Nếu người ta biết được tôi đã phải làm việc vất vả thế nào mới đạt được thành công như vậy, hẳn họ sẽ không còn cho đó là điều kì diệu nữa.
MICHELANGELO
Họa sĩ, nhà điêu khắc trong thời kì Phục hưng, người đã dành bốn năm để nằm vẽ trần nhà thờ Sistine Chapel
Đằng sau mỗi thành công vĩ đại là một câu chuyện về học hỏi, đào tạo, thực hành, kỉ luật và hi sinh. Bạn cần sẵn sàng chấp nhận trả giá.
Có thể cái giá phải trả là theo đuổi duy nhất một việc và gạt sang một bên tất cả những việc khác. Có thể đó là đầu tư tất cả tài sản hay mọi khoản tiền tiết kiệm của bạn. Hay có thể, đó là tinh thần sẵn sàng bước ra khỏi môi trường an toàn hiện tại của bạn.
Mặc dù để đạt được một kết quả thành công thường đòi hỏi vô số điều kiện nhưng tinh thần sẵn sàng thực hiện những việc cần thiết chính là một trong những thước đo giúp bạn bền gan vững chí trước những thử thách, đau đớn, trở ngại và thậm chí cả những thương tích về thể xác.
NỖI ĐAU CHỈ LÀ TẠM THỜI… LỢI ÍCH SẼ CÒN MÃI MÃI
Tôi nhớ lại Thế vận hội Olympic Mùa hè năm 1976, khi đó cả thế giới đều chú ý tới cuộc tranh tài thể dục dụng cụ dành cho nam giới. Nhận được sự cổ vũ động viên nhiệt tình từ phía khán đài, vận động viên Shun Fujimoto của đoàn Nhật Bản đã tiếp đất ngoạn mục sau cú nhào lộn ba vòng trên không, nhờ đó giành huy chương vàng môn thể dục dụng cụ đồng đội nam về cho đất nước. Gương mặt Shun nhăn lại vì đau đớn, các đồng đội của anh nín thở song anh vẫn tiếp tục màn biểu diễn gần như không mắc một lỗi nào với phần tiếp đất hoàn hảo - trên chiếc đầu gối trái đã vỡ. Đó là màn biểu diễn phi thường của lòng can đảm và sự quyết tâm.
Trong khi được phỏng vấn sau chiến thắng, Fujimoto tiết lộ rằng, mặc dù anh đã bị chấn thương đầu gối từ khi luyện tập trước đó song rõ ràng trận thi đấu vẫn diễn ra và đội giành huy chương vàng sẽ được quyết định trong vòng đấu này. Anh nói: “Cơn đau như lưỡi dao đâm vào tôi. Tôi trào cả nước mắt. Nhưng giờ đây, tôi đã được nhận tấm huy chương vàng và cơn đau đã biến mất”.
Vậy điều gì đã khiến Fujimoto có được sự can đảm phi thường, đối mặt với nỗi đau đớn cùng rủi ro hiển hiện về một chấn thương nghiêm trọng? Đó chính là tinh thần sẵn sàng trả giá - có thể là cái giá phải trả trong một thời gian dài, hàng ngày, trên con đường đi tới Olympic.
LUYỆN TẬP, LUYỆN TẬP, LUYỆN TẬP!
Khi tôi có dịp chơi cùng Michael Jordan trong đội tuyển Olympic, tôi thấy có khoảng cách lớn giữa tài năng của anh và những cầu thủ xuất sắc khác trong đội. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho tôi chính là Michael luôn là người đầu tiên tới sân tập và ra về sau cùng.
STEVE ALFORD
Vận động viên giành huy chương vàng Olympic, cầu thủ chơi trong giải NBA và huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng rổ trường Đại học Iowa
Trước khi Bill Bradley trở thành thượng nghị sĩ Mỹ, đại diện cho bang New Jersey, ông là một cầu thủ bóng rổ tuyệt vời. Ông giành huy chương vàng Olympic năm 1964, tham dự giải vô địch NBA cùng với đội New York Knicks và được ghi danh tại Ngôi nhà Danh dự của bộ môn bóng rổ. Ông đã làm cách nào để chơi giỏi như vậy? Chỉ có một nguyên nhân, khi còn học cấp ba, Bill đã luyện tập bốn tiếng mỗi ngày.
Trong cuốn tự truyện mang tiêu đề Time Present, Time Past, Bradley đã tiết lộ chế độ luyện tập do ông tự đề ra: “Tôi ở lại để luyện tập sau khi các đồng đội đã ra về hết. Buổi tập luyện của tôi chỉ kết thúc khi đã ném được 15 trái bóng vào rổ từ mỗi điểm trong năm điểm trên sân.” Nếu ném hỏng một trái, ông sẽ bắt đầu lại từ đầu. Ông tiếp tục chế độ tập luyện này trong suốt thời gian tham gia thi đấu chuyên nghiệp và tại đại học.
Ông đã tăng thêm quyết tâm tập luyện khi tham dự trại hè bóng rổ do Ed Macauley tài trợ. Tại đây, ông học được tầm quan trọng của việc tập luyện: “Khi bạn không luyện tập, một người nào đó tại một nơi nào đó vẫn đang cần mẫn luyện tập. Khi bạn và cầu thủ này gặp nhau, giả sử hai người có cùng khả năng, thì người kia sẽ thắng.” Bill khắc cốt ghi tâm lời dạy này. Những giờ tập luyện vất vả cuối cũng cũng đem lại thành công. Bill Bradley đã ghi hơn 3000 điểm trong vòng bốn năm chơi bóng rổ tại trường phổ thông trung học.
CÁC VẬN ĐỘNG VIÊN OLYMPIC CŨNG PHẢI TRẢ GIÁ
Tôi học được rằng cách duy nhất giúp bạn đạt tới những đích đến nào đó trong cuộc đời là làm việc chăm chỉ cho mục tiêu đó. Dù bạn có là nhạc sĩ, nhà văn, vận động viên hay doanh nhân, bạn cũng không có cách đi đường tắt. Nếu bạn làm được, bạn sẽ thắng lợi và ngược lại.
BRUCE JENNER
Vận động viên giành huy chương vàng Olympic
Theo bài báo của John Troup đăng trên tờ USA Today, “một vận động viên Olympic trung bình tập luyện bốn giờ mỗi ngày trong vòng ít nhất 310 ngày mỗi năm với sáu năm liền trước khi thành công. Khả năng được trau dồi từ những buổi luyện tập hàng ngày. Tính tới 7 giờ sáng, hầu hết các vận động viên đã làm nhiều việc hơn người bình thường làm trong cả một ngày… Đối với hai vận động viên có năng khiếu như nhau, người được huấn luyện tốt hơn thường tự tin hơn và thi đấu tốt hơn người còn lại. Bốn năm trước một kỳ Olympic, Greg Louganis có lẽ đã luyện tập những cú nhào lộn của mình tới 3.000 lần. Kim Zmeskal có lẽ đã tập từng màn trong môn thể dục dụng cụ ít nhất 20.000 lần còn Janet Evans đã hoàn thành hơn 240.000 vòng chạy. Luyện tập sẽ đem lại thành công song mọi việc không hề đơn giản hay dễ dàng. Các vận động viên bơi lội trung bình bơi 10 dặm mỗi ngày với tốc độ 5 dặm/giờ trong bể. Tốc độ này nghe có vẻ không nhanh, song nhịp tim trung bình của họ đạt 160 nhịp. Hãy thử chạy bộ lên vài tầng cầu thang, rồi kiểm tra nhịp tim của bạn. Sau đó, hãy thử tưởng tượng phải chạy như vậy trong bốn giờ đồng hồ! Các vận động viên chạy marathon trung bình mỗi tuần chạy 160 dặm với tốc độ 10 dặm/giờ.”
Mặc dù hầu hết các bạn sẽ không bao giờ và cũng không muốn trở thành vận động viên Olympic song các bạn có thể thành đạt trong bất kì lĩnh vực nào nếu nỗ lực, kỉ luật để xuất sắc trong ngành nghề của mình. Để chiến thắng trong bất kì trò chơi nào, bạn cần có tinh thần sẵn sàng trả giá.
Điểm mấu chốt không nằm ở tinh thần quyết thắng - mọi người đều có tinh thần này. Mà đó chính là tinh thần chuẩn bị cho chiến thắng.
PAUL “BEAR” BRYANT
Huấn luyện viên thành công nhất trong giải bóng đá dành cho sinh viên, với 323 trận thắng trong đó có sáu chức vô địch quốc gia và 13 giải thưởng khu vực
MƯỜI LẦN HOÀN HẢO
Nếu tôi không luyện tập một ngày, chỉ mình tôi biết. Nếu tôi bỏ tập hai ngày, người quản lý sẽ biết. Nếu tôi không tập ba ngày, tất cả khán giả sẽ biết.
ANDRÉ PREVIN
Nhạc sĩ dương cầm, chỉ huy dàn nhạc kiêm nhạc sĩ
Ngày nay, Tom Boyer là một tư vấn viên tài năng, làm việc cùng với các tập đoàn lớn như Siemens, Motorola, Polaroid và Weyerhaeuser. Tuy nhiên, khi còn là thanh niên, Tom là một nhạc sĩ chơi đàn clarinet tâm huyết. Do anh sẵn lòng dành ra hai giờ luyện tập mỗi ngày - ngay cả trong những kì nghỉ gia đình - nên anh đã liên tục giành giải thưởng tại mọi cuộc thi trên Ohio. Một năm, vị chỉ huy dàn nhạc giao hưởng của trường trung học quyết định đăng ký bản dạo đầu “Semiramide” của Rossini để dự thi trong cuộc thi toàn bang do ông nghĩ không ai có thể độc tấu clarinet giỏi như Tom. Tuy nhiên, ông không biết rằng mặc dù trong bản nhạc chỉ có 20 tới 30 giây dành cho độc tấu clarinet song đó lại là đoạn nhạc vô cùng khó chơi - có lẽ là đoạn nhạc độc tấu clarinet khó chơi nhất từng được soạn ra.
Khi Tom bước vào bài học tiếp theo cùng Robert Marcellus, nhạc sĩ clarinet chính tại dàn nhạc giao hưởng Cleveland khi đó, cậu nhìn Robert và hỏi: “Cháu có bao nhiêu cơ hội chơi được đoạn nhạc này?”
Marcellous nhìn cậu và nói: “Đây là một việc khó khăn… nếu cháu có thể chơi 10 lần liên tiếp không mắc lỗi tại phòng tập thì cháu có thể chơi tốt trên sân khấu.” Và rồi ông nói thêm: “Hãy luyện tập đi.” Khi Tom chơi hết đoạn nhạc đúng một lần, ông giơ một ngón tay lên và nói: “Được một lần. Chơi tiếp đi.” Và rồi lần thứ hai, thứ ba. Tới lần thứ tư thì Tom mắc lỗi.
Marcellous đưa ngón tay cái và ngón trỏ lên, ra dấu số không. “Bắt đầu lại từ đầu. Chơi lại đi… Lần thứ nhất. Chơi tiếp… Lần thứ hai.…” Và cứ như thế trong vòng 45 phút sau khi Tom đã chơi được hết 10 lần liên tiếp mà không mắc lỗi. Và tất cả mọi việc thầy giáo làm chỉ là giơ ngón tay lên đếm - một, hai, ba,… Khi Tom chơi được 10 lần liên tiếp mà không mắc lỗi, thầy giáo nhìn cậu với một nụ cười thoáng qua trên gương mặt và nói: “Giờ, hãy nói cho ta nghe, cháu đã học được điều gì.” Và chỉ sau đó ông mới cho Tom vài lời khuyên để chơi đoạn nhạc dễ dàng hơn.
Sau đó, Tom đã độc tấu rất hoàn hảo trong cuộc thi, và sáu năm sau, tại Học viện Âm nhạc Cleveland, Tom đã tham gia biểu diễn trong Dàn nhạc giao hưởng Cleveland hai năm liền.
Sau một buổi biểu diễn, nghệ sĩ vĩ cầm huyền thoại Isaac Stern từng bị một người phụ nữ trung tuổi đe dọa: “Ồ, nếu tôi dành cả đời luyện tập thì cũng chơi được như ông!”. Stern gay gắt đáp lại:
“Thưa quý bà, tôi đã làm như vậy đó!”
QUYẾT TÂM TRỞ THÀNH NGHỆ SĨ BẰNG MỌI GIÁ
Vào thập niên 1970, Wyland là nghệ sĩ cổ điển nghèo khó. Ông đã dành tất cả tài sản, thời gian, công sức cho ước mơ của mình. Ông vẽ tranh kiếm tiền. Ông lập một triển lãm nghệ thuật tại trường cấp ba ở địa phương và bán những bức tranh đầu tiên của mình chỉ với giá 35 đô la. Ông biết rằng cách duy nhất để tiếp tục phát triển là phải kiếm đủ tiền mua các dụng cụ cần thiết.
Rồi một ngày, thời khắc quyết định đã đến với chàng nghệ sĩ trẻ, mẹ Wyland gọi ông đến bảo: “Nghệ thuật chỉ là một sở thích chứ không phải là công việc thực sự. Hãy đi kiếm việc làm đi.” Ngày hôm sau, mẹ đưa ông tới một công ty giới thiệu việc làm Detroit. Nhưng Wyland liên tiếp bị sa thải ba lần liền trong vòng ba ngày khi làm ba việc khác nhau. Ông không thể làm những công việc chán ngắt tại các nhà máy - ông muốn được vẽ và sáng tạo. Một tuần sau, ông dựng studio trong tầng hầm và làm việc cả ngày lẫn đêm. Cuối cùng, ông cũng cho ra đời được một tác phẩm giúp ông đoạt được học bổng tại trường nghệ thuật Detroit.
Wyland vẽ mọi lúc có thể. Và ông cũng định bán đi một số bức tranh, nhưng chẳng bán được bức nào trong hàng năm trời. Nhưng vì ông đã xác định rõ rằng nghệ thuật là thứ duy nhất ông muốn theo đuổi, nên ông vẫn tiếp tục làm việc và mài giũa tài năng.
Một ngày nọ, Wyland nhận ra rằng ông phải đến nơi những nghệ sĩ khác đã phát triển, nơi những ý tưởng mới ra đời. Số phận của ông là trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng ở Laguna Beach, California. Cùng với giấc mơ cháy bỏng của mình, ông rời đến một studio nhỏ, chật hẹp để sống và làm việc trong những năm sau đó. Cuối cùng, ông cũng được mời tham dự một đại hội nghệ thuật, nơi ông có thể nói về công việc của mình và tiếp xúc với các nhà sưu tầm. Sau đó không lâu, các phòng trưng bày ở Hawaii phát hiện ra ông nhưng thường bán các tác phẩm mà không trả tiền cho ông, viện cớ rằng chi phí trưng bày rất cao. Giận dữ, thất vọng khi những tác phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết được bán với giá cao mà bản thân mình thì không nhận được một đồng nào, Wylan nhận ra rằng ông cần phải mở một phòng trưng bày riêng. Tại phòng triển lãm đó, ông có thể quản lý việc kinh doanh các tác phẩm của mình - từ việc những bức tranh được đóng khung và treo thế nào, tới việc chúng được bán ra sao, bán cho ai. Sau 26 năm mở phòng trưng bày đầu tiên ở Laguna Beach, ông đã sáng tác tới 1000 tác phẩm mỗi năm (một trong số đó được bán với giá lên tới 200.000 đô la), cộng tác với Disney, sở hữu bốn căn nhà tại Hawaii, California, Florida và tận hưởng cuộc sống mà ông hằng mơ ước.
Có lẽ giống như Wyland, bạn cũng muốn biến niềm đam mê thành sự nghiệp của mình. Bạn có thể sẽ thành công rực rỡ khi làm những việc mà mình yêu thích nếu sẵn sàng đầu tư cho nó. “Lúc ban đầu, giống như bao người khác, bạn sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng không có gì tuyệt vời hơn là đạt được thành công trong chính những lĩnh vực bạn yêu thích.” Wyland nói.
DÙ BẠN PHẢI GÁNH CHỊU HI SINH, MẤT MÁT
Năm 1987, chàng trai trẻ John Assaraf chuyển từ Toronto, Ontario tới Indianapolis, Indiana, để trở thành cộng sự của công ty kinh doanh bất động sản mới thành lập RE/MAX. John sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn.
Trong khi đồng nghiệp của anh ra quán bar uống bia, thì John vẫn tiếp tục làm việc để thực hiện ý định thuyết phục các văn phòng kinh doanh bất động sản gia nhập vào hệ thống của RE/MAX. John đã tới ít nhất năm đại lý bất động sản trong vòng năm ngày.
Ban đầu, mọi người cười nhạo John ngay tại văn phòng của họ. Làm sao họ có thể từ bỏ một phần thu nhập hiện có và danh tiếng của mình để gia nhập với một công ty non trẻ, đã từng hai lần thất bại chứ? Nhưng John rất say đắm với ước mơ của mình. Với nhiệt huyết, anh thậm chí còn muốn kết nạp cả văn phòng bất động sản số một của bang Indiana lúc bấy giờ. Mọi người nghĩ rằng John là một kẻ dở hơi. Nhưng anh vẫn kiên định, và chỉ năm năm sau, anh và các cộng sự đã đưa doanh thu của công ty lên tới trên một tỉ đô la và trở thành công ty đứng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Ngày nay, RE/MAX đã có tới 1500 đối tác kinh doanh và tạo ra doanh thu mỗi năm lên tới trên bốn tỉ đô la, cùng với hơn 100 triệu đô la tiền hoa hồng.
Ngày nay, John có được thu nhập khá cao từ tiền lãi của công ty tại Indiana. Anh sống ở miền Nam California, dành thời gian của mình cho hai con trai, theo đuổi thú vui kinh doanh, viết sách và truyền đạt công thức thành công của mình cho mọi người.
ĐẦU TƯ THỜI GIAN
Một phần giá phải trả cho thành công là tinh thần sẵn sàng thực hiện bất kì nhiệm vụ cần thiết nào để hoàn thành công việc. Tinh thần đó tới từ tuyên bố bạn sẵn lòng hoàn thành công việc dù phải thực hiện những nhiệm vụ gì, phải trải qua bao lâu, và phải bất chấp điều gì sẽ xảy tới. Bạn không được viện dẫn bất kì lý do nào cả - chỉ có hiệu quả và kết quả xuất sắc mới được kể tới. Hãy xem xét những sự kiện sau:
• Michael Crichton là người sáng lập ra các chương trình truyền hình ER và đã từng giành giải thưởng Emmy và Peabody. Những cuốn sách ông viết đã bán được hơn 100 triệu bản trên 30 ngôn ngữ khác nhau, và 12 cuốn trong số đó đã được dựng thành phim, trong đó 7 bộ phim do chính ông đạo diễn. Những cuốn sách và bộ phim của ông gồm có Jurassic Park (Công viên kỷ Jura), The Andromeda Strain, Congo, Twister, Westworld. Ông là người duy nhất cùng một lúc là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất, bộ phim ăn khách nhất và chương trình truyền hình hay nhất tại Mỹ. Mặc dù có tài năng bẩm sinh, song Michael vẫn nói: “Người ta không viết sách - mà viết lại thành sách… Đây là một trong những sự thật khó chấp nhận nhất.”
• Ernest Hemingway đã viết đi viết lại 39 lần cuốn Giã từ vũ khí. Quyết tâm đạt tới sự hoàn hảo cuối cùng đã giúp ông giành được giải thưởng Pulitzer và giải thưởng Nobel văn học.
• M. Scott Pech chỉ nhận được 5.000 đô la ứng trước cho tác phẩm The Road Less Travelled; tuy nhiên, ông sẵn sàng chấp nhận trả giá cho ước mơ của mình. Trong năm đầu tiên khi cuốn sách được xuất bản, ông đã tham gia vào 1.000 chương trình phỏng vấn trên đài để quảng cáo cho cuốn sách. Ông tiếp tục thực hiện ít nhất một cuộc phỏng vấn mỗi ngày trong 12 năm tiếp theo, nhờ đó, cuốn sách đã giữ được vị trí trong danh sách Những cuốn sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn trong hơn 540 tuần (đây được ghi nhận là một kỷ lục) và bán ra hơn 10 triệu bản với hơn 20 ngôn ngữ khác nhau.
Tài năng chỉ đáng giá như hạt muối. Điểm khác nhau giữa một cá nhân có khả năng và một người thành đạt chính là khối lượng công việc vất vả.
STEPHEN KING
Tác giả của hơn 40 cuốn sách bán chạy nhất, rất nhiều trong số này đã được chuyển thể thành phim
ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ CẦN BIẾT TỰ TẠO ĐỘNG LỰC
Khi một tên lửa của NASA được phóng lên tại Cape Canaveral, nó sử dụng một phần lớn trong tổng lượng nhiên liệu chỉ để chiến thắng lực hút của trái đất. Sau khi đã vượt qua được trọng lực, tên lửa sẽ dễ dàng bay ngoài vũ trụ tới hết cuộc hành trình. Tương tự như vậy, một vận động viên nghiệp dư thường tham gia những ngày tập luyện dài với luật lệ nghiêm khắc trong vòng nhiều năm liền. Tuy nhiên, sau khi giành huy chương vàng hay một chức vô địch thế giới, những lời đề nghị làm người đại diện, phát ngôn, quảng cáo hay các cơ hội kinh doanh khác thường ập tới, cho phép họ được thư thả hơn một chút và tận dụng thành quả của những động lực luyện tập trước đây.
Cũng giống như hai trường hợp trên, dù làm việc cho bất kì một ngành hay một công ty nào, sau khi bạn đã chấp nhận hi sinh, khó khăn để được mọi người biết tới như một chuyên gia, một người trung thực, làm việc có hiệu quả và đúng giờ, bạn sẽ được gặt hái thành quả trong suốt phần đời còn lại. Khi tôi bắt đầu tham gia làm diễn giả, chưa ai từng biết tới tên tuổi tôi. Tôi càng tham gia nhiều hội thảo, càng diễn thuyết nhiều về những điều khách hàng mong muốn được nghe, danh tiếng của tôi càng lớn. Tôi có một tập tài liệu chứa đầy những bức thư khen ngợi, và hồ sơ ghi chép những thành tựu đạt được trong nhiều năm. Đối với việc viết sách cũng vậy. Tôi phải mất nhiều năm mới thành thục và viết ra những cuốn sách hay.
Nếu bạn tham gia vào ngành marketing, bạn phải đầu tư vô khối thời gian ban đầu trong khi không được nhận những gì xứng đáng với công sức bỏ ra. Bạn có thể phải làm việc trong hàng tháng trời mà không thu về một đồng nào song cuối cùng những nỗ lực của bạn sẽ đem lại hiệu quả, và cuối cùng bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn chính bạn nghĩ khả năng của mình có thể đem lại.
Tự tạo động lực là một phần quan trọng trong quy trình thành công. Thực tế, những người thành đạt hiểu rằng nếu bạn sẵn sàng chấp nhận trả giá ngay từ đầu, bạn có thể được hưởng thành quả từ những lợi ích trong suốt những năm về sau.
VƯỢT QUA GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN
Nhà tư vấn kinh doanh Marshall Thurber từng nói: “Bất kì mọi việc xứng đáng được thực hiện tốt cũng đáng được làm không tốt khi mới bắt đầu.” Bạn còn nhớ khi lần đầu học lái xe, đi xe đạp, chơi một nhạc cụ, hay một môn thể thao không? Bạn hiểu rằng mình sẽ rất vụng về những lúc đầu. Bạn mặc định rằng sự vụng về đó là một phần yêu cầu của quá trình học hỏi kỹ năng mới.
Không ngạc nhiên, sự vụng về ban đầu này xuất hiện trong tất cả mọi việc bạn theo đuổi, do vậy bạn cần sẵn sàng vượt qua giai đoạn đó thì mới thành tài được. Trẻ con thường tự cho phép mình như vậy. Tuy nhiên, đáng buồn thay, chúng ta lớn lên, chúng ta thường lo sợ khi mắc lỗi tới mức không cho phép mình được vụng về, vì thế, chúng ta không học được cách học của bọn trẻ. Chúng ta sợ sẽ làm sai.
Tôi không học trượt tuyết cho tới khi tôi 40 tuổi, và mới đầu, tôi hoàn toàn không giỏi gì môn này. Dần dần, qua các bài học, tôi trượt khá hơn. Tôi không chơi piano tới khi tôi đã 58 tuổi, và tôi đã phải học rất lâu mới chơi hay được.
Thậm chí trong lần đầu tiên hôn một cô gái, tôi cũng rất vụng về. Tuy nhiên, để học được một kỹ năng mới, hay trở nên thành thạo hơn trong bất kì việc gì bạn muốn, bạn cũng phải chấp nhận đối mặt với cảm giác tự thấy mình ngu ngốc trong một thời gian.
TÌM RA CÁI GIÁ BẠN PHẢI TRẢ
Dĩ nhiên, nếu bạn không biết được cái giá mình phải trả là gì, bạn sẽ không thể quyết định có chấp nhận trả giá hay không. Đôi khi, bước đầu tiên cần làm là khám phá những việc cần thực hiện để đạt được mục tiêu mong muốn.
Chẳng hạn, rất nhiều người - có lẽ trong đó có cả bạn - nói họ muốn sở hữu một chiếc du thuyền. Nhưng đã bao giờ bạn tìm hiểu xem mình cần có bao nhiêu tiền để mua một chiếc… hay tiền thuê chỗ tại bến cảng là bao nhiêu… hoặc tiền bảo dưỡng, nhiên liệu, bảo hiểm hàng tháng là bao nhiêu chưa? Bạn cần tìm hiểu xem những người khác phải trả giá thế nào để đạt được những ước mơ như bạn. Bạn có thể muốn liệt kê ra một vài người đã từng thực hiện những điều bạn mong muốn và hỏi họ xem họ đã phải hi sinh những gì trên con đường thực hiện mục tiêu đó.
Bạn có thể khám phá ra bạn không sẵn lòng chấp nhận trả một số giá trong đó. Bạn có thể không muốn mạo hiểm đánh mất đi sức khỏe, phá hỏng những mối quan hệ, hay đánh cược khoản tiền tiết kiệm cả đời mình cho một mục tiêu nào đó. Bạn cần xem xét mọi khía cạnh. Công việc mơ ước đó có thể không đáng để bạn phá hỏng hôn nhân, rời xa con cái hay đánh mất cân bằng cuộc sống. Chỉ có bản thân bạn mới quyết định được điều gì phù hợp và đâu là cái giá bạn sẵn lòng chấp nhận. Có thể điều bạn mong muốn không đem lại lợi ích cho bạn về lâu dài. Song nếu có, thì hãy tìm hiểu xem bạn cần làm gì, và sau đó sẵn sàng hành động.