Chiến tranh đã qua bốn mươi năm nhưng với nhiều người kỷ niệm về thời đi học trong bom đạn Mỹ vẫn chưa phai. Tôi cũng vậy, sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình tuyến lửa, tuổi học trò nằm trọn trong mười năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhớ lắm, thương lắm những năm tháng gian nan ấy. Tuy nhiên, đối với tôi, ấn tượng nhất là mấy năm học cấp ba ở trường huyện.
Trường cấp ba Bố Trạch ra đời vào đúng ngày kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 26 tháng 3 năm 1965. Những quả bom đầu tiên của Mỹ ném xuống miền Bắc, trong đó có Quảng Bình, vào đúng năm này. Ba năm học cấp ba, tôi và bạn bè phải chuyển trường mấy lần, từ Mỹ Trạch đến Cự Nẫm rồi về Hòa Trạch để tránh bom đạn Mỹ. Mỗi lần chuyển trường, thầy trò lại phải vào rừng đẵn gỗ, bứt tranh để làm hầm, làm nhà, làm bàn ghế. Đúng là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, làm hầm, làm nhà nhiều quá, cực nhọc quá, chúng tôi chế thơ Tố Hữu đọc cho nhau nghe:
Đời đi học từ nay tôi đã hiểu
Dấn thân vô là chịu cảnh làm trường
Là tranh kề cổ, gỗ đè vai
Là thân sống coi còn một nửa.
Đùa vui thôi nhưng cũng thương cảm tuổi học trò thời chiến lắm. Tôi và bạn bè đến trường ở Cự Nẫm phải đi qua bãi bom B-52. Máy bay Mỹ mấy lần ném bom vào trường, Tôi nhớ mãi cái lần bọn giặc lái ném bom vào Trường cấp ba Bố Trạch đóng ở Cự Nẫm. Chúng tôi đang ngồi trong lớp chăm chú nghe thầy Cư bình giảng bài thơ Việt Bắc thì nhiều ánh chớp lóe lên, mảnh bay veo véo, khói bụi mịt mù, khét lẹt. Thầy Cư trúng mảnh bom, bị thương gục ngay tại bục giảng. May mà, cả lớp chưa xuống hầm chứ nếu ở trong đó rồi thì chẳng còn chúng tôi hôm nay nữa. Một quả bom sát thương nổ trúng hầm trú ẩn của lớp. Ngày hôm đó, máy bay Mỹ còn nhiều lần đến ném bom sát thương, bom bi vào xã Cự Nẫm, khá nhiều thường dân bị chết trong đó có hai bạn Quê và Mai ở trường tôi.
Bom đạn ác liệt thế mà rất ít người bỏ học. Không phải nói ngoa đâu, thời ấy những thanh niên tuổi mười sáu, mười bảy xác định việc học tập, rèn luyện như nhiệm vụ đánh giặc Mỹ xâm lược.
Nhà tan cửa nát cũng ừ
Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau
Tinh thần kiên cường của quê hương Hai giỏi thấm vào máu của những người trẻ tuổi chúng tôi. Thiếu thốn trăm bề, từ cái ăn cái mặc đến sách giáo khoa, giấy bút… nhưng chúng tôi vẫn ham học lắm; vừa học vừa cấy lúa, trồng sắn, khoai để cải thiện bữa ăn. Có lần cuốc ruộng, chạm phải quả bom bi chưa nổ nằm trong cỏ, bạn Lưu lớp tôi đã bị thương nặng. Mái trường cấp ba Bố Trạch thân yêu những năm bom đạn không chỉ thấm mồ hôi mà còn thấm máu thầy trò chúng tôi.
Trong những năm ấy, các thầy cô là điểm tựa tinh thần vững chãi của lớp học trò ăn chưa no, lo chưa tới như chúng tôi. Đây là nơi hội tụ giáo viên hai miền Bắc - Nam, một biểu tượng cho khát vọng thống nhất thời đất nước bị chia đôi. Tôi còn nhớ thầy Hiệu trưởng Lê Công Tánh, một nhà giáo mẫu mực thương yêu học sinh như con mình, thầy Khôi dạy văn hết sức truyền cảm là người miền Nam… Tôi không quên được thầy Hưng dạy lý, thầy Tiến dạy địa là người Hà Nội, thầy Đường dạy sử quê Vĩnh Phúc… Tôi mang trong tim hình ảnh thầy Lế dạy toán, thầy Đông dạy văn, thầy Anh dạy sinh, cô Huyền xinh đẹp dạy hóa… quê ở Quảng Bình. Và, không thể không nhắc đến thầy Thúc Hoàng, cán bộ văn phòng là nhà thơ của tỉnh tôi. Các thầy cô thực sự là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Các thầy giáo, cô giáo đứng trên bục giảng với tình yêu học trò lớn lao. Chúng tôi tiếp nhận kiến thức tự nhiên xã hội từ thầy cô một cách tự nhiên, chủ động. Cũng muốn được nói thêm, thời ấy không hề có chuyện dạy thêm, học thêm và làm gì có cái nạn phong bì mừng thầy cô vào các ngày lễ tết. Thế mà, sao thầy cô thương trò, trò kính yêu thầy cô đến vậy. Trách nhiệm và tình cảm hòa quyện vào nhau tạo ra môi trường học đường hết sức trong sáng, đẹp đẽ. Có thể nói rằng, chính ba năm học tập rèn luyện ở Trường cấp ba Bố Trạch đã góp phần tạo nên nhân cách, văn hóa của lớp học trò chúng tôi.
Bao lớp học sinh bước vào cuộc đời bao la từ mái trường thân yêu mang tên cấp ba Bố Trạch. Cái thành quả đáng kể nhất, đáng trân trọng nhất là hầu hết các cựu học trò của ngôi trường cấp ba trên quê hương nghèo khó này đã biết sống và làm việc tử tế dù họ đang làm gì, nổi tiếng hay chỉ lẩn khuất vào trong hàng triệu công dân khác. Học sinh cấp ba Bố Trạch có mặt khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, cán bộ quản lý, sĩ quan quân đội, công an, doanh nhân, văn nghệ sĩ… Giáo sư tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cựu học sinh cấp ba Bố Trạch được công nhận là giáo sư trẻ nhất Việt Nam vào năm 2004. Các nhà văn, nhà thơ Hữu Phương, Mai Văn Hoan, Nguyễn Hữu Quý… cũng là cựu học sinh của trường này.
Tôi tự hỏi: Tại sao trong hoàn cảnh chiến tranh đạn bom ác liệt, thiếu thốn trăm bề mà thầy trò vẫn dành cho nhau tình cảm trong sáng, đẹp đẽ đến thế? Mặc dù trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp nhưng thầy ra thầy, trò ra trò. Người dạy và người học đều mang trong mình tình yêu, niềm tin lý tưởng và khát vọng, ước mơ được cống hiến cho đất nước. Không thể đem cái ngày xưa để so sánh hay vận dụng áp đặt vào cuộc sống bây giờ. Nhưng tôi tin những giá trị tốt đẹp về đạo đức luân lý, tình thầy trò, tình bạn bè, nghề dạy học, nhà trường… vẫn còn nguyên giá trị. Khi mối quan hệ thầy trò có nhiều cái mang tính thực dụng quá đáng, khi bạo lực học đường đang có chiều hướng tăng lên như hiện nay, thiết nghĩ nhiều giá trị truyền thống vẫn có ý nghĩa giáo dục. Trong suy ngẫm thế, tôi càng biết ơn hơn Trường cấp ba Bố Trạch yêu dấu của mình.