Dành cho các bậc cha mẹ có con từ sơ sinh đến 2 tuổi
Thái độ yêu thương và bình yên là món quà đặc biệt cho con khi còn trong bụng mẹ. Một số cha mẹ đã nhận thức được khả năng tiếp thu của con khi còn ở trong bụng mẹ và họ bắt đầu dạy trẻ trước khi bé lọt lòng bằng cách trò chuyện, đọc to hoặc mở nhạc vừa đủ cho con nghe. Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có thể nhận ra giọng nói của những người từng trò chuyện với mình. Trẻ cũng có những biểu hiện thư giãn, thoải mái khi nghe đúng những điệu nhạc mà mình từng nghe khi còn trong bụng mẹ.
Có nghiên cứu cho rằng người mẹ có thể nhận biết được tính cách của đứa con trong bụng mình và đứa trẻ có thể nhận biết mình có được ba mẹ mong đợi không. Do đó, các bậc cha mẹ nên xem phôi thai như là một thực thể có ý thức với khả năng hấp thụ yêu thương và bình yên.
Khi trẻ chào đời, rất cần có sự tương tác liên tục giữa trẻ và người chăm sóc. Trẻ sơ sinh cần được vuốt ve, ẵm bồng, nuôi dưỡng, được ru ầu ơ và được chăm sóc với sự kiên nhẫn, yêu thương và nhất quán. Sự gắn bó giữa cha mẹ và con là rất cần thiết, không chỉ vì mối quan hệ tốt đẹp mà còn vì sự an nhiên tự tại cả đời của con.
Trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi đặc biệt rất nhạy trước thái độ và cảm xúc của người thường chăm sóc trẻ. Các bé sẽ hồi đáp lành mạnh bằng cảm xúc và thể chất đối với sự chăm sóc thương yêu, và hồi đáp kém đối với sự cáu kỉnh, bất an của người chăm sóc. Trẻ sẽ cảm thấy khổ sở khi cha mẹ đau khổ, trầm uất, hay giận dữ; và trẻ trở nên ổn định hơn khi cha mẹ không vội vã và lúc nào cũng hạnh phúc.
Chỉ cần nhận ra tầm quan trọng của những gì ta trao cho trẻ ở giai đoạn này, rồi ta sẽ chú ý hơn đến quá trình đó. Hãy để bản thân tràn ngập sự hài lòng, bình yên và yêu thương để trẻ cảm nhận rõ hơn những giá trị/phẩm chất này (ý này sẽ được nhắc đến chi tiết hơn ở Kỹ năng làm cha mẹ 7, phần 3).
Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ nên xem xét những hoạt động sau đây khi mối quan hệ giữa họ và con phát triển:
• Chơi và đối xử với trẻ như một cá nhân độc lập. Dành thời gian mỗi ngày để chơi với trẻ. Hãy tận hưởng cùng trẻ.
• Mở nhạc vui nhộn và yên bình. Điều đó sẽ tự động tạo ra những cảm xúc mà bạn muốn trẻ trải nghiệm.
• Kể chuyện, hát và đọc cho trẻ nghe những bài thuộc lứa tuổi mẫu giáo.
• Sử dụng những từ như bình yên, yêu thương, hợp tác, hài lòng, dịu dàng và hạnh phúc với trẻ sơ sinh hay trẻ chập chững biết đi. "Dán nhãn" trẻ với những cảm xúc tích cực khi bạn trải qua những cảm xúc này.
• Không chỉ nhận xét về dáng vẻ bên ngoài của trẻ, chẳng hạn như "Con dễ thương lắm" hoặc "Con mặc đồ đẹp quá", mà còn nói ra những giá trị tích cực, hay lối cư xử tốt của trẻ. Khen ngợi khi thấy trẻ đang chơi nhẹ nhàng với một món đồ chơi hay thú nuôi trong nhà.
• Chọn những món đồ chơi an toàn, mang lại bình yên – những món đồ chơi vui nhộn cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ chập chững biết đi trải nghiệm sự sáng tạo của riêng mình.
• Chơi "Ú òa" với trẻ bằng những con rối. Có những con rối mang lại nhiều yêu thương. Cho trẻ tận hưởng những phút an bình và yên tĩnh bằng một con rối hình ngôi sao hoặc thiên thần.
• Cẩn thận lựa chọn các loại băng đĩa và phim hoạt hình. Hầu hết phim hoạt hình đều không thích hợp cho trẻ dưới ba tuổi vì mang tính bạo lực. Nhóm cha mẹ có thể cùng trao đổi về những kênh truyền hình mang tính giáo dục với những nhân vật thân thiện và vui nhộn. Chỉ cho trẻ xem ti-vi khoảng một tiếng mỗi ngày. Xem hơn 4 tiếng mỗi ngày sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ.
• Không để trẻ sơ sinh nghe những âm thanh đầy tính bạo lực trên truyền hình, trên đài, ở chốn công cộng hay những trận cãi vã giữa cha mẹ. Hãy để ý đến trẻ khi các anh chị lớn hay người lớn đang xem phim. Hình ảnh, lời thoại và tiếng động trong phim có quá "người lớn" so với lứa tuổi của các bé không? Hãy nhận ra những tác động xấu từ môi trường xung quanh đối với trẻ. Trẻ dưới ba tuổi chưa có khả năng sắp xếp các sự kiện theo thời gian và không gian, nhưng lại thu nhận những tác động cảm xúc từ các sự kiện ấy.
• Nếu trẻ sơ sinh có anh hoặc chị còn khá nhỏ, hãy lưu ý quan tâm đến trẻ này nữa. Cha mẹ có thể dán một bản lưu ý trước cửa cho những khách đến thăm nhà. Yêu cầu khách để ý và quan tâm đến anh chị của trẻ trước. Bạn cũng nên để anh chị của trẻ phụ giữ em và giúp làm những việc nhỏ. Tiếp xúc bằng mắt và trò chuyện với anh chị của trẻ ít nhất một nửa thời gian trong lúc cả bạn và anh chị của trẻ ở bên trẻ.
Tôi có thể sử dụng những hoạt động giá trị sống với trẻ 2 tuổi không?
Vâng, có thể! Tập huấn viên, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ có thể dễ dàng sử dụng những hoạt động trong sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi. Hãy dùng từ dễ hiểu, giúp các bé một chút và rồi các bé sẽ hồi đáp một cách tuyệt vời.
HÒA BÌNH
Dành cho các bậc cha mẹ có con từ 2 đến 7 tuổi
Tại buổi họp nhóm
• Xem lại những điểm suy ngẫm về hòa bình trong sách Những Giá trị Sống cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi để tham khảo thêm cách giải thích về hòa bình, hay bình yên, cho trẻ độ tuổi này.
• Tiếp tục bằng bài tập Hình dung về một Thế giới Hòa bình.
• Áp dụng Kỹ năng làm cha mẹ 1 – Tầm quan trọng của việc chơi đùa và Thời gian ở bên con trong suốt buổi sinh hoạt về giá trị hòa bình.
Yêu cầu các cha mẹ chia sẻ những trải nghiệm của họ khi chơi cùng con vào buổi sinh hoạt kế tiếp. Hỏi:
"Anh chị thấy thế nào? Chơi với con có vui không? Anh chị đã tìm ra thời gian chơi với con bằng cách nào? Tạo ra tinh thần vui chơi có dễ không? Anh chị có nhận thấy thay đổi nào không?"
Hãy trình bày một kỹ năng làm cha mẹ và cho thảo luận ở mỗi lần sinh hoạt.
• Làm và chơi với những con rối hòa bình (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi).
• Nhờ một người đọc lớn Câu chuyện về những ngôi sao (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi) – cha mẹ có thể kể câu chuyện này cho con nghe vào giờ nghỉ trưa hoặc khi ru trẻ ngủ vào buổi tối. Làm bài tập Ngôi sao Bình yên.
• Xem lại bài Cánh tay là để ôm nhau (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi) và hướng dẫn cho bé các kỹ năng giải quyết xung đột. Mời các cha mẹ đóng giả làm con và thay nhau tập giải quyết xung đột với tư cách là người hòa giải.
• Có thể các phụ huynh còn nhớ những bài hát về hòa bình mà họ từng hát khi còn nhỏ. Đề nghị họ hát cho cả nhóm nghe.
Ở nhà
Khi thấy trẻ mang về những con rối hòa bình, cha mẹ có thể vừa trầm trồ vừa trò chuyện với con rối ấy. Con rối có thể xuất hiện và chơi khi có xung đột xảy ra ở nhà – người tham gia có thể đóng góp thêm những ý tưởng hay khác.
• Chọn một nơi làm Góc Hòa bình, có thể là một góc ngay trong phòng ngủ hay trong nhà và có thể dùng một tấm khăn trải giường làm mái lều. Bạn và trẻ có thể cùng nhau trang trí góc này, dùng những tranh ảnh hay bất cứ vật dụng nào mang lại cảm giác bình yên và ấm áp trong lòng. Góc Hòa bình có thể dùng làm nơi thực hành những bài tập mường tượng về hòa bình trước giờ nghỉ trưa hoặc dùng làm nơi để bạn ngồi hát và chơi đùa cùng các con nhỏ. Những con rối hòa bình có thể được đặt ở nơi này. Đây có thể là nơi giải quyết những xung đột khi trẻ cãi nhau.
• Cùng trẻ hát những bài về hòa bình trong khi làm mọi việc. Hát khi đi dạo hay ngồi xích đu.
• Nói cho trẻ biết khi nào thì trẻ đang "tạo dựng hòa bình". Vào những lúc như vậy, bạn hãy ôm hoặc hôn trẻ như là một phần thưởng hòa bình.
• Trong khi làm bánh, hãy ngắt ra vài viên bột vo tròn để cùng trẻ tạo ra những biểu tượng hòa bình, ví dụ như chim bồ câu hay bất cứ những gì bạn và trẻ có thể tưởng tượng ra.
Trích dẫn nội dung từ sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi
Những điểm suy ngẫm về hòa bình
- Hòa bình là sự yên tĩnh ở bên trong.
- Bình yên là có những cảm giác tốt đẹp ở bên trong.
- Hòa bình là khi mọi người sống hòa thuận với nhau, không tranh cãi hay đánh nhau.
- Bình yên là những suy nghĩ tốt về mình và người khác.
- Hòa bình bắt đầu từ trong mỗi chúng ta.
Bài hát gợi ý
Trái đất này là của chúng mình
- Trương Quang Lục
Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến
Hải âu ơi, cánh chim vờn trên sóng
Cùng bay nào - Cho trái đất quay!
Cùng bay nào - Cho trái đất quay!
Trái đất này là của chúng mình
Vàng trắng đen tuy khác màu da
Bạn yêu ơi, chúng ta là hoa quý
Đầy hương thơm, nắng tô màu tươi thắm
Màu hoa nào - Cũng quý cũng thơm!
Màu da nào - Cũng quý cũng thơm!
Trái đất này là của chúng mình
Cùng xiết tay, môi thắm cười xinh
Bình minh ơi, khúc ca này êm ấm
Học chăm ngoan, đắp xây đời tươi sáng
Hành tinh này - Là của chúng ta!
Hành tinh này - Là của chúng ta!
Hai bàn tay của em
Hai bàn tay của em đây em múa cho mà xem.
Hai bàn tay của em như hai con bướm xinh xinh.
Khi em đưa tay lên là bướm xinh bay múa.
Khi em đưa tay xuống là cánh bướm đậu trên cành hồng.
Múa vui
- Lưu Hữu Phước
Cùng nhau múa xung quanh vòng, cùng nhau múa cùng vui.
Cùng nhau múa xung quanh vòng, vui cùng nhau múa đều.
Nắm tay nhau bắt tay nhau, vui cùng vui múa ca.
Nắm tay nhau bắt tay nhau, vui cùng vui múa đều.
Bài tập hình dung
Hình dung về một thế giới hòa bình
Mở nhạc nhẹ và hướng dẫn các bé tưởng tượng bằng cách đọc chậm những câu sau đây. Nhớ dừng lại một lúc sau mỗi dấu chấm lửng (…):
"Mỗi người trong các con đều rất thông minh. Một điều thú vị là các con đều biết về hòa bình. Hôm nay, các con có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình để vẽ nên một bức tranh về thế giới hòa bình.
Trước tiên, các con hãy cùng cô thư giãn trong vài phút. Hãy để cho cơ thể của con thật thoải mái và yên tĩnh… Hãy hình dung về một thế giới trong đó tất cả mọi người đều sống hòa thuận với nhau. Chỉ có bình yên trong mỗi người… Giờ con hãy hình dung ra một khu vườn xinh đẹp với những hàng cây xanh tốt, muôn hoa đua nở… Khu vườn quả thực rất đẹp, thảm cỏ mượt như nhung và các con có thể nghe thấy tiếng chim hót… Các con ngắm những con chim bay lượn tự do trên bầu trời… Nơi đây tràn ngập cảm giác an toàn và bình yên… Gần đó có một hồ nước nhỏ với những con cá vàng bơi lội tung tăng… Các con ngắm nhìn đàn cá… Chúng bơi bình thản, chậm rãi… Bây giờ, các con tưởng tượng ra một chiếc ghế đu (hay một cái võng, hoặc bất cứ cái gì gần gũi với bé)… Các con đang ngồi trên chiếc ghế đu ấy… Bây giờ, một người mà các con yêu thích nhất bước đến gần các con. Người ấy vui mừng được gặp các con. Hôm nay, người ấy thật dịu dàng… và người ấy đẩy nhẹ chiếc ghế đu… Các con vui sướng ngắm nhìn khu vườn xinh đẹp từ trên cao… Khi các con bước xuống từ chiếc ghế đu, cảm giác bình yên tràn ngập trong lòng, rồi các con lại thấy mình ngồi trong phòng học này…"
Bài học 4
Những con rối tay hòa bình
Bắt đầu bằng một bài hát về hòa bình.
Tưởng tượng về những em bé bình yên trong một thế giới hòa bình.
Đọc lời dẫn sau thật chậm để cho các bé kịp hình dung. Nhớ ngưng lại sau mỗi dấu chấm lửng (…). Giới thiệu: Hôm nay các con sẽ dùng trí tưởng tượng của mình để vẽ một bức tranh về một thế giới hòa bình trong tâm trí mình nhé. Nào chúng ta bắt đầu:
"Giờ các con hãy để cơ thể mình thật thoải mái và yên tĩnh… các con hãy hình dung một khu vườn xinh đẹp… có nhiều cây và những bông hoa đầy màu sắc… Khu vườn thật là đẹp... với những thảm cỏ xanh mượt… con có thể nghe được tiếng chim hót... Con ngắm nhìn những con chim bay lượn trên bầu trời… Con cảm thấy thật an toàn và bình yên ở trong khu vườn này… Gần đó còn có một cái ao nhỏ với những con cá vàng đang bơi lội tung tăng… Con bước gần đến bờ ao… có một vài bạn bằng tuổi con đi đến bên con… Các bạn vẫy tay chào con... Các bạn ấy rủ con cùng chơi… Con đồng ý… Con và các bạn ấy đang chơi trò chơi gì?… Con chơi với các bạn và nói chuyện với các bạn một lúc… bên cạnh, còn có một nhóm các bạn khác cũng đang chơi đùa… Tất cả các bạn đều rất vui vẻ… ở đây, không ai đánh nhau cả… Con vẫn tiếp tục chơi vui vẻ cùng các bạn ấy…! Đã đến lúc con phải đi… con và các bạn ấy chào tạm biệt nhau… giờ con quay trở lại lớp học của mình ở đây… con vẫn còn giữ nguyên ký ức tươi đẹp ấy ở trong tâm trí mình."
Thảo luận:
- Theo con hình dung, thì thế giới bình yên ấy giống thế nào?
- Các bạn nhỏ ở đó đã hành động như thế nào?
- Các bạn ấy nói những gì?
- Các con đã chơi trò chơi nào?
- Các bạn nhỏ ở đó đối xử với nhau như thế nào?
Hoạt động: Hãy làm những con rối hòa bình với các bé. (Nếu hết giờ, cô có thể cùng bé tiếp tục làm ở bài học sau). Nói cho bé biết những con rối này sẽ được dùng để đóng kịch với những nhân vật như trong trí tưởng tượng của bé. Hãy làm những ngón tay và bàn tay cho những con rối này thật đơn giản. Cô có thể vẽ lên chiếc phong bì nhỏ hay dán con rối vào cái găng tay để dễ dàng xỏ tay vào hoặc làm
một cái móc để xỏ một ngón tay. Cô cũng có thể cho bé vẽ một khuôn mặt lên một tờ giấy hình tròn và dán vào một cái que nhỏ. Công phu hơn, bé có thể làm tóc cho những con rối bằng chỉ hay len, còn lấy những mẩu giấy nhỏ hình tròn hay cúc áo để làm mắt cho con rối của mình.
Bài học 5
Cùng chơi với những con rối hòa bình
Điểm suy ngẫm: "Bình yên là có những cảm giác tốt đẹp ở bên trong". Cô hỏi:
- Câu này có nghĩa là gì?
- Những con rối hòa bình sẽ nói gì?
- Những con rối hòa bình làm gì?
- Những con rối hòa bình không làm gì?
Hoạt động: Tiếp tục làm cho xong những con rối hòa bình (nếu chưa xong ở bài trước). Cô có thể dùng một con rối trên tay mình để minh họa cho bé. Rồi dành thời gian cho bé chơi với những con rối hòa bình của mình. Sau đó, cô hãy mời một nhóm ba hoặc bốn bé lên trước lớp với những con rối nhỏ trên tay. Cô cũng có một con rối trên tay và hỏi những con rối khác xem chúng muốn làm gì. Cứ tiếp tục trò chuyện cùng những con rối của bé. Sau đó cô có thể cho các bé trình diễn một vở kịch qua những con rối của các bé.
Kết thúc bằng một bài hát về hòa bình. Cô cho các bé tập bài hát thứ hai về hòa bình.
Bài học 10
Cánh tay là để ôm nhau
Bắt đầu bằng một bài hát về hòa bình.
Điểm suy ngẫm: "Hòa bình là khi mọi người sống hòa thuận với nhau, không tranh cãi hay đánh nhau".
Câu mẫu: Cho các bé hoàn thành mẫu câu: "Ở một thế giới hòa bình, ". Trước tiên cô phải giải thích cho bé hiểu cách hoàn thành câu. Cô hãy đưa ra ví dụ mẫu rõ ràng, như là: "Ở một thế giới hòa bình, cánh tay là để ôm nhau". Sau đó, cô cho các bé hoàn thành mẫu câu trên.
Cô triển khai thêm bằng mẫu câu khác: "Ở một thế giới hòa bình, sẽ không có…".
Cô hỏi:
- Các con cảm thấy thế nào khi cô ôm con vào lòng và nói với con bằng một giọng ngọt ngào?
- Còn khi ai đó đẩy con hay đánh con, thì con cảm thấy thế nào?
Cô nói tiếp: "Ở một thế giới hòa bình, cánh tay là để ôm, không phải để xô đẩy nhau". Rồi hỏi các bé: "Cánh tay là để làm gì nào?.... (Để ôm nhau ạ) – Đúng rồi, cánh tay là để ôm nhau. Nào các con hãy cùng cô lặp lại nào: "Cánh tay là để ôm nhau".
Cô có thể ôm các bé vào lòng hoặc bảo các bé hãy ôm nhau (tùy theo văn hóa, cô có thể cho các bé trai ôm nhau và các bé gái ôm nhau).
Hoạt động: Giờ hãy cho các bé vẽ hoặc tô màu (đối với bé nhỏ hơn) một bức tranh về bài học hôm nay.
Kết thúc bằng một bài hát về hòa bình.
Bài học 11
Cánh tay là để ôm nhau (tiếp theo)
Mở đầu bằng một bài hát.
Câu mẫu: Cô cho các bé đứng thành một vòng tròn, sau đó cô nói: Hôm nay chúng ta sẽ cùng khám phá thêm những ý kiến về một thế giới hòa bình. Chúng ta sẽ hoàn thành mẫu câu giống hôm trước: "Ở một thế giới hòa bình…" và mời các bé thêm vào mẫu câu này.
Cô hãy nhắc lại câu: "Cánh tay là để ôm nhau" và sau đó nói câu dài hơn: "Cánh tay là để ôm nhau, không phải để đẩy nhau". Hướng dẫn bé lặp lại câu nói dài này.
Nói thêm: "Một điều quan trọng nữa của hòa bình là các con phải biết nói ‘không’ đúng lúc. Ví dụ ai đó làm con tổn thương, thì con phải nói cho người đó biết rằng con không thích thế. Ở những lúc như vậy, các con hãy yêu cầu người đó dừng lại bằng câu nói: ‘Mình không thích bạn làm điều đó với mình. Cánh tay là để ôm nhau, không phải để đẩy nhau’". Cô hãy cho bé tập nhắc lại câu nói này. Ở Việt Nam có nhiều cách xưng hô khác nhau, nên cô cần phải cho bé tập nhiều lần mẫu câu trên và thay thế cách xưng hô cho phù hợp với từng mối quan hệ của bé như là: "Cháu không thích khi bác làm điều đó với cháu".
Hoạt động: Cô tập cho các bé viết từ "HÒA BÌNH". Hãy tập cho bé viết chữ in hoa lên giấy màu và trang trí chữ bằng những hình hoa hoặc theo ý thích của bé. Đối với những bé nhỏ tuổi hơn, cô hãy cho bé tô màu chữ H hoặc nguyên từ "HÒA BÌNH" (đã được viết sẵn).
Những lưu ý dành cho cô trước khi dạy bài 12. Ứng dụng phương pháp giải quyết xung đột vào thực tế
Nếu cô thấy bé này đẩy bé khác, thì hãy bảo bé bị đẩy nói một cách cương quyết, nhưng ôn tồn với bạn mình những gì bé không thích. Ví dụ: "Mình không thích khi bạn xô đẩy mình như vậy. Cánh tay là để ôm nhau, không phải để đẩy nhau."
Nếu cô tập cho bé sử dụng câu nói này ở những bài trước và khuyến khích bé nói, thì bé có thể tự mình nói được một cách dễ dàng. Theo nguyên tắc, khi trẻ phát huy được kỹ năng giao tiếp thích hợp, thì xung đột giữa trẻ sẽ giảm đi.
Đối với những mối xung đột nghiêm trọng hơn, cô hãy yêu cầu cả hai ngồi xuống (ví dụ: hai bé A và B). Sau đó cô hãy theo các bước sau:
• Bước 1: Hỏi bé A xem bé cảm thấy thế nào trong khi bé B ngồi nghe. Rồi cô yêu cầu bé B nhắc lại lời của bé A bằng câu hỏi: "Bạn con nói gì vậy?". Sau đó cô cũng hỏi y như vậy với bé B: "Còn con cảm thấy thế nào?" và yêu cầu bé A nhắc lại lời của bé B.
• Bước 2: Cô hỏi bé A xem bé muốn bé B không làm gì và lại để bé B nhắc lại, sau đó hỏi bé B câu hỏi này và để bé A nhắc lại (Con muốn bạn không làm gì?).
• Bước 3: Sau đó hỏi bé A nói những gì mà bé thích bé B làm và để bé B nhắc lại. Hỏi câu hỏi này lại với bé B và để bé A nhắc lại (Con muốn bạn làm gì?).
• Bước 4: Cô hãy hỏi xem các bé có thể làm được điều bạn mình muốn trong một khoảng thời gian nhất định không. Cô hãy đưa ra thời gian đủ để các bé có thể thực hiện tốt. Đối với những bé nhỏ hơn, cô có thể hỏi: "Con có thể làm được điều này trong khi chơi với những hình khối kia không?" hay "Các con có thể làm điều này cho đến giờ nghỉ giải lao không?".
• Bước 5: Khen ngợi khi các bé đã làm hòa với nhau.
Trong các đối thoại trên, điều quan trọng là cô khuyến khích các bé trực tiếp nói với nhau và nhắc lại lời của nhau. Khi bé nói ra được cảm xúc của mình, thì sự bức xúc của bé sẽ tự động dịu lại và nhất là khi bạn nhắc lại sự bức xúc của bé với sự lắng nghe của cô. Tuyệt đối người đóng vai trò giảng hòa không được đứng ở vị trí "quan tòa". Nhận xét, chỉ trích, giảng đạo hay phán xét đều là thành tố góp phần làm giảm hiệu quả của quá trình trên. Trong khi mục đích của quá trình này là để các bé học được kỹ năng giao tiếp và tự đưa ra giải pháp cho mình.
Các bước giải quyết xung đột
Cô hỏi một trong hai bé (bé A & B). Cô yêu cầu bé kia lắng nghe khi bạn mình nói để nhắc lại lời của bạn, sau đó đổi lại.
Cô giáo:
• Hỏi bé A: Con cảm thấy thế nào?
Yêu cầu bé B: Bạn A nói gì nào?
• Hỏi bé B: Còn con cảm thấy thế nào?
Yêu cầu bé A: Bạn B nói gì nào?
• Hỏi bé A: Con muốn bạn B không làm gì?
Yêu cầu bé B: Bạn A nói gì?
• Hỏi bé B: Con muốn bạn A không làm gì?
Yêu cầu bé A: Bạn B nói gì?
• Hỏi bé A: Con muốn bạn B làm gì?
Yêu cầu bé B: Bạn A nói gì?
• Hỏi bé B: Con muốn bạn A làm gì?
Yêu cầu bé A: Bạn B nói gì nào?
• Hỏi cả hai bé: Con có làm được yêu cầu này của bạn không?
(Đưa ra một khoảng thời gian nào đó để các bé làm điều đó và khen ngợi cả hai bé khi đã làm được.)
Câu chuyện: Câu chuyện về những ngôi sao
- Diana Hsu
Ngày xửa ngày xưa, có một gia đình những ngôi sao Hòa bình rất đáng yêu và tỏa sáng. Ngôi sao đứng đầu là ngôi sao Mặt trời. Ông luôn mỉm cười. Ông rất đặc biệt. Ông yêu tất cả những ngôi sao khác. Ông thường gửi những tia sáng yêu thương đến họ. Các ngôi sao cũng rất yêu ông. Cả gia đình họ sống thật bình yên và hạnh phúc. Ngôi sao Mặt trời rất hạnh phúc vì các ngôi sao khác cũng hạnh phúc. Ông mỉm cười suốt cả ngày lẫn đêm. Ông thích ngắm nhìn những đứa con ngôi sao Hòa bình của mình.
Trẻ con rất thích những ngôi sao sống hạnh phúc. Chúng thích ngắm nhìn những ngôi sao tỏa sáng lấp lánh và chơi đùa với nhau. Có khi những ngôi sao này bay ngang bầu trời; có khi lại xuống chơi với bọn trẻ. Một hôm, những ngôi sao thấy hai đứa trẻ đánh nhau. Một ngôi sao vội lên tiếng: "Chúng mình hãy nhanh chóng xuống giúp họ đi". Nhanh như ánh sáng, họ bay xuống và gởi những tia sáng hòa bình, thân thiện cho hai đứa trẻ. Thậm chí họ còn cù vào mũi hai đứa trẻ bằng ánh sáng đến nỗi hai đứa trẻ phải bật cười.
Ngôi sao Can đảm cũng vừa phát hiện ra sự việc. Không hề sợ hãi, nó và ngôi sao Dũng cảm bay xuống trái đất. Họ tự giới thiệu mình. Ngôi sao Dũng cảm nói: "Tớ được gọi là ngôi sao dũng cảm nhất vì tớ không bao giờ cãi nhau hay đánh nhau. Không cãi nhau hay đánh nhau là dũng cảm nhất".
Lúc đó, ngôi sao Đáng yêu và ngôi sao Tươi cười cũng gởi những tia ánh sáng vào hai đứa trẻ để chúng quên đi sự bực tức của mình.
Ngôi sao Giúp đỡ và ngôi sao Kiên nhẫn cũng vừa tới. "Các bạn nhỏ!", ngôi sao Giúp đỡ nói, "Thật đáng yêu. Tất cả chúng tớ đều đến để giúp đỡ các bạn. Tớ có thể nói một điều bí mật được không?".
"Được, được!", những đứa trẻ kêu lên.
"Điều bí mật vĩ đại nhất...", ngôi sao Giúp đỡ nói, "... là kiên nhẫn. Hãy nhìn ngôi sao Kiên nhẫn mà xem. Không điều gì có thể làm bạn ấy bối rối. Bạn ấy luôn kiên nhẫn với tất cả, vì vậy tất cả đều yêu thương bạn ấy."
"Đúng thế", ngôi sao Thận trọng nói, "Nếu các bạn thận trọng về cách đối xử của mình với người khác. Các bạn đối xử với họ bằng sự tôn trọng và không làm tổn thương ai cả, thì các bạn sẽ không cần phải đánh nhau."
Lúc này, hầu như tất cả các bạn ngôi sao đều bay xuống. Nhiều đứa trẻ khác cũng đến. Những đứa trẻ vây quanh những ngôi sao và
nói: "Chúng tớ muốn giống như các bạn". Bỗng nhiên, chúng nhìn thấy một cái gì đó tỏa sáng trên bầu trời. Đó là ngôi sao Sáng nhất. Nó đến cùng ngôi sao Hạnh phúc. Ngôi sao Sáng nhất chiếu vào những đứa trẻ. Còn ngôi sao Tươi cười bật cười khúc khích. Nó làm những đứa trẻ phải bật cười theo.
"Chúng mình cùng chơi nhé!", ngôi sao Hạnh phúc kêu lên. Ngay lập tức, những ngôi sao mang đến những thứ thật ngon. Tất cả đều hạnh phúc. Chúng nhảy múa, cười đùa và ăn uống. Ai cũng tấm tắc: "Bữa tiệc thật ngon!".
Không ai phát hiện ra sự có mặt của ngôi sao Im lặng cho đến khi nó lên tiếng: "Ngôi sao Mặt trời bảo tớ đến đây!". Với giọng nói thật ấm áp, nó nói tiếp: "Mọi bữa tiệc đều có lúc tàn. Giờ các bạn phải về nhà thôi".
Trời đã khuya và những đứa trẻ cũng phải về nhà. Chúng ôm tạm biệt những ngôi sao. Các ngôi sao Hòa bình thì thầm: "Chúng tớ sẽ luôn ở bên các bạn dù các bạn không nhìn thấy chúng tớ vào ban ngày. Chỉ cần các bạn nhớ đến chúng tớ, thì các bạn sẽ cảm nhận được ánh sáng yêu thương và bình an của chúng tớ". Một lần nữa, những ngôi sao chiếu ánh sáng vào những đứa trẻ và bay lên trời. Thật là một cảnh tượng đẹp.
Cả gia đình ngôi sao Hòa bình đều gởi bình yên xuống trái đất. Mỗi ngôi sao gởi kèm một đức tính tốt đẹp của mình. Ngôi sao Kiên nhẫn gởi kiên nhẫn; ngôi sao Tươi cười gởi một nụ cười hạnh phúc. Ngôi sao Im lặng gởi ánh sáng dịu dàng và yên tĩnh; ngôi sao Đáng yêu gởi những ý nghĩ yêu thương. Những đứa trẻ trên Trái đất ngắm nhìn hạnh phúc và vẫy tay chào những ngôi sao. "Hãy quay lại nhanh nhé!", chúng kêu lên và trở về nhà.
Cô hỏi: "Theo con nghĩ thì những đứa trẻ và những ngôi sao Hòa bình sẽ gặp lại nhau không? Chúng mình có thể bình yên, hạnh phúc và đáng yêu giống như những ngôi sao này không?"
Dành cho các bậc cha mẹ có con từ 8 tuổi trở lên
Tại buổi họp nhóm
• Xem lại điểm suy ngẫm về hòa bình trong sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi và thực hành Hình dung về một Thế giới Hòa bình.
• Nếu mọi thành viên đều cảm thấy thoải mái, tập huấn viên có thể đề nghị họ hát những bài họ ưa thích về hòa bình. Mọi người đều có thể hát cùng nhau nếu đó là một bài phổ biến.
• Trình bày một kỹ năng làm cha mẹ vào mỗi buổi sinh hoạt, bắt đầu với kỹ năng 1 – Nhận ra Tầm quan trọng của việc chơi đùa & Thời gian ở bên con.
• Giới thiệu những hoạt động ở các bài học về hòa bình trong sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi. Xem bài Viên nhộng thời gian và Sự đối lập giữa một Thế giới Hòa bình và một Thế giới Xung đột. Hướng dẫn những hoạt động này nếu các cha mẹ muốn.
• Cho người tham dự đứng thành một vòng tròn. Đi quanh vòng tròn và yêu cầu họ hoàn tất câu "Tôi cảm thấy bình yên nhất khi…". Sau đó, tiếp tục yêu cầu họ hoàn tất câu "Tôi nghĩ con gái (hay con trai) của tôi có thể cảm thấy bình yên nhất khi…". Tiếp tục đi hết vòng tròn cho đến khi các cha mẹ đã nói đôi điều về con của họ.
• Ôn lại các bài Giải quyết bất hòa và Đôi cánh tay. Tạo nhóm ba người và tập giải quyết xung đột. Cho họ thay phiên nhau đóng vai cha/mẹ và hai người còn lại đóng vai hai đứa con gây gổ với nhau.
Ở nhà
• Mở những bài hát về hòa bình mà trẻ ưa thích. Hát cùng trẻ – có thể hát khi bạn và trẻ đi tản bộ hay đang chở trẻ trên xe.
• Đánh giá cao, để trẻ biết khi nào trẻ là "người mang lại hòa bình", hoặc là "dòng sông hòa bình". Ghi nhận những cố gắng tích cực của trẻ trong cuộc đối thoại giải quyết xung đột mà trẻ có thể là người trong cuộc.
• Chia sẻ với trẻ về cảm giác bình yên của bạn, dùng những ngôn từ phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
• Mời trẻ vào bếp. Cùng trẻ làm bánh, nặn bánh thành biểu tượng hòa bình hoặc trang trí bánh kem bằng những biểu tượng hòa bình.
• Vào buổi tối, bạn và trẻ có thể thay phiên nhau chọn ra những ý tưởng ưa thích về hòa bình từ nền văn hóa hay lối sống của đất nước và sau đó, cả hai có thể nêu lên các ý về hòa bình trong một phút trước giờ cơm tối hay vào lúc sinh hoạt gia đình.
• Đề nghị trẻ vị thành niên chia sẻ xem cháu mường tượng thế nào về hòa bình. Hãy chú tâm lắng nghe.
• Cả hai vợ chồng bạn cần trao đổi thêm về những bộ phim có cảnh quay bạo lực. Liệu cả hai có sẵn sàng từ bỏ xem những bộ phim như thế ở nhà không? Nếu đồng ý, hãy đưa ra các phương án hạn chế trẻ tiếp cận với những bộ phim này ở nhà. Nếu bạn không chắc lắm, hãy để ý đến tâm trạng của trẻ sau khi chúng xem thêm ba phim bạo lực nữa.
Quan sát suy nghĩ và tâm trạng của bạn khi xem một bộ phim bạo lực, nó khác với khi xem một bộ phim hòa bình (bình yên) và có tính nhân bản như thế nào. Sau đó cả hai vợ chồng cùng bàn lại. Nếu cả hai đều đồng ý không xem phim bạo lực ở nhà, hãy nói chuyện này với trẻ. Nói: "Khi xem chương trình nào đó, chúng ta sẽ có những cảm xúc tương ứng. Nếu chúng ta muốn góp phần tạo nên một gia đình, một lớp học hay một thế giới hòa bình (bình yên), thì không có lợi khi để những cảm xúc thô bạo xuất hiện trong ta như thế".
Nếu bạn quyết định thực thi nguyên tắc này ở nhà, hãy cương quyết làm theo. Nếu trẻ phản đối, chuyện đó sẽ không kéo dài. Khi đứa con ở độ tuổi vị thành niên của bạn chọn xem những phim bạo lực này với bạn bè ở bên ngoài, hãy giữ mình tách bạch, khách quan và lắng nghe những cảm nhận của con.
• Hỏi xem điều gì truyền cảm hứng cho trẻ về hòa bình (bình yên)?
Lắng nghe những gì trẻ nói.
• Cùng trẻ đến thăm một nơi mà trẻ có thể chứng kiến hòa bình (bình yên) trong hành động. Nơi đó có thể là viện bảo tàng với những hình ảnh về hòa bình, trung tâm cộng đồng hoặc nhà mở, nơi trẻ có thể chăm sóc người khác.
• Hỏi "Khi nào chúng ta cảm thấy bình yên nhất?" trong buổi sinh hoạt gia đình. Bản thân bạn hãy để ý giúp các thành viên khác trong gia đình có thêm nhiều giây phút bình yên.
Trích dẫn nội dung từ sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi
Những điểm suy ngẫm về Hòa bình
-Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác.
-Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ là một thế giới hòa bình.
-Hòa bình là sự yên tĩnh ở trong lòng
-Hòa bình là khi tâm trí trở nên điềm tĩnh và thư thái.
-Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, cảm xúc trong sáng, và những ước muốn tốt lành.
-Hòa bình bắt đầu từ mỗi chúng ta.
-Để sống trong bình an, ta cần có lòng trắc ẩn và sức mạnh từ nội tâm.
-Hòa bình là một dạng năng lượng đem đến sự cân bằng.
-Hòa bình là đặc trưng nổi bật của một xã hội văn minh.
-Hòa bình phải bắt đầu từ mỗi chúng ta. Bằng cách giữ yên lặng và nghiêm túc suy nghĩ về ý nghĩa của hòa bình, chúng ta có thể khám phá ra những phương cách làm gia tăng sự thông hiểu, tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. - Ngài Javier Perez de Cuellar, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Bài học 1
Hình dung về một thế giới hòa bình
Bước 1 - Cho các em cùng hát một bài hát về Hòa bình. Giải thích với các em rằng trong một vài tuần tới, nhà trường hoặc lớp chúng ta sẽ tìm hiểu một đề tài rất quan trọng, đó là Hòa bình.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Em nào có thể nói cho thầy/cô biết về hòa bình?
- Hòa bình là gì?
- Một thế giới hòa bình có nghĩa là gì?
Chấp nhận tất cả mọi ý kiến và cám ơn các em đã chia sẻ ý kiến của mình. Tiếp tục bài học với bài thực hành Hình dung về một Thế giới Hòa bình.
Bước 3 - Hình dung về một Thế giới Hòa bình:
Một điều kỳ diệu đối với mỗi học sinh ở tuổi các em là tất cả chúng ta đều biết về hòa bình. Thầy/cô muốn bắt đầu bài học bằng cách đề nghị các em sử dụng tâm trí của mình để tưởng tượng về một thế giới hòa bình. Hãy giữ mình điềm tĩnh, tĩnh lặng. Thầy/cô muốn vẽ một bức tranh trong tâm trí của em về một quả bóng to và rất đẹp, quả bóng này to đến mức các em có thể bước vào bên trong…, quả bóng này giống như một hành tinh nhỏ và em có thể dạo chơi trong tưởng tượng, đi vào tương lai, đến với một thế giới tốt đẹp hơn… Hãy từng bước đi vào bên trong và trôi bồng bềnh vào một thế giới thực sự hòa bình… Quả bóng dừng lại trên mặt đất của thế giới này, và em bước ra… Trông thế giới ấy ra sao?… Hãy tưởng tượng xem em cảm
thấy thế nào… Thiên nhiên như thế nào?... Không khí như thế nào?... Những ngôi nhà trông giống cái gì?... Khi em bước đi xung quanh hồ, hãy tự mình cảm nhận xem nơi đó bình yên như thế nào… Hãy nhìn xuống hồ nước và ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của mình ở bên dưới… Em có thể cảm thấy thân thể của mình được thư giãn ở chốn yên tĩnh này… Khi em đi ngang qua một đám đông, hãy chú ý đến những biểu hiện trên gương mặt họ và cách họ nói chuyện, trao đổi với nhau như thế nào… Một số người mỉm cười và vẫy tay chào khi em bước vào trong quả bóng để quay trở lại đây… Quả bóng bồng bềnh đưa em quay về thực tại và có mặt tại lớp học này… Khi em đang ngồi đây, quả bóng biến mất, để lại trong em cảm giác tĩnh lặng và bình an.
Bước 4 - Chia sẻ: Dành cho học sinh thời gian để chia sẻ với nhau về những gì các em đã tưởng tượng về một thế giới hòa bình. Một số em có thể thích chia sẻ trải nghiệm, hoặc thầy cô có thể yêu cầu các em trước tiên hãy chia sẻ về thiên nhiên, sau đó về bản thân và tiếp theo là hình dung về mối quan hệ với người khác như thế nào.
Bài học 3
Sự đối lập giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột
Bước 1 - Giáo viên giải thích: "Hôm nay thầy/cô muốn nói với các em về sự khác nhau giữa một thế giới hòa bình và một thế giới xung đột. Những điều gì có trong thế giới xung đột mà không có trong thế giới hòa bình?" Học sinh có thể nêu ra những điều như chiến tranh, súng đạn, tội phạm.
Bước 2 - Chia bảng thành 2 cột: Những hành động trong một thế giới hòa bình và Những hành động trong một thế giới xung đột. Yêu cầu các em đưa ra ý kiến cho từng cột.
Bước 3 - Hoạt động dành cho học sinh 10 - 14 tuổi: Hướng dẫn các em cách hình thành Bản đồ Tâm trí về một thế giới hòa bình. Học sinh cũng có thể xây dựng Bản đồ Tâm trí về một thế giới có xung đột trong những ngày kế tiếp. Để bắt đầu làm Bản đồ Tâm trí, mỗi học sinh vẽ một hình ảnh nhỏ ở chính giữa trang giấy; rồi bắt đầu từ hình ảnh này vẽ một số đường hướng ra ngoài (gọi là nhánh chính), sau đó vẽ thêm các nhánh phụ từ các nhánh chính này. Trên mỗi nhánh, các em sẽ viết những đặc điểm, khía cạnh khác nhau về hình ảnh nằm giữa tờ giấy. Yêu cầu học sinh làm một bản đồ về một Thế giới Hòa bình và một bản đồ khác về một Thế giới Xung đột.
Bước 4 - Biểu diễn hoặc hát một bài hát về hòa bình.
Bước 5 - Thảo luận điểm suy ngẫm:
• Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh.
• Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác
• Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình.
Bài học 4
Viên nhộng thời gian
Bước 1 - Giáo viên nói: "Hôm nay, hãy tưởng tượng rằng các em đang sống trong một thế giới hòa bình như các em đã hình dung hôm trước, và các em được yêu cầu tạo ra một viên nhộng thời gian để các thế hệ trong tương lai biết về thế giới hòa bình của các em. Mười vật dụng nào các em sẽ chọn để bỏ vào trong viên nhộng thời gian ấy để cho các thế hệ tương lai biết nhiều hơn về một thế giới hòa bình?".
Bước 2 - Học sinh có thể tự thực hiện một mình, theo từng cặp hay theo nhóm nhỏ. Các em có thể vẽ hoặc viết ra tên của mười vật dụng.
Bước 3 - Các em chia sẻ mười vật dụng này của nhóm mình cho cả lớp.
Bước 4 - Các em chia sẻ trải nghiệm và bài học của mình vào cuối buổi.
Bài học 12
Đôi cánh tay
Bước 1 - Giáo viên giới thiệu bài học và gợi ý cho các em nghĩ đến nhiệm vụ của những đôi tay.
Bước 2 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Em biết gì về đôi cánh tay của chúng ta? Chúng ta dùng chúng để làm gì?
Chắc chắn học sinh sẽ nói với bạn về đôi tay như một bộ phận của cơ thể. Hãy nói với các em những điều đôi tay có thể làm. "Chúng có thể ôm bạn bè, nhặt đồ vật, nấu ăn, vẽ những bức tranh đẹp, ném bóng, xây những tòa nhà cao tầng, chữa bệnh cho gia súc… Các cánh tay nối liền là dấu hiệu của sự thân thiết và là bạn bè. Tay cũng có thể đẩy, xô và đánh lại người khác. Tạo ra hòa bình hay xung đột cũng đều xuất phát từ cách chúng ta sử dụng đôi tay của mình. Cách chúng ta sử dụng đôi tay của mình tạo ra sự khác biệt". Hãy hỏi các em:
- Em cảm thấy thế nào khi những người khác dùng tay của họ để gây đau đớn cho em hay cho một người mà em quan tâm? (Chấp nhận mọi câu trả lời và những biểu hiện cảm xúc của học sinh. Nhận xét: "Đúng, quả là đau đớn khi có kẻ làm tổn thương chúng ta").
Bước 3 - Nếu chưa có học sinh nào nêu lên ý tưởng này, hãy nói với các em rằng từ "bàn tay" còn đồng nghĩa với từ "vũ khí". Bàn tay con người cũng được sử dụng để chế tạo súng ống và vũ khí cho chiến tranh. Bàn tay con người có thể sáng tạo ra mọi vật và cũng có thể phá hủy tất cả mọi thứ.
Bước 4 - Giáo viên hỏi cả lớp:
- Các em hãy suy nghĩ xem tại sao lại có những người gây ra chiến tranh?
- Các em muốn nói gì với những người này?
Chấp nhận mọi ý kiến của học sinh.
Bước 5 - Giáo viên nói: "Có một câu khẩu hiệu là: Tay dùng để ôm ấp, chứ không phải để xô đẩy nhau". Hỏi:
- Các em có thể nghĩ ra những câu khẩu hiệu khác về lợi ích của đôi tay không? (Đưa ra một hoặc hai ví dụ nếu học sinh chưa nghĩ ra, chẳng hạn: Tay dùng để trao tặng chứ không phải để giành giật. Tay dùng để nắm lấy nhau chứ không phải để làm đau nhau. Hãy sáng tác những câu khẩu hiệu có tính hài hước).
- Các em có thể nghĩ ra một câu khẩu hiệu nào để nói với một ai đó đang quấy rầy em không?
Bình luận: "Mọi người cần biết rằng làm tổn thương người khác không phải là điều đúng đắn". Hãy viết lại những ý kiến của học sinh và lưu chúng lại trên bảng để dùng cho bài học khác. Hỏi:
- Có em nào nghĩ ra thêm một khẩu hiệu khác về hòa bình không?
Bước 6 - Hoạt động: Đề nghị học sinh làm một tấm áp phích về Hòa bình. Ví dụ: hình ảnh những cánh tay nối liền nhau, một khẩu súng biến thành chim bồ câu, những cánh tay của học sinh bao quanh hình ảnh đất nước v.v…
Bước 7 - Giáo viên cho các em trình bày tấm áp phích của mình trước cả lớp, sau đó cho từng nhóm dán sản phẩm của mình lên tường, xung quanh lớp học.
Bước 8 - Kết thúc với Bài thực hành thư giãn Ngôi sao Bình yên.
Bài thực hành thư giãn - Ngôi sao Bình yên.
Một cách để cảm nhận bình yên là giữ tĩnh lặng trong lòng. Trong giây lát, hãy nghĩ về những ngôi sao và hình dung chính mình cũng giống như những ngôi sao ấy. Chúng đẹp làm sao trên bầu trời, chúng lấp lánh và tỏa sáng. Chúng thật tĩnh lặng và bình an. Hãy để cho cơ thể nghỉ ngơi… thả lỏng các ngón chân và cẳng chân… thả lỏng bụng… và vai… thả lỏng bàn tay… và khuôn mặt… Hãy để cho cảm giác an toàn tràn ngập… và một luồng sáng dịu, bình yên nhẹ nhàng bao quanh bạn… Em giống như một ngôi sao nhỏ xinh đẹp… Em, một ngôi sao nhỏ ở trong thân thể này, tràn đầy ánh sáng bình yên… Ánh sáng ấy thật dịu dàng… Hãy nghỉ ngơi trong ánh sáng bình yên và yêu thương đó… Hãy để chính mình được yên tĩnh và bình an trong tâm hồn… Em có thể chú ý… tập trung… Mỗi khi em muốn cảm thấy bình yên trong lòng, em có thể giữ tĩnh lặng… hài lòng… trở thành một ngôi sao bình yên.
Hướng dẫn thực hiện Bản đồ Tâm trí
Bản đồ Tâm trí là một kỹ thuật đồ họa rất hiệu quả, nó kích thích sự hoạt động của hai bán cầu não thông qua việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, số học, lý luận, tư duy logic, nhịp điệu, màu sắc, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và nhận thức về không gian. Nó có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, phác họa dàn ý cho các câu chuyện, dàn ý cho một bài nói chuyện, sắp xếp một cách trật tự các chi tiết, hay để sáng tạo và phát triển ý tưởng về một chủ đề. Sử dụng Bản đồ Tâm trí rất đơn giản. Trong thực tế, việc sử dụng các ngôn từ về Giá trị là một cách tuyệt vời để bắt đầu học về cách lập nên một Bản đồ Tâm trí. Hãy viết một từ về Giá trị vào chính giữa một trang giấy được đặt nằm ngang, vẽ vài đường thẳng kéo dài ra phía bên ngoài và điền vào mỗi đường thẳng một từ nảy ra trong óc bạn ngay khi bạn nghĩ đến từ về Giá trị. Bộ não của bạn sẽ tự động sử dụng sức mạnh liên tưởng của nó.
Trong cuốn Tiến lên phía trước (Get Ahead) của Vanda North và Tony Buzan, các tác giả đã đề nghị sử dụng Bản đồ Tâm trí khi cần đào sâu suy nghĩ về một đề tài, một kỹ thuật mà họ gọi là "Sự nở hoa của bộ não". Như các tác giả này nói: "Nó cho phép một sự bừng nở vĩ đại, nở hoa, liên tưởng, kết nối và sự nở hoa của các tư duy, ý tưởng và dữ kiện, được nắm bắt trong vẻ đẹp rực rỡ của chùm hoa đó". Những quy tắc dành cho Bản đồ Tâm trí được đưa ra như sau:
Cách hình thành Bản đồ Tâm trí:
1. Lấy một tờ giấy trắng khổ vừa hoặc lớn và đặt chúng theo chiều ngang.
2. Bắt đầu ở ngay chính giữa trang giấy bằng một hình ảnh trung tâm trình bày theo ý bạn về chủ đề mà bạn đang muốn viết/suy nghĩ. Sử dụng ít nhất 3 màu sắc trong hình ảnh này.
3. Những chủ đề chính xung quanh hình ảnh trung tâm giống như những tiêu đề của các chương trong một cuốn sách. Viết các từ và đặt chúng lên trên các dòng kẻ có độ dài bằng nhau. Các đường trung tâm có thể là đường cong và trông tự nhiên... giống như những cành cây đâm nhánh từ thân cây.
4. Bắt đầu thêm vào cấp độ tư duy thứ hai. Những từ ngữ hay hình ảnh này được kết nối với cành chính đã tạo ra chúng. Những đường này nối với cành và trông mảnh hơn.
5. Thêm cấp độ thứ ba hoặc thứ tư về dữ liệu, khi những suy nghĩ đến với bạn. Hãy sử dụng hình ảnh càng nhiều càng tốt. Hãy để những suy nghĩ đến với bạn một cách tự do, có nghĩa là bạn "nhảy nhót qua lại" trên Bản đồ Tâm trí khi nối kết các liên tưởng trong đầu bạn.
6. Thêm chiều cho Bản đồ Tâm trí của bạn. Bổ sung thêm chiều sâu quanh các từ hoặc hình ảnh, sử dụng những màu sắc và phong cách khác nhau. Nếu muốn, bạn có thể thêm những mũi tên để chỉ mối liên hệ.
7. Hãy tạo hứng thú bằng cách làm mỗi tấm Bản đồ Tâm trí ngày càng đẹp hơn, có tính thẩm mỹ cao hơn, nhiều màu sắc hơn và giàu hình tượng hơn. Hãy phát triển phong cách riêng của bạn.
Bản đồ Tâm trí - Giá trị Tôn Trọng
TÔN TRỌNG
Dành cho các bậc cha mẹ có con từ 2 đến 7 tuổi
Tại buổi họp nhóm
• Ôn lại điểm suy ngẫm về tôn trọng trong sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi để các phụ huynh biết cách giải thích về tôn trọng cho con ở độ tuổi này.
• Giới thiệu Kỹ năng làm cha mẹ 2 – Khen ngợi để củng cố những hành vi tích cực. Yêu cầu các cha mẹ liệt kê những giá trị họ ưa thích ở con mình và nghĩ ra lời khen ngợi đặc biệt dành cho giá trị mà họ nhận thấy qua hành vi của con.
• Hát hoặc nghe những bài hát về lòng tôn trọng (Sẽ rất vui nếu bạn hát cùng con trên đường đi chợ). Yêu cầu các cha mẹ chia sẻ những bài hát làm cho họ cảm thấy thật tuyệt vời.
• Ôn lại Kỹ năng làm cha mẹ 4 – Lắng nghe tích cực. Yêu cầu các cha mẹ thực hành kỹ năng này trong nhóm ba người, trong đó: người thứ nhất làm Người nói, người thứ hai làm Người nghe và người thứ ba làm Người quan sát. Sau đó, họ sẽ đổi vai cho nhau để có thể cảm nhận cả ba vai trò.
- Vòng 1: Người nói chia sẻ một điều tích cực nào đó đã xảy ra với họ.
- Vòng 2: Người nói chia sẻ điều đã làm họ buồn chán hoặc nổi giận.
- Vòng 3: Người nói giả làm con của họ và chia sẻ một điều mà họ cảm thấy lo ngại gần đây.
• Sau mỗi vòng, nhóm nên phản hồi cho nhau về những gì mà họ đã quan sát và cảm nhận được về kỹ năng lắng nghe tích cực.
• Giao bài tập về nhà: Khuyến khích các cha mẹ, hoặc người chăm sóc trẻ, thực hành kỹ năng lắng nghe tích cực nếu trẻ gặp vấn đề hay cảm thấy buồn chán.
Ở nhà
• Cha mẹ có thể thực hiện hoạt động Đôi bàn tay em (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi). Thay vì đặt ra một việc làm tốt cho đôi tay của trẻ (như giáo viên thường làm ở trường), cha mẹ có thể giúp trẻ liệt kê nhiều việc làm tốt. Thực hiện hoạt động này với các bé và hát bài Hai bàn tay của em hoặc sáng tác một bài hát đơn giản kèm theo hoạt động. Hãy sẵn sàng thay đổi bài hát khi những hoạt động của bạn và trẻ thay đổi!
• Treo trên tường sản phẩm Em và hình bóng của trẻ (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi). Khi con mang về một bức vẽ và cho bạn xem, hãy thể hiện sự thích thú và bạn sẽ thấy gương mặt trẻ sáng bừng lên khi bạn thích thú mô tả về bức tranh ấy.
• Khen trẻ vài lần trong ngày, nêu tên giá trị mà trẻ đã thể hiện.
• Hãy quan tâm, chú ý đến bé và lắng nghe bé ít nhất vài phút mỗi ngày. Đây là một trong những cách tốt nhất để bạn thể hiện sự tôn trọng và để trẻ cảm thấy mình có giá trị.
• Đôi khi hãy nói: "Cảm ơn con đã chú tâm lắng nghe".
• Luôn tỏ thái độ vui vẻ khi giúp trẻ làm bài tập về nhà. Nếu thấy mình sắp sửa cáu gắt, bạn hãy đi ra ngoài vài phút và uống một tách trà. Hãy tách bạch. Bằng lòng kiên nhẫn của bạn, trẻ sẽ nắm bắt bài học rất nhanh. Chỉ nói ra những lời nhận xét tích cực trong khi trẻ làm bài. Làm mẫu cho trẻ cách giải đáp một bài tập khó khi trẻ không hiểu, rồi giúp trẻ làm vài bài khác nữa. Bảo với trẻ hãy gọi bạn đến sau khi đã tự làm được một bài tập khó nào đó. Hãy nói "Hay quá! Con đã tự làm được rồi... Giờ làm thêm vài bài nữa, sau đó gọi ba/mẹ nhé".
• Nếu trẻ đang nói với giọng điệu thiếu tôn trọng hoặc đòi hỏi, bạn có thể bảo trẻ "Sao mà (tên một nhân vật hoạt hình hoặc vị anh hùng hòa bình ưa thích của trẻ) lại có thể nói ra những lời đó nhỉ?. Khen ngợi khi trẻ đổi giọng, hãy cười và nói "Đó mới là giọng nói mà ba/mẹ thích nghe".
Trích dẫn nội dung từ sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi
Những điểm suy ngẫm về Tôn trọng
-Tôn trọng là có cảm giác tốt đẹp về chính mình.
-Tôn trọng là biết mình độc đáo và có giá trị.
-Tôn trọng là đánh giá cao chính mình.
-Tôn trọng là biết mình đáng yêu và giỏi giang.
-Tôn trọng là thích mình là ai.
-Tôn trọng là lắng nghe người khác.
-Tôn trọng là biết rằng người khác cũng có giá trị.
-Tôn trọng là đối xử tử tế với người khác.
Bài hát gợi ý
Mỗi người là một nụ hoa
- Võ Tá Khánh, Tiến Lộc
Mỗi người là một nụ hoa, nở ra nở ra tươi thắm.
Làm thành vườn hoa, vườn hoa muôn sắc tươi xinh.
Mỗi người là một nụ hoa, cùng đem về đây góp sắc.
Làm thành vườn hoa, vườn hoa vườn hoa chúng mình.
Bài học 2
Đôi bàn tay em
Thảo luận điểm suy ngẫm: "Tôn trọng là có cảm giác tốt đẹp về chính mình". Cô hỏi:
• Khi nào con cảm thấy tốt về con?
Bé thường chia sẻ về việc bé đã giúp đỡ người khác. Cô xác nhận khi chúng ta làm được việc tốt, thì chúng ta cảm thấy tốt đẹp. Công nhận mọi câu trả lời của bé.
Hoạt động: Mỗi bé dùng cọ vẽ lên hai bàn tay mình và in cả hai bàn tay lên giấy hoặc cho bé đồ lại hai bàn tay mình lên giấy, rồi vẽ và tô màu. Cô hãy giúp những bé nhỏ làm điều này. Mỗi bé cắt nhỏ hình những bàn tay của mình và sắp xếp thành vòng tròn trên một tờ giấy lớn. Giờ bé có thể dùng hồ/keo dán lại và viết tên mình bên cạnh.
Thảo luận: Cô cho các bé ngồi theo vòng tròn hoặc theo từng nhóm nhỏ. Cô khen ngợi các hoạt động cũng như sự chú ý của bé và nói: "Thực ra bàn tay có thể làm được nhiều việc tốt, như bức tranh của các con này nhưng cũng có thể gây ra những hành động không tốt như khi con đánh hoặc cấu véo bạn". Sau đó cô hỏi bé xem bé thích làm những việc tốt nào bằng đôi tay của mình. Cô viết tất cả các câu trả lời vào trong vòng tròn của hình những bàn tay đã dán.
Bài học 3
Bài hát về Đôi bàn tay em
Hoạt động: Cô cho bé sáng tác một bài hát đơn giản hay một bài thơ bao gồm những hoạt động từ bài trước. Cô tập cho bé hát và di chuyển tay theo lời của bài hát.
Hoạt động: Hôm nay cô cho bé làm một tấm thiệp tặng ba mẹ. Cô tìm những tấm thiệp màu có in hình trái tim. Cô phát cho bé để bé cắt hình trái tim. Đối với những bé nhỏ hơn, cô cho bé đồ lại hai bàn tay mình lên hình trái tim, sau đó tô màu hai bàn tay. Cô cho các bé lớn hơn đồ hai bàn tay mình lên giấy trắng, rồi cắt ra để dán lên hình trái tim. Cô lấy viết dạ và viết phía sau hình bàn tay của các bé nhỏ: "Hai bàn tay nhỏ của con làm được việc tốt. Tay em làm được (cô viết câu trả lời của các bé). Các bé 5 tuổi dùng viết dạ đồ lên các từ do cô viết trước bằng viết chì.
Cho bé tập im lặng qua bài Ngôi sao Tôn trọng.
Cô giới thiệu: "Chúng ta vừa hát bài những bàn tay nhỏ. Đôi bàn tay con có thể làm được nhiều việc tốt. Những việc làm tốt giúp chúng ta tôn trọng chính mình. Các con còn nhớ: Mỗi chúng ta đều độc đáo và quý giá. Chúng ta còn đáng yêu và giỏi giang nữa. Giờ các con hãy để mình cảm nhận xem tôn trọng giống thế nào. Giờ chúng ta hãy để Ngôi sao Tôn trọng mang chúng ta đến với Ngôi sao Bình yên nhé".
Bài tập Ngôi sao Tôn trọng
Các con hãy để mình ngồi im lặng... thả lỏng các ngón chân, bàn chân... và cẳng chân... thả lỏng bụng... và hai vai... thả lỏng hai cánh tay... và khuôn mặt... Ngôi sao Tôn trọng biết từng người... nó biết rằng mỗi người đều đóng góp cho thế giới này những đức tính tốt đẹp của riêng mình... Con chính là một ngôi sao nhỏ xinh đẹp... Con đáng yêu và giỏi giang... Hãy để con cảm nhận cảm giác tôn trọng trong con... Con là Ngôi sao Bình yên... thật đáng yêu và giỏi giang... để con thật yên lặng và bình an... Mỗi khi con muốn có cảm giác tốt đẹp ở bên trong, con hãy để mình yên lặng và nhớ lại con là một Ngôi sao tràn đầy bình yên... con là một Ngôi sao tràn đầy sự Tôn trọng…
Bài học 5
Con báo Lily
Cô kể lại chuyện "Con báo Lily".
Thảo luận: Cô hỏi về nội dung câu chuyện:
- Tại sao Lily cảm thấy buồn?
- Tại sao nó bỏ chạy?
- Sau giấc ngủ trưa, nó đã nhìn thấy ai?
- Nó có ngạc nhiên khi nhìn thấy một con báo có đốm xanh không?
- Lily có thể kể ra được những đức tính tốt nào về mình? (tốt bụng,
chăm sóc, thân thiện, đáng yêu, dũng cảm, mạnh mẽ...).
- Nó có vui khi phát hiện những đức tính tốt đẹp ở mình không?
- Con cảm thấy thế nào khi nghĩ về những đức tính tốt của con?
Hoạt động: Cô cho bé vẽ (bé nhỏ hơn thì tô màu tranh có sẵn) về câu chuyện "Con báo Lily".
Hát bài Mỗi người là một nụ hoa hay một bài hát khác về tôn trọng.
Bài học 7
Em và hình bóng
Thảo luận:
- Các con còn nhớ câu chuyện "Con báo Lily" không?
- Các con muốn nghe cô kể lại lần nữa không?
- Lily có những đốm màu gì?
- Lenny có những đốm màu gì?
- Ai nhớ Lucy có đốm màu gì?
Nhấn mạnh: Lily, Lenny và Lucy đều là báo, nhưng chúng lại có đốm màu khác nhau. Các con vẫn còn nhỏ, nhưng không ai giống ai cả. Tôn trọng là biết mình độc đáo và có giá trị.
Chuẩn bị dụng cụ: Những tờ giấy khổ lớn – cỡ thân người các bé – chì màu hoặc màu nước. Có thể sử dụng thêm nút áo cũ, sợi (len) hay chỉ.
Hoạt động: Cô cho bé nằm lên tờ giấy và bé khác sẽ vẽ đường viền cơ thể của bé, sau đó đổi lại. Bé có thể cắt hình bóng của mình.
Bài học 8
Em và hình bóng
Hát bài Mỗi người là một nụ hoa hay một bài khác về tôn trọng.
Hoạt động: Cô cho bé tiếp tục hoàn tất Cái bóng của bé. Bé có thể vẽ, tô màu, sơn quần áo, tóc và thêm vào những đặc điểm khác. Mỗi bé có thể trình bày tác phẩm của mình, sau đó cô cho bé dán tranh của mình lên tường.
Câu chuyện: Con báo Lily
- John Mc Connel
Con báo Lily nghĩ rằng có gì đó sai lầm nghiêm trọng với nó. Không giống như những con báo khác, những đốm trên mình nó không phải màu đen mà lại là màu hồng. Sẽ không có gì là khủng khiếp nếu những con báo khác chấp nhận nó.
Thực ra, gia đình của nó cũng có lẩn tránh nó. Mẹ nó đã khóc khi sinh ra một đứa con gái có những đốm màu hồng như vậy. Cả ba và hai anh trai, Julian và Ricky của nó cũng cảm thấy xấu hổ vì sự có mặt của nó trong gia đình. Những con báo hàng xóm phớt lờ, chế giễu nó, thậm chí đôi khi đánh nó. Có lúc nó rất sợ và buồn; có lúc lại bực tức. Nó quyết định chỉ nằm ở nhà. Có hôm nó nằm cả ngày trong một bụi rậm để nhìn các bạn nô đùa. Thỉnh thoảng, các bạn ấy cũng rủ nó ra chơi cùng, nhưng nhớ lại lời trêu chọc trước đó, nó gầm gừ trong cổ để đáp lại.
Đó không phải là lỗi của nó khi nó có những cái đốm hồng như vậy! Nó khác với các bạn và nó không thể làm gì được. Nó cứ tự hỏi tại sao tất cả mọi con báo lại không hiểu điều này. Nó đã làm mọi cách để cởi bỏ những cái đốm màu hồng. Có hôm nó đã cố lau chùi cho sạch và dùng cả thuốc tẩy. Có hôm nó còn sơn các đốm này thành màu đen thui, nhưng sau đó các đốm hồng ấy vẫn cứ lộ ra. Mọi cách đều không được! Một thời gian sau, nó nhận ra mình bất lực. Nó còn có thể làm gì nữa?
Một hôm, nó bị bốn con thú con trêu chọc. Nó quyết định bỏ nhà ra đi. Nó đã đủ lớn. Nó chạy nhanh vào rừng sâu. Nó cúi đầu chạy hàng giờ và chỉ dừng lại một tí để thở và lau nước mắt.
Cuối cùng, nó dừng lại ở một nơi sạch sẽ để nghỉ. Nó ngủ thiếp đi cho đến khi bị đánh thức bởi một cái lưỡi mềm cọ vào mũi nó. Khi mở mắt, nó thấy một cảnh tượng thật kỳ lạ. Trước mắt nó là một con báo lớn với những đốm sáng màu xanh! Lily quá kinh ngạc đến nỗi nó phải chớp mắt tới hai lần để chắc rằng nó không mơ.
Nó đã từng mơ đến những con báo với những đốm màu khác nhau, nhưng nó không hề mong đợi lại có những con báo như vậy. Con báo lớn giới thiệu là Lenny. Lenny hỏi nó đang làm gì ở nơi xa nhà như vậy. Khi Lenny nói, cậu ấy có vẻ rất tự tin và hạnh phúc. Ánh mắt cậu ấy quá thân thiện, nên Lily cảm thấy an toàn và chẳng mấy chốc nó đã thổ lộ hết những tâm sự của mình.
Lenny im lặng lắng nghe câu chuyện của nó. Khi nó nói xong, Lenny ôm chặt nó trìu mến và giúp nó lau khô nước mắt. Sau đó, Lenny cười với nó và nói: "Điều bạn cần là lòng tự trọng".
"Mình ư?", Lily hỏi lại, "Đó là gì vậy?"
"Tự trọng là thích chính bạn, ngay cả khi người khác không thích bạn", Lenny giải thích: "Nghĩa là trân trọng tất cả những điều đặc biệt của bạn".
"Nhưng, mình chẳng có gì đặc biệt cả, trừ những cái đốm màu hồng này và mình ghét chúng!". Nó bật khóc: "Mình thật lạ lùng và xấu xí. Mình ước sao mình chưa từng được sinh ra".
"Đừng ngốc thế!", Lenny nhẹ nhàng: "Bạn rất đặc biệt. Trên thế giới này, không một con vật nào giống như bạn và mình thấy bạn có nhiều cái tốt". Lenny dừng lại một lúc. Dường như cậu ấy đang suy nghĩ. "Mình có ý này", cậu ấy nói: "Chúng mình hãy liệt kê tất cả những điều bạn thích về bạn".
"Được thôi!", Lily nói, mặt nó tươi tỉnh lên một chút. Nó suy tư một hồi và nói: "À, mình thật tốt bụng và quan tâm đến người khác... mình cố gắng trở nên thân thiện. Mình hay giúp ba mẹ. Mình rất đáng yêu …" Lily dừng lại, giọng nó trầm lắng. Lenny gật đầu háo hức để khuyến khích nó. Lily cảm thấy an tâm trở lại và tiếp tục: "Mình có đôi mắt màu vàng rất đẹp và mình thực sự là người chạy nhanh nhất. Mình dũng cảm, mạnh mẽ và …".
Vừa lúc đó, con báo Lucy và Laura cũng xuất hiện. Lucy có những đốm xanh lục và Laura có những đốm màu tím. Nhìn thấy Lily, chúng rất mừng rỡ. Chúng cười hớn hở và nhảy cẫng lên: "Bạn thật đáng yêu làm sao và bạn có một cái áo khoác thật đẹp!".
"Cảm ơn các bạn", Lily cười trả lời. Nó chợt nhớ còn nhiều điều tốt đẹp hơn nữa về nó. Tự nhiên, nó thấy mình nhẹ nhàng.
"Khác nhau cũng không sao", nó nghĩ, "thực ra, những cái đốm của mình khá đẹp! Nếu những con báo khác không thích mình vì những cái đốm màu hồng của mình, chẳng qua họ không biết có điều đẹp đẽ hơn. Mình thật sự không sao. Mình vui vì mình độc đáo như vậy".
Lily ở lại vài giờ để chơi với những người bạn mới. Mặt trời bắt đầu lặn, Lily nghĩ đến gia đình của nó. Có lẽ họ đang lo lắng về nó. Lily vẫy chào tạm biệt Lenny, Lucy và Laura. Nó hứa sẽ trở lại thăm các bạn.
Trên đường về nhà, nó ngắm mặt trời lặn. Lần đầu tiên, nó nhận thấy có nhiều màu sắc trên bầu trời. Bầu trời có màu hồng, màu xanh, màu tím và màu da cam. "Ôi đẹp làm sao!" nó tự hỏi: "Tại sao mình chưa bao giờ nhận thấy những màu sắc đẹp đẽ đó nhỉ?". Khi nó về, ba mẹ và hai anh chạy ra đón nó. Họ nhận thấy có điều gì khác lạ ở nó. Nó có vẻ hớn hở và tươi vui hơn. Nó ngẩng cao đầu, nhảy chân sáo trước họ và cười tinh nghịch với họ. "Con bé thật đẹp!", họ ngẫm nghĩ: "Tại sao mình chưa bao giờ nhận ra vẻ đẹp dí dỏm này ở nó?".
Dành cho các bậc cha mẹ có con từ 8 tuổi trở lên
Tại buổi họp nhóm
• Sau khi ôn lại điểm suy ngẫm về Tôn trọng trong sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi, tập huấn viên hãy cho thảo luận những điểm đó và trả lời các câu hỏi được liệt kê ở phần dành cho trẻ.
• Ôn lại loạt bài Các màu sắc của tôn trọng và thiếu tôn trọng (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi).
• Cho các cha mẹ thực hiện hoạt động Những phẩm chất của em trong sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi. Yêu cầu họ ngồi theo vòng tròn. Phát cho mỗi người một tờ giấy, bảo họ viết tên lên đầu tờ giấy và chuyền nó sang người kế bên theo chiều kim đồng hồ. Người này sẽ viết lên tờ giấy ấy những phẩm chất mà họ nhận thấy ở chủ nhân của tờ giấy này. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi tờ giấy quay về chủ nhân của nó thì dừng lại.
• Yêu cầu các phụ huynh chia sẻ những câu chuyện ưa thích của họ về tôn trọng bản thân.
• Giới thiệu Kỹ năng làm cha mẹ 2 – Khen ngợi để củng cố những hành vi tích cực. Yêu cầu các phụ huynh liệt kê những phẩm chất mà họ yêu thích ở con mình và nghĩ đến một phẩm chất mà họ mong muốn con mình thể hiện. Tạo thành nhóm ba người, thực tập khen ngợi và gọi tên phẩm chất, giá trị mà trẻ đã thể hiện.
• Ôn lại Kỹ năng làm cha mẹ 4 – Lắng nghe tích cực. Yêu cầu các cha mẹ thực tập Lắng nghe tích cực trong nhóm ba người (xem phần Dành cho các bậc cha mẹ có con từ 2 đến 7 tuổi để thực tập kỹ năng này).
• Đề nghị các phụ huynh thực tập Lắng nghe tích cực với từng đứa con như một bài tập về nhà cho cả tuần.
• Đề nghị các phụ huynh tập lắng nghe trẻ vị thành niên mà không áp đặt hay phản ứng tiêu cực. Thực tập trong một tuần, sau đó chia sẻ vào tuần sau.
Ở nhà
• Thực tập khen ngợi cụ thể và tích cực ghi nhận những hành vi, những giá trị tích cực ở trẻ.
• Ít nhất vài phút mỗi ngày, hãy trò chuyện với sự chú tâm hoàn toàn và lắng nghe trẻ. Đây là một trong những cách tốt nhất để bạn thể hiện sự tôn trọng và để trẻ cảm thấy mình có giá trị.
• Kể cho trẻ nghe những câu chuyện nói về lòng tôn trọng bản thân – bạn có thể kể những câu chuyện đã được nghe trong nhóm cha mẹ. Sau đó, dành thời gian trao đổi với mỗi trẻ về những giá trị mà bạn nhận thấy ở trẻ.
• Hãy bình tĩnh khi giúp con làm bài tập về nhà. Nếu bắt đầu cảm thấy bực bội, hãy đi ra ngoài vài phút và uống một tách trà. Hãy tách bạch. Bằng lòng kiên nhẫn của bạn, trẻ sẽ hiểu bài nhanh hơn. Chỉ nói ra những lời nhận xét tích cực trong suốt thời gian trẻ làm bài. Nếu trẻ làm sai, chỉ cần hướng dẫn trẻ làm lại. Hãy hào hứng giải đáp những câu hỏi của trẻ. Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy cùng trẻ tìm lời giải đáp. Nhận ra rằng bạn đang dạy trẻ về thái độ học tập, đó mới là điều quan trọng nhất.
• Nếu thấy trẻ có thái độ thiếu tôn trọng, tìm một dịp nào đó để trò chuyện thân tình với trẻ. Cho trẻ biết bạn đã nhận thấy thái độ thiếu tôn trọng này ở trẻ. Tuy nhiên cũng hãy nhận ra rằng thái độ thiếu tôn trọng được thể hiện ra bên ngoài, thì nó thường là một sự phản chiếu từ bên trong. Hỏi xem có chuyện gì đang xảy ra với trẻ và hãy lắng nghe. Ghi nhận những giá trị và những cố gắng của trẻ sau khi trò chuyện với trẻ.
• Ôm trẻ vào lòng và nhận xét tích cực về trẻ – không vì một lý do nào cả!
Trích dẫn nội dung từ sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi
Những điểm suy ngẫm về Tôn trọng
-Sự tôn trọng đầu tiên phải là tôn trọng chính bản thân – phải biết rằng tôi sinh ra vốn dĩ đã có giá trị.
-Một phần của lòng tôn trọng đối với bản thân là biết được những phẩm chất của chính mình.
-Tôn trọng là biết rằng tôi độc đáo và có giá trị.
-Tôn trọng là biết rằng tôi đáng yêu và có năng lực.
-Tôn trọng là lắng nghe người khác.
-Tôn trọng là biết rằng những người khác cũng có giá trị.
-Tôn trọng bản thân là hạt giống để gieo trồng lòng tự tin.
-Khi có lòng tôn trọng đối với bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng tôn trọng những người khác.
-Những ai biết tôn trọng người khác sẽ được người khác tôn trọng lại.
-Biết giá trị của mình và trân trọng giá trị của người khác là cách để được tôn trọng.
-Mỗi người trên thế giới, bao gồm chính bản thân tôi, đều có quyền được tôn trọng và có phẩm giá.
-Một phần của sự tôn trọng là biết rằng tôi tạo nên sự khác biệt.
Bài học 3
Những phẩm chất của em
Bước 1 - Hãy bắt đầu bằng một bài hát.
Bước 2 - Hoạt động: Chú ý để danh sách các phẩm chất đã được liệt kê ở bài 1 được các em nhìn thấy rõ trên bảng hoặc trên tường. Phát cho mỗi em một tờ giấy. Đề nghị các em viết tên mình lên đầu trang. Học sinh cần chuyền cho nhau các tờ giấy này và mỗi em viết vào đó một phẩm chất mà em nhận thấy về người bạn có tên trên giấy. Cần phải chuyền tờ giấy này cho tất cả các bạn khác trong lớp trước khi nó quay trở về với chủ nhân của nó. Cho các em 1 phút để đọc danh sách các phẩm chất của mình trước khi tiếp tục bài học.
Ghi chú: Giáo viên có thể mở nhạc nhẹ.
Bước 3 - Giới thiệu một bài thực hành thư giãn/tập trung mới. Giáo viên nói: "Những bài thực hành thư giãn/tập trung là cách để ta tận hưởng và làm gia tăng cảm giác về lòng tôn trọng đối với bản thân. Bài thực hành chúng ta sắp làm hôm nay dùng hình ảnh tưởng tượng về một khu vườn. Sau này nếu muốn các em có thể tự tưởng tượng hình ảnh về một đại dương hay một hình ảnh khác".
Bước 4 - Bài thực hành thư giãn về lòng tôn trọng - Tưởng tượng về một khu vườn
Ngồi một cách thoải mái và để cho cơ thể được thư giãn… khi em hít thở sâu… Hãy để trí óc yên tĩnh và thanh thản… Hãy bắt đầu từ bàn chân, hãy để cho em tự thư giãn… thư giãn hai chân… thư giãn bụng… vai… cổ… thư giãn mặt… mũi… hai mắt… và trán… Để cho tâm trí yên lặng và thanh thản… thở sâu… tập trung vào sự bình yên… Trong đầu em hiện lên hình ảnh một bông hoa… Hãy hình dung mùi hương… thưởng thức hương thơm của bông hoa đó… quan sát hình dáng và màu sắc của nó… thưởng thức vẻ đẹp của nó… Mỗi người giống như một bông hoa… mỗi người trong chúng ta đều độc đáo… Nhưng chúng ta cũng có nhiều điểm giống nhau… Hãy hình dung một khu vườn bao quanh em với rất nhiều loài hoa khác nhau… tất cả chúng đều đẹp… mỗi bông hoa có màu sắc riêng… mỗi bông hoa có hương thơm riêng… khoe những phẩm chất tốt nhất của mình… Một số bông hoa thì cao với cánh nhọn, một số có cánh tròn, có hoa to và cả hoa nhỏ… một số hoa lại có nhiều màu sắc… một số khác lại hấp dẫn chúng ta bởi vẻ giản dị của chúng… Mỗi người trong chúng ta đều giống như một bông hoa đẹp… hãy thưởng thức vẻ đẹp của từng bông… mỗi người đều góp phần làm nên vẻ đẹp của khu vườn… tất cả đều rất quan trọng… Chúng cùng nhau tạo nên vẻ đẹp của khu vườn… Mỗi một bông hoa đều tôn trọng chính bản thân nó… Khi biết tôn trọng bản thân, ta dễ dàng tôn trọng mọi người khác… Mỗi người đều có giá trị và độc đáo… Khi có lòng tôn trọng, ta nhìn thấy phẩm chất của những người khác… nhận thức được những điều tốt đẹp trong mỗi con người… mỗi người đều có một vai trò độc đáo… mỗi người đều quan trọng… Hãy để sự tưởng tượng này mờ dần trong tâm trí em và đưa sự chú ý của em quay về lớp học.
- Đóng góp của Amadeo Dieste Castejon
Bước 5 - Thảo luận điểm suy ngẫm: Tôn trọng bản thân là hạt giống để gieo trồng lòng tự tin.
Các bài học 4 đến 8
Các màu sắc của tôn trọng và thiếu tôn trọng. Tạo phong linh (chuông gió) của riêng em
Hàng ngày, hãy bắt đầu bài học bằng một bài hát.
Bài học 4
Bước 1 - Thông báo cho cả lớp biết chúng ta sẽ tìm hiểu những tác động, ảnh hưởng của thái độ tôn trọng và thiếu tôn trọng. "Trong vài ngày tới chúng ta sẽ tiến hành thí nghiệm về lòng tôn trọng. Thầy/ cô sẽ phát cho một nửa lớp những dải băng màu xanh để đeo vào cánh tay của các em, và một nửa lớp còn lại sẽ đeo dải băng màu tím". Nói với các em rằng trong thí nghiệm này một "chính phủ" (giả vờ) vừa tuyên bố rằng nhóm xanh là thành phần ưu tú. Ưu tú có nghĩa là tốt nhất. Chính phủ nhận thấy rằng người nhóm xanh có thái độ thiếu tôn trọng đối với người thuộc nhóm tím. Trong một khoảng thời gian theo hạn định (có thể là 1 giờ học đối với trường trung học hoặc một nửa buổi sáng ở trường tiểu học), yêu cầu nhóm xanh chỉ tỏ thái độ tôn trọng những người thuộc nhóm xanh mà thôi, và tỏ ra thiếu tôn trọng (qua thái độ chứ không bằng lời nói) đối với những người nhóm tím. Vào cuối buổi, nhắc các em nhớ rằng hoạt động này chỉ nhằm mục đích khám phá chủ đề tôn trọng và không tôn trọng. Thông báo với các em là ngày mai "chính phủ" sẽ có thay đổi!
Bước 2 - Hoạt động: Cho học sinh làm "Phong linh của em" trong ba giờ học khi các em thực hiện bài tập "Những màu sắc của sự tôn trọng và thiếu tôn trọng".
Phong linh của em
Giáo viên nói: "Một phần của việc học về lòng tôn trọng đối với bản thân là biết những phẩm chất của mình và hiểu chính mình. Tuần này, bài tập thực hành môn nghệ thuật của lớp ta là làm một chiếc phong linh tượng trưng cho chính em. Các em có thể sáng tạo theo ý mình. Ở đây có dây, giấy, bút màu, giấy màu và các que nhỏ. Các em có thể mang đến lớp một số lon thiếc hay hộp bìa cứng để treo lên và trang trí chúng bằng giấy màu. Mỗi món đồ trên phong linh phải thể hiện một khía cạnh về em".
Gợi ý một số nội dung ghi trên chiếc phong linh:
• Trò giải trí mà em yêu thích.
• Những phẩm chất của em.
• Gia đình em.
• Điều em thích trong thiên nhiên.
• Những con vật yêu thích của em.
• Cách em trao tặng cho người khác.
• Niềm tin của em.
• Món ăn ưa thích của em.
Liệt kê danh mục trên lên bảng.
Bước 3 - Giáo viên hỏi: "Có em nào muốn bổ sung lĩnh vực khác vào danh sách này không?".
Bước 4 - Đọc lại danh sách trên. Đối với các học sinh bé hơn hãy đọc một cách chậm rãi để các em có thời gian suy nghĩ về câu trả lời của mình trong mỗi lĩnh vực. Đi vòng quanh xem các em làm, lắng nghe và tán thưởng tác phẩm của các em.
Ghi chú: Phong linh (chuông gió) có thể được làm một cách dễ dàng bằng cách buộc hai chiếc que với nhau thành hình chữ X, sau đó treo các đồ vật vào đầu mút của các que đó theo các độ dài ngắn khác nhau. Nếu muốn, các em có thể dùng ba chiếc que. Một sợi dây từ chính giữa - ở chỗ hai hoặc ba chiếc que được buộc vào với nhau - và treo lên trần nhà. Có thể dùng móc treo áo thay cho những chiếc que.
Bài học 5
Bước 1 - Đảo ngược vai trò của các em trong buổi học tiếp theo, hoặc vào ngày hôm sau nếu bạn chỉ được phép dạy học sinh trong một tiết. "Bây giờ chính phủ vừa mới quyết định những người nhóm tím trở thành thành phần ưu tú". Sau đó cho cả lớp thảo luận về những cảm xúc và nhận thức của các em.
Bước 2 - Thảo luận:
• Các em cảm thấy thế nào khi thuộc về thành phần ưu tú?
• Các em cảm thấy thế nào khi là "người không ưu tú"?
• Các em có thích một thế giới mà mỗi người đều tôn trọng người khác không?
• Khi đó thế giới sẽ đổi khác thế nào?
Bài học 6
Bước 1 - Trong bài kế tiếp phân phát những dải băng với đủ 7 màu sắc của cầu vồng. Bây giờ tất cả các em đều là những công chúa và hoàng tử đến từ nhiều vương quốc khác nhau. Đề nghị các em chào hỏi mọi người qua ánh mắt, thái độ và hành vi của mình. Thảo luận về những cảm xúc và nhận thức của các em.
Bước 2 - Vào cuối buổi học, thực hành bài thư giãn Ngôi sao
Tôn trọng.
Bài thực hành thư giãn – Ngôi sao Tôn trọng
Hãy suy nghĩ về các ngôi sao... và hình dung chính chúng ta cũng giống các ngôi sao đó. Chúng thật đẹp trên bầu trời, chúng nhấp nháy và tỏa sáng... Chúng bình yên và thanh thản biết bao... rất tĩnh mịch... Hãy thư giãn ngón chân và chân... thư giãn bụng... và vai... thư giãn cánh tay... và khuôn mặt... Cảm giác thật an toàn... cho phép một ánh sáng bình yên dịu êm bao quanh em... Trong lòng em trông giống như một ngôi sao nhỏ đẹp đẽ... em thật đáng yêu và giỏi giang... em chính là em... Mỗi một người mang đến cho thế giới này những phẩm chất đặc biệt... em thật có giá trị... Em là ngôi sao của lòng tôn trọng... Hãy để mình tĩnh lặng và bình yên trong lòng... tập trung... em đang tập trung... đầy lòng tôn trọng... thỏa mãn... Chậm rãi đưa tâm trí quay trở về lớp học.
Bài học 7
Bước 1 - Học sinh vẫn tiếp tục đeo những dải băng tay màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, hãy bảo các em rằng màu xanh da trời có nghĩa là các em là những người được đào tạo tốt nhất, màu xanh lá cây tức là các em là những chuyên gia chăm chỉ nhất, màu tím có nghĩa là các em có tính hài hước nhất... Kết thúc hoạt động bằng việc thảo luận.
Bước 2 - Nhóm này (cũng như toàn thể nhân loại) có điểm nào chung? (Tất cả đều là con người và mỗi người đều có một thứ gì để trao tặng, ...).
Bước 3 - Hoạt động: Yêu cầu mỗi em viết một đoạn văn ngắn về kinh nghiệm của mình. Các em cảm thấy thế nào khi bị đối xử thiếu tôn trọng, các em cảm thấy thế nào khi được tôn trọng, các em cảm thấy thế nào khi mỗi người đều là công chúa hay hoàng tử?
Bài học 8
Bước 1 - Hoạt động: Yêu cầu các em làm thơ, sáng tác một bài hát, hay vẽ một bức tranh. Đề nghị các em diễn tả cảm xúc và phản ứng của mình về các nội dung trong bài học Các màu sắc của Tôn trọng.
Bước 2 - Học sinh chia sẻ những điều này với các bạn trong lớp.
Bước 3 - Kết thúc phần này bằng Bài thực hành thư giãn về Tôn trọng.
YÊU THƯƠNG
Dành cho các bậc cha mẹ có con từ 2 đến 7 tuổi
Tại buổi họp nhóm
• Ôn lại điểm suy ngẫm về yêu thương trong sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi để các cha mẹ biết cách giải thích thế nào là yêu thương cho trẻ ở độ tuổi này.
• Tập mường tượng bài Làm cho mình tràn ngập tình yêu thương (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi).
• Yêu cầu các phụ huynh chia sẻ với nhau những câu chuyện ưa thích của họ về yêu thương. Đó có thể là những câu chuyện cổ tích hoặc từ những cuốn sách họ đã đọc khi còn bé. Các phụ huynh có thể cho nhau mượn những cuốn truyện này để đọc cho các con của mình ở nhà.
• Tiếp tục giới thiệu các kỹ năng làm cha mẹ tiếp theo. Sau khi giới thiệu Kỹ năng làm cha mẹ 5 – Thiết lập nề nếp, hãy cho thảo luận: "Yêu thương còn có nghĩa là tạo cảm giác an toàn". Họ có thể chia sẻ những nề nếp mà cha mẹ họ từng áp dụng ở nhà khi họ còn nhỏ hoặc những lối sinh hoạt yêu thích của họ.
• Các cha mẹ có thể làm hoạt động Nhiều loại trái tim (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi). Hỏi: "Khi bạn có trái tim rộng lượng, bạn sẽ cảm thấy thế nào và điều gì giúp bạn rộng lượng như thế?". Mời thảo luận.
• Cả nhóm cùng hát bài Làm anh khó đấy, Chị ong nâu và em bé hoặc Cho tôi đi làm mưa với. Ở nhà, cha mẹ có thể hát bài này khi cùng vui đùa, nhảy múa với các con hay cùng làm một vật gì đó tặng ai đấy.
Ở nhà
• Cha mẹ có thể chia sẻ với các con mình bài tập Làm cho mình tràn ngập tình yêu thương lúc trẻ đi ngủ. Phụ huynh có thể thêm vào những ý tưởng của riêng họ hoặc dùng hình ảnh trẻ được bọc trong một cái kén yêu thương của ba mẹ.
• Yêu thương là chia sẻ. Những trẻ chập chững biết đi thường cảm thấy khó mà chia sẻ mọi thứ với những người khác. Trẻ sẽ dễ dàng học được cách chia sẻ hơn khi có nhiều hơn một món đồ chơi. Trước khi trẻ có bạn đến chơi cùng, hãy để trẻ biết rằng có nhiều bánh kẹo hay sôcôla để cháu có thể chia cho bạn. Khuyến khích trẻ mang bánh kẹo ra mời bạn. Mỉm cười và khen ngợi rằng "Con đã mời bạn ăn sôcôla, hành động đó thật đáng yêu".
• Khi trẻ làm được một việc đặc biệt, hay đang cố gắng học một kỹ năng mới, cha mẹ có thể đặt một trái tim nhỏ trên gối của trẻ hay ở chỗ "riêng tư" của trẻ. Đó có thể là một gương mặt hình trái tim với nụ cười hạnh phúc hay với vài lời ngọt ngào, yêu thương như "Ba/mẹ yêu con".
• Nghĩ về những nề nếp sinh hoạt thường nhật và những lề lối đã có ở nhà. Bạn có muốn bổ sung hay thay đổi gì không? Nếu có hai người chăm sóc trẻ trong nhà, họ có tham gia vào những lúc đặc biệt như thế không?
• Phụ huynh có thể đề nghị trẻ viết một lá thư ngắn hoặc vẽ một bức tranh cho ông bà hay một người đặc biệt đối với trẻ và nhắn nhủ "Đây là cách chúng ta thể hiện tình yêu thương của chúng ta đấy".
• Luôn là điều thú vị khi hỏi trẻ xem trẻ cần được ôm bao nhiêu lần một ngày. Vào buổi sáng, nếu bạn đánh thức trẻ dậy bằng một cái ôm thì thật là tuyệt vời.
Trích dẫn nội dung từ sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi
Những điểm suy ngẫm về Yêu thương
-Mình đáng yêu thật.
-Mình có tình yêu bên trong.
-Yêu thương là quan tâm.
-Yêu thương là chia sẻ.
-Yêu thương là tốt bụng.
-Yêu thương làm mình cảm thấy an toàn.
-Khi có nhiều tình yêu bên trong, tức giận sẽ bỏ chạy.
-Yêu thương là khi em muốn những gì tốt đẹp cho người khác.
Bài tập thực hành
Làm cho mình tràn ngập tình yêu thương
Giờ các con hãy ngồi thoải mái và yên lặng… Con hãy tưởng tượng có một luồng ánh sáng màu hồng đang ôm gọn lấy con… luồng sáng màu hồng đó tràn đầy tình yêu… Một tình yêu thương dịu dàng, nhẹ nhàng và an toàn… Con nhớ đến nguồn sáng trong con... cũng tràn đầy tình yêu thương… Con hòa mình vào trong luồng ánh sáng màu hồng... hãy để con cảm nhận tình yêu thương… con chính là con… Con đang cảm nhận tình yêu trào dâng trong mình một cách tự nhiên... Con đang hòa mình vào vẻ đẹp trong con... Luồng sáng hồng của tình yêu luôn mãi có ở đó… Bất kể khi nào con muốn cảm nhận tình yêu thương, con đều có thể hòa mình vào nhà máy sản sinh yêu thương trong con... và tạo ra nhiều tình yêu thương hơn nữa.
Bài hát gợi ý
Làm anh khó đấy
- Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Đình Khiêm
Làm anh khó đấy
Phải đâu chuyện đùa
Với em gái bé
Phải người lớn cơ.
Khi em bé khóc
Anh phải dỗ dành
Nếu em bé ngã
Anh nâng dịu dàng.
Mẹ cho quà bánh
Chia em phần hơn
Có đồ chơi đẹp
Cũng nhường em luôn.
Làm anh thật khó
Nhưng mà thật vui
Ai yêu em bé
Thì làm được thôi.
Chị ong nâu và em bé
- Tân Huyền
Chị ong nâu nâu nâu nâu
Chị bay đi đâu đi đâu?
Chú gà trống mới gáy, ông mặt trời mới dậy
Mà trên những cành hoa em đã thấy chị bay.
Bé ngoan của chị ơi, hôm nay trời nắng tươi
Chị bay đi tìm nhụy, làm mật ong nuôi đời.
Chị vâng theo bố mẹ, chăm làm không nên lười.
Cho tôi đi làm mưa với
- Hoàng Hà
Cho tôi đi làm mưa với, chị gió ơi chị gió ơi!
Tôi muốn cây được xanh lá, hoa lá được tốt tươi.
Cho tôi đi làm mưa với, chị gió ơi chị gió ơi!
Làm hạt mưa giúp cho đời, không phí hoài rong chơi.
Bài học 8
Nhiều loại trái tim
Thảo luận: Cô giải thích cho bé khái niệm: trái tim rộng lượng, trái tim dịu dàng, trái tim buồn rầu, trái tim hẹp hòi… Cô cũng có thể hỏi bé xem bé nghĩ thế nào. Cô hỏi:
- Con cảm thấy thế nào khi con có trái tim rộng lượng?
- Con cảm thấy thế nào khi con có trái tim buồn rầu?
- Người có trái tim dịu dàng thường làm những việc gì?
- Những người có trái tim hẹp hòi cần phải học điều gì?
(Nếu các bé tỏ ra giận dữ hay buồn chán, cô hãy dừng bài học lại và cho bé vẽ tranh về những điều bé muốn những người có trái tim hẹp hòi cần học. Cô hãy tiếp tục phần còn lại của bài này vào buổi sau.)
- Một sứ giả hòa bình có loại trái tim nào?… (Đúng vậy, các con có trái tim rộng lượng. Các con còn có trái tim dịu dàng nữa phải không?)
- Những đứa trẻ có trái tim rộng lượng thường làm gì?... (Cười với mọi người, nắm tay bạn khi bạn buồn, lấy nước cho bạn khi bạn khát, giúp đỡ mẹ…)
Hoạt động: Cô cho bé vẽ hình trái tim rộng lượng. Bé có thể vẽ thêm tay, chân và những việc trái tim có thể làm hay viết ra xung quanh. Cô hỏi bé nghĩ xem bé muốn tặng tranh này cho ai. Khi bé trả lời, cô hãy yêu cầu bé đưa ra lý do.
Dành cho các bậc cha mẹ có con từ 8 tuổi trở lên
Tại buổi họp nhóm
• Ôn lại điểm suy ngẫm về yêu thương từ sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi, sau đó thực hiện hoạt động Hình dung về một thế giới tràn đầy yêu thương.
• Cả nhóm cùng hát những bài về yêu thương. Yêu cầu các phụ huynh chia sẻ những bài hát ưa thích của họ về tình yêu thương khi họ còn nhỏ. Học những bài hát từ những nền văn hóa khác nhau.
• Giới thiệu hoạt động Lời của trái tim (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi) và phát dụng cụ để các cha mẹ làm một trái tim cho từng đứa con của mình. Hãy trò chuyện và thích thú cắt dán cùng nhau. Hỏi: "Anh chị cảm thấy thế nào khi có trái tim rộng lượng? Điều gì cho phép anh chị có được trái tim rộng lượng? Điều gì khiến anh chị có trái tim nhỏ nhen và những cách nào để thoát khỏi trái tim nhỏ nhen ấy?".
• Cho họ hồi tưởng những gì mà cha mẹ họ từng nói khiến họ cảm thấy được yêu thương? Hỏi: "Có ai muốn chia sẻ những điều đã làm mình cảm thấy không được yêu thương?".
• Ôn lại Kỹ năng làm cha mẹ 5 – Thiết lập nề nếp. Một ý nghĩa của yêu thương là tạo nên cảm giác an toàn. Khi trẻ vị thành niên có dấu hiệu muốn chơi lại những trò mà trẻ đã không chơi nhiều năm, đôi khi vì trẻ cảm thấy cần được che chở. Đây là dịp tốt để các cha mẹ áp dụng nếp sinh hoạt cũ với trẻ.
• Ôn lại Kỹ năng làm cha mẹ 3 – Quân bình giữa yêu thương và kỷ luật. Chia thành nhóm ba người và thực tập giải thích sự việc cho con với thái độ quân bình giữa yêu thương và kỷ luật. Lắng nghe xem "con" phản hồi như thế nào. Lặp lại một ít nội dung từ kỹ năng lắng nghe tích cực. Giải thích và trả lời những thắc mắc của trẻ bằng tình yêu thương.
Ở nhà
• Cha mẹ có thể chia sẻ với trẻ từ 8 đến 10 tuổi bài tập Hình dung về một thế giới tràn đầy yêu thương khi trẻ đi ngủ. Cha mẹ có thể bổ sung những ý tưởng riêng hay dùng hình ảnh một đứa trẻ được bọc trong cái kén yêu thương. Trong thời gian khám phá các bài học về yêu thương, cha mẹ có thể thực hiện bài tập mường tượng với trẻ vào một buổi tối trong tuần, nếu trẻ thật sự thích. Với những trẻ lớn hơn, hãy chia sẻ bài tập mường tượng này vào mỗi ngày trong tuần này. Bạn và trẻ thay phiên nhau đọc lời dẫn.
• Yêu cầu trẻ giúp bạn tìm vài bài hát về tình yêu thương đối với vạn vật, nhân loại hay thiên nhiên.
• Yêu thương là chia sẻ, quan tâm và trở thành một người bạn đáng tin cậy. Tích cực ghi nhận khi trẻ đang có những hành vi yêu thương.
• Thỉnh thoảng để lại một tờ giấy nhỏ trên gối hoặc ở chỗ "riêng tư" của trẻ với những lời ngọt ngào mà không cần có lý do nào cả, hoặc nói cho trẻ biết bạn đánh giá cao một điều gì đó ở trẻ. Những lời ghi chú ấy đặc biệt quan trọng khi trẻ đang đấu tranh với chính mình, với các bạn cùng trang lứa hay với cuộc đời.
• Nghĩ về những nề nếp sinh hoạt thường nhật và những lề lối hiện có ở nhà. Bạn có muốn bổ sung hay thay đổi gì không? Nếu có đến hai người chăm sóc cho trẻ, họ có cùng tham gia không? Mỗi ngày có dành thời gian chia sẻ, hay trong tuần có dành thời gian làm chung với nhau việc gì không?
• Lắng nghe những điều trẻ đang lo lắng, bận tâm và giúp trẻ tìm cách giải quyết thiết thực để tình hình khả quan hơn. Tinh ý nhận ra những cơ hội thú vị và phù hợp với lứa tuổi để trẻ tình nguyện tham gia – cho trẻ thấy rằng trẻ có khả năng tạo nên sự khác biệt.
• Ôm trẻ một lần mỗi ngày là điều đáng làm dù trẻ đang ở lứa tuổi nào.
Trích dẫn nội dung từ sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi
Những điểm suy ngẫm về Yêu thương
-Tất cả các em trong lớp, ai cũng đáng yêu và giỏi giang.
-Khi lòng ta tràn ngập yêu thương, sẽ không còn bóng dáng của tức giận.
-Yêu thương làm cho quan hệ giữa chúng ta tốt đẹp hơn.
-Khi những lời nói của tôi mang đến hoa hồng thay vì gai nhọn, tôi tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
-Tôi có thể cùng một lúc yêu thương chính mình, gia đình mình, yêu thương mọi người, yêu đất nước tôi, yêu mục đích của tôi, và yêu cả thế giới này.
-Yêu thương người khác có nghĩa là ta mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với họ.
-Yêu thương nghĩa là tôi có thể trở nên tốt bụng, ân cần và đầy cảm thông.
-Khi ta cảm thấy lòng mình mạnh mẽ, sẽ thật dễ dàng để yêu thương.
-Yêu thương là quan tâm, yêu thương là chia sẻ.
-Yêu thương là trở thành người bạn đáng tin cậy.
-"Nhiệm vụ của chúng ta phải là giải phóng chính mình… bằng cách dang rộng vòng tay yêu thương để ôm lấy mọi sinh vật và toàn thể thiên nhiên vào lòng." – Albert Einstein.
-"Luật pháp thực sự nằm ở lòng tốt từ trái tim chúng ta. Nếu con tim ta trống rỗng, không luật pháp hay cải cách chính trị nào có thể làm đầy nó được." – Tolstoy.
Bài học 1
Hình dung về một thế giới yêu thương
Bước 1 - Cùng hát một bài hát về tình yêu thương
Bước 2 - Giáo viên nói: "Hôm nay chúng ta bắt đầu một bài học mới về các Giá trị. Giá trị mà chúng ta sẽ khám phá là Yêu thương".
Bước 3 - Giáo viên hỏi cả lớp:
• Em nào nghĩ yêu thương là quan trọng? Tại sao vậy?
• Liệu thế giới này sẽ khác đi nếu như mỗi người đều thương yêu người khác hay không?
Bước 4 - Hình dung về một thế giới tràn đầy yêu thương
Hướng dẫn các em trong bài thực hành tưởng tượng này. Nói những câu sau, dừng lại một chút ở những dấu chấm lửng. "Hôm nay, thầy/cô muốn các em nghĩ về một người có tình yêu thương và lòng tốt. Đó có thể là một người có thật trong cuộc sống hiện tại của các em, một người đã từng giúp đỡ em trước đây, hoặc một người mà em đã xem qua phim ảnh. Hãy nghĩ về thái độ của người đó… Hình dung người đó đang giúp đỡ… Bây giờ, các em hãy tưởng tượng mọi người trên thế giới này đều có tình yêu thương và lòng tốt như thế… Thế giới này sẽ như thế nào?… Bây giờ hãy bước lên chiếc máy bay tưởng tượng trong tâm trí của em, và bay vào bầu trời xanh… Hình dung về các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác nhau và cách họ cư xử với nhau… Họ sẽ đối xử với các cư dân của đất nước họ như thế nào?... Hãy hình dung những bạn bè đang vui chơi… Hãy nhìn các bạn học sinh trên một sân chơi và ở quanh đấy… Chiếc máy bay bay trên khu vực nhà em… và bây giờ bay trên ngôi trường này… Hãy tưởng tượng những gì có thể xảy ra… bây giờ chiếc máy bay lượn vòng và hạ cánh, và em đang thư giãn ngay tại chỗ của mình, ở đây, một lần nữa.
Bước 5 - Chia sẻ: Hãy cho học sinh thời gian để chia sẻ những điều các em đã tưởng tượng và cảm nhận. Đối với các em bé hơn, thầy cô có thể hướng dẫn hoạt động này cho cả lớp. Đối với các em lớp lớn, thầy cô có thể hướng dẫn các em chia sẻ theo từng nhóm nhỏ rồi báo cáo lại trước lớp.
Bước 6 - Giáo viên hỏi cả lớp:
• Trong một thế giới yêu thương, mỗi người có thể mong muốn điều gì cho gia đình họ?
• Trong một thế giới yêu thương, các nhà lãnh đạo có thể mong muốn điều gì cho cư dân của họ?
• Nếu như tất cả các nhà lãnh đạo của các nước đều giàu lòng yêu thương như thế, liệu họ có gây ra chiến tranh không?
• Trong một thế giới yêu thương, có người nào lại thích chiến tranh không? Tại sao có/tại sao không?
Hoạt động: Nếu còn thời gian, hướng dẫn các em vẽ một biểu tượng, một bức tranh hay sáng tác một bài thơ về một thế giới yêu thương.
Bài học 6
Lời của trái tim
Bước 1 - Giáo viên nói: "Giá trị mà chúng ta sẽ tiếp tục khám phá hôm nay là Yêu thương. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách chơi với những từ ghép với từ trái tim".
Bước 2 - Giáo viên hỏi:
• Các em đã bao giờ nghe thấy từ ghép "trái tim chai sạn" (hard- hearted), "trái tim nhân hậu" (soft-hearted), "trái tim quảng đại" (big-hearted) chưa? Mỗi từ ghép này có nghĩa là gì?
• Em có thể nghĩ ra các từ ghép khác nữa không?
(Nếu các em chưa nêu lên, thầy cô có thể bổ sung các từ ghép như "trái tim nhỏ nhen" (small-hearted), "trái tim độc ác" (mean-hearted), "trái tim nửa vời" (half-hearted).
Bước 3 - Hoạt động cho học sinh 8 tuổi: Hướng dẫn các em làm một "người trái tim" từ ống máy hút bụi và nói với cha mẹ các em về những điều mà người trái tim này muốn nói. Nếu còn thời gian, các em có thể vẽ một cặp người trái tim và viết về điều mà mỗi người trái tim này có thể nói.
Bước 3 - Hoạt động cho học sinh 9 – 11 tuổi: Hướng dẫn các em làm một cuốn truyện nhỏ với các nhân vật là trái tim của các loài. Các em có thể minh họa những nhân vật trái tim khác nhau trên từng trang giấy và viết một câu về điều mà trái tim đó muốn nói. Bạn có thể yêu cầu các em giới thiệu một trang trong cuốn sách của mình trước lớp hoặc trước một nhóm bạn.
Bước 3 - Hoạt động nghệ thuật ngôn từ cho học sinh từ 12 đến 14 tuổi: Tiếp tục cuộc thảo luận trên bằng cách hỏi các em nghĩ gì về những nhân vật trong các tác phẩm văn học mà các em mới học gần đây. Những hành động nào của các nhân vật đó cho thấy họ có "trái tim độc ác", "trái tim rộng mở"… Hỏi xem các em muốn nhân vật nào được tham dự vào thế giới mà các em đang sống hiện tại và tại sao? Nếu còn thời gian, các em có thể viết một bài luận ngắn về đề tài này.
HẠNH PHÚC
Dành cho các bậc cha mẹ có con từ 2 đến 7 tuổi
Tại buổi họp nhóm
• Ôn lại điểm suy ngẫm về hạnh phúc trong sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi để cha mẹ biết cách giải thích về hạnh phúc cho trẻ ở độ tuổi này.
• Yêu cầu các cha mẹ chia sẻ họ cảm thấy hạnh phúc về điều gì ở con em họ.
• Hướng dẫn các cha mẹ thực hiện bài Bé tưởng tượng (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi).
• Cho các cha mẹ chơi những trò chơi của trẻ. Yêu cầu họ chia sẻ những trò chơi ưa thích của họ khi còn bé và cho chơi những trò này.
• Xem phần Lời nói có thể là hoa hoặc là gai nhọn (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi). Giới thiệu Kỹ năng làm cha mẹ 2 – Khen ngợi để củng cố những hành vi tích cực. Nếu bạn đã giới thiệu phần này, hỏi xem họ đang phát triển kỹ năng này như thế nào. Hỏi: "Anh chị có nhận thấy thay đổi nào không?".
• Cùng hát bài Thật là hay hoặc Nụ cười làm quen. Yêu cầu các cha mẹ hát những bài hát về hạnh phúc mà họ biết.
• Cùng ôn lại Những lời chúc tốt đẹp (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi). Thảo luận: Cha mẹ có thể giúp các con mình gửi đi những lời chúc lành cho những ai đang buồn chán hoặc suy sụp bằng cách nào?
Ở nhà
• Chơi cùng trẻ những trò chơi của trẻ ở nhà hay ngoài công viên.
Tận hưởng cảm giác vui vẻ và hài hước của những trò chơi này.
• Trẻ nhỏ sẽ rất thích được ba/mẹ ôm nhiều lần và thích được va chạm với ba/mẹ trong khi chơi cùng. Tiếng cười của bạn là món quà tuyệt vời đối với trẻ.
• Khi có ai đó bị ốm hoặc đang trong tình trạng nguy kịch, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể đề nghị trẻ "Chúng ta hãy cùng gửi những suy nghĩ tốt đẹp cho ".
• Gia tăng hạnh phúc bằng cách cùng trẻ ngắm nhìn thiên nhiên, muông thú để xem chúng đang hạnh phúc thế nào. Nói: "Con hãy nhìn cái cây đang lay động trong hạnh phúc kìa".
• Cùng con hát bài Thật là hay hoặc Nụ cười làm quen. Chọn những bài mang lại cảm giác hạnh phúc. Với trẻ chập chững biết đi thì hoạt động nhún nhảy theo nhạc là phù hợp.
• Tận dụng Thời gian ở bên con để cả cha mẹ và con cái kể ra những chuyện vui. Cùng vui với những chuyện cười của trẻ.
• Cùng làm cái hộp Những suy nghĩ hạnh phúc. Mọi thành viên đều có thể đóng góp những suy nghĩ mang lại hạnh phúc. Viết mỗi suy nghĩ vào một mẩu giấy hoặc vẽ một hình tượng diễn đạt hạnh phúc. Bạn có thể đưa hoạt động này vào thời gian tán gẫu buổi tối của gia đình hay một dịp nào đó. Chẳng hạn như mẹ viết rằng "Mẹ yêu Ninu", "Ninu có nụ cười rất đẹp" hay "Hossein rất dịu dàng với em gái". Tránh khen những gì thuộc về thể chất.
Khuyến khích trẻ nêu ra một suy nghĩ hạnh phúc, làm phấn chấn tinh thần trẻ hoặc thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao trong giao tiếp. Ví dụ: "Con thích vẽ những bông hoa", "Con thích chơi với ba", "Con hạnh phúc khi thấy nhẹ nhàng trong lòng" hay "Con thích ôm chú mèo con".
• Cho trẻ biết khi nào bạn cảm thấy tự hào về trẻ.
Trích dẫn nội dung từ sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 3 đến 7 tuổi
Những điểm suy ngẫm về Hạnh phúc
-Khi chúng mình có tình yêu thương và sự bình yên bên trong, thì hạnh phúc tự đến.
-Hạnh phúc là có được niềm vui với bạn bè.
-Hạnh phúc là biết rằng mình được yêu thương.
-Khi làm việc tốt, bé thấy hạnh phúc với chính mình.
-Những lời chúc tốt đẹp cho mọi người làm bé thấy hạnh phúc.
-Bé có thể mang lại hạnh phúc cho mọi người bằng những lời chúc tốt đẹp.
-Bé có thể mang lại hạnh phúc cho người khác bằng những lời nói như hoa, chứ không phải là gai.
-Bé có thể mang lại hạnh phúc cho người khác bằng sự chia sẻ.
Bài hát gợi ý
Thật là hay
- Hoàng Lân
Nghe véo von trong vòm cây, họa mi với chim oanh. H
ai chú chim cao giọng hót, hót líu lo vang lừng.
Vui rất vui bay từ xa, chim khuyên tới hót theo.
Li lí li lí lì li. Thật là hay hay hay.
Nụ cười làm quen
Một nụ cười làm quen,
hai tay cầm nhau bắt nhé
Hai nụ cười làm quen,
chúng ta kết thân đi nào!
Bài học 2
Bé tưởng tượng
Cô cho bé ngồi thoải mái hoặc nằm xuống. Cô nói:
Hôm nay chúng mình lại dùng trí tưởng tượng để vẽ một bức tranh trong tâm trí chúng mình... thả lỏng cơ thể và ngồi yên lặng... Giờ con hãy tưởng tượng ra một con bướm thật to và thật đẹp... con hãy tưởng tượng ra màu sắc mà con muốn... Con bướm này thích
bay tới nơi có những người hạnh phúc... Có thể các con cũng đang muốn tới đó… Giờ các con hãy nhắm mắt lại và lắng nghe... Con thấy mình đang ngồi trên cánh bướm... ôi cánh bướm lớn quá... đẹp nữa, và đầy màu sắc... Con bướm mang con đến nơi có những bạn nhỏ đang sống hạnh phúc… chúng mình đến nơi rồi… Con có thể nhìn thấy khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của các bạn nhỏ không?… Con bướm đậu xuống để nghỉ trên thảm cỏ gần đó... các bạn nhỏ đi đến chào con và con bướm… Các bạn ấy nói gì với con?… Các bạn ấy rủ con chơi cùng… Con đang chơi trò gì?… Giờ các bạn ấy tổ chức ăn ngoài trời... các bạn mời con ăn... Con ăn gì?… Các bạn và con nói gì với nhau?… Giờ con ngước nhìn xung quanh… con ngắm cảnh vật... cây cối... hoa lá... chim muông… và cả ông mặt trời nữa… Khuôn mặt con đang tỏa sáng hạnh phúc phải không?… Đã đến lúc con phải về... con bước lên cánh bướm... con bướm thật đáng yêu... nó cất cánh... bay lên... và bay trở lại đây... Nào các con hãy mở mắt ra... rồi chúng mình cùng chia sẻ cho nhau…
Chia sẻ: Cô cho bé chia sẻ trải nghiệm của bé qua bài tập tưởng tượng.
Hoạt động: Cô cho bé làm những con bướm hay một bức tranh về một thế giới hạnh phúc. Bé có thể vẽ hay tô màu lên cánh bướm. Cô chỉ cho bé dán cánh bướm vào cây que. Cô có thể dùng con bướm là biểu tượng của im lặng hay để bé đóng kịch.
Bài học 12
Những lời chúc tốt đẹp
Cô nói: "Rất ít người biết đến một bí mật. Bí mật để có hạnh phúc dễ dàng là những lời chúc tốt đẹp dành cho mọi người".
Thảo luận điểm suy ngẫm:
• Những lời chúc tốt đẹp cho mọi người làm bé thấy hạnh phúc.
• Bé có thể mang lại hạnh phúc cho mọi người bằng những lời chúc tốt đẹp.
Cô hỏi:
- Câu này có nghĩa là gì?
- Bạn nào cho cô biết có lúc nào đó mọi người gởi những lời chúc tốt đẹp dành cho con không?
- Lúc đó con cảm thấy thế nào?
- Chúng mình mang lại hạnh phúc cho người khác bằng những lời chúc tốt đẹp như thế nào?
Cô nói: "Giờ chúng mình hãy làm tràn đầy tình yêu thương bên trong chúng mình bằng bài tập ‘Làm cho mình tràn ngập tình yêu thương’".
"Nào, các con hãy nhìn xung quanh lớp học. Con chỉ nghĩ đến bạn bằng tình yêu thương… (Cô chú ý dành đủ thời gian cho bé). Việc làm này không dễ phải không? Các con thấy việc làm này thế nào?... Chúng mình sẽ cùng hát một bài hát hạnh phúc nhé."
Cô cùng bé hát một bài hát.
Hoạt động: Cô để bé nhúng tay vào sơn nước (loại sơn để vẽ dành cho bé) để vẽ một bức tranh về hạnh phúc.
Dành cho các bậc cha mẹ có con từ 8 tuổi trở lên
Tại buổi họp nhóm
• Sau khi thảo luận điểm suy ngẫm về hạnh phúc trong sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi, các cha mẹ có thể chơi vài trò ưa thích phù hợp với nhóm lứa tuổi này.
• Yêu cầu các cha mẹ trả lời những câu hỏi trong phần Điều gì làm nên hạnh phúc (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ 8 đến 14 tuổi).
• Ôn lại phần Nói với chính mình (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi). Yêu cầu họ chia sẻ phần Nói với chính mình của họ.
Cách ta nghĩ về bản thân (tự thì thầm với chính mình) cũng là cách ta giao tiếp với những người khác. Nếu ta cảm thấy bực bội trong lòng, ta thường dễ cáu gắt với những người xung quanh. Hầu hết chúng ta đều có một "ông bố hay bà mẹ ưa chỉ trích" ở bên trong. Vì lẽ đó, thật cần thiết và có ích khi ta phát triển một "ông bố hay bà mẹ dịu dàng" có thể hỗ trợ và hiểu ta hơn.
Ngồi thành vòng tròn và cho mỗi cha mẹ đưa ra một lời nhận xét từ "ông bố hay bà mẹ dịu dàng". Nếu cha mẹ nào đó thấy khó nói ra, hãy đề nghị một cha mẹ khác trợ giúp. Tuần tới, yêu cầu họ viết ra những gì họ đã nói với chính mình và những lời nói thay thế. Hãy thích thú với những lời chia sẻ của họ vào buổi họp nhóm tiếp theo.
• Yêu cầu một người đọc to câu chuyện Những chú kỳ lân (sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi). Đề nghị cha mẹ thể hiện sự thích thú đối với những bí mật mang lại hạnh phúc mà con mình đã rút ra từ câu chuyện này.
Ở nhà
• Chơi những trò chơi hạnh phúc cùng con (tối thiểu!) cứ hai ngày một lần. Đôi khi tỏ ra hài hước để thêm vui.
• Thư giãn vài phút trước khi những trẻ lớn hơn trở về nhà để bạn
có thể tươi tắn và cảm thấy thích thú gặp mặt con.
• Những người chăm sóc trẻ có thể nói với trẻ rằng trao đi những lời chúc lành là một cách trao đi hạnh phúc. Khi nghe tin một ai đó đang bị ốm hoặc thông tin về tình trạng bạo lực trên thế giới, có thể đề nghị các con hoặc cả nhà: "Chúng ta hãy cùng nhau gởi những lời chúc lành đến ".
• Nói cho trẻ biết điều gì có thể mang lại hạnh phúc. Hỏi: "Con nghĩ điều bí mật trong câu chuyện ‘Những chú kỳ lân’ là gì?".
Trong vài tuần tới, mọi người có thể suy nghĩ thêm và chia sẻ điều gì có thể mang lại hạnh phúc. Tập trung vào sự đối lập giữa niềm hạnh phúc nội tại và hạnh phúc trong các mối quan hệ với chủ nghĩa thực dụng và ưa chuộng vật chất. Tìm ra khoảng thời gian thảnh thơi của cả gia đình để mọi người đều có thể chia sẻ – trong khi ăn hoặc sau bữa cơm tối. Từ những ý kiến đóng góp của mọi người, hãy chọn ra vài đề nghị thú vị.
• Nói với trẻ rằng bạn tự hào về chúng như thế nào.
Trích dẫn nội dung từ sách Những Giá trị Sống dành cho Trẻ từ 8 đến 14 tuổi
Những điểm suy ngẫm về Hạnh phúc
-Hạnh phúc sẽ đến khi ta có tình yêu và bình an trong lòng.
-Hạnh phúc là trạng thái bình an, không có bóng dáng của xáo động hay bạo lực.
-Người cho hạnh phúc sẽ nhận được hạnh phúc.
-Khi nào còn một tia hy vọng, khi đó còn có hạnh phúc.
-Mong muốn những điều tốt đẹp cho mọi người sẽ đem lại hạnh phúc trong lòng ta.
-Hạnh phúc sẽ tự nhiên đến khi hành động của ta trong sáng và vị tha.
-Hạnh phúc bền lâu là trạng thái hài lòng của nội tâm.
-Khi ta hài lòng với chính mình, hạnh phúc tự nhiên đến.
-Khi những lời nói của tôi "mang đến hoa hồng thay vì gai nhọn", tôi tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn.
-Hạnh phúc đến khi ta cho đi hạnh phúc, khi ta gieo rắc nỗi buồn ta sẽ nhận lại nỗi buồn.
Bài học 2
Điều gì làm nên hạnh phúc
Bước 1 - Hãy hát một bài hát về hạnh phúc. Yêu cầu các em cùng hát với bạn.
Bước 2 - Thảo luận những điểm suy ngẫm sau đây:
• Hạnh phúc sẽ đến khi ta có tình yêu và sự bình an trong lòng.
• Khi một người bằng lòng với chính mình, hạnh phúc sẽ tự nhiên đến.
• Hạnh phúc là trạng thái bình an, không có bóng dáng của xáo động hay bạo lực.
Bước 3 - Giáo viên hỏi:
• Chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc cho chính mình không? Bằng cách nào?
• Khi nào em cảm thấy hài lòng, thỏa mãn nhất?
• Những việc gì em nghĩ sẽ làm tăng cảm giác hạnh phúc?
• Những việc gì em có thể làm một mình khiến em cảm thấy hạnh phúc?
Bước 4 - Hoạt động: Chơi một đoạn nhạc vui và yêu cầu các em vẽ tranh thể hiện cảm giác hạnh phúc.
Bước 5 - Hoạt động tùy chọn cho những học sinh lớn hơn: Yêu cầu các em chia thành những nhóm nhỏ và thảo luận một đề tài hứng thú nhất đã nảy sinh trong quá trình trao đổi ý kiến.
Bài học 3
Lời nói và những chú kỳ lân
Bước 1 - Thảo luận:
• Những điều gì bạn bè nói làm em cảm thấy hạnh phúc?
• Em thích được nghe điều gì?
Bước 2 - Hãy suy nghĩ về điểm suy ngẫm sau đây: Khi lời nói của tôi mang đến hoa hồng thay vì gai nhọn, tôi tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn.
Bước 3 - Giáo viên hỏi:
• Kiểu lời nói nào giống những chiếc gai?
• Lời nói có thể làm tổn thương hay gây đau đớn cho người khác không? (Có)
Có một bài thơ của trẻ con như sau: Gậy và đá sẽ làm gãy xương tôi, nhưng lời nói sẽ chẳng bao giờ làm cho tôi đau đớn. Một người lớn đã thay lời hát này thành: Gậy và đá sẽ làm gãy xương tôi, nhưng lời nói làm đau lòng tôi mãi mãi.
Bước 4 - Giáo viên hỏi:
• Em cảm thấy thế nào khi nghe một người nói những lời làm tổn thương đến tình cảm của người khác?
• Em thích nghe những lời nói nào xung quanh mình?
• Em sẽ nói gì để đem đến hạnh phúc cho người khác?
Những chú kỳ lân
Bước 5 - Kể câu chuyện sau đây:
"Hôm nay thầy/cô có một câu chuyện ngắn về những chú kỳ lân để kể cho các em nghe. Đây là một câu chuyện có người nghe tham dự, bởi vì thầy/cô muốn các em sử dụng trí tưởng tượng của mình ... Một ngày kia có 30 (nêu số lượng chú kỳ lân bằng sĩ số học sinh có trong lớp lúc đó) chú kỳ lân đến trường ta. Chúng ta bước ra khỏi lớp và từng chú kỳ lân tiến đến chỗ của từng người. Các em có thể tưởng tượng thấy chúng ta sẽ ngạc nhiên như thế nào khi nhìn thấy loài kỳ lân, hơn nữa lại nhiều đến thế! Những chú kỳ lân này có bộ lông màu trắng lấp lánh và có đôi cánh rất rộng. Đội ngũ những chú kỳ lân trông thật mạnh mẽ. Mỗi chú kỳ lân dang một cánh ra để giúp chúng ta leo lên lưng chúng. Khi mọi người đã ngồi chắc chắn trên lưng kỳ lân, chúng bắt đầu bay. Những chú kỳ lân đưa chúng ta tới nơi các chú sống. Các chú kỳ lân này biết rằng chúng ta đang học về những Giá trị và hôm nay sẽ có một bài học về hạnh phúc. Do đó, những chú kỳ lân quyết định chở chúng ta đến Miền đất Hạnh phúc. Khi đàn kỳ lân bắt đầu hạ cánh xuống, chúng ta nhìn thấy một miền đất đẹp đẽ biết chừng nào... Ở đó có các bạn học sinh bằng tuổi các em. Các bạn ấy chạy tới chào đón các em! Các bạn này chơi những bản nhạc tuyệt vời. Rồi các em tham gia vào một cuộc picnic cùng với họ. Các món ăn ở đây ngon tuyệt!... Tiếp theo các em chơi trò chơi... Có rất nhiều trò chơi khác nhau nên mỗi em có thể tham gia trò chơi mà mình thích... Sau đó, các em ngồi trên thảm cỏ và trò chuyện với nhau. Một bạn học sinh của nơi này nói với em rằng trong thế giới của họ, mỗi người nhìn thấy người khác giống như một bông hoa đẹp. Mọi người trở nên đẹp hơn trong mắt nhau mỗi ngày. Khi các em ngồi ở xứ sở này, em cảm thấy mọi người đều yêu mến em và yêu mến tất cả mọi người... Tiếp đó một bạn học sinh xích gần đến em và thì thầm " Mình sẽ nói với bạn một bí mật về hạnh phúc"... và rồi người bạn đó nói với em điều bí mật về hạnh phúc của mình... Chỉ một mình em nghe thấy điều bí mật đặc biệt về hạnh phúc này... Điều nói thầm đó là gì vậy?... Những chú kỳ lân nói với chúng ta rằng đã đến giờ quay về và chúng dang rộng cánh ra một lần nữa. Các bạn học sinh vẫy tay từ biệt khi chúng ta bay lên cao, và chúng ta cũng vẫy tay lại. Trước khi em ý thức được, chúng ta đã quay trở về trường học và ngồi trên những chiếc ghế này".
Bước 6 - Hãy cho học sinh vài phút để chia sẻ ý nghĩ và tưởng tượng của các em.
Bước 7 - Hãy nói với các em rằng điều bí mật mà người bạn nhỏ đã thì thầm với em là: Bí mật để có hạnh phúc là "Cho đi hạnh phúc, bạn sẽ nhận được hạnh phúc, đừng cho đi nỗi buồn để rồi sẽ nhận lại nỗi buồn". Hãy hỏi học sinh: "Điều đó có nghĩa là gì?".
Bước 8 - Hoạt động: Hãy viết một câu chuyện về "Những bí mật của Hạnh phúc". Các em có thể vẽ hay phác họa một bức tranh minh họa cho câu chuyện đó.
Bài học 11
Nói với chính mình
Bước 1 - Giáo viên nói: "Nói chuyện với chính mình" là thừa nhận về tiến trình diễn ra trong mỗi cá nhân. Mỗi người chúng ta thường nói với chính mình bằng một giọng nói thầm lặng. Việc này gọi là tự trò chuyện với chính mình hay đối thoại nội tâm. Trong phần học về Hạnh phúc, điều này rất quan trọng vì tự nói với chính mình có thể có tác dụng tích cực hay tiêu cực, cổ vũ khích lệ hay làm nản lòng.
Bước 2 - Thảo luận: "Hôm nay, chúng ta hãy cùng nghĩ về những điều mà chúng ta thường nói với chính mình". Hỏi:
• Em thường nói gì khi em phạm phải một sai lầm?
• Em dùng giọng nói như thế nào khi em nói điều đó với chính mình?
• Em nói gì với chính mình khi em sợ là em sẽ bắt trượt bóng trong trò ném bóng hoặc khi em làm sai bài kiểm tra?
• Nếu em mắc một sai lầm, em có cảm thấy dễ chịu hơn không khi tự gọi mình là "Đồ ngu", hoặc nếu như em nói: "mình mắc một sai lầm cũng không sao, tất cả những gì mình cần phải làm là sửa chữa sai lầm đó"? Không cần thiết phải cảm thấy giận dữ hay buồn phiền – lỗi lầm đơn giản là những gì mà qua đó ta sẽ học được những điều bổ ích.
• Nếu em tức giận thì có giúp ích gì được cho em không?
• Điều gì xảy ra trong cảm xúc của em khi nói: "Mình sẽ không bao giờ có thể làm được điều đó", hoặc là "Mình sẽ không bao giờ làm điều đó"?
• Những cảm xúc của em có khác đi không, khi em nói: "Mình cũng hơi sợ, nhưng mình sẽ cố gắng làm tốt nhất"?
Bước 3 - Giáo viên nói: "Các em hãy nhắc lại quy tắc ứng xử khi sai lầm cùng với thầy/cô, nào: Mình mắc một sai lầm cũng không sao, tất cả những điều mình cần phải làm là sửa chữa sai lầm đó."
Bước 4 - Chia bảng thành hai cột. Trên đầu một cột hãy vẽ một khuôn mặt buồn bã; ở đầu cột kia là một khuôn mặt tươi vui.
Bước 5 - Hãy yêu cầu học sinh cho bạn biết điều các em tự nói với chính mình làm các em cảm thấy buồn hay đau khổ; và những điều các em nói hay có thể nói với chính mình làm các em cảm thấy vui hay hạnh phúc.
Bước 6 - Giáo viên hỏi:
• Em có thể nói điều gì để mang lại cảm giác vui sướng hơn khi làm một bài tập?
• Khi đi bộ một mình?
• Em có nhận ra sự khác biệt nào trong giọng nói với chính mình khi em nói những điều làm cho em hạnh phúc?
• Khi em làm việc với những người khác một cách hợp tác?
• Khi em cố gắng tìm hiểu những điều làm mình thất vọng?
Bước 7 - Hoạt động cho học sinh từ 8-11 tuổi: Hãy viết một lời ghi nhớ cho bản thân để tự khuyên mình về việc cần phải nói với chính mình như thế nào?
Bước 8 - Hoạt động cho học sinh từ 12-14 tuổi: Hãy suy nghĩ về điểm suy ngẫm: Khi nào còn một tia hy vọng, khi đó còn có hạnh phúc. Hãy viết một lời ghi nhớ cho bản thân để tự khuyên mình về việc cần phải nói với chính mình như thế nào. Hãy cân nhắc những tình huống khi mà điều tốt nhất cần làm là động viên và nói với mình hãy bền chí.
Khi giảng dạy một lĩnh vực khác, thầy cô có thể hỏi học sinh về đối thoại nội tâm của các em. Khéo léo dẫn dắt các em tiếp tục thảo luận về điều này một cách tự nhiên, bổ sung những câu nói với chính mình phù hợp với danh sách ở cột có "khuôn mặt tươi vui" trên bảng.