NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ HẠNH PHÚC
-Hạnh phúc sẽ đến khi ta có tình yêu và bình an trong lòng.
- Hạnh phúc là trạng thái bình an, không có bóng dáng của xáo động hay bạo lực.
- Người cho hạnh phúc sẽ nhận được hạnh phúc.
- Khi nào còn một tia hy vọng, khi đó còn có hạnh phúc.
- Mong muốn những điều tốt đẹp cho mọi người sẽ đem lại hạnh phúc trong lòng ta.
- Hạnh phúc sẽ tự nhiên đến khi hành động của ta trong sáng và vị tha.
- Hạnh phúc bền lâu là trạng thái hài lòng của nội tâm.
- Khi ta hài lòng với chính mình, hạnh phúc tự nhiên đến.
- Khi những lời nói của tôi “mang đến hoa hồng thay vì gai nhọn”, tôi tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn.
- Hạnh phúc đến khi ta cho đi hạnh phúc, khi ta gieo rắc nỗi buồn ta sẽ nhận lại nỗi buồn.
Mục đích: Tận hưởng cảm nghiệm về hạnh phúc.
Các chủ điểm:
- Hướng dẫn các em thưởng thức âm điệu của những bài hát về hạnh phúc.
- Giúp các em cảm thấy thích thú tham gia một số trò chơi.
- Hướng dẫn các em tham gia vào một bài thực hành hình dung về một thế giới hạnh phúc.
- Hướng dẫn các em vẽ hoặc nhảy múa thể hiện cảm giác hạnh phúc.
Mục đích: Nâng cao sự hiểu biết về hạnh phúc.
Các chủ điểm:
- Tham gia thảo luận về những điểm suy ngẫm về hạnh phúc, và có thể trình bày ít nhất hai điểm trong số đó.
- Hồi tưởng về phút giây mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc, và viết về những cảm giác đó.
- Suy nghĩ về những lời nói đem đến hạnh phúc và những lời nói gây tổn thương.
- Suy nghĩ về những hành động đem đến hạnh phúc cho bản thân, cho người khác, và cho cả thế giới.
- Suy nghĩ về hạnh phúc bền lâu so với hạnh phúc ngắn ngủi do vật chất mang lại.
- Suy nghĩ về mối quan hệ giữa hạnh phúc với nỗ lực làm những điều tốt nhất có thể.
- Suy nghĩ về những điều tự nói với bản thân, và cách cổ vũ, động viên bản thân nhiều hơn.
Mục đích: Tìm hiểu những kỹ năng trao tặng hạnh phúc đến người khác.
Các chủ điểm:
- Yêu cầu các em thực hiện ít nhất ba hành động ở trường đem lại hạnh phúc cho người khác.
- Sáng tác một câu chuyện về việc mang lại hạnh phúc cho người khác như một phần công việc của nhóm.
- Ở nhà thực hiện ít nhất bốn hành động mang lại hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình.
- Suy nghĩ về những tác động của việc cô lập và việc hòa nhập cùng mọi người.
- Tìm ra bí quyết của riêng các em trong việc đem lại hạnh phúc cho người khác.
CÁC BÀI HỌC VỀ HẠNH PHÚC
Tiếp tục bật hay hát một bài hát mỗi ngày.
Tùy vào giờ giấc của lớp bạn dạy, hàng ngày hoặc cứ sau vài ngày thực hành một bài tập thư giãn/tập trung. Học sinh có thể thích tập bài thực hành thư giãn do chính các em nghĩ ra.
Bài học 1: Hạnh phúc
Bước 1 - Bật một bài hát về hạnh phúc khi học sinh bước vào lớp và giải thích “trong bốn tuần tới đây (hoặc khoảng thời gian thích hợp), chúng ta sẽ khám phá giá trị Hạnh phúc.
Bước 2 - Giáo viên chia sẻ với các em về những điều làm bạn hạnh phúc trong nghề giáo.
Bước 3 - Giáo viên hỏi cả lớp: “Điều gì làm cho các em hạnh phúc?”.
Liệt kê các ý kiến của học sinh lên bảng. Giúp các em xác định những khác biệt về cảm xúc - chẳng hạn những cảm xúc mê say so với những tình cảm sâu sắc và lâu bền hơn.
Bước 4 - Hoạt động cho học sinh từ 8-10 tuổi: Làm một cuốn sách về hạnh phúc có hình zíc zắc, hoặc viết những câu theo mẫu: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi...”
- Đóng góp của Linda Heppenstall
Bước 5 - Hoạt động cho học sinh từ 11 đến 14 tuổi: thơ tương phản - yêu cầu học sinh động não suy nghĩ về những từ ngữ liên quan tới hạnh phúc và bất hạnh. Các em có thể dùng từ điển để tìm những từ đồng nghĩa và trái nghĩa. Từng em hoặc theo nhóm, các em có thể viết một bài thơ đưa người đọc từ một cảm xúc hoặc ý tưởng này sang cảm xúc hay ý tưởng ngược lại.
- Đóng góp của Ruth Liddle
Bài học 2: Điều gì làm nên hạnh phúc
Bước 1 - Hãy hát một bài hát về hạnh phúc. yêu cầu các em cùng hát với bạn.
Bước 2 - thảo luận những điểm suy ngẫm sau đây:
- Hạnh phúc sẽ đến khi ta có tình yêu và sự bình an trong lòng.
- Khi một người bằng lòng với chính mình, hạnh phúc sẽ tự nhiên đến.
- Hạnh phúc là trạng thái bình an, không có bóng dáng của xáo động hay bạo lực.
Bước 3 - Giáo viên hỏi:
- Chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc cho chính mình không? Bằng cách nào?
- Khi nào em cảm thấy hài lòng, thỏa mãn nhất?
- Những việc gì em nghĩ sẽ làm tăng cảm giác hạnh phúc?
- Những việc gì em có thể làm một mình khiến em cảm thấy hạnh phúc?
Bước 4 - Hoạt động: Chơi một đoạn nhạc vui và yêu cầu các em vẽ tranh thể hiện cảm giác hạnh phúc.
Bước 5 - Hoạt động tùy chọn cho những học sinh lớn hơn: yêu cầu các em chia thành những nhóm nhỏ và thảo luận một đề tài hứng thú nhất đã nảy sinh trong quá trình trao đổi ý kiến.
Bài học 3: Lời nói và những chú kỳ lân
Bước 1 - Thảo luận:
- Những điều gì bạn bè nói làm em cảm thấy hạnh phúc?
- Em thích được nghe điều gì?
Bước 2 - Hãy suy nghĩ về điểm suy ngẫm sau đây: Khi lời nói của tôi mang đến hoa hồng thay vì gai nhọn, tôi tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn.
Bước 3 - Giáo viên hỏi:
- Kiểu lời nói nào giống những chiếc gai?
- Lời nói có thể làm tổn thương hay gây đau đớn cho người khác không? (Có)
Có một bài thơ của trẻ con như sau: Gậy và đá sẽ làm gãy xương tôi, nhưng lời nói sẽ chẳng bao giờ làm cho tôi đau đớn. Một người lớn đã thay lời hát này thành: Gậy và đá sẽ làm gãy xương tôi, nhưng lời nói làm đau lòng tôi mãi mãi.
Bước 4 - Giáo viên hỏi:
- Em cảm thấy thế nào khi nghe một người nói những lời làm tổn thương đến tình cảm của người khác?
- Em thích nghe những lời nói nào xung quanh mình?
- Em sẽ nói gì để đem đến hạnh phúc cho người khác?
Những chú kỳ lân
Bước 5 - kể câu chuyện sau đây:
“Hôm nay thầy/cô có một câu chuyện ngắn về những chú kỳ lân để kể cho các em nghe. Đây là một câu chuyện có người nghe tham dự, bởi vì thầy/cô muốn các em sử dụng trí tưởng tượng của mình... Một ngày kia có 30 (nêu số lượng chú kỳ lân bằng sĩ số học sinh có trong lớp lúc đó) chú kỳ lân đến trường ta. Chúng ta bước ra khỏi lớp và từng chú kỳ lân tiến đến chỗ của từng người. Các em có thể tưởng tượng thấy chúng ta sẽ ngạc nhiên như thế nào khi nhìn thấy loài kỳ lân, hơn nữa lại nhiều đến thế! Những chú kỳ lân này có bộ lông màu trắng lấp lánh và có đôi cánh rất rộng. Đội ngũ những chú kỳ lân trông thật mạnh mẽ. Mỗi chú kỳ lân dang một cánh ra để giúp chúng ta leo lên lưng chúng. Khi mọi người đã ngồi chắc chắn trên lưng kỳ lân, chúng bắt đầu bay. Những chú kỳ lân đưa chúng ta tới nơi các chú sống. Các chú kỳ lân này biết rằng chúng ta đang học về những giá trị và hôm nay sẽ có một bài học về hạnh phúc. Do đó, những chú kỳ lân quyết định chở chúng ta đến Miền đất Hạnh phúc. Khi đàn kỳ lân bắt đầu hạ cánh xuống, chúng ta nhìn thấy một miền đất đẹp đẽ biết chừng nào... Ở đó có các bạn học sinh bằng tuổi các em. Các bạn ấy chạy tới chào đón các em! Các bạn này chơi những bản nhạc tuyệt vời. Rồi các em tham gia vào một cuộc picnic cùng với họ. Các món ăn ở đây ngon tuyệt!... Tiếp theo các em chơi trò chơi... Có rất nhiều trò chơi khác nhau nên mỗi em có thể tham gia trò chơi mà mình thích... Sau đó, các em ngồi trên thảm cỏ và trò chuyện với nhau. Một bạn học sinh của nơi này nói với em rằng trong thế giới của họ, mỗi người nhìn thấy người khác giống như một bông hoa đẹp. Mọi người trở nên đẹp hơn trong mắt nhau mỗi ngày. Khi các em ngồi ở xứ sở này, em cảm thấy mọi người đều yêu mến em và yêu mến tất cả mọi người... Tiếp đó một bạn học sinh xích gần đến em và thì thầm “Mình sẽ nói với bạn một bí mật về hạnh phúc”... và rồi người bạn đó nói với em điều bí mật về hạnh phúc của mình... Chỉ một mình em nghe thấy điều bí mật đặc biệt về hạnh phúc này... Điều nói thầm đó là gì vậy?... Những chú kỳ lân nói với chúng ta rằng đã đến giờ quay về và chúng dang rộng cánh ra một lần nữa. Các bạn học sinh vẫy tay từ biệt khi chúng ta bay lên cao, và chúng ta cũng vẫy tay lại. Trước khi em ý thức được, chúng ta đã quay trở về trường học và ngồi trên những chiếc ghế này”.
Bước 6 - Hãy cho học sinh vài phút để chia sẻ ý nghĩ và tưởng tượng của các em.
Bước 7 - Hãy nói với các em rằng điều bí mật mà người bạn nhỏ đã thì thầm với em là: Bí mật để có hạnh phúc là “Cho đi hạnh phúc, bạn sẽ nhận được hạnh phúc, đừng cho đi nỗi buồn để rồi sẽ nhận lại nỗi buồn”. Hãy hỏi học sinh: “Điều đó có nghĩa là gì?”.
Bước 8 - Hoạt động: Hãy viết một câu chuyện về “Những bí mật của Hạnh phúc”. Các em có thể vẽ hay phác họa một bức tranh minh họa cho câu chuyện đó.
Bài học 4: Các trò chơi
Bước 1 - Yêu cầu một vài học sinh chia sẻ “Những bí mật về hạnh phúc” của các em.
Bước 2 - Hoạt động: Chơi một trò chơi hoặc thực hiện một hoạt động mang đến cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Chẳng hạn như chơi một trò mà mọi người đều thích, một trò chơi khiến mọi người cười vui vẻ. Hãy nghĩ về những trò chơi mà bạn thích hồi còn bé.
Bạn có thể chơi trò “Những chiếc ghế âm nhạc”. Học sinh đứng vòng quanh những chiếc ghế được xếp lần lượt trái chiều nhau. Số lượng ghế sẽ ít hơn một ghế so với số lượng các em tham gia. Khi nhạc vang lên, các em sẽ đi nhanh hoặc chạy vòng quanh những cái ghế và rồi ngồi xuống một cái ghế khi nhạc dừng. Mỗi khi nhạc ngừng, một chiếc ghế được bỏ ra và một học sinh sẽ không có ghế. Chúng ta sẽ không loại em không ngồi được vào ghế ra khỏi cuộc chơi, mà em đó sẽ ngồi lên đùi của một bạn khác. Bạn có thể dừng trò chơi khi có 4 hoặc 5 em ngồi trên cùng một chiếc ghế! Có rất nhiều trò chơi vui phù hợp. Bạn có thể cùng các em tham gia chơi một trò mà bạn thích.
Bài học 5: Hạnh phúc tại gia đình
Bước 1 - Thảo luận:
- Em có nhớ có lần nào đã giúp đỡ một người, và việc đó làm cho em cảm thấy hạnh phúc không?
- Đã bao giờ có ai làm em ngạc nhiên bằng cách làm cho em vui chưa?
- Bố mẹ em nói những điều gì làm cho em cảm thấy vui vẻ?
- Bố mẹ em thích nghe em nói những điều gì?
- Trong số các em có bao nhiêu em có anh chị? Em thích làm những việc gì với anh chị của mình khi em còn là một đứa bé?
- Em có nghĩ là em trai hoặc em gái của em muốn làm những điều đó với em không?
- Chúng ta có thể mang thêm hạnh phúc cho người khác như thế nào?
Bước 2 - Giáo viên nói: “Hãy liệt kê một danh sách những việc mà các bạn ở lứa tuổi em có thể làm để đem đến niềm vui cho gia đình mình”. Liệt kê những câu trả lời của học sinh lên bảng.
Bước 3 - Kẻ cột và chia các câu trả lời này theo các nhóm khác nhau, chẳng hạn như, Lời nói, Các hoạt động với anh chị em và Các hành động khác.
Câu hỏi thêm cho học sinh 12 -14 tuổi:
- Em có thể thành thật nói với cha mẹ điều gì mà họ thích nghe?
- Nếu như có người khen em nhưng em không cảm thấy họ khen thật lòng, em sẽ cảm thấy như thế nào?
- Thành thật có quan trọng không? Tại sao?
- Khi em khen ai một cách thành thật, em cảm thấy trong lòng thế nào?
Bước 4 - Hoạt động: Chơi một trò mà các em yêu thích.
Bước 5 - Mở một bài hát vui.
Bước 6 - Bài tập ở nhà: Hãy nói với học sinh bài tập về nhà cho tuần này là trao hạnh phúc bằng cách thực hiện 3 hay 4 việc tốt tại nhà mà không nói với một ai cả. Trong tuần lễ đó, hỏi học sinh xem bài tập ở nhà của các em tiến hành như thế nào (rất nhiều niềm vui nảy sinh trong lớp khi thực hiện hoạt động này). Các em có thể nói với bạn rằng: đã có người phát hiện ra bí mật này. Hãy bảo với các em rằng điều đó không sao, nhưng hãy bí mật thực hiện một việc tốt khác.
Bài học 6: Những câu chuyện
Bước 1 - Đọc to hay yêu cầu học sinh đọc những câu chuyện về hạnh phúc.
(ghi chú: giáo viên có thể đọc hoặc hỏi các em xem các em có biết những câu chuyện về hạnh phúc mà chính bạn đã rất thích khi còn bé. Bạn cũng có thể chọn những câu chuyện trong kho tàng dân gian hay truyện cổ tích về hạnh phúc.)
Bước 2 - Thảo luận về câu chuyện này sau khi đọc xong.
Bước 3 - Câu chuyện cho học sinh 8 – 11 tuổi: đọc truyện “trường học hình trái tim” (phần Phụ lục 10).
Bước 4 - Thảo luận: trong truyện “trường học hình trái tim”, bạn minh học được rằng điều quan trọng là không làm cho chính mình hoặc người khác bị mất bình tĩnh. Hỏi:
- Minh đã học được điều gì? (Suy ngẫm thật nhanh về nguyên nhân dẫn đến sai lầm rồi sau đó cố gắng để tiến bộ chứ không tập trung vào những lỗi lầm đã mắc phải).
- Chúng ta cũng làm như thế, đúng không?
Bước 5 - Hoạt động: Hỏi cả lớp xem các em có muốn làm những chiếc Hộp Hạnh phúc của từng em hay một chiếc Hộp Hạnh phúc cho cả lớp không? Hãy làm những chiếc hộp.
Bước 6 - Yêu cầu các em viết những tấm thẻ cho chiếc Hộp Hạnh phúc, trên mỗi tấm là một lời khuyên thực tế để các em trở nên hạnh phúc hơn. Một số lớp có thể muốn làm những chiếc hộp riêng cho từng em để mang về nhà. Các lớp khác có thể muốn có một chiếc hộp chung cho cả lớp.
Lưu ý với giáo viên: đây là thời điểm nhiều lớp học dành thời gian để học sinh thảo luận trong “giờ học các giá trị”. Bạn có thể giữ chiếc Hộp Hạnh phúc và Hộp Bất hạnh cho lớp mình nếu học sinh thích chúng và tìm được những bài học bổ ích từ việc này. Hàng ngày hay hàng tuần, lấy một tấm thẻ ra khỏi chiếc Hộp Hạnh phúc. Làm việc này trong bốn tuần. Ít nhất một lần mỗi tuần hãy yêu cầu mỗi học sinh chia sẻ kinh nghiệm và tiến bộ của các em với một bạn khác và cùng tìm ra những điểm cần được sửa đổi. Khi các em tìm ra những cách mới để được hạnh phúc, yêu cầu các em viết chúng vào những tấm thẻ mới.
Bài học 7: Những cảm xúc
Bước 1 - Thảo luận:
- Khi chúng ta hạnh phúc, chúng ta cảm thấy thích làm những việc gì?
- Khi chúng ta buồn phiền, chúng ta cảm thấy muốn làm gì?
- Khi buồn, chúng ta có thể làm gì để cảm thấy dễ chịu hơn?
- Hạnh phúc có phải là kết quả của những gì chúng ta suy nghĩ hay cảm nhận không?
- Chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận sự vật không? Hoặc nhìn nhận sự vật theo một cách khác đi không?
- Những cảm xúc hạnh phúc và bất hạnh đến từ đâu?
- Các em cảm thấy thế nào khi làm cho người khác hạnh phúc?
Bước 2 - Hỏi học sinh xem các em đã nhận thấy điều gì khi thực hiện bài tập về nhà mang lại hạnh phúc cho gia đình.
Bước 3 - Lựa chọn một trong các hoạt động sau:
Làm thơ: Hạnh phúc đến khi...
Thiết kế một chiếc huy hiệu/biểu tượng về hạnh phúc.
Viết một bài tiểu luận: Làm cho người khác hạnh phúc cũng chính là mang lại hạnh phúc cho bản thân.
- Đóng góp của Linda Heppenstall
Bài học 8: Ba điều ước
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Hạnh phúc bền lâu chính là trạng thái hài lòng của nội tâm. Các em đã nói về niềm hạnh phúc ngắn ngủi khi ta tìm kiếm nó từ bên ngoài, như từ của cải, sở hữu vật chất, địa vị hoặc các mối quan hệ. Các em xác định rằng hạnh phúc bền lâu là trạng thái thỏa mãn, hài lòng của nội tâm mà không cần phải nuôi dưỡng bằng những ham muốn vật chất bên ngoài.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Điều gì sẽ xảy ra khi hạnh phúc của chúng ta lệ thuộc vào việc kiếm được tiền từ người khác? Liệu kiểu hạnh phúc như thế có bền vững không?
- Điều gì sẽ xảy ra khi hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào việc có thêm một món đồ mới (đồ chơi, quần áo...)? Liệu hạnh phúc của chúng ta có bền vững không?
- Em cảm thấy thế nào khi em không có được thứ mà em muốn?
- Làm thế nào để vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc khi em không có những thứ mà em muốn?
- Khi em có một món đồ mới thì hạnh phúc của em kéo dài được bao lâu?
- Kiểu suy nghĩ và hành động nào mang lại hạnh phúc lâu bền?
Bước 3 - Hoạt động: Em vừa giải thoát cho một vị thần mà em tìm thấy trong một cái chai. Vị thần cho em quyền được ước ba điều: một cho chính mình, một cho gia đình và một cho thế giới. Ba điều ước của em là gì?
Bước 4 - Cho các em thời gian suy ngẫm về ba điều ước này. Ba điều ước đó là gì?
Bước 5 - Các em vẽ một bức tranh về ba điều ước của mình.
Bước 6 - Các em chia sẻ bức tranh và điều ước của mình với cả lớp.
- Đóng góp của Marcia Maria Lin de Medeiros
Bài học 9: Nhu cầu và ham muốn
Bước 1 - Hoạt động: mỗi học sinh viết ra một danh sách gồm 12 điều sẽ mang lại cho mình hạnh phúc trong cuộc sống.
Bước 2 - Cả lớp thảo luận sự khác nhau giữa nhu cầu và ham muốn. Sau đó các em có thể thảo luận về những điều mình lựa chọn theo nhóm ba hoặc bốn em.
Bước 3 - Học sinh thảo luận để chọn ra 6 điều cơ bản, sau đó giảm danh sách này xuống còn ba điều.
Bước 4 - Yêu cầu các em thảo luận tiếp cho đến khi chỉ còn lại một điều trong danh sách, điều sẽ mang lại hạnh phúc nhất.
Bước 5 - Các em có thể viết một lá thư biết ơn gửi cho người có liên quan đến điều này.
- Đóng góp của Ruth Liddle
Bài học 10: Hạnh phúc là chia sẻ
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau:
- Hạnh phúc sẽ tự nhiên đến khi hành động của ta trong sáng và vị tha.
- Cho hạnh phúc sẽ nhận lại được hạnh phúc.
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Những hành động trong sáng và vị tha là những hành động như thế nào?
- Em nào có thể đưa ra ví dụ? (Những ví dụ này có thể liên quan tới động vật, môi trường, gia đình, bạn bè hay người lạ).
Bước 3 - Yêu cầu các em làm một thứ gì để trao tặng cho một ai đó. Chẳng hạn như viết một tấm thiệp trái tim tình bạn để mừng sinh nhật của một ai đó; viết thiệp gửi thăm một người ốm; giúp một bữa ăn cho tình nguyện viên làm việc ở trường; làm một bài thơ tặng một người bạn; gửi một tấm thiệp trái tim hạnh phúc cho một học sinh nhỏ hơn mà em đang kèm cặp.
Bài học 11: Nói với chính mình
Bước 1 - Giáo viên nói: “Nói chuyện với chính mình” là thừa nhận về tiến trình diễn ra trong mỗi cá nhân. Mỗi người chúng ta thường nói với chính mình bằng một giọng nói thầm lặng. Việc này gọi là tự trò chuyện với chính mình hay đối thoại nội tâm. Trong phần học về Hạnh phúc, điều này rất quan trọng vì tự nói với chính mình có thể có tác dụng tích cực hay tiêu cực, cổ vũ khích lệ hay làm nản lòng.
Bước 2 - Thảo luận: “Hôm nay, chúng ta hãy cùng nghĩ về những điều mà chúng ta thường nói với chính mình”. Hỏi:
- Em thường nói gì khi em phạm phải một sai lầm?
- Em dùng giọng nói như thế nào khi em nói điều đó với chính mình?
- Em nói gì với chính mình khi em sợ là em sẽ bắt trượt bóng trong trò ném bóng hoặc khi em làm sai bài kiểm tra?
- Nếu em mắc một sai lầm, em có cảm thấy dễ chịu hơn không khi tự gọi mình là “Đồ ngu”, hoặc nếu như em nói: “Mình mắc một sai lầm cũng không sao, tất cả những gì mình cần phải làm là sửa chữa sai lầm đó”? Không cần thiết phải cảm thấy giận dữ hay buồn phiền – lỗi lầm đơn giản là những gì mà qua đó ta sẽ học được những điều bổ ích.
- Nếu em tức giận thì có giúp ích gì được cho em không?
- Điều gì xảy ra trong cảm xúc của em khi nói: “Mình sẽ không bao giờ có thể làm được điều đó”, hoặc là “Mình sẽ không bao giờ làm điều đó”?
- Những cảm xúc của em có khác đi không, khi em nói: “Mình cũng hơi sợ, nhưng mình sẽ cố gắng làm tốt nhất”?
Bước 3 - Giáo viên nói: “Các em hãy nhắc lại quy tắc ứng xử khi sai lầm cùng với thầy/cô, nào: Mình mắc một sai lầm cũng không sao, tất cả những điều mình cần phải làm là sửa chữa sai lầm đó.”
Bước 4 - Chia bảng thành 2 cột. Trên đầu một cột hãy vẽ một khuôn mặt buồn bã; ở đầu cột kia là một khuôn mặt tươi vui.
Bước 5 - Hãy yêu cầu học sinh cho bạn biết điều các em tự nói với chính mình làm các em cảm thấy buồn hay đau khổ; và những điều các em nói hay có thể nói với chính mình làm các em cảm thấy vui hay hạnh phúc.
Bước 6 - Giáo viên hỏi:
- Em có thể nói điều gì để mang lại cảm giác vui sướng hơn khi làm một bài tập?
- Khi đi bộ một mình?
- Em có nhận ra sự khác biệt nào trong giọng nói với chính mình khi em nói những điều làm cho em hạnh phúc?
- Khi em làm việc với những người khác một cách hợp tác?
- Khi em cố gắng tìm hiểu những điều làm mình thất vọng?
Bước 7 - Hoạt động cho học sinh từ 8 - 11 tuổi: Hãy viết một lời ghi nhớ cho bản thân để tự khuyên mình về việc cần phải nói với chính mình như thế nào?
Bước 8 - Hoạt động cho học sinh từ 12 - 14 tuổi: Hãy suy nghĩ về điểm suy ngẫm: Khi nào còn một tia hy vọng, khi đó còn có hạnh phúc. Hãy viết một lời ghi nhớ cho bản thân để tự khuyên mình về việc cần phải nói với chính mình như thế nào. Hãy cân nhắc những tình huống khi mà điều tốt nhất cần làm là động viên và nói với mình hãy bền chí. Khi giảng dạy một lĩnh vực khác, thầy cô có thể hỏi học sinh về đối thoại nội tâm của các em. Khéo léo dẫn dắt các em tiếp tục thảo luận về điều này một cách tự nhiên, bổ sung những câu nói với chính mình phù hợp với danh sách ở cột có “khuôn mặt tươi vui” trên bảng.
Bài học 12: Hòa nhập và cô lập
Bước 1 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Mọi người cảm thấy như thế nào khi bị bỏ quên?
- Em đã từng bị bỏ quên chưa?
- Lúc đó, em cảm thấy như thế nào?
- Em sẽ làm gì?
- Em có thể làm gì khi thấy người khác bị bỏ quên?
- Em có thể hòa nhập với người khác thay vì tự cô lập như thế nào?
- Em có vui khi nhìn thấy người khác thành công không? (Nếu không, hỏi tại sao. Sau đó hỏi xem các em có thể suy nghĩ một cách khác về tình huống đó không – Như thế các em có thể vui sướng hơn khi thấy một người khác thành công. Nâng cao ý thức của các em về lòng tự trọng. Hoặc nghĩ rằng: “Bạn ấy đã thành công nhờ những cố gắng của bạn ấy; mình cũng sẽ thành công nhờ những nỗ lực của mình”).
Bước 2 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau:
- Mong muốn những điều tốt đẹp cho mọi người sẽ mang lại hạnh phúc trong lòng ta.
- Hạnh phúc đến khi ta trao hạnh phúc, khi ta gieo rắc nỗi buồn ta sẽ nhận về nỗi buồn.
Bước 3 - Hoạt động: Chia nhóm để sáng tác 2 câu chuyện, một câu chuyện trong đó mọi người gây đau khổ, và một câu chuyện khác trong đó mọi người trao tặng nhau hạnh phúc.
Bước 4 - Khởi đầu bằng câu chuyện không hạnh phúc. Giáo viên gợi mở một tình huống mở đầu câu chuyện rồi đi vòng quanh lớp và yêu cầu mỗi học sinh bổ sung ý tưởng của các em về câu chuyện.
Bước 5 - Cả lớp cùng sáng tác câu chuyện thứ hai, vẫn dùng tình huống mở đầu như trên nhưng ở câu chuyện này mọi người mang hạnh phúc đến cho nhau.
Bài học 13: Phẩm chất
Ghi chú: Khi làm việc với tất cả nỗ lực của mình, ta cảm thấy hạnh phúc. Những tư tưởng tốt đẹp dẫn tới những lời nói tốt đẹp. Những lời nói tốt đẹp dẫn tới những hành động tốt đẹp.
Bước 1 - Yêu cầu mỗi học sinh chọn một việc mà các em cảm thấy tự hào về nó. Hoặc nghĩ về những việc mà các em làm tốt nhất.
Bước 2 - Thảo luận: Nói về tầm quan trọng của việc làm hết sức mình trong công việc và khi vui chơi.
Thảo luận thêm cho học sinh từ 12 – 14 tuổi: yêu cầu các em thảo luận nội dung trên và có liên quan tới điểm suy ngẫm sau: Khi ta hài lòng với chính mình, hạnh phúc tự nhiên đến.
Bước 3 - Hoạt động: Chia các em thành nhóm nhỏ.
Bước 4 - Đề nghị mỗi em đi vòng quanh lớp, vừa đi vừa nói một điều mà em đó đánh giá cao ở mỗi bạn học của mình.
- Đóng góp của Linda Heppenstall
Bài học 14: Cây trao tặng
Hoạt động cho học sinh từ 8-10 tuổi: Hãy làm một Cây trao tặng. Hướng dẫn mỗi học sinh làm 3 tấm giấy chứng nhận để treo trên cây, chẳng hạn như: Có thể trao một lời khen, Chứng nhận dành 5 phút kèm môn toán, Chứng nhận đẩy xích đu trong 3 phút, Có thể Chơi một ván bóng, Có thể Lắng nghe bạn đọc bài thơ của mình ba lần, Có thể trình diễn điệu nhảy mới nhất... Mỗi học sinh có thể viết ra 3 giấy chứng nhận về những việc mà các em muốn trao tặng. Các tờ chứng nhận này được ghim vào một cái cây bằng giấy và dán lên Bảng thông báo. Tên của người trao tặng hoạt động được ghi ở phía sau tờ chứng nhận. Trong ba ngày liên tục – khi mà các em kết thúc công việc của mình – các em có thể âm thầm lựa chọn một tờ chứng nhận. Các em cũng có thể làm một cái Cây trao tặng ở nhà mình: Có thể ôm một cái,...
Hoạt động cho học sinh từ 11-14 tuổi: yêu cầu các em làm một cái Cây trao tặng. Các em có thể làm một cái cây nhỏ cho các em gái hoặc em trai của mình, hay một cây cho cả nhà. Nếu vậy, các em có thể đề nghị những thành viên khác trong gia đình cùng tham gia. Hay một nhóm học sinh có thể quyết định làm một Cây trao tặng cho một lớp dưới. Hoặc cả lớp có thể quyết định đóng góp cho một dự án đặc biệt nào đó ở địa phương.
Bài học 15: Thêm những bí mật về hạnh phúc
Bước 1 - Thảo luận: Chia sẻ suy nghĩ về câu nói sau: Hạnh phúc bắt đầu từ chính ta. Hỏi: Câu này có nghĩa là gì?
Bước 2 - Đọc lại câu chuyện về những chú kỳ lân một lần nữa (ở Bài 3), nhưng thêm vào một dòng ở đoạn cuối câu chuyện. Sau khi người bạn nhỏ thì thầm về bí mật của hạnh phúc, thêm vào dòng sau đây: “Sau đó, em chia sẻ với bạn bè của mình về bí mật của hạnh phúc mà em cho là quan trọng nhất”.
Bước 3 - Yêu cầu học sinh vẽ minh họa hoặc viết về những bí mật của hạnh phúc của mình. Một điều mà các em nhận được và một điều các em đem chia sẻ với người khác.
Bài học 16: Đóng vai hạnh phúc
Bước 1 - Tổ chức hoạt động nhảy múa hoặc vẽ tranh về chủ đề hạnh phúc. Chia học sinh thành hai nhóm: Những em muốn tạo dựng hạnh phúc thông qua các điệu nhảy, và những em muốn thể hiện hạnh phúc qua tranh vẽ.
Bước 2 - Hoạt động tùy chọn: dựng một vở kịch ngắn về hạnh phúc hay chơi các trò chơi.
Bước 3 - Kết thúc bài học bằng một bài hát về hạnh phúc.