NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ TRUNG THỰC
-Trung thực là luôn nói sự thật.
- Khi ta trung thực, ta cảm thấy lòng mình sáng tỏ.
- Người đáng tin cậy là người trung thực.
- Suy nghĩ trung thực, lời nói và hành động trung thực tạo nên sự hài hòa.
- Trung thực là biết sử dụng thật tốt những gì được giao phó cho ta.
- Trung thực là cách cư xử tốt nhất.
- Có mối liên hệ sâu sắc giữa trung thực và tình bằng hữu.
- Khi ta trung thực, ta có thể học và giúp người khác học cách cho đi.
- Lòng tham có khi là nguồn gốc của sự thiếu trung thực.
- Luôn luôn có đủ cho nhu cầu của con người, nhưng không bao giờ có đủ cho lòng tham của con người.
- Khi ý thức được rằng chúng ta đều có mối quan hệ qua lại lẫn nhau, chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của trung thực.
Mục đích: Tăng cường hiểu biết về trung thực.
Các chủ điểm:
- Tham gia thảo luận những điểm suy ngẫm về trung thực và có thể trình bày ít nhất hai điểm trong số đó.
- Hiểu được mối quan hệ giữa trung thực và lòng tin.
Mục đích: Nâng cao nhận thức về những tác động của tính không trung thực.
Các chủ điểm:
- Sáng tác và tham gia đóng một vở kịch ngắn về chủ đề trung thực và thiếu trung thực, đặt nó vào một giai đoạn lịch sử mà học sinh đang được học, sau đó thảo luận về những tác động đối với mọi người trong giai đoạn nêu trên về mặt kinh tế cũng như về mặt xã hội.
- Xây dựng Bản đồ tâm trí về trung thực và không trung thực theo từng nhóm nhỏ. Sau đó chia sẻ Bản đồ tâm trí với các nhóm khác.
- Tham gia vào các giờ học và các cuộc thảo luận với nội dung “Tại sao người ta lại nói dối?”, “Ta cảm thấy thế nào khi nói dối?” và “Mọi người cảm thấy thế nào khi ta nói dối?”.
- Với các học sinh lớn, xem xét những tác động của thái độ không trung thực và tham nhũng trong một sự kiện có thật.
Mục đích: Học hỏi những kỹ năng xã hội giúp mọi người trở nên trung thực.
Các chủ điểm:
- Tham gia vào các bài học về “một phút can đảm”.
- Thảo luận và thực hành các kỹ năng giao tiếp khi ta đã làm một việc gì đó khiến ta cảm thấy hối tiếc.
- Lập các thẻ tình huống về tính trung thực và biểu diễn những cách phản ứng trung thực và không trung thực, cũng như kết quả của chúng.
Mục đích: Đánh giá cao tính trung thực.
Các chủ điểm:
- Đọc câu chuyện “Hoàng đế và những hạt giống hoa”, và đề nghị các em nghĩ về lúc các em được yêu quý vì đã trung thực.
- Hiểu rằng khi ta trung thực, ta sẽ thấy trong lòng thanh thản và hạnh phúc hơn.
- Viết ra ba nguyên tắc để trở thành một người bạn tốt.
CÁC BÀI HỌC VỀ TRUNG THỰC
Tiếp tục các bài hát hàng ngày.
Hàng ngày, hoặc vài ngày một lần, hãy thực hiện bài thực hành thư giãn/tập trung khi có thời gian thuận tiện cho lớp học của bạn. Các em có thể thích tập bài thực hành thư giãn do mình tự thiết kế.
Bài học 1: Hoàng đế và những hạt giống hoa
Bước 1 - Đọc câu chuyện “Hoàng đế và những hạt giống hoa” ở phần Phụ lục 15.
Bước 2 - Thảo luận về câu chuyện và mối liên hệ giữa câu chuyện với điểm suy ngẫm sau: Người đáng tin cậy là người trung thực.
Bước 3 - Hoạt động: yêu cầu các em học sinh bé hơn vẽ một bức tranh phản ánh một khía cạnh của câu chuyện, hoặc làm một số trang trí để chuẩn bị cho việc biểu diễn câu chuyện ở giờ học tiếp theo. Những em học sinh lớn hơn có thể viết một câu chuyện ngắn lý giải tại sao vị Hoàng đế lại chọn cô gái nhỏ là người kế vị ngai vàng.
Hoạt động thay thế: yêu cầu các em suy nghĩ và thảo luận theo nhóm hai người về cách các em sẽ trị vì vương quốc như thế nào nếu được làm Vua hay Nữ hoàng. Sau đó các em có thể viết ra các ý tưởng của mình.
Bài học 2: Những hạt giống hoa
Bước 1 - Đọc câu chuyện “Hoàng đế và những hạt giống hoa” lại một lần nữa, lần này các em học sinh sẽ biểu diễn câu chuyện.
Bước 2 - Thảo luận: Bắt đầu với nhận xét rằng Sen, nhân vật chính trong truyện, được yêu quý bởi đức tính trung thực. Hỏi:
- Các em thử nghĩ xem có lúc nào các em được yêu quý bởi tính trung thực của mình chưa?
- Em nào muốn kể chuyện của mình cho cả lớp?
- Các em có thể nghĩ xem đã có lúc nào các em thực sự đánh giá cao tính trung thực của một người khác chưa?
Bước 3 - Hoạt động: Viết một tiểu luận ngắn với chủ đề “Tôi đã được yêu quý nhờ trung thực khi...” hoặc “Tôi thích mọi người cư xử trung thực bởi vì...”
Bài học 3: Một vở kịch
Bước 1 - Đề nghị các em sáng tác một vở kịch, diễn tả các chủ đề về trung thực và không trung thực hoặc lừa dối. Học sinh có thể sử dụng ngữ cảnh của một môn mà cả lớp đang học, chẳng hạn như văn phòng công ty môi giới chứng khoán và các nhà đầu tư, hoặc một đề tài trong môn nghiên cứu xã hội. Nếu các em đang làm việc trong một nhóm lớn, hãy chia ra thành các nhóm nhỏ hơn. Sau vở kịch, cả lớp có thể thảo luận về những tác động về mặt kinh tế hay về mặt xã hội.
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Những người bị lừa gạt phải gánh chịu những thiệt hại gì?
- Ảnh hưởng của sự thiếu trung thực hay của lòng tham đối với cuộc sống của những người này là gì?
Bước 3 - Yêu cầu các diễn viên nói thêm về cảm xúc của các em trên quan điểm chủ quan.
Bước 4 - Thảo luận các điểm suy ngẫm sau đây:
- Lòng tham có khi là nguồn gốc của sự thiếu trung thực.
- Luôn luôn có đủ cho nhu cầu của con người, nhưng không bao giờ có đủ cho lòng tham của con người.
Bước 5 - Bài tập về nhà cho học sinh từ 12–14 tuổi: yêu cầu các em đem đến lớp một câu chuyện về trung thực hay tham nhũng lấy từ báo đài để thảo luận.
Lưu ý: Đôi khi các em muốn biểu diễn lại vở kịch của mình. Nếu thế, hãy cho phép mỗi diễn viên có một “cái bóng”, một nhân vật nói lên những cảm xúc thật của diễn viên và đáp lại các câu hỏi của cả lớp về những suy nghĩ của diễn viên. Một diễn viên có thể có nhiều hơn một “cái bóng” khi các em khác có nhiều ý tưởng khác để chia sẻ.
Bài học 4: Một phút can đảm
Bước 1 - Giáo viên giới thiệu: Có nhiều chuyện cổ tích nói về sự thiếu trung thực. Câu chuyện về cậu bé matilda của tác giả Hilaire Belloc là một câu chuyện kể về cậu bé đã gặp bất hạnh vì thiếu trung thực (có thể giới thiệu một câu chuyện trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mà bạn biết). Đối với các học sinh lớn, thầy cô có thể chọn một câu chuyện có thật từ báo chí kể về một người đã làm hỏng cuộc đời vì thiếu trung thực.
Bước 2 - Kể câu chuyện này và sau đó đưa ra những câu hỏi thảo luận.
Bước 3 - Giáo viên nói: “Câu chuyện này là một ví dụ về điều sẽ xảy ra khi nói dối (không trung thực). Hôm nay, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về sự dối trá và xem hậu quả xảy ra sẽ thế nào khi một người nói dối”.
Bước 4 - Thảo luận:
- Em có cảm giác thế nào khi trung thực?
- Trung thực có giá trị gì?
- Em sẽ có cảm giác thế nào nếu không trung thực và bị phát hiện? Nếu không bị phát hiện?
- Em có biết người trung thực nào không?
- Em cảm thấy thế nào về người này?
- Hậu quả của tính không trung thực là gì?
- Điều gì làm chúng ta không trung thực?
- Đóng góp của Linda Heppenstall
Bước 5 - Giáo viên nói: “Đôi khi những người nói dối cũng muốn thoát khỏi những điều dối trá. Nhưng tại sao họ lại nói dối ngay từ đầu? Thông thường, mọi người nói dối bởi vì họ sợ bị bối rối hay bị mất mặt, hoặc có thể họ không muốn bị phạt vì đã làm điều sai trái. Sau đó, khi họ càng cố gắng che đậy lời nói dối, mọi việc càng trở nên phức tạp hơn bởi vì họ phải nhớ những gì họ đã nói và những gì họ đã không nói”.
Bước 6 - Giáo viên đưa ra câu hỏi:
- Điều gì sẽ xảy ra khi mọi người phát hiện ra ta đã nói dối? (Họ sẽ nổi giận với chúng ta).
“Đúng vậy. Họ thậm chí còn giận dữ và thất vọng hơn nữa, và chúng ta thậm chí còn gặp rắc rối hơn. Và dù cho mọi người có đôi lúc không được sáng suốt cho lắm, nhưng thông thường họ có thể đoán ra được sự thật khá dễ dàng! Nếu chúng ta đã nói dối một lần thì mọi người có thể sẽ không bao giờ tin là chúng ta nói thật những lần sau”.
Bước 7 - Câu hỏi tiếp theo: “Phải mất bao nhiêu công sức để che đậy những điều dối trá, so với việc nói ra sự thật?”.
Giáo viên phản hồi: “Chỉ cần một phút can đảm thực sự để nói lên sự thật”.
Bước 8 - Giáo viên nói: “Điểm suy ngẫm của ngày hôm nay là: Khi ta trung thực, ta thấy lòng mình trong sáng. Các em có thể sử dụng ý này trong câu chuyện của các em nếu muốn”.
Bước 9 - Hoạt động: đề nghị cả lớp viết một câu chuyện ngắn sử dụng những tình huống có thật hoặc tưởng tượng về một người nói dối. Hoặc các em có thể sáng tác một bài thơ.
Bài học 5: Babe - Chú lợn chăn cừu
Bước 1 - Nếu có thể được, hãy cho học sinh xem bộ phim “Babe - Chú lợn chăn cừu”. Câu chuyện về một con vật trung thực, dũng cảm sẽ rất thú vị và tạo nên nhiều hứng thú cho việc thảo luận. Các em có thể xem những bộ phim nói về lòng trung thực đã được chiếu ở Việt Nam.
Bước 2 - Ứng dụng: giúp học sinh đánh giá những nỗ lực của chính mình. Tự đánh giá tính trung thực của bản thân rất quan trọng và có ích cho việc đạt được tiến bộ.
- Đóng góp của Pilar Quera Colomina
Bài học 6: Sự tin cậy
Bước 1 - Thảo luận:
- Em nghĩ thế nào khi một người hàng xóm muốn nhờ em rửa xe ô tô giúp ông ta và nói sẽ đưa cho em... (một số tiền thích hợp với độ tuổi của học sinh), nhưng lại không giữ lời sau khi em hoàn thành công việc?
- Đó có phải là người trung thực không? (không)
- Theo em, đáng lẽ ra ông ta phải làm gì?
- Em cảm thấy thế nào khi một người nói sẽ trả tiền cho việc em đã giúp thu hoạch hoa quả, nhưng cuối cùng bà ta chỉ trả em một nửa số tiền mà bà ấy đã nói?
- Người phụ nữ này có trung thực không?
Giáo viên nói: “Một biểu hiện của tính trung thực là giữ lời hứa của mình. Xã hội của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn khi mọi người đều giữ lời hứa của mình”.
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Em có thể nghĩ ra các ví dụ khác về những người không giữ lời của mình?
- Em có thể nghĩ ra các ví dụ về những người nuốt lời hứa không?
- Em cảm thấy thế nào khi có người nuốt lời hứa?
- Em cảm thấy có thể tin cậy một người biết giữ lời của mình hay không?
- Em có muốn mọi người tin cậy em không?
- Tại sao?
“Trở thành người trung thực rất quan trọng bởi mối quan hệ của chúng ta được xây dựng dựa trên sự tin cậy. Khi mọi người đều trung thực và đáng tin cậy, chúng ta biết có thể tin tưởng vào họ”.
“Tương tự như vậy, đôi khi cần có can đảm để nói lên sự thật – như khi ta đã làm điều gì đó mà đáng ra không nên làm, hoặc khi chúng ta không thực hiện điều đáng ra phải làm – ta cũng cần can đảm xin lỗi vì đã không giữ lời hứa.”
Bước 3 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Nếu có một người không giữ lời hứa với em, em muốn người đó nói gì?
- Nếu em không giữ lời hứa với một ai đó, em có thể nói gì với họ? Hãy bắt đầu câu nói của em bằng từ “Tôi” và nói lên những cảm giác của em.
Với các học sinh lớn hơn, đề nghị các em sử dụng những cách giao tiếp đã được học trước đây: “Tôi cảm thấy___________ khi___________ bởi vì_____________”. Ví dụ: “Tớ cảm thấy xấu hổ khi đến muộn bởi vì tớ đã làm bạn thất vọng và tớ thực sự coi trọng tình bạn của chúng ta”.
Bước 4 - Chia lớp thành từng nhóm hai học sinh, yêu cầu các em nghĩ ra ba tình huống khác nhau và thực hành cách giao tiếp trên.
Bài học 7: Đồ vật thất lạc
Bước 1 - Thảo luận:
- Em cảm thấy như thế nào khi em đánh mất món đồ chơi mà mình yêu thích? (Nêu tên của món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi học sinh).
- Em cảm thấy thế nào nếu có một người tìm thấy đồ chơi đó và trả nó lại cho em?
- Em cảm thấy thế nào nếu em đánh rơi mất số tiền ăn trưa? (hoặc một món đồ khác có giá trị tương đương).
- Em cảm thấy thế nào nếu có một người nhìn thấy em đánh rơi và trả lại cho em?
- Em cảm thấy thế nào nếu tất cả chúng ta đều đã làm việc rất chăm chỉ, nhưng sau đó lại có kẻ đánh cắp hết tiền của chúng ta?
Đồng tình với những cảm xúc và trả lời của học sinh. Đồng ý với các em rằng những người có hành động như vậy chẳng hay ho chút nào.
Bước 2 - Nhận xét: “Có một số người không trung thực. Có một số người rất tham lam. Những người tham lam nói gì? Họ nói rằng ‘Tất cả mọi thứ đều thuộc về tôi! Tất cả đều là của tôi!’ và họ lấy luôn cả những thứ thuộc về người khác”.
Bước 3 - Hình dung 1: “Hãy tưởng tượng rằng em nhìn thấy một bạn đánh rơi tiền. Em nhặt tiền lên và chạy nhanh về phía bạn để trả lại tiền cho bạn”. Hỏi:
- Bạn đó sẽ nói gì?
- Em cảm thấy thế nào?
Bước 4 - Hình dung 2: “Hãy tưởng tượng rằng em nhìn thấy một bạn đánh rơi tiền. Em nhặt tiền lên và bỏ chạy thật nhanh”. Hỏi:
- Em cảm thấy thế nào?
- Em cảm thấy thế nào sau một giờ?
- Em cảm thấy thế nào sau một ngày?
- Em có thể làm gì?
Bước 5 - Bình luận: “Con người có một đặc điểm thú vị đó là khi chúng ta làm điều tốt, chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy hạnh phúc trong lòng. Khi chúng ta làm điều sai trái, chúng ta sẽ cố gắng tự bào chữa cho bản thân, nhưng ta vẫn cảm thấy rất khó chịu trong lòng bởi vì chúng ta không thể nào cứ tự lừa dối bản thân mãi được”.
Bước 6 - Thảo luận về những điểm suy ngẫm sau:
- Khi ta trung thực, ta cảm thấy lòng mình trong sáng.
- Khi ta trung thực, ta có thể học và giúp đỡ người khác cùng học cách cho đi.
Bước 7 - Hoạt động: Sáng tác một vở kịch nhỏ về một người không trung thực và một người trung thực.
Bài học 8: Người thợ mỏ và Hoàng tử
Bước 1 - đọc câu chuyện “ Người thợ mỏ và Hoàng tử” ở phần Phụ lục 16.
Bước 2 - Cho các em thảo luận về câu chuyện và những ẩn ý của nó. Sau đó nói: “Đôi khi có những áp lực khiến chúng ta trở nên không trung thực”.
Bước 3 - Hỏi cả lớp:
- Các em có thể đưa ra những ví dụ nào không?
Bước 4 - Giáo viên nói: “Đôi khi khó mà cưỡng lại những áp lực đó”. Hỏi:
- Em suy nghĩ xem điều gì có thể giúp em chống lại áp lực của __________________? (điền vào một trong những ví dụ mà học sinh đã đưa ra. Có thể là việc nói dối, gian lận hoặc trộm cắp...)
- Em có thể nói gì với bản thân hoặc với bạn bè khi có một cám dỗ thôi thúc khiến em trở thành người không trung thực?
- Em có thể cưỡng lại cám dỗ nếu em thấy trước được hậu quả không? Kết quả sẽ thế nào? (thầy cô có thể đặt thêm câu hỏi về hậu quả của sự không trung thực, chẳng hạn như cảm xúc về lâu dài của người có hành vi gian lận, ảnh hưởng tới quan hệ bạn bè, lòng tin hoặc đánh mất lòng tin, làm tổn thương tới người khác, niềm tin vào bản thân v.v.)
Bước 5 - Hoạt động cho học sinh 8 - 9 tuổi: Hãy vẽ một cảnh mà em thích trong câu chuyện “Người thợ mỏ và Hoàng tử” và giải thích bên dưới bức tranh tại sao em lại thích cảnh đó.
Hoạt động cho học sinh 10 - 14 tuổi: Chia lớp thành từng nhóm từ 4 đến 6 em để làm một tấm thẻ tình huống về tính trung thực (Phần Phụ lục có một số tấm thẻ trắng). Hướng dẫn mỗi nhóm biểu diễn một tình huống, đóng các vai trung thực và không trung thực, và mô tả hậu quả. Thỉnh thoảng, các “diễn viên” có thể tạm dừng vở kịch lại để chia sẻ những suy nghĩ của mình bên lề vở kịch cùng với khán giả.
Bài học 9: Dưới lớp vỏ trung thực
Bước 1 - Giáo viên nói: “Đôi khi mọi người có thể trở nên độc ác dưới lớp vỏ “trung thực”. Hỏi:
- Các em có thể nghĩ ra vài ví dụ không?
- Khi nào thì “quá trung thực” không còn là trung thực thật sự, mà là thiếu tình yêu thương và tôn trọng đối với người khác?
- Đâu là sự quân bình giữa yêu thương và “trung thực”?
- Một trái tim trung thực có phải là một trái tim đầy tình thương yêu hay không?
- Em có thể chia sẻ như thế nào về một điều cần được nói ra với tất cả tình yêu thương và trung thực từ tận con tim?
Bước 2 - Hoạt động: Viết một bài thơ hay bài hát về sự chia sẻ một cách trung thực với một người bạn, hoặc về sự đội lốt trung thực.
Bài học 10: Trung thực và tình bằng hữu
Bước 1 - Thảo luận: Nêu bật điểm suy ngẫm sau: Có mối liên hệ sâu sắc giữa trung thực và tình bằng hữu.
Bước 2 - yêu cầu học sinh hãy nghĩ về một người bạn luôn nói thật và giữ lời hứa. Hỏi:
- Em cảm thấy thế nào về người bạn đó?
- Cách cư xử đó ảnh hưởng thế nào tới mối quan hệ của em?
- Em đã trải nghiệm điểm suy ngẫm này chưa: Suy nghĩ trung thực, lời nói và hành động trung thực tạo nên sự hài hòa?
- Điều gì làm nên một người bạn tốt?
- Nếu em có thể viết những lời khuyên để một người trở thành người bạn tốt thì em sẽ viết điều gì?
Bước 3 - Hoạt động: Hãy viết ba nguyên tắc hướng dẫn để trở thành người bạn tốt.