Lời kêu gọi về các Giá trị
Lời kêu gọi tái thiết lập các giá trị hiện đang vang lên trên toàn thế giới. Các giáo viên, các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm đến việc ngày càng có nhiều trẻ em bị đe dọa trước những vấn nạn xã hội, tình trạng bạo lực và thái độ sống thiếu tôn trọng lẫn nhau. Các nhà giáo dục tiếp tục bị chất vấn về sự gia tăng của tình trạng này. Chương trình giáo dục các giá trị Sống được ra đời như một câu trả lời cho tiếng gọi khẩn thiết ấy.
Chương trình Giáo dục những Giá trị Sống (LVEP) là gì?
Chương trình Giáo dục những Giá trị Sống là một chương trình giáo dục về các giá trị. Chương trình này đưa ra một loạt các hoạt động mang tính trải nghiệm và các phương pháp thực hành dành cho giáo viên và người hướng dẫn nhằm giúp học sinh có điều kiện khám phá và phát triển 12 giá trị căn bản của cá nhân và xã hội như: Hợp tác, Tự do, Hạnh phúc, Trung thực, Khiêm tốn, Yêu thương, Hòa bình, Tôn trọng, Trách nhiệm, Giản dị, Khoan dung và Đoàn kết. LVEP cũng có những tài liệu đặc biệt dành cho các bậc cha mẹ, những người làm công tác chăm sóc, cũng như những người tị nạn và trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Đến tháng 8 năm 2008, LVEP đã được phổ biến trên 8.000 địa điểm thuộc 80 quốc gia khác nhau trên thế giới. Theo báo cáo của các nhà giáo dục, học sinh ở những nơi này đều tích cực tham gia các hoạt động, các em bị lôi cuốn vào những buổi thảo luận và thực hành các giá trị. Các giáo viên cũng ghi nhận rằng sau khi học về giá trị, học sinh có tâm thế thoải mái, tự tin hơn, biết tôn trọng người khác hơn, suy nghĩ tích cực hơn, kỹ năng ứng xử cũng được nâng cao hơn, và trở nên nhanh nhạy hơn trong công việc.
Mục đích của Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống:
- Cung cấp những nguyên tắc hướng dẫn và các kỹ năng để phát triển con người một cách toàn diện, trong đó mỗi cá nhân gồm tổng thể các mặt: thể chất, tinh thần, cảm xúc và vai trò xã hội.
- Giúp mỗi người suy ngẫm về 12 giá trị và tác động thực tế của việc thể hiện những giá trị này với chính mình, với người khác, với cộng đồng và rộng hơn nữa là với thế giới.
- Đào sâu hiểu biết, tạo động cơ và tinh thần trách nhiệm cho các em học sinh để có những lựa chọn mang tính cá nhân và xã hội theo hướng tích cực.
- Tạo cảm hứng cho học sinh trong việc lựa chọn những giá trị mang tính cá nhân, xã hội, đạo đức và tinh thần, cũng như ý thức thực hành các phương pháp được hướng dẫn nhằm phát triển và đào sâu hơn các giá trị này.
- Khuyến khích những người làm công tác giáo dục, để họ nhận thức được rằng giáo dục là một chương trình cung cấp cho học sinh những triết lý sống, giúp các em trưởng thành, phát triển năng lực của bản thân, đưa ra những chọn lựa đúng đắn và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Đặc thù của chương trình
LVEP là một tổ chức phi lợi nhuận, được UNESCO và được Ủy ban Quốc gia về UNICEF của tây Ban Nha, tổ chức Bko công nhận và ủng hộ với sự cố vấn của nhóm chuyên gia giáo dục UNICEF (New York).
Cuốn sách này bao gồm Những hoạt động giá trị dành cho trẻ từ 8 - 14 tuổi. Ngoài ra, bộ sách của Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống còn có các quyển sau:
- Những hoạt động giá trị dành cho trẻ từ 3 - 7 tuổi
- Những hoạt động giá trị cho tuổi trẻ
- Sách hướng dẫn đào tạo các giáo viên LVEP
- Sách hướng dẫn bổ trợ cho các nhóm phụ huynh: Hướng dẫn điều phối.
- Những hoạt động giá trị cho người tị nạn và trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
- Những hoạt động giá trị dành cho trung tâm cai nghiện ma túy.
Cuốn Những hoạt động giá trị dành cho trẻ từ 8 - 14 tuổi mang tính suy ngẫm và giàu tính hình tượng, nhằm khơi dậy tính sáng tạo và tiềm năng sẵn có ở mỗi học sinh. Các hoạt động giao tiếp giúp các em biết cách ứng xử với người khác sao cho ôn hòa; các hoạt động nghệ thuật như ca hát, nhảy múa giúp tinh thần các em thêm phấn chấn và hứng khởi; trò chơi kích thích tư duy tăng thêm phần sinh động, vui vẻ cho cuộc sống của học sinh. Thêm vào đó, những cuộc thảo luận nhóm sau mỗi hoạt động còn giúp học sinh khám phá mức độ ảnh hưởng của những kiểu thái độ và hành vi khác nhau. Ngoài ra, sách cũng cung cấp các hoạt động khác nhằm tăng cường nhận thức về trách nhiệm cá nhân và xã hội, về công bằng xã hội. Việc phát triển lòng tự trọng và đức khoan dung cũng được giới thiệu thông qua các bài tập trong tập sách này.
Hoàn cảnh ra đời
Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống được triển khai từ một dự án quốc tế bắt đầu từ năm 1995 do Trường Đại học BKO thực hiện để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc. Nhằm kêu gọi sự chia sẻ các giá trị cho một thế giới tốt đẹp hơn, dự án này tập trung vào 12 giá trị mang tính phổ quát. Chủ đề được lấy trong lời mở đầu của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, khẳng định lòng tin vào quyền cơ bản của con người, về phẩm cách và giá trị của mỗi cá nhân.
Sách hướng dẫn các giá trị Sống (Living Values: a guidebook) là một phần của dự án Chia sẻ các Giá trị vì một thế giới tốt đẹp hơn. Ngoài việc cung cấp những bài học về 12 giá trị cơ bản, đưa ra cách nhìn nhận cá nhân cho sự sáng tạo và duy trì những thay đổi tích cực, gợi mở những đề tài thảo luận và các hướng dẫn hoạt động nhóm, sách còn giới thiệu những phương pháp thực hành các giá trị để các bạn học sinh, sinh viên có thể áp dụng ngay trong lớp học. Chương trình dành cho lớp học mang tính phác họa nói trên đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực thúc đẩy cho Các Giá trị Sống: Một Sáng kiến Giáo dục (LVEI, Living Values: an Education Initiative) ra đời.
LVEI ra đời từ sự kiện 20 nhà giáo dục trên khắp thế giới tập hợp tại trụ sở của UNICEF ở thành phố New york vào tháng 8 năm 1996 để thảo luận về: nhu cầu của trẻ em, những trải nghiệm khi tiếp xúc với các giá trị. Hai tập sách Hướng dẫn các Giá trị Sống và Công ước về Quyền Trẻ em được các nhà giáo dục trên thế giới xem là nguồn tư liệu chính cho việc giảng dạy, trong đó mục tiêu của chương trình là giáo dục các giá trị ở cả những nước phát triển và những nước đang phát triển. Chương trình đã được đưa vào thử nghiệm kể từ tháng 2 năm 1997 và từ đó, Chương trình các Giá trị Sống đã và đang trên đà phát triển rộng khắp.
Giảng dạy các giá trị sống
Các hoạt động dựa trên nền tảng các giá trị cho trẻ em từ 8 đến 14 tuổi bao gồm nhiều cách khám phá các giá trị khác nhau. Các em được học các khái niệm mới, rèn luyện khả năng chia sẻ, suy nghĩ, sáng tạo kết hợp với các kỹ năng xã hội như vui chơi, trò chơi vận động, phát huy năng khiếu nghệ thuật và óc tưởng tượng. Các em phát huy được hết tiềm năng của mình qua những trải nghiệm thực tế. Điều quan trọng đối với người hướng dẫn là sự kiên nhẫn, tình yêu thương và khả năng phát hiện cá tính độc đáo của mỗi em.
Trẻ em thích bộc lộ những ý nghĩ, cảm nhận của mình khi được thấu hiểu, chia sẻ. Sự khiển trách, dọa nạt sẽ khiến các em thấy xấu hổ và giận dữ. dưới bầu không khí tôn trọng, kiên nhẫn và có những nguyên tắc rõ ràng, các em sẽ được tăng cường vốn từ, khả năng suy nghĩ hiệu quả, phát triển sự tự tin cũng như phát huy các kỹ năng xã hội khác.
Ba tiền đề cơ bản
Chương trình đào tạo LVEP được xây dựng dựa trên ba tiền đề cơ bản. Tiền đề đầu tiên xuất phát từ một nguyên lý trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đó là: “Xác nhận lại niềm tin vào những quyền cơ bản, về phẩm cách và giá trị của con người”: 1) Những giá trị toàn cầu đều hướng đến việc giáo dục về lòng tự trọng và phẩm cách của mỗi người và mọi người. Việc học những giá trị này sẽ làm tăng hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn thể xã hội. Tiền đề thứ hai: 2) mỗi học sinh cần biết quan tâm đến các giá trị sống, có khả năng sáng tạo tích cực cũng như học tập khi có cơ hội. Tiền đề thứ ba tạo cơ sở cho một chương trình đào tạo cán bộ giảng dạy: 3) Học sinh được phát triển toàn diện dựa trên nền tảng các giá trị cơ bản trong một môi trường học tập an toàn, tích cực, có sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, phát huy khả năng đưa ra những quyết định có ý thức xã hội.
Chương trình đào tạo LVEP
Môi trường giáo dục được xây dựng trên những giá trị cơ bản là yếu tố chính làm nên thành công của chương trình này. Chương trình LVEP lôi cuốn được sự quan tâm, yêu thích của các em học sinh cũng như của giáo viên giảng dạy. Nó mang lại lợi ích thiết thực cho cả thầy và trò. Trong suốt khóa học, các thầy cô giáo đứng lớp cũng sẽ học được cách khám phá các giá trị của bản thân mình. Họ được yêu cầu đóng góp ý kiến từ những trải nghiệm cá nhân để cùng xây dựng bầu không khí giáo dục dựa trên các giá trị nền tảng, thiết kế mô hình một môi trường giáo dục mơ ước trong tưởng tượng. Họ còn sắm vai những học sinh ở lứa tuổi họ đang trực tiếp giảng dạy để trải nghiệm các giá trị, sau đó thảo luận các kỹ năng để tạo ra một môi trường học tập dựa trên các giá trị, bao gồm: sự thừa nhận, khuyến khích, các hành vi tích cực, các kỹ năng lắng nghe tích cực, giải quyết xung đột, cùng đưa ra những nội quy lớp học hay là những kỷ luật dựa trên nền tảng các giá trị.
Các hoạt động đa dạng
Giảng cho trẻ em nghe về các giá trị thôi chưa đủ, các em còn cần phải được trải nghiệm ở nhiều tình huống khác nhau. Một khi trẻ đã trải nghiệm được một giá trị nào đó, thì giá trị đó mới đích thực là của riêng các em. Ngoài ra, các em cần được phát huy các kỹ năng xã hội để ứng dụng các bài học về giá trị vào thực tế. Các em cần phải nhận thức về những hành vi và lựa chọn của mình, từ đó có khả năng đưa ra các quyết định đúng đắn.
Những điểm suy ngẫm
Những điểm suy ngẫm trong bài học về các giá trị được trình bày bằng lối hành văn đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với tuổi thanh thiếu niên. Mỗi bài học đều có những điểm suy ngẫm được đưa ra thảo luận. Giáo viên có thể bổ sung một số nội dung minh họa cho phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương mình.
Những điểm suy ngẫm không chỉ giúp các em hiểu rõ khái niệm về các giá trị, nó còn bổ sung tính khách quan cho chúng. Đây chính là cách đề cao phẩm cách của mỗi người. Ví dụ điểm suy ngẫm trong các hoạt động ở bài Tôn trọng: Mọi người trên thế giới, kể cả bản thân tôi, đều có quyền được tôn trọng và sống có nhân phẩm. Một điểm suy ngẫm về Khoan dung là: Khoan dung là cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận vẻ đẹp của sự khác biệt.
Tưởng tượng
Trong một số bài học, giáo viên cho học sinh hình dung về một thế giới hòa bình, hạnh phúc. Sau đó học sinh sẽ chia sẻ những trải nghiệm hoặc vẽ lại tranh về chủ đề thế giới hòa bình theo hình dung của các em. Những bài tập thực hành kỹ năng phát huy óc tưởng tượng không chỉ khơi gợi khả năng sáng tạo của những học sinh hiếu động mà của cả những em vốn bị đánh giá là thụ động trong lớp. Tưởng tượng khiến học sinh phát hiện các phẩm chất tiềm ẩn của bản thân. Ở những bài tập phát triển óc tưởng tượng đều có những câu hỏi gợi mở để học sinh tự cảm nhận và tạo ra những ý tưởng riêng của mình và thầy cô giáo cần phải công nhận mọi ý kiến đóng góp, chia sẻ của các em.
Bài thực hành thư giãn/tập trung
Thường trẻ em không thích “phải im lặng” ở trong lớp học. Các em nghĩ rằng im lặng có nghĩa là bị tước quyền được chơi và bị ép buộc. Ở bài học Hòa bình, Tôn trọng, Yêu thương và Tự do có phần giới thiệu các bài thực hành thư giãn/tập trung. Đây là cách giúp các em thật sự thích thú “cảm nhận” các giá trị. Những bài tập này khiến các em yên lặng, hài lòng và tập trung dễ dàng hơn.
Biểu diễn nghệ thuật
Trẻ em được khuyến khích suy ngẫm và trải nghiệm các bài học về giá trị qua việc tham gia các hoạt động nghệ thuật. Các em có thể sáng tác những khẩu hiệu về hòa bình, sau đó dán lên tường hoặc vẽ tranh diễn tả sự giản dị hay tham gia các điệu múa có tính hợp tác. Ở bài Giản dị, các em được đi dạo trong thiên nhiên rồi viết một bài thơ cho một cái cây và tưởng tượng mình là cái cây ấy để viết một bài thơ khác đáp lại. Thầy cô có thể khuyến khích các em sáng tác những bài hát hoặc bài thơ về các giá trị.
Những hoạt động phát triển bản thân
trong chương trình giáo dục này, các em sẽ được khám phá các giá trị liên quan đến bản thân hoặc tạo dựng những kỹ năng thuộc phạm trù phát triển bản thân. Ví dụ, ở bài Tôn trọng, các em nhận thức những phẩm chất của mình và nhận ra những lời nói nào tạo hạnh phúc cho bản thân và cho người khác. Còn ở bài Trung thực, các em sẽ được trải nghiệm cảm giác khi trung thực sẽ như thế nào.
Các kỹ năng xã hội
Các em sẽ phát huy được những kỹ năng xã hội cần thiết qua các bài giải quyết xung đột ở giá trị Hòa bình. Học sinh có thể đóng vai trò là người giám sát hòa bình trong các hoạt động vui chơi. Ngoài ra các em còn được học thêm các kỹ năng khác nữa. Ở bài Yêu thương, học sinh khám phá những cách nói khác nhau để người nghe cảm nhận những lời nói ấy như là những bông hoa xinh đẹp, chứ không phải là những chiếc gai nhọn. Ở bài Tôn trọng, các em tìm hiểu những kiểu cư xử tôn trọng hay không tôn trọng ở hình thức thô thiển hay tinh tế. Ở bài Khoan dung, học sinh tìm hiểu về định kiến và đề ra những cách phản ứng tích cực trong các giao tiếp xã hội.
Những hoạt động giá trị này là bước đầu nhằm làm nổi bật những giá trị văn hóa của bạn
Chúng tôi hy vọng rằng các hoạt động này sẽ khơi dậy những ý tưởng cho giáo viên và các bậc phụ huynh khi họ cùng với con cái mình khám phá một số cách thức trải nghiệm và khám phá giá trị. Hãy sử dụng các nguồn lực sẵn có và sức sáng tạo của bản thân, đồng thời khai thác các kỹ năng và kiến thức của mình để tiếp tục chương trình giáo dục lấy giá trị làm nền tảng. Hãy sử dụng những bài hát truyền thống của Việt Nam hoặc những bài hát từ các nền văn hóa khác trên thế giới.
Các giáo viên có thể hội ý với nhau trước khi giới thiệu về từng giá trị và chia sẻ với học sinh về những giá trị đó. Nên dẫn ra các câu chuyện dân gian, các câu chuyện hư cấu hoặc các câu chuyện về người thật việc thật, các bài học lịch sử, các bộ phim thích hợp... Nên đưa những câu chuyện mang tính giáo dục cao vào bài học. Có thể các em sẽ rất thích thú khi được trình diễn các câu chuyện đó. Ngoài ra, giáo viên có thể đề nghị học sinh sáng tác các vở kịch hoặc bài hát riêng nào đó, thậm chí, các em có thể xây dựng một vở kịch ngắn trong đó có những tình tiết được ứng tác ngẫu hứng và được sử dụng để tăng thêm phần kịch tính cho các tình huống đã thảo luận. Các em lớn hơn có thể kể những câu chuyện ngụ ngôn và dạy những hình thức âm nhạc cổ xưa. Các nhà giáo dục có thể đưa các hoạt động mà họ đã sáng tạo lên trang web.
Cách bắt đầu chương trình
Trong khi có một số giáo viên tiến hành các hoạt động dạy về giá trị trong từng lớp riêng biệt, thì ở nhiều trường khác lại thấy rằng sử dụng phương pháp toàn trường cùng tham gia là rất có lợi. Đối với phương pháp thứ hai, các giáo viên cần họp lại và có thể mời cả phụ huynh học sinh, sau đó trao đổi mục đích của mình với nhà trường, nhu cầu của học sinh và những giá trị mà mình mong muốn tập trung truyền đạt cho học sinh. Một số trường quyết định chỉ tập trung vào học một giá trị trong suốt một hoặc hai tháng, một số trường khác lại chọn một vài giá trị để dạy trong năm học, xây dựng một khung riêng biệt cho sự phát triển đạo đức của học sinh trong trường. Để biết thêm thông tin, hãy tham khảo Bản kế hoạch trong Sách Hướng dẫn Tập huấn dành cho các giáo viên LVEP.
Các buổi hội họp và những bài hát
Nếu cả trường cùng khám phá về một giá trị trong cùng một thời gian thì việc tổ chức một cuộc họp ngắn là cách thức rất tốt để bắt đầu. Một vài giáo viên có thể xây dựng một chương trình mở đầu, sau đó, trong buổi sinh hoạt chung ở trường, học sinh các lớp có thể thay phiên nhau trình bày các giá trị một cách sáng tạo thông qua vở kịch ngắn, âm nhạc...
Tại sao phải bắt đầu với bài học về giá trị Hòa bình và Tôn trọng?
Việc mỗi giáo viên, mỗi trường hay hệ thống các trường xem xét nhu cầu của học sinh và xây dựng một chương trình riêng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, bạn nên bắt đầu chương trình bằng bài học về Hòa bình và tiếp theo là Tôn trọng. Bài về Hòa bình nên được tiến hành đầu tiên bởi vì theo kinh nghiệm của chúng tôi, tất cả học sinh đều quan tâm tới một thế giới hòa bình - thậm chí, cho dù những học sinh này có thể là những em hay gây gổ, đánh nhau đi chăng nữa. Các học sinh thấy rằng bài học về Hòa bình thích hợp và rất thú vị, giúp giảm bớt “sự chống đối” mà giáo viên có thể gặp phải ở những học sinh thường được xem là “ngỗ ngược”. Tôn trọng là phần học thứ hai được đề nghị vì hầu hết các em thấy rằng nó đề cao phẩm chất cá nhân và rất có ích. Giáo viên nhận thấy học sinh trở nên tự tin hơn, tôn trọng người khác và năng động hơn trong lớp.
Một lý do khác để khuyến nghị hai giá trị Hòa bình và Tôn trọng cần được dạy trước đó là 45 tiết học đầu tiên này chứa đựng tất cả những kỹ năng cơ bản sẽ được áp dụng trong suốt các bài học còn lại. Các Bài thực hành thư giãn/tập trung và kỹ năng giải quyết xung đột được phát triển trong suốt 45 tiết học đầu tiên này rất quan trọng trong việc xây dựng nên bầu không khí lấy giá trị làm nền tảng và những kỹ năng xã hội tích cực. Khi học sinh có thể giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa và có sự tôn trọng, chúng ta sẽ có rất nhiều thời gian cho những bài học khác. Hai Bài học cơ bản cho một tuần đã là quá tốt, vừa giúp củng cố được giá trị trọng tâm trong suốt chương trình giảng dạy vào bất cứ lúc nào thích hợp.
Trật tự được đề nghị khi dạy về các giá trị cho học sinh
1. Hòa bình - Bài học này quan trọng nhất và chiếm nhiều thời gian nhất.
2. Tôn trọng
3. Yêu thương - Bài học này phát triển thêm các kỹ năng đã học ở bài học về Hòa bình và Tôn trọng.
4. Khoan dung - Bài học về tình Yêu thương cần được học trước bài học về Khoan dung. Hai bài học này xếp thứ 3, 4 là rất tốt.
5. Trung thực
6. Khiêm tốn
7. Hợp tác
8. Hạnh phúc - Bài học về Hạnh phúc nên đặt trước bài học về Trách nhiệm.
9. Trách nhiệm
10. Giản dị rất tốt nếu được kết hợp với môn học về các nền văn hóa bản địa và môi trường.
11. Tự do Hãy học bài Trách nhiệm trước khi học bài Tự do.
12. Đoàn kết dạy bài học này cuối cùng là tốt nhất.
Làm sao có thời gian để dạy các giá trị?
Những người làm công tác giáo dục thường đưa ra câu hỏi này, bởi họ bị sức ép về thời gian với những chương trình học quá tải. Tuy nhiên, vì lợi ích của việc dạy các giá trị, nhiều người trong số họ đã tìm cách lồng ghép những hoạt động giá trị vào một số hoạt động hàng ngày. Các môn thuộc lĩnh vực Xã hội như Lịch sử, Văn học, hoặc các môn có liên quan đến Nghệ thuật đều rất thuận lợi cho việc khám phá những giá trị. Vì nhiều hoạt động trong cuốn sách này phù hợp với Nghệ thuật tự do, nên một số trường đã dành ra phần lớn thời gian để dạy về giá trị trong các tiết học ngữ văn. Những hoạt động giá trị khác có thể phù hợp với các bài học nghiên cứu Xã hội, Nghệ thuật, kịch hoặc giáo dục thể chất.
Cần dành ra bao nhiêu thời gian để hướng dẫn một cách hiệu quả các giá trị này?
Theo nghiên cứu nội bộ, cùng với việc phỏng vấn, tham khảo ý kiến của các nhà giáo dục, mỗi tuần nếu dành được 90 phút để hướng dẫn các hoạt động giá trị chắc chắn sẽ mang lại thành công rõ rệt, học sinh dần dần sẵn lòng cam kết thực hành ứng dụng các kỹ năng xã hội tích cực và sống với các giá trị của mình.
Học cách chấp nhận và tạo bầu không khí lấy giá trị làm nền tảng
Đôi khi, có một số học sinh tỏ vẻ chống đối lại trường học và việc học hành ở trường, cũng như ban đầu các em tỏ ra không hứng thú với các hoạt động giá trị. Sự chống đối này có thể là biểu hiện của sự tức giận vì không được người khác lắng nghe hoặc cảm thấy mình không được coi trọng. Vì vậy, một bầu không khí chấp nhận, tôn trọng, có sự quan tâm lẫn nhau là điều hết sức quan trọng trong khi thảo luận. Nhiều người cho rằng làm được điều này không dễ chút nào, nhưng với kinh nghiệm thực tế, chúng ta có thể tạo được bầu không khí như thế. Những hoạt động giá trị đầu tiên được thiết kế sao cho tạo niềm vui thích và lôi cuốn học sinh tham gia; theo đó, thái độ chống đối sẽ từ từ giảm và học sinh mạnh dạn bày tỏ điều các em mong muốn. Các cuộc tập huấn cho giáo viên về Chương trình giáo dục các giá trị Sống rất hữu ích trong việc khám phá một loạt những kỹ năng khác nhau nhằm tạo lập và duy trì một bầu không khí tích cực như vậy.
Đón nhận tất cả các câu trả lời
Lắng nghe và thừa nhận tất cả các câu trả lời của học sinh là điều thiết yếu trong các cuộc thảo luận về những hoạt động giá trị. Điều này có thể đặt ra một thách thức cho các giáo viên - những người vốn quen với kiểu trả lời “đúng” và “sai” trong lớp học. Không như các câu trả lời “đúng” và “sai” ở môn toán và khoa học, lời phát biểu bày tỏ cảm nhận của một học sinh về một khái niệm nào đó là cảm xúc của chính các em nên không thể dễ dàng nói là đúng hay sai.
Một số học sinh vì muốn thử xem giáo viên có chấp nhận câu trả lời của mình hay không nên cố tình đưa ra những câu trả lời hóm hỉnh, thậm chí khác thường. Ví dụ: khi được hỏi về một thế giới hòa bình, một học sinh có thể nói: “Chiến tranh là một phần của thế giới hòa bình”. Hoặc khi trả lời câu hỏi trong bài Hạnh phúc về điều mà bạn muốn nghe, học sinh có thể trả lời, “Em muốn nghe người ta nói rằng em là người xấu”. Với những trường hợp này, giáo viên nên đơn giản xem các câu trả lời ấy như một sự phản ánh nỗi bất hạnh của học sinh đó. Hãy gật đầu với lòng tôn trọng giống như bạn vẫn làm với các học sinh khác.
Đôi khi chỉ cần gật đầu thôi là đủ. Cũng có khi giáo viên nên nói thêm điều gì đó để thừa nhận câu trả lời hoặc nhắc lại nội dung thông điệp của các em, đây cũng là cách thể hiện sự tôn trọng đối với học sinh của mình. Việc lắng nghe một cách tích cực đối với các câu trả lời cho phép học sinh chấp nhận cảm xúc của mình và bắt đầu xử lý các cảm xúc đó. Ví dụ: Nếu một học sinh vẽ các khẩu súng trong bức tranh của mình về một thế giới hòa bình thì giáo viên có thể nói với một sự chấp nhận, chân thành và nghiêm túc xem có phải em đó đang căng thẳng hay không. Chẳng hạn, giáo viên có thể khéo léo hỏi lại rằng: “Nếu ngay cả trong một thế giới hòa bình mà có súng thì chắc phải sợ lắm nhỉ”. (Xin hãy xem thêm phần Lắng nghe tích cực trong Cẩm nang Hướng dẫn Tập huấn cho Giáo viên Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống).
Bạn cũng có thể bổ sung thêm câu trả lời tích cực của mình hoặc nói xem tại sao các em lại cảm thấy như vậy với điểm nào đó trong bài học, nhất là đối với học sinh đang mang nặng niềm tin tiêu cực, gây tổn hại hoặc phân biệt đối xử. Nhìn chung, học sinh thường tò mò về các thầy cô và hay quan tâm đến sở thích của giáo viên về một điều gì đó cao quý, tốt đẹp, đúng đắn. Khi chúng ta chân thành và biết tôn trọng các em, mọi sự chống đối, phản kháng thường sẽ giảm dần và những phẩm chất tốt đẹp vốn có của học sinh dần dần được bộc lộ.
Khi học sinh khăng khăng rằng mình “hư”
Đôi khi có những học sinh cứ khăng khăng cho rằng mình không tốt, chẳng hạn các em ngưỡng mộ một nhân cách phản diện. Nếu điều này xảy ra trong một cuộc thảo luận (tốt nhất nên nói chuyện riêng với học sinh ấy), bạn có thể hỏi: “Tại sao em lại ngưỡng mộ người đó?”, “Em nghĩ người đó sẽ muốn điều gì xảy ra?”, “Tại sao?”, “Em rút ra bài học giá trị nào cho mình từ người mà em ngưỡng mộ”. Hãy tiếp tục đặt ra những câu hỏi có tính gợi mở, tập trung gần hơn vào việc tìm hiểu ý định ban đầu của các em. Luôn luôn có một giá trị và phẩm chất tích cực nằm sau ý định ban đầu của các em khi các em thần tượng hay ngưỡng mộ một ai đó. Khi đã lý giải được ngọn ngành vấn đề, giáo viên có thể quả quyết “Vì thế em ngưỡng mộ...” và ghi lại giá trị tích cực. Lời kết luận này được hiểu rằng mọi người ai cũng có lúc phạm sai lầm, nhưng những việc họ làm xuất phát từ động cơ tốt. Mục đích của cách tiếp cận này là đưa học sinh đó trở về với những giá trị tích cực hay mục đích tích cực. Học sinh có thể thay đổi quan điểm của mình về bản thân rằng mình không phải là một “người xấu”, nếu các em biết nhìn nhận một giá trị tích cực hoặc quan tâm đến một điều tốt nào đó. Hãy kiên trì khơi gợi những giá trị tốt đẹp trong các em và học sinh có thể bắt đầu nhìn bản thân mình theo hướng khác tích cực hơn.
Kết hợp các Giá trị vào chương trình học hiện hành
Nhiều trường tập trung dạy một giá trị trong một khoảng thời gian nào đó - thường là 1 hay 2 tháng. Tất cả giáo viên được khuyến khích lồng ghép khai thác một số giá trị vào chương trình học tập hàng ngày.
Mỗi bài về giá trị có một số hoạt động nhất định. Về phía các nhà giáo dục với tư cách là chuyên gia phụ trách về nội dung, họ sẽ biết rõ tài liệu nào thể hiện tốt nhất các giá trị hoặc so sánh với các phản giá trị. Nhưng giáo viên lại là người biết rõ điều gì sẽ thu hút được học sinh của mình.
Các giờ học về Lịch sử, Văn học sẽ rất thuận lợi cho việc kết hợp các cuộc thảo luận về giá trị. Hãy dừng lại ở những điểm bình luận trong bài học khi một cá nhân hay nhóm người đưa ra lựa chọn. Hãy hỏi học sinh: “Vì sao người ấy lại lựa chọn như vậy? Kết quả của việc theo đuổi các giá trị và những thách thức để đạt được điều đó? Em thấy giá trị hoặc phản giá trị ở đây được thể hiện như thế nào?”.
trong các giờ dạy Văn hoặc Ngôn ngữ, giáo viên có thể chọn đọc những tài liệu có liên quan tới giá trị đang được khám phá. Tài liệu có thể là các bài thơ, truyện ngắn, tiểu sử tự thuật, bài viết về triết học, các cuốn sách kinh điển... Trong đó các nhân vật chính đại diện cho giá trị đang được giảng dạy. Đề nghị học sinh đóng góp ý kiến phản hồi (ý kiến, bình luận) về những gì các em vừa đọc, viết về các giá trị hoặc sáng tác các bài thơ của riêng mình.
Kristan mouat, một giáo viên từng sử dụng tài liệu Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống cho rằng việc ghi nhật ký là một cách làm hiệu quả để xây dựng cầu nối giữa những trải nghiệm của học sinh và những trải nghiệm của nhân vật hay các chủ đề trong bài. Ví dụ, trước khi đọc một bài thơ, một câu chuyện, các em có thể ghi lại các trải nghiệm của riêng mình, chẳng hạn: “Thời điểm mà em cảm thấy được tôn trọng...” hoặc “Những lúc em cảm thấy được an toàn và yêu mến...”.
Viết cảm nghĩ của các em về một nhân vật cũng là một cách làm hiệu quả để hiểu xem giá trị nào đã khích lệ nhân vật. Ví dụ, giáo viên có thể chỉ dẫn học sinh: Hãy tưởng tượng em là nhân vật Friar trong vở “romeo và Juliet” của Shakespeare. Hãy ghi vào nhật ký của em một số đoạn về việc tại sao em lại đồng ý làm lễ cưới cho romeo và Juliet. (Ví dụ: Bởi vì em muốn đem lại sự hòa giải giữa các gia đình vốn có mối thù nghịch, kết thúc cuộc xung đột đổ máu).
Nghệ thuật là một phương tiện tuyệt vời để kết hợp dạy về các giá trị trong khi dạy các kỹ năng mà học sinh cần phải học. Khi diễn kịch, trong lúc dạy các em cách nhập vai, hãy chọn các vở diễn có liên quan đến giá trị đang cần chú ý. Trong tiết âm nhạc, khi dạy học sinh biết cách chơi và phối khí nhạc cụ, hãy kết hợp thảo luận, chẳng hạn như thảo luận về giá trị Đoàn kết. Trong các giờ học về nghệ thuật, đề nghị các em thể hiện các giá trị đó khi học cách tô màu, vẽ và nặn tượng.
Giáo viên và học sinh được khích lệ chọn những bài hát hay về giá trị đang dạy. Cách này chỉ thực hiện ở cấp địa phương do sự đa dạng về ngôn ngữ, độ tuổi khác nhau của học sinh và những phương tiện giảng dạy tại chỗ.
“Mạng liên hệ các môn học dạy về Giá trị” rất hữu ích. Lập một nhóm các giáo viên để tạo nên những mạng về giá trị đang dạy theo bối cảnh văn hóa và bộ môn của mình. Xem một ví dụ về mạng của giá trị tự do như sau:
Mạng liên hệ các môn học Giá trị
Học sinh và Giáo viên
Hãy chia sẻ các hoạt động của bạn với thế giới!
Chia sẻ của Học sinh
Học sinh thường thích trình bày những ý tưởng sáng tạo của mình. Mọi học sinh trên toàn thế giới đều được mời chia sẻ những suy nghĩ, sáng tác của mình (như thơ ca, tiểu luận, bài hát, tranh vẽ, những trải nghiệm của bản thân...) với các bạn cùng lứa tuổi thông qua trang web của giá trị Sống: www.giatricuocsong.org, và email: [email protected]. Hoặc các em có thể gửi các suy nghĩ và tác phẩm nghệ thuật của mình đến điều phối viên Chương trình LVEP ở Việt Nam.
Chia sẻ từ các Giáo viên
Những giáo viên sử dụng Chương trình Giáo dục các Giá trị Sống luôn được khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Thông qua trang Web của giá trị Sống, họ có thể chia sẻ các hoạt động, kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành của mình với những nhà giáo dục trên khắp thế giới, hoặc gửi đóng góp đến điều phối viên Chương trình LVEP ở quốc gia gần nhất.
Đánh giá hàng năm: đánh giá là một phần quan trọng trong bất kỳ một chương trình nào. Những đánh giá của giáo viên về chương trình và sự thay đổi của học sinh sau một thời gian đào tạo thực sự quan trọng. Hãy báo cho điều phối viên Chương trình LVEP trong nước biết rằng bạn đang sử dụng Chương trình LVEP, và bạn sẽ nhận được một mẫu đánh giá dành cho giáo viên hàng năm, hoặc bạn có thể tìm thấy mẫu này trên trang web.
Chúng tôi hy vọng Chương trình sẽ đem đến cho các bạn hương vị ngọt ngào của các Giá trị Sống. Xin chân thành cảm ơn!
Chương trình Giáo dục Những Giá trị Sống ở Việt Nam
Chương trình giáo dục Những giá trị Sống (Living Values Education Program – LVEP) đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2000 và đã có nhiều phản hồi tích cực từ những thành viên đã học và tham gia giảng dạy. Tất cả các buổi tập huấn cho giáo dục viên đều không tính phí. Hiện nay rất nhiều nhà tổ chức có tâm huyết với chương trình và muốn tổ chức rộng rãi các buổi tập huấn. LVEP hoan nghênh và ủng hộ ý tưởng này để LVEP ngày càng được phổ biến sâu rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên LVEP vẫn tuân thủ tôn chỉ của mình là giảng dạy tình nguyện, nên tất cả các buổi tập huấn ở tP. Hồ Chí minh đều không tính phí. Ở những nơi khác, nếu phải tính phí để trang trải cho việc thuê hội trường, chi phí điện nước..., thì nhà tổ chức sẽ thu phí không quá 100.000 đồng/người cho một ngày tập huấn. Nếu tính cao hơn mức phí này là không tuân thủ tôn chỉ của LVEP và LVEP sẽ không đảm bảo chất lượng và cũng sẽ không ủng hộ. Hiện nay, các quyển sách Những hoạt động Giá trị của Chương trình LVEP đã được phát hành rộng rãi ở các cửa hàng sách khắp cả nước. Những giáo trình này đã được biên soạn cụ thể để dễ sử dụng. Bạn có thể hướng dẫn hoạt động LVEP theo các bước được chỉ dẫn trong sách. Trong trường hợp muốn có thêm các kỹ năng điều phối nhóm, bạn hãy liên hệ trực tiếp với văn phòng điều phối LVEP tại Việt Nam:
649/36/34 Điện Biên Phủ
(F9A Cư xá Tân Cảng), P. 25, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Website: www.giatricuocsong.org
Email : [email protected].
ĐT: (08) 3 899 1627 gặp chị Sen (0937143000) hoặc anh Tùng (0937573057)
Tiếng Anh: 0903696402 (Cô Trish)
Ghi chú dành cho giáo viên
1. Trước mỗi giá trị, giáo viên cần suy ngẫm và trải nghiệm về chính giá trị mình sẽ dạy (điều này không chỉ giúp bạn hiểu sâu hơn các giá trị để truyền lại cho các em mà còn giúp bạn có được trạng thái bình tĩnh, thanh thản trong cuộc sống). Hãy để mình cảm nhận xem ở lứa tuổi ấy, các em sẽ nghĩ thế nào về giá trị này. Giáo viên cần phải nhận ra mục đích bài học này là gì? Bài học này muốn các em nghĩ gì, hiểu gì, và làm gì.
2. Cần mở nhạc nhẹ để tạo bầu không khí bình an, thân thiện trước khi học sinh vào lớp.
3. Trước mỗi giá trị, giáo viên cần giới thiệu sơ qua về giá trị này và khoảng thời gian khám phá giá trị.
4. Chuẩn bị trước những vật dụng cần thiết tùy theo từng bài học: máy phát nhạc, bài hát, giấy khổ lớn, giấy a4, bút chì sáp, băng keo dán tường, kéo và một số vật dụng khác...
5. Giáo viên nên bắt đầu buổi học bằng những câu chào hỏi thân mật hoặc cho các em chia sẻ điều chúng đã làm tốt ở nhà hoặc ở trường để tạo mối quan hệ cởi mở và thu hút sự tập trung chú ý của học sinh.
6. Tùy theo từng bài, giáo viên có thể cho các em hát một bài hát hợp với chủ đề bài học.
7. Đối với những câu suy ngẫm, giáo viên cần viết trước ra bảng hoặc giấy khổ lớn và yêu cầu một em đọc to cho cả lớp. Các em sẽ chia sẻ cảm nhận của mình về những câu suy ngẫm này, theo từng đôi một hoặc theo từng nhóm nhỏ, sau đó phản hồi.
8. Đối với những câu hỏi suy ngẫm cần các em viết ra câu trả lời, thì bạn hãy đọc thật chậm, rõ ràng và dành đủ thời gian cho các em suy ngẫm và trả lời. Sau đó cho các em chia sẻ trước cả lớp hoặc trong nhóm nhỏ.
9. Ở các bài tập hình dung, mường tượng, bạn hãy hướng dẫn rõ ràng đây là khoảng thời gian các em ngồi im lặng, trải nghiệm và hình dung theo lời đọc của bạn. Bạn có thể để ánh sáng trong phòng vừa phải, mở nhạc nhẹ, đọc nhẹ nhàng, chậm rãi.
10. Giá trị thì không có đúng sai. Giáo viên nên chấp nhận tất cả các câu trả lời của các em. Trong trường hợp có em ngại ngùng khi chia sẻ, bạn hãy dùng cách hỏi phản hồi tích cực để khuyến khích các em.
11. Giáo viên có thể chọn cho học sinh thực hành một giá trị hoặc phẩm chất nào đó trong sân chơi hoặc ở nhà. Bạn cũng có thể hỏi xem các em muốn thực hành điều gì chúng học được từ bài học của ngày hôm đó.
12. Giáo viên có thể chọn lựa bài học phù hợp trong từng giá trị. Tuy nhiên, để có được hiệu quả tốt nhất, bạn nên đi theo thứ tự được trình bày trong sách: Hòa bình, tôn trọng, yêu thương...
13. Các bài học đã được soạn sẵn từng bước. Đối với những câu chuyện minh họa hay những bài hát, bạn có thể chọn lựa những bài phù hợp và gần gũi với trẻ từ kho tàng văn học Việt Nam.