NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ TÔN TRỌNG
-Sự tôn trọng đầu tiên phải là tôn trọng chính bản thân – phải biết rằng tôi sinh ra vốn dĩ đã có giá trị.
- Một phần của lòng tôn trọng đối với bản thân là biết được những phẩm chất của chính mình.
- Tôn trọng là biết rằng tôi độc đáo và có giá trị.
- Tôn trọng là biết rằng tôi đáng yêu và có năng lực.
- Tôn trọng là lắng nghe người khác.
- Tôn trọng là biết rằng những người khác cũng có giá trị.
- Tôn trọng bản thân là hạt giống để gieo trồng lòng tự tin.
- Khi có lòng tôn trọng đối với bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng tôn trọng những người khác.
- Những ai biết tôn trọng người khác sẽ được người khác tôn trọng lại.
- Biết giá trị của mình và trân trọng giá trị của người khác là cách để được tôn trọng.
- Mỗi người trên thế giới, bao gồm chính bản thân tôi, đều có quyền được tôn trọng và có phẩm giá.
- Một phần của sự tôn trọng là biết rằng tôi tạo nên sự khác biệt.
Mục đích: Suy ngẫm về lòng tôn trọng và trải nghiệm lòng tôn trọng đối với bản thân.
Các chủ điểm:
- Hướng dẫn các em nêu và thảo luận hai điểm suy ngẫm về lòng tôn trọng đối với bản thân.
- Nhớ lại những lúc các em có cảm giác tôn trọng bản thân.
- Xác định năm phẩm chất của bản thân.
- Thưởng thức bài thực hành thư giãn tôn trọng (nằm ở cuối học phần này) bằng cách thể hiện sự hài lòng khi ngồi lặng yên trong khi tập.
- Tạo một cái cây từ những phẩm chất và thành công của các em.
- Vẽ về chủ đề tôn trọng hoặc tham gia một bài múa diễn tả tôn trọng.
Mục đích: Tăng cường hiểu biết về lòng tôn trọng.
Các chủ điểm:
- Yêu cầu các em nêu ra và trình bày hai điểm suy ngẫm về lòng tôn trọng đối với người khác.
- Tham gia thảo luận về những cảm xúc khi mọi người thể hiện thái độ tôn trọng và không tôn trọng.
- Xác định cách mọi người thể hiện thái độ tôn trọng và không tôn trọng.
- Viết lời khuyên mọi người cách cư xử với nhau.
- Học một số câu chào hỏi hoặc lời nói lịch sự bằng những thứ tiếng khác.
- Xác định các cách thể hiện thái độ tôn trọng với người lớn.
- Viết một mẩu truyện ngắn hoặc một truyện tranh về thái độ tôn trọng môi trường.
Mục đích: Xây dựng những kỹ năng giao tiếp thể hiện lòng tôn trọng.
Các chủ điểm:
- Yêu cầu các em xác định 5 phẩm chất mà các em ngưỡng mộ ở người khác.
- Viết ra một phẩm chất tích cực của từng học sinh tham gia hoạt động “những phẩm chất của bạn”.
- Có thể đề ra một hành vi tôn trọng giúp giải quyết bất hòa qua một cuộc thảo luận để hòa giải xung đột.
- Học cách đáp lại những lời nói, hành vi thiếu tôn trọng từ phía người khác: “Tớ không thích bạn sỉ vả tớ, tớ muốn bạn đừng bao giờ lặp lại việc này thêm một lần nào nữa” hay một cách khác phù hợp với tình huống phát sinh.
- Đối với các em từ 10 tuổi trở lên, có thể điền vào chỗ trống để giải bài tập về kỹ năng giao tiếp sau: “Tớ cảm thấy... Khi bạn xúc phạm tớ bởi vì...”.
- Tỏ thái độ tôn trọng người khác bằng cách lắng nghe họ nói, biểu hiện bằng cách lắng nghe các bạn khác trong giờ thảo luận về các giá trị.
- Hiểu rằng mỗi người có thể tạo được sự khác biệt tích cực như thế nào qua câu chuyện của họ, hay qua một bài phỏng vấn.
- Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề qua việc thảo luận các giải pháp tế nhị trong những tấm thẻ tình huống.
CÁC BÀI HỌC VỀ TÔN TRỌNG
Bổ sung vào danh sách những điểm suy ngẫm trên các thành ngữ, tục ngữ từ kho tàng văn hóa Việt Nam, từ truyện cổ tích, hoặc trích dẫn lời nói của những người nổi tiếng và được kính trọng.
Hàng ngày, hãy hát một bài hát khi “giờ học về các giá trị” bắt đầu. Thầy cô giáo có thể dạy những bài dân ca hay yêu cầu các em mang đến lớp những bài hát có liên quan tới chủ đề này. Các em có thể tự nghĩ ra những điểm suy ngẫm riêng của mình hay các câu khẩu hiệu về tôn trọng.
Bài học 1: Những phẩm chất
Bước 1 - Giải thích với các em rằng trong vài tuần tới, trường hay lớp mình sẽ tìm hiểu về tôn trọng.
Bước 2 - Thảo luận:
- Em nào có thể nói cho thầy/cô về lòng tôn trọng?
- Tại sao thái độ tôn trọng lại quan trọng?
Bước 3 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau:
- Sự tôn trọng đầu tiên phải là tôn trọng bản thân – phải biết rằng tôi sinh ra vốn dĩ đã có giá trị.
- Một phần của lòng tôn trọng đối với bản thân là biết được những phẩm chất của chính mình.
Bước 4 - Giáo viên hỏi:
- Khi nào thì các em cảm thấy hài lòng về bản thân?
- Khi nào thì các em có cảm giác tôn trọng chính bản thân mình?
Ghi chú: Các em có thể sẽ nêu lên những việc cụ thể mà các em đã làm đem lại lợi ích cho người khác và đó cũng là khi các em cảm thấy hài lòng với chính mình. Hãy khẳng định với các em rằng khi chúng ta làm những việc tốt, chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng với chính bản thân mình. Các em cũng có thể đề cập đến những lúc các em trông xinh đẹp hay có món đồ mới. Hãy chấp nhận và tán đồng mọi câu trả lời.
Bước 5 - Hoạt động: Giáo viên nói: “Hôm nay chúng ta sẽ xem xét các giá trị cá nhân của chính chúng ta, những điều tốt đẹp về chúng ta. Tất cả chúng ta đều có nhiều điểm giống nhau, thế nhưng một trong những điểm vĩ đại nhất của nhân loại là mỗi người lại có tính cách riêng của mình. Mỗi người sinh ra là một kết hợp độc đáo của nhiều phẩm chất. Chúng ta hãy bắt đầu liệt kê những phẩm chất tốt đẹp mà con người có thể có”.
Bước 6 - Giáo viên hỏi:
- Những phẩm chất mà em ngưỡng mộ ở các bạn mình là gì?
- Hãy nghĩ về một người nào đó mà em ngưỡng mộ. Em ngưỡng mộ những phẩm chất nào của người đó?
- Hãy nghĩ về những người anh hùng của em. Em thích những phẩm chất nào của họ?
Giáo viên nói: “Người ta nói rằng phẩm chất mà bạn ngưỡng mộ ở người khác thật ra cũng chính là phẩm chất của bạn”.
Bước 7 - Thầy cô có thể hướng dẫn các em đào sâu suy nghĩ về những phẩm chất cá nhân ví dụ như thân mật, trung thành, dịu dàng, tốt bụng và tình thương yêu. Tùy theo vốn từ của học sinh, thầy cô có thể thêm vào những phẩm chất khác như sáng tạo, ngọt ngào, hóm hỉnh, dễ hợp tác, tự tin, khiêm tốn, trung thành, đáng tin cậy, cần cù, nhân ái, siêng năng, có khiếu nghệ thuật, rộng rãi, tiết kiệm, nhạy cảm, trìu mến, âu yếm, chăm sóc, quan tâm tới người khác, nhẫn nại, hoặc khoan dung. Hãy giữ lại danh sách những phẩm chất mà bạn và học sinh đã cùng liệt kê trên bảng.
Bước 8 - Yêu cầu các em suy nghĩ về những phẩm chất này và sau đó viết ra ít nhất năm phẩm chất mà các em biết là mình có.
Bước 9 - Giáo viên nói: “Bây giờ hãy viết ra những lần mà các em cảm thấy thực sự hài lòng về chính bản thân mình. Chỉ viết một dòng để nhắc nhớ các em về mỗi lần như thế. (Cho các em vài phút để viết ra). Bây giờ, thầy/cô muốn các em nghĩ về từng phẩm chất mà các em đã biểu hiện trong mỗi lần đó” (Cho các em thêm vài phút nữa). Hãy nêu một vài ví dụ nếu như các em cần hiểu rõ yêu cầu hơn, chẳng hạn: “Nếu các em nhớ có một lần mình đã giúp ai đó, các em có thể viết ra các phẩm chất như sự trìu mến, sự quan tâm hay tình thương yêu. Khi các em nhớ có lần mình đã trả lại một vật gì đó cho người mất, các em có thể viết phẩm chất đó là lòng trung thực”.
Bước 10 - Hướng dẫn các em bổ sung những phẩm chất này vào danh sách các phẩm chất mà các em đã liệt kê.
Bước 11 - Hoạt động cho học sinh 8 - 9 tuổi: Hướng dẫn các em vẽ một bức tranh về lúc mà các em cảm thấy mình trào dâng niềm tôn trọng. Các em có thể điền thêm những phẩm chất của mình vào bức tranh: “tôi..........”.
Bài học 2: Chuyện kể
Bước 1 - Đọc truyện “Cô báo nhỏ Lily” (xem phần Phụ lục 4) hay một câu chuyện khác mà bạn thích về lòng tự trọng cho những học sinh 8 - 9 tuổi nghe. Đối với những học sinh lớn hơn hãy chọn một câu chuyện khác trong kho tàng văn hóa Việt Nam hoặc trong chương trình học về đề tài tôn trọng hay không tôn trọng.
Bước 2 - Đề cập tới điểm suy ngẫm sau đây khi liên hệ đến câu chuyện: “Tôn trọng là biết rằng tôi độc đáo và có giá trị. Báo nhỏ Lily biết rằng mình độc đáo, nhưng ban đầu Lily lại không nhận thức được rằng nó có giá trị”.
Bước 3 - Thảo luận về câu chuyện đã đọc:
(ghi chú: giáo viên có thể sử dụng những mẫu câu hỏi sau cho những câu chuyện khác.)
- Tại sao đàn báo lại đối xử với Lily một cách thiếu tôn trọng? (Vì Lily trông khác với chúng).
- Lily cảm thấy như thế nào khi bị đối xử hẹp hòi như vậy?
- Những nhân vật trong truyện đã thể hiện thái độ thiếu tôn trọng như thế nào?
- Những nhân vật khác trong câu chuyện lẽ ra có thể biểu hiện lòng tôn trọng như thế nào?
- Những bạn cùng tuổi với các em đôi khi thể hiện thái độ thiếu tôn trọng như thế nào? Các bạn ấy đã làm những gì?
- Em cảm thấy như thế nào nếu điều đó xảy ra với chính em?
- Em cảm thấy như thế nào khi điều đó xảy ra với những người khác?
- Mọi người thể hiện lòng tôn trọng như thế nào?
- Tại sao mọi người đôi khi lại có thái độ thiếu tôn trọng?
Bước 4 - Nêu điều sau đây nếu các em chưa đề cập tới: “Đôi khi trẻ em tỏ ra thiếu tôn trọng vì các em không hiểu biết hết. Có thể đã có một người lớn nào đó từng đối xử thiếu tôn trọng với các em. Tuy nhiên, những kẻ không tôn trọng người khác cũng sẽ không có lòng tôn trọng thực sự đối với bản thân”.
Bước 5 - Giáo viên hãy nói: “Một trong những điểm suy ngẫm là: Người nào tôn trọng người khác thì cũng sẽ nhận được sự tôn trọng”. Hỏi:
- Các em có thể nêu một số ví dụ về việc này không?
- Em có thể đưa ra lời khuyên gì cho những người có thái độ thiếu tôn trọng người khác? Em muốn mọi người cư xử với nhau như thế nào?
Bước 6 - Hoạt động cho học sinh từ 8 – 11 tuổi: Hướng dẫn các em viết vài dòng khuyên mọi người cách cư xử với nhau. Các em có thể chia sẻ đoạn viết của mình với các bạn trong lớp. Các em bé hơn có thể dùng tranh vẽ để minh họa cho lời khuyên của mình nếu thích.
Bước 7 - Hoạt động cho học sinh từ 12 – 14 tuổi: thảo luận theo từng nhóm nhỏ về việc các em muốn mọi người cư xử với nhau như thế nào. Viết lời khuyên của các em trên một tờ giấy to và giới thiệu cho cả lớp cùng xem.
Bài học 3: Những phẩm chất của em
Bước 1 - Hãy bắt đầu bằng một bài hát.
Bước 2 - Hoạt động: Chú ý để danh sách các phẩm chất đã được liệt kê ở bài 1 được các em nhìn thấy rõ trên bảng hoặc trên tường. Phát cho mỗi em một tờ giấy. Đề nghị các em viết tên mình lên đầu trang. Học sinh cần chuyền cho nhau các tờ giấy này và mỗi em viết vào đó một phẩm chất mà em nhận thấy về người bạn có tên trên giấy. Cần phải chuyền tờ giấy này cho tất cả các bạn khác trong lớp trước khi nó quay trở về với chủ nhân của nó. Cho các em 1 phút để đọc danh sách các phẩm chất của mình trước khi tiếp tục bài học.
Ghi chú: giáo viên có thể mở nhạc nhẹ.
Bước 3 - giới thiệu một bài thực hành thư giãn/tập trung mới. Giáo viên nói: “Những bài thực hành thư giãn/tập trung là cách để ta tận hưởng và làm gia tăng cảm giác về lòng tôn trọng đối với bản thân. Bài thực hành chúng ta sắp làm hôm nay dùng hình ảnh tưởng tượng về một khu vườn. Sau này nếu muốn các em có thể tự tưởng tượng hình ảnh về một đại dương hay một hình ảnh khác”.
Bước 4 - Bài thực hành thư giãn về lòng tôn trọng - Tưởng tượng về một khu vườn
Ngồi một cách thoải mái và để cho cơ thể được thư giãn... Khi em hít thở sâu... Hãy để trí óc yên tĩnh và thanh thản... Hãy bắt đầu từ bàn chân, hãy để cho em tự thư giãn... Thư giãn hai chân... Thư giãn bụng... vai... cổ... Thư giãn mặt... Mũi... hai mắt... và trán... Để cho tâm trí yên lặng và thanh thản... Thở sâu... Tập trung vào sự bình yên... Trong đầu em hiện lên hình ảnh một bông hoa... Hãy hình dung mùi hương... Thưởng thức hương thơm của bông hoa đó... quan sát hình dáng và màu sắc của nó... Thưởng thức vẻ đẹp của nó... Mỗi người giống như một bông hoa... Mỗi người trong chúng ta đều độc đáo... Nhưng chúng ta cũng có nhiều điểm giống nhau... Hãy hình dung một khu vườn bao quanh em với rất nhiều loài hoa khác nhau... Tất cả chúng đều đẹp... Mỗi bông hoa có màu sắc riêng... Mỗi bông hoa có hương thơm riêng... Khoe những phẩm chất tốt nhất của mình... Một số bông hoa thì cao với cánh nhọn, một số có cánh tròn, có hoa to và cả hoa nhỏ... Một số hoa lại có nhiều màu sắc... Một số khác lại hấp dẫn chúng ta bởi vẻ giản dị của chúng... Mỗi người trong chúng ta đều giống như một bông hoa đẹp... hãy thưởng thức vẻ đẹp của từng bông... Mỗi người đều góp phần làm nên vẻ đẹp của khu vườn... Tất cả đều rất quan trọng... Chúng cùng nhau tạo nên vẻ đẹp của khu vườn... Mỗi một bông hoa đều tôn trọng chính bản thân nó... Khi biết tôn trọng bản thân, ta dễ dàng tôn trọng những người khác... Mỗi người đều có giá trị và độc đáo... Khi có lòng tôn trọng, ta nhìn thấy phẩm chất của những người khác... Nhận thức được những điều tốt đẹp trong mỗi con người... Mỗi người đều có một vai trò độc đáo... Mỗi người đều quan trọng... Hãy để sự tưởng tượng này mờ dần trong tâm trí em và đưa sự chú ý của em quay về lớp học.
- Đóng góp của Amadeo Dieste Castejon
Bước 5 - Thảo luận điểm suy ngẫm: tôn trọng bản thân là hạt giống để gieo trồng lòng tự tin.
Các bài học 4 đến 8: Các màu sắc của tôn trọng và thiếu tôn trọng
Tạo phong linh (chuông gió) của riêng em
Hàng ngày, hãy bắt đầu bài học bằng một bài hát.
Bài học 4
Bước 1 - thông báo cho cả lớp biết chúng ta sẽ tìm hiểu những tác động, ảnh hưởng của thái độ tôn trọng và thiếu tôn trọng. “Trong vài ngày tới chúng ta sẽ tiến hành thí nghiệm về lòng tôn trọng. Thầy/ cô sẽ phát cho một nửa lớp những dải băng màu xanh để đeo vào cánh tay của các em, và một nửa lớp còn lại sẽ đeo dải băng màu tím”. Nói với các em rằng trong thí nghiệm này một “chính phủ” (giả vờ) vừa tuyên bố rằng nhóm xanh là thành phần ưu tú. ưu tú có nghĩa là tốt nhất. Chính phủ nhận thấy rằng người nhóm xanh có thái độ thiếu tôn trọng đối với người thuộc nhóm tím. Trong một khoảng thời gian theo hạn định (có thể là 1 giờ học đối với trường trung học hoặc một nửa buổi sáng ở trường tiểu học), yêu cầu nhóm xanh chỉ tỏ thái độ tôn trọng những người thuộc nhóm xanh mà thôi, và tỏ ra thiếu tôn trọng (qua thái độ chứ không bằng lời nói) đối với những người nhóm tím. Vào cuối buổi, nhắc các em nhớ rằng hoạt động này chỉ nhằm mục đích khám phá chủ đề tôn trọng và không tôn trọng. Thông báo với các em là ngày mai “chính phủ” sẽ có thay đổi!
Bước 2 - Hoạt động: Cho học sinh làm “Phong linh của em” trong ba giờ học khi các em thực hiện bài tập “Những màu sắc của sự tôn trọng và thiếu tôn trọng”.
Phong linh của em
Giáo viên nói: “Một phần của việc học về lòng tôn trọng đối với bản thân là biết những phẩm chất của mình và hiểu chính mình.
Tuần này, bài tập thực hành môn nghệ thuật của lớp ta là làm một chiếc phong linh tượng trưng cho chính em. Các em có thể sáng tạo theo ý mình. Ở đây có dây, giấy, bút màu, giấy màu và các que nhỏ. Các em có thể mang đến lớp một số lon thiếc hay hộp bìa cứng để treo lên và trang trí chúng bằng giấy màu. Mỗi món đồ trên phong linh phải thể hiện một khía cạnh về em”.
Gợi ý một số nội dung ghi trên chiếc phong linh:
- Trò giải trí mà em yêu thích
- Những phẩm chất của em
- Gia đình em
- Điều em thích trong thiên nhiên
- Những con vật yêu thích của em
- Cách em trao tặng cho người khác
- Niềm tin của em
- Món ăn ưa thích của em
Liệt kê danh mục trên lên bảng.
Bước 3 - Giáo viên hỏi: “Có em nào muốn bổ sung lĩnh vực khác vào danh sách này không?”.
Bước 4 - Đọc lại danh sách trên. Đối với các học sinh bé hơn hãy đọc một cách chậm rãi để các em có thời gian suy nghĩ về câu trả lời của mình trong mỗi lĩnh vực. Đi vòng quanh xem các em làm, lắng nghe và tán thưởng tác phẩm của các em.
Ghi chú: Phong linh có thể được làm một cách dễ dàng bằng cách buộc hai chiếc que với nhau thành hình chữ X, sau đó treo các đồ vật vào đầu mút của các que đó theo các độ dài ngắn khác nhau.
Nếu muốn, các em có thể dùng ba chiếc que. Một sợi dây từ chính giữa - ở chỗ hai hoặc ba chiếc que được buộc vào với nhau - và treo lên trần nhà. Có thể dùng móc treo áo thay cho những chiếc que.
Bài học 5
Bước 1 - đảo ngược vai trò của các em trong buổi học tiếp theo, hoặc vào ngày hôm sau nếu bạn chỉ được phép dạy học sinh trong một tiết. “Bây giờ chính phủ vừa mới quyết định những người nhóm tím trở thành thành phần ưu tú”. Sau đó cho cả lớp thảo luận về những cảm xúc và nhận thức của các em.
Bước 2 - Thảo luận:
- Các em cảm thấy thế nào khi thuộc về thành phần ưu tú?
- Các em cảm thấy thế nào khi là “người không ưu tú”?
- Các em có thích một thế giới mà mỗi người đều tôn trọng người khác không?
- Khi đó thế giới sẽ đổi khác thế nào?
Bài học 6
Bước 1 - trong bài kế tiếp, phân phát những dải băng với đủ 7 màu sắc của cầu vồng. Bây giờ tất cả các em đều là những công chúa và hoàng tử đến từ nhiều vương quốc khác nhau. Đề nghị các em chào hỏi mọi người qua ánh mắt, thái độ và hành vi của mình. Thảo luận về những cảm xúc và nhận thức của các em.
Bước 2 - Vào cuối buổi học, thực hành bài thư giãn Ngôi sao Tôn trọng.
Bài thực hành thư giãn – Ngôi sao Tôn trọng
Hãy suy nghĩ về các ngôi sao... và hình dung chính chúng ta cũng giống các ngôi sao đó. Chúng thật đẹp trên bầu trời, chúng nhấp nháy và tỏa sáng... Chúng bình yên và thanh thản biết bao... rất tĩnh mịch... Hãy thư giãn ngón chân và chân... Thư giãn bụng... và vai... Thư giãn cánh tay... và khuôn mặt... Cảm giác thật an toàn... cho phép một ánh sáng bình yên dịu êm bao quanh em... Trong lòng em trông giống như một ngôi sao nhỏ đẹp đẽ... em thật đáng yêu và giỏi giang... em chính là em... Mỗi một người mang đến cho thế giới này những phẩm chất đặc biệt... em thật có giá trị... Em là ngôi sao của lòng tôn trọng... Hãy để mình tĩnh lặng và bình yên trong lòng... Tập trung... em đang tập trung... Đầy lòng tôn trọng... Thỏa mãn... Chậm rãi đưa tâm trí quay trở về lớp học.
Bài học 7
Bước 1 - Học sinh vẫn tiếp tục đeo những dải băng tay màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, hãy bảo các em rằng màu xanh da trời có nghĩa các em là những người được đào tạo tốt nhất, màu xanh lá cây có nghĩa các em là những chuyên gia chăm chỉ nhất, màu tím có nghĩa là các em có tính hài hước nhất... Kết thúc hoạt động bằng việc thảo luận.
Bước 2 - Nhóm này (cũng như toàn thể nhân loại) có điểm nào chung? (tất cả đều là con người và mỗi người đều có một thứ gì để trao tặng, ...).
Bước 3 - Hoạt động: yêu cầu mỗi em viết một đoạn văn ngắn về kinh nghiệm của mình. Các em cảm thấy thế nào khi bị đối xử thiếu tôn trọng, các em cảm thấy thế nào khi được tôn trọng, các em cảm thấy thế nào khi mỗi người đều là công chúa hay hoàng tử?
Bài học 8
Bước 1 - Hoạt động: yêu cầu các em làm thơ, sáng tác một bài hát, hay vẽ một bức tranh. Đề nghị các em diễn tả cảm xúc và phản ứng của mình về các nội dung trong bài học Các màu sắc của tôn trọng.
Bước 2 - Học sinh chia sẻ những điều này với các bạn trong lớp.
Bước 3 - Kết thúc phần này bằng Bài thực hành thư giãn về Tôn trọng.
Bài học 9: Những câu chuyện
Bước 1 - Hãy đọc những câu chuyện về những người đã học được cách tôn trọng bản thân hoặc về những người giữ được lòng tự trọng.
Bước 2 - Yêu cầu các em lớn hơn mang đến lớp những câu chuyện mà các em thích, gồm cả những câu chuyện có thật lấy từ báo chí. Hoặc các em có thể tìm hiểu những câu chuyện có thật về các vị anh hùng của Việt Nam.
Bài học 10: Những lời chào của thế giới
Bước 1 - Bắt đầu bằng bài thực hành thư giãn về Hòa bình.
Bước 2 - Giới thiệu: một cách để thể hiện lòng tôn trọng đối với người khác là học về văn hóa của họ và cách nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ. Hãy học cách chào hỏi với lòng tôn trọng của các nước trên thế giới.
Bước 3 - Hoạt động: tùy theo độ tuổi của học sinh và khả năng ngoại ngữ của cả lớp, hãy học một số câu chào hỏi và cách nói lịch sự bằng hai cho đến bốn thứ ngoại ngữ. Một số em trong lớp nếu đã được học các ngôn ngữ khác có thể chia sẻ. Các em cũng có thể chia sẻ những cử chỉ điệu bộ, hay điệu múa nước ngoài. Hãy tận hưởng niềm vui khi tham gia vào hoạt động này.
- Đóng góp của Dominique Ache
Bài học 11: Hai con chim
Bước 1 - Tập các câu chào hỏi và cách nói lịch sự bằng những thứ tiếng khác từ bài học trước.
Bước 2 - đọc câu chuyện: “Hai con chim” trong phần Phụ lục 5 hoặc một câu chuyện khác về một người đã tức giận vì ai đó có ý kiến khác biệt.
Bước 3 - Thảo luận:
- Tại sao con chim này lại tức giận?
- Con chim kia đã nói điều gì khiến cho tình huống càng trở nên tồi tệ hơn?
- Em đã bao giờ cảm thấy bị sỉ nhục chưa?
- Hai con chim đã tìm thấy gì? (mỗi con nhìn những chiếc lá từ góc riêng của nó, do đó thứ mà mỗi con thấy đều đúng theo cách nhìn của nó).
- Chúng ta có thể học được điều gì từ câu chuyện này?
- Những con chim này đã có thể phản ứng khác đi như thế nào để chúng không còn sẵn sàng lao vào đánh nhau nữa?
- Đóng góp của Sabina Levy và Pilar Quera Colomina
Bước 4 - Hoạt động: đề nghị sáu em học sinh xung phong lên trước lớp và đứng thành một hàng. Hãy đưa một chiếc bút chì cho em đầu tiên và yêu cầu em trao nó cho em kế tiếp và tiếp tục như vậy cho đến hết hàng. Sau đó, lại đưa bút chì cho em đầu tiên, yêu cầu tất cả các em trong hàng trao nó lại cho các bạn một cách trân trọng.
Bước 5 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Có sự khác biệt nào khi chiếc bút chì được trao một cách trân trọng không?
- Sự khác biệt đó là gì?
- Em có cảm thấy khác khi chiếc bút chì được trao cho em với thái độ tôn trọng không? Khác như thế nào?
Bài học 12: Các phương pháp chấm dứt bất hòa
Bước 1 - Bắt đầu bằng một bài hát.
Bước 2 - Sử dụng danh sách về những điều gây ra bất hòa mà thầy cô giáo và các em đã liệt kê trong bài học về Hòa bình số 15.
Bước 3 - Giới thiệu: “Bất hòa thường rất hay xảy ra khi một người tỏ thái độ thiếu tôn trọng đối với một người khác. Hôm nay chúng ta sẽ xem lại bản danh sách mà chúng ta đã cùng liệt kê về những điều thường gây bất hòa khi chúng ta học bài Hòa bình. Đôi khi chúng ta bị tổn thương hoặc tức giận khi có người làm những việc đã nêu trong danh sách này. Chúng ta cảm thấy tồi tệ khi bị đối xử một cách thiếu tôn trọng. Nhưng các em hãy luôn nhớ rằng chính các em là người xác định các em là ai. Các em là người biết về những phẩm chất của chính mình. Nếu có ai đó bảo các em là “đồ ngu”, liệu điều đó có nghĩa là các em ngu thật không? “Không”. Mỗi một em đều là một con người có giá trị và đầy ý nghĩa. Bây giờ chúng ta hãy cùng xem bản danh sách này dưới góc độ của lòng tôn trọng”.
Bước 4 - Thảo luận: Hãy chọn một nội dung trong bản danh sách và hỏi:
- Liệu điều này có xảy ra không nếu con người thể hiện thái độ tôn trọng?
- Em sẽ thích, hay khuyên người này làm điều gì thay vào đó? Liệu có cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề không?
- Nếu được như thế thì liệu vấn đề có xảy ra nữa hay không?
- Nếu người xảy ra chuyện này có lòng tự trọng đối với bản thân thì anh ta hay cô ta có thể làm khác đi như thế nào để không tạo nên rắc rối?
Bước 5 - giúp cả lớp giải quyết vấn đề. Xem xét các câu trả lời khác nhau của các em. Hãy khen ngợi khi các em đưa ra được ý kiến hay.
Ghi chú: Nếu có người đưa ra một ý tưởng có thể làm tổn thương đến người khác, hỏi các em xem hành động đó có thể kéo theo những hậu quả nào. Hãy để các em đưa ra các câu trả lời.
Bước 6 - yêu cầu các em đưa ra một số cách để giải quyết tình huống này. Hãy giúp các em đưa ra những giải pháp nhạy cảm. Chẳng hạn như:
Cho các em 8 - 9 tuổi: khi ai đó làm một việc gì mà em không thích (sỉ vả chẳng hạn), em có thể bảo với bạn ấy rằng “mình không thích bạn sỉ vả mình, mình muốn bạn dừng ngay việc đó lại”. yêu cầu cả lớp nhắc lại vài lần câu nói đó cùng với bạn, rồi đề nghị các em chia theo cặp và thực hành với thái độ tự trọng (nói một cách kiên quyết, rõ ràng, nhưng không hung hăng).
Cho các em từ 10 - 14 tuổi: yêu cầu các em tìm những câu rõ ràng và quyết đoán thay cho câu: “mình không thích bạn sỉ vả mình...”. Có thể là: “Này, bạn làm thế không hay đâu nhé”, “mình không muốn đánh nhau”, hoặc (với một người bạn) “Hôm nay bạn tức giận à? Có chuyện gì vậy?”. Cho các em chia cặp thực hành nói điều đó một cách tự trọng.
Bước 7 - dạy cho các em công thức sau. Nó rất hay khi người mà bạn biết lại làm một điều gì mà bạn không thích. (Chẳng hạn như ngồi lê mách lẻo, sỉ vả nhau... ). “mình cảm thấy... Khi bạn... bởi vì...”.
Bước 8 - Cho một số ví dụ, chẳng hạn như:
“Mình cảm thấy buồn khi bạn nói với mình về Mai theo cách đó vì bạn ấy là bạn của mình. Mình mến bạn và cũng mến Mai. Mình nghĩ yêu mến cả hai bạn là điều tốt”.
“Mình cảm thấy khó chịu khi bạn luôn đề nghị mình hút thuốc lá vì mình đã nói với bạn là mình không thích làm việc đó. Mình biết mình muốn làm gì, và mình muốn bạn tôn trọng điều đó”.
Bước 9 - yêu cầu các em đưa ra cách giải quyết “Mình cảm thấy...” cho từng tình huống mà các em đã đưa ra.
Lưu ý: Có thể đối với các em từ 8 - 9 tuổi sẽ có đôi chút khó khăn khi diễn đạt: “Mình cảm thấy...” khi nói chuyện. Nếu cần thiết, hãy giúp các em xác định những cảm xúc của mình như vui vẻ, tức giận, buồn hay đau đớn.
Bước 10 - Hãy chọn ra một vài điều trong danh sách đã liệt kê ở bài học Hòa bình số 15 và đặt 4 câu hỏi giống như trên, giúp các em xây dựng các giải pháp.
Bước 11 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: khi chúng ta có lòng tôn trọng đối với bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng tôn trọng những người khác.
Bước 12 - Hoạt động tiếp theo: yêu cầu các em dùng công thức đã nêu ở trên “mình cảm thấy...” và điền vào chỗ trống cho hai tình huống.
Bài học 13: Cái cây
Bước 1 - Hoạt động: giáo viên yêu cầu mỗi học sinh có thể làm một cái cây.
Bước 2 - Để các em viết những phẩm chất cá nhân và những tài năng của mình ở phần rễ cây.
Bước 3 - Các em viết ra những điều tốt và tích cực ở các cành cây.
Bước 4 - Viết những thành công hay kết quả từ các công việc này của các em trên những chiếc lá và quả cây.
Ghi chú: Các em có thể vẽ cây này trên giấy hoặc làm nó từ các vật liệu mà các em có. Chia thành nhóm gồm bốn học sinh.
Bước 5 - Một em sẽ chia sẻ bức vẽ của mình với các bạn trong khi các em khác lắng nghe một cách tôn trọng và có thể thêm vào những điều mà bạn mình chưa đề cập đến.
- Đóng góp của Sabine Levy Pilar Quera Colomina
Bài học 14: Những cách khác nhau để tỏ thái độ tôn trọng
Bước 1 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau và đặt các câu hỏi:
- Tôn trọng là biết rằng người khác cũng có giá trị.
- Biết giá trị của bản thân và trân trọng giá trị của người khác là cách để được tôn trọng.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Có những cách nào để chúng ta tỏ thái độ tôn trọng đối với người lớn?
- Có những cách nào để chúng ta thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên?
- Có những cách nào để chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với những đồ vật?
- Có những cách nào để chúng ta tỏ thái độ tôn trọng đối với khoảng không gian chung?
- Chúng ta cần làm gì để chắc chắn rằng đã thể hiện thái độ tôn trọng?
Bước 3 - Yêu cầu các em chia thành nhóm để phân tích từng nội dung câu hỏi và đưa ra các đề xuất. Các nhóm có thể làm bích chương (tranh dán tường) để giải thích ý tưởng của nhóm mình.
- Đóng góp của Sabine Levy và Pilar Quera Colomina
Bước 4 - Kết thúc bằng bài thực hành thư giãn tôn trọng.
Lưu ý: Giáo viên có thể cho các em một ngày tiếp theo để chia sẻ câu trả lời của nhóm mình với cả lớp và hoàn tất tờ tranh dán tường.
Bài học 15: Tôn trọng bạn bè
Bước 1 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Mỗi người trên thế giới, bao gồm chính bản thân tôi, đều có quyền được tôn trọng và có phẩm giá.
Bước 2 - Hoạt động: Sáng tác truyện tranh hoặc một câu chuyện, hoặc viết một bài luận về lòng tôn trọng bạn bè.
Bước 3 - Một vài em có thể đọc tác phẩm của mình cho cả lớp.
Bước 4 - Cho các em dán lên tường, xung quanh lớp học những tác phẩm của mình để cả lớp có thể đọc vào giờ ra chơi.
- Đóng góp của Marcia Maria Lins De Medeiros
Bài học 16: Những tấm thẻ tình huống
Ghi chú: “Những tấm thẻ tình huống” cho học sinh cơ hội để thảo luận những lựa chọn khác nhau khi phải giải quyết những tình huống thực tế của cuộc sống. Bạn có thể tìm thấy những tấm thẻ tình huống này trong phần Phụ lục. Thầy cô giáo có thể phô-tô những thẻ tình huống này hoặc cho phép các em copy và lưu lại thành tập thẻ tình huống.
Nhiều lớp học đã rất hứng thú với hoạt động này vì nó tạo nên một diễn đàn cho các em thảo luận về những mối quan tâm thực sự của mình, và áp dụng những kỹ năng thực hành mà các em đã học qua các hoạt động về giá trị. Thầy cô chỉ nên đóng vai trò người hỗ trợ. Cần tránh việc lên lớp và bảo các em “phải” làm gì (đôi khi rất khó thực hiện được điều này). Thay vào đó, hãy lắng nghe và khuyến khích các em tự trả lời. Hỏi các em về những kết cuộc, cả tích cực lẫn tiêu cực khi những câu trả lời của các em là phù hợp hay không phù hợp. Các em cuối cùng sẽ tự dạy được cho chính mình cũng như cho các bạn khác bài học cần thiết. Nếu những câu trả lời của các em vẫn không phù hợp, hãy hỏi các em sẽ cảm thấy thế nào nếu ở vào vị trí của người khác. yêu cầu các em đóng các vai trong tình huống, sau đó đổi vai cho nhau. Hãy hỏi ý kiến cả lớp xem giải pháp đưa ra đã “thỏa đáng” chưa.
Bước 1 - Hoạt động: đọc một thẻ tình huống cho cả lớp nghe và khuyến khích các em đưa ra câu trả lời.
- Em có thể sử dụng Giá trị Hòa bình như thế nào?
- Em có thể làm gì?
- Em nghĩ điều gì có thể xảy ra sau đó?
- Em có thể làm gì hoặc nói thêm điều gì?
- Em có thể sử dụng Giá trị Tôn trọng như thế nào?
- Em có thể làm gì? (v.v.)
Bước 2 - đọc một hay hai thẻ tình huống khác và lắng nghe cả lớp thảo luận.
Bước 3 - trong giờ học về thẻ tình huống kế tiếp, bạn có thể cho các em chia thành những nhóm nhỏ. Mỗi nhóm được giao một tấm thẻ tình huống.
Bước 4 - Các em có thể thay phiên nhau đọc các tấm thẻ và đưa ra câu trả lời cho từng tình huống.
Bước 5 - trường hợp một nhóm gặp phải tình huống khó thì cả lớp có thể cùng thảo luận và tham gia đóng góp giải pháp cho tình huống đó.
Những hoạt động mở rộng:
Các em có thể tự lập các tấm thẻ tình huống của mình, sau đó trao đổi chúng với các nhóm khác.
Các em có thể thay nhau đóng các vai để biểu diễn các tình huống.
- Đóng góp của Trish Summerfield
Bước 6 - kết thúc bài học bằng một bài hát.
Bài học 17: Tôn trọng môi trường
Bước 1 - Hoạt động: Các em sáng tác một truyện tranh hay một câu chuyện về thái độ tôn trọng môi trường.
Bước 2 - yêu cầu các em chia sẻ những tác phẩm của học sinh.
Bước 3 - một số em có thể muốn tạo ra bài thực hành thư giãn riêng của các em trong đó sử dụng những hình ảnh trong thiên nhiên.
- Đóng góp của Marica Maria Lins de Medeiros
Bài học 18: Tạo ra sự khác biệt
Bước 1 - đọc câu chuyện ngụ ngôn: “Lửa cháy trong rừng già” trong phần Phụ lục 6.
Bước 2 - Thảo luận điểm suy ngẫm sau: Một phần của lòng tôn trọng là biết rằng tôi tạo nên sự khác biệt. Hãy nói về chú chim trong câu chuyện trong mối liên quan đến điểm suy ngẫm này.
Bước 3 - thầy cô giáo có thể kể thêm một vài câu chuyện tích cực về việc mình đã tạo ra được sự khác biệt như thế nào. Hãy nói về những điều nhỏ bé đã tạo ra khác biệt - một nụ cười, ai đó chịu lắng nghe hoặc tin tưởng vào bạn.
Bước 4 - đề nghị các em cũng kể về một lần các em đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của một ai đó.
Bước 5 - Hoạt động: Hoạt động tiếp theo có thể là vẽ lại một cảnh trong câu chuyện “Lửa cháy trong rừng già”, làm mặt nạ các con thú và sáng tác một vở kịch vui, hay nghĩ ra những câu khẩu hiệu chuyển đi thông điệp rằng điều chúng ta làm sẽ tạo nên sự khác biệt.
Bài tập ở nhà: Phỏng vấn một người trong gia đình, hay trong khu phố của em. Đề nghị người đó kể về một lần có ai đó đã ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời của họ. Sau đó yêu cầu người đó kể về một khác biệt tích cực mà chính họ đã tạo ra.
Bài học 19: Tạo ra sự khác biệt
Cho các em học sinh 8 - 9 tuổi kể những câu chuyện của mình. Hoặc thầy cô có thể yêu cầu các em viết một mẩu chuyện ngắn về một sự khác biệt mà một ai đó đã tạo ra trong cuộc sống của các em, các em đã tạo ra sự khác biệt cho người khác như thế nào, hoặc một câu chuyện về một người đã được các em phỏng vấn.
Ghi chú: Các em lớn hơn cũng có thể sưu tầm những bài báo về những người đã tạo ra một khác biệt tích cực.
Bài học 20: Thể hiện những hiểu biết của em về tôn trọng thông qua những điệu múa hoặc tranh vẽ
Bước 1 - Thảo luận với học sinh về những điều làm các em thích thú và điều các em đã học được về tôn trọng.
Bước 2 - Hoạt động: Vẽ hoặc múa về chủ đề tôn trọng.
Bước 3 - Hát một bài hát có nội dung về tôn trọng.
Bước 4 - Thực hành bài thư giãn mà các em ưa thích.
Bài học 21: Một vở kịch vui về lòng tôn trọng
Tham khảo: Học sinh ở anh Quốc đã trình diễn một vở kịch vui ở trường sau khi học xong Học phần tôn trọng. Các em giương khẩu hiệu có từ rESPECt (tôN trọNg) được ghép từ những chữ cái to, rồi chọn một đề tài cho từng chữ cái: r cho chủng tộc (race), E cho môi trường (Environment), S cho bản thân (Self), P cho tài sản (Property), E cho cảm xúc (Emotions), C cho quan tâm đến người khác (Caring for others), t cho tài năng được phát triển (talents). Đối với những em nhỏ hơn, hãy giúp các em sáng tác một vở kịch vui. Đối với các em lớn, chia lớp thành nhiều nhóm và mỗi nhóm tự sáng tác một vở kịch vui.
Bước 1 - Cho các em sáng tác một vở kịch không lời về chủ đề tôn trọng và để các em cùng tập với nhau.
Bước 2 - Cho các em biểu diễn.
- Đóng góp của Ann Stirzaker.