Cổng nhà bao phủ dây leo chằng chịt. Những búi tóc tiên xanh mướt, xòe hoa đỏ trong nắng sớm cuốn quanh hàng rào lưới mắt cáo. Ngồi trên xe lăn, ông mỉm cười khi thấy bà xuất hiện với bộ quần áo nâu khoẻ khoắn. Đôi chân bà vẫn còn hơi khập khiễng. Nó bị đau từ tháng trước trong chuyến tìm kiếm hài cốt đồng đội. Chuyến đi cùng đoàn có một cựu binh đi tìm hài cốt em gái. Hai anh em cùng thoát ly theo cách mạng. Cô em không may trúng đạn và hy sinh. Người anh bó xác em vào mảnh cao su đem chôn gần gốc một thân cây, riêng kỷ vật chiếc khăn quấn cổ bằng vải kate của cô, anh cột quàng vào một nhánh cây. Giờ đây tìm lại nơi chốn cũ, người cựu binh già không làm sao định hình được vị trí của nấm mồ dù đã khoanh vùng, đào xới nhiều thửa đất. Chỉ đến khi người chủ của mảnh rẫy xuất hiện và kể, ngày xưa khi phát cây, ông có thấy một khoảng đất lùm lùm ở phía bên trái cách chỗ đào khoảng một trăm mét, có thể ngôi mộ ở vị trí ấy chăng! Khi mọi người đào lên, quả nhiên tìm được hài cốt…
Khoảnh sân đã ngập nắng từ bao giờ. Những đóa tóc tiên vươn đài kiêu sa khoe sắc. Mỗi chiếc lá xanh như hai hàng mi dài cong của người thiếu nữ đẹp. Hết mưa, nắng lên, tóc tiên thêm mướt mát, khoe sức sống căng đầy. Mà không chỉ có tóc tiên, những giò lan ở phía chái hiên nhà cũng đang đua nở. Phải, mấy chục loại lan…
“Loại hoa này, nó có sức sống mãnh liệt” - Câu nói ngập ngừng khi ánh mắt ông dừng lại ở những giò lan. Trận mưa đêm qua khiến tấm lưới che bị lệch. Vài nhánh lan muốn bật hết rễ ra khỏi chậu.
Tiếng nước đổ từ hòn non bộ đặt ở góc phòng khách vọng lại khiến không gian trở nên xa xôi.
“Lần này chúng ta sẽ tìm được Bắc Lan”. - Giọng bà chắc nịch.
“Nhưng mà theo miêu tả, vóc người, chiếc sơ mi sọc xanh rộng thùng thình dài đến nửa cái túi trước và sau đùi, chiếc quần kaki được gấp mấy lần gấu. Tóc hớt như cái gáo dừa chụp lên đầu. Khuôn mặt xương nhỏ, cằm móm xọm… thấy hổng giống”. Ông đẩy chiếc xe lăn đến cạnh bà giọng ngập ngừng.
“Đồng đội tử trận chúng ta còn tìm được hài cốt, Bắc Lan còn sống, chẳng lý gì…”, giọng bà hơi xẵng. Trong đầu bà lấp loáng gương mặt của Bắc Lan.
Ông im lặng. Khi bà kéo cánh cổng, những giọt nước và vài cánh hoa tàn rụng xuống. Bà bước ra, phía sau, ánh mắt ông nhìn hút theo bóng bà cho đến khi khuất hẳn sau khúc quẹo.
Lúc bà đến chân núi thì cũng đã chiều. Nghe nói núi Bà linh thiêng nên khắp nơi người người đổ về khấn viếng. Dọc từ chân lên đỉnh, khói nhang nghi ngút từ các chùa, miếu tỏa ra. Bà dừng lại trước một tảng đá, mắt nhìn ra xa để định hình. Chỗ kia từng là công trường nơi ông, bà và Bắc Lan chiến đấu… Vùng này bà khá thông thuộc. Nơi đây, vào cuối những năm sáu mươi có một công trường đã tồn tại với nhiệm vụ sửa chữa các loại vũ khí cho chiến trường. Công trường 27… cái công trường đã vùi lấp đi tuổi thanh xuân của những cô gái xinh đẹp, trong đó có cô bạn thân thiết Bắc Lan của bà. Bắc Lan, cứ mỗi lần nhắc đến cái tên ấy, là lại khiến tim bà nhói lên.
*
Trời đã sang đông. Đang mùa khô nên không phải xắn quần, lội nước. Nhưng bù lại, đêm đông rừng núi, rét run lên bần bật. Gió bấc thổi tạt qua mặt khiến lòng các cô gái trẻ nao nao. Thêm một xuân thì gửi lại gió núi biên cương. Công việc nhiều lên tỉ lệ thuận với những trận càn quét liên tục của địch. Tiền tuyến cần được tiếp tế lương thực và vũ khí khẩn trương hơn. Công việc bận rộn khiến người ta không còn tâm tưởng để buồn, để nhớ. Cốt sao, làm được nhiều mìn, lựu đạn để tải ra chiến trường. Giang để ý, tối qua khi vừa đi ngang vồ đá, Lan đã ngừng lại vài phút. Nàng xoa xoa mặt tảng đá trắng tinh, nhưng không phải để ngồi nghỉ mà làm điểm tựa. Vì Lan chỉ khẽ chống tay xuống và mắt lại hướng về chỗ khác. Lan đang nghĩ gì? Từ hướng mắt của Lan, chẳng có gì ngoài những bụi hoa trinh nữ nằm la liệt say ngủ và một cây gáo chễm chệ.
Giang không nói chỉ kéo Lan đứng dậy để theo cho kịp đoàn. Giang giận Lan. Giận từ ngày Lan lặng lẽ chia tay Sơn không một lý do, không một lời giải thích, và bây giờ càng giận khi Lan hầu như không muốn chia sẻ điều gì dù đôi mắt trĩu bầu tâm sự.
“Nhỏ này, mày đi đứng vậy hả? Hồn để đâu rồi?”. Lan lên giọng khi đỡ Giang ngồi xuống.
“Để tao lấy miếng “chất trắng” sức là mai hết hà”. Giang lôi ở lận lưng ra một cái gói nhỏ.
“Sao mày giục nó đi? Lấy gì tao sức chân?”. Giang trợn mắt quát khi Lan giằng lấy và vứt nó ra xa.
“Từ mai, tao cấm mày, cấm các chị em dùng cái thứ ma quái này”.
“Tại sao?”.
“Không tại sao. Mày chỉ nên ghi nhớ, nó mãi mãi chỉ là thứ giết người! Có những cái chết mà không cần máu chảy, đạn rơi mày biết không?”.
Giang cứ ngớ ra khi thấy Lan vừa hoảng hốt lại giận dữ thù hận rồi chạy đi trong nước mắt. Cái “chất trắng” này, chính Lan đã từng quý như vị thuốc, chính nó giúp những vết ghẻ lở triền miên trên thân thể Lan biến mất. Cả công trường, ai không biết Lan đã trị bao nhiêu vết lở loét trên da chỉ nhờ vào “chất trắng” ấy…
Ký ức như ngọn khói quẩn lúc nào cũng cay trong lòng, bà khẽ thở ra, ngước nhìn lên ngôi nhà phía trên đỉnh núi ước lượng cự ly, nặng nhọc chống cây gậy đứng dậy.
*
Một ngôi nhà nhỏ, khoảnh sân rậm rịt cỏ mần trầu ken dày chỉ chừa một lối đi rải sỏi. Những lá mần trầu vươn dài đang vớt vát vài giọt nắng cuối ngày. Hiên nhà xào xạc gió, giò lan hồ điệp khẽ đung đưa. Trên một cánh lan trắng muốt, chú ong vàng đang xòe cánh, sáu cái chân bé xíu nhún nhảy dò tìm, cái đầu nhỏ khẽ chúi xuống. Cành hồ điệp mảnh dẻ, đơn độc, chới với cố nương theo làn gió chiều bất ngờ thốc vào mái hiên. Vài giò lan già lụi đã bắt đầu đâm cây non. Một, hai, đúng qua hết đốt thứ ba, chỗ cành lan còn dấu cắt sắc lẻm, cành lan hồ điệp mới đang nhú ra những cánh hoa tinh khôi. Giữa mênh mông và vòi vọi của cây cối, núi đồi, ngôi nhà lưng chừng khiến người ta nghĩ về những nhân vật mai danh ẩn tích để “giữ mình” trong lịch sử hay những hiệp khách giang hồ lẫy lừng trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung.
Có lẽ vậy nên ai cũng rướn mắt kiếm tìm chủ nhân của ngôi nhà. Người ta rỉ tai nhau, đó là một người chạy xe ôm đưa rước học sinh dưới phố có khuôn mặt sạm đen và chiếc cằm móm xọm với những nếp da nhăn nheo chảy xệ xuống cổ, hay bận chiếc áo sơ mi rộng thình và chiếc quần túi hộp. Nghe đâu, đó là một cựu binh, chắc vì nhớ rừng núi nên trồng lan hồ điệp. Mà quý trẻ con lắm, thường dạy chúng đàn. Đêm nào người cựu binh đó ở nhà, thể nào cũng được nghe tiếng Măng-đô-lin từ đỉnh núi vọng lại.
Chuông chùa gọi sương chiều về gần hơn. Cỏ mần trầu mọc thành từng bụi lớn. Nhiều bụi lá mần trầu dập nát đang khô lại và lá non đang nhú lên. Bà nhớ đến suối tóc mướt đen của cô bạn Bắc Lan từng tự hào quảng cáo về loại dầu gội made in “quê nhà”. Nhớ đến những buổi ra suối tắm chung, chiếc áo ướt bám chặt da thịt lồ lộ những đường cong. Hai đứa nghịch ngợm, đọ nhau xem “của ai” đầy hơn. Nhớ cành lan hồ điệp hồi sinh bất ngờ trong đêm bà một mình ra suối giặt mảnh vải mùng, cả hai ôm chặt nhau nức nở.
Từ đỉnh núi thoai thoải, cảnh vật được thâu vào tầm mắt.
Người đàn bà bao năm ở lưng chừng núi, đã bao lần ngửa mặt lên ngọn núi này? Liệu đó có phải là Bắc Lan không?
Trời tối hẳn. Từ trên cao lộng gió, nhìn xuyên vào khung cửa sổ của ngôi nhà thấp có những giò lan hồ điệp, bà giật thót khi thấy một người đang ngắm mình trong gương: Áo bà ba quần lãnh bóng, cổ quấn khăn rằn. Đôi bàn tay gầy với các ngón dài hết vuốt rồi lại miết nhè nhẹ vào mấy sợi tóc rối cứng đơ. Trong ánh đèn lờ mờ, vẫn đôi tay gầy đang giơ chiếc áo lót ra ướm vào khuôn ngực. Hết màu này đến màu khác.
Bà ôm ngực, thở dồn dập trộn giữa vui mừng và xót xa. Trấn tĩnh một chút, bà vội vã tiến lại.
Sau tiếng gõ cửa, có tiếng dép loẹt quẹt. Một người phụ nữ hiện ra. Bắc Lan phải không?
Bắc Lan!
*
Cô tên Bắc Lan. Cái tên đẹp và lạ. Mẹ nói khi ba đi tập kết không may bị thương nặng phải xuất ngũ đã mang theo về một giò lan hồ điệp. Đó là kỷ niệm nơi núi rừng phương Bắc của ba. Ở rừng phương Nam, lan hồ điệp rất hiếm. Năm sau cô ra đời, ba đặt tên cho cô là Bắc Lan. Ba hy vọng sau này con gái ba sẽ xinh đẹp và có sức sống mạnh mẽ như loài hoa ấy.
Đêm sâu. Trong tiếng vọng của đại ngàn, trăng cứ đổ tràn xuống cây, xuống suối. Tiếng nước chảy thánh thót đều đều xuống tảng đá trắng phản lại màu trăng vàng. Lẩn trong tàn cây, đom đóm phát sáng lập lòe. Bóng trăng xiên qua kẽ lá để lại những vệt sáng nhiều hình thù trên mặt đất. Nơi thân cây gáo già, một trái tim nho nhỏ nằm giữa hai dòng chữ tên hai người. Cô thấy lòng mình nhói đau khi đưa tay khẽ chạm vào. Giọt nước mắt tràn ra khóe mi. Cô ngước lên vòm gáo trong ánh sáng vằng vặc của trời đêm. Những bông gáo xòe râu tua tua khẽ rớt vài sợi tơ óng và chút phấn vàng rải trên lá cỏ. Gió đêm đưa hương gáo phảng phất qua mặt người. “Em gội đầu bằng gì mà tóc thơm và mượt quá chừng?”. Tiếng Sơn thoảng đâu đây. “Cỏ mần trầu. Từ hồi nhỏ, má đã nấu nước cỏ mần trầu cho em gội đầu. Ở quê mình nhiều lắm. Trong rừng cũng nhiều, nhưng giờ bom và chất trắng rải xuống nên cỏ cây nào cũng trụi lủi”.
“Sau này hòa bình, anh sẽ trồng một vườn cỏ mần trầu để dành cho em gội đầu”.
“Lúc ấy, không còn bom đạn, tự mần trầu sẽ mọc thôi. Đất phù sa quê mình, cây cỏ nào mà không ưa đâu anh”.
Cô khẽ thở dài. Dòng sông Hậu hiền hòa như đang chảy qua mặt. Con sông bên lở, bên bồi đã nuôi lớn cả một vùng quê. Con sông đã chứng kiến hai đứa trẻ tắm sông lớn lên bên nhau từng ngày. Rồi vào một buổi chiều, tại khúc Cồn Tiên chúng đã trao nhau nụ hôn đầu đời mát ngọt và dịu dàng như con nước…
Vài cánh chim giật mình vỗ cánh bay, dù đêm nay không một tiếng súng, tiếng đạn bom nào rơi xuống. Rừng đêm sương mỗi lúc một nhiều, cái lạnh khiến con người khát khao biết bao hơi ấm. Trăng lờ mờ rọi xiên vách núi in hình thù của một bóng đen cô độc. Lạ thay, đêm trăng tròn mà lại có mảnh lưỡi liềm cong cong đổ vào vách đá, cái vòng cung không đứng yên mà di chuyển mềm mại, đều đều. Ở đó, có những thanh âm của yêu thương đang ru màn đêm huyền hoặc.
Cô gục đầu vào vách núi trơ cứng còn hơi lạnh của sương đêm. Nước suối chảy róc rách, cô vục mặt vào nguồn nước rồi ngẩng mặt lên trời, hét một tiếng thất thanh. Cũng giây phút ấy, đôi mắt cô bắt gặp một cành lan giữa hai khe đá. Vài sợi rễ bám hờ vào vách đá nhưng những cánh hoa trắng kiều diễm vẫn khẽ đung đưa. Phía dưới, một quả bom to nằm chễm chệ, nó nghênh chiến với cô hay đang cười giễu cợt cô? Trái bom vẫn nằm im lìm vẻ đắc ý. Cơn thịnh nộ bốc lên tới đầu, cô lao về lán lấy cưa và nhanh chóng khắc phục quả bom bất chấp nguy hiểm. Mùi thuốc nổ TNT tỏa ra từ quả bom vừa được “phẫu thuật” tháo ngòi nổ làm vô hiệu hóa tiếng nổ. Cái “chất trắng” có mùi kẹo thơm lừng, đượm ngọt kia lại không phải để con người thưởng thức mà là để giết người. Cái hương ấy, mới hôm nào cô còn nghịch ngợm đưa lưỡi ra nếm thử. Đúng là độc ác và lừa bịp. Hương thơm dụ dỗ người ta để khi đụng vào tận miệng mới thấy đắng nghét.
“Hắt… xì, hắt… xì, hắt… xì”.
“Lan! Mày tránh ra mau, mặt mày đỏ ửng lên rồi kìa”. Giang xuất hiện từ lúc nào, vừa hắt hơi liên tục, vừa kéo cô bạn đứng lên. Những quả bom rơi lệch nên bị gọi là bom lép. Thế nhưng, nó vẫn nguy hiểm như thường nếu chưa được tháo đầu ngòi. Từ quả bom lép ấy, công trường đã chế tạo ra bao nhiêu mìn, lựu đạn phục vụ cho cuộc chiến đấu.
“Mày bắt đầu thay đổi từ đêm ấy. Bà khẽ thở dài nắm tay bạn”. “Tao cũng lờ mờ đoán ra lí do. Chỉ tội cho Sơn. Sơn không hiểu…”.
*
Cô trở nên trầm lắng và sống khép kín. Ngay cả Giang - cô bạn thân nhất, Lan cũng kiệm lời. Mấy lần, Sơn nhờ Giang hẹn cô ra vồ đá đêm nào nhưng đợi mãi, có khi gà gáy sáng vẫn không thấy bóng dáng người yêu. Ngay cả khi giáp mặt, ánh mắt cô cũng quá đỗi xa xôi.
Đêm nay, công trường giao lưu văn nghệ với đơn vị bộ đội chủ lực. Lan từ chối các tiết mục mọi người yêu cầu cô song ca với Sơn. Nàng kết thúc đêm văn nghệ bằng tiếng đàn Măng-đô-lin. Chưa bao giờ, ngón đàn của nàng đong đầy tâm trạng mà lại trong trẻo đến thế. Những ngón tay gầy, thon dài uyển chuyển. Âm thanh du dương, khi dồn dập, lúc rền rĩ, mềm mại mà dứt khoát, thiết tha và quyết liệt, nghe thì êm ái mà lại như chứa đầy bão giông. Không khí chùng xuống, ngưng đọng đến nghẹt thở. Ruột gan ai nấy héo úa, thôi tiếng nói cười, đùa giỡn. Mọi người hiểu cô mà lại dường như không hiểu gì. Vẫn biết Lan đầy nội tâm và cũng không thiếu sôi nổi, nhưng sự hào hứng vẫn nguyên vẹn mà tâm hồn thì nặng trĩu hơn bao giờ. Từng âm thanh như thả vào lòng người nghe cả một khối sầu. Tiếng đàn đêm nay, Lan tặng cho đồng đội hay ru chính lòng mình? Chỉ biết rằng khoảnh khắc này cô không bao giờ quên được, có lẽ cả Giang và Sơn cũng như thế.
Giò lan hồ điệp mà Lan vô tình phát hiện trong hang sâu đã trổ hoa. Nhưng cánh lan mới khoe sắc được một ngày, đêm sau một quả bom làm đá rơi, rớt gãy ngang cành. Lan mang về trồng gần công trường. Sáng nay, một cành hoa nhỏ bắt đầu nhú lên từ ngay chỗ đốt bị gãy. Sự hồi sinh kỳ diệu. Cứ thế, Bắc Lan chạy đi khoe đồng đội. Lâu lắm rồi, mọi người mới thấy cô vui như vậy. Cô rủ Giang trải tấm bạt xuống đất ngủ cho mát, vừa nghe mùi đất, hương thảo mộc vây quanh. Công trường được bao phủ giữa bao la núi rừng, giữa những cánh lan trắng đến hoang hoải và thơ mộng dù vẫn rền tiếng bom đạn, nồng mùi thuốc súng.
Giang thức dậy khi trở mình thấy bên dưới ươn ướt. Cô ra khe suối nhuốm vàng trăng để giặt quần, tranh thủ màn đêm để phơi những mảnh vải mùng đã đổ màu ngà vàng. Hai đứa đều được phát vải trắng cùng một lúc nhưng chỉ vài tháng dùng, khi cùng đem phơi, của Lan vẫn còn rất trắng. Mà… phải lâu lắm, hai cô không cùng ngồi giặt chúng ở con suối này, và cũng lâu lắm, Giang không thấy…
“Lan! Lan! Mày thức dậy mau, tao có chuyện muốn hỏi!”.
“Mày điên hả? Nửa đêm, hỏi han gì?”. Vừa dụi mắt, Lan vừa đi như chạy theo sức kéo xềnh xệch của Giang ra bờ suối.
“Tao đã nghi ngờ từ mấy tháng nay, sao mày không phải dùng chúng? Tao với mày có cùng ngày mà, nếu chậm trễ cũng đâu thể cả nửa năm nay rồi”. Giang chỉ những mảnh vải xé tưa đang phất phơ trên tảng đá.
“Tao… tao bị mất kinh từ bảy tháng nay”.
“Mày đi ăn sương với thằng nào?”.
“Nếu có thai, thì cái bụng tao phải to ra chứ, bảy tháng rồi còn gì?”.
Lan bắt đầu nức nở, những giọt nước mắt ấm ức cứ thế tràn ra. Vai cô rung bật lên từng hồi. Sự dồn nén bấy lâu giờ hóa thành những tiếng nấc, tiếng gào xé cả màn đêm, đổ tràn vào dòng suối. Giang nhào đến ôm chặt Lan, vỗ vỗ phía sau lưng. Cả hai cùng khóc.
Hai người đàn bà im lặng. Hình như, họ đang cùng nghĩ đến một người.
Ngày ấy, mày đã cố tình lánh mặt Sơn, mày muốn nhường anh ấy cho tao. Giọng bà Giang chùng xuống.
Không phải tao nhường. Chiến tranh biến tao thành thứ không phải đàn bà… Hà cớ gì… Bà Lan dừng câu nói lại giữa chừng chuyển sang hỏi thăm bạn: “Thế cuộc sống của mày và ông Sơn thế nào?”.
Ổn. Ổng cũng đang rất ngóng chuyến đi này của tao. Mai tao và mày cùng về dưới nhé”. Bà Giang khẽ siết chặt tay bạn. Bất giác, cả hai cùng nhìn ra ngoài cửa sổ.
Bên ngoài, giò lan hồ điệp vẫn khiêm nhường vươn một thân mảnh dẻ ra đón ánh trăng, những cánh hoa trắng đến lóa mắt, dịu dàng không lẫn giữa bao nhiêu màu lan.