Những thông tin phản hồi giống như bữa điểm tâm của những nhà vô địch.
KEN BLANCHARD VÀ PRENCER JOHNSON
Đồng tác giả cuốn sách Vị giám đốc một phút
Mỗi lần bắt tay vào công việc, bạn sẽ nhận được ý kiến phản hồi xem liệu những gì bạn đang làm có đúng hay không. Bạn sẽ nhận được dữ liệu, lời khuyên, các đề xuất, giúp đỡ, định hướng, hay thậm chí cả những lời phê bình. Tất cả những thông tin sẽ luôn giúp bạn sửa đổi và tiếp tục tiến lên, đồng thời không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng cũng như các mối quan hệ. Tuy nhiên, tìm kiếm các ý kiến phản hồi luôn là vế đầu tiên của phương trình. Mỗi lần nhận được một thông tin phản hồi, bạn phải sẵn sàng đáp lại nó.
HAI HÌNH THỨC THÔNG TIN PHẢN HỒI
Có hai loại thông tin phản hồi bạn hay gặp là thông tin tích cực và thông tin tiêu cực. Chúng ta thường thích những thông tin tích cực hơn. Đó có thể là những kết quả tốt, tiền bạc, được tăng lương, thăng chức, sự hài lòng của khách hàng, các giải thưởng, hạnh phúc, yên ổn nội bộ, sự thân thiết, hay niềm vui. Ta cảm thấy chúng tốt hơn. Chúng thông báo rằng ta đang đi đúng hướng.
Chúng ta có xu hướng không thích những phản hồi tiêu cực như không thu được kết quả tốt, không được tiền hay chỉ thu được một ít, bị phê bình, đánh giá thấp, không được tăng lương hay thăng chức, những lời phàn nàn, bất hạnh, xung đột nội bộ, nỗi cô đơn, hay đau khổ. Tuy nhiên, có rất nhiều điều hữu ích được rút ra khi bạn nhận được những phản hồi loại này. Chúng cho biết rằng bạn đang đi nhầm hướng, những điều bạn làm chưa đúng. Vì vậy chúng cũng là những thông tin có ích.
Thực tế, việc bạn thay đổi cách cảm nhận đối với thông tin phản hồi tiêu cực rất có giá trị. Tôi luôn coi thông tin phản hồi tiêu cực như là “cơ hội để hoàn thiện”. Thế giới đang chỉ cho tôi ở đâu và bằng cách nào tôi có thể cải thiện những việc mình đang làm. Đó chính là điều giúp tôi trở nên tốt hơn. Đó là điều giúp tôi thay đổi hành vi của mình để tiến gần hơn tới những gì mình muốn - có thu nhập cao hơn, doanh thu tăng, được thăng chức, có các mối quan hệ tốt hơn, đạt điểm cao hơn, hay giành chiến thắng trong các cuộc thi đấu thể thao.
Nếu muốn sớm đạt tới thành công, bạn cần phải đón nhận, chào mừng và nắm chắc tất cả các thông tin phản hồi đến với bạn.
ĐÚNG HƯỚNG, CHỆCH HƯỚNG, ĐÚNG HƯỚNG, CHỆCH HƯỚNG
Có rất nhiều cách để đáp lại những thông tin phản hồi. Một số cách trong đó sẽ đưa bạn đến gần mục tiêu của mình hơn, song cũng có những cách sẽ làm bạn kẹt lại, hay thậm chí rời xa hơn đích đến cuối cùng của mình.
Khi tôi hướng dẫn một lớp học về nguyên tắc thành công, tôi đã minh họa điều này bằng cách chọn một người tình nguyện trong số khán giả đứng ra một góc xa của căn phòng. Anh ta sẽ là đích đến của tôi. Nhiệm vụ của tôi là đi ngang căn phòng và đến được chỗ anh ta đứng. Nếu tôi đến đúng chỗ anh ta, tôi sẽ thành công.
Tôi đề nghị anh ta hành động như một chiếc máy phát tín hiệu phản hồi tự động. Mỗi khi tôi bước một bước, anh ta sẽ nói “đúng hướng rồi” nếu tôi đi thẳng về phía anh ta, và nói “chệch hướng rồi” nếu tôi hướng tới những nơi khác trong căn phòng.
Tiếp đó, tôi bắt đầu từ từ bước về phía khán giả tình nguyện đó. Mỗi lần tôi bước một bước đúng về phía anh ta, anh ta nói: “Đúng hướng rồi”, còn mỗi lần tôi đi lệch, anh ta lại nói: “Sai hướng rồi”. Ngay lập tức, tôi sẽ chỉnh lại hướng đi của mình. Mỗi lần bước sai, tôi chỉnh lại nhờ thông tin phản hồi “Chệch hướng rồi”. Sau khi tạo ra vô số đường ZicZac, cuối cùng, tôi cũng đến được đích… và ôm cảm ơn người tình nguyện đó.
Tôi hỏi khán giả xem người tình nguyện đó đã nói “đúng hướng rồi” hay “chệch hướng rồi” nhiều hơn. Câu trả lời là “chệch hướng”. Điều này thực sự rất thú vị. Tôi đã đi sai đường nhiều hơn là đúng nhưng vẫn đến được đích… Đó bởi vì tôi đã luôn hành động và liên tục điều chỉnh lại đường đi nhờ thông tin phản hồi. Cuộc sống cũng như vậy. Tất cả những gì chúng ta phải làm là hãy bắt đầu hành động và phản ứng lại với các thông tin phản hồi. Nếu đủ cần mẫn và kiên trì, cuối cùng chúng ta cũng sẽ đạt được mục tiêu và biến ước mơ của mình thành hiện thực.
NHỮNG CÁCH PHẢN ỨNG LẠI THÔNG TIN PHẢN HỒI KHÔNG HIỆU QUẢ
Mặc dù có rất nhiều cách để bạn đáp lại các thông tin phản hồi nhưng một số cách sau dường như không hiệu quả:
1. Bị khuất phục và từ bỏ: Giống như ví dụ trong buổi hội thảo tôi đã nêu ở trên. Tôi thực hiện lại quá trình tiến đến chỗ người tình nguyện. Nhưng lần này, tôi sẽ đi lệch hướng và sau khi người tình nguyện đó nói đi, nói lại rằng: “Chệch hướng rồi”, tôi chán nản và khóc: “Tôi không thể tiến thêm được nữa. Cuộc sống thật khó khăn. Tôi không thể nhận thêm nữa những lời chỉ trích. Tôi bỏ cuộc thôi!”
Đã có bao nhiêu lần bạn hay ai đó bạn biết nhận được những thông tin phản hồi không tốt và chịu khuất phục? Những phản ứng như vậy chỉ kéo bạn giậm chân tại chỗ mà thôi.
Nếu bạn luôn nhớ rằng phản hồi tiêu cực chỉ đơn thuần là một hình thức thông tin, bạn sẽ không bị khuất phục. Hãy xem những thông tin đó như là một công cụ dẫn đường thay vì một lời chỉ trích. Bạn hãy suy ngẫm về hệ thống điều khiển tự động trên máy bay. Hệ thống này luôn báo cho máy bay biết nó đang bay cao quá, thấp quá, quá lệch sang bên trái, hay quá xa về phía bên phải. Chiếc máy bay sẽ dựa vào những thông tin đó để chỉnh lại hành trình. Đừng suy sụp khi liên tiếp nhận được những thông tin phản hồi tiêu cực. Đừng cảm thấy mình đang bị lên án. Hãy xem những thông tin đó như những điều hữu ích giúp bạn điều chỉnh lại hướng đi để đến được đích nhanh hơn.
2. Cáu giận với những người truyền đạt thông tin phản hồi tiêu cực: Một lần nữa, tôi lại tiến về phía cuối căn phòng và cố tình đi lệch hướng để người tình nguyện đó liên tiếp nói: “Chệch hướng rồi”. Lần này, tôi chống một tay vào hông rồi la lớn: “Khỉ thật! Tất cả những gì anh có thể làm là chỉ trích tôi hay sao! Anh tồi thật! Chẳng lẽ anh không thể nói một điều gì đó tốt đẹp hơn sao?”
Hãy thử nghĩ xem. Đã bao nhiêu lần bạn tức tối hay tỏ ra thù hằn với người mang lại những thông tin phản hồi thực sự hữu ích cho bạn? Khi làm như vậy, một mặt bạn đánh mất mối quan hệ tốt đẹp, mặt khác, bạn chẳng bao giờ nhận được những thông tin hữu ích nữa.
3. Lờ đi những thông tin phản hồi: Trong lần minh họa thứ ba này, tôi sẽ lấy ngón tay bịt chặt hai tai lại và cứ đi lệch hướng. Người tình nguyện có thể nói liên tục “Chệch hướng rồi, chệch hướng rồi” nhưng tôi không nghe thấy gì vì hai tai đã bịt kín.
Không nghe theo hay lờ đi những thông tin phản hồi là một cách đối phó không hiệu quả khác. Chúng ta đều biết rằng mọi người chỉ quan tâm tới quan điểm của mình. Họ thường không thích những gì người khác nghĩ. Họ không muốn nghe những người khác nói. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là thông tin phản hồi lại có thể thay đổi cả cuộc đời chúng ta, nhưng chỉ khi nào chúng ta biết cách lắng nghe mà thôi.
Như vậy, khi một ai đó phản hồi lại cho bạn, có ba cách bạn đáp lại chúng song không hề hiệu quả: (1) Khóc, mất bình tĩnh, chịu khuất phục và từ bỏ; (2) Nổi cáu với những phản hồi đó; (3) Không nghe hay cố tình lờ chúng đi.
Khóc và mất bình tĩnh thực sự vô ích. Hành động đó chỉ làm dịu đi những cảm xúc tạm thời trong bạn, nhưng lại có thể đẩy bạn ra ngoài cuộc chơi. Nó sẽ chẳng đưa bạn tới đâu cả. Nó đơn giản chỉ làm tê cứng bạn. Vì vậy, nó không nằm trong chiến lược hướng tới thành công. Chịu khuất phục và từ bỏ cũng như vậy. Nó khiến bạn cảm thấy an toàn hơn và không phải nhận thêm phản hồi tiêu cực nào nữa. Nhưng nó cũng chẳng mang đến cho bạn điều gì tốt đẹp cả. Bởi trong cuộc sống, bạn không thể giành chiến thắng nếu bạn không chịu tham gia vào cuộc chơi.
Tức giận với những người phê bình bạn cũng chẳng lợi lộc gì. Điều đó chỉ khiến những người đó bực tức lại với bạn và bỏ đi. Hành động như vậy có gì tốt đẹp? Nó có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn trong thời gian ngắn, nhưng chẳng giúp bạn đạt được thành công.
Vào ngày hội thảo thứ ba, khi mọi người đã biết nhau nhiều hơn, tôi yêu cầu cả nhóm (khoảng 40 người) đứng lên và đi xung quanh, hỏi được càng nhiều người càng tốt câu hỏi: “Anh thấy tôi có những mặt hạn chế nào?” Sau 30 phút, mọi người trở lại ghế ngồi và ghi lại những câu trả lời. Bạn sẽ nghĩ rằng thật khó để có thể nghe những lời phê bình trong suốt 30 phút. Nhưng đó lại là những phản hồi rất hữu ích giúp mọi người loại bỏ hạn chế của mình và thay thế chúng bằng những yếu tố tốt hơn để đạt tới thành công. Sau đó, mọi người sẽ đặt ra các kế hoạch hành động để loại bỏ được những điểm hạn chế của mình.
Hãy nhớ rằng, ý kiến phản hồi đơn giản chỉ là thông tin. Chúng không hề mang ý xúc phạm bạn. Hãy chào đón và sử dụng chúng. Cách trả lời thông minh và hữu ích nhất cho các thông tin phản hồi là: “Cảm ơn những ý kiến của anh. Cảm ơn anh đã dành thời gian để nói cho tôi những ý kiến của mình. Tôi đánh giá cao điều đó.”
TÌM KIẾM NHỮNG Ý KIẾN PHẢN HỒI
Hầu hết mọi người đều không nhận xét về bạn một cách tự nguyện. Họ cũng chẳng thoải mái gì khi làm việc đó. Họ không muốn làm tổn thương bạn. Họ sợ bạn sẽ phản ứng lại. Họ sợ rằng bạn sẽ không tán thành với họ. Vì thế, để có được một ý kiến thành thật, cởi mở, bạn cần phải có yêu cầu… và không được phản ứng thái quá với người đưa ra ý kiến đó. Nói cách khác, bạn không được “chém sứ giả”.
Một câu hỏi khá tốt để hỏi bạn bè, gia đình và đồng nghiệp là: “Mọi người thấy tôi còn có điểm gì hạn chế?” Có thể bạn sẽ thấy câu trả lời chẳng dễ nghe chút nào. Nhưng hầu hết những người đang mong chờ thông tin hữu ích sẽ rất biết ơn những người cho họ câu trả lời. Với những ý kiến này, họ có thể lập ra được những kế hoạch để loại bỏ dần hạn chế của mình và thay vào đó những việc làm hữu ích và hiệu quả hơn.
NHỮNG CÂU HỎI GIÁ TRỊ BẠN NÊN BIẾT
Vào những năm 1980, một doanh nhân triệu phú đã dạy tôi một câu hỏi thực sự làm thay đổi cả cuộc đời. Nếu điều duy nhất bạn có thể học được từ cuốn sách này là biết cách sử dụng hiệu quả câu hỏi đó trong cuộc sống và công việc thì cũng rất đáng với khoản tiền bạc cũng như thời gian bạn dùng để mua và đọc sách. Vậy thì câu hỏi kì diệu đó là gì mà có thể cải thiện được các mối quan hệ của bạn, nâng cao chất lượng các sản phẩm hay dịch vụ bạn cung cấp, tăng tính hiệu quả các buổi hội họp bạn tổ chức cũng như các lớp học bạn tham gia giảng dạy hay giúp bạn đạt tới thành công trong các lĩnh vực kinh doanh bạn chọn? Câu hỏi đó là:
Với thang điểm từ 1 đến 10, bạn chấm cho các mối quan hệ (dịch vụ/sản phẩm) của mình trong tuần (hai tuần/tháng/quý/học kỳ/ mùa) vừa rồi mấy điểm?
Dưới đây là một số câu hỏi tương tự mà tôi thường dùng trong những năm qua:
Với thang điểm từ 1 tới 10, anh cho buổi họp vừa rồi bao nhiêu điểm? Anh chấm mấy điểm cho khả năng quản lý của tôi? Khả năng nuôi dạy con của tôi? Kỹ năng giảng dạy của tôi? Lớp học này? Bữa ăn này? Món ăn tôi nấu? Cách giải quyết này? Cuốn sách này?
Nếu bạn không nhận được 10 điểm, hãy hỏi tiếp câu sau:
Vậy làm cách nào để tôi có thể nhận được 10 điểm?
Các câu trả lời sẽ mang đến những thông tin rất giá trị. Biết được rằng ai đó chưa hài lòng về bạn vẫn chưa đủ. Biết cách làm họ hài lòng mới giúp bạn có được những thông tin cần thiết để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và các mối quan hệ hoàn hảo.
Hãy làm quen với hai câu hỏi trên để kết thúc tốt mọi kế hoạch, các cuộc hội họp, các lớp học, các khóa đào tạo và các cuộc hội thảo.
HÃY HỎI HAI CÂU HỎI ĐÓ ĐỀU ĐẶN MỖI TUẦN
Tôi luôn hỏi vợ mình hai câu hỏi đó vào mỗi tối Chủ nhật:
“Em cho anh mấy điểm trong tuần vừa qua?”
“Tám.”
“Vậy làm sao để anh được 10 điểm?”
“Hãy đánh thức bọn trẻ dậy đúng giờ mà em không phải nhắc. Về nhà đúng giờ trước bữa tối, còn nếu về muộn thì phải gọi điện báo với em trước. Em ghét phải ngồi chờ đợi và nghĩ ngợi. Hãy để em kể hết câu chuyện của mình mà đừng ngắt giữa chừng để tranh nói tiếp chỉ vì anh nghĩ rằng anh kể thì hay hơn. Để quần áo bẩn của anh vào cùng với đống quần áo sắp đem giặt chứ đừng vứt xuống sàn nhà tắm.”
Tôi cũng hay hỏi các trợ lý mình những câu hỏi đấy vào chiều thứ Sáu hàng tuần. Và dưới đây là một câu trả lời tôi nhận được từ Deborah khi cô mới vào làm việc:
“Sáu.”
“Ồ! Vậy làm thế nào thì tôi mới được 10?”
“Chúng ta đã định tổ chức một cuộc họp trong tuần này để xem qua báo cáo hàng quý của tôi, nhưng lại bị gác lại vì một vài việc khác. Điều này khiến tôi cảm thấy mình không quan trọng, rằng ông không chú ý tới tôi như với những người khác xung quanh. Tôi cần phải nói với ông rất nhiều điều, và tôi thực sự thấy không được coi trọng. Một điều khác nữa là tôi thấy mình dường như không hữu ích với ông. Tôi chẳng nhận được nhiệm vụ gì ngoài những việc hết sức đơn giản. Tôi muốn ông tin tưởng tôi và giao những việc quan trọng hơn cho tôi. Tôi muốn có thêm thử thách. Công việc này đang ngày càng buồn chán và không còn hấp dẫn tôi nữa. Tôi muốn nhận được thử thách nhưng chắc ở đây sẽ chẳng có.”
Câu trả lời thật chẳng dễ nghe, nhưng lại rất thực lòng và đem lại hai kết quả tốt. Nó khiến tôi giao cho cô ấy nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn, qua đó tôi đỡ vất vả và có được nhiều thời gian rảnh hơn. Đồng thời, tôi có được thêm một trợ lý tốt hơn để giúp tôi cũng như công ty phát triển.
HÃY SẴN SÀNG HỎI XIN Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ
Hầu hết mọi người không muốn hỏi để có được những thông tin phản hồi không tốt về mình vì họ sợ phải nghe những điều đó. Nhưng thực ra chẳng có gì phải sợ cả. Sự thật vẫn luôn là sự thật. Sẽ tốt hơn khi bạn biết được nó. Mỗi lần bạn tìm ra những điểm yếu của mình, bạn sẽ biết cách để đối phó với nó. Bạn không thể sửa được một cỗ máy mà không biết nó bị hỏng ở đâu. Cũng như vậy, nếu không có những thông tin phản hồi, bạn sẽ không thể làm cho cuộc sống, các mối quan hệ, hay công việc của bạn tốt hơn.
Nhưng điều tồi tệ nhất mà bạn nhận được nếu không chịu tìm kiếm những ý kiến phản hồi là gì? Đó chính là việc bạn sẽ trở thành người duy nhất không được biết các bí mật. Những người khác thường nói với vợ chồng, bạn bè, cha mẹ, đối tác kinh doanh, hay các khách hàng tiềm năng của họ những điều họ không hài lòng. Như chúng ta đã nói đến ở nguyên tắc 1 (“Chịu trách nhiệm 100% cuộc sống của chính bạn”), hầu hết mọi người thích than phiền về những khó khăn hơn là tìm ra những giải pháp mang tính xây dựng. Vấn đề duy nhất ở đây là họ đã phàn nàn với nhầm người. Lẽ ra, họ nên nói trực tiếp với bạn, nhưng họ lại sợ bạn sẽ phản ứng lại. Chính vì lẽ đó, bạn đã bị lấy đi những gì cần thiết để cải thiện các mối quan hệ, sản phẩm và dịch vụ, việc giảng dạy hay nuôi dạy con cái của mình. Có hai điều bạn cần làm để khắc phục điều này.
Đầu tiên, bạn phải chăm chú và tích cực tìm hiểu các thông tin phản hồi. Hãy hỏi những người xung quanh bạn: đối tác, bạn bè, đồng nghiệp, sếp, nhân viên, khách hàng, bố mẹ, thầy cô, học sinh hay huấn luyện viên của bạn. Hãy hỏi một cách thường xuyên và hỏi những câu hỏi mà thông tin từ người trả lời có thể giúp bạn sửa đổi. “Chúng tôi phải làm gì để việc này trở nên tốt hơn? Phải làm thế nào thì bạn mới hài lòng?”
Thứ hai, bạn phải biết ơn những thông tin phản hồi. Đừng phản ứng lại với những người truyền đạt các thông tin đó. Hãy nói: “Cảm ơn anh đã quan tâm và chia sẻ với tôi!” Nếu bạn thực sự biết ơn những người mang thông tin phản hồi đến với bạn, tiếng tăm về việc này sẽ giúp bạn nhận được nhiều hơn nữa những ý kiến cởi mở, thành thật. Hãy nhớ, thông tin phản hồi là món quà giúp bạn trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy biết ơn chúng.
Đừng e ngại và hỏi, hỏi nữa! Sau đó hãy kiểm tra lại chính mình xem điều gì đúng với bạn và hành động. Hãy làm những việc cần thiết để cải thiện tình hình - kể cả thay đổi cách hành động của bạn.
Mấy năm trước, công ty tôi đã không tiếp tục sử dụng dịch vụ của một công ty in bởi chúng tôi nhận được lời đề nghị khác hấp dẫn hơn về giá cả cũng như chất lượng. Khoảng bốn tháng sau, giám đốc công ty in kia gọi lại cho cho tôi nói: “Tôi vừa được biết rằng các anh không sử dụng dịch vụ của công ty chúng tôi nữa. Điều gì có thể khiến các anh quay lại hợp tác với chúng tôi?”
Tôi trả lời: “Giá thấp hơn, nhận và giao hàng đúng hẹn. Nếu các anh có thể đáp ứng được ba điều kiện đó, chúng tôi sẽ thử sử dụng dịch vụ của các anh một lần nữa.” Cuối cùng, chúng tôi quay lại thuê công ty đó vì họ cung cấp dịch vụ có giá thấp hơn, nhận, hoàn thành, giao sản phẩm rất đúng hẹn và chất lượng còn tốt hơn cả mong đợi. Chỉ nhờ câu hỏi: “điều gì khiến anh…”, công ty in đó đã tìm được thông tin cần thiết để có thể tiếp tục hợp tác thành công với chúng tôi.
CÔ ẤY ĐÃ HỎI VÀ TÌM RA ĐƯỜNG TỚI THÀNH CÔNG CHỈ TRONG VÒNG BA THÁNG NGẮN NGỦI
Một trong những cuốn sách giảm cân bán chạy nhất là cuốn Thin thighs in 30 days. Một điều thú vị là cuốn sách này được viết hoàn toàn nhờ việc lắng nghe các thông tin phản hồi. Tác giả cuốn sách Wendy Stehling làm việc cho một công ty quảng cáo. Tuy nhiên, chị lại không thích công việc ở đó. Chị muốn mở một công ty quảng cáo riêng nhưng lại không có đủ tiền. Chị cần 100.000 đô la. Chị bắt đầu hỏi: “Cách nhanh nhất để kiếm được 100.000 đô la là gì?”
Viết một cuốn sách - một ý kiến phản hồi.
Chị thấy rằng nếu mình viết một cuốn sách và có thể bán được 100.000 bản trong vòng 90 ngày và thu về mỗi cuốn một đô la - chị sẽ kiếm đủ 100.000 đô la. Nhưng loại sách nào mà tới 100.000 người cần đến? “Những cuốn sách nào bán chạy nhất Mỹ nhỉ?”, chị hỏi.
Thông tin phản hồi: Sách giảm cân.
“Đúng vậy, nhưng làm sao tôi có thể giống như những chuyên gia về lĩnh vực này được?”
Hỏi những người phụ nữ khác - thông tin phản hồi chị nhận được.
Chị liền đi ra chợ và hỏi: “Nếu chị chỉ có thể giảm cân ở trên một bộ phận của cơ thể, chị thích mình gầy đi ở chỗ nào?” Hầu hết câu trả lời là hai chân.
“Chị muốn khi nào thì nó giảm đi?”
Khoảng từ tháng Tư hoặc tháng Năm, khi đó là mùa bơi lội.
Wendy đã làm điều gì tiếp đó? Chị viết cuốn sách Thin thighs in 30 days rồi đem xuất bản vào ngày 15 tháng Tư. Đến tháng Sáu, chị đã có được 100.000 đô la - tất cả là nhờ chị đã hỏi mọi người họ cần gì và đáp lại những thông tin phản hồi bằng cách đem những thứ mọi người cần đến với họ.
HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC HOÀN HẢO NHẤT VỚI CÔNG SỨC BỎ RA ÍT NHẤT
Viginia Satir- tác giả cuốn sách về nghệ thuật nuôi dạy con, chắc chắn là chuyên gia thành công về cuộc sống gia đình và nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, bà đã từng được Ủy ban Dịch vụ Xã hội bang Michigan thuê tư vấn sửa đổi và cơ cấu lại để phục vụ khách hàng quần chúng được tốt hơn. 60 ngày sau, bà đưa cho Ủy ban một báo cáo dài 150 trang. Những người nhận báo cáo này đều công nhận đây là một bản báo cáo kỳ lạ nhất mà họ từng thấy. “Nó quá xuất sắc!” họ thốt lên, “Làm sao mà chị có thể nghĩ ra những ý tưởng này?”
Bà trả lời: “À, tôi chỉ gặp những người làm công tác xã hội của các anh và hỏi xem theo họ thì điều gì sẽ giúp Ủy ban này hoạt động tốt hơn thôi.”
HÃY LẮNG NGHE NHỮNG THÔNG TIN PHẢN HỒI
Bạn được ban cho đôi chân để mỗi lần bạn mắc lỗi khi bước chân trái lên, chân phải sẽ đưa bạn lại đúng đường.
BUCKMINSTER FULLER
Kỹ sư, nhà sáng chế, triết gia
Dù chúng ta có hỏi hay không thì rồi cũng sẽ nhận được các thông tin phản hồi bằng cách này hay cách khác. Có thể do đồng nghiệp sẽ nói cho bạn biết. Hay là một bức thư từ chính phủ. Cũng có thể nó là lời từ chối cho vay của ngân hàng. Cách khác có thể là cơ hội tuyệt vời mà bạn nhận được khi chọn đi theo một con đường khác biệt.
Dù nó đến với bạn theo cách nào đi nữa thì hãy luôn lắng nghe những thông tin phản hồi đó. Bạn chỉ cần bước một bước… rồi lắng nghe. Bước tiếp một bước rồi lại lắng nghe. Nếu bạn nghe thấy: “lệch rồi”, thì hãy chuyển bước tiếp theo hướng mà bạn nghĩ là đúng… rồi lại lắng nghe tiếp. Hãy lắng nghe bên ngoài mọi người đang nói gì cho bạn, đồng thời cũng lắng nghe xem từ bên trong con người bạn, những cảm xúc và bản năng của bạn đang nói gì với bạn.
Trong lòng bạn đang nghĩ gì: “Tôi thật hạnh phúc; tôi thích công việc này; nó thực sự rất phù hợp với tôi,” hay “Tôi mệt mỏi lắm rồi, thực sự tôi thấy kiệt sức, tôi không thích việc này như tôi từng nghĩ, tôi không có thiện cảm với anh ta”?
Dù bạn nhận được thông tin phản hồi như thế nào bạn cũng đừng lờ đi những cảnh báo đó. Đừng làm trái với những gì trong lòng bạn nghĩ. Nếu bạn cảm thấy mọi việc không đúng, thì đó là sự thực.
PHẢI CHĂNG MỌI THÔNG TIN PHẢN HỒI ĐỀU CHÍNH XÁC?
Không phải tất cả thông tin phản hồi đều chính xác. Bạn cần suy ngẫm về chúng. Một số thông tin phản hồi bị sai lệch do trạng thái tâm lý không tốt của người nêu ra chúng. Ví dụ, khi một người chồng đang say rượu nói với vợ rằng: “Cô chỉ là một chiếc máy nhắn tin tồi” thì chắc chắn đó không phải là một ý kiến chính xác. Thực tế chỉ là người chồng đó đang say và tức giận. Tuy nhiên, đó cũng là một ý kiến phản hồi bạn nên lắng nghe.
TÌM RA CÁC ĐIỂM CHUNG
Bạn nên tìm ra những nét chung trong các thông tin phản hồi mình nhận được. Như một người bạn của tôi thường nói rằng: “Nếu một ai đó bảo bạn là một con ngựa, chắc chắn hắn ta là một tên điên. Nếu ba người cùng nói bạn là một con ngựa, hẳn ba người này có sự thông đồng với nhau. Còn nếu có tới 10 người bảo bạn là một con ngựa, thì đã đến lúc bạn sắm cho mình một cái yên.”
Điều rút ra từ câu nói trên là nếu có nhiều người cùng nhận xét một điều về bạn, có lẽ điều đó phần nào đúng. Tại sao lại như vậy? Có thể bạn nghĩ mình đúng, nhưng hãy luôn tự hỏi rằng: “Mình muốn tự cho mình luôn đúng hay muốn có hạnh phúc hơn? Mình thích cho mình luôn đúng hơn hay là đạt tới thành công hơn?”
Tôi có một người bạn luôn cho mình là đúng mà không hề quan tâm tới hạnh phúc hay thành công. Anh ta phát điên với bất kì ai cố gắng khuyên bảo mình. “Đừng nói với tôi bằng cái giọng đó, quý cô trẻ tuổi ạ. Đừng dạy tôi cách điều hành công ty này. Đây là công ty của tôi và tôi sẽ quản lý nó theo cách của mình.” “Tôi không cần quan tâm tới những gì cô nghĩ.” Anh ta luôn cho mình là số một. Anh ta không thích để ý tới ý kiến của người khác. Trong cuộc đời, anh cứ dần bị mọi người xa lánh: vợ, hai con gái, khách hàng và tất cả nhân viên của anh. Anh ta đã phá sản tới hai lần, ly dị hai lần, các con thì chẳng muốn nói chuyện với anh ta. Nhưng anh ta luôn “đúng”. Do đó, cho rằng mình luôn đúng sẽ khiến bạn mắc kẹt. Thái độ đó chỉ dẫn bạn tới ngõ cụt mà thôi.
Bạn cần chú ý hơn tới thông tin phản hồi đến từ ai: gia đình, bạn bè, bạn đời, đồng nghiệp, sếp, đối tác, khách hàng hay chính bản thân mình? Liệu có ý kiến nào là nổi bật hơn không? Hãy lập một danh sách, ghi lại từng ý kiến và tìm ra những bước đi thích hợp để có thể trở lại đúng hướng.
PHẢI HÀNH ĐỘNG RA SAO KHI THÔNG TIN PHẢN HỒI BÁO BẠN ĐÃ SAI?
Khi tất cả tín hiệu phản hồi đều cho thấy bạn đang đi lệch đường, bạn cần thực hiện những hành động sau để điều chỉnh lại và tiếp tục tiến bước:
1. Hãy nghĩ rằng mình đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng, tầm hiểu biết của mình khi đó.
2. Thừa nhận những tồn tại và bạn có thể đương đầu với mọi hậu quả xảy ra.
3. Viết lại những gì bạn rút ra được từ lần trải nghiệm này. Viết tất cả những điều bạn hiểu ra cũng như các bài học vào một tập tin trong máy tính hoặc nhật ký của bạn. Thường xuyên đọc lại tập tin này. Hãy hỏi xem những người có liên quan - gia đình, nhân viên, đồng nghiệp, khách hàng… - xem họ học được gì từ đó. Tôi thường yêu cầu nhân viên của mình viết “tôi học được rằng…” lên phía trên trang giấy rồi điền những gì họ nghĩ ra vào tờ giấy đó trong vòng năm phút. Sau đó, chúng tôi lập một danh sách những ý kiến đó và đặt tiêu đề là: “phương pháp để làm việc hiệu quả hơn trong lần tiếp theo.”
4. Hãy cảm ơn những người đã nêu ý kiến của họ cho bạn nghe. Nếu ai đó không muốn nêu ra quan điểm của mình cho bạn biết thì đó chỉ là do họ cảm thấy sợ hãi chứ không phải do bạn không thú vị hay kém cỏi. Một lần nữa, hãy cảm ơn những thông tin phản hồi của họ. Giải thích, chứng minh và nhận xét thực sự mất rất nhiều thời gian. Hãy lắng nghe những ý kiến phản hồi, chọn ra những điều đúng đắn và có giá trị để sử dụng trong tương lai, hãy bỏ qua một bên những điều còn lại.
5. Hãy quên đi mớ bòng bong hiện tại của bạn và đón nhận các thông tin cần thiết để tiếp tục đi trên con đường bạn chọn - kể cả những lời xin lỗi và sự hối hận bạn còn mang nợ. Đừng cố che giấu thất bại.
6. Đôi lúc, hãy nhìn lại những thành công của bạn trong quá khứ. Việc này rất quan trọng bởi nó sẽ nhắc nhở bạn rằng bạn đã thành công nhiều hơn thất bại, bạn đã làm được nhiều điều đúng đắn hơn sai lầm.
7. Tập hợp lại. Dành thời gian bên cạnh những người bạn tốt, gia đình, đồng nghiệp của bạn - những người có thể tái khẳng định những giá trị và đóng góp của bạn.
8. Hãy tiếp tục tập trung vào ước mơ của bạn. Tập hợp những bài học bạn rút ra, tiếp tục kế hoạch ban đầu của bạn hoặc lập một kế hoạch hành động mới, và sau đó thực hiện nó. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy tiến lên và hoàn thành ước mơ của mình. Có thể trên chặng đường dài sẽ có rất nhiều lần bạn bị ngã, nhưng hãy đứng lên, phủi bụi, bước lên ngựa và tiếp tục tiến lên.