NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ TỰ DO
-Tự do nằm trong tâm trí và trái tim.
- Chỉ có thể có tự do hoàn toàn khi quyền lợi cân bằng với trách nhiệm.
- Mọi người đều có quyền được tự do. Để tất cả đều được tự do, mỗi người phải tôn trọng quyền của những người khác.
- Tôi trải nghiệm được tự do nội tâm khi có suy nghĩ tích cực về mọi người, bao gồm về cả chính tôi.
Mục đích: Thích thú với cảm giác tự do nội tâm và học các kỹ năng cá nhân để có được cảm nhận này.
Các chủ điểm:
- Tích cực tham gia “Bài ca tự do”.
- Tham gia thảo luận về những suy nghĩ giúp học sinh cảm thấy tự do, thư thái và những suy nghĩ làm các em cảm thấy căng thẳng, tiêu cực.
- Tham gia bài thực hành thư giãn/tập trung về tự do.
- Làm một con búp bê hay một biểu tượng về tự do nội tâm.
Mục đích: Nâng cao hiểu biết về tự do.
Các chủ điểm:
- Tham gia thảo luận về những điểm suy ngẫm về tự do và có thể trình bày ít nhất hai điểm trong số đó.
- Thảo luận quan niệm “để mọi người đều được tự do, mỗi người phải tôn trọng quyền của những người khác”.
- Thảo luận về các trách nhiệm trong mối liên hệ với hai quyền lợi (hoặc nhiều hơn).
- Tham gia vào quá trình giải quyết mâu thuẫn và đưa ra được một giải pháp tốt hơn trong khi vẫn đảm bảo quyền lợi của mọi người.
CÁC BÀI HỌC VỀ TỰ DO
Bổ sung vào danh sách những điểm suy ngẫm về tự do ở trên những câu ngạn ngữ trong kho tàng văn hóa dân gian, từ các truyền thuyết, hoặc trích dẫn lời nói của các nhân vật nổi tiếng.
Duy trì việc hát một bài hát mỗi ngày.
Hàng ngày, hoặc vài ngày một lần tùy vào điều kiện của lớp, thực hiện bài thực hành thư giãn/tập trung. Các em có thể tập các bài thư giãn do tự mình sáng tác.
Bài học 1: Câu chuyện
Bước 1 - Hoạt động cho học sinh 8 - 11 tuổi: đọc câu chuyện “Hoàng tử nhỏ bướng bỉnh” trong phần Phụ lục.
Bước 2 - Thảo luận nội dung câu chuyện và những ý nghĩa của truyện liên quan đến các điểm suy ngẫm sau:
- Mọi người đều có quyền được tự do. Để tất cả đều được tự do, mỗi người phải tôn trọng quyền của những người khác.
- Tôi trải nghiệm được tự do nội tâm khi có suy nghĩ tích cực về mọi người, bao gồm về cả chính tôi.
Bước 1 - Hoạt động cho học sinh 12 - 14 tuổi: đọc một câu chuyện hoặc một bài thơ về tự do lấy từ kho tàng văn hóa Việt Nam hoặc từ chương trình giảng dạy.
Bước 2 - Thảo luận về câu chuyện hay bài thơ đó và những điểm liên quan đến các điểm suy ngẫm trên.
Bài học 2: Tự do nội tâm
Bước 1 - Thầy cô giáo có thể giải thích tự do nội tâm là trạng thái thảnh thơi, thanh thản trong lòng, thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực hay bị áp lực về tinh thần. Trong lịch sử đã có những giai đoạn dân tộc ta đấu tranh giành tự do, thoát khỏi các ách đô hộ, kìm kẹp. Bên cạnh đó còn có tự do thoát khỏi ham muốn, tự do trong nội tâm.
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Các em nghĩ cảm giác về tự do nội tâm giống như thế nào?
- Khi đó em có thoát khỏi mọi lo lắng hoặc không còn phải suy nghĩ rằng một ai đó có thể không phải là người bạn thật sự của mình hay không?
- Khi nào em cảm thấy tự do, thanh thản nhất?
- Những suy nghĩ nào làm em cảm thấy tự do, thanh thản?
- Những suy nghĩ nào làm em có cảm giác bị đè nén, tiêu cực?
Bước 3 - Viết những ý kiến đóng góp của học sinh lên bảng theo hai cột, một cột có tiêu đề Những suy nghĩ tự do, cột kia là Những suy nghĩ tiêu cực. Chẳng hạn bên dưới cột Những suy nghĩ tự do có thể viết: tôi là người tốt, tôi có năng lực và đáng yêu, tôi tự do quyết định những suy nghĩ trong tâm trí tôi, tình yêu thương làm trái tim tôi cảm thấy tự do v.v. Còn bên dưới cột Những suy nghĩ tiêu cực có thể là: tôi sẽ không thể nào làm được việc này, tôi sẽ không bao giờ hiểu được điều này v.v.
Bước 4 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Tự do nằm trong tâm trí và trái tim.
Bước 5 - Bài thực hành thư giãn/tập trung về Tự do
“Khi thư giãn, tôi để tâm trí tự do khám phá... Tôi tưởng tượng mình đang bay trên bầu trời... Giống như một con chim... Trôi bồng bềnh trong những cơn gió ấm áp... dễ dàng cảm thấy tự do, thư thái và nhẹ nhàng... Tôi cảm nhận được những tia nắng ấm áp trên lưng tôi... Tôi hoàn toàn tự do, thoải mái... Tôi cho qua đi mọi lo lắng và cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản trong lòng... Không có gì níu kéo, không có gì ngăn cản tôi... và như thế tôi bay vào thế giới tương lai... ở đó, tôi tìm thấy một thế giới tự do... Mọi người đều tự do... hài lòng... hạnh phúc... Tôi thấy các bạn học sinh thuộc mọi chủng tộc cùng chơi với nhau một cách hòa thuận... Tự do vui chơi thoải mái... Mỗi người đều tôn trọng khoảng không gian và thời gian của người khác... Trong thế giới tự do này, có sự tôn trọng và tình yêu cho mỗi người... Mọi thứ đều cân bằng một cách hoàn hảo... Với tâm trí tự do không một mối lo âu, tôi bay trở về thế giới hiện tại... và tôi cảm thấy tự do trải nghiệm, khám phá chính bản thân mình... Trân trọng vẻ đẹp nội tâm của mình... Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái trong lòng”.
- Dựa theo đóng góp của Sue Emery
Bài học 3: Biểu tượng của tự do nội tâm
Bước 1 - Hoạt động cho học sinh 8 - 10 tuổi: Hướng dẫn mỗi em làm một con rối biểu tượng cho sự tự do nội tâm, có thể là một con chim, một cánh diều hay một con bướm.
Hoạt động cho học sinh 11 - 14 tuổi: tạo cơ hội cho mỗi học sinh làm một biểu tượng về tự do nội tâm.
Bước 2 - Mở nhạc và đề nghị các em điều khiển cho các con rối nhảy múa thể hiện cảm giác tự do nội tâm. Hoặc có thể cho các em trình diễn một vở kịch rối về tự do nội tâm.
- Yêu cầu các em viết ra những suy nghĩ đem lại cảm giác như là một phần của biểu tượng của mình.
- Đóng góp của Encarnación Royo Costa
Bài học 4: Thơ ca
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Tôi cảm nhận được tự do nội tâm khi có suy nghĩ tích cực về mọi người, bao gồm về cả chính tôi.
Bước 2 - Thực hành bài thư giãn/tập trung về tự do thêm một lần nữa.
Bước 3 - Hoạt động: Sáng tác một bài thơ hoặc vẽ một bức tranh phản ánh tự do nội tâm.
Bước 4 - Có thể một số em sẽ muốn thể hiện sự tương phản giữa cảm giác lo lắng hay nặng nề, bức bối với cảm giác tự do, thanh thản. Hãy chấp nhận những cảm xúc của các em.
Bài học 5: Quyền lợi và Trách nhiệm
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau:
- Chỉ có thể có tự do hoàn toàn khi quyền lợi cân bằng với trách nhiệm.
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Tại sao lại nói rằng tự do chỉ tồn tại khi chúng ta biết sử dụng các quyền của mình một cách cân bằng và có trách nhiệm?
- Những trách nhiệm gì cần đi kèm với quyền lợi?
Đối với các học sinh bé hơn, nên đưa ra ví dụ cụ thể khi giới thiệu khái niệm này. Chẳng hạn như: “Khi chúng ta được phép nuôi thú cưng, đi kèm với quyền ấy là những trách nhiệm gì?”.
Bài học 6: Từ ‘Giải quyết các xung đột’ đến ‘Sáng tạo các giải pháp’
Bước 1 - Giáo viên nói: mâu thuẫn có thể phát sinh trong trường học khi một số em có ý kiến hoặc hành vi nhất định nhưng lại không chịu nhường chỗ cho ý kiến hoặc hành vi của các bạn khác. Chẳng hạn như có thể có mâu thuẫn khi phân chia chỗ chơi trong sân trường hoặc khi phân chia các dụng cụ đồ chơi. Hãy lắng nghe nhu cầu của các bạn khác.
Bước 2 - Thảo luận điểm suy ngẫm: Tất cả mọi người đều có quyền được tự do. Để tất cả đều được tự do, mỗi người phải tôn trọng quyền của những người khác.
Bước 3 - Đề nghị các em tập trung suy nghĩ, không chỉ để giải quyết mâu thuẫn, mà còn để sáng tạo ra một giải pháp tốt đẹp hơn. Vì vậy, hãy cho các em tạm ngưng mọi hoạt động trong vài phút và hình dung ra điều các em muốn; hình dung ra giải pháp tốt nhất.
Bước 4 - Giáo viên hỏi:
- Các em muốn điều gì?
- Điều đó có mang lại lợi ích cho các em không?
- Giải pháp nào là tốt nhất mà em có thể hình dung ra?
- Giải pháp ấy có mang đến lợi ích cho các bạn khác không?
- Giải pháp ấy có khả thi không?
- Tất cả chúng ta đều đồng ý với giải pháp đó chứ?
- Chúng ta cần làm gì để đưa giải pháp này vào thực tế?
- Các em cần gì?
- Các em thực hiện điều đó như thế nào?
Bước 5 - đưa ra các giải pháp đáp ứng được yêu cầu của từng người. Quá trình này có thể tiếp tục được cải thiện, phát triển theo thời gian khi học sinh học được cách suy nghĩ sáng tạo và có tính xây dựng. Các bước của quá trình này bao gồm hình dung, chia sẻ, thương lượng, chấp nhận và quyết định cách thực hiện kế hoạch trong thực tế.
- Dựa theo đóng góp của Pilar Quera Colomina