NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ GIẢN DỊ
-Giản dị là tự nhiên. Giản dị là sống một cách hài hòa, tự nhiên.
- Giản dị là học hỏi từ trái đất.
- Giản dị là đẹp.
- Sống giản dị thật là thoải mái.
- Giản dị là sống với hiện tại và không làm mọi thứ phức tạp lên.
- Giản dị là sống vui vẻ, đơn giản với một tâm trí sáng suốt, hiểu biết.
- Giản dị dạy ta cách tiết kiệm, biết sử dụng nguồn lực ta có một cách khôn ngoan vì lợi ích của các thế hệ mai sau.
- Giản dị gắn liền với đức tính kiên trì, tình bằng hữu, và nghị lực.
- Giản dị là biết trân trọng ngay cả những điều nhỏ bé trong cuộc sống.
Mục đích: Tăng cường hiểu biết và yêu quý tính giản dị.
Các chủ điểm:
- Tham gia thảo luận những điểm suy ngẫm về giản dị và có thể trình bày ít nhất hai điểm trong số đó.
- Diễn đạt tính giản dị qua nghệ thuật.
- Thích thú quan sát những điều đơn giản trong tự nhiên khi đi dạo.
- Thảo luận và viết về những điều/sự vật đơn giản mà các em yêu thích.
- Viết một vở kịch cho cả lớp về việc tìm lại ý nghĩa từ những điều đơn giản trong cuộc sống/trong tự nhiên.
- Tham gia thảo luận cả lớp về thông điệp đằng sau những mẩu quảng cáo được chọn lọc và có thể đưa ra thông điệp: “Giản dị là tự nhiên” để đáp lại.
Mục đích: Học hỏi về sự sáng suốt của các dân tộc.
Các chủ điểm:
- Nghiên cứu những cách thức sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan của các dân tộc trong vùng.
- Thảo luận về các giá trị ẩn chứa trong sinh hoạt văn hóa của các dân tộc mà các em đang được học.
Mục đích: Học hỏi về tính giản dị trong việc gìn giữ môi trường thiên nhiên.
Các chủ điểm:
- Nghiên cứu về sự giản dị như là tiền đề để phát triển bền vững.
- Suy nghĩ về những hoạt động để gìn giữ và bảo vệ môi trường bên trong lớp học và thực hiện ít nhất hai hoạt động trong số đó.
- Thực hiện một dự án thân thiện với môi trường tại trường học.
- Sử dụng những thông tin đã nghiên cứu để thực hiện một dự án bảo vệ môi trường tại địa phương (hoạt động dành cho các em học sinh lớn hơn).
CÁC BÀI HỌC VỀ GIẢN DỊ
Các thầy cô giáo tại trường (hoặc ở cấp độ quốc gia) cần lựa chọn các thông tin từ chương trình giảng dạy hay từ thư viện về các dân tộc sinh sống tại địa phương. Đối với các học sinh bé hơn, sẽ rất tốt nếu có thể tìm được những cuốn truyện về phong tục tập quán và về trẻ em của các nền văn hóa dân tộc. Đối với những học sinh lớn hơn, thầy cô nên tìm những thông tin thực tế về phong tục tập quán và truyền thống.
Hãy bổ sung vào danh sách những điểm suy ngẫm về giản dị những câu ngạn ngữ dân gian được yêu thích, các trích dẫn từ truyền thuyết, hoặc lời của các nhân vật nổi tiếng.
Tiếp tục các bài hát hàng ngày.
Hàng ngày hoặc cứ cách vài ngày tùy theo điều kiện, cần cho lớp thực hành một trong các bài thư giãn/tập trung phù hợp. Các em có thể sẽ thích tập bài thực hành thư giãn do mình tự đặt ra.
Bài học 1: Nghệ thuật giản dị
Bước 1 - Thảo luận những điểm suy ngẫm:
- Giản dị là tự nhiên. Giản dị là sống một cách tự nhiên, hài hòa.
- Giản dị là đẹp.
Bước 2 - Hoạt động: tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật hoặc hình ảnh trong lịch sử, hay tạp chí có thể làm ví dụ cho sự giản dị đối lập với sự phô trương hay tô điểm quá mức. Vẽ hoặc làm tranh cắt dán về sự giản dị. Trong khi học sinh thực hiện hoạt động này, hãy mở những bản nhạc hay với giai điệu mộc mạc, hoặc có những âm thanh từ thiên nhiên.
Hoạt động không bắt buộc: Các em có thể sưu tầm một số lá cây và dùng chúng để làm một bức tranh thật đẹp. Tô màu lên những lá cây hoặc vẽ lên chúng.
Bài học 2: Nét giản dị bản địa (Bài này được thiết kế cho một tuần hoặc hơn)
Bước 1 - Giới thiệu: kính trọng và học hỏi sự sáng suốt của cha ông mình cũng như của các dân tộc khác. Theo truyền thống cổ xưa, nét giản dị gần gũi với thiên nhiên, sự thông thái và sự tôn trọng của người xưa đối với trái đất được thể hiện trong hầu hết các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Nhu cầu của con người và những cách thức để thỏa mãn các nhu cầu đó đều đơn giản và không lãng phí. Hãy nhìn vào sự giản dị một cách tự nhiên trong cuộc sống của các dân tộc địa phương. Tìm hiểu cách họ sử dụng các nguồn tài nguyên như thế nào qua sách truyện, viện bảo tàng, thư viện, hay phim ảnh. Hãy mời những người có hiểu biết đến nói chuyện với lớp về loại hình nghệ thuật, hoặc về các sản phẩm thủ công có từ xa xưa của địa phương.
Bước 2 - Thảo luận các điểm suy ngẫm sau: Giản dị là học hỏi từ Trái đất. Giản dị dạy ta cách tiết kiệm, biết sử dụng nguồn lực của ta một cách khôn ngoan vì lợi ích của các thế hệ mai sau.
Bước 3 - Hướng dẫn các em khám phá cách các dân tộc địa phương đã thực hiện điều này một cách khôn ngoan như thế nào.
Bước 4 - Hỏi các em xem những giá trị nào ẩn chứa trong các sinh hoạt trong đời sống của các dân tộc địa phương. Hỏi:
Theo suy nghĩ của em, những khía cạnh nào trong sự khôn ngoan của người xưa sẽ có ích trong thực tiễn thế giới ngày nay?
Giáo viên nói: Có nhiều nền văn hóa của các dân tộc ở châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, châu Á và các hòn đảo vùng thái Bình dương đã thể hiện sự tôn trọng trái đất và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thực tiễn săn bắn và hái lượm. Ví dụ: Những bộ tộc thổ dân da đỏ châu mỹ khai thác nguồn thực vật và tài nguyên thiên nhiên rất đơn giản, tiết kiệm và khôn ngoan. Người da đỏ ở sa mạc (bây giờ là bang California) đã sử dụng tất cả các bộ phận (rễ, lá, thân cây) của cây ocotillo. Họ không bao giờ sử dụng vượt quá nhu cầu của mình và vì thế đảm bảo lúc nào cũng có sẵn tài nguyên để dùng. Người da đỏ ở phía Bắc thì luôn coi tuần lộc như anh em của mình. Từ tuần lộc, họ chế biến thành thức ăn, quần áo, giày trượt tuyết, các dụng cụ nấu bếp, nhà ở v.v. Những người da đỏ luôn coi mình là giàu có, bởi vì họ luôn được giữ ấm, có đủ thức ăn và có nhiều thời gian cho các loại hình nghệ thuật và cầu nguyện.
Bước 5 - Yêu cầu các em vẽ và viết về các kết quả nghiên cứu của mình. Cả lớp có thể cùng làm một dự án nghệ thuật, mô phỏng một di sản văn hóa dân tộc. Hoặc các em có thể làm một mô hình mẫu vật bằng đất rồi mang nó về nhà để kể chuyện cho cha mẹ nghe. Để chuẩn bị cho “bài thuyết trình ở nhà”, yêu cầu học sinh trình bày các quan điểm của mình về đồ vật đó cũng như lịch sử của nó.
Bước 6 - Đề nghị các em viết các điểm này lên bảng và thực hành với một bạn trong lớp trước khi đem mô hình về nhà.
Bài học 3: Giữ gìn và tôn trọng trái đất (trong một tuần lễ hoặc hơn)
Bước 1 - Giáo viên giới thiệu: Giản dị là tiền đề cho phát triển bền vững. Giản dị dạy chúng ta sống tiết kiệm, biết sử dụng nguồn lực hiện có một cách khôn ngoan vì lợi ích của thế hệ mai sau. Học cách tôn trọng trái đất khi còn là học sinh thì khi lớn lên chúng ta sẽ biết tôn trọng trái đất. Những phương pháp đơn giản lại có thể hiệu quả trong việc đạt đến mục đích.
Bước 2 - Hoạt động: thầy cô giáo có thể bắt đầu bài tập này bằng cách cho học sinh xem một bộ phim về trái đất hoặc đọc một câu chuyện về tình yêu to lớn dành cho đất mẹ. yêu cầu các em trình bày tại sao chúng ta nên bảo vệ và chăm sóc trái đất. (Các em thường đưa ra những câu trả lời rất hay!). Nói chuyện về giản dị như một tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Bước 3 - Yêu cầu học sinh suy nghĩ về các ý tưởng hoặc biện pháp để bảo vệ môi trường trong phạm vi lớp học. Ví dụ như đặt một thùng chứa các loại rác có thể tái chế trong lớp, dùng giấy cả hai mặt, để dành các cuốn tạp chí cũ và các que nhỏ để sử dụng cho các tác phẩm thủ công. Các em cũng có thể đưa ra các ý tưởng làm thế nào để tiết kiệm, tránh lãng phí nước sạch.
Bước 4 - Học sinh có thể nhặt rác, cành lá rụng trong sân trường. Hoặc nghiên cứu về các cảnh báo môi trường có liên quan tới trường học hay lên tiếng về việc liệu chúng ta có đang làm ô nhiễm hay lãng phí nguồn nước sạch hay không. Ví dụ: nếu vườn trường được tưới nước vào buổi trưa, các em có thể đề nghị thầy hiệu trưởng cho thay đổi lịch tưới sang buổi sáng để tiết kiệm nước.
Bước 5 - Hoạt động: Sau khi các em đã suy nghĩ và thực hiện một số thay đổi để gìn giữ trái đất trong phạm vi trường lớp, đề nghị các em suy nghĩ về điều này trong phạm vi ở nhà mình hoặc ở địa phương. Nếu có rác hay các chất thải làm ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước sạch, hãy nêu lên vấn đề này. Các em có thể giúp cải tạo vệ sinh một dòng sông ở địa phương, tìm hiểu cách sử dụng thuốc trừ sâu của người dân địa phương và các dạng thay thế thuốc trừ sâu bằng nguyên liệu từ tự nhiên (rẻ hơn) mà không làm ô nhiễm đất đai hoặc dân cư, động thực vật trong vùng. Các em có thể viết thư cho lãnh đạo thành phố về các ý tưởng của mình. Hoặc làm một số biểu ngữ về tôn trọng và gìn giữ trái đất để treo tại trường hoặc tại các sân vận động địa phương.
Bước 6 - Bài tập về nhà: “Có nhiều việc tốt chúng ta làm mà không ai biết. Nhưng đó là việc thực. Các em có thể bí mật là Người giúp đỡ Trái đất. Khi đi dạo một mình và tận hưởng phong cảnh thiên nhiên, các em hãy làm một điều nho nhỏ để trả ơn cho bà Mẹ Trái đất. Hãy nhặt rác, bước vòng qua một bông hoa nhỏ đang bắt đầu hé nở trên mặt đất, nhẹ nhàng giúp một chú côn trùng nhỏ vừa bị sa vào trong hồ nước”.
Bài học 4: Câu chuyện
Bước 1 - một câu chuyện có nội dung gắn với chủ đề giản dị là “Hiện tại quý giá” (“the Precious Present”) của tác giả Spencer Johnson.
Bước 2 - Yêu cầu các em viết ra những điều mình đã học được và vẽ một bức tranh về câu chuyện của chính mình.
Bước 3 - Các em gắn những câu chuyện đó vào các bức tranh và lập một quyển sổ lớn sưu tập những bài học các em đã học được.
“Hiện tại quý giá” là một câu chuyện về một người biết rằng khi chúng ta ở trong khoảnh khắc hiện tại, chúng ta hoàn toàn tự do tận hưởng khoảnh khắc đó, thoát khỏi mặc cảm tội lỗi trong quá khứ và nỗi lo lắng về tương lai.
Bước 4 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau:
- Giản dị là sống với hiện tại và không làm mọi thứ phức tạp lên.
- Giản dị là sống vui thích với một tâm trí và trí tuệ giản đơn, không phức tạp.
Bài học 5: Đi dạo trong thiên nhiên
Bước 1 - Cho các em thảo luận và cảm nhận về nội dung những điểm suy ngẫm sau về giản dị:
- Giản dị là sống một cách tự nhiên.
- Giản dị là đẹp.
- Sống giản dị thật là thoải mái.
- Giản dị là biết trân trọng ngay cả những điều nhỏ bé trong cuộc sống.
Bước 2 - Hoạt động: đi dạo trong một công viên gần trường hoặc tổ chức một chuyến đi thực địa đến vườn bách thảo hay bờ biển.
ĐI bộ 15 phút trong yên lặng. Quan sát những sự vật đơn giản, như: ánh nắng phản chiếu trên một chiếc lá, một cái cây, một bông hoa bé nhỏ, một con chim, hoặc bất cứ vật gì trong thiên nhiên mà các em để ý thấy. Nằm dưới một cái cây và ngắm nhìn những chiếc lá. Hãy chỉ đóng vai trò là người quan sát trong vài phút, không suy tư hay ước muốn điều gì.
Bước 3 - Khi các em quay về, hãy viết một bài thơ xuất phát từ thiên nhiên. Ví dụ như bài thơ từ cái cây gửi cho em, hoặc một bài thơ của chú chim gửi cho cả lớp, v.v.
Bước 4 - Bài tập về nhà: giao cho học sinh bài tập về chủ đề “Sống giản dị thật là thoải mái và Giản dị là không làm mọi thứ phức tạp lên”. yêu cầu các em dành ra 5 phút mỗi ngày để thư giãn (trong một tuần). Các em có thể tập trung chú ý vào một cái cây, một bông hoa, hoặc một ngọn đèn. Tập trung vào vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhận thức rằng cái tôi tự nhiên của các em thật là đẹp.
Bài học 6: Thích thú với những điều giản dị
Bước 1 - Nói với các em: “Hãy suy nghĩ về một lần các em đã rất thích thú một thứ gì đó mà em không thể tìm mua nó ở cửa hiệu”.
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Những vật đơn giản nào mà em thấy thích thú?
- Em có hay nói “Buồn quá đi mất” không?
- Có phải chính em buồn chán hay những thứ xung quanh em buồn chán?
- Ông bà của chúng ta giải trí bằng cách nào trước khi có truyền hình?
Bước 3 - Hoạt động: Hoàn thành các câu sau:
- Tôi thấy cuộc sống quá phức tạp khi...
- Tôi có thể điềm tĩnh trở lại bằng cách...
Bước 4 - Thảo luận theo nhóm hai người về một điều gì đó thật đơn giản mà cả hai em cùng yêu thích và về điều mà các em suy nghĩ tới trong những phút giây tĩnh lặng.
Bước 5 - Cho các em trình bày trước lớp.
- Đóng góp của Linda Heppenstall
Bài học 7: Thể hiện
Bước 1 - Cho các em vẽ những bức tranh thể hiện vẻ đẹp của sự giản dị.
Bước 2 - Các em trình bày bức tranh trước lớp.
Bước 3 - Cả lớp cùng nhảy điệu múa ca ngợi sự giản dị.
Bài học 8: Giản dị là sống một cách tự nhiên Giản dị là đẹp
Bước 1 - Giáo viên giới thiệu: trân trọng vẻ đẹp của tự nhiên và trân trọng trái đất khiến chúng ta trân trọng vẻ đẹp tự nhiên của chính mình nhiều hơn. Chúng ta càng đánh giá cao vẻ đẹp của thiên nhiên, thì sẽ càng ít bị lừa gạt bởi ảo tưởng rằng mình cần phải sở hữu những vật nào đó hoặc phải có ngoại hình ra sao để có thể cảm thấy hài lòng về bản thân hay được người khác thừa nhận. Để bán được hàng hóa, các doanh nghiệp thường thuê các công ty quảng cáo tạo ra những nội dung quảng cáo gây ấn tượng, nhờ đó mọi người sẽ mua các sản phẩm của họ. Đôi khi những nội dung quảng cáo này ngầm ám chỉ rằng bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn, hài lòng về mình hơn nếu bạn dùng hay sở hữu một sản phẩm nhất định nào đó mà doanh nghiệp đang bán. Những quảng cáo này lừa phỉnh mọi người nghĩ rằng họ cần có những thứ này mới là “dân xịn” và để người khác coi mình là “dân xịn”. Khi nghe nhiều thông điệp như thế, mọi người thường quên đi tầm quan trọng của vẻ đẹp nội tâm. Những thông điệp này không khuyến khích mọi người biết trân trọng trái đất hay bản chất bên trong. Bản thân chúng ta biết rằng có vẻ đẹp tự nhiên ở bên trong chính ta. Khi ta có nhận thức đó trong tâm trí của mình, ta có thể hài lòng về giá trị riêng của ta, yêu quý những người khác như chính bản thân họ và có thể trao tặng cũng như đón nhận hạnh phúc. Giản dị là sống một cách tự nhiên. Giản dị là đẹp.
Bước 2 - Hoạt động: Chia sẻ quan niệm này với học sinh và yêu cầu các em suy nghĩ về những nội dung quảng cáo từ các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bước 3 - Liệt kê những thông điệp này lên bảng.
Bước 4 - Chọn một thông điệp để thảo luận.
Bước 5 - Lập ra một danh sách các ý tưởng mà các em cho là gần gũi hơn với tự nhiên và vẻ đẹp của thiên nhiên.
Bước 6 - Lại chọn ra một thông điệp khác để thảo luận.
Bước 7 - Giữ nguyên các danh sách đã liệt kê trên bảng hoặc treo trên tường.
Bài học 9: Thông điệp thực sự là gì?
Bước 1 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau với các em lứa tuổi từ 11 đến 14:
Giản dị đặt cho ta câu hỏi là liệu ta có bị lôi kéo để mua những sản phẩm không cần thiết hay không.
Bước 2 - Giáo viên nói thêm: Những dụ dỗ về tâm lý tạo ra các nhu cầu giả tạo. Ham muốn được kích thích khi ta thèm muốn những thứ không cần thiết dẫn đến kết quả là đổ vỡ các giá trị, còn bị phức tạp thêm bởi lòng tham, nỗi sợ hãi, áp lực từ bè bạn, và cảm nhận về cái tôi sai lệch. Khi ta đã đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu cơ bản cần thiết cho một cuộc sống tiện nghi, sự thừa thãi quá mức trong mọi việc sẽ chỉ còn là sự tự nuông chiều bản thân thái quá và lãng phí.
Bước 3 - Hoạt động: tiếp tục hoạt động của bài học hôm trước, chọn một thông điệp khác và tiếp tục thảo luận, lập danh sách các ý tưởng khác. Các em có thể bổ sung thêm những nội dung, thông điệp quảng cáo mới.
Bước 4 - Bài tập ở nhà: trong vòng một tuần, đề nghị các em thực hành giản dị bằng cách mặc những quần áo đơn giản khi đến trường và khi đi chơi với bạn bè. Nói rằng thầy cô muốn các em luôn ghi nhớ những điểm suy ngẫm sau: Giản dị là sống một cách tự nhiên. Giản dị là đẹp.
Bước 5 - Hoạt động: Cuối tuần này, hỏi các em về những cảm nghĩ và phản ứng của mình. yêu cầu các em viết một bài luận ngắn về trải nghiệm của mình.
Bài học 10: Thoát khỏi những ham muốn
Bước 1 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau đây (của các bạn học sinh trường West kiddlington – anh Quốc):
- Giản dị là không bị ràng buộc bởi những ham muốn vật chất và ham muốn về cảm giác - cho phép ta đơn giản được “là” chính mình.
- Giản dị giúp ta tránh lãng phí, dạy ta tính tiết kiệm, tránh bị đổ vỡ các giá trị hay bị phức tạp thêm bởi lòng tham, nỗi sợ hãi, áp lực từ bè bạn, và cảm nhận về cái tôi sai lệch.
- Giản dị giúp ta phát huy tính rộng lượng và biết chia sẻ.
- Giản dị là đặt những người khác lên trên bằng sự tử tế, cởi mở, mục đích trong sáng - không tính toán và vô điều kiện.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cảm nhận của các em về câu suy ngẫm sau: Giản dị cho ta đức tính kiên trì, tình bằng hữu và nghị lực.
Bước 3 - Chia học sinh thành các nhóm nhỏ để thảo luận.
Bước 4 - Yêu cầu các em sáng tác một câu khẩu hiệu về giản dị để truyền đạt cho mọi người.
Bước 5 - Cho phép các em có nhiều lựa chọn trong việc trang trí khẩu hiệu.
Bài học 11: Một vở kịch
Bước 1 - Hoạt động: Hãy viết một vở kịch cho cả lớp về việc tái khám phá ra những điều giản dị trong cuộc sống, trong tự nhiên.
Bước 2 - Lớp có thể biểu diễn vở kịch này trước một hội đồng.
- Đóng góp của Linda Heppenstall