NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ HÒA BÌNH
-Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh.
- Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác.
- Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình.
- Hòa bình là sự yên tĩnh ở trong lòng.
- Hòa bình là khi tâm trí trở nên điềm tĩnh và thư thái.
- Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, cảm xúc trong sáng, và những ước muốn tốt lành.
- Hòa bình bắt đầu từ mỗi chúng ta.
- Để sống trong bình an, ta cần có tình thương yêu và sức mạnh từ nội tâm.
- Hòa bình là một dạng năng lượng đem đến sự cân bằng.
- Hòa bình là đặc trưng nổi bật của một xã hội văn minh.
- Hòa bình phải bắt đầu từ mỗi chúng ta. Bằng cách giữ yên lặng và nghiêm túc suy nghĩ về ý nghĩa của hòa bình, chúng ta có thể khám phá ra những phương cách làm gia tăng sự thông hiểu, tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.
- Ngài Javier Perez de Cuellar, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Mục đích: Cảm nhận Giá trị Hòa bình cho bản thân.
Các chủ điểm:
- Suy nghĩ và trân trọng giá trị Hòa bình.
- Trải nghiệm về cảm giác bình yên rồi vẽ hoặc viết về cảm giác đó.
- Xác định xem điều gì giúp cho học sinh cảm thấy bình yên.
- Sáng tác một bài thơ hoặc một mẩu chuyện về phút giây bình yên nhất.
- Tận hưởng khoảnh khắc yên lặng và bình an qua các bài thực hành thư giãn/tập trung trong lớp học.
- Giúp học sinh nâng cao khả năng tập trung.
- Thể hiện hòa bình qua nghệ thuật.
- Hát 2 bài hát về hòa bình.
Mục đích: Tăng cường hiểu biết về các yếu tố góp phần tạo nên một thế giới hòa bình.
Các chủ điểm:
- Hướng dẫn các em hình dung về một thế giới hòa bình và diễn tả nó bằng từ ngữ, tranh vẽ hay một bài luận ngắn.
- Giúp các em phân biệt sự khác nhau giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột.
- Chọn ra 10 biểu tượng tượng trưng cho một thế giới hòa bình.
- Tham gia làm một Chiếc bánh Hòa bình thế giới từ những phẩm chất của con người, chọn ra những phẩm chất mà các em cho là quan trọng nhất cho một thế giới Hòa bình và chia sẻ điều này với gia đình các em.
- Tham gia làm một tác phẩm cắt dán về “Cảm giác Hòa bình/Bình yên”.
Mục đích: Xây dựng những phương pháp tích cực, ôn hòa để giải quyết xung đột, bao gồm những kỹ năng hòa giải.
Các chủ điểm:
- Tham gia thảo luận về cảm giác của các em khi tiếp xúc với những người hẹp hòi, độc ác và người hay xúc phạm người khác.
- Suy nghĩ về kết quả của hòa bình và hậu quả của chiến tranh.
- Tập lắng nghe người khác qua một bài tập về giải quyết xung đột và nhắc lại những ý chính từ những điều người khác đã nói.
- Tham gia vào một bài tập giải quyết xung đột, nêu lên cảm nhận của các em và xác định những điều các em muốn và không muốn người khác làm. Các em có thể tham gia bằng cách đóng một vai trong bài tập, hoặc là người tham dự vào một cuộc xung đột có thật, hoặc là người hòa giải.
- Đưa ra hai ví dụ để cho thấy các em hiểu như thế nào khi cảm xúc đau đớn hay sợ hãi chuyển thành tức giận.
- Tìm ra hai suy nghĩ hay hai hành động làm gia tăng cảm xúc tiêu cực.
- Tìm ra hai suy nghĩ hay hai hành động làm gia tăng hòa bình.
- Sáng tác một câu chuyện hay nghiên cứu về một nhân vật đấu tranh cho hòa bình.
CÁC BÀI HỌC VỀ HÒA BÌNH
Thông thường Hòa bình là giá trị đầu tiên được giới thiệu trong nhà trường hoặc trong các lớp học. Nếu toàn trường thực hiện chương trình giáo dục Công dân, nhà trường có thể tổ chức một cuộc họp về nội dung giáo dục về Hòa bình.
Hằng ngày vào thời gian học các giá trị Sống, hãy hát một bài hát về hòa bình. Chọn một bài hát phù hợp với lứa tuổi các em. Theo red và kathy grammer, hát một bài hát về hòa bình cũng có nghĩa là “giảng dạy về hòa bình”. Những bài hát ưa thích của học sinh lớn tuổi hơn là bài “Imagine” (“Hãy hình dung”) của John Lennon và “We Are the World” (“Chúng ta là một thế giới”) của các ca sĩ mỹ. Bạn có thể yêu cầu các em đem đến lớp những bài hát có liên quan tới chủ đề này.
Bài học 1: Hình dung về một thế giới hòa bình
Bước 1 - Cho các em cùng hát một bài hát về hòa bình. Giải thích với các em rằng trong một vài tuần tới, nhà trường hoặc lớp chúng ta sẽ tìm hiểu một đề tài rất quan trọng, đó là Hòa bình.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Em nào có thể nói cho thầy/cô biết về hòa bình?
- Hòa bình là gì?
- Một thế giới hòa bình có nghĩa là gì?
Chấp nhận tất cả mọi ý kiến và cám ơn các em đã chia sẻ ý kiến của mình. Tiếp tục bài học với bài thực hành Hình dung về một Thế giới Hòa bình.
Bước 3 - Hình dung về một Thế giới Hòa bình
Một điều kỳ diệu đối với mỗi học sinh ở tuổi các em là tất cả chúng ta đều biết về hòa bình. Thầy/cô muốn bắt đầu bài học bằng cách đề nghị các em sử dụng tâm trí của mình để tưởng tượng về một thế giới hòa bình. Hãy giữ mình điềm tĩnh, tĩnh lặng. Thầy/cô muốn vẽ một bức tranh trong tâm trí của em về một quả bóng to và rất đẹp, quả bóng này to đến mức các em có thể bước vào bên trong..., quả bóng này giống như một hành tinh nhỏ và em có thể dạo chơi trong tưởng tượng, đi vào tương lai, đến với một thế giới tốt đẹp hơn... Hãy từng bước đi vào bên trong và trôi bồng bềnh vào một thế giới thực sự hòa bình... Quả bóng dừng lại trên mặt đất của thế giới này, và em bước ra... Trông thế giới ấy ra sao?... Hãy tưởng tượng xem em cảm thấy thế nào... Thiên nhiên như thế nào?... Không khí như thế nào?... Những ngôi nhà trông giống cái gì?... Khi em bước đi xung quanh hồ, hãy tự mình cảm nhận xem nơi đó bình yên như thế nào... Hãy nhìn xuống hồ nước và ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của mình ở bên dưới... Em có thể cảm thấy thân thể của mình được thư giãn ở chốn yên tĩnh này... Khi em đi ngang qua một đám đông, hãy chú ý đến những biểu hiện trên gương mặt họ và cách họ nói chuyện, trao đổi với nhau như thế nào... Một số người mỉm cười và vẫy tay chào khi em bước vào trong quả bóng để quay trở lại đây... Quả bóng bồng bềnh đưa em quay về thực tại và có mặt tại lớp học này... Khi em đang ngồi đây, quả bóng biến mất, để lại trong em cảm giác tĩnh lặng và bình an.
Bước 4 - Chia sẻ: dành cho học sinh thời gian để chia sẻ với nhau về những gì các em đã tưởng tượng về một thế giới hòa bình. Một số em có thể thích chia sẻ trải nghiệm, hoặc thầy cô có thể yêu cầu các em trước tiên hãy chia sẻ về thiên nhiên, sau đó về bản thân và tiếp theo là hình dung về mối quan hệ với người khác như thế nào.
Bài học 2: Một thế giới hòa bình
Bước 1 - Bắt đầu bằng một bài hát về hòa bình. Thầy cô giáo có thể dạy cho những học sinh nhỏ hơn một bài hát. Bắt nhịp một bài hát cho các em lớn hơn. yêu cầu học sinh đem đến lớp một số bài hát mà các em ưa thích (hoặc trao đổi với các em về những bài hát đó, tùy theo tình huống).
Bước 2 - Giải thích rằng bạn muốn học sinh hình dung về thế giới hòa bình một lần nữa, sau đó yêu cầu các em viết hoặc vẽ những trải nghiệm của các em về một thế giới hòa bình.
Thực hành bài tưởng tượng Hình dung về một Thế giới Hòa bình một lần nữa.
Bước 3 - Hoạt động dành cho học sinh 8 - 11 tuổi: Chia lớp thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm vẽ một bức tranh lớn về một thế giới hòa bình. Nếu hoạt động này được tiến hành sau bài tập tưởng tượng ở trên thì khi các em thực hiện vẽ tranh trong tĩnh lặng sẽ thu được nhiều kết quả thú vị. Sau đó yêu cầu các em trả lời câu hỏi: “Những lời nói và hành vi nào giúp mỗi người cảm thấy bình yên?”. yêu cầu học sinh mang bức tranh của nhóm mình lên trước lớp và trình bày về nội dung bức tranh cho cả lớp cùng nghe.
Bước 4 - Hoạt động dành cho học sinh 12 - 14 tuổi: yêu cầu học sinh chia sẻ những suy nghĩ của các em về một thế giới hòa bình bằng cách viết một đoạn văn. Hoặc các em có thể viết ra một vài dòng, sau đó vẽ hình minh họa cho ý tưởng của mình.
Bài học 3: Sự đối lập giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột
Bước 1 - Giáo viên giải thích: “Hôm nay thầy/cô muốn nói với các em về sự khác nhau giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột. Những điều gì có trong thế giới xung đột mà không có trong thế giới hòa bình?”. Học sinh có thể nêu ra những điều như chiến tranh, súng đạn, tội phạm.
Bước 2 - Chia bảng thành 2 cột: Những hành động trong một thế giới hòa bình và Những hành động trong một thế giới xung đột. yêu cầu các em đưa ra ý kiến cho từng cột.
Bước 3 - Hoạt động dành cho học sinh 10 - 14 tuổi: Hướng dẫn các em cách hình thành Bản đồ tâm trí về một thế giới hòa bình. Học sinh cũng có thể xây dựng Bản đồ tâm trí về một thế giới có xung đột trong những ngày kế tiếp. Để bắt đầu làm Bản đồ tâm trí, mỗi học sinh vẽ một hình ảnh nhỏ ở chính giữa trang giấy; rồi bắt đầu từ hình ảnh này vẽ một số đường hướng ra ngoài (gọi là nhánh chính), sau đó vẽ thêm các nhánh phụ từ các nhánh chính này. Trên mỗi nhánh, các em sẽ viết những đặc điểm, khía cạnh khác nhau về hình ảnh nằm giữa tờ giấy. yêu cầu học sinh làm một bản đồ về một thế giới Hòa bình và một bản đồ khác về một thế giới Xung đột.
Nếu các em chưa từng xây dựng Bản đồ tâm trí trước đó, giáo viên cần phải giới thiệu cách làm. Hãy tham khảo thông tin hướng dẫn cách làm Bản đồ tâm trí ở phần Phụ lục 2.
Bước 4 - Biểu diễn hoặc hát một bài hát về hòa bình.
Bước 5 - Thảo luận điểm suy ngẫm:
- Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh.
- Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác
- Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình.
Bài học 4: Viên nhộng thời gian
Bước 1 - Giáo viên nói: “Hôm nay, hãy tưởng tượng rằng các em đang sống trong một thế giới hòa bình như các em đã hình dung hôm trước, và các em được yêu cầu tạo ra một viên nhộng thời gian để các thế hệ trong tương lai biết về thế giới hòa bình của các em. Mười vật dụng nào các em sẽ chọn để bỏ vào trong viên nhộng thời gian ấy để cho các thế hệ tương lai biết nhiều hơn về một thế giới hòa bình?”.
Bước 2 - Học sinh có thể tự thực hiện một mình, theo từng cặp hay theo nhóm nhỏ. Các em có thể vẽ hoặc viết ra tên của mười vật dụng.
Bước 3 - Các em chia sẻ mười vật dụng này của nhóm mình cho cả lớp.
Bước 4 - Các em chia sẻ trải nghiệm và bài học của mình cuối buổi.
Bài học 5: Nếu tất cả chúng ta đều bình yên
Bước 1 - Bài hát : dạy hoặc hát chung với các em một bài hát về hòa bình của Việt Nam hoặc chia sẻ cùng các em một bài hát về hòa bình mà bạn yêu thích.
Bước 2 - Giáo viên viết các điểm suy ngẫm sau lên bảng, sau đó yêu cầu em học sinh nào đó đọc to những điểm suy ngẫm này cho cả lớp.
- Hòa bình là sự yên tĩnh ở trong lòng.
- Hòa bình là khi tâm trí trở nên điềm tĩnh và thư thái.
- Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, cảm xúc trong sáng và những ước muốn tốt lành.
Bước 3 - Thảo luận: (giáo viên chia các em thành những nhóm nhỏ từ 3 đến 4 em. Cho các em ngồi theo vòng tròn trong khi chia sẻ).
- Nếu mỗi người trên thế giới đều cảm thấy bình yên trong lòng, liệu thế giới này sẽ bình yên hơn không? tại sao?
- Cảm giác bình yên giống như thế nào?
Bước 4 - Giới thiệu bài thực hành Thư giãn: “Ngày nay, nhiều người trên thế giới cảm thấy bị stress. Em đã bao giờ nghe thấy một người lớn nào nói rằng họ bị stress chưa? Một trong những cách để loại bỏ stress và cảm thấy bình yên hơn là thực hiện thư giãn thân thể. Khi chúng ta loại bỏ được căng thẳng, chúng ta có thể làm được mọi việc một cách tốt nhất. Chúng ta hãy cùng tập thử nhé”. Nếu có thể, hãy mở cho các em nghe những đoạn nhạc êm dịu trong khi đọc chậm, rõ ràng với giọng bình yên.
Bước 5 - Bài thực hành Thư giãn cơ thể
Ngồi thoải mái... và thư giãn... Khi thư giãn, hãy để cho cơ thể cảm nhận sức nặng và tập trung chú ý vào đôi bàn chân của em... Căng nhẹ tất cả các cơ ở đôi bàn chân lên trong một lúc... rồi thả lỏng chúng... Hãy để cho chúng được thư giãn... Bây giờ, chú ý đến cẳng chân, cảm thấy sức nặng của chúng... căng các cơ trong một lúc... rồi thả ra... Bây giờ đến bụng... Căng các cơ trong bụng một lúc... rồi lại thả lỏng... Giải tỏa mọi căng thẳng... Hãy nhận biết về hơi thở của mình, thở chậm hơn và sâu hơn... Hít thở sâu vào, để không khí từ từ thoát ra ngoài... Bây giờ, hãy căng các cơ ở phía sau lưng và ở vai... rồi thả lỏng chúng... Để cho cơ bàn tay và cánh tay căng lên... và thả ra... Nhẹ nhàng xoay cổ... qua một bên, rồi xoay sang bên đối diện... Thả lỏng cổ... Bây giờ, căng các cơ mặt và quai hàm... rồi thư giãn mặt và hàm... Hãy để cho cảm giác thoải mái lan truyền khắp cơ thể... Tập trung vào hơi thở, đón nhận luồng không khí trong lành và đẩy mọi căng thẳng ra ngoài... Tôi thư giãn... Trong một trạng thái thoải mái... và giờ đây, cơ thể tôi đang ở trong trạng thái khỏe khoắn nhất.
- Đóng góp của Guillermo Simó Kadletz
Bước 6 - Hoạt động dành cho học sinh 8 - 10 tuổi: Hãy chọn một màu để vẽ về hòa bình.
Bước 7 - Hoạt động dành cho học sinh 11 - 14 tuổi: Hãy viết về khoảng thời gian mà em cảm thấy thực sự bình yên.
Bước 8 - Cho các em chia sẻ bức tranh của mình và bài học các em học được.
Bài học 6: Nướng một chiếc bánh hòa bình thế giới
Giáo viên cho các em làm một Chiếc bánh Hòa bình thế giới từ những phẩm chất và tính cách của con người. Hoạt động này tạo cơ hội cho học sinh suy nghĩ về một thế giới tốt đẹp hơn, cùng sáng tạo và thảo luận về những điều các em cho là quan trọng với bạn bè, bố mẹ và thầy, cô giáo (các em có thể làm việc độc lập, theo từng cặp hoặc theo nhóm nhỏ để “nướng” chiếc bánh này).
Bước 1 - Giáo viên nói: Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau làm những Chiếc bánh Hòa bình thế giới. Các em hãy nghĩ xem thành phần của những Chiếc bánh Hòa bình thế giới gồm có những gì?
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Đâu là những phẩm chất tốt đẹp nhất mà em nghĩ cần phải có trong “Chiếc bánh Hòa bình Thế giới”?
- Tất cả các nguyên liệu làm bánh đều cần phải tinh khiết hay em sẽ trộn thêm một số nguyên liệu “không tốt lắm” vào đấy để nhắc nhở rằng chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để loại bỏ những thứ gây tổn hại hay đau đớn kia?
Bước 3 - Giáo viên chia các em thành những nhóm nhỏ khoảng 3 đến 5 em. Sau khi các em ổn định trong nhóm của mình, giáo viên giải thích rõ cho các em các bước làm bánh như thế nào. Các em có thể làm các loại bánh Hòa bình khác nhau – bánh chưng, bánh kem,...
a) Các em cùng chọn các nguyên liệu: Lập danh sách những phẩm chất tốt nhất mà em muốn đưa vào để làm Chiếc bánh Hòa bình thế giới.
b) Các em cùng tính trọng lượng mỗi nguyên liệu: đong từng nguyên liệu bằng gam, kilogam, tấn, theo tỷ lệ phần trăm.
c) Trộn các nguyên liệu và nướng bánh: mô tả trình tự cho các nguyên liệu vào máy trộn và giải thích em sẽ trộn và nướng chiếc bánh này như thế nào. (Những học sinh nhỏ tuổi hơn có thể cùng với bố mẹ xem sách dạy làm bánh ở nhà vào buổi tối trước khi học bài 6).
Có thể xem qua ví dụ về Chiếc bánh Hòa bình thế giới mà một học sinh trung Quốc đã làm ở phần Phụ lục 1.
Bước 4 - Kết thúc bài 6 bằng một bài hát về hòa bình.
Bài học 7: Tiếp tục nướng chiếc bánh hòa bình thế giới
Bước 1 - Giáo viên giải thích cho học sinh rằng các em sẽ tiếp tục cùng nhau làm Chiếc bánh Hòa bình thế giới.
Bước 2 - Cho các em tiếp tục nghĩ ra các nguyên liệu để làm Chiếc bánh Hòa bình thế giới và viết chúng ra theo thứ tự (nếu các em chưa làm xong ở bài số 6).
Bước 3 - Cho các em tự trình bày công việc: Các em có thể ghi chép lại công việc của mình theo cách mà các em muốn. Những trình bày này có thể đơn giản, ấn tượng, sáng tạo và được minh họa theo ý các em. (Nếu các em làm việc độc lập, sẽ phải cần thêm một ngày nữa).
Bước 4 - Chia sẻ kết quả: Hãy kể về Chiếc bánh Hòa bình thế giới của em với bạn bè và gia đình. Giải thích tại sao lại dùng những nguyên liệu này và cách nướng đã làm chiếc bánh có “hương vị” như thế. Mời mọi người chia sẻ cảm nhận về chiếc bánh của em.
Bước 5 - Trưng bày – Cho kết quả công việc của em vào một bìa hồ sơ, dán trên tường hay trên cửa sổ một cửa hàng ở nơi em sống.
Bước 6 - Giáo viên yêu cầu các em thực hành những giá trị, phẩm chất mà các em đã chọn làm thành phần cho bánh. Khuyến khích các em thực nghiệm các giá trị đó với bạn bè, gia đình...
Lựa chọn khác: Gửi bản sao kết quả này cho tổ chức Sứ giả Hòa bình thế giới (World Peace messenger organization) thuộc Liên Hợp Quốc.
- Đóng góp của Peter Williams
Bài học 8: Một nơi đặc biệt
Bước 1 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Em có một nơi nào đặc biệt để có thể ngồi yên tĩnh và suy nghĩ không?
- Tại sao đôi khi chúng ta cần yên tĩnh và bình an?
- Khi yên tĩnh và bình an, em cảm thấy trong lòng thế nào?
- Những điều gì cản trở chúng ta cảm nhận sự bình yên?
Bước 2 - Thảo luận điểm suy ngẫm:
- Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, tình cảm trong sáng và những ước muốn tốt lành.
Bước 3 - Bài thực hành thư giãn - Ngôi sao Bình yên mở nhạc nhẹ và đọc đoạn văn sau chậm rãi, ngừng lâu một chút sau mỗi dấu chấm lửng:
Một cách để cảm nhận bình yên là giữ tĩnh lặng trong lòng. Trong giây lát, hãy nghĩ về những ngôi sao và hình dung chính mình cũng giống như những ngôi sao ấy. Chúng đẹp làm sao trên bầu trời, chúng lấp lánh và tỏa sáng. Chúng thật tĩnh lặng và bình an. Hãy để cho cơ thể nghỉ ngơi... Thả lỏng các ngón chân và cẳng chân... Thả lỏng bụng... và vai... Thả lỏng bàn tay... và khuôn mặt... Hãy để cho cảm giác an toàn tràn ngập... và một luồng sáng dịu, bình yên nhẹ nhàng bao quanh bạn... Em giống như một ngôi sao nhỏ xinh đẹp... Em, một ngôi sao nhỏ ở trong thân thể này, tràn đầy ánh sáng bình yên... Ánh sáng ấy thật dịu dàng... Hãy nghỉ ngơi trong ánh sáng bình yên và yêu thương đó... Hãy để chính mình được yên tĩnh và bình an trong tâm hồn... Em có thể chú ý... Tập trung... Mỗi khi em muốn cảm thấy bình yên trong lòng, em có thể giữ tĩnh lặng... hài lòng... Trở thành một ngôi sao bình yên.
Bước 4 - Hoạt động: yêu cầu các em sáng tác một mẩu truyện ngắn hay một bài thơ về những giây phút các em cảm thấy bình yên nhất: “Tôi cảm thấy bình yên nhất khi...”
Bước 5 - Giáo viên yêu cầu một vài em đọc câu chuyện hoặc bài thơ của mình cho cả lớp.
Bài học 9: Tăng cảm giác bình yên trong trường học
Bước 1 - Giáo viên giới thiệu “Chúng ta đã lập một danh sách về những điều khác biệt giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột. Hôm nay, thầy/cô muốn các em nghĩ về sự khác nhau giữa một trường học bình yên và một trường học có sự xung đột”.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Những việc gì có thể xảy ra trong trường học bình yên và trong trường học có sự xung đột?
- Mọi người cảm nhận như thế nào về những bạn hiếu chiến, thích đánh nhau?
- Mọi người cảm thấy thế nào trong một trường học bình yên?
Bước 3 - Giáo viên nói: “Giống như mọi người tạo ra thế giới cho mình, học sinh tạo ra những gì diễn ra trên sân trường, và chúng ta tạo ra những gì đang diễn ra trong lớp học này”.
Bước 4 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Em muốn kiểu lớp học như thế nào?
- Có việc gì mà em muốn thử thực hiện để làm cho lớp học của chúng ta trở nên bình yên hơn không?
Bước 5 - Giáo viên hãy tôn trọng và lắng nghe tất cả mọi ý kiến. yêu cầu học sinh chọn ra một điều các em muốn thử thực hiện. Đối với những học sinh nhỏ tuổi hơn, hãy giúp các em đưa ra những đề nghị cụ thể, chẳng hạn như: sau bữa ăn trưa, trong lớp có thể bật một bài hát về hòa bình, hay chúng ta có thể thực sự lắng nghe khi những người khác đang chia sẻ. Hãy làm thử và yêu cầu các em đánh giá quá trình thực hiện. Hãy để cho cả lớp quyết định xem các em có muốn thực hiện ý tưởng này một lần nữa vào hôm sau không.
Bài học 10: Tác phẩm cắt dán thể hiện cảm nhận về hòa bình hay sự bình yên
Bước 1 - Cho học sinh thực hành thư giãn Ngôi sao Bình yên.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
Theo em, những biểu tượng nào tượng trưng cho hòa bình hay sự bình yên?
Bước 3 - Hoạt động: dựa theo suy nghĩ của học sinh về ý nghĩa của hòa bình, hướng dẫn các em vẽ hình hay chế ra một đồ vật, hoặc tìm kiếm những tranh ảnh, biểu tượng về thế giới hòa bình trong các tạp chí mà các em đã sưu tầm. Nói với các em rằng đây là bước đầu tiên để làm một bức tranh cắt dán. yêu cầu các em bắt đầu thực hiện tác phẩm bằng các hình ảnh, hình vẽ và ảnh chụp. Đề nghị các em tiếp tục bổ sung những biểu tượng mới, các chi tiết và những từ ngữ mới mô tả về thế giới hòa bình này.
- Đóng góp của Sabine Levy
Bài học 11: Những lời nói hòa bình
Bước 1 - Giáo viên cho học sinh thảo luận các điểm suy ngẫm sau:
- Hòa bình là một dạng năng lượng đem lại sự cân bằng.
- Hòa bình là đặc trưng nổi bật của một xã hội văn minh.
Bước 2 - tiếp tục thực hiện tác phẩm cắt dán. Các em có thể đem thêm tranh ảnh từ nhà tới để bổ sung vào bức tranh đó.
Bước 3 - Giáo viên hướng dẫn học sinh ghi những lời bình vào tranh về cách các em hiểu về hòa bình và đóng góp thêm những hình ảnh diễn tả hòa bình. dán những lời bình luận hay các bài thơ ngắn lên bức tranh cắt dán.
Bước 4 - giáo viên cho học sinh thực hành một bài tập thư giãn hoặc sử dụng một hoặc hai lời bình do các em tự viết.
- Đóng góp của Pilar Quera Colomina
Bài học 12: Đôi cánh tay
Bước 1 - Giáo viên giới thiệu bài học và gợi ý cho các em nghĩ đến nhiệm vụ của những đôi tay.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Em biết gì về đôi cánh tay của chúng ta? Chúng ta dùng chúng để làm gì?
Chắc chắn học sinh sẽ nói với bạn về đôi tay như một bộ phận của cơ thể. Hãy nói với các em những điều đôi tay có thể làm. “Chúng có thể ôm bạn bè, nhặt đồ vật, nấu ăn, vẽ những bức tranh đẹp, ném bóng, xây những tòa nhà cao tầng, chữa bệnh cho gia súc... Các cánh tay nối liền là dấu hiệu của sự thân thiết và là bạn bè. Tay cũng có thể đẩy, xô và đánh lại người khác. Tạo ra hòa bình hay xung đột cũng đều xuất phát từ cách chúng ta sử dụng đôi tay của mình. Cách chúng ta sử dụng đôi tay của mình tạo ra sự khác biệt”. Hãy hỏi các em:
- Em cảm thấy thế nào khi những người khác dùng tay của họ để gây đau đớn cho em hay cho một người mà em quan tâm? (Chấp nhận mọi câu trả lời và những biểu hiện cảm xúc của học sinh. Nhận xét: “Đúng, quả là đau đớn khi có kẻ làm tổn thương chúng ta”).
Bước 3 - Nếu chưa có học sinh nào nêu lên ý tưởng này, hãy nói với các em rằng từ “bàn tay” còn đồng nghĩa với từ “vũ khí”. Bàn tay con người cũng được sử dụng để chế tạo súng ống và vũ khí cho chiến tranh. Bàn tay con người có thể sáng tạo ra mọi vật và cũng có thể phá hủy tất cả mọi thứ.
Bước 4 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Các em hãy suy nghĩ xem tại sao lại có những người gây ra chiến tranh?
- Các em muốn nói gì với những người này?
Chấp nhận mọi ý kiến của học sinh.
Bước 5 - Giáo viên nói: “Có một câu khẩu hiệu là: Tay dùng để ôm ấp, chứ không phải để xô đẩy nhau”. Hỏi:
- Các em có thể nghĩ ra những câu khẩu hiệu khác về lợi ích của đôi tay không? (đưa ra một hoặc hai ví dụ nếu học sinh chưa nghĩ ra, chẳng hạn: tay dùng để trao tặng chứ không phải để giành giật. Tay dùng để nắm lấy nhau chứ không phải để làm đau nhau. Hãy sáng tác những câu khẩu hiệu có tính hài hước).
- Các em có thể nghĩ ra một câu khẩu hiệu nào để nói với một ai đó đang quấy rầy em không?
Bình luận: “Mọi người cần biết rằng làm tổn thương người khác không phải là điều đúng đắn”. Hãy viết lại những ý kiến của học sinh và lưu chúng lại trên bảng để dùng cho bài học khác. Hỏi:
- Có em nào nghĩ ra thêm một khẩu hiệu khác về hòa bình không?
Bước 6 - Hoạt động: đề nghị học sinh làm một tấm áp phích về hòa bình. Ví dụ: hình ảnh những cánh tay nối liền nhau, một khẩu súng biến thành chim bồ câu, những cánh tay của học sinh bao quanh hình ảnh đất nước v.v.
Bước 7 - Giáo viên cho các em trình bày tấm áp phích của mình trước cả lớp, sau đó cho từng nhóm dán sản phẩm của mình lên tường, xung quanh lớp học.
Bước 8 - Kết thúc với Bài thực hành thư giãn Ngôi sao Bình yên.
Bài học 13: Những khẩu hiệu về hòa bình
Bước 1 - Giáo viên cùng các em hát một bài hát về hòa bình để bắt đầu buổi học.
Bước 2 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau:
- Hòa bình phải bắt đầu từ mỗi chúng ta. Bằng cách giữ yên lặng và nghiêm túc suy nghĩ về ý nghĩa của hòa bình, chúng ta có thể khám phá ra những phương cách làm gia tăng sự thông hiểu, tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.
- Ngài Javier Perez de Cuellar, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Bước 3 - Hoạt động: Hỏi học sinh xem các em có nghĩ ra những câu khẩu hiệu nào về hòa bình không. Cung cấp vật dụng để các em vẽ những khẩu hiệu về hòa bình này trên giấy. Ban đầu, tác phẩm của học sinh có thể dùng để trang trí phòng học. Sau đó, khi có sinh hoạt chung trong toàn trường, những tấm áp phích và khẩu hiệu này có thể được chuyển đến hội trường hay phòng họp rộng hơn.
Bước 4 - Ngắm nhìn những khẩu hiệu về hòa bình treo quanh lớp học.
Bước 5 - kết thúc bài học bằng một bài thực hành thư giãn.
Bài học 14: Hồi tưởng về chiến tranh
Bước 1 - Lựa chọn nội dung thảo luận: giáo viên ở trường West kidlington – anh quốc đã dùng chùm thơ về chiến tranh Ngày tưởng nhớ để làm đề tài thảo luận. Chọn những bài liên quan đến chương trình dạy học của bạn.
Bước 2 - Thảo luận: Ngôn ngữ và cảm xúc trong các bài thơ đó - hay bất cứ nội dung nào mà bạn đã chọn.
Bước 3 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Nguyên nhân dẫn đến chiến tranh là gì? (thông thường do ham muốn quyền lực, của cải và đất đai).
- Khi có chiến tranh, điều gì xảy đến với mọi người?
- Tìm những đất nước đã từng trải qua đau thương vì chiến tranh trên bản đồ thế giới. (đối với những học sinh nhỏ tuổi, chỉ cần tìm 2 nước; các em lớn hơn sẽ tìm nhiều nước hơn).
- Khi những người khác đánh nhau, em cảm thấy thế nào?
- Hòa bình trên đất nước em có ý nghĩa như thế nào đối với em?
Bước 4 - Hoạt động: Sáng tác một bài thơ theo bất cứ thể loại nào để nói lên những suy nghĩ của em về chiến tranh và/hoặc về hòa bình.
Bước 5 - Giáo viên yêu cầu một vài em chia sẻ bài thơ của mình với cả lớp.
- Đóng góp của Trường West Kidlington
Hướng dẫn dành cho giáo viên trước khi thực hiện bài 15
Giải quyết bất hòa
Nếu như các em học sinh không giải quyết được bất hòa một cách tốt nhất thì cần xem xét sử dụng các phương pháp giải quyết bất hòa cho cả lớp hoặc cho toàn trường. Các bài học về phương pháp giải quyết bất hòa đều đơn giản và trên thực tế đã giúp các em học sinh phát triển được kỹ năng giao tiếp tốt, một điều rất hữu ích cho các em trong cuộc sống. Ở một số trường học, các em đóng vai trò là người hòa giải những mâu thuẫn, xích mích hay hiểu lầm giữa bạn bè của mình trong thời gian giải lao hay giờ chơi. Những học sinh này thường thắt khăn, đội mũ hoặc đeo băng tay có dấu hiệu đặc biệt để xác định vai trò của mình.
Quy trình giải quyết bất hòa: trước hết, những học sinh đang có mâu thuẫn được người hòa giải hỏi xem các em có muốn được giúp đỡ để giải hòa hay không? Nếu các em đồng ý, một hoặc cả hai người hòa giải sẽ ngồi cùng với hai em này. Mỗi người hòa giải ngồi cạnh một em. Nếu hai người hòa giải cùng làm việc với nhau thì sẽ thuận lợi hơn vì họ có thể hỗ trợ tinh thần lẫn nhau. Trường hợp một hoặc cả hai em nói rằng chúng không muốn được giúp đỡ, chúng không muốn nghe hay nói chuyện, thì hai học sinh này sẽ được đưa đến văn phòng cho thầy giám sát, hoặc cho người phụ trách kỷ luật của nhà trường để xử lý.
“Người giải quyết xung đột” hay “bạn hòa giải” cần luôn có mặt để giúp các học sinh giải quyết bất hòa. Những người này lắng nghe các câu trả lời của hai bên bất hòa và hướng dẫn các em lắng nghe ý kiến của nhau mà không ngắt lời. Bạn hòa giải khích lệ các bên lắng nghe bên kia một cách chăm chú mà không được ngắt lời, rồi lặp lại cho bên kia những gì mà mình đã nghe bên kia nói. Công việc của người hòa giải là trân trọng các kỹ năng lắng nghe và giải quyết vấn đề của hai bên tranh cãi, cũng như không thiên vị hay ngả về bên nào. Người hòa giải không trách mắng, buộc tội, răn dạy hay phán xử. Họ có mặt để giúp các em giải hòa. Hãy cẩn thận tránh để chính mình rơi vào cuộc tranh luận, đấu khẩu của hai bên!
- Người hòa giải bắt đầu với em học sinh trông có vẻ bực tức hơn, yêu cầu em này kể lại chuyện gì đã xảy ra.
- Yêu cầu em kia lắng nghe và lặp lại những gì mà em đã nghe thấy (không phản đối, tranh cãi hay buộc tội, chỉ đơn giản là nhắc lại).
- Đến lượt em này với cùng một câu hỏi – chuyện gì đã xảy ra, em đầu tiên phải lắng nghe cẩn thận và lặp lại.
- Câu hỏi tiếp theo cho mỗi em: Khi đó em cảm thấy thế nào?
- Một lần nữa, mỗi em lắng nghe và lặp lại điều bên kia nói.
- Bước tiếp theo, hỏi: các em có muốn chấm dứt những chuyện đã xảy ra không.
- Sau khi mỗi em trả lời và lặp lại điều bên kia nói, tiếp tục hỏi: thay vào đó, các em muốn điều gì xảy ra.
- Sau đó hỏi các em xem liệu chúng có đồng ý làm những điều bên kia đã đề nghị hay không.
- Nếu các em không hài lòng với lời đề nghị đó, hãy yêu cầu các em tìm cách giải quyết khác.
- Sau đó, hỏi xem các em có chịu cam kết sẽ cố gắng cư xử theo cách mà cả hai đã cùng đồng ý không.
- Khi cả hai em đồng ý cư xử theo cách mới này, người hòa giải khen ngợi hai em và đề nghị các em quay về lại lớp học.
Khởi động việc giải quyết bất hòa trong trường học: tất cả các học sinh đều được dạy cùng một cách thức hòa giải. Hướng dẫn cách thức, minh họa cho các em, rồi hướng dẫn các em thực hành. Một hướng dẫn viên có thể đi đến các lớp để tiến hành huấn luyện, hoặc có thể tập huấn cho các giáo viên cách thực hiện trong khóa đào tạo dành cho giáo viên. dán cách thức hòa giải hoặc các câu hỏi về cách giải quyết bất hòa trong từng lớp học. Những câu hỏi này nằm trong phần tóm tắt dưới đây cũng như trong phần Phụ lục (Phụ lục 3).
Người hòa giải có thể mang theo bảng câu hỏi ra sân chơi và cũng có thể ghi chép lại trong quá trình hòa giải. Cho tất cả mọi học sinh biết rằng nếu các em có bất hòa trên sân chơi, các em có thể tìm bạn hòa giải, hoặc các em khác có thể gọi người hòa giải đến giải quyết. Nhằm giúp các em chủ động hơn trong quá trình này, có thể mở một cuộc thi đặt tên mới cho người hòa giải. Có thể gợi ý những tên gọi như: sứ giả hòa bình, ngôi sao... Các em được đề xuất các tên gọi để toàn trường tiến hành bình chọn.
Phương pháp giải quyết bất hòa có tác dụng rất tốt trong việc dạy cho học sinh cách hòa giải những bất đồng và các vụ gây gổ, đánh nhau. Các nhóm học sinh có thể luân phiên nhau đóng vai trò người hòa giải. Thầy cô cần nhận xét một cách tích cực về lòng can đảm và phẩm chất của những em đảm nhận vai trò làm người hòa giải và của cả những em mong muốn nói chuyện và lắng nghe để giúp giải quyết vấn đề.
Quá trình giải quyết bất hòa: Tóm tắt các bước:
Người hòa giải hỏi từng học sinh: Em có sẵn lòng làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp không? Nếu câu trả lời là “Có”, thì sẽ tiếp tục.
Lần lượt hỏi từng học sinh một câu hỏi và chờ câu trả lời của em đó. Em còn lại lắng nghe và lặp lại câu trả lời của bạn.
Hãy nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra?
Em cảm thấy thế nào khi điều đó xảy ra?
Em muốn chuyện gì dừng lại?
Thay vào đó, em muốn bạn kia nên làm gì?
Em có thể làm điều đó không?
Em có thể cam kết sẽ cố gắng cư xử theo cách mà cả hai cùng đồng ý không?
Khen ngợi các em về các phẩm chất mà các em đã thể hiện trong quá trình đi đến hòa bình này.
Bài học 15: Giải quyết bất hòa
Phần chuẩn bị dành cho giáo viên: Nắm vững các thông tin ở phần trên và liệt kê 6 câu hỏi được dùng trong quá trình giải quyết bất hòa lên giấy khổ lớn hoặc lên bảng.
Các em có sẵn lòng làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp không?
Từng em phải sẵn sàng LẮNG NGHE và nhắc lại những điều em kia nói.
Hãy nói cho thầy/cô biết chuyện gì đã xảy ra?
Em cảm thấy thế nào khi điều đó xảy ra?
Em muốn chuyện gì dừng lại?
Thay vào đó, em muốn bạn kia nên làm gì?
Em có thể làm được điều đó không?
Em có cam kết sẽ cố gắng cư xử theo cách mà cả hai đều đã đồng ý không?
Bước 1 - Hãy bắt đầu bài học bằng một bài hát về hòa bình.
Bước 2 - Giáo viên hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra trên thế giới nếu như mọi người đều học được cách đối thoại và giải quyết vấn đề thay vì đánh nhau?”.
Chấp nhận tất cả các câu trả lời.
Bước 3 - Giáo viên nói: “Mọi người trên khắp thế giới đều học hỏi về cách giải quyết bất hòa. Càng nhiều người học phương pháp này thì chúng ta càng có nhiều hy vọng cho hòa bình. Thầy/cô tin rằng mọi người đều có thể giải quyết những vấn đề của họ”.
Bước 4 - Giáo viên giới thiệu: “Hôm nay, chúng ta sẽ học một phương pháp giải quyết bất hòa. Sau đây là các bước”. Đi qua 6 bước mà bạn đã viết trên giấy khổ lớn hay trên bảng.
Quay lại câu hỏi đầu tiên và câu hỏi kế tiếp. Hỏi:
- Thiện chí sẵn lòng giải quyết bất hòa thực sự đóng vai trò rất quan trọng, có phải không? Tại sao vậy?
- Nếu em sẵn sàng giải quyết bất hòa, điều đó có nghĩa em cần phải là người thế nào? (Nếu học sinh không trả lời được những ý sau, hãy thêm vào: “Cần phải có lòng can đảm để giải quyết bất hòa. Điều đó có nghĩa là em tin rằng mình có đủ khả năng tìm ra cách giải quyết vấn đề này và em cũng tin rằng những người khác cũng có khả năng như vậy”).
Bước 5 - Giáo viên nói: Chúng ta hãy bắt đầu từ những bất hòa mà chúng ta biết. Hãy cùng nhau liệt kê chúng ra nhé:
- Các bạn ở lứa tuổi của các em thường xung đột, bất hòa với nhau vì những chuyện gì? Lắng nghe và ghi lại các câu trả lời.
(Ở những lớp lớn hơn, hãy nhờ các em ghi ra các câu trả lời lên bảng).
- Em cảm thấy thế nào khi _________ (một chuyện đã được nêu lên ở trên) xảy ra?
- Nếu là cảm xúc tức giận, hỏi: Cảm xúc nào nằm bên dưới cảm xúc tức giận đó?
- Em cảm thấy thế nào khi _________ (một chuyện khác đã được nêu ở trên) xảy ra?
- Nếu là cảm xúc tức giận, hỏi: Cảm xúc nào nằm bên dưới cảm xúc tức giận đó?
- Em muốn cảm thấy thế nào? Chấp nhận tất cả các câu trả lời. Hỏi các em xem có muốn cảm thấy mình có giá trị, được tôn trọng và yêu thương không (nếu các em chưa nêu ra những ý này).
Bước 6 - Làm mẫu: yêu cầu 2 em tình nguyện lên làm thử bài tập giải quyết bất hòa. Hãy để các em giả vờ như đang có bất hòa với nhau. Giáo viên hỏi từng em 6 câu hỏi ở trên và yêu cầu các em phải lắng nghe câu trả lời của nhau.
Lưu ý dành cho giáo viên: Hãy lắng nghe câu trả lời của học sinh một cách tích cực, hướng dẫn các em lắng nghe nhau và nhắc lại những điều người kia nói. Đánh giá cao việc lắng nghe và tìm ra giải pháp của các em. Nếu có học sinh nào đổ lỗi, ngắt lời hay trách móc, buộc tội em kia trong khi đối thoại, hãy nói: “Em hãy lắng nghe bạn ấy nói đi” hoặc “Em hãy trả lời câu hỏi đi” và nhắc lại câu hỏi sau một lần nữa: “Em cảm thấy thế nào khi điều đó xảy ra?”.
Bước 7 - Đề nghị thêm 2 học sinh khác tình nguyện lên làm mẫu quá trình giải quyết bất hòa một lần nữa. Cảm ơn các em và hỏi cả lớp xem có câu hỏi hay ý kiến gì không.
Bước 8 - Giáo viên có thể cho các em học một bài hát nhạc rap về hòa bình hoặc hát một bài các em biết.
Bước 9 - Kết thúc với một bài thực hành thư giãn.
Bài học 16: Chúng ta thích gì và không thích gì - Bên dưới cảm xúc tức giận
Bước 1 - Bắt đầu bằng một bài hát về hòa bình.
Bước 2 - Thảo luận:
Giáo viên nói: “Ngày hôm qua chúng ta đã thảo luận về những điều thường dẫn mọi người đi đến bất hòa, và chúng ta đã liệt kê những điều đó lên bảng. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét chúng khi đặt các câu hỏi trong quá trình giải quyết bất hòa”.
Bước 3 - Hãy chọn ra một điều trong danh sách trên, chẳng hạn như sỉ vả, làm nhục nhau và hỏi những câu sau:
- Em cảm thấy thế nào khi điều đó xảy ra? (Nếu câu trả lời là tức giận, hỏi tiếp: Cảm xúc nào thực sự nằm bên dưới cảm xúc tức giận đó?)
- Em muốn người khác (những người khác) chấm dứt hành động gì?
- Thay vào đó, em muốn người khác (những người khác) làm gì?
Bước 4 - Lặp lại quá trình như trên với vài điều khác trong danh sách trên.
Bước 5 - Giáo viên nói: “Con người vốn đơn giản. Khi chúng ta nổi giận, nghĩa là có sự tổn thương, hay sự sợ hãi, hay cảm giác bối rối nằm bên dưới cảm xúc tức giận đó. Sự tổn thương và sợ hãi xuất hiện trước tiên khi con người cảm thấy mình không có giá trị, hay không được tôn trọng, không được yêu thương. Một số người chịu đựng cảm giác bị tổn thương đó, còn một số người khác thì giải quyết nó bằng cách nổi giận”.
Bước 6 - Nhắc lại những điều bạn vừa nói và viết lên bảng các câu sau:
Bước 7 - Áp dụng khái niệm: yêu cầu học sinh cho ví dụ về những sự việc đã từng xảy ra hay về một dịp các em đã trải qua cảm giác trên khi có điều không hay xảy ra với mình. Nếu các em không nghĩ ra được ví dụ nào, hãy sử dụng những ví dụ từ danh sách các điều gây bất hòa đã lập ra trước đó.
Bước 8 - Hoạt động: Hướng dẫn các em chia thành cặp hoặc nhóm nhỏ. yêu cầu các em viết trên một trang giấy khổ to về những điều người khác không nên làm, hoặc những hành động mà các em thích ở người khác. Các em có thể sẽ cần thêm một buổi học nữa để hoàn thành tác phẩm của mình. Hỏi xem nếu các em muốn chia sẻ tác phẩm của mình với các bạn khác thì đừng ngần ngại mà hãy chia sẻ cùng nhau.
Bài học 17: Giải quyết bất hòa và lắng nghe
Bước 1 - Bắt đầu bằng một bài hát về hòa bình.
Bước 2 - Những học sinh tình nguyện có thể thực hiện quá trình giải quyết bất hòa một lần nữa.
Bước 3 - Thảo luận: giáo viên nói: “Một trong những điều quan trọng nhất khi giải quyết bất hòa là lắng nghe người khác và thật sự nghe thấy những điều họ cần nói”.
Bước 4 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Em cảm thấy thế nào khi em tìm cách nói chuyện với một người nào đó mà họ lại ngoảnh mặt đi chỗ khác?
Chấp nhận: “Đúng vậy, khi mọi người không lắng nghe và tỏ thái độ thô lỗ, vấn đề thường trở nên tồi tệ hơn”.
“Đôi khi mọi người làm những điều gây trở ngại cho việc giải quyết mâu thuẫn”. Hỏi: “Có ai muốn đoán thử xem đó là những điều gì không?”. Chấp nhận tất cả các câu trả lời của học sinh và thêm vào các ý sau đây nếu các em chưa nhắc đến:
- Đổ lỗi: Bạn đúng là trung tâm của mọi rắc rối.
- Phán xét: Bạn làm như vậy là sai rồi.
- Quở trách: Bạn đúng là người ngớ ngẩn. Có vậy thôi mà cũng làm không xong!
- Ngắt lời: Ôi có vậy thôi, mà đã...
- Buộc tội: Tại bạn khó tính quá. Đáng đời bạn lắm!
- Giảng đạo đức: Ngày nào đó bạn sẽ hiểu. Tôi đã từng_________ và điều tôi học hỏi từ chuyện ấy là_________ Giờ bạn cần phải kiên nhẫn và có thái độ tôn trọng!
- Thương hại: Thật tội nghiệp bạn. Sao những chuyện xui xẻo cứ xảy ra cho bạn liên tục vậy!
- Không chú tâm: Thôi, nghĩ chuyện khác đi.
- Không coi trọng vấn đề: Ôi, có gì đâu mà bạn phải sợ. Nhìn mình này!
- Cho lời khuyên: Bạn phải làm thế này. Bạn nên làm thế kia.
Bước 5 - Giải thích: “Để lắng nghe một cách hiệu quả, ta cần làm hai việc”:
1. Thật sự chú ý đến những điều mà bạn kia đang nói.
2. Cho bạn ấy biết rằng em hiểu những gì mà bạn ấy nói.
Bước 6 - Hoạt động lắng nghe: Chia thành các nhóm nhỏ 3 người. Đề nghị các em lần lượt đếm thứ tự 1, 2 và 3 theo nhóm của mình. Vòng 1: Người mang số 1 sẽ đóng vai “Người nói”, người mang số 2 là “Người nghe”, và người mang số 3 là “Người quan sát”. Những vai trò này sẽ luân phiên thay đổi qua các vòng như sau:
Bước 7 - Phân vai
a) mỗi người đóng vai trò “Người nói” trong từng vòng 1, 2, 3 sẽ có 1 phút để chia sẻ một điều tích cực đã từng xảy ra với họ.
b) Lặp lại quá trình lắng nghe một lần nữa, nhưng lần này đề nghị “Người nói” chia sẻ trong vòng 1 phút điều gì là quan trọng đối với họ hay điều gì làm cho họ cảm thấy bình an.
c) tiếp tục thực hiện thêm một vòng nữa, đề nghị mỗi “Người nói” cũng có 1 phút chia sẻ một điều gì đó mà họ cảm thấy bực tức hoặc buồn phiền về nó. (Nếu không có đủ thời gian, hãy tiếp tục bài tập này trong giờ học tiếp theo).
Ghi chú:
Người lắng nghe: trong mỗi vòng, “Người nghe” cần được khuyến khích lắng nghe, thỉnh thoảng phản hồi lại những cảm xúc hay cảm giác của “Người nói” hoặc nhắc lại ý của “Người nói” theo một cách khác.
Người quan sát: Có thể cho biết nhận xét của mình sau mỗi vòng.
Bước 8 - Giáo viên hỏi:
- Em cảm thấy thế nào khi có ai đó thực sự lắng nghe em?
- Có em nào nhận thấy rằng cơn giận của một người sẽ tự động lắng xuống khi người đó được lắng nghe một cách chân thành không?
Giáo viên nói: “Lắng nghe chân thành là cách thể hiện sự tôn trọng. Người biết lắng nghe người khác là người biết tôn trọng bản thân”.
Bước 9 - Kết thúc với bài thực hành thư giãn.
Bài tùy chọn: Họp nhóm Hòa bình và/hoặc Câu lạc bộ Hòa bình
Việc họp nhóm Hòa bình có thể diễn ra đều đặn mỗi ngày một lần hay mỗi tuần một lần. Học sinh cùng với thầy cô giáo kể lại những hoạt động góp phần cho hòa bình mà mọi người đã thấy trong ngày hay trong cả tuần. Việc họp nhóm này cũng là một ý tưởng tuyệt vời nếu trong lớp có bất hòa, hoặc khi các em học sinh đến lớp với mâu thuẫn chưa được giải quyết. Khi đó có thể tiến hành ngay một cuộc họp nhóm Hòa bình. Thầy cô giáo nên đóng vai trò là người hòa giải cho một mâu thuẫn đang xảy ra trong lớp học. Đối với một số giáo viên, việc làm này dường như sẽ chiếm mất thời gian giảng dạy của họ, tuy nhiên, hầu hết các thầy cô đã thử qua phương pháp này báo cáo lại rằng việc giải quyết bất hòa đã tiết kiệm cho họ nhiều thời gian. Qua đó, các em học sinh hiểu được rằng những mối bất hòa thật sự đều có thể được giải quyết. Ngoài ra, thầy cô cũng thể hiện cho các em thấy hòa bình là điều quan trọng đối với bản thân thầy cô cũng như cảm xúc của học sinh. Khi có sự hòa hợp, mọi người sẽ dễ dàng thấu hiểu, chia sẻ với nhau và thể hiện được hết khả năng của mình.
Các em học sinh và người thầy/cô sẵn lòng làm người hòa giải/ cố vấn có thể lập một Câu lạc bộ Hòa bình. Các em có thể sáng tạo ra những hoạt động của riêng mình. Những bạn làm công tác hòa giải có thể tiếp tục cải tiến và thực hành phương pháp hòa giải dưới sự giúp đỡ của cố vấn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm với những người làm công tác hòa giải khác. Các thành viên của Câu lạc bộ Hòa bình có thể tổ chức những buổi họp, diễn kịch, sáng tạo những thông điệp hòa bình, ghi nhận và trao các giải thưởng Hòa bình.
Bài học 18: Giải quyết bất hòa – Các bạn cùng tuổi trong vai trò người hòa giải
Bước 1 - Bắt đầu bằng một bài hát về hòa bình.
Bước 2 - Thảo luận điểm suy ngẫm:
- Hòa bình bắt đầu từ mỗi chúng ta.
- Để sống trong bình an, ta cần có tình thương yêu và sức mạnh từ nội tâm.
Bước 3 - Hoạt động: đề nghị 4 em học sinh tình nguyện lên biểu diễn một quá trình giải quyết bất hòa. Hai em đóng vai người hòa giải và 2 em kia giả vờ như đang bất hòa với nhau. Các bạn hòa giải sẽ thay thầy cô đưa ra 6 câu hỏi và giúp các em còn lại giải hòa với nhau. Đề nghị mỗi bạn hòa giải ngồi cạnh một trong hai học sinh có bất hòa. Sau khi biểu diễn xong lượt đầu, đề nghị 4 em này đổi vai cho nhau.
Chú ý: Các bạn đóng vai trò là người hòa giải có thể sử dụng mẫu hướng dẫn giải quyết bất hòa, ở phần Phụ lục 3.
Bước 4 - Tập làm thơ tương phản: Nếu còn thời gian, thầy cô có thể đề nghị các em nghĩ nhanh ra các từ ngữ có liên quan đến hoạt động ở trên. Các em có thể tra từ điển để tìm các từ đồng nghĩa và trái nghĩa. rồi cho các em sáng tác thơ theo nhóm hoặc từng em một. Chủ đề thơ nói về sự thay đổi cảm xúc khi mối bất hòa được giải quyết. Ví dụ như:
Nổi giận,
Quyết sống mái,
Mắt quắc lên, họng như thít lại.
Tay nắm chặt,
Chỉ chực xông vào.
Mắt nhìn nhau,
Lệ lăn dài trên má nóng bừng,
“Tớ xin lỗi”
“Mình cũng vậy”
Ta làm hòa nhé.
- Đóng góp của Ruth Liddle
Bước 5 - Bài tập về nhà: đề nghị các em phỏng vấn một số người lớn trong vài ngày kế tiếp. Xem các bài tập dưới đây.
Bài học 19 & 20: Các cuộc phỏng vấn
Bước 1 - Bắt đầu bằng một bài hát về hòa bình.
Bước 2 - Hoạt động dành cho học sinh 8 - 11 tuổi: trong vài ngày tới, yêu cầu các em hãy phỏng vấn hai người lớn để tìm hiểu xem hòa bình có ý nghĩa gì đối với họ và họ làm thế nào để tìm thấy bình yên trong cuộc sống. Hãy bắt đầu bằng cách đề nghị mỗi người hoàn thành các câu dưới đây cho em:
Hòa bình là ______________
Nếu tôi muốn cảm thấy thư thái và bình yên, tôi sẽ ______________
Nơi bình yên nhất mà tôi có thể nhớ là ______________
Bước 2 - Hoạt động dành cho học sinh 12 - 14 tuổi: thu thập thông tin từ truyền hình, đài phát thanh, hoặc qua báo chí về một số cuộc chiến tranh. Nói chuyện với người lớn về những nguyên nhân khiến chiến tranh xảy ra. Tự hỏi bản thân xem liệu có lựa chọn nào khác thay vì chiến tranh hay không? Viết lại những suy nghĩ của em. rồi đặt tiếp câu hỏi này với ít nhất 2 người lớn và ghi lại những gì họ nói.
Bước 3 - Đề nghị các em chia sẻ kết quả phỏng vấn của mình với các bạn trong lớp.
- Đóng góp của Ruth Liddle
Bài học 21: Màu sắc của hòa bình, màu sắc của giận dữ
Bước 1 - Chọn nội dung chủ đề: Ngày Cựu chiến binh hoặc một sự kiện liên quan đến tình trạng bạo lực nào đó mà các em học sinh đều biết hoặc đều đang quan tâm.
Bước 2 - Thảo luận: Hãy nói về nội dung chủ đề. Hỏi học sinh các câu hỏi sau và sau đó có thể chia sẻ suy nghĩ của bạn.
- Những cảm xúc có thể leo thang như thế nào để những bực tức nhỏ trở thành lớn và vượt ra ngoài tầm kiểm soát?
- Làm thế nào để chúng ta kiểm soát được những cảm xúc tức giận và thay thế chúng bằng những cảm xúc điềm tĩnh, hay ôn hòa hơn? (bằng sự giúp đỡ của bạn bè, vv.)
- Việc giữ hòa bình với bản thân và với bạn bè giúp chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc hơn như thế nào?
Bước 3 - Hoạt động: Vẽ hay sơn màu các hình thù và màu sắc thể hiện hòa bình trên một nửa tờ giấy và thể hiện sự giận dữ trên nửa kia.
- Đóng góp của Linda Heppenstall
Bài học 22: Các tình huống tương phản và giải pháp
Bước 1 - Bắt đầu bằng một bài thực hành thư giãn.
Bước 2 - Thảo luận các điểm suy ngẫm:
- Hòa bình bắt đầu từ mỗi chúng ta.
- Nếu như mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình.
Bước 3 - Giáo viên hỏi:
- Điều gì khiến cho những cảm xúc tiêu cực cứ tiếp tục lớn dần?
- Những kiểu suy nghĩ nào khiến cho sự bất hòa tồn tại?
- Điều gì làm cho bình an lớn mạnh?
- Những suy nghĩ nào giúp gia tăng sự bình yên?
Bước 4 - Sáng tác các câu chuyện khác nhau. Đề nghị các em bắt đầu từ một tình huống hòa bình chuyển sang một tình huống tiêu cực. Sau đó, bắt đầu từ một tình huống tiêu cực chuyển sang tình huống tích cực. Tìm ra những giải pháp để chuyển hóa hoặc giải quyết các tình huống tiêu cực. Nếu muốn, cả lớp có thể làm một cuốn sách tham khảo ghi lại các giải pháp mà các em đã tìm ra. Tiếp tục bổ sung các giải pháp.
Bước 5 - Hoạt động dành cho học sinh 8 - 10 tuổi: kể chuyện “tiếp sức”, tức là các em tự sáng tác ra câu chuyện, một em bắt đầu câu chuyện bằng cách kể một hoặc hai câu, các em tiếp theo lần lượt kể thêm vào.
Bước 6 - Hoạt động dành cho học sinh 11 - 14 tuổi: tùy theo thời gian, các em có thể kể chuyện “tiếp sức” như trên, hoặc các nhóm nhỏ có thể sáng tác và biểu diễn một vở kịch. Sau mỗi màn diễn, đề nghị các em nhận xét xem những động tác/cử chỉ nào thể hiện sự tiêu cực hay tính hung hăng, những động tác/cử chỉ nào diễn tả sự bình yên, ôn hòa.
- Đóng góp của Sabine Levy và Pilar Quera Colomina
Bài học 23: Những người anh hùng vì hòa bình
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: để sống trong bình an, ta cần có tình thương yêu và sức mạnh từ nội tâm.
Bước 2 - Hoạt động dành cho học sinh 8 - 11 tuổi: Sáng tác một câu chuyện về Người anh hùng vì Hòa bình. Chia lớp thành những nhóm nhỏ. Cho phép các em đọc câu chuyện của mình cho các bạn khác nghe. Sau đó cả lớp quyết định câu chuyện nào các em muốn trình bày trước lớp.
- Đóng góp của Marcia Marie Lins de Medeiros
Bước 3 - Hoạt động dành cho học sinh 12 - 14 tuổi: tìm hiểu những nhân vật anh hùng vì hòa bình của Việt Nam. Viết một vở kịch ngắn về những anh hùng này hoặc chia sẻ những điều bạn thích về niềm tin và phương pháp đấu tranh của họ.
Bài học 24: Cùng vẽ chung bức tranh
Bước 1 - Hát một bài hát về hòa bình.
Bước 2 - Thảo luận: Hỏi xem các em thích điều gì ở bài học về hòa bình và các em đã học được gì? Ngắm các tác phẩm treo quanh lớp và các tác phẩm khác của các em.
Bước 3 - Hoạt động dành cho học sinh 8 - 10 tuổi: thảo luận xem các em muốn đưa gì vào bức tranh cùng vẽ chung - biểu tượng của hòa bình, ngôi sao hòa bình, hình ảnh về một thế giới hòa bình? Phát cho các em một tờ giấy màu dài, các hộp màu nhỏ và cọ vẽ. Mở nhạc êm dịu. Khi các em đứng gần nhau, các em có thể vẽ những họa tiết nhỏ theo ý mình. Khi nhạc dừng, mỗi học sinh dịch sang bên trái (hoặc phải) một bước.
- Đóng góp của Linda Heppenstall
Bước 4 - Hoạt động dành cho học sinh 11 - 14 tuổi: Chia cả lớp ra thành 5 nhóm. Mỗi nhóm chịu trách nhiệm vẽ về: bầu trời, trái đất, nhà cửa, con người và các loài vật. Phát cho các em một tờ giấy dài cùng với đủ màu nước và cọ vẽ cho 2 nhóm sử dụng. Mở nhạc êm dịu và bắt đầu đọc bài thực hành tưởng tượng Hình dung về một Thế giới Hòa bình ở bài 1. Bắt đầu đọc thật chậm. Mỗi nhóm lần lượt đứng lên và vẽ phần tranh của nhóm mình. Mỗi nhóm có thể đề nghị một thành viên trong nhóm bổ sung những hình dung của em đó về một thế giới Hòa bình khi mô tả bức tranh nhóm đang vẽ. Cần làm cho mỗi người tham gia cảm thấy vui sướng và thoải mái khi nghe nhạc và có được cảm giác bình yên. (Hoạt động này nhằm đem lại cho các em sự trải nghiệm, chứ không chú trọng đến việc tạo ra một bức tranh nghệ thuật trau chuốt!).
Hoạt động tùy chọn: Những hoạt động bổ sung cho bài học Hòa bình
Bước 1 - Giáo viên cho cả lớp cùng múa điệu múa về hòa bình. Các em có thể múa đơn lẻ hoặc tập thể với phần nhạc nền êm dịu hay một bài hát có lời nhẹ nhàng về hòa bình. Một trong những điệu múa tập thể là điệu múa hài hòa: Hai em đứng hai đầu lớp, thay phiên nhau làm người dẫn dắt và cả lớp sẽ múa theo.
Bước 2 - Giáo viên cho các em viết ra những lời khuyến nghị của mình cho người lớn trên toàn thế giới.
Bước 3 - Các em cùng tập hợp các khuyến nghị này thành một cuốn sách để cho những người lớn đến thăm lớp học có thể đọc.
Hoạt động hòa bình bổ sung dành cho học sinh 8 - 11 tuổi
Trò chơi Chim câu Hòa bình
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Hòa bình bắt đầu từ mỗi chúng ta.
Bước 2 - Hoạt động: tạo ra các ô vuông cho trò chơi. Trò chơi Chim câu Hòa bình xuất phát từ tây Ban Nha, còn được gọi là trò chơi con Ngỗng. Bàn trò chơi của tây Ban Nha có nhiều ô vuông nhỏ được sắp xếp theo hình xoắn ốc. Mỗi nhóm nhỏ học sinh có thể làm bảng trò chơi vuông như một bàn cờ, rồi các em vẽ hình lên trên những mảnh giấy nhỏ, sau đó dán lên một tờ giấy bìa to hơn để tạo ra một hình xoắn ốc. Hoặc mỗi thành viên trong lớp có thể làm một hình vuông, rồi sau đó đặt các hình vuông lên sàn lớp học hoặc bên ngoài lớp theo một hình xoắn trôn ốc khổng lồ. Với bàn cờ nhỏ, các em sẽ dùng xúc xắc và các quân cờ để chơi. Với bàn cờ khổng lồ, các em cũng dùng xúc xắc nhưng sẽ đứng cạnh các ô vuông trên sân trong quá trình chơi cho đến khi kết thúc.
Bước 3 - Thảo luận: yêu cầu học sinh suy nghĩ về những hình vẽ mà các em muốn dùng trong trò chơi này. Cần phải có hình những con chim câu hòa bình cũng như các biểu tượng khác về hòa bình. Trong 5 hình nhất thiết phải có hình chim câu hòa bình, cụ thể hơn là cứ cách 4 hình, đến hình thứ 5 là hình chim câu hòa bình. Hai hình khác vẽ về những thứ phá hoại hòa bình. Đối với các hình này, yêu cầu các em vẽ về những gì mà các em không thích người khác làm. Sắp xếp những tấm hình này lại sao cho ô vuông thứ 10, 15, 20... cũng là chim câu hòa bình. Tấm hình cuối cùng phải vẽ về một thế giới hoàn toàn hòa bình.
Bước 4 - Luật chơi: Em chơi sẽ ném xúc xắc để di chuyển. Nếu đứng trên hình chim câu hòa bình, em nói: “Sứ giả hòa bình đến, mình cất cánh bay”, rồi chuyển đến hình chim câu kế tiếp (cách 5 ô). Nếu đứng trên ô vuông có hình về phá hoại hòa bình, em sẽ đưa ra một giải pháp. Chẳng hạn nếu đó là hình một người đang sỉ vả người khác, em có thể nói: “Mình không thích bạn làm điều đó; mình muốn bạn hãy chấm dứt việc này”. Hoặc nếu là hình của một kẻ ngồi lê đôi mách, em có thể nói: “Mình cảm thấy ___________ khi bạn nói về mình như vậy bởi vì ___________” (nêu cảm nhận của em về hành vi không hay của bạn và giải thích lý do). Khi học sinh nghĩ ra được giải pháp, em được quyền chuyển đến ô vuông hòa bình tiếp theo. Trò chơi kết thúc khi tất cả mọi người đi đến được ô vuông cuối cùng về một thế giới hòa bình. Cho phép các em được cổ vũ và giúp đỡ nhau. Thầy cô có thể khởi xướng cho cả lớp cùng vỗ tay khi tất cả các em đều đi đến được ô vuông cuối cùng.
- Phỏng theo hoạt động do Encarnación Royo Costa đóng góp
Bước 5 - Chơi trò Chim câu Hòa bình ở trên. Đầu tiên giải thích luật chơi, sau đó yêu cầu các em tập các câu trả lời khi di chuyển đến các ô Chim câu hay ô phá hoại hòa bình. Sau đó, đề nghị các em bắt đầu trò chơi.
Bước 6 - kết thúc bằng một bài hát về hòa bình.
Bài học Hòa bình bổ sung dành cho học sinh 12 - 14 tuổi
Các biểu tượng của hòa bình trên thế giới
Bước 1 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Biểu tượng của hòa bình ở các nơi khác nhau trên thế giới là gì?
- Hòa bình được thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật như thế nào?
- Các tổ chức quốc tế lớn làm gì cho hòa bình trên thế giới?
Ghi chú: Sử dụng giáo án chuẩn của bạn để hướng dẫn học sinh khám phá về giá trị Hòa bình trong các môn học khác nhau.
Bước 2 - Giáo viên yêu cầu các em cùng tham gia tìm kiếm thông tin và chia sẻ với các bạn trong lớp. Các em cũng có thể viết một bài luận về đề tài này.
- Đóng góp của Sabine Levy và Pilar Quera Colomina.