NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ HỢP TÁC
-Hợp tác là khi mọi người cùng làm việc với nhau vì một mục đích chung.
- Hợp tác là khi ta biết công nhận giá trị đóng góp của từng người và luôn có thái độ thiện chí.
- Người có thái độ hợp tác luôn có những mong muốn tốt đẹp và tình cảm thanh cao đối với người khác và với công việc.
- Khi hợp tác, ta có nhu cầu muốn biết được điều gì là cần thiết. Đôi khi ta cần có một ý tưởng, đôi khi lại cần phải buông bỏ ý tưởng của chính ta. Đôi khi ta cần phải dẫn dắt người khác và đôi khi ta chỉ cần làm người đi sau.
- Hợp tác chỉ có thể thực hiện được trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.
- Người biết hợp tác sẽ nhận được sự hợp tác của người khác.
- Ở đâu có tình yêu, nơi đó có sự hợp tác.
- Bằng cách luôn nhận thức được những giá trị của mình, tôi có thể hợp tác với mọi người.
- Lòng can đảm, suy xét thấu đáo, sự quan tâm chăm sóc và chia sẻ với người khác tạo nền tảng cho sự hợp tác.
Mục đích: Tham gia trải nghiệm về Hợp tác.
Các chủ điểm:
- Tạo sự hứng thú cho các em khi tham gia một số trò chơi thể hiện tinh thần hợp tác.
- Tổ chức cho các em tham gia một điệu múa thể hiện tinh thần hợp tác.
Mục đích: Nâng cao nhận thức về Hợp tác.
Các chủ điểm:
- Hướng dẫn các em tham gia thảo luận về những điểm suy ngẫm về giá trị Hợp tác và có khả năng trình bày ít nhất hai điểm trong số đó.
- Thảo luận về những lời nói và cách ứng xử giúp cho việc cùng chơi hay cùng làm việc với nhau với tinh thần hợp tác.
- Lập ra các quy tắc giúp cho việc giao tiếp với mọi người được thuận lợi, tốt đẹp.
- Xác định những giá trị trong một hoạt động hợp tác.
- Thảo luận về thái độ hợp tác một cách thành thật và không thành thật và sáng tác một bài thơ về đề tài này.
- Xây dựng Bản đồ tâm trí về Hợp tác.
Mục đích: Phát triển những kỹ năng về hợp tác và cùng hợp tác tham gia các hoạt động.
Các chủ điểm:
- Giúp các em nhìn nhận một cách tích cực những nỗ lực có tính hợp tác của các bạn học sinh khác.
- Hướng dẫn các em tham gia vào một dự án hợp tác với cả lớp.
- Hướng dẫn các em cùng hợp tác sáng tạo một trò chơi theo từng nhóm nhỏ.
- Tổ chức cho các em tham gia vào hoạt động giúp đỡ hay nhận sự giúp đỡ tại Chiếc bàn Hợp tác.
CÁC BÀI HỌC VỀ HỢP TÁC
Bổ sung vào danh sách những điểm suy ngẫm trên các câu ngạn ngữ được ưa thích của Việt Nam, từ các truyền thuyết hoặc trích dẫn lời nói của những nhân vật nổi tiếng.
Duy trì việc hát một bài hát mỗi ngày.
Hàng ngày, hoặc cứ sau vài ngày hãy cho thực hành một bài tập thư giãn/tập trung vào thời gian thích hợp với lớp của bạn. Các em có thể thích tập các bài thư giãn do các em tự sáng tác.
Bài học 1: Hợp tác là quan trọng
Bước 1 - Với những học sinh nhỏ tuổi hơn, giải thích với các em rằng hợp tác rất quan trọng vì chỉ có một mình ta không thể nào làm tất cả mọi việc. Hợp tác giúp chúng ta đạt được mục tiêu hay nhiệm vụ đã đề ra.
Hỏi những học sinh lớn hơn, tại sao tinh thần hợp tác lại quan trọng.
Bước 2 - Cho học sinh một vài ví dụ mà các em có thể liên hệ. Chẳng hạn: “Giả sử anh Sơn có một chiếc xe hơi bị sa lầy và không thể kéo nó ra khỏi vũng lầy một mình được. Các em có nghĩ rằng tất cả chúng ta có thể kéo chiếc xe ra nếu chúng ta hợp tác với nhau không? Hoặc nếu như thầy/cô quyết định mang tất cả bàn ghế ra khỏi lớp học này trong năm phút, điều gì sẽ xảy ra? Thầy/cô sẽ cần sự hợp tác của các em. Giả sử các em muốn tăng cân, các em có thể cần hợp tác với mẹ để mẹ chọn mua những loại thực phẩm có nhiều chất béo và giàu năng lượng”.
Tất cả chúng ta đều cần đến sự hợp tác vào những lúc cần thiết.
Bước 3 - Giáo viên hỏi:
- Em cần sự hợp tác trong các lĩnh vực nào?
- Em muốn có sự hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực nào?
- Em cảm thấy như thế nào về nhiệm vụ của mình khi có người giúp đỡ em một cách vui vẻ và khi mà người giúp em lại cau có hay giận dữ?
Bước 4 - Hãy chỉ ra rằng hợp tác thực sự là làm việc cùng nhau một cách kiên nhẫn, thân ái và vui vẻ.
Bước 5 - Ăn một cách hợp tác
Giáo viên nói: “Hôm nay chúng ta sẽ có một bữa ăn trưa (hay ăn nhẹ) cho thấy hợp tác có tầm quan trọng ra sao. Thầy/cô muốn tất cả các em tưởng tượng rằng khuỷu tay của các em không cử động được. Chúng không thể gập lại được. Em phải tìm cách ăn mà không được gập khuỷu tay. Em sẽ làm điều đó như thế nào?”.
Bước 6 - Để cho các em tự tìm ra cách của mình. Đối với những học sinh ở lớp bé hơn, thầy cô cần làm mẫu bằng cách giữ thẳng hai tay của một em trong khi bạn khác đút cho em đó ăn. Hoạt động này sẽ đem lại bầu không khí vui vẻ trong lớp học!
Bài học 2: Chơi với tinh thần hợp tác
Bước 1 - Trò chơi: Hãy hát một bài hát và yêu cầu học sinh đứng thành một vòng tròn, mặt quay ra ngoài và tay nối tay nhau đến khuỷu tay.
Bước 2 - Yêu cầu các em ngồi xuống và lại đứng lên trong khi tay vẫn nối vào nhau và không để vòng tròn bị phá vỡ.
Bước 3 - Các em thực hiện đứng lên ngồi xuống vài lần, mỗi lần lại nhanh hơn lần trước.
Bước 4 - Trò chơi:
1) Dùng một dải ruy băng buộc cổ chân hai hay ba học sinh lại với nhau.
2) Đưa cho các em một quả bóng bay hay một quả bóng tròn và hướng dẫn các em ném bóng qua lại cho nhau.
3) Hướng dẫn các em ném bóng qua lại với một đội khác cũng bị buộc ở cổ chân. Mục đích của trò chơi là để cho các đội ném bóng qua lại nhiều lần mà không làm rơi quả bóng xuống đất. Nếu đội nào để bóng rơi nhiều lần, hãy kêu “dừng lại” trong vài phút, để các thành viên của đội đó thảo luận với nhau xem kiểu hợp tác nào có thể giúp các em đứng thẳng và có thể ném hay bắt bóng một cách tốt hơn.
Bước 5 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau:
- Hợp tác là khi mọi người cùng làm việc với nhau vì một mục đích chung.
- Hợp tác là khi ta biết công nhận giá trị của sự đóng góp của từng người và luôn có thái độ thiện chí.
- Hợp tác chỉ có thể thực hiện được trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau.
Bước 6 - Hỏi các em xem những lời nói hay hành động nào giúp tạo ra một không khí hợp tác trong trò chơi. Nếu có nhiều ý kiến đóng góp về việc nâng cao hợp tác, hãy thực hiện trò chơi này một lần nữa vào một buổi học khác.
Bài học 3: Chiếc bàn hợp tác
Bước 1 - Sắp chỗ cho một Chiếc bàn Hợp tác trong lớp học. Cho phép các em quyết định muốn có kiểu hợp tác nào ở đây. Ví dụ như giúp nhau giải các bài tập, làm các vật dụng đặc biệt, ngợi khen hoặc khích lệ nhau trong học tập và công việc. Học sinh sẽ quyết định (trong khoảng thời gian giáo viên cho phép) ai, vào lúc nào sẽ ngồi ở Chiếc bàn Hợp tác. Các em sẽ thay phiên nhau ngồi ở chiếc bàn đó. Chẳng hạn như em học sinh được điểm cao nhất về môn toán sẽ ngồi vào bàn để giúp các bạn khác trong khoảng 10 phút sau giờ học toán. Các em đọc giỏi hoặc làm văn hay có thể ngồi ở bàn trong giờ Văn hay giờ Ngôn ngữ, một số em khác cũng có thể tình nguyện ngồi phụ đạo cho các bạn trước các kỳ kiểm tra. Thầy cô giáo nên sắp xếp sao cho mỗi học sinh đều là “người giúp đỡ” trong một khoảng thời gian nhất định. Một học sinh không có kết quả học tập tốt vẫn có thể tham gia làm thành viên của ban tổ chức hay nhóm hỗ trợ, hoặc có thể tham gia hướng dẫn các trò chơi, môn thủ công hoặc một môn thể thao nào đó. duy trì hoạt động của Chiếc bàn Hợp tác trong vài tuần hay có thể lâu hơn.
Bước 2 - Để đổi lại cho việc học sinh được sử dụng sự giúp đỡ tại Chiếc bàn Hợp tác sẽ là một lời cảm ơn dành cho người bạn đã có thiện chí hợp tác và giúp đỡ các bạn khác. Em học sinh đã tình nguyện giúp đỡ, tất nhiên cần phải đáp lại một cách lịch sự. Có thể nêu một vài lời đáp lại như: “Bạn đã làm rất tốt”, “Bạn có đôi mắt thật tinh tường”, hay “Bạn đã lắng nghe và học tập rất tốt, mình rất vui được hợp tác với bạn”.
Bài học 4: Các trò chơi
Bước 1 - Trò chơi: yêu cầu học sinh đứng xung quanh các cạnh của một chiếc khăn trải giường. Đặt một quả bóng nhẹ lên trên.
Bước 2 - Thách đố học sinh xem các em có thể tung quả bóng lên và bắt được nó trong 10 lần liên tục không.
Bước 3 - Thảo luận về những vai trò khác nhau mà các em đã thực hiện để làm được việc này. (Có thể cử một em làm nhóm trưởng và là người hô các mệnh lệnh “tung lên, hạ xuống”. Một em khác làm “người cổ vũ”. Các em khác nữa trong vai trò thành viên của nhóm đã tham gia một cách nhiệt tình và hợp tác).
Bước 4 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Hợp tác là khi ta biết công nhận giá trị của sự đóng góp của từng người và luôn có thái độ thiện chí.
Bước 5 - Đề nghị các em tập hợp lại thành nhóm theo từng môn thể thao mà các em thích.
Bước 6 - Những học sinh chơi bóng rổ có thể trình bày về các kiểu hợp tác mà các em muốn có với các bạn khác. Những em thích chơi đá bóng có thể thảo luận về những cách thức hợp tác làm cho trò chơi của mình tốt hơn.
Bài học 5: Những câu chuyện
Bước 1 - Hoạt động cho học sinh 8-10 tuổi: đọc câu chuyện “Cơn bão thiên thạch” ở phần Phụ lục 13.
Bước 2 - Thảo luận về câu chuyện này.
Bước 3 - Yêu cầu học sinh chia thành những nhóm 3 em và cùng sáng tác một câu chuyện về tinh thần hợp tác.
Bước 4 - Cho vẽ một bức tranh về câu chuyện đó.
Một câu chuyện dễ thương do các em học sinh lớp 3 ở mauritius sáng tác là về hai chú ếch bị rơi vào trong một nồi sữa to. Chúng bơi và bơi mãi. Một con muốn dừng lại nhưng con kia đã khích lệ nó tiếp tục bơi. Cả hai đều bơi cật lực, nhưng dường như việc bơi càng lúc càng trở nên khó khăn hơn. Chẳng mấy chốc sữa biến thành bơ, và chúng có thể nhảy ra ngoài chiếc nồi. Những con ếch thừa nhận rằng chúng không thể làm việc đó nếu chỉ có một mình.
Bước 1 - Hoạt động cho học sinh 11-14 tuổi: đọc những truyện ngắn hay những quyển sách có nội dung nói về sự hợp tác. Có rất nhiều chuyến hành trình mạo hiểm vĩ đại của con người đòi hỏi phải có sự hợp tác. Chọn đọc một câu chuyện như thế trong kho tàng các câu chuyện của Việt Nam.
Bước 2 - Sau khi đọc xong, hãy hỏi xem các em thấy có điều gì liên quan tới điểm suy ngẫm sau hay không: Người có thái độ hợp tác sẽ nhận được sự hợp tác từ những người khác?
Bước 3 - Giáo viên hỏi xem có em học sinh nào đã trải qua điều này trong thực tế hay không. Đề nghị các em cho vài ví dụ.
Bài học 6: Trò chơi về sự hợp tác mang tên “Ngôi sao”
Bước 1 - Hoạt động: Lập các nhóm từ 6 đến 8 học sinh.
Bước 2 - Đề nghị các em đứng thành vòng tròn, nắm tay nhau, đứng vững, hai chân dang rộng bằng vai.
Bước 3 - Hướng dẫn học sinh phân vai 1, 2 bằng cách đếm “1,2,1,2,...”
Bước 4 - trong khi giữ chân ở nguyên vị trí của mình, các em số “1” nghiêng người về phía trước và các em mang số “2” nghiêng ra sau, cho đến khi tất cả đều đạt được vị thế cân bằng.
Bước 5 - Các em đổi vai. Các em số “1” nghiêng người về phía sau, còn các em số “2” nghiêng người về phía trước.
Chú ý: khi nghiêng người (đổ người), các em cần phải cùng nhau đồng thanh hô “bắt đầu” để cùng nghiêng người, như thế sẽ tạo ra sự cân bằng cho cả nhóm.
Bước 6 - Sau trò chơi, hãy suy ngẫm về những khó khăn phát sinh trong khi chơi.
Bước 7 - Đề nghị các em thảo luận về việc: Chúng ta đã cùng hợp tác làm được việc này ra sao? Chúng ta đã cảm thấy thế nào? điều gì đã giúp chúng ta? Nhấn mạnh bầu không khí đối thoại và lắng nghe lẫn nhau giữa các em.
- Đóng góp của Pilar Quera Colomina
Bài học 7: Sáng tạo một trò chơi
Hoạt động:
Bước 1 - Học sinh có thể làm việc theo từng nhóm 3 em để tạo ra một trò chơi “bàn cờ giáo dục” dành cho các bạn của mình hoặc cho những học sinh lớp nhỏ hơn.
Bước 2 - Đề nghị các em động não suy nghĩ để tìm ra ý tưởng thiết kế tấm bảng rồi sau đó hoàn thành chiếc bảng đó.
Ví dụ: Ý tưởng: tìm kiếm sự tôn trọng.
Có thể làm một chiếc bảng theo kiểu con rắn hay cái thang. Lắc hột xúc xắc và di chuyển quân theo số ô đã lắc được. Tại một số ô, người chơi được yêu cầu nhặt một tấm thẻ và làm theo hướng dẫn trên thẻ. Chẳng hạn một số hướng dẫn như:
1) một người bạn yêu cầu em hãy nói dối với mẹ. Em nói “không”. Tiến lên 3 ô.
2). Người bạn tốt nhất của em nói là bạn ấy không thích chiếc váy mới của em, vì vậy em đã về nhà và thay váy. Lùi xuống 4 ô.
- Đóng góp của Ruth Liddle:
Bài học 8: Tôi hợp tác
Bước 1 - Giáo viên cho các em hoàn thành các câu sau:
Em hợp tác với nhà trường khi .............................................................
Em hợp tác với chính mình khi ...........................................................
............................................................ là một ví dụ về tinh thần hợp tác.
........................................................... là một sự hợp tác cần thiết.
Bước 2 - Lập các nhóm 4 em một để thảo luận các câu trả lời.
Bước 3 - Cùng nhau sáng tác một khẩu hiệu về Hợp tác.
Bước 4 - Vẽ hoặc sơn khẩu hiệu này lên một tấm giấy dài.
Bước 5 - Cho các em dán những tấm giấy này lên tường.
- Đóng góp của Marcia Maria Lins de Medeiros
Bài học 9: Hợp tác theo nhóm
Bước 1 - Đưa cho mỗi nhóm 5 học sinh một chiếc thước.
Bước 2 - Yêu cầu các em đo chiều dài của sân chơi một cách chính xác và nhanh chóng theo từng nhóm và hoàn tất công việc này với tinh thần hợp tác.
Bước 3 - Hãy cho mỗi đội 5 phút để thảo luận cách tiến hành, rồi bắt đầu trò chơi.
Bước 4 - Cả lớp có thể thảo luận xem điều gì đã giúp đỡ hay cản trở những cố gắng của các đội.
Bước 5 - Đề nghị các em đánh giá một cách tích cực những cố gắng hợp tác của các bạn khác trong nhóm.
Bước 6 - Giáo viên hỏi: Các em thấy những giá trị nào đã được sử dụng qua trò chơi này?
Bài học 10: Giao tiếp tốt
Hoạt động:
Bước 1 - Yêu cầu học sinh suy nghĩ về một dự án hợp tác và các trò chơi mà cả lớp đã thực hiện, và đặt ra những quy tắc giúp cho việc giao tiếp được tốt hơn.
Bước 2 - Hãy viết những quy tắc này ra và dán lên tường để mọi người đều có thể áp dụng chúng. Các em có thể tiếp tục bổ sung hay sửa đổi, điều chỉnh các quy tắc này trong các giờ học sau.
- Đóng góp của Sabine Levy
Bài học 11: Một vở kịch châm biếm
Bước 1 - Thảo luận về khái niệm hợp tác một cách chân thành – tức là hợp tác với tình thân ái, thái độ chân thật và những mong muốn tốt lành. Hãy xem xét điểm suy ngẫm sau: Ở đâu có tình yêu, nơi đó có sự hợp tác.
Bước 2 - Thảo luận về việc làm sao có thể phân biệt đâu là sự hợp tác thiếu thành thật.
Bước 3 - Hoạt động: yêu cầu các nhóm học sinh sáng tác một vở kịch châm biếm hoặc một vở hài kịch về sự hợp tác thiếu thành thật ngược với sự hợp tác một cách chân thành.
Bài học 12: Một dự án hợp tác
Bước 1 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau:
- Khi hợp tác, ta có nhu cầu muốn biết được điều gì là cần thiết. Đôi khi ta cần có một ý tưởng, đôi khi lại cần phải buông bỏ ý tưởng của chính ta. Đôi khi ta cần phải dẫn dắt người khác, và đôi khi ta chỉ cần là người đi sau.
- Lòng can đảm, suy xét thấu đáo, sự quan tâm chăm sóc và chia sẻ với người khác tạo nên nền tảng cho sự hợp tác.
- Hợp tác là khi ta biết công nhận giá trị của sự đóng góp của từng người và luôn có thái độ thiện chí.
- Người có thái độ hợp tác luôn có những mong muốn tốt đẹp và tình cảm thanh cao đối với người khác và với công việc.
Bước 2 - Hoạt động: áp dụng những nguyên tắc về hợp tác một cách chân thành vào một dự án mà cả lớp muốn cùng thực hiện.
Chẳng hạn như: Lập nên một góc đọc sách xinh xắn và thống nhất với nhau về việc thay phiên sử dụng và giữ cho góc này gọn gàng; cùng làm một bức bích họa lớn thể hiện cái nhìn của các em về một thế giới tốt đẹp hơn; lựa chọn một chủ đề trong chương trình học và trang trí lớp học theo chủ đề đó. Ví dụ, với bài học về rừng rậm nhiệt đới, các em có thể phát triển ý tưởng để làm những sợi dây leo rậm rạp ngang qua lớp học cùng với những chú vẹt và những con khỉ v.v. Hoặc các em có thể lập kế hoạch và thực hiện một dự án hợp tác rửa xe để lấy quỹ cho một chuyến đi thực tế. Một dự án khác có thể là cùng nhau xác định một nhu cầu của nhà trường hoặc của địa phương và lập kế hoạch để hỗ trợ hay đáp ứng nhu cầu đó. Các em cũng có thể hợp tác với một số lớp khác để giữ cho sân trường luôn sạch sẽ, làm việc với hội phụ huynh học sinh để sơn và lắp đặt dụng cụ cho sân chơi; hay thay phiên nhau đọc sách và giúp đỡ các em học sinh lớp dưới.
Ghi chú: một dự án hợp tác có thể kéo dài vài ngày.
Bước 3 - Khi các em thảo luận và cùng làm việc với nhau, hãy tăng cường các kỹ năng xã hội mang tính tích cực nhằm tạo ra sự hòa thuận và thống nhất trong công việc. Hãy tập trung vào những điểm suy ngẫm về hợp tác nếu thấy cần thiết.
Bài học 13: Tinh thần hợp tác cần những giá trị gì?
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Bằng cách luôn nhận thức được những giá trị của mình, tôi có thể hợp tác với mọi người.
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Giá trị nào là quan trọng nhất cho sự hợp tác?
- Giá trị nào em cần nhất trong dự án hợp tác của chúng ta? (từng em có thể có những giá trị khác nhau).
Bước 3 - Hoạt động: Chia lớp thành nhiều nhóm và đề nghị các em chọn trong số các giá trị khác nhau một giá trị mà các em cho là quan trọng nhất cho tinh thần hợp tác.
Bước 4 - Từng nhóm sẽ thảo luận và thống nhất một giá trị.
Bước 5 - Trình bày giá trị đó cho cả lớp nghe thông qua thể loại kịch câm.
- Đóng góp của Marcia Maria Lins de Medeiros
Bài học 14: Bản đồ tâm trí về hợp tác
Bước 1 - Đề nghị các em lập thành nhóm 3 người để cùng làm một Bản đồ tâm trí về một đất nước nơi có tinh thần hợp tác toàn diện.
Bước 2 - Các em sẽ thực hành những kỹ năng hợp tác tốt nhất của mình khi làm việc này.
Bước 3 - Học sinh có thể chia sẻ Bản đồ tâm trí của nhóm mình.
Bước 4 - Trưng bày chúng.
Bài học 15: Hoạt hình
Sáng tác một tác phẩm hoạt hình trong đó các nhân vật hợp tác để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Hoặc viết một câu chuyện về tinh thần hợp tác.
- Đóng góp của Marcia Maria Lins de Medeiros
Bài học 16: Nhảy múa
Bước 1 - Chia lớp thành 3 nhóm.
Bước 2 - Đề nghị các em thể hiện sự hợp tác qua một điệu múa.
Bước 3 - Học sinh sẽ lựa chọn âm nhạc theo ý thích của các em.
Các bài học tùy chọn về Hợp tác Dành cho các học sinh lớn
Bước 1 - Nêu lên những vấn đề cần đối phó của thế giới và thảo luận về những dự án hợp tác để giải quyết các vấn đề trên. Chẳng hạn như nạn đói trên thế giới, vấn đề suy dinh dưỡng của trẻ em, hay tình trạng bạo lực.
Bước 2 - Các nhóm học sinh có thể lựa chọn chủ đề của mình, nghiên cứu các tài liệu, tổ chức hay những đối tượng liên quan, rồi trình bày ý tưởng của nhóm mình.
- Đóng góp của Pilar Quera Colomina và Sabine Levy