Khi còn trẻ, tôi là nhân viên bán hàng cho một công ty kinh doanh đàn piano ở đường Louis, New York. Một lần, cửa hàng của chúng tôi nhận được một "đơn đặt hàng" là một bưu thiếp đến từ vùng Đông Nam bang Missouri. Trên bưu thiếp đó viết: "Xin hãy mang một chiếc đàn piano màu gụ đỏ tới cho cháu tôi. Tôi sẽ trả góp 10 đô la mỗi tháng bằng tiền bán trứng gà". Qua nét chữ, tôi có thể đoán được người viết là một bà cụ. Bà ấy viết câu đó lặp đi lặp lại kín hết tấm thiếp, chỉ chừa ở mặt trước một khung nhỏ để ghi địa chỉ. Tất nhiên, công ty chúng tôi không thể bán piano trả góp được, nên chúng tôi phớt lờ bưu thiếp đó đi.
Đến một ngày, cửa hàng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ vùng Đông Nam Missouri, chúng tôi phải chở đàn đến giao. Luôn tiện, tôi đến địa chỉ ghi trên tấm bưu thiếp của người muốn mua đàn trả góp. Gần giống như sự tưởng tượng của tôi: một bà cụ sống trong túp lều lụp xụp bên cạnh một cánh đồng cằn cỗi. Sàn căn lều rất bẩn, đàn gà chạy nhảy lung tung, không có xe, không có điện thoại... chỉ trừ một mái nhà dột nát. Người mà bà cụ định mua đàn tặng cho chính là cháu gái của bà, cô bé lúc đó khoảng 10 tuổi, mặc váy áo vá chằng chịt và đi chân trần lấm lem bùn đất.
Tôi giải thích cho bà cụ rằng, chúng tôi rất buồn vì không giúp được cho bà cụ. Nhưng điều này không làm bà cụ từ bỏ ý định của mình, cứ sáu tuần một lần chúng tôi lại nhận được một bưu thiếp y hệt như nhau, chỉ cần một cái đàn piano màu gụ đỏ và lời hứa rằng sẽ trả 10 đô la mỗi tháng.
Khoảng hai năm sau, tôi mở công ty riêng và thường xuyên đi giao đàn piano cho khách hàng. Có một lần, tôi đăng quảng cáo trên báo Missouri. Ngay lập tức, tôi nhận được những bưu thiếp như đã từng nhận ở công ty cũ. Trong hàng tháng trời, tôi cũng làm ngơ trước những tờ bưu thiếp đó.
Nhưng rồi một hôm, công ty nhập về một số đàn piano kiểu mới trong đó có một chiếc đàn màu gụ đỏ. Dù biết doanh thu của công ty có thể giảm sút, nhưng tôi vẫn quyết định đưa chiếc đàn lên xe và chở tới nhà bà cụ. Tôi nói rằng, nếu bà cụ trả 10 đô la mỗi tháng thì phải trả 52 lần. Tôi đặt chiếc piano vào chỗ ít có khả năng bị dột nhất. Tôi cũng dặn bà và cháu bé giữ cho bọn gà đừng nhảy lên làm bẩn chiếc đàn mới rồi lên xe quay về, coi như mình đã cho không một cây đàn.
Thế nhưng, cứ đều đặn mỗi tháng, tôi nhận được 10 đô la gửi đến bằng đường bưu điện. Chuyện này xảy ra liên tục trong 52 tháng. Đôi khi còn có cả những đồng tiền xu được băng dính đính chặt vào trong bưu thiếp.
Sau đó suốt hơn 20 năm, tôi mới có cơ hội trở lại Missouri và ghé vào một nhà hàng để dùng bữa. Bất chợt, tôi nghe được tiếng đàn piano rất hay do một cô gái xinh đẹp chơi.
Tôi lại gần cô gái và đứng mải mê nghe nhạc. Bản nhạc chấm dứt, tôi lịch sự bắt chuyện với cô, và đúng là một điều kỳ diệu, tôi phát hiện ra cô gái này chính là cô bé mặc váy áo vá trong căn lều dột nát năm xưa.
Cô gái kể, từ khi được bà đặt mua cho chiếc đàn piano màu gụ đỏ, cô đã chăm chỉ luyện tập và lớn lên giành được nhiều giải thưởng âm nhạc ở trường và địa phương. Bây giờ cô đã có gia đình, nhưng bà cô đã mất cách đó hai năm.
Tôi hỏi cô có biết bà cô làm thế nào để mua được chiếc đàn giá trị như thế vào thời điểm đó không; cô gái bảo rằng lúc đó mình còn quá nhỏ nên không biết và bà cô cũng không nhắc đến điều này. Còn tôi - một người xa lạ đang đứng trước mặt cô gái - lại hiểu rõ bà của cô, người đã tích góp và tặn tiện từng đồng tiền như thế nào để trả cho chiếc đàn màu gụ đỏ ấy.
Tôi chia tay cô gái và bước đi thật nhanh, vì bạn biết đấy, đàn ông không bao giờ muốn để người khác biết được mình đang khóc.
- Tuấn Phong
Theo Warmhearts