Nhiều bà mẹ thường hay hỏi mình đã dùng những phương pháp giáo dục nào dành cho Nam.
Mình thường suy nghĩ rất lâu.
Bởi thực ra, mình cũng... không biết chính xác câu trả lời.
Khi Nam còn nhỏ, cũng như nhiều bà mẹ, mình thường hoang mang, đắn đo trước rất nhiều phương pháp giáo dục. Rồi học theo người này người kia. Rồi đọc sách này sách kia. Rồi áp dụng phương pháp này, phương pháp kia.
Nói chung cũng “tung tóe” cả.
Nhiều khi con ngủ mà mẹ vẫn trằn trọc mãi không thôi bởi ý nghĩ liệu mình có “bỏ lỡ” giai đoạn nào của con không? Mình có gì sai sót không?
Đã thế lại còn rất “sân si”. Thời kỳ mang thai con, mỗi lần đi khám định kì, thấy con ở mức “cao cao” là sung sướng mà con tụt hạng một tẹo thôi là ỉu xìu.
Rồi trong thời kỳ con còn trứng nước, khi ra đường, hễ thấy ai bế trẻ cũng hỏi: Bé được mấy tháng rồi ạ. Hỏi chỉ để nháy mắt với em bé một cái nhưng trong đầu thầm nảy ra một phép ước lượng xem con mình bằng ấy tháng có “to” như vậy không.
Như thế được một thời gian thì mình thấy... mệt mỏi. Và bắt đầu chiến dịch “dọn dẹp” lại bản thân.
1. “Dọn dẹp” bản thân là tự tĩnh tâm, tự vui với những gì hai mẹ con làm được, dù chỉ là một xíu xiu.
Hôm trước đọc sách con không nghe. Hôm sau con dừng lại 5 phút thôi để nhìn mẹ khi mẹ đọc là đã thấy: A, mình làm được rồi.
Hôm trước con bốc đồ ăn rồi... quẳng đi. Hôm sau con biết đưa tay cầm đồ ăn lên gần miệng, mẹ cũng thấy hỉ hả vô cùng.
Cứ thế, mình tự làm vui mình bằng những thay đổi của con, nhỏ như móng tay thôi.
2. “Dọn dẹp” bản thân nghĩa là không quá quan tâm đến những lời “bình luận” của người xung quanh, không còn đau khổ mỗi khi nghe nói: Dạy con kiểu gì thế? Sao phải hiện đại thế? Sao không thương con à?...
Không còn vật vã vì “đấu tranh” giữa giữ dáng và đủ sữa cho con bú. Kệ đi, miễn thấy mình khỏe mạnh, thơ thới là được.
3. “Dọn dẹp” bản thân nghĩa là học phương pháp nào đó chỉ theo TINH THẦN của phương pháp ấy. Vì thực ra mình cũng đâu có đủ điều kiện và thời gian để áp dụng triệt để.
Điều quan trọng nhất là biết con mình thích gì.
4. “Dọn dẹp” bản thân nghĩa là thấy mẹ “mạnh” nhất, “giỏi” nhất ở điểm nào thì cứ dùng những điều đó để truyền dạy cho con. Không nhất thiết phải máy móc làm theo những điều mà bản thân còn thấy lơ mơ.
Thế nên, mình toàn dạy Nam những bài hát mà mình thích ơi là thích khi còn bé.
Mình nghêu ngao hát cho con nghe những: Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát. Rồi chuyển sang: Hạt gạo làng ta, Em đi đưa cơm cho mẹ đi cày, Đi học...
Và mình tự sáng tác những câu chuyện nho nhỏ, xinh xinh. Nam cũng thích những câu chuyện đó nên mình cứ để chúng chảy tràn đầy suốt tuổi thơ con.
Mình dạy Nam đọc đồng dao, chơi các trò chơi như tập tầm vông, ô ăn quan, xúc xắc xúc xẻ. Những cái này hồi nhỏ mình chơi cừ lắm nên dạy lại dễ ợt.
Cứ thế, mình “buông bỏ” bớt những điều lo lắng, băn khoăn và làm những gì mình thấy thoải mái, tự nhiên. Luôn kiên nhẫn “từng bước nhỏ một”, thực hiện theo đúng thời gian biểu, giúp con tìm thấy sự hứng thú trong mọi công việc “có chủ đích”.
Và bỗng thấy Nam vui hơn hẳn.
Khi con đến tuổi đi học, mình cũng vẫn có ý thức tự “dọn dẹp” bản thân như thế: Không học thêm, không trường chuyên lớp chọn, không bài tập nâng cao (nếu con không thích), không so bì điểm số, không mắng mỏ.
Truyền thông ưu ái quá mức khi hay gọi Nam là “thần đồng”. Trời ơi, “thần đồng” sao được khi đi học lớp 1, trong khi các bạn biết viết nhoay nhoáy, Nam vẫn loay hoay với những con chữ đầu tiên. “Thần đồng” sao được khi thi thoảng có kì thi, các bạn toàn được điểm 9, điểm 10, Nam lẹt đẹt với điểm 5, điểm 6. “Thần đồng” sao được khi nhiều bài văn cô không chấm vì cô bảo viết lan man quá, nhiều bài tiếng Anh cô bảo sai ngữ pháp tùm lum. Và “thần đồng” sao được khi mỗi kì thi chuẩn hóa tiếng Anh quốc tế, để đạt được số điểm như mong muốn, Nam thường thi đi thi lại, ít nhất hai lần.
Hôm trước, cô giáo dạy Nam lớp 2 đến nhà chơi. Hai chị em ngồi nói chuyện với nhau rất lâu, ôn lại những kỉ niệm hồi Nam còn nhỏ xíu. Cô bảo, chị ơi, em thích nhất ở Nam là lúc nào con cũng tìm ra niềm vui trong học tập, lúc nào cũng tràn đầy mơ ước. Nhiều khi đến lớp mệt nhoài, nhìn xuống lớp bắt gặp khuôn mặt con tươi rói, rạng rỡ là em như thấy có thêm động lực.
Mình coi đó là một lời khen, giá trị hơn nhiều danh xưng “thần đồng”.
Và mình cứ thầm “tự hát”, có phải để có được điều đó một phần là do bố mẹ đã cố gắng để “dọn dẹp” mình không?
Mình cũng... chưa có câu trả lời.