NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ TRÁCH NHIỆM
-Nếu chúng ta muốn có hòa bình, chúng ta có trách nhiệm sống bình yên.
- Nếu chúng ta muốn có một thế giới trong lành, chúng ta có trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên.
- Trách nhiệm là thực hiện phần đóng góp của mình.
- Trách nhiệm là chấp nhận nhiệm vụ được giao và thực hiện nó bằng hết khả năng của mình.
- Trách nhiệm là thực hiện nghĩa vụ một cách chính trực.
- Người có trách nhiệm luôn vui lòng đóng góp phần mình.
- Là một người có trách nhiệm, tôi có những thứ giá trị để đóng góp, và những người khác cũng vậy.
- Người có trách nhiệm luôn biết cư xử sao cho công bằng, nhận thấy rằng mỗi người đều có phần công sức đóng góp của họ.
- Quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm.
- Trách nhiệm không chỉ là điều ràng buộc chúng ta, nó còn cho phép ta đạt được những gì mình mong ước.
- Mỗi người đều có thể nhận thức thế giới theo cách riêng của mình và tìm kiếm sự cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm.
- Trách nhiệm đối với toàn cầu đòi hỏi sự tôn trọng đối với toàn thể nhân loại.
- Trách nhiệm là biết sử dụng những nguồn lực của chúng ta để tạo ra một sự thay đổi tích cực.
Mục đích: Giúp các em cảm thấy vui sướng khi là người có trách nhiệm.
Các chủ điểm:
- Tổ chức cho các em sẵn sàng đón nhận trách nhiệm trong trò chơi “Bước đi của lòng tin”.
- Thưởng thức những bài hát liên hệ trách nhiệm với sự quan tâm.
- Hứng thú tham gia một vở kịch về trách nhiệm.
Mục đích: Gia tăng hiểu biết về trách nhiệm.
Các chủ điểm:
- Hướng dẫn các em tham gia thảo luận về những điểm suy ngẫm về trách nhiệm và có khả năng trình bày ít nhất hai điểm trong số đó.
- Làm một cuốn sách bỏ túi “tôi tin tưởng vào...”, tìm hiểu những điều mà các em tin tưởng, cũng như quyền và trách nhiệm của các em.
- Khám phá khái niệm “Lời nói đi đôi với việc làm”.
- Tham gia thảo luận về trách nhiệm đối với bản thân.
- Xây dựng “Bản đồ tâm trí” về những kết quả của tinh thần trách nhiệm và hậu quả của thái độ vô trách nhiệm.
- Thảo luận về đóng góp của học sinh đối với gia đình, và làm một tấm thiệp hay một bài thơ tặng cha mẹ, hoặc viết một trang nhật ký thể hiện tinh thần trách nhiệm.
- Thảo luận về trách nhiệm đối với toàn cầu.
Mục đích: Phát triển các kỹ năng về tinh thần trách nhiệm và tham gia có trách nhiệm vào dự án của lớp.
Các chủ điểm:
- Hướng dẫn các em tham gia một dự án mang tên “trách nhiệm” của cả lớp.
- Khéo léo gợi mở, hướng các em đến suy nghĩ về mục đích sống của bản thân khi trưởng thành và yêu cầu các em thực hiện ít nhất 2 hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa thực tế ngay trong hiện tại và có liên quan tới các mục đích trên.
- Hướng dẫn cả lớp tham gia thảo luận về việc làm thế nào để một người thiếu tinh thần trách nhiệm có thể khích lệ bản thân nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa.
- Vẽ một bức tranh về điều mà các em tin tưởng, và tiếp tục thực hiện một hành động mới hướng đến việc hoàn thành mục đích cuộc sống của mình.
CÁC BÀI HỌC VỀ TRÁCH NHIỆM
Bổ sung vào danh sách những điểm suy ngẫm nêu trên những câu thành ngữ được ưa thích trong kho tàng văn hóa Việt Nam, từ các truyền thuyết hoặc trích dẫn lời nói của những người được quần chúng kính trọng.
Hàng ngày hãy tiếp tục mở hoặc cho học sinh hát một bài hát có liên quan đến trách nhiệm, có thể là những bài hát Việt Nam. Các em lớn có thể sẽ thích hát bài: Circle of Life (Vòng đời) của Elton John, hay bài Conviction of the Heart (Lời phán xét của trái tim) của kenny Loggins.
Hàng ngày hoặc cứ sau vài ngày lại thực hiện một bài thực hành thư giãn/tập trung vào thời gian thích hợp với lớp của bạn. Các em học sinh có thể sẽ thích tập những bài thực hành riêng của mình.
Bài học 1: Bước đi của lòng tin
Bước 1 - mở một bài hát khi học sinh vào lớp.
Bước 2 - giới thiệu học phần giá trị trách nhiệm bằng cách hỏi các em về ý nghĩa của trách nhiệm.
Bước 3 - thảo luận về ý nghĩa của bài hát vừa mới hát.
Bước 4 - Giáo viên nói: “Hôm nay, chúng ta sẽ chơi với trách nhiệm qua trò chơi Bước đi của lòng tin”.
Bước 5 - Để chơi trò này, một nửa lớp sẽ phải đeo băng bịt mắt. Các em còn lại mỗi em có trách nhiệm dẫn người bạn bị bịt mắt của mình đi vòng quanh, hướng dẫn bạn bằng những động tác cũng như dùng lời nói để giúp bạn mình đi qua các khu vực gập ghềnh một cách an toàn và thuận lợi.
Bước 6 - Chơi trò này trong 10 phút, sau đó các em sẽ đổi vai cho nhau.
Bước 7 - Thảo luận về cảm xúc của các em trong từng vai trò.
Bước 8 - Giáo viên hỏi: “Em sẽ cảm thấy như thế nào nếu người bạn đồng hành của em không có tinh thần trách nhiệm?”
Bài học 2: Những chỉ dẫn về trách nhiệm
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Trách nhiệm nghĩa là chấp nhận nhiệm vụ được giao và thực hiện nó trong hết khả năng của mình.
Bước 2 - Hoạt động: Chia lớp thành các nhóm bốn học sinh.
Bước 3 - Giáo viên giải thích hoạt động: Ba thành viên của nhóm sẽ là người hướng dẫn, chỉ sử dụng lời nói, một em còn lại bị bịt mắt. Hãy lưu ý với các em đóng vai là người hướng dẫn rằng những lời hướng dẫn càng có tinh thần trách nhiệm bao nhiêu thì càng giúp cho người bạn bị bịt mắt tìm ra đường đi dễ bấy nhiêu.
Bước 4 - Giáo viên hỏi: Chúng ta đã sử dụng hết khả năng của mình để đưa ra những hướng dẫn chỉ đường chính xác cho bạn chưa?
Bước 5 - Thảo luận về kết quả và những kinh nghiệm được các em rút ra.
- Đóng góp của Pilar Quera Colomina
Bài học 3: Trách nhiệm là “Nói đi đôi với làm”
Bước 1 - Hỏi các em những câu sau:
- Em có tin vào hòa bình không?
- Em tin vào điều gì? (Viết “Hòa bình” và những ý kiến khác của các em lên bảng)
- Em có tin vào việc quan tâm chăm sóc môi trường thiên nhiên không?
- Em có tin vào lòng trung thành không?
- Em có tin mình là một người bạn tốt không?
- Em có tin mình là một học sinh tốt không?
Bước 2 - Giáo viên nói: “Trách nhiệm nghĩa là em cố gắng hết sức mình để làm những điều mà em tin tưởng. Chúng ta hãy cùng xem một số điểm suy ngẫm”. Thảo luận:
- Nếu chúng ta muốn có hòa bình, chúng ta có trách nhiệm sống bình yên.
- Nếu chúng ta muốn có một thế giới trong lành, chúng ta có trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên.
- Quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm.
Bước 3 - Giáo viên giải thích: một trách nhiệm mà đôi khi chúng ta hay bỏ qua là làm những điều mà mình đã nói. Nếu ta tin tưởng vào những nguyên tắc và giá trị nhất định thì những điều ta làm hoặc cách ta hành động cần phải phù hợp với những niềm tin và giá trị của ta. “Chẳng hạn, nếu tôi tin vào việc chăm sóc thiên nhiên, nhưng lại xả bừa vỏ kẹo ra đất, thế thì tôi đã không “nói đi đôi với làm”.
Bước 4 - Giáo viên nói: “Chúng ta hãy cùng xem xét một trong những điểm suy ngẫm trên”: Hãy gạch chân nội dung Chăm sóc môi trường tự nhiên trên bảng.
Bước 5 - Giáo viên hỏi: “Nếu các em tin vào điều này, các em sẽ có những hành vi gì? Các em sẽ làm gì ?... Các em đã trả lời rất tốt. Chúng ta hãy cùng xem một điểm suy ngẫm khác”.
Bước 6 - Hoạt động: yêu cầu học sinh làm một cuốn sách bỏ túi “tôi tin vào...”. Ở đầu mỗi trang sách viết một câu bắt đầu bằng câu “tôi tin vào...”. Chừa vài dòng và viết tiếp “tôi muốn quyền được...”. Chừa vài dòng, viết: “trách nhiệm của tôi là...”. Mỗi học sinh cần hoàn thành các câu trên.
Bước 7 - Giáo viên nói: “Mỗi người có thể tạo ra cuộc sống của chính mình. Chúng ta có thể đòi hỏi rất nhiều quyền lợi, nhưng những quyền lợi này luôn đi kèm với trách nhiệm”.
Bước 8 - Đề nghị các em chia sẻ một số câu “tôi tin vào...” của các em.
Bài học 4: Những câu chuyện
Bước 1 - Đọc cho các em học sinh nhỏ nghe những câu chuyện cổ tích về trách nhiệm. Bạn có thể có những câu chuyện mà bạn yêu thích hoặc một số truyện của các nền văn hóa khác.
Bước 2 - Bạn có thể sử dụng một câu chuyện về trách nhiệm dành cho các học sinh 8-10 tuổi trong phần Phụ lục 11 là “tuấn Bi muốn có một con chó”.
Bước 3 - thảo luận về câu chuyện sau khi đọc, hỏi các em xem tuấn Bi đã chứng minh cho mẹ cậu ấy thấy là mình có trách nhiệm như thế nào.
Bước 4 - Giáo viên hỏi: “Em thể hiện mình là người có trách nhiệm như thế nào?”.
(Ghi chú: Với những học sinh lớn hơn, hãy chọn những tác phẩm trong chương trình giảng dạy về trách nhiệm. Có thể yêu cầu các em đọc một tác phẩm mới xuất bản hoặc một bài báo gần đây nói về trách nhiệm đối với môi trường hoặc trách nhiệm đối với cộng đồng tại địa phương.)
Bài học 5: Chia sẻ công việc
Bước 1 - Giáo viên nói: “Một định nghĩa cơ bản về trách nhiệm là thực hiện phần đóng góp của mình. Khi các em còn bé, có lẽ các em đã được nghe câu chuyện về một cô gà mái đặc biệt (hãy đọc truyện này cho học sinh nghe, nếu có thể). Cô gà muốn có bánh mì nhưng trong nhà không còn chút bột mì nào. Vì vậy cô đã quyết định trồng một ít lúa mì. Cô đề nghị một người nọ giúp cô nhưng người đó từ chối. Vào mỗi giai đoạn – tưới lúa, gặt lúa, xay lúa, nhóm lửa và làm bánh – cô tiếp tục hỏi mọi người xem có ai chịu giúp cô một tay không. Mỗi lần như thế đều không có ai muốn giúp đỡ cô cả. Nhưng đến lúc chiếc bánh mì ra lò, điều gì đã xảy ra nào?... Đúng rồi, mọi người đều muốn ăn bánh mì! Và cô gà nói: Khi tôi đề nghị các bạn giúp tôi trồng lúa, tưới nước và thu hoạch, xay lúa và làm bánh, các bạn đều nói: không, không, không và không. Vì thế, tôi đã tự mình làm bánh và tôi sẽ ăn chiếc bánh này một mình!”.
Giáo viên nói: “Là con người, chúng ta rất may mắn - chúng ta có thể sáng tạo ra các đồ vật - chúng ta đã sáng tạo ra thế giới của chúng ta. Là người có trách nhiệm, chúng ta phải thực hiện phần công việc của mình. Vậy các em sẽ thích sáng tạo ra cái gì?” (đưa ra một số lựa chọn theo sắp xếp của bạn, một số việc vui vui). Chúng ta sẽ bắt đầu với một bữa ăn nhé? Hoặc chúng ta bắt đầu từ một bông hoa hay một vườn rau?”
Bước 2 - Yêu cầu học sinh lựa chọn, và rồi yêu cầu các em liệt kê những nguyên vật liệu cần thiết và các công việc cần làm. Gợi ý để mỗi nhóm chịu trách nhiệm làm một công việc khác nhau. Chẳng hạn, nếu các em quyết định làm một bữa ăn theo kiểu châu Âu hay kiểu Nhật (vì đó đang là bài học về văn hóa của cả lớp), một nhóm có thể chịu trách nhiệm trang trí, một nhóm khác nữa chuẩn bị nguyên liệu, v.v...
Bước 3 - Hoạt động: Bên cạnh hoạt động về trách nhiệm của cả lớp, hãy tạo ra cơ hội để mỗi học sinh nhận một trách nhiệm ở trường học. Có thể ba cặp học sinh sẽ là người hòa giải các bất hòa vào bữa trưa và ba cặp khác vào giờ giải lao trong một tuần. Tuần kế tiếp sẽ lại đến lượt các em khác. Một số em có thể dạy kèm cho các học sinh nhỏ tuổi hơn. Hỏi học sinh về những công việc mà các em muốn thực hiện. Hãy cởi mở trao đổi về những kinh nghiệm của các em và giúp các em tìm ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh.
Bài học 6: Trách nhiệm của bản thân
Bước 1 - Thảo luận:
- Em có những trách nhiệm gì đối với chính bản thân mình?
- Là một học sinh, em có trách nhiệm gì?
- Thầy cô giáo có những trách nhiệm gì?
- Hãy tưởng tượng về một trường học mà không có thầy cô giáo nào thực hiện những trách nhiệm của mình. Điều gì sẽ xảy ra?
- Là một học sinh, em cảm thấy thế nào khi hoàn thành trách nhiệm của mình?
- Em cảm thấy thế nào và hậu quả gì sẽ đến nếu em không hoàn thành trách nhiệm của mình? Các em học sinh lớn hơn có thể thảo luận về những hậu quả lâu dài của việc này.
- Mục tiêu sau này của em là gì? Em muốn làm việc gì khi trở thành người lớn?
Bước 2 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Trách nhiệm không chỉ là điều ràng buộc chúng ta, nó còn cho phép ta đạt được những gì mình mong ước.
Bước 3 - Hoạt động cho học sinh 8-9 tuổi: Hướng dẫn học sinh vẽ một bức tranh về những điều các em thích làm khi đã trở thành người lớn. yêu cầu học sinh viết ra hai việc mà các em có thể làm ngay từ bây giờ nhằm thực hiện được những mục tiêu trên. Giúp các em đưa ra những hành động cụ thể, thiết thực và có thể làm ngay trong vòng một, hai ngày tới. Đó có thể chỉ là những hành động nhỏ và có thể quan sát được. Bằng cách này, học sinh có thể thấy mình đã có những tiến bộ trong việc tiến gần hơn tới mục tiêu mà các em đã đề ra.
Bước 4 - Hoạt động cho học sinh 10-14 tuổi: yêu cầu mỗi em chọn một môn học mà em muốn tiến bộ hơn. dùng thang điểm từ 1 đến 10, điểm 10 là điểm cao nhất - các em tự chấm điểm mình như thế nào? Hướng dẫn học sinh suy nghĩ về những việc các em có thể làm để trau dồi trong môn học đó nhằm đạt được điểm cao hơn. Học sinh có thể chia thành từng cặp để trao đổi nội dung này với nhau. Hành động của các em cần phải cụ thể, thiết thực và dễ thấy. Như thế các em có thể biết được khi nào mình có tiến bộ. yêu cầu các em viết ra ba việc cụ thể mà các em có thể làm. Trong ba ngày, hãy yêu cầu từng cặp học sinh xem xét những tiến bộ của mình và khuyến khích các bạn khác tiếp tục công việc nhằm đạt đến mục đích đã đề ra.
Bài học 7: Trách nhiệm ở gia đình
Bước 1 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Các bà mẹ có những trách nhiệm gì?
- Các ông bố có những trách nhiệm gì?
- Điều gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ không hoàn thành trách nhiệm của mình?
- Em muốn trở thành những người cha, người mẹ như thế nào khi em là người lớn? Những trách nhiệm nào sẽ là quan trọng đối với em?
- Là người con trong gia đình, em có những trách nhiệm gì?
- Em có thể đóng góp gì cho gia đình em?
- Em cảm thấy hãnh diện về những đóng góp nào?
Bước 2 - Thảo luận những điểm suy ngẫm:
- Trách nhiệm là chấp nhận nhiệm vụ được giao và thực hiện nó bằng hết khả năng của mình.
- Người có trách nhiệm luôn vui lòng đóng góp phần của mình.
Bước 3 - Hoạt động cho học sinh 8-9 tuổi: Hướng dẫn các em sáng tác một bài thơ hay viết một tấm thiệp tặng cha hoặc mẹ.
- Hoạt động cho học sinh 10-14 tuổi: yêu cầu học sinh suy nghĩ về những câu hỏi sau, và viết một bài luận ngắn về những suy nghĩ của các em:
- Em sẽ làm gì để thể hiện cho mẹ em thấy rằng em là người có trách nhiệm?
- Em còn muốn làm những việc gì nữa cho mẹ em thấy tinh thần trách nhiệm của em?
- Em sẽ làm gì để thể hiện cho cha em thấy rằng em là người có trách nhiệm?
- Em còn muốn làm việc gì khác nữa để cha biết rằng em là người có trách nhiệm?
Bài học 8: Câu chuyện “Khu vườn bị bỏ quên”
Bước 1 - Đọc truyện “khu vườn bị bỏ quên” trong phần Phụ lục 12.
Bước 2 - Hoạt động cho học sinh 8 tuổi: thảo luận về câu chuyện, và hướng dẫn các em vẽ một bức tranh về khu vườn.
Hoạt động cho học sinh 9-14 tuổi: thảo luận về câu chuyện, sau đó đưa ra các câu hỏi sau:
- Em cảm thấy thế nào khi em không làm những việc mà em nghĩ là mình cần phải làm?
- Những việc nào mà em chỉ cảm thấy phiền lòng một chút nếu em không thực hiện nó?
- Những việc nào mà em cảm thấy thực sự tồi tệ nếu không làm?
- Có cần thiết để cảm thấy buồn phiền không? (trả lời: “Đôi khi cảm giác buồn phiền là cách để con người biết rằng sẽ tốt hơn nếu ta hành động khác đi. Chúng ta ai cũng đều có đôi lúc phạm sai lầm. Vì tất cả chúng ta đều là con người mà. Nhưng cảm xúc buồn phiền quá mức sẽ không giúp chúng ta thực hiện được những điều tích cực mà chúng ta thực sự muốn làm.”)
Giáo viên nói: “Buồn phiền hay hổ thẹn là những tình cảm tự nhiên, nhưng sẽ không tốt nếu ta cứ chìm đắm trong trạng thái đó. Thay vào đó hãy:
1. Suy nghĩ về những điều mà em ước rằng mình lẽ ra nên làm.
2. Xác định giá trị hay phẩm chất mà em cần để làm được điều đó.
3. Hình dung và cảm thấy phẩm chất đó trong tâm trí em.
4. Hãy dịu dàng nói với chính mình và biết rằng nếu lần sau tình huống đó có xảy ra một lần nữa, em sẽ có đủ sức mạnh để làm điều em muốn làm”.
- Hoạt động cho học sinh 11-14 tuổi: Viết bốn bước trên lên bảng. yêu cầu mỗi học sinh viết một bài tiểu luận, áp dụng bốn bước trên vào một tình huống mà các em muốn thay đổi. Thầy cô có thể yêu cầu học sinh chia sẻ ý kiến, nếu các em muốn, về những lời dịu dàng mà một người có thể nói với chính mình.
Bài học 9: Trách nhiệm đối với toàn cầu
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau:
- Trách nhiệm đối với toàn cầu đòi hỏi sự tôn trọng đối với toàn thể nhân loại.
- Trách nhiệm là biết sử dụng những nguồn lực của chúng ta để tạo ra một sự thay đổi tích cực.
- Người có trách nhiệm luôn biết cư xử sao cho công bằng, thấy rằng mỗi người đều có phần của mình.
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Nếu như em có thể bảo với mỗi người trên thế giới rằng họ phải có tinh thần trách nhiệm, em sẽ muốn họ phải có trách nhiệm ra sao?
- Em sẽ muốn họ làm những việc gì?
- Em muốn họ không làm điều gì?
- Trách nhiệm đối với toàn cầu của chúng ta là gì?
- Trách nhiệm đối với xã hội của chúng ta là gì?
- Trách nhiệm về đạo đức của chúng ta là gì? (Chỉ dành cho học sinh 13-14 tuổi)
Vui vẻ tán đồng những câu trả lời tích cực của các em.
Bước 3 - Hướng dẫn các em thực hiện bài thư giãn Hòa bình nếu thấy phù hợp với hoàn cảnh của lớp. Cuộc thảo luận trên sẽ tạo ra những phản ứng khác nhau từ các em học sinh. Những em lớn hơn có thể muốn thảo luận những câu hỏi nêu trên trong vài tiết học. Hãy giúp các em chọn những bài đọc thích hợp.
Bước 4 - Hoạt động: Hướng dẫn học sinh làm việc theo nhóm từ 3 đến 5 em thực hiện một Bản đồ tâm trí về trách nhiệm.
Bước 5 - Học sinh chia sẻ Bản đồ tâm trí của nhóm mình cho cả lớp.
Bước 6 - Cho các em dán Bản đồ tâm trí trên tường.
Bài học 10: Vô trách nhiệm
Bước 1 - Yêu cầu học sinh thảo luận về chủ đề: “Thế giới sẽ trở thành như thế nào nếu không ai thực hiện trách nhiệm của mình?”.
Bước 2 - Hoạt động: Hướng dẫn học sinh thực hiện một Bản đồ tâm trí về sự vô trách nhiệm.
Bước 3 - Học sinh có thể chia sẻ các Bản đồ tâm trí này của mình trước lớp.
Bước 4 - Có thể so sánh Bản đồ tâm trí này với Bản đồ tâm trí về trách nhiệm đã thực hiện ở bài trước.
Bài học 11: Trách nhiệm đối với người khác và xã hội
Bước 1 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau:
- Mỗi người đều có thể nhận thức thế giới theo cách riêng của mình và tìm kiếm sự cân bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm.
- Trách nhiệm là thực hiện nghĩa vụ một cách chính trực.
- Là một người có trách nhiệm, tôi có những thứ giá trị để đóng góp, và những người khác cũng vậy.
Bước 2 - Giáo viên nêu câu hỏi:
- Là một con người, em có những trách nhiệm gì đối với người khác?
- Và trách nhiệm gì đối với xã hội?
Bước 3 - Hoạt động: yêu cầu học sinh lập một danh sách tất cả các hành động có trách nhiệm mà cả lớp đã thảo luận trong tuần vừa qua và đánh số từng hành động.
Bước 4 - yêu cầu mỗi em đánh dấu những hành động mà em tin tưởng.
Bước 5 - đề nghị từng em xem lại danh sách trên và khoanh tròn số thứ tự của hành động mà em có thể thực hiện nó một cách tự nguyện.
Bước 6 - So sánh các bản danh sách này và quan sát xem các em có muốn cam kết gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong các hành động mà các em tin tưởng hay không.
- Đóng góp của Sabine Levy
Bài học 12: Biết nhận trách nhiệm khiến chúng ta trở thành một người bạn tốt
Bước 1 - Giáo viên nói: “Biết nhận trách nhiệm nghĩa là em đáng tin cậy. Tất cả chúng ta đều mong muốn gia đình có trách nhiệm với chúng ta. Bố mẹ có trách nhiệm nuôi các em ăn học, dạy dỗ các em nên người, đảm bảo cho các con có một mái ấm. Là con cái, em cảm thấy cha mẹ có trách nhiệm cho em tình yêu thương. Một người bạn có trách nhiệm là người có thể tin cậy được”.
Bước 2 - Thảo luận:
- Em cảm thấy thế nào khi mọi người không làm những việc mà họ nói sẽ làm, hay vô trách nhiệm?
- Em cảm thấy thế nào khi bạn em ngồi lê đôi mách hay nói xấu em?
- Em cảm thấy thế nào khi bạn của em là một người đáng tin cậy?
- Chúng ta có thể nói gì với những kẻ vô trách nhiệm và kẻ đi nói xấu người khác?
Bước 3 - Hoạt động: yêu cầu học sinh chia thành các nhóm năm người.
Bước 4 - Mỗi em trong nhóm phải đưa ra hai tình huống mà em đó cảm thấy có người đã nói xấu em hay thể hiện sự vô trách nhiệm.
Bước 5 - Các em sẽ đóng vai trong các tình huống đó, rồi đưa ra hai biện pháp giải quyết cho từng tình huống.
Bước 6 - Thảo luận hậu quả của từng trường hợp.
Bước 7 - Khi học sinh thảo luận về những vấn đề thực tế mà các em đang gặp phải, cho phép các em lập các tấm thẻ tình huống và tiếp tục thảo luận, đóng vai, và đưa ra những giải pháp tích cực, phù hợp.
Bài học 13: Tôi tin tưởng
Bước 1 - thực hiện bài thực hành thư giãn/tập trung về Hòa bình.
Bước 2 - yêu cầu các em vẽ một hình ảnh về những điều mà các em tin tưởng.
Bước 3 - Bên dưới hình ảnh đó, mỗi em phải viết ra hai cách mới để thể hiện tinh thần trách nhiệm.
Bước 4 - Làm một bức tranh cắt dán treo trên tường.
Bài học 14: Một vở kịch
Hoạt động: Chia học sinh thành nhóm 8 hoặc 10 em, sau đó yêu cầu các em diễn một vở kịch mô tả sự vô trách nhiệm và/hoặc tinh thần trách nhiệm. Đó có thể là một vở chính kịch hay hài kịch.
Bài học 15: Một chương trình
Lập các kế hoạch nhóm cho một chương trình đặc biệt về hai giá trị Sống các em vừa được học. Quyết định người sẽ chịu trách nhiệm cho từng nội dung trong chương trình này.
Những bài học tùy chọn cho học sinh 13-14 tuổi
Yêu cầu các em tìm hiểu về tinh thần trách nhiệm qua chương trình học hiện tại, chẳng hạn như khi học về các vai trò quản lý nhà nước, dịch vụ công, chức năng của các hiệp hội, hoặc qua nội dung của “Công ước về các Quyền của Trẻ em”.
- Đóng góp của Pilar Quera Colomina và Sabine Levy