NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ KHIÊM TỐN
-Khiêm tốn là giữ lòng mình thanh thản và nhẹ nhàng.
- Khiêm tốn luôn đi cùng với tự trọng.
- Khiêm tốn là khi ta biết được những điểm mạnh của mình mà không hề khoác lác hay khoe khoang.
- Khiêm tốn làm cho kiêu ngạo tan biến.
- Người khiêm tốn luôn giữ lòng mình hạnh phúc khi lắng nghe người khác.
- Khi quân bình được giữa tự trọng và khiêm tốn, ta giữ được lòng mình mạnh mẽ và không cần phải kiểm soát những người xung quanh.
- Khiêm tốn khiến một người trở nên vĩ đại trong trái tim của nhiều người.
- Khiêm tốn giúp tâm trí ta cởi mở.
- Khiêm tốn giúp ta có thể nhận ra những điểm mạnh của mình và của người khác.
Mục đích: Nâng cao hiểu biết về đức tính khiêm tốn và thái độ không khiêm tốn.
Các chủ điểm:
- Tham gia thảo luận những điểm suy ngẫm về khiêm tốn và có khả năng trình bày ít nhất hai điểm trong số đó.
- Xác định những giọng điệu và hành vi biểu lộ sự kiêu căng, khoác lác và tham gia thảo luận về cảm xúc của các em khi gặp những kẻ khoe khoang khoác lác.
- Tham gia thảo luận về những tác động của cảm giác tự cao, trịch thượng với người khác.
- Thảo luận về mối quan hệ giữa khiêm tốn và yêu thương, giữa kiêu căng ngạo mạn và thiếu vắng tình yêu thương.
- Viết một bài thơ về đức tính khiêm tốn.
Mục đích: Học hỏi về sự quân bình giữa tự trọng và khiêm tốn.
Các chủ điểm:
- Nghĩ về những nhân vật anh hùng - người luôn giữ được sự quân bình giữa tính khiêm tốn và lòng tự trọng, và biểu diễn về những điều họ nói.
- Nói với một bạn học khác về ba điều mà em thông thạo, trước hết với giọng tự tin và khiêm tốn; sau đó với giọng kiêu căng. Thảo luận về sự khác biệt giữa hai cách thể hiện trên.
- Phỏng vấn một vài người ở địa phương, những người có ảnh hưởng tích cực đến các em và khám phá xem họ tự hào về điều gì nhất.
- Đọc những câu chuyện về các nhân vật trong truyền thuyết hay trong lịch sử, những người khiêm tốn và vĩ đại.
- Sáng tác một biểu tượng cá nhân về sự quân bình giữa khiêm tốn và tự trọng.
Mục đích: Thực hành những kỹ năng xã hội với mục đích trải nghiệm sự quân bình giữa khiêm tốn và tự trọng.
Các chủ điểm:
- Làm một số việc tốt cho người khác với cảm giác mong muốn được giúp đỡ họ mà không cần đến lời khen ngợi.
- Thực hành cảm xúc vui sướng khi nhìn nhận những điểm mạnh của người khác trong khi vẫn ý thức được những điểm mạnh của chính các em.
CÁC BÀI HỌC VỀ KHIÊM TỐN
Bổ sung vào danh sách các điểm suy ngẫm về khiêm tốn những câu ngạn ngữ, tục ngữ trong kho tàng văn hóa Việt Nam, trong truyền thuyết hay trích dẫn câu nói của những nhân vật nổi tiếng.
Tiếp tục các bài hát hàng ngày.
Thực hành bài thư giãn/tập trung một lần mỗi ngày hay sau vài ngày vào thời gian thích hợp. Các em có thể thích tập những bài thư giãn/tập trung do mình sáng tác.
Bài học 1: Những nhân vật anh hùng có đức tính khiêm tốn
Bước 1 - Giáo viên giới thiệu: một cách thú vị để giới thiệu về giá trị khiêm tốn là nói về tính khiêm tốn của những nhân vật vĩ đại. Qua bài học này, giáo viên giúp học sinh hiểu rằng đức tính khiêm tốn có nghĩa là không kiêu căng, ngạo mạn. Xa hơn nữa, các em cần phải hiểu là tính khiêm tốn luôn song hành với lòng tự trọng và sự tự tin.
Bước 2 - Thảo luận những điểm suy ngẫm về tính khiêm tốn:
- Khiêm tốn là giữ lòng mình thanh thản và nhẹ nhàng.
- Khiêm tốn luôn đi cùng với lòng tự trọng.
- Khiêm tốn là khi ta biết được những điểm mạnh của mình mà không hề khoác lác hay khoe khoang.
Bước 3 - Giải thích: một số nhân vật kiệt xuất đã rất giỏi trong việc giữ được quân bình giữa tính khiêm tốn và lòng tự trọng. Thầy cô có thể minh họa khái niệm này qua ví dụ về một nhân vật anh hùng – một tấm gương tiêu biểu về người vừa khiêm tốn vừa thể hiện được sự tự trọng.
Hoạt động: Yêu cầu các em nêu một trong số những nhân vật mà các em yêu thích, người đã giữ được quân bình giữa tự trọng và khiêm tốn. Đó có thể là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, hay các anh hùng.
Bước 4 - Đề nghị các em nghĩ ra một vài nhận xét mà nhân vật đó có thể nêu ra khi được yêu cầu nói về một cá tính hay về một sự kiện đặc biệt mà người đó tự hào nhất.
Bước 5 - Yêu cầu các em vẽ một bức tranh về nhân vật của mình, vẽ thêm bốn hoặc năm “quả bong bóng ý nghĩ” và ghi vào đó những câu bình luận mà các em cho rằng nhân vật sẽ phát biểu.
Bài học 2: Cách người anh hùng nói
Bước 1 - Thảo luận:
- Em cảm thấy như thế nào khi một người khoe khoang về bản thân họ?
- Em nghĩ gì về một người luôn khoe khoang khoác lác? (Họ không có nhiều lòng tự trọng).
- Em cảm thấy như thế nào về những người đã làm được nhiều điều tuyệt vời nhưng không bao giờ khoe khoang về những việc họ làm?
- Em nào có thể biểu diễn xem một điệu bộ khoe khoang sẽ giống như thế nào không? (Nếu không có học sinh nào muốn biểu diễn, thầy cô có thể làm điều đó!).
- Em nào có thể diễn tả xem một thái độ vừa tự trọng vừa khiêm tốn sẽ như thế nào?
- Các em nghĩ gì về điểm suy ngẫm sau: Đức tính khiêm tốn khiến một người trở nên vĩ đại trong trái tim của nhiều người.
Bước 2 - đề nghị các em cho nhau xem những bức tranh của mình từ bài học trước.
Bước 3 - yêu cầu vài em diễn tả cách người anh hùng của mình nói về những điều ghi trên “quả bong bóng ý nghĩ”.
Bước 4 - Hướng dẫn các em nói điều đó bằng giọng kiêu ngạo.
Bước 5 - Các em nói theo đúng cách của người anh hùng, với giọng khiêm tốn và tự trọng.
Bước 6 - Thực hành:
1) Yêu cầu các em chia thành từng cặp và giả vờ như các em là nhân vật anh hùng đó.
2) Thực hành nói về những điều mà người anh hùng tự hào, diễn tả thái độ vừa tự tin vừa khiêm tốn.
3) Một vài cặp có thể biểu diễn cho cả lớp cùng xem. Các em có thể diễn với giọng biểu lộ kiêu căng.
4) Thể hiện với sự tự tin thầm lặng và sự khiêm tốn nhẹ nhàng.
Bước 7 - Hỏi các em về phản ứng của các em đối với hai cách nói trên.
Bước 8 - Giáo viên nói: “Bây giờ, thầy/cô muốn các em bắt cặp với người bạn ngồi bên cạnh và nói với bạn ấy về ba điều mà em thông thạo. Hãy nói với bạn ấy bằng một thái độ tự tin nhưng khiêm tốn. Sau đó, hãy nói với bạn bằng một giọng khoe khoang. Hãy xem sự khác biệt sẽ ra sao?”.
Bài học 3: Một trái tim yêu thương và khiêm tốn
Bước 1 - Đọc một câu chuyện về một kẻ kiêu ngạo, hoặc về một người có lòng tự trọng, khiêm tốn và đáng yêu. Trong phần Phụ lục, có vở kịch được các học sinh trường West kidlington - anh Quốc sáng tác tên là “Chuyện thần tiên”. Có thể đọc câu chuyện này.
Bước 2 - Cho các em biểu diễn câu chuyện trên như một vở kịch.
Bước 3 - Thảo luận về câu chuyện:
- Các em có nhận thấy trong câu chuyện này nàng công chúa kiêu ngạo dường như chỉ biết yêu chính mình mà thôi, trong khi nàng công chúa đáng yêu và khiêm tốn lại có tình yêu cho mọi người không?
- Có mối liên hệ nào giữa khiêm tốn và yêu thương, giữa kiêu ngạo và thiếu tình yêu thương không?
Bước 4 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Khiêm tốn làm cho lòng kiêu ngạo tan biến.
Bước 5 - Đề nghị các em mỗi ngày hãy làm một việc tốt cho một người nào đó ở trường trong khoảng thời gian một tuần - với cảm giác muốn giúp đỡ mà không cần đến lời khen ngợi nào.
Bước 6 - Sau một tuần đó, giáo viên hỏi: “Các em thấy làm điều đó khó hay dễ?”.
Bài học 4: Nhận phần thưởng
Hoạt động:
Bước 1 - Học sinh đóng vai lên nhận một phần thưởng một cách không khiêm tốn.
Bước 2 - Học sinh đóng vai lên nhận phần thưởng với thái độ tự trọng và khiêm tốn.
Bước 3 - Đề nghị thêm vài em đóng vai trao cho ai đó một món quà với thái độ khiêm tốn và không khiêm tốn.
Bước 4 - Thảo luận về sự khác biệt.
Bước 5 - Thảo luận câu ngạn ngữ: Kiêu ngạo luôn đi trước thất bại.
- Đóng góp của Linda Heppenstall
Phần thảo luận thêm dành cho học sinh 12 - 14 tuổi: Hãy suy nghĩ về điểm suy ngẫm sau: “Khi quân bình được giữa tự trọng và khiêm tốn, ta luôn giữ được lòng mình mạnh mẽ và không cần phải kiểm soát những người xung quanh”.
Bài học 5: Sự nguy hại của việc so sánh mình “tốt hơn”
Bước 1 - Sau một bài hát, hãy bắt đầu bằng một ví dụ từ thiên nhiên.
Giáo viên nói: “Khi chúng ta ngắm nhìn những bông hoa trong vườn hay cây cối trong thiên nhiên, ta thấy mỗi loài đều có vẻ đẹp riêng, không loài nào giống loài nào. Các em nhận thấy một số loài hoa thật đẹp theo kiểu này, và một số loài hoa khác lại đẹp theo kiểu khác, nhưng các em không so sánh chúng với nhau. Tất cả các loài hoa đều góp phần tạo nên vẻ đẹp cho khu vườn”.
“Những người có tính kiêu ngạo thường rất hay cố tỏ ra mình tốt hơn, giỏi hơn người khác”.
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Em nghĩ tại sao họ lại muốn làm như thế? (để họ có thể cảm thấy tốt hơn về bản thân.)
Giáo viên nói: “Điều quan trọng là nhìn thấy những phẩm chất của người khác và biết về những phẩm chất mà em đánh giá cao ở mọi người. Nhưng cảm giác “tốt hơn” (siêu hơn) người khác gây ra nhiều vấn đề”. Hỏi:
- Cảm giác “tốt hơn” người khác có thể gây ra những vấn đề gì?
Bước 3 - Viết tất cả các câu trả lời của học sinh lên bảng.
Bước 4 - Giáo viên hỏi:
- Em muốn mọi người hành động, cư xử với nhau hoặc suy nghĩ về nhau như thế nào?
Bước 5 - Hỏi xem các em có muốn thực hành cảm giác quan sát và thích thú khám phá những điểm mạnh của người khác trong khi vẫn ý thức được những điểm mạnh của bản thân không.
Bước 6 - Hoạt động: Sáng tác các bài thơ đơn giản về khiêm tốn và minh họa bài thơ bằng tranh vẽ. Ví dụ như bài thơ sau:
Khiêm tốn che chở ta,
Nó như một món quà,
Cùng nó ta ca hát,
Đưa người nhẹ bước xa!
Vĩ đại và mạnh mẽ,
Khiêm tốn ấy thực là,
Có khiêm tốn che chở,
Chân lý chẳng lìa ta!
Bài học 6: Phỏng vấn
Bước 1 - Giáo viên cho các em nghĩ đến một người hàng xóm hoặc một người mà em quen, người đã có tác động tích cực đến cuộc sống của em.
Bước 2 - Các em sẽ đến gặp họ và phỏng vấn người đó và tìm ra điều mà người đó tự hào nhất. Viết một câu chuyện về người đó hoặc kể về người đó cho cả lớp nghe.
Bài học 7: Kể chuyện
Với những học sinh bé hơn, hãy đọc các câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết về những người khiêm tốn và vĩ đại. Với các em lớn hơn, hãy đọc những câu chuyện về các nhân vật lịch sử, những người khiêm tốn và vĩ đại - người muốn đem lại lợi ích cho thế giới.
Bài học 8: Giữ thái độ vững vàng và tích cực
Bước 1 - Giáo viên nói: “Đôi khi, chúng ta cảm thấy khó chịu trong lòng khi nghe ai đó kể về những việc làm tuyệt vời của họ”. Hỏi: “Các em có bao giờ bị cảm giác đó chưa?”.
Bước 2 - Giáo viên xác nhận: “Đôi khi, ta cảm thấy không muốn nghe quá nhiều điều tuyệt vời về người khác vì trong lòng ta bắt đầu so sánh họ với chính ta. Đôi khi chỉ vì người đó thu hút được mọi sự chú ý, mà ta cũng muốn được chú ý tới. Vì thế hôm nay, chúng ta sẽ thực hành một kỹ năng khác, đó là làm thế nào để vẫn giữ được thái độ tự trọng khi lắng nghe người khác. Khiêm tốn sẽ giúp ta rất nhiều trong trường hợp này”.
Bước 3 - Thảo luận điểm suy ngẫm:
- Người khiêm tốn luôn giữ lòng mình hạnh phúc khi lắng nghe người khác.
- Khiêm tốn giúp ta có thể nhận ra những điểm mạnh của mình và của người khác.
- Khiêm tốn giúp tâm trí ta cởi mở.
Bước 4 - Yêu cầu học sinh suy nghĩ về ba điều mà các em tự hào về mình và chia sẻ ba điều này với các bạn theo nhóm bốn người.
Bước 5 - Ba em khác trong nhóm sẽ lắng nghe để thực hành cảm giác giữ quân bình giữa cảm xúc tự trọng và thái độ khiêm tốn. Sau khi nghe bạn trình bày, các em sẽ đưa ra những nhận xét tích cực, xác nhận những phẩm chất mà bạn mình đã nêu hoặc bổ sung thêm các phẩm chất khác mà các em nhận thấy ở bạn mình.
Bước 6 - Mỗi em trong nhóm lần lượt kể một câu chuyện về mình. Các em còn lại cần chăm chú lắng nghe, nhắc lại những đoạn mà mình thích nhất sau khi người kể đã kết thúc câu chuyện của bạn ấy. Hoặc từng em có thể đưa ra một lời nhận xét tích cực chẳng hạn như: “Ồ, thật tuyệt khi bạn đã làm điều đó!”.
Bước 7 - Thảo luận: Hỏi các em xem liệu có khó để cưỡng lại mong muốn hớt lời câu chuyện của bạn mình không? thông tin cho các em biết là khuynh hướng muốn “hớt lời câu chuyện” là một dạng tỏ ra mình tốt hơn người khác.
Khẳng định rằng sự tự tin kết hợp với tính khiêm tốn cho phép các em cảm thấy dễ chịu trong lòng đồng thời cũng vẫn cảm thấy thú vị về những phẩm chất của người khác.
Bài học 9: Biểu tượng cá nhân
Bước 1 - Giáo viên hỏi xem các em đã học được điều gì trong suốt những bài học về giá trị khiêm tốn.
Bước 2 - Hoạt động: tạo ra một biểu tượng cá nhân về sự quân bình giữa cảm xúc tự trọng và thái độ khiêm tốn. Đưa cho học sinh các dụng cụ cần thiết để làm biểu tượng.
Bước 3 - Kết thúc bài học bằng Trò chơi Đổi chỗ: mục đích của trò chơi là cho mọi người trao đổi với nhau những lời nói tốt đẹp và đổi chỗ ngồi. Các em học sinh ngồi theo vòng tròn ở trò chơi này. Em bắt đầu sẽ nói với một em khác : “mình sẽ đổi chỗ ngồi cho bạn A vì bạn ấy... (nhận xét tích cực)”. Em bắt đầu này đến chỗ ngồi của bạn A và bạn A làm tương tự như vậy với bạn khác. Lưu ý: để tránh lặp lại với một em nào đó, giáo viên và các em khác trong lớp có thể nhắc: “rồi” đối với những em đã được đổi chỗ.
1) giáo viên làm mẫu: “Thầy/cô sẽ đổi chỗ ngồi với bạn Nguyên vì bạn ấy luôn mỉm cười và làm thầy/cô cảm thấy rất vui”. Hay: “Thầy/cô sẽ đổi chỗ ngồi với Phượng bởi vì bạn ấy giúp thầy/cô giải quyết một vấn đề ngày hôm qua”.
2) Em học sinh được nói đến cũng sẽ làm như vậy với một bạn khác trong vòng tròn.
3) Tiếp tục trò chơi cho tới khi mỗi học sinh đều nhận được một nhận xét tích cực.
- Đóng góp của Ruth Liddle