Nhật ký đi biển
Từ trên tàu nhìn tới, giữa mênh mang biển trời mây nước Nhà giàn trông bé nhỏ và mong manh như một cái chòi canh. Giữa nắng hạ chói chang cái chòi canh ấy trắng sáng lên và trong sự liên tưởng có phần lãng mạn của tôi thì nó giống như một chú cò quê đang nghểnh cổ ngóng về đất liền. Ví nó là cái chòi canh cũng không có gì sai cả vì Nhà giàn có nhiệm vụ trông coi gìn giữ vùng biển thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Sau hành trình đi quần đảo Trường Sa, thường có các cuộc ghé thăm Nhà giàn thuộc vùng biển DK1. Ai đã từng một lần đến đây, được tận mắt thấy lá cờ đỏ sao vàng cắm trên Nhà giàn tung bay giữa lồng lộng biển trời, được gặp gỡ chuyện trò với những người lính hải quân trẻ trung rắn rỏi chắc không thể nào quên. Có đêm, nghe tin đài báo bão trên Biển Đông tôi lại thao thức nhớ tới Trường Sa, nhớ tới Nhà giàn DK1, nhớ tới các anh và những hồi ức chưa xa lại rưng rưng ùa về…
“Ngày… tháng… năm 2000
6 giờ sáng xuống xuồng lên Nhà giàn DK1 Ba Kè. Nhà giàn như một tòa nhà hai tầng thanh thoát, sáng sủa đứng trên bốn cột trụ cắm nghiêng (khoảng 80 độ) xuống nền đá san hô có hàng triệu năm tuổi ngập trong nước biển ở độ sâu chừng 15 mét. Nối bốn cột trụ là những ống chằng hình tròn có đường kính khá lớn. Bốn cột trụ được bao bọc bởi các ống cao su để chống sự va đập của sóng biển.
Chúng tôi theo thang sắt trèo lên giàn. Thang dựng đứng nối từ mặt biển luôn nhấp nhô sóng lên mặt sàn, thấp nhất cũng đến 10 mét. Sóng biển đu đưa làm ta có cảm giác như Nhà giàn cũng lắc lư theo. Không ít người cảm thấy nao nao chóng mặt. Anh em kể: cẩn tắc vô áy náy, có lúc lính ta phải dùng dây bảo hiểm để kéo thủ trưởng và chị em văn công lên Nhà giàn.
Sáng nay thời tiết đẹp. Trời xanh. Biển lặng. Nhìn xuống, thấy rõ nền san hô lung linh trong nước. Cá nhiều thế. Chúng dung dăng bơi lội dưới Nhà giàn. Có người bảo đấy là cá tai tượng, cá đối…
Chiến sĩ Nhà giàn trồng rau dền, rau cải, ớt trong khay, trong những chiếc thùng đạn cũ. Có 9 dây mồng tơi cùng trồng trong một thùng đạn mới lớn lên vấn vít bám vào các lan can sắt. Đại tá Nguyễn Cộng Hòa, cán bộ Quân chủng Hải quân cùng đi với chúng tôi ví von: “9 dây mồng tơi là 9 nốt nhạc xanh của lính biển”. Thật lãng mạn!
Trồng rau ở Nhà giàn là một kỳ công. Đất màu và hạt giống phải do tàu và lính ta mang từ bờ ra. Phải chắt chiu từng giọt nước ngọt để tưới cho rau, thường là nước tắm rửa được anh em ta tận dụng lại. Nuôi gà trong mây, trồng rau trên sóng không phải là câu chuyện cổ tích ở Nhà giàn. Tuy nhiên, ở độ cao 20 mét so với mặt biển như thế này rau trồng phải tránh hướng gió, khi gió mùa đông bắc thì rau trồng ở phía tây, lúc gió mùa tây nam thì các khay rau lại được di chuyển về phía đông .
Một chú gà trống khá phong độ, mào đỏ rực, lông sao lốm đốm trắng lục cục trong lồng. Chú rướn cổ gáy lên mấy tiếng ò ó o đĩnh đạc như muốn chào khách đất liền dù lúc này không còn sớm nữa. Hình như vẫn đang thiếu một cái gì đấy? “À, phải rồi một nàng gà mái hoa mơ”. Ai đó nói tếu. Chiến sĩ ra-đa Nguyễn Hồng Hà mặt chín màu gấc tủm tỉm trả lời: “Chúng em nuôi gà trống để nó gáy cho vui, cho Nhà giàn có tiếng quê các anh ạ”.
Diện tích Nhà giàn không lớn, chỉ 45 mét vuông. Bốn mươi lăm mét vuông được treo lên giữa biển trời đó là nơi làm việc, học tập, sinh hoạt của 10 chàng lính biển. Ngăn nắp. Sạch sẽ. Đâu vào đấy. Một không gian mở khá lãng mạn của lính biển. Phía ngoài những ô cửa là mây trời lồng lộng, dưới chân Nhà giàn là biển nước lung linh. Ảnh hoa hậu, ca sĩ, danh thủ bóng đá được dán tưng bừng trên vách, ảnh người yêu, bạn gái, vợ con lồng trong mấy chiếc khung kính xinh xinh để ở đầu giường. Sách giáo khoa trung học phổ thông xếp cạnh tuyển tập Thơ tình thế giới và Tạp chí Văn nghệ Quân đội… Có cả tờ báo tường mang tên “Hải Âu” đủ các chuyên mục thơ, nhạc, tiểu phẩm, tranh vui và cả xã luận được trình bày khá bắt mắt. Tôi chỉ cho ca sĩ Bích Ngọc bốn câu thơ của chiến sĩ Duy Phương viết trên báo tường:
Em và biển hai tâm hồn như một
Đã cho tôi tất cả - Tình yêu
Biển yêu tôi, tôi yêu biển đắm say
Em yêu tôi, tôi yêu một tình yêu trong sáng.
Hai giờ đồng hồ sống với chiến sĩ Nhà giàn đã để lại cho tôi những ấn tượng nhớ đời. Mấy ca sĩ Đoàn văn công Quân khu 4 ngồi giữa anh em hát say sưa bài này sang bài khác. Khi Bích Ngọc hát bài Ca dao em và tôi, một chiến sĩ hải quân đã bất ngờ hái mấy bông hoa muống trắng trong khay rau tặng ca sĩ. Chúng tôi tự động ngồi ở vòng ngoài, để cho các chiến sĩ ta được ngồi gần hơn các nữ ca sĩ. Hàng tháng trời, những chàng trai cường tráng này sống giữa khơi xa, không hề gặp một dáng hình con gái với những đường cong gợi cảm, không được trực tiếp nghe chất giọng mềm mại của phái đẹp nói gì đến chuyện cầm tay, ôm hôn ai đó. Bạn gái, người yêu, vợ ở cách xa hàng trăm hải lý, nếu có gặp thì cũng chỉ được gặp trong những giấc mơ ngắn ngủi nơi góc bể chân trời. Xa xôi lắm cái hơi thở ấm áp, cái mùi da thịt nồng nàn, phút run rẩy thăng hoa của những cung điệu yêu thương… Những khát khao, đòi hỏi của con người có gì là lạ, có gì phải giấu giếm. Vâng, nó vô cùng bản năng nhưng cũng đầy bản ngã; những người lính biển đã chấp nhận sự thiệt thòi để trụ bám vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió này.
Lại có những chuyện buồn. Lúc yên biển lặng trời thì Nhà giàn trông vững chãi, sáng sủa, thơ mộng là vậy nhưng khi bão gió thì nó thật mong manh bé nhỏ làm sao. Sóng cấp 6, cấp 7 đã đánh lên cả tầng hai. Bão. Biển cuồng nộ muốn quăng quật, vùi dập, phá tan tất cả những cái gì nhô lên trên mặt sóng. Bão tố là sự kinh hoàng với những ai sống trên biển cả. Trời đất như trộn lẫn vào nhau, ngầu đục, đảo lộn, gầm gào, hung hãn. Những lúc ấy, anh em ta trên Nhà giàn phải chuẩn bị tư thế để đối phó. Phao cứu sinh mang sẵn vào người. Tàu trực chiến sẵn sàng cứu hộ. Nhưng, không phải lúc nào cũng tai qua nạn khỏi, bốn Nhà giàn đã bị đổ, 13 chiến sĩ ta đã hy sinh.
Một trong chín người ở Nhà giàn thuộc cụm Phúc Nguyên 2 bị cuốn xuống biển vào ngày 13 tháng 12 năm 1998 trong cơn bão số 8, Thiếu úy Hà Công Dụng đang ngồi trước mặt tôi. Giọng trầm hẳn, Dụng nhắc lại một ngày buồn. Bão quá lớn, Nhà giàn nghiêng rồi đổ. Chín chiến sĩ ta bị sóng cuốn xuống biển. Sáu người được tàu ta cứu. Ba cán bộ, chiến sĩ mất tích. Đó là: Đại úy Vũ Quang Chương, quê Thái Thụy, Thái Bình, lô trưởng. Đó là: Lê Đức Hồng, nhân viên ra-đa quê ở Hà Tĩnh. Cả hai anh khi bị vùi vào lòng biển đều chưa có vợ. Đó là: Nguyễn Văn An, quê Yên Mật, Kim Sơn, Ninh Bình vợ vừa sinh con gái một tháng, anh chưa biết mặt con.
Có một Nghĩa trang ở trong lòng biển. Nghĩa trang ấy không hề có tượng đài, bia mộ, khánh chuông. Rộng dài hàng trăm hải lý, nơi nào quy tụ lại hồn thiêng?
Trước khi rời Nhà giàn ra tàu, một người lính trẻ cho tôi xem bức thư của người yêu gửi cho anh. Cô đang là sinh viên của một trường cao đẳng ở Hà Nội. Cô muốn chia tay với anh… Lý do, rất đơn giản: “em thấy mình không đủ bản lĩnh để làm vợ một người lính luôn biền biệt xa nhà như anh”.
Một cơn bão khác, chưa ai đặt tên, đánh số phủ qua cuộc đời của người lính Nhà giàn...
Hải đội 812 và câu chuyện của người trở về từ xoáy bão
Với lính Nhà giàn DK1 thì đồng đội gắn bó thân thiết nhất với họ chính là lính tàu. Những lúc sóng to gió lớn, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn cảm thấy yên lòng hơn và không có cảm giác lẻ loi khi thấy bên mình có các hạm tàu trực chiến thân yêu. Họ cùng là lính đoàn M71 anh hùng có truyền thống:
Chiến đấu anh dũng
Khắc phục khó khăn
Liên tục bám biển
Quyết chiến quyết thắng.
Nói về sự chịu đựng gian khổ, hiểm nguy và lòng quả cảm thì lính Hải đội so với lính Nhà giàn cũng là một chín một mười. Theo như lời Thượng tá Trương Công Thế - Chính ủy Đoàn M71 mỗi khi đài báo bão tàu bè từ ngoài khơi tìm về đất liền trú ẩn thì tàu của đơn vị lại phải nhổ neo ra khơi làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ xa bờ. Nghĩa là những con tàu ấy phải gối sóng lao về phía bão, căng mắt tìm kiếm người, tàu thuyền gặp nạn trong mịt mù biển động. Bình thường thì các hạm tàu của ta làm nhiệm vụ trực chiến sẵn sàng chiến đấu, vận tải quân sự, tuần tiễu chung với các nước trong khu vực... Thời tiết mấy năm gần đây càng thất thường phức tạp ẩn chứa rất nhiều tai họa khó lường. Bão đôi khi không hình thành theo mùa và cường độ của nó cũng dữ dội hơn bội phần. Không hiếm những cơn bão, siêu bão vượt cấp 12. Nhà giàn đã bị nghiêng, bị đổ trong bão và có tàu cũng đã bị sóng gió quật ngã nhấn chìm bất ngờ.
Những người lính Hải đội, Nhà giàn ăn sóng, nằm gió như thế chắc phong trần dữ dội lắm. Lính Nhà giàn thì tôi đã biết, hiền khô, còn lính Hải đội, những chàng trai cưỡi sóng dữ thì sao? Té ra cũng hiền không kém.
Chúng tôi - những nhà văn, nhà thơ tham gia trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ quân đội - đã được chỉ huy Hải đội 812 cho xuống tham quan tàu HQ-609. Tưởng lính tàu thuộc dòng quý tộc phong lưu hào hoa nào ngờ cũng chịu đựng gian nan thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần chẳng kém gì lính Nhà giàn. Trên tàu, không trồng được rau, phải mang từ đất liền đi nhưng kho lạnh không có nên rất mau bị ủng. Thịt tươi cho vào tủ đá không đủ dùng cho hàng tháng trời lênh đênh trên biển nên món ăn thường xuyên vẫn là đồ hộp. Gặp phải lúc sóng to, nấu được bữa ăn cũng chẳng dễ. Cơm, thức ăn bị nước biển tát vào mặn khé là chuyện nhỏ. Nồi canh ngọt lừ mì chính còn bị hắt đổ xuống sàn. Nhiều lúc anh em phải ăn cơm nâu (tiếng Anh no: không) canh như kiểu nói vui của lính thủy. Cốc, ca trên tàu phần lớn là đồ nhựa để khi gặp sóng cả có bị hất xuống sàn cũng không vỡ. Và, đừng nghĩ lính hải quân thì không say sóng nhé. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng cười nói rằng: “Bọn em nhiều lúc phải ở trong tình cảnh biển một bên và xô một bên chứ không được biển một bên và em một bên như nhà thơ Trần Đăng Khoa viết đâu. Say sóng, có lúc nôn ra mật xanh mật vàng đấy các anh ạ”.
Điều chúng tôi bất ngờ nhất là anh em lo ế vợ. Những chàng trai khỏe khoắn điển trai đang ngồi trước mặt chúng tôi đây mà lại lo ế vợ ư. Quả là một điều không tin nổi. Nhưng đúng như thế. Với lính tàu, sống biển nhiều hơn sống bờ, khi cặp bến thì chịu sự quản lý rất nghiêm ngặt về thời gian nên anh em không có nhiều cơ hội để đi tìm một nửa của mình. Phần lớn lính trên tàu HQ-609 đang chưa có mảnh tình nào vắt vai. Người lấy vợ sớm nhất cũng vào độ tam thập. Có vợ cũng khổ, xa nhau triền miên. Khoang tàu bùng nổ chuyện đàn bà con gái. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, nhà Phôn cờ lo nổi tiếng của đất võ Bình Định xướng lên câu:
Vợ là cơm nguội của ta
Nhưng là đặc sản thằng cha láng giềng.
Chính trị viên Trần Văn Tuyến nhỏ nhẹ xin phép các anh chị nhà văn biên tập lại cho phù hợp với tình cảnh lính hải quân. Nguyên văn cặp lục bát nói về vợ của lính biển là như thế này:
Vợ là đặc sản của ta
Cũng là đặc sản thằng cha láng giềng.
Tếu táo là thế nhưng chúng tôi cũng mau chóng lắng lại với câu chuyện của một người lính Nhà giàn đã từng được vớt lên từ mặt biển sùng sục. Người lính ấy bây giờ là thành viên của con tàu này nhưng cách đây 10 năm anh là chiến sĩ bám trụ trên Nhà giàn thuộc cụm Phúc Nguyên 2, DK1. Anh là một trong sáu chiến sĩ bị hất xuống biển và may mắn được sống sót trong cơn bão số 8 vào ngày 13 tháng 12 năm 1998. Chuyện này chúng ta đã nhắc đến ở trên trong Nhật ký đi biển của tôi.
“Em tên là Hoàng Văn Thủy, quê ở Đô Lương, Nghệ An”, dòng chảy của hồi ức dữ dội về cơn bão số 8 năm đó đã được bắt đầu như thế...
18 giờ.
Trước sức mạnh của gió giật, gió xoáy, của những đợt sóng vỗ ầm ầm như bom nổ Nhà giàn đã rung lên, lắc lư chao đảo. Sóng, từng đợt nối nhau, cao lớn như tòa nhà ba, bốn tầng phủ trùm mù mịt qua mái Nhà giàn. Người, đồ vật nghiêng ngả. Em vừa che chắn vừa mở máy gọi đài canh báo cấp cứu.
3 giờ sáng ngày hôm sau.
Nhà giàn bị nghiêng.
Bão vẫn không ngớt. Lúc này, em vẫn bám ở phòng báo vụ. Em điện báo vào tổng đài. Đúng phiên trực của chị kết nghĩa của em.
- Chị ơi. Bọn em đang ở trong tình thế rất nguy hiểm. Nhà giàn đã bị nghiêng…
- Thủy ơi, em ơi, hãy bình tĩnh, đất liền và chị luôn ở bên cạnh em…
- Chị ơi. Nhà giàn đang sắp đổ. Chúng em sẽ đi… Chắc em không còn được gặp chị. Nhờ chị báo cho gia đình em theo địa chỉ.
- Thủy ơi, còn nước còn tát em, thủ trưởng đang đứng bên cạnh chị đây… Em nói chuyện với thủ trưởng nhé.
- Chào các thủ trưởng. Nhà giàn đã bị đổ. Chúng em đi đây…
3 giờ 30 phút.
Nhà giàn sập.
Tất cả mọi người nhảy ra ngoài. Chỉ kịp mang phao cứu sinh. Sóng dữ ập xuống. Dìm mọi người trong biển nước đen ngòm. Nước biển mặn chát xộc vào miệng, vào mũi. Ngột ngạt, tức thở. Cố ngoi lên. Năm anh em bám vào một chiếc phao bè. Ai cũng rách tươm, bợt bạt, tím tái. Đói. Rét. Mệt. Vẫn động viên nhau. Chia nhau từng củ tỏi, miếng gừng, mẩu lương khô. Hy vọng được cứu sống rất mong manh.
19 giờ.
Tàu trực chiến vớt được sáu anh em khi mọi người đang ở vào lằn ranh của sống - chết. Ba anh Chương, Hồng, An hy sinh.
Vĩ thanh
Chuyện của ngày hôm qua nhưng đâu chỉ là quá khứ. Trên một vùng thềm lục địa thiêng liêng đã được xác lập chủ quyền của Tổ quốc, đã được định danh là DK1 vẫn còn đó những Nhà giàn, những con tàu, những người lính hải quân trụ bám, trông coi, gìn giữ. Không phải không có những mưu mô đổi trắng thay đen, những tham vọng xâm lấn chiếm đoạt vùng biển giàu có này của đất nước ta. Và, thiên nhiên trong sự biến đổi khí hậu toàn cầu mang những hiểm họa bất trắc khó lường. Nói như thế cũng có nghĩa là những người lính Nhà giàn, những người lính tàu của chúng ta còn phải đối mặt với muôn vàn gian khó hiểm nguy. Chưa thể nói trước được điều gì về sự bình an của người lính biển cả. Thì xin được tôn vinh, chia sẻ với những người lính biển can trường qua những thổ lộ, tâm tình của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng:
Cái cách anh đón bão thế nào
Sẵn sàng trước tàu chìm giàn sập
Quấn quốc kỳ vào người vĩnh quyết
Kết chùm phao hoặc nhường can nhựa cho nhau trong lúc hết đợt sóng này đến đợt sóng kia quăng ngang quật dọc
Chúng tôi khó mà học được
Khi trời nước điên cuồng
Mọi trường phái cao siêu
Cũng thành bất lực…
Vâng, chỉ có lòng yêu nước sâu thẳm ngấm sâu vào từng giọt máu Việt mới giúp ta vượt qua phong ba bão táp, vượt qua những cám dỗ hỏa mù để gìn giữ vẹn tròn từng tấc đất, từng khoảng trời, từng ô biển thân yêu của Tổ quốc. Bài học ấy, muôn đời tươi rói, chẳng bao giờ cũ cả.