Tôi thường nghĩ, đàn bầu hay còn gọi độc huyền cầm là một sáng tạo kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Trong hệ thống nhạc cụ của nước ta, đàn bầu mang tính thuần Việt nhất và cũng hết sức độc đáo bởi cấu tạo của nó dường như đã được tối giản đến tận cùng với lối diễn tấu không giống bất cứ nhạc cụ nào. Âm thanh độc huyền cầm có nhiều cao độ khác nhau, khi bổng khi trầm, thánh thót, trong trẻo, đầy sức quyến rũ được tạo nên từ các âm bồi của duy nhất một dây đàn mỏng mảnh, kết hợp với việc dùng cần đàn để căng dây lên hoặc chùng dây xuống.
Đàn bầu ai gảy nấy nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu
Thời còn bé, tôi đã được nghe bà và mẹ đọc câu ca dao ấy. Dẫu chưa hiểu lắm ý nghĩa sâu xa, nhiều nhắc nhở dặn dò có trong cặp lục bát truyền lưu giữa dân gian đó nhưng khi được nghe đàn bầu tâm hồn thơ trẻ của tôi đã lao xao những rung động thú vị. Lớn lên, tuổi học trò của tôi gắn liền với những năm bom đạn của giặc Mỹ giội xuống miền Bắc, tôi nghe không chỉ một lần câu nói: nước Việt Nam như chiếc đàn bầu bị cắt ngang ở dòng sông Bến Hải. Cảm thức về chiếc đàn bầu gắn liền với hình ảnh đất nước con người Việt Nam nhân hậu, chịu thương chịu khó, dũng cảm, yêu đời giữa muôn vàn thăng trầm, giông bão của thế cuộc. Đàn bầu cất lên nỗi lòng người Việt, trong gần gũi và xa xôi, khi hân hoan lúc buồn tủi, giữa hửng sáng hay mờ tối, thời loạn lạc hoặc thái bình... Đúng vậy chăng, đàn bầu chứa tải bầu tâm sự vô tận, vô biên của người Việt. Không chỉ một kiếp, một thời mà của muôn kiếp, muôn thời như là tri kỷ, tri âm giữa người và vật vậy.
Viết ra những điều như trên cũng là một cách lý giải vì sao tôi lại yêu thích ca khúc Tiếng đàn bầu của Nguyễn Đình Phúc (phổ thơ Lữ Giang) đến thế. Tôi đã lặng người nghe những ca sĩ nổi tiếng như Kiều Hưng, Trọng Tấn... hát Tiếng đàn bầu. Tôi đã rưng rưng nghe Tiếng đàn bầu do các chiến sĩ ta hát trên biên cương quấn quýt mù sương hay ở quần đảo Trường Sa trập trùng mây nước. Tôi cũng đã lắng nghe tôi hát Tiếng đàn bầu khi đưa nôi ru con, ru cháu vào giấc ngủ. Tiếng đàn bầu ngân rung dưới mảnh trăng lá lúa. Tiếng đàn bầu thổn thức trong đêm mưa rả rích. Tiếng đàn bầu óng ánh giữa sắc nắng mùa thu. Có lẽ, không ít người cũng như tôi vẫn thường lắng nghe tiếng đàn bầu...
Lắng tai nghe đàn bầu
Thánh thót trong đêm thâu.
Ừ nhỉ, tiếng đàn bầu hợp với lòng đêm khuya khoắt lắm. Tiếng đàn bầu trong đêm chứa chất nhiều tâm sự. Như là tiếng lòng ta muốn nói với người thân qua những cung trầm, cung bổng, cung tỏ, cung mờ của độc huyền cầm.
Tiếng đàn bầu của ta
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha
Ngân nga em vẫn hát
Tích tịch tình tình tang...
Không thể nào khác được, tiếng đàn bầu luôn là gợi nhắc về cội nguồn máu mủ thân thuộc. Lòng yêu Tổ quốc bắt đầu từ những cái cụ thể, gần gũi nhất. Còn gì gần với ta hơn là mẹ, là cha, là em cơ chứ. Đất nước bắt đầu từ đấy chứ đâu nữa. Công cha, nghĩa mẹ sâu nặng, mênh mông. Như là núi, như là suối, cao lớn, trẻo trong. Tiếng đàn bầu là tiếng mẹ thanh thoát dịu dàng. Tiếng ru ta, ầu ơ...
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn...
Tiếng đàn bầu là tiếng cha trầm ấm bao dung. Tiếng dặn ta, mộc mạc...
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng...
Và em, tiếng đàn bầu ngân nga chấp chới của ta, khúc tích tịch tình tình tang đồng hành cùng tình yêu trong sáng, thủy chung:
Thương anh da diết diết da
Áo em hai vạt trải ra anh nằm...
Là vậy đó, là thế đó, tiếng đàn bầu Việt Nam. An nhiên bật lên từ trái tim người Việt, không rắc rối, không màu mè; bình dị giản lược mà vẫn sum suê vun đầy, vẫn dạt dào nhiều cung bậc yêu thương, sẻ chia đồng cảm.
Trong mỗi chúng ta, đang ở trên mảnh đất ông cha hay dù ở chân trời góc bể nào cũng đều mang trong mình tiếng đàn bầu Việt. Cứ như một mặc định sâu xa bền vững. Một tấm thẻ căn cước dân tộc được viết bằng âm thanh từ chiếc đàn một dây thanh mảnh như sợi chỉ cuộc đời. Nhắc đến đàn bầu là nhớ đến đất nước và con người Việt Nam. Vì thế khi ca khúc Tiếng đàn bầu cất lên ta như thấy đất trời cao rộng, biển đảo bao la của nước Việt mình, thấy trong mỗi giai điệu bổng trầm lũy tre xanh, cây đa bến nước con đò, thấy áo tứ thân khăn mỏ quạ, áo bà ba khăn rằn, thấy cả xẩm xoan, chèo, tuồng, quan họ, ca Huế, bài chòi, cải lương. Dải đất cong cong hình chữ S bên Biển Đông rộng lớn hiện lên, hành trình dựng nước và giữ nước đầm đìa mồ hôi và máu hiện lên như một thực thể thiêng liêng không giá trị nào sánh đổi được. Hiện lên cương vực bờ cõi mấy ngàn năm bông lau trắng, hoa mộc miên đỏ, nương lúa chín vàng, thềm cát trắng... gần gũi thân thương như mọc ra từ trái tim ta. Cả từng cơn mưa và ngọn gió cũng trở về cùng bao hoài niệm rạ rơm, rêu phong xưa cũ của mỗi góc làng, hẻm phố.
Yêu thương quá đất nước này. Xót xa quá đất nước này. Đã bao phen đối đầu với kẻ thù xâm lược. Vó ngựa thôn tính của giặc phương Bắc, dấu giày viễn chinh của kẻ thù phương Tây còn hằn in trong lịch sử dân tộc. Không phải một năm, hai năm mà đến nghìn năm, tám mươi năm, hai mươi năm... Những năm tháng, những thế kỷ, những thập kỷ đong đầy nước mắt. Nước mắt của người dân nô lệ, lầm than. Nước mắt ấy ngỡ như còn đọng trên độc huyền cầm, mặn mòi và nức nở nỗi nước mất nhà tan thuở nào.
Tiếng đàn bầu thuở xưa
Cung thương Kiều nức nở
Than mình chẳng tự do
Bi ai dân mất nước
Não nuột từng đường tơ
Não nuột từng đường tơ...
Mất độc lập, mất tự do là mất tất cả. Vì thế, chẳng lạ gì khi con dân đất nước này chẳng bao giờ chịu cúi đầu làm nô lệ cho giặc ngoại xâm. Họ đã đi qua những cuộc chiến tranh ái quốc tàn khốc, chấp nhận mất mát hy sinh để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Các cuộc khởi nghĩa, những lần kháng chiến để lại dấu ấn không bao giờ mờ phai giữa lòng bao thế hệ trong đó có Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
(Thơ Tố Hữu).
Mùa thu Cách mạng ấy đã đưa giang sơn này từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ được làm người tự do. Từ đó, tên gọi Việt Nam gắn liền với tên gọi Hồ Chí Minh với hàm nghĩa cao đẹp sáng tỏa. Vì thế, đây là ngân vang chính đáng như những giai điệu mới mẻ của tiếng đàn bầu.
Tiếng đàn bầu Việt Nam
Ngân tiếng vàng trong sáng
Ơi cung thanh, cung trầm
Ru lòng người sâu thẳm
Việt Nam! Hồ Chí Minh!
Việt Nam! Hồ Chí Minh!
Nhân đây, cũng cần phải sòng phẳng nói rằng, những người cộng sản Việt Nam không phải là lực lượng lãnh đạo chống thực dân Pháp xâm lược đầu tiên. Không ít cuộc khởi nghĩa do một số vị vua và sĩ phu phong kiến yêu nước lãnh đạo đã nổ ra trong suốt tám mươi năm thực dân Pháp đô hộ, cai trị nước ta. Bắt đầu là phong trào Cần Vương và kết thúc là cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài đằng đẵng suốt ba mươi năm. Thất bại nối tiếp thất bại. Chỉ khi cuộc Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng ta nổ ra thì nền độc lập của dân tộc mới được lấy lại. Tuy nhiên, do âm mưu của thực dân, đế quốc thì phải đến ba mươi năm nữa, sau hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất mới hoàn toàn trở thành hiện thực ở nước ta.
Trong một ca khúc trữ tình không đồ sộ như Tiếng đàn bầu của Nguyễn Đình Phúc - Lữ Giang mà gợi mở ra được nhiều không gian, thời gian, những khúc đoạn lịch sử, hình ảnh đất nước, lãnh tụ, những tâm sự gần xa... thật đáng khen ngợi. Theo tôi, đây chính là một trong những ca khúc viết về đất nước hay nhất, sâu lắng nhất, ám ảnh nhất. Phảng phất chất liệu dân ca Việt mà cũng rất hiện đại. Lời thơ giản dị, súc tích hòa quyện vào những nốt nhạc tha thiết dịu lắng tạo ra vẻ đẹp thanh khiết, lung linh của tác phẩm. Thành công dễ thấy của ca khúc là nó không bị sự thải loại của thời gian như không ít tác phẩm khác. Với người hát, người nghe Tiếng đàn bầu luôn là một lựa chọn hàng đầu về đề tài đất nước. Ca khúc như tiếng lòng của chúng ta rung ngân cùng đất nước quê nhà, trong những hồi niệm xa xưa và cuộc sống hiện tại. Trong thế giới phẳng, siêu phẳng như hiện thời thì lòng yêu quê hương đất nước vẫn là một giá trị được nâng niu, tôn trọng. Và, những người dân Việt chúng ta vẫn Lắng tai nghe đàn bầu... Tiếng đàn bầu Việt Nam vẫn thánh thót ngân rung, thánh thót ngân rung không bao giờ tắt.