Hôm nay mẹ đi qua cổng trường em từng học. Kí ức đưa mẹ trở về những ngày thơ khi bước chân em chập chững vào trường.
Mẹ nhớ cái ngoái nhìn của em ngày đầu mẹ đưa đến lớp. Ánh mắt tin cậy tha thiết nửa như muốn giục mẹ về, nửa như muốn nói mẹ hãy ở lại thêm chút nữa cho em yên tâm.
Bao năm rồi, cứ qua cổng trường là mẹ nhớ cái ngoái nhìn đó.
Và đến giờ, khi em ở xa thật xa trong một ngôi trường hoàn toàn khác, đến lượt mẹ lại “ngoái nhìn”, về cả quãng đường học làm mẹ của mình.
Sự học đầy gian khó mà thiêng liêng đó, mẹ đã làm được những gì:
Mẹ đã cho em tận hưởng tuổi thơ với những quyền lợi tối thượng: Được khóc, được cười, được lấm lem, được hỏi và được giải đáp, được sai lầm, được chơi thỏa thích, được sống trong thế giới sách diệu kì...
Mẹ đã cố gắng đọc nhiều sách, tìm hiểu từng giai đoạn phát triển của đứa trẻ và áp dụng trong khả năng có thể.
Mẹ đã mày mò làm nhiều đồ chơi, dành tối đa thời gian ở bên em và cố gắng sử dụng để không lãng phí thời gian đó.
Mẹ chưa bao giờ phàn nàn với em về điểm số, không thúc ép học hành.
Mẹ đã cười thật nhiều cùng em. Mỗi khoảnh khắc mẹ ở bên em, đều tràn ngập niềm hạnh phúc.
Nhưng em ơi, trong quá trình “học hành” đó, mẹ vẫn còn nhiều thiếu sót:
Mẹ chưa dạy em thật tốt về một số kĩ năng cần thiết.
Mẹ chưa dạy em nhiều về lòng dũng cảm. Em nhát hít à, thấy con gián sợ, thấy con kiến bò qua tay cũng thót mình.
Mẹ chưa dạy em tốt về...
Mẹ chưa... nhiều lắm!
Nhưng nếu để đi lại từ đầu con đường đó, mẹ có làm tốt hơn không?
Mẹ cũng không dám chắc.
Có thể mẹ sẽ yêu em, gần em nhiều hơn nữa, ít cáu kỉnh hơn, ít sai lầm hơn.
Mẹ nghĩ, đôi khi những thiếu sót của người mẹ lại là cơ hội để đứa con tự hoàn thiện một cách “tự nhiên nhi nhiên”.
Rồi cuộc đời sẽ tiếp tục dạy em. Những người thương yêu em và cả những người chưa yêu em sẽ dạy em. Rồi thành công sẽ dạy em, thất bại cũng dạy em.
Em cứ theo đó mà học. Học cả từ những sai lầm, đổ vỡ, hoang mang.
Và mẹ, mẹ cũng thế, mẹ cũng sẽ tiếp tục học.
Vì mẹ biết, khi nuôi con cũng là quá trình người mẹ “lớn lên” cùng con.
Hôm qua bố mẹ đi xem phim Em là bà nội của anh. Phim hài nhưng có nhiều chi tiết khiến người ta rơi nước mắt. Xúc động nhất là cảnh cuối. Khi đứa cháu nội cần được tiếp máu để giành lại sự sống, người bà đã chấp nhận giã từ tuổi trẻ để rút máu của mình cho chàng thanh niên này. Xem đến đó, mẹ cứ khóc ròng. Người phụ nữ là thế, người bà, người mẹ là thế đó Nam. Sẵn sàng đánh đổi mọi cơ hội của cuộc đời chỉ để được là mẹ, được làm mẹ.
Dẫu khi ngoái lại, người mẹ thấy sau lưng mình cũng đầy chặt những nuối tiếc và lỗi lầm...