NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ ĐOÀN KẾT
-Đoàn kết là sự hài hòa ở bên trong mỗi con người và giữa các cá nhân trong cùng một nhóm, đơn vị, tổ chức.
- Tình đoàn kết được duy trì nhờ thái độ chấp nhận và trân trọng mỗi con người cùng phần đóng góp của họ.
- Tình đoàn kết được vun đắp khi mọi người cùng chia sẻ chung một mục tiêu, một hy vọng và một tầm nhìn.
- Đoàn kết khiến những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng.
- Sự vĩ đại của đoàn kết là ở chỗ mọi người đều được tôn trọng.
- Chỉ một biểu hiện thiếu tôn trọng cũng có thể khiến cho tình đoàn kết bị đổ vỡ.
- Đoàn kết tạo nên tinh thần hợp tác, nâng cao lòng nhiệt tình của mọi người đối với công việc và làm cho bầu không khí trở nên tràn đầy sức mạnh.
- Đoàn kết khiến mọi người cảm thấy gắn bó và làm gia tăng hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Mục đích: Tận hưởng cảm giác đoàn kết.
Các chủ điểm:
- Vui vẻ tham gia vào một hoạt động phối hợp nhịp điệu.
- Vẽ một bức tranh tập thể trong tình đoàn kết, thực hành việc đánh giá công việc của các bạn khác mà không làm phiền họ.
- Cùng hát chung một bài với các động tác tay thống nhất hoặc múa diễn tả đoàn kết.
Mục đích: Tăng cường hiểu biết về đoàn kết.
Các chủ điểm:
- Tham gia thảo luận về những điểm suy ngẫm về đoàn kết và có thể trình bày ít nhất hai điểm trong số đó.
- Tìm hiểu về những loài động vật có tinh thần đoàn kết.
- Nghiên cứu một loài động vật có tinh thần đoàn kết và viết những “lời khuyên” của chúng cho con người.
- Chọn ra ba yếu tố quan trọng nhất cho tình đoàn kết.
Mục đích: Tìm hiểu về sự cần thiết của tinh thần đoàn kết trong thế giới hiện nay.
Các chủ điểm:
- Đặt ra một mục tiêu, hy vọng hoặc tầm nhìn chung cho cả nhóm, và biến chúng từng bước trở thành hiện thực bằng cách lên kế hoạch hành động và thực hiện.
- Điều chỉnh và hoàn thiện (nếu cần) Những Quy tắc Giao tiếp Tốt đã được lập ra trong các bài học về Hợp tác trong khi thực hiện dự án đoàn kết của lớp.
- Thảo luận về những phẩm chất cần thiết để cải thiện thế giới, và tạo ra một hình mẫu các bàn tay liên kết với nhau hoặc viết một đoạn thơ tương phản.
- Thảo luận về các vấn đề và những nhu cầu của thế giới, sắp xếp chúng theo thứ tự. Từng nhóm sẽ thuyết trình với chủ đề: “Các nhóm có thể đoàn kết với nhau ra sao để giải quyết các vấn đề trên”.
CÁC BÀI HỌC VỀ ĐOÀN KẾT
Bổ sung vào danh sách những điểm suy ngẫm trên các câu ngạn ngữ được yêu thích từ kho tàng văn hóa dân gian, từ các truyền thuyết, hoặc trích dẫn lời nói của những nhân vật nổi tiếng.
Tiếp tục mở một bài hát mỗi ngày.
Hàng ngày hoặc cách vài ngày tùy theo điều kiện của lớp, hãy thực hành bài thư giãn/tập trung. Các em có thể sẽ thích tập bài thực hành thư giãn/tập trung của riêng mình.
Bài học 1: Cùng phối hợp nhịp điệu
Bước 1 - thảo luận về ý nghĩa của đoàn kết và xem xét những điểm suy ngẫm sau:
- Đoàn kết là sự hài hòa ở bên trong mỗi con người và giữa các cá nhân trong cùng một nhóm.
- Tình đoàn kết được vun đắp khi mọi người cùng chia sẻ chung một mục tiêu, một hy vọng và một tầm nhìn.
Bước 2 - Lấy một ví dụ về tinh thần đoàn kết: Các ban nhạc hay các dàn giao hưởng là những ví dụ về tinh thần đoàn kết. Các nhạc công đều có cùng mục tiêu là chơi chung một bản nhạc. Mỗi người đều dùng tài năng của mình để thực hiện mục tiêu này bằng cách chơi phần của mình cho thật hay. Đàn ghi-ta hoặc ghi-ta bass tạo nên một âm thanh, trống tạo nên một âm thanh khác, đàn piano tạo một âm thanh khác nữa.
Bước 3 - Giáo viên hỏi: “Dàn nhạc sẽ như thế nào nếu họ thiếu tinh thần đoàn kết? Chúng ta sẽ như thế nào nếu ở đây thiếu tinh thần đoàn kết?”.
Bước 4 - Mời các em thực hiện bài tập sau đây trong tình đoàn kết.
Phối hợp nhịp điệu
Bài vỗ tay theo nhịp này xuất phát từ nước Công-gô. Thật ra trò chơi này rất đơn giản, những người tham gia có thể đứng hoặc ngồi. Chia lớp thành bốn nhóm.
Nhóm 1 sẽ vỗ tay để giữ nhịp cơ bản, theo các nhịp:
Bài tập này rất dễ hiểu, các em có thể thực hành mà không cần phải giải thích. Sau khi đã xác định nhóm 1, hướng dẫn các em nhóm này vỗ tay theo bốn nhịp 1 2 3 4. Sau đó chuyển sang nhóm 2, hướng dẫn các em vỗ tay hai nhịp 1 3. Nhóm 1 có thể sẽ bị ảnh hưởng bắt chước làm theo nhóm 2, vì vậy cần quay lại nhóm 1 và vỗ tay bốn nhịp 1 2 3 4. Sau đó đến nhóm 2 vỗ tay hai nhịp 1 3. Tiếp tục thực hiện như vậy cho đến khi cả hai nhóm đều nắm vững các nhịp của nhóm mình.
Tiếp tục đến nhóm 3 và hướng dẫn các em vỗ theo ba nhịp 1 2 4. Quay trở lại nhóm 2 và nhóm 1 để các em giữ nhịp của nhóm mình. Sau đó tới lượt nhóm 4, hướng dẫn các em vỗ ba nhịp 1 3 4. Quay lại hướng dẫn nhịp cho các nhóm khác nếu thấy cần thiết.
Nếu có em nào bị lỡ nhịp, chỉ cần hướng dẫn em đó quay trở lại nhịp của nhóm mình. Khi tất cả mọi người đều vỗ theo đúng nhịp, đề nghị các em lắng nghe giai điệu vỗ tay do các em vừa tạo ra. Sau đó, hướng dẫn các em vỗ nhẹ dần sao cho tiếng vỗ tay mất dần một cách thật.
- Đóng góp của Diana Beaver
Bài học 2: Học hỏi từ thiên nhiên (trong vài buổi học)
Bước 1 - Kể hoặc đọc những câu chuyện về các loài động vật biết thể hiện tinh thần đoàn kết, ví dụ như ngỗng, cá heo, voi.
Có nhiều câu chuyện có thật về cá heo cứu sống con người. Trong một câu chuyện, một đàn cá heo đã bơi nhiều dặm để đẩy một chiếc bè có một người bị lưu lạc trên biển. Những con cá heo đã thay nhau đẩy chiếc bè bằng mõm của chúng. Chúng đã đoàn kết với mục tiêu cứu sống người này. Khi một số con cá heo bị mệt thì các con khác thay phiên. Khi các con kia mệt, những con mới được nghỉ ngơi lại đẩy tiếp. Chúng cứ bơi cùng nhau nhiều dặm bằng cách luân phiên như vậy, cuối cùng đã đẩy được chiếc bè đến gần một ngôi làng nhỏ bên bờ biển, nơi người đàn ông có thể tự bơi vào bờ một cách an toàn.
Bước 2 - Giáo viên giải thích: Voi có nhiều điểm giống với con người. Cuộc sống của chúng kéo dài khoảng 70 tới 80 năm. Chúng kết đôi suốt cuộc đời và rất yêu thương con cái. Khi sống trong rừng và bị hổ hoặc sư tử đe dọa, các con voi trưởng thành sẽ đứng vây thành vòng tròn xung quanh các voi con, hướng mặt ra phía ngoài để có thể quan sát và bảo vệ được con mình. Nếu một con hổ tấn công, chúng sẽ dùng vòi cuốn lấy con hổ và hất tung lên trời. Voi cũng có tinh thần đoàn kết; chúng cùng nhau hành động vì một mục đích chung.
Bước 3 - Hoạt động: Chia lớp thành những nhóm nhỏ. yêu cầu mỗi nhóm nghiên cứu về một loài vật nổi tiếng về tinh thần trợ giúp đồng loại.
Bước 4 - Thảo luận những điểm suy ngẫm có liên quan như sau:
- Đoàn kết khiến mọi người cảm thấy gắn bó và làm gia tăng hạnh phúc cho tất cả.
- Sự vĩ đại của đoàn kết là ở chỗ mọi người đều được tôn trọng.
Bước 5 - Sau khi nghiên cứu, mỗi nhóm có thể thảo luận về các bài học mà loài động vật đó mang lại cho con người.
Bước 6 - Các nhóm sẽ dùng nghệ thuật để thể hiện những “lời khuyên” đó và trình bày trước cả lớp.
Bài học 3: Bức tranh đoàn kết
Bước 1 - Thảo luận:
- Đoàn kết là gì?
- Có phải một phần của đoàn kết là tôn trọng người khác, đánh giá cao công việc của người khác, giúp đỡ nhưng không làm phiền họ? Chúng ta có thể thực hiện điều đó như thế nào?
Bước 2 - Hoạt động: mở nhạc, trao cho các em màu vẽ, bút vẽ và một tờ giấy nền to và dài.
Bước 3 - Yêu cầu các em vẽ một thứ gì đó trong yên lặng, chỉ lắng nghe tiếng nhạc và tập trung vào cảm nhận tình đoàn kết.
Với nhóm học sinh lớn hơn, thỉnh thoảng dừng bài nhạc để ra hiệu cho các em di chuyển về bên phải hoặc bên trái.
Bước 4 - Sau khi vẽ xong, yêu cầu học sinh chia sẻ cảm nhận của mình.
Bước 5 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau liên quan đến cảm nhận của các em:
- Tình đoàn kết được duy trì nhờ thái độ chấp nhận và trân trọng mỗi con người cùng phần đóng góp của họ.
- Chỉ một biểu hiện thiếu tôn trọng cũng có thể khiến cho tình đoàn kết bị đổ vỡ.
- Đóng góp của Linda Heppenstall
Bài học 4: Câu chuyện “Đội bóng đoàn kết”
Bước 1 - đọc câu chuyện “đội bóng đoàn kết” ở phần Phụ lục 19.
Bước 2 - thảo luận về câu chuyện và những điểm suy ngẫm mà học sinh cảm thấy có liên quan nhất.
Bước 3 - Hỏi các em những yếu tố nào là quan trọng nhất để tạo nên tinh thần đoàn kết.
Bước 4 - Yêu cầu các em chọn ra ba yếu tố mà các em thấy là quan trọng nhất.
Bước 5 - Thảo luận theo nhóm tại sao lại chọn như vậy.
Bài học 5: Tinh thần đoàn kết trong lớp
Bước 1 - Thảo luận: Cả lớp cùng quyết định chọn ra một mục tiêu hoặc một tầm nhìn chung gần nhất với mục tiêu của từng học sinh.
Bước 2 - Thảo luận việc làm thế nào để biến mục tiêu hoặc tầm nhìn này thành hiện thực.
Bước 3 - Lập ra một kế hoạch hành động.
Đó có thể là một kế hoạch phi vật chất, chẳng hạn như tất cả học sinh cùng quyết định sẽ học tập với hết khả năng của mình và một biện pháp cụ thể để đạt được điều đó là các em cần khuyến khích, động viên lẫn nhau. Hoặc cả lớp để ý thấy có một nhóm bạn đang tẩy chay một số bạn khác trên sân chơi. Mặc dù thầy cô đã nói chuyện với nhóm này rồi, nhưng việc phân biệt đối xử một cách tinh vi vẫn diễn ra mà người lớn không thể nhận thấy. Cả lớp có thể quyết định nói giúp cho những người bạn bị tẩy chay này một cách đầy thiện chí. “Này Tân, chúng ta đều là bạn bè anh em ở đây”. Cả lớp có thể quyết định sẽ tuyên truyền về hòa hợp dân tộc cho toàn thế giới. Các em có thể thực hiện các hoạt động không chỉ ở trường mà còn ở cả gia đình bằng cách chơi với em trai hoặc em gái của mình 30 phút mỗi ngày. Hàng ngày, hãy cùng nhau thảo luận xem việc nào có hiệu quả và việc nào gặp khó khăn.
Lưu ý: khái niệm đoàn kết thường tạo ra cảm giác thân thuộc. do vậy, trong quá trình thực hiện một kế hoạch, việc làm gia tăng cảm giác thuộc về một nhóm mà không loại trừ hay tẩy chay những người không tham gia là điều quan trọng.
Bước 4 - Học sinh có thể muốn cùng đoàn kết để tạo nên một điều gì đó cụ thể như lập kế hoạch tổ chức một bữa tiệc cho một nhân vật đặc biệt, trồng một vườn rau, hoặc vẽ một bức bích họa cho nhà trường. dù kế hoạch nào cũng thế, hãy tận hưởng việc sáng tạo.
Thỉnh thoảng hãy kiểm tra quá trình thực hiện và yêu cầu học sinh đánh giá những cái được và cái mất khi có tình đoàn kết. Các em cũng có thể bổ sung hoặc chỉnh sửa Những Quy tắc Giao tiếp Tốt từ học phần Hợp tác.
Bước 5 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau:
- Đoàn kết tạo nên tinh thần hợp tác, nâng cao lòng nhiệt tình của mọi người đối với công việc và làm cho bầu không khí trở nên tràn đầy sức mạnh.
- Đoàn kết khiến những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng.
Bài học 6: Nối vòng tay đoàn kết
Bước 1 - Thảo luận: một ngày sau khi cả lớp đã quyết định xong việc chọn dự án để thực hiện, hỏi các em về những phẩm chất cần có để thực hiện dự án đó. Lưu ý rằng những phẩm chất mà một số em cảm thấy cần lại khác với những em khác. Hỏi:
- Những phẩm chất nào các em sẽ cần đến để cải thiện thế giới?
- Những phẩm chất ấy giống hay khác với những phẩm chất em cần để thực hiện dự án của lớp chúng ta?
Bước 2 - Hoạt động cho học sinh 8 - 11 tuổi: đưa cho các em nhiều loại giấy màu để lựa chọn. Hướng dẫn các em vẽ phác họa bàn tay của mình lên giấy. Sau khi cắt hình vẽ bàn tay, viết lên mỗi ngón tay một phẩm chất cần thiết cho dự án. Có thể gắn tất cả các hình vẽ lên tường dưới tiêu đề: “Chúng em, những học sinh, đoàn kết để cải thiện thế giới”.
Hoạt động cho học sinh 12 - 14 tuổi: Nói với học sinh rằng các em có thể viết các phẩm chất của mình lên các bàn tay, hoặc viết một câu khích lệ cho mình vào từng lòng bàn tay. Một nhóm khác có thể muốn vẽ một bức tranh về dự án đã được hoàn thành. Bức tranh có thể treo ở trên đầu tấm bảng với các hình vẽ bàn tay ủng hộ cho dự án ở bên dưới.
- Đóng góp của Marcia Maria Lins de Medeirous
Hoạt động thay thế dành cho học sinh 11 - 14: thơ tương phản - yêu cầu các em suy nghĩ tìm ra các từ vựng có liên quan đến đoàn kết và mất đoàn kết. Học sinh có thể sử dụng từ điển để tìm các từ đồng nghĩa và trái nghĩa. Các em có thể sáng tác thơ theo nhóm, hoặc từng em một, đưa người đọc đi từ cảm xúc hay ý tưởng này sang cảm xúc hay ý tưởng đối ngược với nó.
- Đóng góp của Ruth Liddle
Bài học 7: Một vở kịch
Bước 1 - Giáo viên nói: Có một câu chuyện cổ tích về một người cha với ba cậu con trai, được kể lại dưới hình thức một vở kịch sau đây. Người cha rất lo lắng khi thấy mình ngày càng già đi mà các con trai của ông lại không chịu chăm lo ruộng vườn. Mỗi khi làm cùng với nhau là chúng lại cãi nhau về cách làm việc. Người cha muốn các con ông học được tinh thần đoàn kết. do vậy, ông lấy ra một bó đũa to và buộc nó lại bằng một sợi dây thừng. Sau đó, ông gọi các con trai đến và yêu cầu từng người con bẻ gãy bó đũa. Khi không người con nào có thể làm được việc này, ông bèn cởi sợi dây thừng và lấy ra một vài chiếc đũa cho các cậu con trai bẻ gãy. Bài học ở đây thể hiện đoàn kết là sức mạnh.
Bước 2 - Hoạt động: Học sinh có thể rất thích thú tham gia đóng vở kịch dưới đây. Các em cũng có thể thích diễn vở kịch do chính mình sáng tác.
Cảnh 1
Nhà Vua đang ngồi trên ngai vàng trầm tư, trông Ngài có vẻ lo lắng. Một lính gác đứng ở góc phòng. Quan đại thần bước vào.
Quan đại thần: “Muôn tâu Bệ hạ, phải chăng đã xảy ra chuyện gì? Trông Người rất lo lắng và không vui”. Nhà Vua trả lời: “Đúng vậy Đại thần của Ta ạ. Ta đang không vui. Ba đứa con trai của Ta suốt ngày chỉ mải mê rong chơi và săn bắn mà chẳng quan tâm gì đến những việc khác. Khi Ta yêu cầu chúng giúp Ta cai quản vương quốc và sắp xếp quân đội thì chúng chỉ toàn cãi cọ lẫn nhau!”.
Đột nhiên, Nhà Vua ngồi thẳng lên và nói với Quan đại thần: “Nhà ngươi hãy đem lại cho Ta một bó đũa to, buộc bằng một sợi dây thừng thật chắc nhé”.
Rồi Nhà Vua quay sang người lính gác và ra lệnh: “Hãy gọi ba đứa con trai của Ta đến đây ngay lập tức”.
Cảnh 2
Nhà Vua ngồi trên ngai vàng. Quan đại thần đứng bên cạnh ông. Trước mặt Nhà Vua là ba hoàng tử. Giữa Nhà Vua và các hoàng tử là một bó đũa được bó thật chặt.
Nhà Vua nói: “Này các con, Ta muốn các con hãy cố gắng bẻ gãy bó đũa này làm đôi”. Hoàng tử út nói: “Con có thể làm được. Con rất khỏe mà cha”. Mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng hoàng tử vẫn không thể nào bẻ gãy được bó đũa.
Hai vị hoàng tử còn lại cũng gắng hết sức nhưng đều không thành công.
Nhà Vua nói: “Hỡi Quan Đại thần, hãy cởi sợi dây buộc ra cho ta”.
Nhà Vua nhìn các hoàng tử và nói: “Không ai trong các con có thể bẻ gãy được bó đũa này bằng sức của riêng mình. Vậy phải làm thế nào để thực hiện được việc này?”. Ngài ngừng lại một chút, rồi nói tiếp “Hãy tháo bó đũa này ra. Ta muốn các con mỗi người hãy cầm lấy một phần ba bó đũa và bẻ gãy chúng”.
Các hoàng tử làm theo lời Vua cha. Nhà Vua nhìn các con trai của mình và nói: “Các con có thấy rằng các con không thể nào bẻ gãy những chiếc đũa này khi cố gắng thực hiện điều đó một mình hay không? Nhưng khi các con cùng làm với nhau, các con lại hoàn thành công việc một cách dễ dàng. Đó chính là điều Ta muốn ở các con – hãy luôn làm việc cùng nhau. Khi các con đoàn kết, các con có sức mạnh và sẽ dễ dàng giải quyết mọi khó khăn”.
- Đóng góp của Lamia El–Dajani
Bước 3 - Hoạt động: Chia lớp thành các nhóm nhỏ và yêu cầu các em suy nghĩ về những điều thế giới đang cần.
Bước 4 - Hãy nói với học sinh rằng bạn muốn các em hình dung các vấn đề trên thế giới như một bó đũa có 100 chiếc. Mọi người trên thế giới có thể giải quyết được các vấn đề này nếu họ biết đoàn kết. Những vấn đề và nhu cầu của thế giới là gì, và bao nhiêu chiếc đũa cho một vấn đề? (Chẳng hạn như nạn thiếu lương thực trên thế giới có thể cần 8 trong số 100 chiếc đũa).
Bước 5 - yêu cầu từng nhóm thảo luận và quyết định xem những dân tộc nào cần phát huy tình đoàn kết để giải quyết từng vấn đề.
Bước 6 - mỗi nhóm sẽ chuẩn bị một bài trình bày. Các em có thể minh họa bài trình bày của nhóm mình bằng các hình vẽ hoặc biểu đồ.
Thầy cô có thể hướng dẫn các học sinh lớn hơn sử dụng thông tin về các tập đoàn kinh doanh hay các tổ chức quốc tế. Các em có thể chia sẻ những thông tin của mình với các tập đoàn và tổ chức này.
Bài học 8: Biểu diễn nghệ thuật
Bước 1 - Giáo viên giới thiệu: để chuẩn bị cho một ngày lễ sắp tới trong trường - ngày kỷ niệm Quốc tế, ngày lễ Nhà giáo hay ngày các giá trị (thầy cô giáo có thể định ra ngày này), chúng ta sẽ cùng đưa ra những khẩu hiệu và ý tưởng cho dịp lễ này. .
Bước 2 - Trưng bày các câu khẩu hiệu và ý tưởng của học sinh.
Bước 3 - Giáo viên nói: Chúng ta cũng cần chuẩn bị một số bài hát và các điệu múa về tình đoàn kết. Đạo diễn các động tác tay sao cho phù hợp với bài hát để mọi cánh tay chuyển động thống nhất với nhau. Những điệu múa dân gian theo vòng tròn và theo hàng vừa vui vừa là cách tuyệt vời để thể hiện tình đoàn kết.
Một phút
Khởi đầu chỉ một giấc mơ đơn giản,
Như cách ta lên tới chị Hằng,
Rồi giữ nó mãi luôn trong tâm trí,
Chuyện thần kỳ sẽ thực sự xảy ra.
Tôi biết nó là thật dù kỳ lạ đến đâu,
Có lòng tin bạn sẽ gặp lời giải đáp,
Chỉ cần nhớ lấy điều đó, bạn ơi!
Điệp khúc:
Một phút sẽ trở thành một giờ,
Một hạt giống sẽ thành bông hoa đẹp,
Một điều ước về ngôi sao sáng chói
Có thể làm thay đổi mọi thứ, bạn ơi!
Tôi đã thấy nó rồi, bắt đầu từ cả bạn và tôi.
Sâu thẳm từ trái tim, chúng ta là một phần
Trong muôn vàn tạo vật.
Cùng bên nhau, không chối bỏ nhau,
Tình yêu thương sẽ nối mọi quốc gia
Cùng dựng xây nên nền móng mới,
Để mọi người cùng sống hoan ca,
Chỉ cần nhớ lấy điều đó, bạn ơi!
(điệp khúc)