NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ KHOAN DUNG
-Hòa bình là mục đích, khoan dung là phương pháp.
- Khoan dung là cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận vẻ đẹp của sự khác biệt.
- Khoan dung là tôn trọng lẫn nhau thông qua hiểu biết, thông cảm lẫn nhau.
- Nguồn gốc của sự thiếu khoan dung là sợ hãi và ngu dốt.
- Hạt giống của lòng khoan dung, tình yêu, được vun tưới bằng tình thương yêu và sự quan tâm chăm sóc.
- Người có lòng khoan dung biết trân trọng điều tốt đẹp trong mọi con người và hoàn cảnh.
- Khoan dung là ý thức được tính đặc thù và sự đa dạng của con người trong khi loại bỏ những dấu hiệu chia rẽ và tháo gỡ mọi căng thẳng do thiếu hiểu biết gây ra (chỉ dành cho học sinh từ 12 đến 14 tuổi).
- Khoan dung, chịu đựng là khả năng đương đầu với mọi hoàn cảnh khó khăn.
- Biết chịu đựng những phiền phức, bất tiện trong đời sống là biết cho qua những rắc rối, ung dung trước mọi hoàn cảnh, làm cho người khác thấy thoải mái và tiếp tục tiến về phía trước.
Mục đích: Gia tăng lòng khoan dung qua sự thông hiểu người khác.
Các chủ điểm:
- Hiểu rằng mỗi người trong chúng ta đều khác biệt và thực hiện bài tập “Bước đi trên đôi giầy của bạn” với các bạn học sinh khác.
- Thảo luận về những cảm xúc xuất hiện khi thấy một người bị phân biệt đối xử.
- Phỏng vấn và lắng nghe người khác.
Mục đích: Gia tăng sự hiểu biết và trân trọng những nền văn hóa khác nhau.
Các chủ điểm:
- Giúp các em hiểu rằng mỗi nền văn hóa, mỗi chủng tộc đều có giá trị, giống như từng tia sáng của chiếc cầu vồng.
- Hướng dẫn các em tham gia thảo luận về những điểm suy ngẫm về khoan dung và có thể tự trình bày được ít nhất hai điểm trong số đó.
- Hướng dẫn các em tìm hiểu ít nhất hai nền văn hóa khác với nền văn hóa Việt Nam thông qua việc lắng nghe các câu chuyện, học các bài hát, và tham gia vào một số hình thức biểu diễn nghệ thuật của nền văn hóa đó.
Mục đích: Phát triển những kỹ năng hiểu biết về xã hội để gia tăng sự gắn kết xã hội.
Các chủ điểm:
- Giúp các em hiểu được nguyên nhân của sự thiếu khoan dung là do sợ hãi và thiếu hiểu biết.
- Viết và thảo luận về những lời khuyên của các em về việc mỗi người cần đối xử với những người khác như thế nào?
- Giúp các em nhận thức rõ hơn về những hành động khoan dung và thiếu khoan dung bằng cách thu thập thông tin, những câu chuyện mới nhất; làm một bức tranh cắt dán về những hành động khoan dung và xác định trên một bản đồ những hành động thiếu khoan dung.
- Nhận thức rõ hơn về thái độ thiếu khoan dung, nếu thái độ này xuất hiện trên sân trường và tìm giải pháp tích cực để giải quyết các bất hòa.
- Khuyến khích các em nghĩ ra ít nhất một “phản ứng quả quyết nhưng nhân từ” đối với một câu nói mang tính phân biệt đối xử trong lớp học.
- Giúp các em biết thêm một ý nghĩa khác nữa của từ “khoan dung”: khoan dung còn có nghĩa là chịu đựng khó khăn vất vả, và thảo luận cách “tự nói chuyện với bản thân” sao cho có ích.
CÁC BÀI HỌC VỀ KHOAN DUNG
Tiếp tục mở một bài hát mỗi ngày. Hãy cho các em hát hay lắng nghe một bài hát nói về mọi dân tộc trên thế giới giống như một gia đình. Ví dụ như bài “Một gia đình” (one family) của red grammer nói về gia đình thế giới của nhân loại giống như “anh chị em, một chiếc áo có nhiều màu sắc”.
Tùy vào điều kiện thời gian của lớp bạn, hàng ngày hoặc có thể sau vài ngày lại thực hành một bài thư giãn/tập trung. Học sinh có thể thích tập bài thực hành thư giãn do chính các em nghĩ ra.
Bài học 1: Thiếu khoan dung
Bước 1 - Giáo viên giải thích: “Trong vài tuần tới (hoặc tùy theo khoảng thời gian bạn chọn) chúng ta sẽ học về lòng khoan dung. Theo từ điển, khoan dung được định nghĩa là ‘một thái độ công bằng và vô tư đối với những người có ý kiến, hoạt động, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia, hoặc sở thích khác biệt với mình; không cố chấp hẹp hòi’”. (từ điển random House College)
Bước 2 - Giáo viên nói: “Các em còn nhớ Chiếc bánh Hòa bình Thế giới mà các em đã làm khi chúng ta học về Hòa bình không? Nhiều chiếc bánh có nguyên liệu là hòa bình, tôn trọng và tình yêu. Lòng khoan dung thật sự cũng dựa trên những nguyên liệu này”.
Bước 3 - Giáo viên cho thảo luận những điểm suy ngẫm sau:
- Khoan dung là tôn trọng lẫn nhau thông qua sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau.
- Khoan dung được coi là yếu tố trọng yếu cho hòa bình thế giới. Hòa bình là mục đích, khoan dung là phương pháp.
Thầy cô có thể chia sẻ một phần hoặc toàn bộ thông tin dưới đây, tùy theo lứa tuổi của học sinh:
Năm 1995 được Liên Hiệp Quốc xác định là Năm của Lòng khoan dung dựa trên cơ sở lòng khoan dung là “một yếu tố trọng yếu cho hòa bình thế giới”. Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã ra quyết định... “Sự trỗi dậy của những cuộc xung đột dân tộc; sự phân biệt đối xử đối với những nhóm dân tộc thiểu số; những hành động bài ngoại, đặc biệt là chống lại người tỵ nạn, những công nhân nhập cư, các tổ chức và hệ tư tưởng phân biệt người nhập cư; những hành động bạo lực chủng tộc thường xuyên gây ra những cảnh tang thương tại nhiều nơi trên khắp thế giới... Thiếu khoan dung biểu lộ thông qua sự phân biệt, kỳ thị trong xã hội đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, hoặc các hành vi bạo lực hay phân biệt đối xử đối với họ... Thiếu khoan dung chính là chối bỏ sự khác biệt giữa các cá nhân và các nền văn hóa. Khi thiếu khoan dung trở thành một hành động tập thể hoặc có tổ chức, nó sẽ làm xói mòn những nguyên tắc dân chủ và tạo ra mối đe dọa cho hòa bình trên toàn thế giới... Điều hết sức cần thiết là chúng ta hãy luôn nhắc nhở mình rằng những giá trị nhân loại cơ bản liên kết chúng ta mạnh mẽ hơn những lực lượng chia rẽ chúng ta”.
Bước 4 - Câu chuyện cho học sinh từ 8 – 11 tuổi: “Thầy/cô sẽ đọc cho các em nghe một câu chuyện tưởng tượng về những người không có lòng khoan dung”. Đọc truyện “Những chú lùn và những chàng cao kều” ở phần Phụ lục 9.
Bước 5 - Nội dung cho học sinh từ 12-14 tuổi: Chọn một trong những câu chuyện mà bạn thích, hay một câu chuyện, một tác phẩm trong chương trình giảng dạy về sự thiếu khoan dung. Bạn có thể chọn tác phẩm của một nhà văn Việt Nam. Nếu quyết định đọc truyện “Những chú lùn và những chàng cao kều” (ở Phụ lục 9), yêu cầu các em xác định những nguyên nhân gây ra cãi cọ và phân biệt đối xử. Hỏi các em xem nội dung câu chuyện có tương tự với một tình huống thực tế mà cả lớp đang nghiên cứu không?
Bước 6 - thảo luận về câu chuyện hoặc về một tác phẩm văn học có liên quan tới những điểm suy ngẫm sau:
- Khoan dung là tôn trọng lẫn nhau thông qua hiểu biết, thông cảm lẫn nhau.
- Nguồn gốc của sự thiếu khoan dung là sợ hãi và ngu dốt.
Bước 7 - giáo viên hỏi: “Nếu mỗi người đều có lòng khoan dung thì thế giới sẽ trở nên như thế nào?”.
Chấp nhận tất cả những câu trả lời của học sinh.
Bước 8 - kết thúc bài học bằng một bài hát.
Bài học 2: Các câu chuyện có thực
Bước 1 - Hãy đọc cho học sinh nghe, hoặc các em có thể tự đọc một câu chuyện về những người có thật đã từng phải chịu đựng sự thiếu khoan dung. Đối với các em nhỏ tuổi, một trong những câu chuyện đó có thể là: “Molly’s Pilgrim” (Cuộc hành trình của molly) của tác giả Barbara Cohen. Đối với những học sinh lớn hơn (13-14 tuổi) có thể đọc một số đoạn trong tác phẩm “Bước đến tự do” của Nelson mandela hoặc tác phẩm khác bằng tiếng Việt trong chương trình giảng dạy của trường về lòng khoan dung.
Bước 2 - Hoạt động: trò chuyện với học sinh về những cảm xúc của các em khi đọc các câu chuyện.
Bước 3 - Yêu cầu các em viết một đoạn văn về lòng khoan dung và vẽ minh họa ý nghĩ của mình, hay viết một bài tiểu luận ngắn.
Bước 4 - Hãy kết thúc bài học bằng một bài hát về lòng khoan dung.
Bài học 3: Đi bằng đôi giầy của mình
Bước 1 - Hoạt động: yêu cầu các thành viên trong lớp chia cặp với một bạn mà mình không thường chơi hay cùng làm bài, và quyết định người nào sẽ là a và B. Đây là một bài tập im lặng khám phá xem giả vờ làm người khác sẽ như thế nào.
Bước 2 - giải thích rằng a sắp ra ngoài đi tản bộ trong 10 phút (a theo dõi thời gian). B đi theo a và bắt chước tất cả những gì a làm: từ độ sải của bước chân, tốc độ và nhịp chân bước, cách a đặt bàn chân lên đất, cách nắm tay và vung vẩy cánh tay. B cũng sẽ nhìn và lắng nghe bất cứ thứ gì mà a nhìn ngắm và lắng nghe. Nói một cách khác, B sẽ dành 10 phút để tìm xem bắt chước giống như a thì B sẽ phải hành động như thế nào.
Bước 3 - Các em có thể ngưng lại và trao đổi ý kiến. B có thể nói cho a biết những điều B phát hiện được – điều gì đã thay đổi khi B giả vờ là a.
Bước 4 - Các em đổi vai cho nhau và lặp lại hoạt động trên.
Bước 5 - Cho các em về chỗ, giáo viên hỏi các em về những điều đã phát hiện được và viết chúng lên bảng.
- Đóng góp của Diana Beaver
Các bài học 4 đến 9: Cầu vồng
Bước 1 - Nội dung: Hãy so sánh sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa và các cá nhân với một chiếc cầu vồng. Cầu vồng sẽ không đẹp như vậy nếu nó mất đi một hay hai màu sắc. Trên thực tế, nó sẽ không phải là cầu vồng nếu chỉ có một màu. Gia đình nhân loại cũng giống như một chiếc cầu vồng, mang vẻ đẹp diệu kỳ của nhiều cung bậc màu sắc. Mỗi nền văn hóa và truyền thống đều có một đóng góp quan trọng vào vẻ đẹp chung của thế giới.
Ghi chú: trong mỗi tiết học hãy thảo luận một trong những điểm suy ngẫm sau trước khi tiến hành các hoạt động.
Bước 2 - Giáo viên cho học sinh thảo luận một trong những điểm suy ngẫm sau.
- Hòa bình là mục đích, khoan dung là phương pháp.
- Khoan dung là cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận vẻ đẹp của sự khác biệt.
- Hạt giống của lòng khoan dung, tình yêu, được vun tưới bằng tình thương yêu và sự quan tâm chăm sóc.
- Người có lòng khoan dung biết trân trọng điều tốt đẹp trong mọi con người và hoàn cảnh.
- Khoan dung là ý thức được tính đặc thù và sự đa dạng của con người trong khi loại bỏ đi những dấu hiệu chia rẽ và tháo gỡ mọi mâu thuẫn do thiếu hiểu biết gây ra (chỉ dành cho học sinh từ 12 đến 14 tuổi).
Bước 3 - Hoạt động: yêu cầu các em làm một chiếc cầu vồng. Các em có thể làm một chiếc cầu vồng to bằng giấy để dán lên tường, hoặc làm nhiều chiếc nhỏ.
Bước 4 - Hoạt động: kể những câu chuyện bổ ích về những nền văn hóa khác nhau của các dân tộc trên đất nước Việt Nam, chọn ra những câu chuyện hư cấu hay có thật phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Sau đó thảo luận về những câu chuyện này. Hãy đặt nền văn hóa trong mỗi câu chuyện mà các em đọc vào một tia sáng của chiếc cầu vồng.
Bước 5 - giáo viên hỏi cả lớp:
- Những giá trị nào là quan trọng đối với nền văn hóa này?
- Họ đã thể hiện những giá trị đó như thế nào?
Bước 6 - Hoạt động: yêu cầu các em sáng tác một bài thơ hay một bài hát về đại gia đình thế giới giống như một chiếc cầu vồng.
Bước 7 - Hoạt động: Làm những con búp bê trong bộ trang phục truyền thống của các nền văn hóa mà các em đang học. Đặt chúng xung quanh chiếc cầu vồng. Những học sinh lớn hơn có thể làm những biểu tượng của nền văn hóa đó, miêu tả những đặc tính liên quan hoặc viết ra những sự kiện lớn trong lịch sử của nền văn hóa đó.
Bước 8 - Hoạt động: trong tuần mời một vị khách thuộc một nền văn hóa khác đến và nói chuyện với cả lớp. Người đó có thể mang theo một món ăn dân tộc, hay biểu diễn một bài hát, một bài thơ, hoặc một hình thức nghệ thuật của nền văn hóa đất nước họ. Mời một hoặc hai vị khách dạy các em điệu múa của dân tộc họ.
Bước 9 - Bài tập về nhà: trong quá trình học các bài này, cho các em theo dõi tin tức thời sự và tìm những hình ảnh, bài báo làm ví dụ cho lòng khoan dung và sự thiếu khoan dung.
Bài học 10: Bức tranh cắt dán về lòng khoan dung
Bản đồ về sự thiếu khoan dung
Bước 1 - Hoạt động: yêu cầu các em tiếp tục theo dõi tin tức thời sự và tìm những hình ảnh, bài báo làm ví dụ về lòng khoan dung và sự thiếu khoan dung. Đề nghị các em quan sát những tình huống về khoan dung và thiếu khoan dung ở xung quanh. Trong khi các em báo cáo kết quả tìm được, có thể sẽ phát sinh một số nội dung cần được thảo luận. Đây là cơ hội để cả lớp tìm ra những cách thức giải quyết tình huống nhằm tăng cường sự hòa thuận.
Bước 2 - Các em có thể làm một bức tranh cắt dán về lòng khoan dung và một tấm bản đồ về sự thiếu khoan dung trong khi tiếp tục bổ sung, cập nhật thông tin. Các em có thể đính thêm các tranh vẽ, bài thơ, và hình ảnh vào bức tranh cắt dán trên tường trong suốt tuần lễ cả lớp học về lòng khoan dung.
Bước 3 - Đặt những đinh ghim hay những dấu chấm trên bản đồ để đưa ra những ví dụ về sự thiếu khoan dung.
- Đóng góp của Pilar Quera Colomina và Sabine Levy
Lưu ý với giáo viên khi giảng dạy về phương pháp giải quyết xung đột thầy cô có trách nhiệm tạo ra bầu không khí khoan dung, độ lượng để học sinh có thể phát triển. Cần để ý tới mọi hình thức bài xích, cô lập, ích kỷ và nhỏ mọn che giấu sự sợ hãi và thiếu hiểu biết. Hãy xây dựng tinh thần khoan dung thông qua đối thoại và thông cảm.
Hãy giúp học sinh đặt dấu chấm hết đối với tính thiếu khoan dung bằng cách khuyến khích các em đánh giá cao vẻ đẹp và sự phong phú của tính đa dạng. Nhấn mạnh rằng lắng nghe người khác là bước đầu tiên hướng tới lòng khoan dung. Hãy giúp học sinh biết cách lắng nghe, trở nên khoan dung, ham học hỏi, và có mong muốn đạt đến giải pháp tích cực và đúng đắn. Tiếp tục củng cố lòng tự trọng trong khi giúp các em thông cảm với người khác.
Khi những xung đột xuất hiện có dấu hiệu của sự thiếu khoan dung, hãy thảo luận về chúng.
- Những việc nhỏ nào cho thấy có thành kiến hay thiếu khoan dung? (Bạn không được chơi. Đó là bóng của tôi. Bạn ấy không đủ tốt để ...v.v.).
- Chúng ta có thể làm gì để thay đổi điều đó?
Nêu rõ rằng lòng khoan dung là khả năng đương đầu với những tình huống khó khăn và đưa ra những giải pháp sáng tạo.
- Đóng góp của Pilar Quera Colomina và Sabine Levy
Bài học 11: Phân biệt đối xử
Bước 1 - Hoạt động nhận thức - Chia sẻ: Hỏi học sinh về biểu hiện của sự thiếu khoan dung mà các em nhận thấy tại trường hay trong xã hội. Hỏi xem liệu các em có thể nghĩ ra một ví dụ về sự thiếu khoan dung không. Nếu các em không thể đưa ra, hãy đề cập tới một trường hợp mà các em có thể nhận thức được, phù hợp với lứa tuổi của các em.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Có một số người thiếu khoan dung hơn những người khác phải không?
- Có một số người bị phân biệt đối xử phải không? Sự phân biệt đó dựa trên cơ sở nào?
- Các em đã bao giờ bị phân biệt đối xử chưa?
- Sự phân biệt đối xử đó khiến em có cảm giác như thế nào?
- Em muốn mọi người phải có thái độ đối xử với nhau như thế nào?
- Có phải một người nổi tiếng dễ dàng nhận được sự đối xử khoan dung của mọi người hay không?
- Chúng ta có thể nói điều gì với chính mình để chúng ta có thể khoan dung với người khác nhiều hơn?
Bước 3 - Hoạt động cho học sinh từ 8 – 9 tuổi: Hãy viết một đoạn văn miêu tả cảm xúc của mọi người khi họ bị phân biệt đối xử và vẽ một bức tranh minh họa. Sau đó viết 2 lời khuyên mọi người cần phải cư xử ra sao.
Bước 4 - Hoạt động cho học sinh từ 10 – 14 tuổi: Hãy viết một bài tiểu luận về cảm xúc bị phân biệt đối xử hay bị đối đãi không công bằng. yêu cầu từng học sinh suy nghĩ về việc sẽ khuyên mọi người cư xử với nhau ra sao. Thầy cô có thể hướng dẫn các em đặt trọng tâm vào lời khuyên của mình, chẳng hạn nếu các em đang nghiên cứu về cơ cấu tổ chức của chính phủ thì các em sẽ có những ý kiến đóng góp gì cho các nhà lãnh đạo đất nước? Hoặc các em có thể đưa ra những lời khuyên nào dành cho những bạn học sinh khác trên thế giới, cha mẹ, thầy cô giáo hay người lớn nói chung?
Bước 5 - Học sinh có thể đọc những lời khuyên của mình theo từng nhóm nhỏ và mỗi nhóm có thể làm một khẩu hiệu. Hãy viết hoặc cắt dán các câu khẩu hiệu lên giấy khổ to hoặc những mảnh giấy dài và treo chúng lên tường.
Bài học 12: Bước đi bằng đôi giày của bạn
Bước 1 - trong giờ học các môn lịch sử, tìm hiểu xã hội, hay văn học, hãy yêu cầu học sinh chọn một nhân vật.
Bước 2 - để phát triển sự thấu hiểu, yêu cầu các em viết một mẩu truyện ngắn giả sử các em chính là nhân vật đó, giải thích những niềm tin và những nguyên nhân nằm sau các hành động của nhân vật đó.
Bước 3 - Cho các em chia sẻ mẩu truyện trước lớp hoặc trong nhóm nhỏ.
Bước 4 - Các em có thể dán lên tường xung quanh lớp học hoặc thu thập lại thành một cuốn sách nhỏ để tất cả cùng đọc.
Bước 5 - Kết bạn qua thư
Có những người bạn qua thư từ là một phương pháp tuyệt vời để các em thật sự hiểu rằng những người khác trên thế giới cũng có nhiều điểm giống như các em.
Bài học 13: Sự thấu hiểu
Hoạt động:
Bước 1 - Hình thành từng cặp hai học sinh, mỗi em với một bạn mà các em ít khi làm việc cùng.
Bước 2 - đề nghị các em phân vai: Người phỏng vấn (a) và người được phỏng vấn (B).
Bước 3 - A sẽ hỏi những câu hỏi về bạn B, bao gồm: tên, nơi ở, sở thích, ước mơ, mục đích sống...
Câu hỏi:
- Tên bạn là gì?
- Bạn sống ở đâu?
- Giá trị nào quan trọng đối với bạn?
- Ước mơ của bạn là gì?...
Bước 4 - Hai em đổi vai cho nhau. B hỏi lại a những câu như trên.
Ghi chú: Giáo viên yêu cầu các em chú tâm lắng nghe để nhớ nội dung, thái độ, cảm xúc và cử chỉ của bạn khi bạn trả lời mình.
Bước 5 - Giáo viên yêu cầu hai em giả vờ làm người kia. Em a giả vờ làm em B. Có thể cho các em vài phút để nhớ lại giọng nói, ý muốn, thái độ, cử chỉ của bạn...
Bước 6 - A và B hợp lại với một nhóm a và B khác. Mỗi nhóm có 4 em.
Bước 7 - Các em “giả vờ” ấy lần lượt tự giới thiệu cho nhóm về mình. Giờ em a đã trở thành em B và kể cho nhóm 4 người về mình. Em a sẽ nói: “mình tên là B. Mình ở... Giá trị quan trọng đối với mình là... ước mơ của mình là...”. Em phải diễn đạt đúng giọng điệu, âm lượng, cử chỉ... của bạn mà em đã quan sát được trong khi phỏng vấn ở phần trước.
Bước 8 - Các em ngồi im trong nhóm hoặc quay trở về chỗ ngồi của mình. Cho các em chia sẻ về việc khi đóng giả làm bạn như vậy, các em rút ra được bài học gì.
Bài học 14: Xóa bỏ định kiến
Bước 1 - Thảo luận: Hỏi học sinh xem các em đã bao giờ nghe nói về những định kiến hẹp hòi xảy ra trong quá khứ không? Nếu câu trả lời là “có”, hỏi xem các em có muốn suy nghĩ về những cách để làm thay đổi điều đó trong tương lai không?
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
- Các em đã từng nghe mọi người phát biểu những định kiến hẹp hòi ở trường học không? (Liệt kê nhanh những điều này trên bảng).
- Việc gì thường xảy ra khi những điều không hay như thế được nói ra?
Bước 3 - Tóm tắt: giáo viên nói: “Như vậy khi một người nào đó nói những điều ác ý, tình cảm của chúng ta bị tổn thương, và mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn. Khi một người gây gổ thì đôi khi người kia thường có những hành động trả đũa để công kích lại”.
Nếu các em đề cập tới giải pháp bên bị lăng mạ bỏ đi và không thèm nói lời nào, giáo viên hãy nói:
“Khi một người gây gổ, đôi khi người bị xúc phạm chọn cách bỏ đi. Nhưng cách phản ứng như thế là tiêu cực”.
Bước 4 - Giáo viên hỏi:
- Nhưng trong lòng người này cảm thấy như thế nào? (Chấp nhận tất cả những câu trả lời).
Giải thích:
Giáo viên nói: “Khi một người đưa ra những nhận định hẹp hòi hay ác ý, thường có ba cách đáp lại. Các em đã mô tả phản ứng thù nghịch và phản ứng tiêu cực. Có một cách khác nữa để đáp lại là phản ứng quả quyết.
Các em đã từng được học về phản ứng quả quyết. Khi có ai đó làm một điều gì ác ý, hẹp hòi và các em phản ứng bằng câu nói: “Mình không muốn bạn làm điều đó. Mình muốn bạn dừng lại”. Đó là một cách trả lời quả quyết. Các em thể hiện rõ chính kiến của mình khi giải quyết xung đột, cũng như thể hiện sự tôn trọng khi nói chuyện với người đã xúc phạm em: ‘Mình không thích khi bạn làm điều đó... và mình muốn bạn...’. Các em cũng cần thể hiện sự quả quyết khi dùng phương pháp chúng ta đã thực hành trong bài học về lòng tôn trọng: “Mình cảm thấy... Khi bạn làm điều đó, bởi vì...”.
Bước 6 - Giáo viên hỏi:
- Có em nào có thể lấy một ví dụ chúng ta đã có và thử nghĩ ra cách để thực hành mẫu câu “Mình cảm thấy...” không?
Bước 7 - Cho các em thời gian để làm bài tập trên. Tích cực ghi nhận những cố gắng của các em và giúp đỡ khi cần thiết.
Bước 8 - giáo viên nói: “Chúng ta thường chỉ muốn chia sẻ cảm xúc của mình với bạn bè, hay những người mà chúng ta biết rõ. Vì vậy đôi khi các em cảm thấy không thoải mái khi phải dùng câu: “Mình cảm thấy....” và sẽ không muốn dùng tới nó. Tuy nhiên, đôi lúc phải chịu đựng những nhận định hẹp hòi, ác ý từ người khác, chúng ta cũng muốn trả miếng lại”.
Bước 9 - giáo viên hỏi:
- Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nói một điều gì đó công kích lại? (Chấp nhận tất cả những ý kiến phản hồi của các em: mọi người thậm chí trở nên giận dữ hơn, thù nghịch hơn, hiếu chiến hơn, và bắt đầu trả đũa).
- Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta phản ứng tiêu cực? (một số học sinh có thể nói: khi đó mọi người sẽ không tôn trọng em và đối xử với em tồi tệ hơn, em thấy dường như mình không có lòng dũng cảm).
Bước 10 - Giáo viên nói: “Thầy/cô muốn các em đội chiếc mũ tư duy lên và suy nghĩ về những cách phản ứng quả quyết đáp lại những nhận xét hẹp hòi định kiến mà chúng ta đã liệt kê trên bảng. Nhưng thầy/cô muốn các em không chỉ nghĩ về những điều không gây thù nghịch và những điều không tiêu cực, thầy/cô còn muốn các em suy nghĩ về cách phản ứng cương quyết mà vẫn bao dung”.
Sau đó yêu cầu học sinh nghĩ ra những câu nhận xét đáp trả – có cái nhìn khoan dung hơn, cương quyết nhưng nhân từ – không công kích, gây gổ, cũng không yếu đuối. Ví dụ như: “Thế giới sẽ trở nên rất buồn chán nếu như tất cả chúng ta đều giống hệt nhau” hoặc “Bạn sẽ làm được gì nếu ở vào vị trí của bạn ấy?”.
Bước 11 - Đề nghị một cặp học sinh tình nguyện lên trình bày những cách trả lời. Khuyến khích các em thể hiện lòng tự trọng trong khi lặp lại các câu nhận xét trên. Hướng dẫn các em vỗ tay động viên bạn. Đề nghị các em liệt kê một danh sách những cách đáp trả mang tính tích cực hay nhất.
Bước 12 - Diễn tập một vài tình huống cần sử dụng những câu đáp trả đã đưa ra.
Bước 13 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Hạt giống của lòng khoan dung, tình yêu, được vun tưới bởi tình thương yêu và sự quan tâm chăm sóc.
Bài học 15: Chiếc chìa khóa
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Người có lòng khoan dung biết trân trọng điều tốt đẹp trong mọi con người và mọi hoàn cảnh.
Bước 2 - Hoạt động tiếp theo: Suy nghĩ và thực hành những cách đáp trả mang tính tích cực trong 10 phút, thực hành kỹ năng đã học trong bài trước. Thầy cô và học sinh có thể nhắc lại những lời bình luận mà mình đã nghe được trong sân trường. Các em học sinh khác đưa ra những câu trả lời quả quyết và đầy tự trọng. Thực hành hoạt động này đến khi học sinh cảm thấy có thể sử dụng các mẫu câu thành thạo.
Bước 3 - Diễn tập một vài tình huống và khen ngợi các em đã làm tốt vai trò.
Bước 4 - Mỗi học sinh lập một danh sách những hành động đem lại lòng khoan dung (các em bé hơn có thể đưa ra bốn hành động, những học sinh lớn hơn đưa ra tám).
Bước 5 - Chia học sinh thành những nhóm nhỏ từ 3 đến 4 người. Các em cùng chia sẻ bảng danh sách của mình.
Bước 6 - Các em thảo luận, chọn lựa và thống nhất được điều gì là quan trọng nhất trong danh sách để tạo được lòng khoan dung.
Bài học 16: Chịu đựng những khó khăn
Bước 1 - Giải thích: một định nghĩa khác về từ “khoan dung” là: “khả năng chịu đựng, ví dụ: khả năng chịu đựng tiếng ồn của tôi rất hạn chế”. (từ điển random House College).
Bước 2 - Điểm suy ngẫm về ý nghĩa khoan dung này là:
- Khoan dung, chịu đựng là khả năng đương đầu với mọi hoàn cảnh khó khăn.
- Biết chịu đựng mọi phiền phức, bất tiện trong cuộc sống là biết bỏ qua những rắc rối, ung dung trước mọi hoàn cảnh, làm cho người khác cũng thấy nhẹ nhàng, và tiếp tục tiến về phía trước.
Trong ý nghĩa này, lòng khoan dung, chịu đựng có nghĩa là đối mặt với những tình huống khó khăn bằng cách nhìn chúng theo một cách nhìn khác: như những gò đất, chứ không phải như những quả núi. áp dụng cách nhìn đó tất nhiên còn phải tùy thuộc vào bản chất của tình huống. diễn tả với các em rằng đôi khi một vấn đề xuất hiện như một thách thức ghê gớm – “một quả núi” – nhưng biết đâu khi nhìn lại – chỉ là “một gò đất”. Điều quan trọng là cần xem xét tình huống đó trong tổng thể mọi mặt.
Bước 3 - Thảo luận: yêu cầu học sinh chia sẻ về “tự nói chuyện với bản thân” hoặc những phương pháp có thể giúp các em đối mặt hoặc tiếp nhận những khó khăn. Khuyến khích và củng cố những chia sẻ của các em.
Bước 4 - Hoạt động: Chọn tiểu sử của một người đã có hành động thể hiện lòng khoan dung đặc biệt trong cuộc đời của họ. Đọc to những đoạn mô tả giá trị của lòng khoan dung. Hoặc các em có thể viết một mẩu truyện ngắn hoặc một tiểu luận về một tình huống nào đó mà các em đã tỏ ra khoan dung với người khác.
Bài học 17: Cuộc di cư tưởng tượng
Hoạt động: yêu cầu học sinh sáng tác một câu chuyện về việc di cư tưởng tượng đến một đất nước nào đó. yêu cầu các em nói về mong muốn mình sẽ được đối xử như thế nào, và các em mong muốn bố mẹ mình sẽ được đối xử ra sao trên đất nước đó. Những học sinh nhỏ hơn có thể minh họa câu chuyện của các em bằng tranh vẽ. Những học sinh lớn hơn có thể làm những hình ảnh tượng trưng cho lòng khoan dung và đính chúng vào bức tranh cắt dán.
- Đóng góp của Marcia Maria Lins de Medeiros
Bài học 18: Lễ hội văn hóa
Bước 1 - Lập kế hoạch tổ chức một lễ hội của các nền văn hóa khác nhau bằng những bài hát, điệu múa, và món ăn của các nền văn hóa đó.
Bước 2 - Yêu cầu các em đứng thành vòng tròn trong lớp, chia sẻ những điều các em đã phát hiện được và những đánh giá của các em về một nền văn hóa khác với nền văn hóa của Việt Nam.