Bạn phải nêu ra yêu cầu. Theo tôi, yêu cầu là bí quyết hiệu quả để thành công và hạnh phúc song hay bị thế giới bỏ quên nhất.
PERCY ROSS
Tỉ phú kiêm nhà hoạt động từ thiện
Trong lịch sử có vô vàn các tấm gương về những người được hưởng lợi ích to lớn từ việc nêu ra yêu cầu. Song, ngạc nhiên hơn, yêu cầu - một trong những nguyên tắc thành công hiệu quả nhất - vẫn còn là một thách thức giữ chân nhiều người. Nếu bạn sợ phải yêu cầu ai đó về điều gì, thì hãy bỏ qua chương này. Song nếu bạn giống như hầu hết mọi người, bạn có thể đang tự cản bước chính mình bằng cách không dám đòi hỏi thông tin, nhờ giúp đỡ, hỗ trợ, hỏi mượn tiền hay xin thêm thời gian cần thiết để thực hiện ước mơ của mình.
TẠI SAO CON NGƯỜI LẠI KHÔNG DÁM ĐÒI HỎI?
Tại sao mọi người lại sợ phải đưa ra yêu cầu đến như vậy? Họ có vô vàn nguyên nhân, như sợ người ta coi mình là tham lam, ngu dốt, ngớ ngẩn. Song hầu hết họ sợ bị từ chối. Họ sợ phải nghe thấy câu trả lời không.
Điều đáng buồn là chính họ đã tự từ chối bản thân trước. Tự họ đã nói không với chính mình trước khi những người khác có cơ hội làm điều đó.
Khi tôi còn là một sinh viên mới tốt nghiệp khoa sư phạm tại trường Đại học Chicago, tôi đã tham gia vào một nhóm tự hoàn thiện bản thân cùng với 20 người khác. Trong bài thực hành, một nam giới hỏi một phụ nữ rằng cô có thấy anh ta hấp dẫn không. Tôi vừa kinh ngạc trước tính chất quá thẳng thắn của câu hỏi, vừa ngại thay cho người đi hỏi - lo ngại thay cho những điều anh ta có thể phải nghe. Tuy nhiên, người phụ nữ trả lời có. Được khích lệ bởi thành công của người đàn ông, sau đó tôi cũng hỏi cô gái xem cô có thấy tôi hấp dẫn không. Sau bài thực hành nho nhỏ về “đặt câu hỏi thẳng thắn” này, một vài người phụ nữ đã nói với chúng tôi rằng họ thấy thật khó tin tại sao đàn ông lại ngần ngại e sợ như vậy khi hẹn hò với một cô gái. Người phụ nữ nói: “Chính các anh đã tự từ chối mình trước khi cho chúng tôi cơ hội từ chối. Hãy can đảm lên. Chúng tôi rất có thể sẽ đồng ý.”
Đừng mặc định rằng bạn sẽ bị từ chối. Hãy mạo hiểm yêu cầu bất kì điều gì bạn cần hay mong muốn. Nếu bị từ chối, bạn cũng không lâm vào tình huống tồi tệ hơn xuất phát điểm ban đầu. Nếu câu trả lời là có, tình hình của bạn sẽ được cải thiện. Chỉ cần sẵn sàng yêu cầu, bạn có thể được tăng lương, nhận được tài trợ, được xếp vào một căn phòng nhìn ra biển, được chiết khấu mua hàng, được dùng thử sản phẩm, có nhiều thời gian nghỉ phép hơn, hay được phụ giúp làm việc nhà.
YÊU CẦU NHỮNG ĐIỀU BẠN MUỐN NHƯ THẾ NÀO?
Có một ngành khoa học riêng biệt nghiên cứu về việc yêu cầu và đạt được những điều bạn muốn hoặc cần trong đời. Tôi cùng Mark Victor Hansen đã từng viết một cuốn sách về vấn đề này. Bạn có thể học được nhiều hơn nếu đọc cuốn sách đó, cuốn sách mang tiêu đề The Aladdin Factor. Dưới đây, tôi xin đưa ra một số lời khuyên ngắn gọn:
1. Hãy yêu cầu như thể bạn sẽ được chấp thuận. Hãy hỏi mà trong lòng bạn tin rằng mình sẽ có được kết quả tốt. Hãy yêu cầu và nghĩ rằng mình đã giành được, mọi chuyện đã hoàn thành tốt. Hãy hỏi như thể bạn muốn câu trả lời là có.
2. Hãy tự thừa nhận rằng mình có thể. Đừng bắt đầu với ý nghĩ rằng bạn không thể giành được gì cả. Nếu phải thừa nhận một điều gì đó, hãy nghĩ rằng bạn có thể nhận được những điều tốt đẹp hơn. Hãy nghĩ rằng bạn sẽ có một bàn làm việc bên cạnh cửa sổ. Nghĩ rằng bạn có thể trả lại hàng mà không cần hóa đơn. Nghĩ rằng bạn có thể nhận được học bổng, rằng bạn sẽ được tăng lương, rằng bạn có thể mua được vé vào ngày bán cuối cùng. Đừng bao giờ nghĩ tới những điều không tốt đẹp đến với bạn.
3. Hãy hỏi những người có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn. Hãy chọn đúng người. “Mình phải nói với ai…” “Ai có quyền đưa ra quyết định về…” “Mình phải làm điều gì để đạt được…”
4. Hãy đưa ra đòi hỏi rõ ràng và cụ thể. Trong những hội nghị của tôi, tôi thường hỏi: “Ai muốn có nhiều tiền hơn?” Tôi chọn ra một trong số những người giơ tay và đưa cho anh ta một đô la, rồi nói: “Bây giờ anh đã có nhiều tiền hơn. Anh có hài lòng không?”
Người kia thường nói rằng: “Không, tôi muốn nhiều hơn thế này.”
Tôi lại đưa thêm cho anh ta 50 xu nữa và hỏi: “Thế này đã đủ chưa?”
“Không, thế vẫn chưa đủ, tôi muốn nhiều hơn.”
“Ồ, vậy thì thực sự anh muốn bao nhiêu? Chúng ta có thể chơi trò ‘nhiều hơn’ này mãi mà cũng chẳng bao giờ đạt tới điều anh muốn.”
Sau đó, người kia thường đưa ra cho tôi một con số cụ thể và tôi chỉ ra tầm quan trọng của việc xác định rõ ràng. Những yêu cầu mập mờ sẽ dẫn tới những kết quả cũng mập mờ. Yêu cầu của bạn phải cụ thể. Đối với tiền bạc, bạn nhất thiết phải đưa ra một con số rõ ràng.
Đừng nói: Tôi muốn tăng lương.
Hãy nói rằng: Tôi muốn tăng thêm mỗi tháng 500 đô la.
Khi bạn muốn hoàn thành công việc vào thời điểm nào đó, đừng nói “sớm” hay “vào bất kì lúc nào thích hợp.” Hãy đưa ra một ngày giờ cụ thể.
Đừng nói: Anh muốn đi chơi với em vào lúc nào đó cuối tuần này.
Hãy nói là: Thứ Bảy này, anh muốn mời em đi ăn tối và xem phim. Em không bận gì chứ?
Nếu đó là những yêu cầu về cách đối xử, nhất thiết phải rõ ràng. Nói chính xác những điều mà bạn muốn người kia làm.
Đừng nói: Mẹ muốn con làm việc nhà tốt hơn.
Hãy nói rằng: Con hãy rửa bát bữa tối và mang rác đi đổ vào mỗi tối thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu.
5. Hãy yêu cầu đi, yêu cầu lại nhiều lần. Một trong các yếu tố quan trọng nhất dẫn tới thành công là tính kiên trì và không bao giờ từ bỏ. Khi bạn yêu cầu những người khác tham gia cùng thực hiện mục đích của mình, nhiều người sẽ trả lời không. Có thể họ có những ý định, lời cam kết khác, và những lý do để không tham gia cùng bạn. Những lý do đó không hề liên quan gì đến bạn.
Hãy làm quen với ý nghĩ rằng sẽ có rất nhiều sự từ chối khi bạn đi trên con đường tới vinh quang. Vấn đề chính là bạn không được phép từ bỏ. Khi một ai đó nói không, hãy tiếp tục yêu cầu. Tại sao? Bởi khi bạn tiếp tục yêu cầu một người hết lần này tới lần khác, có thể đến một lúc nào đó, câu trả lời bạn nhận được sẽ là có…
Vào một ngày nào khác
Khi người được yêu cầu có tâm trạng tốt hơn
Khi bạn nêu lên những số liệu mới
Khi bạn có thể chứng minh được cam kết của mình với họ
Khi hoàn cảnh đã thay đổi
Khi bạn học được cách kết thúc tốt hơn
Khi bạn tạo được mối quan hệ tốt hơn
Khi người đó tin bạn nhiều hơn
Khi bạn đã trả các món nợ
Khi nền kinh tế tốt hơn.
Trẻ con có lẽ hiểu rõ nguyên tắc thành công này hơn ai hết. Chúng không hề lưỡng lự đòi hỏi một điều với cùng một người hết lần này tới lần khác. Cuối cùng, chúng cũng thuyết phục được bạn.
Tôi đã từng đọc được một câu chuyện trên tạp chí People. Câu chuyện kể về người đàn ông đã cầu hôn một người phụ nữ hơn 30 lần. Dù cô có từ chối bao nhiêu lần, anh ta vẫn tiếp tục quay lại - và cuối cùng cô đã đồng ý!
CON SỐ THỐNG KÊ BIẾT NÓI
Herberth True, một chuyên gia marketing tại Đại học Notre Dame đã khám phá ra rằng:
• 44% số nhân viên bán hàng bỏ cuộc ngay sau cuộc gọi đầu tiên
• 24% bỏ cuộc sau cuộc gọi thứ hai
• 14% bỏ cuộc sau cuộc gọi thứ ba
• 12% bỏ cuộc sau khi cố gắng gọi tới cuộc thứ tư
Điều này đồng nghĩa với 94% các nhân viên bán hàng bỏ cuộc sau cuộc gọi thứ tư. Song 60% tổng số khách hàng chỉ chấp nhận mua hàng sau lần gọi điện thứ tư. Con số thống kê này cho thấy 94% tổng số các nhân viên bán hàng tự tước bỏ của chính mình cơ hội khai thác được 60% số khách hàng tiềm năng.
Bạn có thể có khả năng, nhưng bạn cũng cần có ý chí! Để thành công, bạn cần phải yêu cầu, yêu cầu, yêu cầu!
HÃY YÊU CẦU VÀ BẠN SẼ NHẬN ĐƯỢC ĐIỀU BẠN MONG MUỐN
Năm 2000, Sylvia Collins đã bay cả chặng đường dài từ Australia tới Santa Barbara để tham dự một trong những buổi hội thảo kéo dài cả tuần của tôi. Tại buổi hội thảo, cô học được nghệ thuật yêu cầu. Một năm sau, tôi nhận được lá thư sau của cô:
Tôi đã có một bước ngoặt trên con đường sự nghiệp của mình, và tôi đang kinh doanh tại bờ biển Vàng cùng với một công ty có tên Gold Coast Property. Tôi làm việc cùng một đội các bạn trẻ, hầu hết đang trong độ tuổi 20. Những kỹ năng tôi học được qua những buổi hội thảo của anh đã giúp tôi làm việc hiệu quả và trở thành người năng động trong một nhóm làm việc đạt thành tích cao. Tôi thấy cần phải nói với anh về việc lòng tự trọng và tinh thần không e sợ khi đưa ra yêu cầu đã ảnh hưởng tới văn phòng làm việc này như thế nào.
Tại một cuộc họp nhân viên gần đây, chúng tôi nhận được câu hỏi muốn làm gì cho ngày xây dựng nhóm được tổ chức hàng tháng. Tôi hỏi Michael, vị giám đốc quản lý: “Chúng tôi cần đạt chỉ tiêu bao nhiêu để được hưởng chuyến du lịch ra đảo trong vòng một tuần?”
Mọi nhân viên tham gia cuộc họp đều im lặng và nhìn tôi; rõ ràng không ai dám đưa ra yêu cầu táo bạo tới vậy. Michael nhìn mọi người, sau đó đưa mắt lại phía tôi và nói: “Ồ, nếu nhóm cô đạt được… (ông đưa ra một chỉ tiêu tài chính), tôi sẽ đưa cả đội (gồm có 10 người) tới Dải đá ngầm lớn!”
Tháng sau, chúng tôi đạt được mục tiêu đề ra và được đi nghỉ bốn ngày tại Đảo Lady Elliott - công ty đài thọ toàn bộ chi phí vé máy bay, khách sạn, ăn uống và các hoạt động giải trí. Chúng tôi đã có bốn ngày tuyệt vời - cùng đi lặn, đốt lửa trên bãi biển, cùng chơi đùa và vui vẻ bên nhau!
Sau đó, Michael đề ra cho chúng tôi một mục tiêu khác và nói ông sẽ cho phép chúng tôi đi nghỉ tại Fiji nếu chúng tôi thực hiện được mục tiêu này. Tháng Mười hai, chúng tôi lại hoàn thành mục tiêu! Mặc dù công ty đài thọ toàn bộ những chi phí này song Michael đã đạt thành tích đáng kinh ngạc trong việc tăng doanh số.
BẠN CHẲNG CÓ GÌ ĐỂ MẤT VÀ VÔ SỐ ĐIỀU ĐƯỢC HƯỞNG KHI ĐỀ RA YÊU CẦU
Để thành công, bạn cần chấp nhận rủi ro và một trong những rủi ro đó là tinh thần sẵn sàng chấp nhận bị từ chối. Đây là e-mail tôi nhận được từ Donna Hutcherson, người đã từng nghe tôi diễn thuyết tại hội nghị của công ty cô ở Scottsdale, bang Arizona.
Tôi cùng chồng là Dale đã nghe ông diễn thuyết tại buổi hội thảo Walsworth hồi đầu tháng Một;… Dale đến với cương vị là chồng của nhân viên công ty… Anh đặc biệt ấn tượng khi ông đề cập tới vấn đề chẳng có gì để mất khi yêu cầu hay cố gắng. Sau khi lắng nghe bài thuyết trình của ông, anh đã quyết định theo đuổi một trong những mục đích sống của mình (và cũng là khao khát của anh) - vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá. Anh dự tuyển vào bốn vị trí còn trống trong địa phận bán hàng của tôi và Trường cấp ba Sebring đã gọi lại cho anh ngay ngày hôm sau, khuyến khích anh đăng ký trực tuyến. Anh đã làm theo ngay lập tức và hồi hộp không ngủ suốt đêm đó. Sau hai cuộc phỏng vấn, anh được chọn ra trong số 61 ứng viên khác. Hiện giờ, Dale rất hài lòng với vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá tại Trường cấp ba Sebring tại hạt Sebring, bang Florida.
Chúng tôi vô cùng biết ơn ông vì bài diễn thuyết và những cảm hứng ông đã truyền cho chúng tôi.
Tôi cũng xin trích một đoạn từ một mail khác Donna gửi cho tôi mùa hè năm ngoái:
...Đảm nhận đội tuyển những mùa giải trước, thua chín trận mới có một trận thắng (và nổi tiếng do thành tích bỏ thi đấu), Dale đã dẫn dắt đội tuyển đạt được thành tích kỷ lục (với bốn bàn thắng trong vòng ba phút), giành được một chức vô địch của hạt và chỉ đứng thứ ba trong lịch sử 78 năm của trường. Anh cũng được ghi danh là Huấn luyện viên xuất sắc nhất năm của hạt và là câu chuyện Thể thao của năm. Điều quan trọng nhất, anh đã thay đổi cuộc đời của biết bao cầu thủ, nhân viên và sinh viên cùng cộng tác với anh...
ANH VUI LÒNG TÀI TRỢ CHO TÔI MỘT SỐ TIỀN?
Năm 1997, chàng thanh niên 21 tuổi Chad Pregracke đã một mình bắt tay làm sạch con sông Mississippi. Anh đã khởi đầu với một con thuyền dài sáu mét và hai bàn tay trắng. Kể từ đó, anh đã làm sạch hơn 1600m sông Mississippi và 700m sông Illinois, kéo hơn một triệu tấn gạch vụn lên khỏi lòng sông. Nhờ sức mạnh của việc nêu ra yêu cầu, anh đã quyên góp được hơn 2.500.000 đô la tiền tài trợ và kêu gọi sự giúp đỡ của hơn 4.000 người.
Khi Chad nhận ra anh cần thêm xà lan, xe tải và dụng cụ, anh yêu cầu các quan chức địa phương và chính quyền bang giúp đỡ song tất cả những gì anh nhận được là lời từ chối. Không hề nản chí, Chad lấy cuốn danh bạ điện thoại, mở danh mục các công ty và gọi tới Alcoa - anh nói: “Bởi vì tên công ty bắt đầu từ chữ cái đầu tiên - A.”
Với niềm đam mê và quyết tâm thực hiện ước mơ, song Chad đã yêu cầu được nói chuyện với “người có quyền lực cao nhất trong công ty.” Cuối cùng, Alcoa đã đồng ý tài trợ cho anh 8400 đô la. Sau đó, anh tiếp tục gọi tới các công ty có tên bắt đầu với chữ cái A, công ty tiếp đến là Anheuser. Khi trả lời phỏng vấn trên tạp chí Smithsonian, Mary Alice Ramirez, giám đốc về vấn đề môi trường của Anheuser - Busch đã thuật lại lần đầu tiên trò chuyện với Chad như sau:
Chad hỏi: “Bà có thể tài trợ cho tôi một số tiền không?”
Ramirez trả lời: “Anh là ai?”
Chad lại nói: “Tôi muốn nạo sạch rác rưởi trong lòng sông Mississippi.”
Ramirez yêu cầu: “Anh có thể cho chúng tôi xem hồ sơ xin tài trợ không?”
“Hồ sơ xin tài trợ là gì?” Chad đáp.
Cuối cùng, Ramirezd đã mời Chad tới gặp và trao cho anh tấm séc trị giá 25.000 đô la để phát triển dự án Phục hồi và Làm đẹp con sông Mississippi của anh.
Quan trọng hơn những kiến thức của Chad về việc huy động vốn chính là khao khát làm nên sự khác biệt rõ ràng của anh, là lòng nhiệt huyết lớn lao, là quyết tâm hoàn thành dự án - và là tinh thần sẵn sàng nêu lên yêu cầu của anh.
Mọi thứ Chad cần đều được đảm bảo thông qua những yêu cầu. Giờ đây, anh đã có một ban giám đốc bao gồm các luật sư, kế toán viên, và nhân viên ủng hộ. Anh còn có một vài nhân viên làm việc toàn thời gian và hàng ngàn tình nguyện viên.
Trong quá trình làm việc, anh không chỉ nạo sạch rìa sông Mississippi, Illinois, Anacostia, Potomac, Missouri, Ohio và Rock River - nạo vét hơn một triệu tấn bùn - mà còn khiến cộng đồng quan tâm tới sức khỏe và vẻ đẹp của những con sông cũng như trách nhiệm của con người trong việc giữ sạch lòng sông.
HÃY BẮT ĐẦU YÊU CẦU NGAY TỪ NGÀY HÔM NAY
Hãy dành thời gian liệt kê danh sách những điều bạn mong muốn song lại chưa dám đưa ra yêu cầu tại nhà, trên lớp hay ở công sở. Bên cạnh mỗi điều, hãy ghi lại nguyên nhân khiến bạn không dám nêu lên yêu cầu. Bạn lo sợ điều gì? Tiếp đó, hãy viết ra cái giá của việc không yêu cầu. Rồi, hãy ghi lại những lợi ích bạn có thể nhận được nếu yêu cầu.
Hãy dành thời gian liệt kê những điều bạn cần yêu cầu trong bảy danh sách mục tiêu như trong Nguyên tắc 3 (“Xác định những điều bạn mong muốn đạt được”): tài chính, sự nghiệp, thời gian vui chơi giải trí, sức khỏe, các mối quan hệ, các sở thích cá nhân, và đóng góp cho cộng đồng. Những yêu cầu này có thể bao gồm tăng lương, vay nợ, xin tài trợ, xin ý kiến phản hồi về hiệu quả làm việc, xin tăng thời gian nghỉ phép để đi đào tạo thêm, tìm người chăm sóc trẻ, hay yêu cầu giúp đỡ trong một dự án tình nguyện.