần đây, cứ vào độ tháng bảy là thấy người phụ nữ này có mặt ở nơi đây. Cô đi thắp hương cho cha, cho anh, hay cho chồng? Ông đoán là người thân nên mới phủ phục đều đặn như thế, chăm chút như thế và lần nào cũng nán lại ngồi thật lâu như thế. Mấy bận ông đứng từ xa, cứ định bước lại gần thăm hỏi thì nghe tiếng cô dấm dúi khóc. Chẳng rõ bản thân ngại hay không thể kìm nén trước những giọt nước mắt ấy nên ông lại thôi.
Nghĩa trang Dốc Bà Đắc nằm dưới chân Anh Vũ Sơn, đoạn dốc lên cao rồi bằng phẳng quanh năm tựa đầu vào núi được chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng của bộ đội ta hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh của cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Ngọn núi mang hình đầu con chim két quanh năm phủ xanh mát bóng đại ngàn nâng niu giấc ngủ ngàn thu cho các liệt sĩ bằng tiếng gió, tiếng chim, nắng hạn, mưa dầm nồng sệt mùi biên giới. Đứng từ dốc nghĩa trang, đúng Ngọ, nhìn xuống con đường nhựa uốn éo sát sườn núi, hơi nhựa đường hăng hắc, chảy tràn như ai vừa bỏ vào chảo thắng rồi đem đổ lên mặt đường. Vậy mà ở trên cao, nghĩa trang lộng gió mát rượi. Người quản trang luôn có ý thức chăm chút những tán cây trong khuôn viên để các anh nằm đó mát lành trong lòng đất núi quê hương.
- Có thể nào cho tôi ngủ lại không?
Người phụ nữ đầu quấn mảnh khăn rằn dệt những ô vuông màu đen trắng, tay phải xách cái giỏ màu xám, tay trái là bọc trái cây, một bó nhang to chìa ra ngay miệng quai ni lông. Cô ấy dường như đã chuẩn bị chu đáo để nán lại đây đêm nay, người quản trang biết mình không thể từ chối. Ông nhìn thẳng vào khuôn mặt người đối diện. Đôi mắt cô mở to nhìn ông, hai hàng mi vừa dày vừa cong, một đỗi rất ngắn đôi lông mày nhíu lại, khuôn mặt khẽ cụp xuống. Có điều gì đó thăm thẳm từ tâm hồn người phụ nữ kia khiến người quản trang già xao động. Người phụ nữ có đôi lông mi vừa dày vừa cong mấp máy môi mấy bận, chưa nhận được một tín hiệu nào cho câu trả lời, cô tiếp tục van nài:
- Tôi không cần nằm ở nhà khách, chỉ xin ông cho phép tôi được ở lại!
Sự chân thành của đôi mắt sâu và giọng lơ lớ của người Khơ-me khi nói tiếng Việt khiến ông không nỡ từ chối. Nhưng thay cho cái gật đầu, ông lại thở dài kèm một cái lắc đầu. Dù vậy, cũng đủ để cho người phụ nữ biết được câu trả lời.
Dường như lúc này đã bớt căng thẳng và biết mình được cho phép ngủ lại, cô mới khẽ nhếch mép cười nhẹ, chỉ có đôi mắt sâu vẫn thăm thẳm chất chứa như những vùng mây mờ mà cơn râm vừa tạo ra. Ông tiếp tục cọ quẹt chổi trên nền xi măng nhưng dường như không thể tập trung như mọi bữa. Ánh mắt ấy khiến ông thỉnh thoảng phải dõi theo, xem cô ấy làm gì. Những bận trước thường cô ấy tới, ông không để tâm, cũng chưa nhìn trực diện như lần này. Vả lại nghĩa trang gần chín ngàn ngôi mộ, biết bao thân nhân ra vào, nhất là những dịp này. Ông quá bận rộn để chẳng thể nhớ hết.
Nghĩa trang được bố trí theo hàng lối thẳng tắp giống như các anh khi đứng trong hàng ngũ. Thế nhưng nếu lúc này có điểm danh quân số thì thật là rắc rối. Vì họ nằm cạnh nhau nhưng không cùng đơn vị, họa cùng đơn vị thì cũng chả đúng vị trí xếp hàng. Có anh lính trên mặt còn lông măng nằm cạnh một anh lính đã lằn những vết sâu khóe mắt. Có anh hy sinh thời chống Pháp, chống Mỹ nằm cạnh anh hy sinh những năm chiến tranh biên giới Tây Nam. Ở nơi này, ai được tìm thấy trước thì được sắp nằm trước thôi. Mà suy cho cùng, trật tự để làm gì khi sự hy sinh nào cũng đau đớn như nhau, mà cũng vẻ vang như nhau. Nhưng đã đi thắp hương nhiều lần thì không thể không nhớ vị trí, thì cứ cho là cô ấy nhầm lẫn vì bia mộ giống nhau cũng không thể nào đi từng hàng, từng bia mà thắp nhang mà nhìn tên, nhìn ảnh như thế chứ. Mà cũng chả biết, người thân của cô có di ảnh không. Cả gần chín ngàn ngôi mộ thì thắp đến bao giờ, mà xem chừng cách di chuyển thế này cô ấy định sẽ thắp hết. Nếu chỉ đi cắm nhang vào từng bia, thường ông mất vài giờ là bia mộ nào cũng ấm áp, nhưng cô ấy có vẻ còn ngắm hình, còn đọc thông tin nên trời đã về chiều mới di chuyển được khoảng một phần ba nghĩa trang, nghĩa là cô mới chỉ thắp hương cho ba ngàn ngôi mộ.
Không đâu mà màn đêm lại phủ không khí lạnh đến vắng ngắt như ở nghĩa trang dù mới chập tối, khi người phụ nữ cắm cây nhang còn đỏ than cuối cùng trên tay. Người quản trang đã đứng từ bao giờ, cô khẽ giật mình khi nghe tiếng ông phát ra từ phía sau. Ông chìa cho cô chiếc cà mèn. Phần cơm bữa tối mà ông đã nấu khi sáng, định hâm nóng lại ăn, xong nghĩ thế nào lại trút hết vào cà mèn mang ra đây.
Người phụ nữ còn đang phân vân chưa biết nên nhận hay không, ông đã ấn vào tay cô. Dưới ánh nến của tượng đài, ngay bậc thềm cô giở cà mèn, xúc cơm vào miệng nhai vô hồn. Có vẻ biết trước công việc của mình còn khó nhọc nên cô gắng nuốt để lấy sức. Vẻ tiều tụy không lộ rõ lắm qua một ngày nắng giữa nghĩa trang, phần vì bóng cây núi, nhưng có lẽ phần nhiều vì nét thanh xuân vẫn còn vương vất quanh gương mặt của người phụ nữ đã gần năm mươi. Có thể chồng cô ấy hy sinh và cô ấy đã thủ tiết đến giờ. Giả thiết này trong đầu ông chiếm niềm tin lớn, nhất là khi cô dỡ chiếc khăn rằn khỏi đầu, ngồi chải tóc phía sau tượng đài. Mớ tóc xoăn, bồng bềnh, những sợi tóc dày óng lên giữa đêm đen. Qua khung cửa sổ, người quản trang không mấy khi rời mắt khỏi người phụ nữ Khơ-me, không biết ngoài đó muỗi nhiều không, đêm núi da thịt phụ nữ sao chịu nổi. Dù ông đã tự trả lời cho những câu hỏi đó; rất nhanh quyết định cho cô ở lại khi ông đã kịp nhận thấy vẻ rắn rỏi, khỏe khoắn qua dáng hình thấp đậm và nước da rám nắng đặc trưng.
Cuối cùng ông cũng phải khoác thêm áo, cầm đèn pin rời khỏi phòng.
Gió núi không rượt đuổi hay lượn lờ quanh các tán cây, chúng vù vù, vít vít tạt thẳng vào đá, đổ ào vào bất cứ thành vách nào ngăn cản giữa sơn lâm. Vậy nên dù nấp sau tượng đài, gió vẫn khiến người ta quên đi cái lạnh để chỉ còn cảm giác rợn sợ. Người phụ nữ dù gan lớn bằng trời, một mình giữa hàng ngàn bia mộ liệu còn có thể trụ vững dù ánh mắt khi sáng rất thiết tha.
Ông đằng hắng đủ để gió không hất văng giọng của ông đi, để báo hiệu cho người phụ nữ đang ngồi lưng tựa tường, hai tay bó gối vòng qua lớp chăn mỏng rằng ông đang đi tới. Cô vén những sợi tóc bị gió đánh rối trước mặt, ngượng ngập nhìn ông quản trang. Ông rời đôi dép Lào, một chân trần khẽ đá hai chiếc dép cho đều nhau, thấy đã hợp lý, ông hạ mông xuống đôi dép, lưng tựa vào tường trong thế song song với người phụ nữ ở một khoảng cách vừa đủ để gió có lớn nữa, họ vẫn nghe được tiếng của nhau. Ông đã làm quản trang ở đây hơn hai mươi năm, lần đầu tiên thấy một người xin ngủ lại trong nghĩa trang, mà lại là phụ nữ. Vài ba năm nay ông có thấy cô ghé đôi ba lần song vẫn chưa biết người nằm ở đây là gì của cô. Lại nữa bữa nay ông để ý rằng cô đi thắp nhang cho cả dãy bên cánh trái, tới bia nào cô cũng nhìn hình, không thì đọc thông tin tên tuổi.
- Tôi có thể cho cô mượn sổ lưu bia mộ, dường như cô còn đang đi tìm? Cô có chồng là liệt sĩ sao?
Gió lại đập vù vù vào vách tường nhưng cô biết mình cần phải trả lời, không thể lờ đi như lờ biết bao cơn gió thổi ngang suốt từ chập tối đến giờ. Cô lại khẽ vén vài sợi tóc, mắt lẫn vào khoảng không vô định, nói với người hay mượn gió thổi đi tới ai:
- Tôi đi tìm “coong tốp”1, anh “coong tốp” ấy là ân nhân của tôi.
1 . Coong tốp: Bộ đội.
Đôi mắt người phụ nữ chớp liên hồi, gió tạt làm đôi mắt ấy cay cay, rồi bỗng long lanh giữa đêm đen. Giọng cô lơ lớ khiến cơn gió dường như cũng hiếu kỳ nán lại nghe, nó quẩn quanh, vòng quanh như muốn cùng cô trở về năm nào: “Tôi còn nhớ khi ấy tôi vừa tròn mười sáu tuổi, một hôm đi vào rừng lấy măng lúc chập choạng tối trở về thì bị hai tên Pôn Pốt phát hiện. Chúng thấy tôi đi một mình, trời lại nhá nhem nên hè nhau chặn tôi đè xuống ven đường. Chúng cười sằng sặc, mắt long lên, nước dãi chảy ra tởm lợm thi nhau cào cấu, xé rách bươm chiếc áo và kéo phăng chiếc xà rông ra khỏi mắt cá chân tôi. Tôi sợ hãi, vẫy vùng, la hét tưởng như tuyệt vọng. Vừa lúc ấy một loạt đạn nổ giòn, đường đạn bay chiu chíu trên đầu hai tên man rợ, chúng chưa kịp hoàn hồn thì hai nòng súng đen ngòm chĩa thẳng vào chúng. Chúng chỉ kịp ớ một tiếng, một cú đá như trời giáng làm tên Pôn Pốt lăn nhào, tên còn lại cố tình thoát chạy nhưng bị anh bộ đội còn lại thúc ké. Anh “coong tốp” ấy vội cởi chiếc áo còn ướt đẫm mồ hôi đắp lên ngực tôi, thấy chưa kín đáo, anh mở túi, lấy ra tấm chăn này phủ quanh người tôi và áp giải hai tên tàn quân Pôn Pốt trở về cứ”.
- Cô tên là gì nhỉ?
- Tha La, Neang Tha La.
Người quản trang khẽ đứng dậy đi chếch về hướng tránh gió.
Tha La vẫn ngồi bó gối bất động, tiếng gió hú gào thảm thiết tựa như đe dọa sẽ nuốt chửng lấy cô. Nhưng nó đã sai lầm. Sự hung bạo này có là gì nếu nó biết rằng chiến tranh là thứ tàn bạo và khốc liệt hãi hùng nhất trên thế gian, cô cũng đã từng nếm trải. Hay một thứ tình cảm nào đó, vô hình mà mãnh liệt đã nuôi dưỡng Tha La tồn tại mấy mươi năm nay không thể bị bóng tối và những hú hét âm u làm cho lay động. Gió núi bất lực trước sức mạnh của một mùi mồ hôi trai trẻ chỉ còn phảng phất dù mơ hồ, nhưng trong tâm hồn người con gái đã đóng thành cánh cửa khóa chặt trái tim thuở mười sáu. Cô đi tìm “coong tốp” với những thông tin mỏng manh nhưng niềm tin mãnh liệt. Thật ra, người quản trang đã quên khi ông gợi ý cho cô mượn cuốn sổ lưu thông tin. Vì việc này cô đã thực hiện cách đây gần mười năm. Đó mới là lần đầu tiên cô tới đây chớ không phải vài ba năm nay như ông đã mường tượng. Số lượng bia mộ khi ấy chỉ bằng nửa hiện tại. Cô cũng đã mất cả ngày để lật giở từng tên, từng địa chỉ. Song tên nghe trúng thì không có di ảnh hoặc thấy di ảnh hao hao thì lại là cái tên nghe rất đỗi xa xôi. Vì thật ra, tất cả thanh âm và dáng hình chỉ xuất hiện rất mờ nhạt, lại là trong những khi cô hoảng loạn và đau đớn. Cô đi tìm “coong tốp” trong một nỗi hoài nghi và cả một niềm hoài vọng.
Gió từ đỉnh núi thoảng hương thơm. Mùi hương của hoa rừng quyện vào làn khói nhang bay là là, phảng phất dễ chịu. Bao năm nay, cô luôn có thói quen đốt hương khi đêm đen đổ ập xuống. Vẫn mong hương thơm ấy có thể át được mùi tanh tưởi, hôi thối chất chồng nồng nặc năm xưa. Một cuộc tàn sát thảm khốc đã xảy ra đột ngột trong ngôi làng của cô. Trong đêm đen, nhà cửa vườn tược đỏ rực màu lửa. Tiếng người khóc rên, la hét. Mẹ dắt cô chạy giữa đám đông. Trong phút giây hoảng loạn, cô chỉ kịp nhớ mẹ khuỵu xuống ôm cô vào lòng. Máu từ cổ mẹ tuôn ra rớt xuống đầu, xuống mặt cô. Rồi đám đông cứ chất chồng, chất chồng lên nhau mãi. Mùi máu tươi phủ quanh người cô, ngờm ngợp, khó thở và bất lực. Cứ như thế mà lịm đi rồi tỉnh dậy trong hơi thở khó nhọc cho đến khi phát hiện có ai đó cũng đang trong tư thế mắc kẹt như mình. Và dường như người ấy cũng đang cố ngọ nguậy để mong thoát ra khỏi đống xác chết đã bốc mùi dữ dội và bọn ruồi từ đâu bay đến đậu đen kịt. Nếu cứ nằm như thế có lẽ không bao lâu nữa, chúng sẽ đục khoét, đẻ trứng làm tổ trên thân thể cô. Chưa bao giờ cô thấy sợ bọn ruồi như lúc này.
Trái tim của một cô bé mới lớn đã in đậm ký ức về một “coong tốp” Việt Nam. Có lẽ, đó là điều dịu dàng nhất giúp cô vượt thoát khỏi những tháng ngày kinh hoàng xưa kia. Khi tỉnh dậy quanh một đống đổ nát và xác người chất chồng, cánh tay ấy đã chìa ra vực cô dậy. Cả hai đã phải trải qua có đến hơn ba ngày ba đêm đói khát. Cổ họng cô bỏng rát, còn đôi môi người lay cô dậy khô khỏng, teo tóp lại thành từng mảng da có thể bong ra tứa máu bất cứ lúc nào. Cô nhận ra anh là bộ đội tình nguyện Việt Nam qua màu áo. Những lúc thế này ngôn ngữ trở nên vô dụng. Họ không còn đủ sức để cất tiếng nói. Tha La có thể cảm nhận anh ta bị thương nặng. Máu ở đầu rịn ra, thấm lên những chỗ máu đã khô lại, bết dính ở tóc. Khuôn mặt nát bươm bởi những vết cắt ngang dọc. Phần đùi trái đang sưng lên lở loét bên trong chỗ vải quần bị xé toạc. Còn cô, nỗi sợ hãi và mất mát kinh hoàng khiến cô không còn biết thân thể mình còn chỗ nào lành lặn. Cô không thể cựa quậy. Cô khát nước. Đôi mắt cô yếu ớt, đôi môi khẽ mấp máy cố gắng truyền thông điệp đấy đến anh bộ đội. Bốn mắt nương tựa nhau. Dường như cái chết cũng đang đến thật gần. Anh bấm môi, chân phải co lên, cố đẩy người nhoài về phía cô bé. Những tiếng thở khó nhọc phát ra là một sự kìm nén cơn đau, trút hết phần sức lực còn lại. Anh chìa chiếc bi đông đã gần cạn đáy. Trong khi Tha La nâng chiếc bình lên tu những giọt nước cuối cùng, nơi cổ họng anh bộ đội, cục hầu khẽ cử động. Bỗng nhiên anh bặm môi, vài chỗ nứt chực chờ bấy lâu tứa máu. Bấy giờ Tha La đã tỉnh hơn. Cô bắt đầu thấy đau nhức ở dưới cổ. Cô nhớ lại mình cũng bị một lưỡi lê cắt ngang cổ trước khi mẹ cô đổ ập lên thân con gái. Việc cử động khi uống nước đã làm vết thương được dịp tuôn máu. Cô nhìn qua anh “coong tốp”, vết thương ở đùi trái có vẻ rất trầm trọng. Máu đã rỏ xuống đất thành vũng. Có thể cũng vì anh vừa di chuyển đến cô mà động đến vết thương. Anh rút từ trong túi áo ra chiếc khăn màu hồng phấn. Chuyện gì đã làm anh do dự? Cặp chân mày lại nghĩ ngợi và giãn ra khi anh gấp gọn chiếc khăn rồi đút ngược lại vào túi. Tha La rên lên vài tiếng cắt ngang những suy tư của anh bộ đội. Anh hoảng hốt nhìn xuống cổ cô rồi rút phăng chiếc khăn hồng phấn quấn quanh cổ cô bé Khơ-me.
Những khi có thể mở mắt, cô thấy mình đang tựa đầu vào cánh tay ấy, đôi mắt anh “coong tốp” đang lo lắng nhìn cô, trong khi mặt anh nát bươm bởi những vết cắt và máu bê bết. Họ cầm cự cho đến khi được bộ đội phát hiện và đưa đi cứu chữa.
Gió núi bỗng dịu dàng, truyền tai nhau qua các vòm lá về câu chuyện của cô gái Khơ-me.
Chiếc khăn của người con trai lạ vương vấn và theo Tha La vào trong giấc mơ của thiếu nữ.
Giấc mơ ấy có đẹp không mà cô Tha La bây giờ vẫn ngồi đây. Người quản trang đêm nay chắc khó ngủ. Ông ngẫm ngợi như thế, nhìn người phụ nữ Khơ-me vẫn còn đắm chìm trong cơn mơ dù đôi mắt ấy đang mở to, đôi hàng mi dày và cong lên lâu lâu khẽ động. Mấy mươi năm trước hẳn Tha La phải là một thiếu nữ đẹp. Người quản trang bật ra một tiếng thở dài, gió kéo thượt tiếng thở phải đến bằng ấy quãng đời thanh xuân của người con gái. Lần này, không cần đằng hắng mà Tha La đã phát hiện sự có mặt của ông. Có thể chính tiếng thở dài thườn thượt ấy.
Tha La lại mở to đôi mắt ngắm người quản trang, vẫn hành động cũ: tuột dép Lào ra, một chân đá cho bằng phẳng, đặt mông xuống, lưng tựa tường, chỉ khác là lần này ông hút thuốc. Mùi thuốc lá thơm ngào ngạt, tuy vậy sau một cơn phả khói, ông ho sặc sụa.
Tha La nhìn cách ông nhả khói, rồi mặt mũi nhăn lại, gấp thành từng nếp lộn xộn trên da, nước mắt, nước mũi giàn ra sau cơn ho bất ngờ khiến cô khẽ nhoẻn miệng cười:
- Phụ nữ Khơ-me chúng tôi rất thạo hút thuốc. Hôm nay trở trời à ông?
Người đàn ông lại tiếp tục đốt thuốc, điếu này chưa kịp dập than điếu khác đã đỏ lửa.
- Coong tốp của tôi vẫn chưa hy sinh.
Tha La kể rằng cô tin vào dự cảm của mình, xong vẫn mơ hồ đi tìm kiếm. Lần ấy sau khi được trị thương, cô đã nhờ người đọc giùm cô thông tin trên chiếc khăn. Trên khăn là hình ngọn núi có dáng dấp một người phụ nữ bồng con được thêu nổi bằng lòng bàn tay, dưới góc phải là dòng chữ: “Thương yêu V. V. Trung”. Cô quyết định nương lại ở sóc Tà Hu, gần núi Pu Sát để chờ đợi “coong tốp” không lâu sau khi nghe tin toàn đại đội của anh đã hy sinh, trước cuộc tập kích bất ngờ vào ban đêm của tàn quân Pôn Pốt. Tha La thất thần, đã chạy khắp cánh rừng mong tìm chút dấu vết. Đôi chân cô mặc tình cho đá xước, cho gai đâm chỉ để gọi tên của người con trai đã cứu cô hôm nào. Tâm hồn trong trẻo mười sáu tin rằng, chỉ cần tìm thấy anh, dù máu, dù đất có nồng, có tanh đến mấy vẫn không át được mùi mồ hôi của người con trai ấy. Cái mùi đã tẩm vào chiếc khăn quấn vào cổ cô hôm nào. Song không một tăm tích. Tha La chìm trong tuyệt vọng rồi hy vọng. Những cây buông phủ tán rợp cả những nơi lưu dấu đôi chân “coong tốp” mà cô tin đã chạy đến cứu dân tộc mình. Người ở sóc Tà Hu tin rằng, khi một người đã lìa đời, nếu chúng ta chép kinh và ghi tên họ đều đặn ở lá cây buông vào mỗi mùa xuân, khi cây cho lá non, thể nào linh hồn ấy cũng sẽ về báo mộng rằng họ đã được đến chốn lâm tuyền mát mẻ.
Tha La muốn làm gì đó cho “coong tốp”. Cứ thế, vào mỗi mùa xuân, khi cánh rừng Pu Sát rộn ràng tiếng chim và những lá buông non bắt đầu đều to bản, cô dùng dây chuối gói cột lại, không cho lá buông xòe ra tiếp xúc với ánh sáng để giấy lá non, mềm giữ được màu trắng ngà. Đến đầu hạ thì chặt búp mang về, dùng miếng ván gỗ đã đẽo, bào nhẵn bóng kẹp vào xấp lá rồi cắt theo cỡ tấm ván, sau đó đem phơi ngoài hiên nắng.
Những năm đầu, khi chưa biết tiếng Kinh, Tha La chỉ chép kinh và ghi tên “coong tốp” bằng tiếng của mình. Xong đêm nằm ngủ vẫn chả thấy người con trai ấy về báo mộng. Những thao thức đằng đẵng của nhớ nhung, khiến Tha La dại dột nghĩ rằng “coong tốp” là người Kinh nên cô bắt đầu đăng ký học tiếng Việt, mong hương linh của người thương về báo mộng. Vậy mà đã mấy mươi mùa buông cho lá non, những chồng tên anh cứ dày lên mà Tha La vẫn còn nuôi ước ao gặp người thương, người ân trong giấc mộng.
Trời gần về sáng, gió dịu dàng thủ thỉ câu chuyện của người phụ nữ mà chúng đã quen mặt. Những năm sau loạn lạc, Tha La đã sống ở khu vực biên giới này. Với những thông tin mơ hồ từ chiếc khăn của anh “coong tốp”, cô đã tìm ra tận biên giới phía Bắc của Việt Nam mong biết được người ơn của mình còn hay mất. Cô không muốn định danh tình cảm trong lòng mình. Chiếc khăn màu hồng phấn ấy rất có thể là của người yêu hay thậm chí là vợ của “coong tốp”. Thì có hề gì, trong lòng cô chỉ mong gặp lại. Ý nghĩ ấy đã là động lực để cô phơi lưng qua những mùa gặt thuê kiếm tiền lộ phí, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, đến đâu Tha La cũng chú ý tìm đến các nghĩa trang. Thì có hề gì, ý nghĩ ấy đã làm động lực để cô không ngại ngần ra tận Lạng Sơn tìm “coong tốp”, bị kẻ xấu xẻ túi mất hết tiền cùng đường ngửa tay xin ăn. Đói rách và bị khinh miệt cũng không làm cho ý chí Tha La bị dập tắt.
- Có thể “coong tốp” chưa hy sinh, anh vẫn còn ở đâu đó.
Tha La lại mở đôi mắt to, đôi lông mi dày và cong nhìn trân trân vào khuôn mặt người quản trang như một câu khẳng định. Gió thổi vù thật mạnh vào tường, người quản trang khẽ giật mình qua đôi vai gượng gồng lên dưới làn áo dày cộm. Cô lôi từ trong túi ra, lật giở lớp vải, dưới ánh sáng lòe nhòe, mặt lá căng bóng, nét chữ lấp lánh nổi trên nền lá. Ông lật giở từng tờ kinh ra, những đường chữ ngoằn ngoèo mà ông cũng đọc được bập bẹ. Sương rơi lộp độp xuống nền xi măng. Đôi tay của người quản trang run rẩy, tưởng như không còn chút sức lực nào dù chỉ để đỡ một chiếc lá khô.
- Ông bị cảm lạnh rồi!