Chúng ta sẽ lùi lại một bước, không phải để yếu đuối hơn mà trở nên mạnh mẽ hơn, bởi chúng ta sẽ không cho phép những lời từ chối đánh bại ta. Nó chỉ củng cố cho quyết tâm của chúng ta. Để thành công, chúng ta không còn con đường nào khác.
EARL G. GRAVES
Người sáng lập và nhà xuất bản tạp chí Black Enterprise
Nếu muốn thành công, bạn cần học cách ứng xử trước những lời từ chối. Từ chối là một phần tự nhiên của cuộc sống. Bạn bị từ chối khi không được nhận vào đội, không được nhận vai trong vở kịch, không được chọn, không được vào học tại trường đại học mong muốn, không được làm công việc bạn yêu thích, không được tăng lương, thăng chức hay bị sa thải. Bạn bị từ chối khi bản thảo không được chấp nhận, đề xuất bị bác bỏ, ý tưởng về sản phẩm mới bị bỏ qua, đề nghị xin tài trợ bị lờ đi, ý tưởng thiết kế không được chấp nhận, đơn xin đăng ký làm thành viên bị bác bỏ hay lời cầu hôn bị từ chối.
TỪ CHỐI LÀ MỘT CÂU CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG!
Để vượt qua trở ngại khi nhận được lời từ chối, bạn cần hiểu rằng, từ chối là một câu chuyện hoang đường. Nó không thực sự tồn tại. Đó chỉ đơn thuần là một khái niệm bạn giữ trong đầu. Hãy nghĩ xem. Nếu bạn mời Patty đi ăn tối và nhận được lời từ chối, bạn không có ai cùng ăn tối cùng trước cũng như sau khi hỏi cô ấy. Tình hình không xấu đi; nó chỉ giữ nguyên hiện trạng mà thôi. Mọi việc chỉ xấu đi khi bạn đi sâu vào và tự nói với mình những điều như: “Thấy chưa, mẹ nói đúng rồi. Chẳng ai thích mình cả. Mình chỉ là đồ bỏ đi!”
Nếu bạn nộp hồ sơ vào Harvard và không được nhận, trước khi nộp hồ sơ bạn cũng không học ở Harvard, và sau khi nộp hồ sơ cũng vậy. Lại một lần nữa, cuộc sống của bạn không tồi tệ đi, nó chỉ giữ nguyên hiện trạng. Bạn không thực sự đánh mất điều gì cả. Và hãy nghĩ xem - cả đời bạn không học ở Harvard, bạn biết cách để xử lý việc này.
Sự thật là bạn chẳng có gì để mất khi yêu cầu cả, và bởi vì bạn có thể thu được một điều gì đó, hãy đưa ra yêu cầu bằng mọi cách.
SWSWSWSW
Bất kì khi nào bạn đưa ra yêu cầu với một ai đó, hãy nhớ câu sau: SWSWSWSW, “some will, some won’t; so what - someone’s waiting” (có người sẽ đồng ý, có người thì không, thế thì sao nào - sẽ có người đang đợi để được nghe yêu cầu của bạn). Một số người sẽ đồng ý. Một số sẽ từ chối. Thế thì sao nào! Ở nơi nào đó, hẳn có người đang chờ đợi được biết về bạn và những ý tưởng của bạn. Đó chỉ đơn thuần là trò chơi với những con số. Bạn sẽ phải tiếp tục nêu ra yêu cầu cho tới khi nhận được lời chấp thuận. Câu trả lời “đồng ý” đang chờ đợi bạn ngoài đó. Giống như người bạn Mark Victor Hansen của tôi thường nói: “Những điều bạn muốn cũng muốn đến với bạn.” Bạn chỉ cần kiên trì đủ để cuối cùng nhận được lời chấp thuận.
81 LỜI TỪ CHỐI, 9 LỜI CHẤP THUẬN NGAY LẬP TỨC
Do cuộc đời cô đã thay đổi từ khi tham gia buổi hội thảo của tôi, “Hội thảo về Lòng tự tôn và Hiệu quả cao nhất” nên cô đã tình nguyện kêu gọi mọi người đăng ký một buổi hội thảo sắp tới tôi tổ chức tại St. Louis. Cô cam kết sẽ nói chuyện với ba người mỗi tối trong vòng một tháng. Rất nhiều cuộc điện thoại cuối cùng đã thành những câu chuyện dài, và mọi người nêu ra vô số câu hỏi. Cô đã thực hiện tổng cộng 90 cuộc gọi. 81 người đầu tiên quyết định không tham dự hội thảo. Chín người còn lại đều đăng ký. Tỉ lệ thành công của cô là 10%, một tỉ lệ tốt dành cho việc thuyết phục qua điện thoại. Tuy nhiên, cả chín “khách hàng” đều là những người nghe điện thoại cuối cùng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô bỏ cuộc sau 50 cuộc gọi đầu tiên và nói: “Việc này chẳng có ích gì đâu. Chẳng bõ công. Chẳng có ai tham gia đâu.” Song do cô ước mơ được chia sẻ với những người khác về trải nghiệm đã làm thay đổi cuộc đời mình, cô đã kiên trì đối mặt với những lời từ chối, hiểu rằng đó chỉ là một trò chơi với các con số. Và cuối cùng, quyết tâm của cô đã được đền đáp - cô đã gián tiếp giúp đỡ chín người thay đổi cuộc đời mình.
Nếu bạn quyết tâm theo đuổi đam mê, bạn sẽ học hỏi được từ những kinh nghiệm của mình, và bạn sẽ tiến dần tới đích, cuối cùng bạn sẽ đạt được kết quả mong muốn.
Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ… Sự kiên trì là điều quan trọng nhất.
Nếu bạn không có khát khao và niềm tin vào bản thân để tiếp tục cố gắng khi mọi người đều khuyên bạn từ bỏ, bạn sẽ không bao giờ thực hiện được ước mơ của mình.
TAWNI O’DELL
Tác giả cuốn Back roads, một cuốn sách được yêu thích tại Câu lạc bộ Sách Oprah
“HÃY HỎI NGƯỜI TIẾP THEO!”
Hãy làm quen với ý nghĩ rằng trên con đường đi tới vinh quang, bạn sẽ nhận được vô số lời từ chối. Bí mật của thành công là đừng bao giờ từ bỏ. Khi ai đó nói không, bạn hãy tự nhủ “thử hỏi người tiếp theo!” Hãy tiếp tục yêu cầu. Khi Colonel Harlan Sanders rời gia đình cùng với chiếc nồi áp suất và bí quyết làm món gà rán miền nam, anh đã nhận được tới hơn 300 lời từ chối trước khi tìm được người tin vào giấc mơ của anh. Chính bởi vì anh đã bỏ quên hơn 300 lời từ chối nên bây giờ đã có hơn 11.000 nhà hàng KFC ở 80 quốc gia trên toàn thế giới.
Nếu một người từ chối bạn, hãy hỏi một người khác. Hãy nhớ rằng trên trái đất này có tới hơn sáu tỉ người! Vào một lúc nào đó, ở nơi nào đó, sẽ có người đồng ý với bạn. Đừng để nỗi sợ hãi và oán giận cản đường bạn. Hãy tiếp tục hỏi. Đây cũng chỉ giống như trò chơi với những con số. Có những người đang đợi để nói có với bạn.
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
Cuối năm 1991, Mark Victor Hansen và tôi bắt đầu chiến dịch tìm nhà xuất bản cho cuốn sách đầu tiên mang tên Chicken soup for the Soul (Hạt giống tâm hồn). Chúng tôi bay đến New York cùng với người đại diện, Jeff Harman, để gặp những nhà xuất bản lớn đã đồng ý hẹn gặp. Tất cả bọn họ đều nói họ không thích cuốn sách. “Chỉ là bộ sưu tập truyện ngắn thì khó có người mua”. “Những câu chuyện đó không được sắc sảo lắm”. “Nhan đề này không hấp dẫn với người đọc”. Sau đó, chúng tôi đã bị hơn 20 nhà xuất bản khác từ chối sau khi họ đã nhận bản thảo qua đường bưu điện. Bị từ chối tới hơn 30 lần, cuối cùng người đại diện trả lại cuốn sách cho chúng tôi và nói: “Tôi xin lỗi, tôi không thể bán nó hộ các anh được”. Chúng tôi đã làm gì khi đó? Chúng tôi tự bảo nhau rằng: “Hãy hỏi thêm những người khác!”
Chúng tôi hiểu rằng cần phải có những ý tưởng đột phá mới. Sau một tuần suy ngẫm, một ý định khá hay đã nảy ra. Chúng tôi in một mẫu cam kết mua cuốn sách khi nó được xuất bản. Trong mẫu đó, người viết ghi tên, địa chỉ và số lượng sách cam kết sẽ mua.
Trong khoảng vài tháng, chúng tôi yêu cầu những người đến dự các buổi nói chuyện và hội thảo của mình điền vào mẫu cam kết nếu họ muốn mua cuốn sách sau khi nó được xuất bản. Cuối cùng, đã có tới 20.000 cuốn được cam kết mua.
Mùa xuân năm sau, Mark và tôi tới dự hội nghị hiệp hội những người bán sách Hoa Kỳ tại Anaheim, California. Chúng tôi gặp hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác để trình bày với họ. Mặc dù mẫu thư hứa mua sách có thể chứng minh cuốn sách sẽ bán được nhưng chúng tôi vẫn bị từ chối hết lần này tới lần khác. Nhưng mỗi lần như vậy, chúng tôi lại tự nhủ: “Hãy hỏi thêm những người khác!” Vào cuối ngày thứ Hai dài dằng dặc, chúng tôi mang tập bản thảo của 30 câu chuyện đầu tiên trong cuốn sách tới cho Peter Vegso và Gary Seidler, đồng chủ tịch của Health Communications, một nhà xuất bản đang gặp khó khăn, chuyên về sách dành cho các đối tượng cai nghiện trong quá trình phục hồi. Họ đồng ý mang bản thảo về nhà xem. Trong tuần đó, Gary Seidler mang bản thảo ra bãi biển đọc. Ông rất hứng thú và đồng ý cho chúng tôi một cơ hội. Hàng trăm lần “hãy hỏi thêm những người khác” cuối cùng cũng được đền đáp! Sau hơn 130 lần bị từ chối, cuốn sách cuối cùng đã được in và bán được tám triệu bản. Cuốn sách đã nằm trong danh sách 80 sách bán chạy nhất và được dịch ra 39 thứ tiếng.
Còn về phần những mẫu cam kết mua sách thì sao? Khi cuốn sách được xuất bản, chúng tôi có đính kèm thông báo và gửi cho những người có địa chỉ ghi trong mẫu cam kết và chờ đợi những đơn đặt hàng. Hầu hết tất cả những ai đã hứa mua sách đều giữ lời. Ngoài ra, có một doanh nhân Canada đã mua tới 1.700 quyển để tặng cho khách hàng.
155 LỜI TỪ CHỐI KHÔNG LÀM NẢN CHÍ ANH TA
Chàng trai 19 tuổi Rick Little muốn đưa một chương trình mới vào trường trung học phổ thông. Chương trình này sẽ dạy cho học sinh cách xử lý những cảm xúc, giải quyết xung đột, tìm ra các mục tiêu trong cuộc sống, kỹ năng giao tiếp, và những giá trị mà nhờ đó lớp trẻ sẽ có được cuộc sống hiệu quả và viên mãn. Anh đã viết đề xuất này và gửi tới hơn 155 quỹ tài trợ. Anh ngủ ở ghế sau của xe và ăn bánh lạc bơ, chờ đợi những ngày tháng tốt lành tới. Dù gian khổ nhưng anh không bao giờ từ bỏ giấc mơ. Cuối cùng, quỹ tài trợ Kellogg đồng ý tài trợ cho Rick 130.000 đô la (tương đương với khoảng 1000 đô la cho mỗi lời từ chối anh nhận được.) Từ đó, Rick và đội của anh đã kiếm được hơn 100 triệu đô la để thực hiện chương trình Quest tại hơn 30.000 trường học trên toàn thế giới. Ba triệu học sinh mỗi năm đã được học các lớp huấn luyện những kỹ năng trong cuộc sống nhờ một chàng trai 19 tuổi biết bỏ qua những lời từ chối để tiếp tục cho tới khi nhận được câu trả lời “có”.
Năm 1989, Rick nhận được khoản tài trợ trị giá 65 triệu đô la để lập Quỹ tài trợ Thanh niên Quốc tế (International Youth Foundation). Đây là khoản tài trợ lớn thứ hai từ trước tới giờ tại Mỹ. Điều gì sẽ xảy ra nếu đến lần từ chối thứ 100, Rick nghĩ rằng: Ồ, chắc điều này không thể thực hiện được rồi từ bỏ? Thế giới sẽ mất mát quá nhiều, và cũng chẳng còn những mục tiêu cao hơn mà Rick nhắm tới.
ANH TA ĐÃ GÕ 12.500 CÁNH CỬA
Tôi nhận những lời từ chối cũng như có ai đó gọi vọng vào tai, đánh thức tôi dậy để đi tiếp chứ không phải để tôi rút lui.
SYLVESTER STALLONE
Diễn viên, nhà biên kịch, đạo diễn
Khi còn là một bác sĩ trị liệu bằng phương pháp nắn xương mới ra trường, tiến sĩ Ignatius Piazza muốn lập một phòng khám tại vùng Vịnh Ronterey của California. Khi anh đến hiệp hội các bác sĩ trị liệu bằng phương pháp nắn xương tại địa phương nhờ giúp đỡ, họ đã khuyên anh nên tìm đến một nơi khác để khởi nghiệp. Họ nói anh sẽ không thể thành công bởi đã có quá nhiều phòng khám tại vùng rồi. Không nản lòng, anh chuyển sang cách khác. Trong hàng tháng trời, từ sáng tới tối, anh đi hết nhà này tới nhà khác gọi cửa. Sau khi tự giới thiệu là một bác sĩ trẻ mới đến thị trấn, anh đưa ra một vài câu hỏi:
“Tôi nên đặt phòng khám ở đâu?”
“Tôi nên đăng tin quảng cáo trên tờ báo nào để nhiều người dân địa phương biết đến?”
“Tôi nên mở cửa cả vào sáng sớm hay tới đêm để phục vụ những người làm việc theo giờ hành chính?”
“Tôi nên đặt tên phòng khám của mình là gì, phòng khám bệnh bằng phương pháp nắn xương Phía Tây hay là phòng khám Ignatius Piazza?”
Cuối cùng, anh hỏi: “Khi tôi mở cửa phòng khám, anh sẽ vui lòng nhận lời mời tới dự chứ?” Nếu họ nói có, anh viết tên, địa chỉ lại rồi tiếp tục tới nhà khác… hàng ngày, rồi hàng tháng. Sau cùng, anh đã gọi cửa trên 12.500 nhà, nói chuyện với hơn 6.500 người. Anh nhận được rất nhiều câu trả lời không. Cũng có rất nhiều căn nhà vắng chủ. Anh thậm chí đã bị sa xuống một cái hố trong suốt cả buổi chiều! Nhưng bên cạnh đó, anh cũng nhận được khá nhiều lời đồng ý. Trong tháng đầu tiên làm việc, anh đã có 233 bệnh nhân và thu được 72.000 đô la từ địa phương “không cần thêm bất kì bác sĩ xương khớp nào nữa”!
Hãy nhớ rằng, để đạt được những gì mình mong muốn, bạn phải hỏi, hỏi, hỏi nữa, và luôn tự bảo rằng “hãy hỏi người tiếp theo” cho tới khi nào bạn nhận được câu trả lời mà mình trông đợi! Nêu lên yêu cầu đã, đang và sẽ luôn là một trò chơi với những con số. Đừng chơi trò chơi đó một mình, vì nó không phải dành cho một người. Nó chỉ thực sự là trò chơi khi nhiều người cùng vào cuộc.
NHỮNG LỜI TỪ CHỐI NỔI TIẾNG
Theo quan điểm của tôi, một người con gái sẽ chẳng có nhận thức hay cảm xúc đặc biệt nào dành cho cuốn sách này ngoài trí tò mò.
Trích phiếu từ chối xuất bản cuốn tiểu thuyết Nhật ký Anne Frank
Những người đạt đến đỉnh cao của thành công đều phải nhận được những lời từ chối. Bạn sẽ nhận ra họ không phải cá biệt. Hãy cùng suy ngẫm những điều sau:
• Khi Alexander Graham Bell đề nghị bán bản quyền sáng chế điện thoại với giá 100. 000 đô la cho Carl Orton. Vị chủ tịch khi đó của Western Union đã trả lời: “Công ty chúng tôi sẽ làm gì với thứ đồ chơi dùng điện đó chứ?”
• Angie Everhart bắt đầu làm người mẫu từ năm 16 tuổi. Có lần Eilleen Ford, bà chủ một công ty người mẫu, nói rằng cô sẽ chẳng bao giờ thành công được. Vì sao? “Tóc đỏ thì không thể được ưa thích.” Everhart sau đó đã trở thành người mẫu có mái tóc hung đầu tiên trên thế giới xuất hiện trên tạp chí Glamour. Cô có một sự nghiệp sáng chói, đồng thời tham gia diễn xuất trong 20 bộ phim và rất nhiều chương trình truyền hình khác nữa.
• Nhà văn Stephen King tưởng như đã mất hàng triệu đô la khi ném bản thảo truyện Carrie vào thùng rác. Ông làm vậy vì phát ngán với những lời từ chối. “Chúng tôi không thích những điều hư cấu trong truyện. Nó chỉ có trong xã hội ảo tưởng thôi.” “Sẽ chẳng ai mua sách cả.” Thật may mắn, vợ của ông đã nhặt nó lại. Cuối cùng, một nhà xuất bản khác đồng ý in cuốn Carrie. Cuốn sách bán được hơn bốn triệu bản và được chuyển thể thành một bộ phim bom tấn.
• Năm 1998, hai người đồng sáng lập ra Google là Sergey Brin và Larry Page tìm tới Yahoo! để đề nghị sáp nhập. Yahoo! thay vì có thể mua công ty với một lượng cổ phiếu nhỏ, lại đề nghị hai chàng trai trẻ tiếp tục kế hoạch nhỏ ở trường của mình và hãy quay lại khi công ty của họ đã lớn mạnh hơn. Chỉ trong vòng năm năm, Google đã có giá trị thị trường lên tới 20 tỉ đô la. Khi tôi đang viết cuốn sách này, công ty đã phát hành cổ phiếu lần đầu tiên trên thị trường và thu được nguồn vốn tăng thêm là 1,67 tỉ đô la.
Kỷ lục về số lần bị từ chối nhiều nhất có lẽ thuộc về John Creasey. Nhà văn huyền thoại người Anh này đã từng nhận được 743 phiếu từ chối xuất bản trước khi cuốn sách đầu tiên của ông được in. Không để ý những điều đó, 20 năm sau, ông vẫn viết và xuất bản được 562 cuốn sách dưới 28 bút danh khác nhau. Nếu John Creasey có thể quên đi 743 lời từ chối, thì bạn cũng có thể làm được điều đó.