Bước tiên quyết để đạt được những điều bạn mong muốn trong cuộc sống chính là đây: Hãy xác định xem bạn mong muốn những gì.
BEN STEIN
Sau khi đã xác định được tại sao bạn đang dậm chân tại vị trí hiện tại, bạn cần phải xem xét xem mình mong muốn làm gì, trở thành người như thế nào và đạt được những gì. Bạn muốn đạt được những gì? Bạn muốn được trải nghiệm những gì? Và bạn muốn sở hữu những gì? Trong cuộc hành trình đi từ vị trí hiện tại tới vạch đích mong muốn, bạn phải quyết định được vạch đích ấy ở đâu. Hay nói cách khác, thành công đối với bạn là gì?
Một trong những nguyên nhân chính khiến hầu hết mọi người không đạt được những điều họ mong muốn là bởi chính họ còn chưa xác định được những điều đó. Họ vẫn chưa xác định rõ ràng, thuyết phục những khao khát của chính bản thân.
NHỮNG KẾ HOẠCH ĐỀ RA TỪ NHỎ THƯỜNG CẢN TRỞ BẠN TRÊN CON ĐƯỜNG XÁC ĐỊNH MƠ ƯỚC CỦA BẢN THÂN
Trong mỗi chúng ta đều có một hạt giống nhỏ mang tên “bạn” - đó chính là người bạn cần trở thành. Thật không may, khi lớn lên, có lẽ bạn đã chôn vùi hạt giống này do tác động của bố mẹ, thầy cô giáo, huấn luyện viên hay những hình mẫu khác.
Khi mới lọt lòng, bạn luôn biết chính xác mình muốn gì. Bạn biết khi nào mình đói. Bạn từ chối những món ăn mình không thích và vồ lấy những món ưa thích. Bạn không gặp khó khăn gì khi thể hiện nhu cầu và mong muốn của bản thân. Bạn chỉ đơn giản khóc toáng lên - không phải chịu bất cứ sự kiềm chế nào - cho tới khi bạn đạt được những gì mình muốn. Bạn có tất cả mọi khả năng cần có để được chăm bẵm, được thay tã, được ôm ấp vỗ về. Khi lớn hơn, bạn bò tới những vật thu hút sự chú ý của bạn. Bạn hiểu rất rõ mình thích gì và tiến thẳng tới đó, chẳng hề sợ hãi.
Nhưng chuyện gì đã diễn ra?
Trên dọc đường, có người nói rằng...
Đừng động vào đó!
Tránh xa chỗ đó ra.
Bỏ tay ra khỏi thứ đó.
Con phải ăn bằng đĩa, dù có muốn hay không.
Con không thực sự có cảm giác đó đâu.
Con không thực sự muốn thế đâu.
Con nên biết tự xấu hổ chứ.
Đừng khóc nữa. Đừng cư xử như trẻ con vậy.
Khi lớn hơn, bạn được nghe những câu như...
Bạn không thể có mọi thứ chỉ đơn giản vì bạn muốn thế.
Tiền không phải từ trên trời rơi xuống đâu.
Bạn không nghĩ được cho ai khác ngoài bản thân mình sao?
Đừng ích kỷ như vậy!
Đừng làm theo ý thích của mình nữa, hãy làm như tôi bảo đây này!
ĐỪNG SỐNG THEO GIẤC MƠ CỦA NGƯỜI KHÁC
Sau một thời gian dài bị cấm đoán kiểu này, hầu hết chúng ta cuối cùng không còn cảm thấy những nhu cầu của bản thân và khát vọng của trái tim nữa. Chúng ta, theo một cách nào đó, bị bế tắc, cố gắng tìm xem người khác mong đợi gì từ mình. Chúng ta học cách cư xử và sống theo ý của người khác. Kết quả là, giờ đây chúng ta làm rất nhiều việc bản thân không mong muốn song lại thỏa mãn nhiều người khác:
• Chúng ta theo ngành y bởi bố muốn vậy.
• Chúng ta lập gia đình theo ý mẹ.
• Chúng ta kiếm một “công việc thực sự” thay vì theo đuổi sự nghiệp về nghệ thuật như mơ ước của bản thân.
• Chúng ta vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông thay vì dành một năm nghỉ ngơi và đi du lịch bụi quanh châu Âu.
Dưới danh nghĩa khôn ngoan, chúng ta trở nên câm điếc với chính khao khát của bản thân. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều thanh thiếu niên thành thật trả lời “Em không biết” khi được hỏi mình mong muốn được làm gì hay trở thành người như thế nào. Những mong ước thực sự của chúng bị bóp nghẹt bởi quá nhiều những cái “nên”, “không nên”,…
Như vậy, bạn muốn tái định vị bản thân và những khao khát thực sự của mình như thế nào! Làm cách nào bạn có thể theo đuổi những gì bạn thực sự mong muốn mà không phải sợ hãi, không phải e thẹn hay không bị kìm hãm gì cả? Làm cách nào bạn có thể tìm lại mối liên hệ với những cảm xúc của chính bản thân?
Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ nhất: trân trọng những ý thích của mình trong mọi tình huống, dù ý thích đó có nhỏ hay lớn. Đừng cho chúng là những ý thích nhỏ nhặt. Những ý thích đó có thể không quan trọng với người khác song với bạn thì có.
ĐỪNG HÀI LÒNG VỚI ÍT HƠN NHỮNG GÌ BẠN MONG MUỐN
Nếu bạn muốn giành lại sức mạnh và đạt được những gì mình mong muốn, bạn phải ngừng nói những câu: “Tôi không biết, tôi không quan tâm, việc đó chẳng quan trọng với tôi” hay câu nói cửa miệng của thanh thiếu niên ngày nay: “Thế nào cũng được”. Khi bạn phải đưa ra một quyết định, dù nhỏ hay lớn, quan trọng hay không quan trọng, bạn cũng cần có chính kiến. Hãy tự hỏi mình: Nếu mình biết thì mọi việc sẽ diễn ra thế nào? Nếu quan tâm thì mình sẽ lựa chọn thế nào? Nếu việc đó quan trọng, mình sẽ chọn làm gì?
Không hiểu rõ bản thân mình muốn gì và đề cao những mong muốn, khao khát của người khác chỉ đơn thuần là một thói quen. Bạn có thể phá bỏ thói quen đó bằng cách luyện tập thói quen trái ngược.
CUỐN SỔ MÀU VÀNG
Nhiều năm trước, tôi tham gia vào buổi hội thảo cùng với một chuyên gia nghiên cứu về lòng tự trọng và động lực cá nhân, Chérie Carter-Scott, tác giả cuốn If Life Is a Game, These Are the Rules. Khi bước vào phòng đào tạo trong buổi sáng đầu tiên, 24 người chúng tôi đã được đưa tới ngồi một trong những hàng ghế đối diện căn phòng. Trên mỗi chiếc ghế đều có một cuốn sổ gáy xoắn. Cuốn sổ đặt trên chiếc ghế của tôi có màu vàng. Tôi còn nhớ những suy nghĩ của mình khi đó: Mình ghét màu vàng. Ước gì cuốn sổ của mình màu xanh.
Và khi đó Chérie đã nói một câu làm thay đổi cả cuộc sống của tôi: “Nếu anh không thích màu của cuốn sổ đang có, hãy đổi cho ai đó lấy cuốn mình ưa thích. Anh xứng đáng có được mọi thứ theo cách mình mong muốn”.
Chà, quả là một tư tưởng cấp tiến! Trong gần 20 năm qua, tôi chưa từng làm điều gì dựa trên tư tưởng này cả. Tôi đã an phận, chấp nhận rằng mình không thể có được những gì mình mong muốn.
Thế là tôi quay sang người bên cạnh và nói: “Cô đổi cho tôi cuốn sổ màu vàng này lấy cuốn màu xanh của cô được không?”
Cô gái trả lời: “Được thôi. Tôi thích màu vàng hơn. Tôi thích vẻ tươi sáng của màu vàng. Hợp với tâm trạng của tôi”. Vậy là giờ đây tôi đã có cuốn sổ màu xanh. Đây không phải là một thành công vĩ đại trong một kế hoạch lớn song đó lại là sự khởi đầu của tôi trong việc xác định và phấn đấu đạt được những gì mình mong muốn, như khi còn nhỏ. Tôi đã luôn cho những ý thích của mình là nhỏ nhặt, không đáng để theo đuổi, tôi đã liên tiếp bỏ qua những mong muốn của bản thân. Song hôm đó là ngã rẽ của cuộc đời tôi - tôi bắt đầu cho phép bản thân được biết và hành động quyết liệt hơn cho những mong muốn, khao khát của mình.
HÃY LIỆT KÊ MỘT DANH SÁCH NHỮNG GÌ “TÔI MUỐN”
Một trong những cách đơn giản nhất để bắt tay vào việc xác định bạn thực sự muốn gì là liệt kê danh sách 30 việc bạn muốn làm, 30 thứ bạn muốn sở hữu và 30 điều bạn muốn đạt được trước khi từ giã cõi đời này. Đây là phương pháp tuyệt vời để lăn trái bóng đầu tiên.
Một phương pháp hữu hiệu khác để xác định những mong muốn của bản thân là nhờ một người bạn giúp đỡ lập một danh sách “Tôi muốn gì?”. Người bạn sẽ liên tục đặt câu hỏi: “Bạn muốn gì? Bạn muốn gì?” trong vòng 10 tới 15 phút và viết lại những câu trả lời của bạn. Bạn sẽ thấy rằng những mong ước đầu tiên bạn nêu lên khá viển vông. Thực tế, hầu hết mọi người đều nói: “Tôi muốn có một chiếc Mercedes. Tôi muốn có một căn nhà to bên bờ biển” vân vân và vân vân. Tuy nhiên, sau bài tập 15 phút này, những mong ước thực sự của bạn bắt đầu lên tiếng: “Tôi muốn được mọi người yêu mến. Tôi muốn được thể hiện bản thân. Tôi muốn làm nên sự khác biệt. Tôi muốn cảm thấy mạnh mẽ”… Đó chính là những mong ước thực sự nói lên giá trị cốt lõi của bạn.
LIỆU NHỮNG LO TOAN CƠM ÁO GẠO TIỀN CÓ THỂ NGĂN BƯỚC BẠN?
Vật cản con người ta đến với những khao khát đích thực của mình chính là bởi mọi người thường cho rằng mình không thể kiếm sống nhờ những việc họ yêu thích.
Bạn có thể nói rằng: “Tôi thích đi chơi và nói chuyện với mọi người”.
Ồ, Oprah Winfrey cũng kiếm sống bằng cách đi chơi và nói chuyện với mọi người. Bạn tôi, Diane Brause, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế cũng kiếm sống bằng cách đi chơi và nói chuyện với mọi người ở những địa điểm đẹp và thu hút khách trên thế giới.
Tiger Woods yêu thích chơi golf. Ellen DeGeneres muốn làm cho mọi người vui vẻ. Chị gái tôi thích thiết kế nữ trang và đi chơi với các bạn trẻ. Donald Trump yêu thích kinh doanh và xây dựng nhà cửa. Tôi thích đọc sách và chia sẻ những gì tôi học được với mọi người thông qua những cuốn sách, những bài nói chuyện và những buổi hội thảo. Bạn hoàn toàn có thể kiếm sống từ những công việc mình yêu thích.
Hãy liệt kê 20 việc bạn thích làm và sau đó suy nghĩ xem, có cách nào để kiếm sống dựa trên một vài công việc đó không. Nếu bạn yêu thể thao, bạn có thể chơi thể thao trở thành một nhà báo hay một nhiếp ảnh gia chuyên về thể thao, hoặc bạn có thể làm việc liên quan tới quản lý trong ngành thể thao như đại lý hay đại diện cho một câu lạc bộ chuyên nghiệp. Bạn cũng có thể làm huấn luyện viên, quản lý hay người tuyển dụng. Có trăm phương ngàn cách kiếm sống trong bất kì lĩnh vực nào bạn yêu thích.
Giờ đây bạn chỉ cần xác định xem mình thích làm gì còn trong các chương tiếp theo, tôi sẽ chỉ cho bạn cách thành công và phương pháp kiếm tiền từ những công việc mình ưa thích.
XÁC ĐỊNH RÕ Ý NIỆM VỀ CUỘC SỐNG LÝ TƯỞNG CỦA BẠN
Chủ đề của cuốn sách này là làm cách nào để đi từ xuất phát điểm của bạn tới vạch đích bạn mong muốn. Để đạt được mục tiêu này, bạn cần xác định hai điều - bạn đang xuất phát từ đâu và muốn đi tới đâu. Tầm nhìn là một bản miêu tả chi tiết về vạch đích mà bạn hướng tới. Nó nói lên mục tiêu của bạn sẽ như thế nào. Để có được một cuộc sống thành công và công bằng, tầm nhìn của bạn cần bao quát đủ bảy lĩnh vực sau: công việc/sự nghiệp, tài chính, giải trí/ thời gian rảnh rỗi, sức khỏe/ thể lực, các mối quan hệ, các mục tiêu cá nhân và đóng góp cho cộng đồng.
Trong giai đoạn này của cuộc hành trình, bạn chưa cần biết chính xác phải làm cách nào để đi đến vạch đích mong muốn. Vấn đề quan trọng chỉ nằm ở chỗ, bạn phải xác định được vạch đích đó ở đâu. Khi bạn đã xác định rõ câu hỏi “cái gì” thì câu trả lời “như thế nào” sẽ tự tới.
HỆ THỐNG ĐỊNH VỊ TOÀN CẦU BÊN TRONG CON NGƯỜI BẠN
Quy trình đi từ điểm xuất phát hiện tại đến vạch đích mong muốn của bạn cũng giống như sử dụng hệ thống định vị với công nghệ GPS (Global Positional System) trong một chiếc xe hơi đời mới. Để hệ thống có thể hoạt động, nó cần xác định được bạn đang ở đâu và muốn đi tới đâu. Hệ thống định vị xác định bạn đang ở đâu bằng cách sử dụng một máy vi tính gắn bên trong. Chiếc máy vi tính này nhận tín hiệu từ ba vệ tinh, từ đó, nó xác định vị trí chính xác của bạn. Khi bạn nhập địa điểm cần đến, hệ thống định vị sẽ vạch ra con đường tốt nhất cho bạn. Bạn chỉ cần làm theo chỉ dẫn.
Thành công trong cuộc sống cũng vận hành theo cách tương tự. Tất cả những gì bạn cần làm là xác định xem mình muốn đi tới đâu; xem xét đích đến thông qua việc xác lập mục tiêu, tham khảo ý kiến và quan sát trực tiếp và bắt đầu di chuyển theo đúng hướng. Hệ thống GPS bên trong sẽ giúp bạn tìm ra những con đường khi bạn tiếp tục tiến lên. Hay nói cách khác, một khi bạn đã xác định rõ và tập trung vào tầm nhìn của mình (và tôi sẽ chỉ ra cho bạn rất nhiều cách để thực hiện việc này), những bước đi tiếp theo sẽ tự hiện ra trên con đường của bạn. Một khi đã xác định rõ bản thân mong muốn gì và biết cách giữ cho mình tập trung vào những mục tiêu đó, bạn sẽ tìm ra phương pháp thực hiện - đôi khi đúng vào thời điểm bạn cần tới.
NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG CÀNG LỚN THÌ TẦM NHÌN CÀNG XA
Mối nguy hiểm nhất đối với hầu hết chúng ta không phải là đặt ra những mục tiêu quá cao, không thể thực hiện nổi mà chính là đặt ra những mục tiêu quá thấp và đạt được chúng.
MICHELANGELO
Tôi khuyến khích các bạn không nên giới hạn tầm nhìn của mình dưới bất kì hình thức nào. Hãy để tầm nhìn càng lớn càng tốt. Khi tôi phỏng vấn Dave Liniger, Tổng giám đốc của RE/MAX, tập đoàn bất động sản lớn nhất Hoa Kỳ, ông nói với tôi: “Hãy luôn luôn mơ ước thật lớn lao. Những ước mơ lớn sẽ thu hút sự chú ý của những người vĩ đại”. Gần đây, Tướng Wesley Clark cũng tâm sự: “Ôm ấp những giấc mộng lớn hay những ước mơ nhỏ nhoi cũng chỉ tốn công sức như nhau mà thôi”. Theo kinh nghiệm của tôi, một trong những điểm khác biệt hiếm hoi giữa những người thành đạt và phần còn lại của thế giới là những người thành đạt biết mơ ước lớn lao hơn. John F. Kennedy từng mơ ước đưa người lên mặt trăng. Martin Luther King từng mơ ước về một đất nước không có định kiến, không có bất công. Bill Gates từng mơ về một thế giới, nơi nhà nhà đều có một chiếc máy tính nối mạng. Buckminster Fuller từng mơ ước về một thế giới, nơi người người đều được sử dụng điện.
Những con người thành đạt này nhìn thế giới từ những góc độ rất khác nhau - thế giới là nơi những điều kì diệu có thể xảy ra, nơi hàng tỉ cuộc sống được cải thiện, nơi công nghệ mới có thể thay đổi cuộc sống của con người và nơi những nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể được tận dụng để đem lại lợi ích chung lớn nhất. Họ tin tưởng mọi việc đều có thể xảy ra và họ chính là một phần giúp tạo nên những điều kì diệu đó.
Khi lần đầu tiên Mark Victor Hansen và tôi xuất bản cuốn Chicken Soup for the Soul, “Tầm nhìn năm 2020” của chúng tôi cũng là một tầm nhìn lớn - bán được một triệu bản và trích 500 triệu đô la từ lợi nhuận cho các quỹ từ thiện. Chúng tôi đã và đang hiểu rõ mình muốn đạt tới điều gì.
Nếu bạn chỉ giới hạn ước mơ của mình trong những việc khả thi hay hợp lý, bạn đã tự rời xa mong ước thực sự của mình và tất cả những gì còn lại với bạn chỉ là sự thỏa hiệp.
ROBERT FRITZ
Tác giả cuốnThe Path of Least Resistance
ĐỪNG ĐỂ BẤT KỲ AI NGĂN CẢN BẠN THEO ĐUỔI ƯỚC MƠ CỦA MÌNH
Chắc chắn sẽ có những người cố gắng thuyết phục bạn ngừng theo đuổi ước mơ. Họ sẽ nói với bạn rằng bạn, thật điên rồ và những ước mơ đó không thể trở thành hiện thực. Hẳn sẽ có những kẻ cười vào mũi bạn và cố gắng kéo bạn xuống ngang tầm với bọn họ. Bạn tôi Monty Roberts, tác giả cuốn The Man Who Listens to Horses, gọi những người này là những kẻ đánh cắp ước mơ. Đừng nghe lời chúng.
Hồi Monty đang học trung học, thầy giáo giao cho lớp viết một bài luận về những việc mình mong muốn thực hiện khi trưởng thành. Monty đã viết rằng anh muốn sở hữu một nông trại riêng, rộng 80 hecta và nuôi ngựa đua dòng Thoroughbred. Thầy giáo cho anh điểm F và nói điểm số này phản ánh ước mơ của anh thật viển vông. Chẳng một cậu bé nào sống trong lều trên một chiếc xe bán tải lại có thể kiếm đủ tiền để mua một nông trại, mua hạt giống và trả lương cho các công nhân nông trại. Khi thầy cho Monty cơ hội viết lại bài luận để kiếm điểm cao hơn, Monty nói: “Thầy cứ giữ điểm F còn em sẽ giữ ước mơ của mình.”
Giờ đây, Monty đã có một trang trại rộng 62 hecta mang tên Flag Is Up Farms tại Solvang, bang California và trang trại nuôi ngựa đua dòng Thoroughbred đồng thời huấn luyện hàng trăm vận động viên đua ngựa1.
1 Để biết thêm về Monty và công việc của anh, các bạn hãy truy cập vào trang web www.montyroberts.com hay đọc một trong số những cuốn sách của anh: The Man Who Listens to Horses, Shy Boy, Horse Sense for People và From My Hands to Yours.
BÀI TẬP XÁC ĐỊNH TẦM NHÌN
Hãy xây dựng tương lai từ tương lai chứ không phải từ quá khứ của bạn.
WERNER ERHARD
Người sáng lập Chương trình đào tạo EST và Diễn đàn Landmark
Bài tập sau đây được thiết kế nhằm giúp các bạn xác định rõ tầm nhìn của mình. Mặc dù bạn có thể thực hiện bài tập tư duy này bằng cách nghĩ câu trả lời và viết lại song tôi khuyến khích bạn nên đi sâu hơn thế. Nếu bạn đi sâu hơn, bạn sẽ có được những câu trả lời sâu sắc hơn, hữu ích cho bạn nhiều hơn.
Hãy bắt đầu bằng cách bật một vài đoạn nhạc thư giãn và ngồi im lặng tại một nơi thoải mái, nơi bạn không bị làm phiền. Sau đó, nhắm mắt lại và hãy hỏi phần não vô thức của mình những ý niệm về cuộc sống lí tưởng của bạn. Các câu hỏi sẽ bao quát những lĩnh vực sau:
1. Trước hết, hãy tập trung vào lĩnh vực tài chính. Thu nhập hàng năm của bạn là bao nhiêu? Dòng tiền của bạn như thế nào? Lượng tiền tiết kiệm và đầu tư của bạn là bao nhiêu? Tổng thu nhập ròng của bạn là bao nhiêu?
Sau đó, căn nhà của bạn trông như thế nào? Nhà của bạn ở đâu? Cảnh quan xung quanh có đẹp không? Có vườn tược không? Có bể bơi hay chuồng ngựa không? Tường nhà sơn màu gì? Đồ đạc trong nhà trông thế nào? Có treo tranh trong nhà không? Nếu có thì những bức tranh đó trông như thế nào? Bạn hãy đi một vòng quanh ngôi nhà lí tưởng của mình và trả lời tất cả những câu hỏi trên.
Lúc này, đừng lo lắng về việc bạn làm cách nào để có được một ngôi nhà như thế. Đừng tự cản bước mình bằng những câu nói như: “Tôi không thể sống ở Malibu bởi vì tôi không kiếm đủ tiền”. Một khi con mắt của tâm trí đã nhìn tới được bức tranh thì bộ não của bạn sẽ biết cách vượt qua thử thách về tiền bạc.
Sau đó, hãy hình dung ra chiếc xe bạn đang lái và bất kì tài sản quan trọng nào khác.
2. Bước tiếp theo, hãy mường tượng công việc hay nghề nghiệp lí tưởng của bạn. Bạn đang làm ở đâu? Bạn đang làm gì? Đồng nghiệp của bạn là những ai? Đối tượng khách hàng của bạn như thế nào? Lương bổng ra sao? Đó có phải công ty riêng của bạn không?
3. Sau đó, hãy tập trung suy nghĩ về thời gian rảnh rỗi, vui chơi giải trí của mình. Bạn đang làm gì cùng với gia đình và bạn bè trong thời gian rảnh rỗi? Bạn có thú vui gì không? Những kỳ nghỉ của bạn ra sao? Bạn làm gì để tiêu khiển?
4. Tiếp đến, bạn hình dung thế nào về sức khỏe và thể lực của mình? Bạn có mắc bệnh tật gì không? Bạn sống tới năm bao nhiêu tuổi? Bạn có cởi mở, thư giãn và luôn giữ được trạng thái vui vẻ suốt cả ngày không? Bạn có cảm thấy tràn đầy sức sống? Bạn có năng động và mạnh mẽ không? Bạn có tập thể dục, ăn những đồ ăn có lợi cho sức khỏe và uống nhiều nước không?
5. Bây giờ, hãy suy nghĩ về những mối quan hệ của bạn với gia đình và bạn bè. Quan hệ của bạn với gia đình thế nào? Bạn bè của bạn là những ai? Mối quan hệ bạn bè của bạn có tốt không? Những mối quan hệ đó như thế nào, có yêu thương, hỗ trợ và tin tưởng nhau không? Bạn thường làm gì cùng bạn bè mình?
6. Vậy cuộc sống riêng của bạn ra sao? Bạn có hình dung ra mình đang quay lại trường, tham gia thêm các khóa đào tạo, tới dự những buổi hội thảo, tìm kiếm phương pháp trị liệu cho căn bệnh cũ hay đang trưởng thành hơn về mặt tinh thần? Bạn có dự định quay lại đi lễ nhà thờ không? Bạn có muốn học chơi một nhạc cụ nào đó hay viết tiểu sử đời mình không? Bạn có muốn tham gia chạy marathon hay theo học một khóa hội họa không? Bạn có muốn đi du lịch nước ngoài không?
7. Cuối cùng, hãy nghĩ về cộng đồng mà bạn đang sống, cộng đồng bạn đã chọn. Cộng đồng ấy như thế nào khi hoạt động một cách hoàn hảo? Những hoạt động cộng đồng nào diễn ra ở đó? Bạn có tham gia công việc từ thiện nào không? Bạn làm gì để giúp đỡ mọi người và tạo nên sự khác biệt? Bạn có thường xuyên tham gia vào những hoạt động như trên không? Bạn đang giúp đỡ những ai?
Trong quá trình suy tưởng, bạn có thể viết lại những câu trả lời của mình hoặc làm toàn bộ bài tập này trước, sau đó mở mắt ra và viết lại. Dù bạn làm theo cách nào, hãy nhớ viết lại mọi thứ sau khi hoàn thành bài tập.
Hàng ngày, hãy xem lại những câu trả lời đó. Như vậy, cả phần não vô thức và ý thức của bạn sẽ đều tập trung vào tầm nhìn bạn đã vạch ra và khi bạn ứng dụng những nguyên tắc công cụ khác trong cuốn sách này, bạn sẽ bắt đầu triển khai tất cả những khía cạnh khác nhau của tầm nhìn đó.
HÃY CHIA SẺ TẦM NHÌN CỦA MÌNH ĐỂ TẠO HIỆU QUẢ TỐI ĐA
Sau khi đã viết lại tầm nhìn của mình, hãy chia sẻ với một người bạn thân, người bạn tin tưởng sẽ ủng hộ mình. Bạn có thể lo sợ người bạn này sẽ cho rằng tầm nhìn của bạn quá viển vông, không thể thực hiện được, quá lí tưởng hay quá thiên về vật chất. Hầu hết mọi người đều có suy nghĩ tương tự khi họ có ý định chia sẻ tầm nhìn của mình với người khác. Song sự thật là, hầu hết mọi người, từ trong sâu thẳm trái tim, đều có chung mong ước với bạn. Mọi người đều muốn sống dư dả, có một căn nhà tiện nghi, một công việc có ý nghĩa, hợp sở thích. Mọi người đều muốn sống khỏe mạnh, muốn có thời gian làm những công việc yêu thích, muốn có mối quan hệ tốt đẹp với gia đình bạn bè và muốn có cơ hội để làm nên điều khác biệt trên đời. Tuy nhiên, có quá ít người dám thừa nhận những mong muốn đó.
Bạn sẽ thấy rằng, khi chia sẻ tầm nhìn, một số người sẽ muốn giúp bạn biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Những người khác sẽ giới thiệu bạn với bạn bè hay chỉ cho bạn những nguồn lực có thể giúp đỡ bạn. Bạn cũng sẽ hiểu ra rằng, mỗi khi chia sẻ tầm nhìn của mình, tầm nhìn đó lại trở nên rõ ràng, thực tế và khả thi hơn. Quan trọng nhất, mỗi khi chia sẻ tầm nhìn, bạn lại củng cố vững chắc hơn niềm tin vô thức của riêng mình rằng bạn có thể đạt tới đó.