Con người luôn là những gì họ nghĩ về mình.
JAMES ALLEN
Tác giả cuốn sách As a Man Thinketh
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình mỗi ngày một người - bao gồm cả bạn - tự nói chuyện với mình khoảng 50.000 lần. Hầu hết trong số này là tự nói về bản thân mình. Theo nhiều nhà nghiên cứu tâm lý học, khoảng 80% số đó là những suy nghĩ tiêu cực như: Đáng ra tôi không nên nói… Họ không thích mình… Tôi sẽ chẳng thể kéo nó ra được… Tôi không thích kiểu tóc của mình hôm nay… Đội bạn sẽ “nuốt chửng” đội mình… Tôi không biết khiêu vũ… Tôi trượt băng rất tồi… Tôi không có khả năng diễn thuyết… Tôi không là người ngăn nắp… Tôi luôn luôn đến trễ.
Hãy biện hộ cho những nhược điểm của bạn, nhưng phải chắc chắn rằng chúng là của bạn.
RICHARD BACH
Tác giả cuốn Jonathan Livingston Seagull
Từ nghiên cứu trên chúng ta có thể thấy suy nghĩ có ảnh hưởng rất lớn tới bản thân mỗi người. Chúng tác động lên quan điểm, tâm lý, động lực hành động. Thực sự thì những suy nghĩ tiêu cực có thể điều khiển các hoạt động của chúng ta. Chúng khiến chúng ta nói lắp, làm đổ nước, phát ban, thở dốc, hoảng sợ - hay thậm chí còn kinh khủng hơn là khiến chúng ta ngất đi hay giết chết chúng ta.
SỢ HÃI ĐẾN CHẾT
Nick Sitzman là một công nhân trẻ chăm chỉ, khỏe mạnh và đầy tham vọng ở một ga đường sắt. Anh ta nổi tiếng là một người siêng năng, có người vợ tuyệt vời, hai con và rất nhiều bạn bè.
Vào một ngày hè, nhân viên trong ga được thông báo họ sẽ nghỉ sớm một tiếng để dự sinh nhật của quản đốc. Khi đang kiểm tra chiếc xe cuối cùng, Nick đột ngột bị nhốt vào trong thùng xe đông lạnh. Nhận thấy mọi người đều đã rời khỏi đó, Nick bắt đầu hoảng sợ.
Anh đấm mạnh vào thùng xe và gào thét cho tới khi giọng khàn đi và tay ứa máu. Với kiến thức của mình, anh đoán nhiệt độ trong thùng xe chỉ là không độ. Nick nghĩ: Nếu mình không ra được khỏi đây, mình sẽ chết cóng. Muốn cho vợ con biết chuyện gì đã xảy ra, Nick lấy một con dao và khắc chữ lên chiếc sàn gỗ. Anh viết: “Anh lạnh quá, người anh đang tê cóng. Nếu anh thiếp đi thì có lẽ đây sẽ là những lời cuối cùng anh viết cho em.”
Sáng hôm sau, người ta mở cửa chiếc thùng xe ra và tìm thấy thi thể của Nick. Cuộc khám nghiệm tử thi sau đó đã không tìm thấy dấu hiệu nào chứng tỏ Nick đã chết cóng. Bộ phận làm lạnh trong thùng xe đã không hoạt động và nhiệt độ trong đó vào khoảng 130oC. Nick đã tự hại mình bởi Sức mạnh của suy nghĩ.1
1 Trích từ sách The speaker’s Sourcebook, tác giả: Glen Van Ekeren (Englewood- Cliff, N.J.: Prentice-Hall, 1988).
Bạn cũng như vậy. Nếu bạn không cẩn thận, những suy nghĩ tiêu cực có thể giết chết bạn - không nhanh chóng như Nick, nhưng sẽ từ từ, ngày qua ngày, từng bước một cho tới khi bạn mất hết những khả năng để đạt tới ước mơ của mình.
SUY NGHĨ TIÊU CỰC ẢNH HƯỞNG TỚI PHẢN ỨNG CỦA CƠ THỂ
Chúng ta đều biết rằng, máy kiểm tra nói dối sẽ đo những phản ứng của cơ thể với những suy nghĩ của người được kiểm tra - thay đổi nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, độ căng của cơ, và lượng mồ hôi ở tay. Khi bạn được kết nối với máy kiểm tra nói dối và được hỏi những câu như: “Anh có lấy số tiền đó không?”, tay bạn sẽ lạnh hơn và đổ mồ hôi, tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng, thở gấp hơn, các cơ co mạnh hơn nếu bạn thực sự lấy cắp tiền và chống chế về việc đó. Những phản ứng này không chỉ xuất hiện khi bạn nói dối mà xảy ra tương ứng với mọi suy nghĩ của bạn. Tất cả các bộ phận trong cơ thể đều bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ của bạn.
Suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng xấu tới những phản ứng của cơ thể - bạn yếu đuối đi, đổ mồ hôi, bồn chồn, lo lắng. Ngược lại, những suy nghĩ tích cực sẽ khiến cơ thể bạn có những phản ứng tốt: khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn, tập trung và lanh lợi hơn. Những suy nghĩ tích cực sẽ làm xuất hiện endorphin trong não bộ, giúp giảm những cảm giác không tốt và tăng sự thoải mái.
NÓI CHUYỆN VỚI CHÍNH MÌNH GIỐNG NHƯ NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Hiện tại, bạn đang ở nơi mà những suy nghĩ đưa bạn tới và ngày mai bạn sẽ đến nơi mà suy nghĩ của bạn dẫn đường.
JAMES ALLEN
Tác giả cuốn sách As a Man Thinketh
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể học được cách nói chuyện với mình với tư cách của người chiến thắng chứ không phải kẻ bại trận. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể thay thế những suy nghĩ tiêu cực về bản thân thành những suy nghĩ tích cực? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn gạt đi những suy nghĩ rằng mình kém cỏi và thay bằng những suy nghĩ về khả năng vô hạn của bản thân? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn luôn nghĩ một cách đầy quyền lực chứ không phải ở vị trí của kẻ bị sai bảo? Và điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể biến “nhà phê bình” bên trong bạn thành một “huấn luyện viên” có thể khích lệ bạn, giúp bạn tự tin mỗi lần phải đối mặt với tình huống khó khăn, nguy hiểm? Tất cả đều là có thể khi bạn dám tin, tập trung và dám hành động.
ĐẨY LÙI NHỮNG SUY NGHĨ TIÊU CỰC
Nhà tâm lý học Daniel G. Amen đã gọi những suy nghĩ hạn chế trong chúng ta là ANTs (Automatic Negative Thoughts) - những suy nghĩ tiêu cực tự động. Cũng giống như những chú kiến trong cuộc hành trình của mình, ANTs có thể lấy mất đi những kinh nghiệm của bạn. Tiến sĩ Amen khuyên bạn nên học cách đẩy lùi ANTs.1 Trước tiên, bạn phải nhận ra chúng; tiếp đó, bạn cần làm lung lay những suy nghĩ đó, tống khứ dần chúng ra khỏi đầu và thay thế bằng những suy nghĩ tích cực.
1 Đọc Change Your Brain, Change Your Life của Daniel G. Amen, M. D. (New York: Three Rivers Press, 1998) để sáng tỏ hơn về cách sử dụng chiến lược não tương hợp giúp vượt qua lo lắng, chán nản, giận dữ và hấp tấp… - tất cả những điều có thể ngăn cản bạn đạt tới thành công. Những trang tiếp theo viết về cách đẩy lùi ANTs dựa vào ý kiến của tiến sỹ Amen.
Đừng tin vào mọi điều bạn nghe thấy - ngay cả khi nó vọng ra từ trong đầu bạn.
DANIEL G. AMEN, M. D.
Nhà tâm lý học, nhà tâm thần học, chuyên ngành về hội chứng thiếu tập trung
Điều quyết định thành công trong việc đối phó với những suy nghĩ tiêu cực là bạn cần nhận ra rằng liệu cuối cùng bạn có chịu trách nhiệm về những suy nghĩ của mình hay không. Bởi vì những gì bạn nghĩ hay nghe thấy chưa chắc đã là sự thật.
Bạn luôn luôn tự hỏi rằng: Những suy nghĩ này liệu có giúp ích gì cho mình hay không? Những suy nghĩ này liệu có đưa mình tiến gần hơn tới đích hay sẽ đẩy mình ra xa hơn? Những suy nghĩ này sẽ là động lực để hành động hay chỉ kìm hãm mình bởi sợ hãi và hoài nghi? Bạn cần phải “cãi lại” những suy nghĩ không dẫn bạn tới thành công và hạnh phúc.
Để phản đối những suy nghĩ tiêu cực, bạn cần phải nhận ra chúng. Anh bạn Doug Bench của tôi - tác giả cuốn Mastery of Advanced Achievement Home Study Course - dạy cách viết ra giấy tất cả những suy nghĩ tiêu cực của bạn hoặc bạn nghe từ người khác và nói to chúng trong vòng ba ngày? (Đảm bảo rằng hai trong số ba ngày là ngày làm việc, còn một ngày là ngày nghỉ.) Đây là cách tốt nhất để tăng nhận thức về ANTs của bạn. Còn sau đây là một cách khác:
Yêu cầu vợ (chồng), con cái, đồng nghiệp, bạn cùng phòng nhân viên theo dõi bạn. Mỗi lần bạn nói ra một suy nghĩ tiêu cực, họ sẽ bắt bạn nộp phạt 1 đô la. Trong một hội thảo tôi tham dự, chúng ta phải nộp hai đô la vào hòm cho mỗi lần phàn nàn, thanh minh, đổ lỗi hay xem thường bản thân. Thật đáng kinh ngạc khi chiếc hòm nhanh chóng đầy tiền. Nhưng sau bốn ngày, những suy nghĩ tiêu cực ngày càng ít đi khi chúng tôi đã nhận biết và từ bỏ được các ANTs của mình trước khi nói ra chúng. (Bạn sẽ thực hiện bài tập này dễ hơn rất nhiều khi rủ thêm được người khác cùng tham gia với mình.)
CÁC HÌNH THỨC KHÁC NHAU CỦA SUY NGHĨ TIÊU CỰC (ANT)
Việc hiểu được các hình thức khác nhau của suy nghĩ tiêu cực là rất có ích. Khi bạn có thể nhận ra các kiểu suy nghĩ này, bạn sẽ thấy chúng rất vô lý và cần thiết bị loại bỏ. Sau đây là một số hình thức ANT thường gặp và cách thức đẩy lùi chúng.
Những suy nghĩ “luôn luôn hoặc không bao giờ”
Trong thực tế, không có gì là luôn luôn đúng hoặc không bao giờ đúng cả. Nếu bạn nghĩ rằng có những việc luôn xảy ra hay bạn không bao giờ đạt được điều mình mong muốn, thì có nghĩa bạn đã tự kết luận ngay khi bắt đầu hành động. Khi bạn sử dụng những từ như luôn luôn, không bao giờ, tất cả mọi người, không ai, mọi lúc, hay mọi thứ, thì suy nghĩ của bạn là sai lầm. Dưới đây là một số ví dụ về các suy nghĩ “luôn luôn hoặc không bao giờ”:
Tôi sẽ chẳng bao giờ được tăng lương.
Tất cả mọi người đang lợi dụng tôi.
Nhân viên không bao giờ tuân lệnh tôi.
Chẳng khi nào tôi có thời gian cho riêng mình cả.
Họ luôn lấy tôi ra làm trò cười.
Tôi không lúc nào được nghỉ ngơi.
Không ai cho phép tôi nghỉ ngơi.
Bất cứ lúc nào mạo hiểm tôi đều thất bại.
Chẳng ai thèm quan tâm tôi sống hay chết nữa.
Khi bạn thấy mình đang suy nghĩ theo hướng “luôn luôn hoặc không bao giờ”, hãy thay thế chúng bằng những điều chính xác nhất. Ví dụ, Đừng nói rằng Anh luôn luôn lợi dụng tôi, mà hãy nghĩ Tôi phát cáu mỗi khi anh lợi dụng tôi, nhưng tôi biết rằng trước đây anh đã đối xử tốt với tôi. Và tôi nghĩ trong tương lai, anh cũng sẽ làm như vậy.
Tập trung vào những điều tiêu cực.
Một số người thường chỉ tập trung vào những điều tồi tệ mà không bao giờ nghĩ tới những tình huống tốt đẹp. Khi tôi còn hướng dẫn một khóa tập huấn cho giáo viên trung học. Tôi nhận thấy rằng hầu hết họ đều nghĩ tới những điều tiêu cực. Nếu một giáo viên dạy một lớp có 30 học sinh, nhưng có bốn học sinh không tập trung vào bài giảng, họ sẽ chỉ nghĩ tới bốn em đó và cảm thấy chán nản mà không hề nghĩ tới 26 học trò còn lại để cảm thấy mọi việc tốt đẹp hơn.
Hãy học cách nhìn mọi việc theo hướng tích cực. Nó không những sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn mà còn là một bộ phận quan trọng cấu thành nên thành công của bạn. Mới đây, một người bạn đã kể lại cho tôi nghe cuộc phỏng vấn một triệu phú mà ông xem trên truyền hình. Ông nói rằng sự nghiệp của mình đã thay đổi sau buổi sáng ông yêu cầu nhân viên kể lại những điều tốt đẹp nhất trong tuần. Ban đầu, những gì ông nghe thấy chỉ là những lời phàn nàn, chỉ trích và vấn đề khó khăn. Cuối cùng, một nhân viên đã nói về việc người giao nhận của UPS mới chuyển cho anh một bưu kiện. Trong bưu kiện đó ghi rằng anh đã được nhận vào một trường đại học. Anh sẽ quay lại trường học và có được một bằng cử nhân. Anh nhân viên đó rất phấn khởi về tương lai của mình. Anh cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để anh đạt được ước mơ trong cuộc đời. Dần dần, các nhân viên khác cũng chia sẻ sự lạc quan của mình. Không lâu sau, việc này trở thành một chủ đề của các cuộc họp trong công ty. Các cuộc họp này đều kết thúc sau khi mọi suy nghĩ tích cực được nói hết ra. Quan điểm tập trung của công ty chuyển từ việc hướng về những điều tiêu cực sang những việc tốt đẹp, tích cực. Từ đó, công việc kinh doanh “cất cánh” và phát triển tốt đẹp.
Hãy cùng chơi trò chơi “những điều tốt đẹp.” Hãy tìm kiếm những điều tốt đẹp trong mọi tình huống của cuộc sống. Khi bạn luôn hướng về những điều tích cực, bạn sẽ lạc quan và tự tin hơn. Đây là hai điều kiện cần thiết để bạn đạt được ước mơ của mình. Hãy luôn tìm kiếm những điều tốt đẹp.
Vợ tôi mới gặp một tai nạn ô tô. Cô ấy lái xe qua ngã tư lúc hệ thống đèn giao thông không hoạt động do mất điện nên đụng phải một chiếc xe đi ra từ phía tay phải. Cô ấy có thể đã chìm trong những suy nghĩ tiêu cực như Điều gì đang xảy ra với mình thế này? Đáng lẽ mình nên lái xe tập trung hơn. Mình đã không nên lái quá nhanh khi đèn đỏ hỏng. Nhưng cô ấy đã không suy nghĩ như vậy, cô ấy luôn có những suy nghĩ tích cực: Thật may khi mình vẫn còn sống và không bị thương quá nặng. Người kia cũng không sao. Cảm ơn Chúa bởi chiếc xe của mình thật an toàn. Mình rất vui khi cảnh sát đã đến nơi đúng lúc. Thật ngạc nhiên khi có nhiều người đến giúp như vậy.
Một bài tập tốt giúp bạn có thể tạo dựng những suy nghĩ tích cực là hãy dành ra mỗi sáng bảy phút để viết lại tất cả những điều bạn đánh giá cao trong cuộc sống. Tôi khuyên bạn nên đưa việc này vào thời gian biểu trong quãng đời còn lại. Tuy nhiên, nếu bạn thấy như vậy là không cần thiết, hãy thực hành nó trong vòng 30 tới 40 ngày. Bạn sẽ thấy cách nhìn nhận thế giới này của mình hoàn toàn thay đổi.
Những dự đoán đen tối
Với những dự đoán đen tối, bạn sẽ nghĩ tới những viễn cảnh tồi tệ nhất xảy ra và sau đó hành động như thể đó là điều chắc chắn. Những dự đoán này có thể là dự báo rằng một khách hàng tiềm năng sẽ không thích sản phẩm của bạn, người con gái bạn theo đuổi sẽ từ chối lời mời ăn tối của bạn, sếp sẽ không tăng lương cho bạn, hay là bạn đang đi trên chiếc máy bay sắp gặp tai nạn. Hãy thay suy nghĩ “Cô ấy chắc chắn sẽ cười nhạo mình nếu mình hẹn hai đứa đi chơi.” bằng cách nghĩ “Mình không biết cô ấy sẽ phản ứng thế nào nữa. Có thể cô ấy sẽ đồng ý.”
Đọc được suy nghĩ
Bạn nghĩ mình đọc được suy nghĩ của người khác khi bạn tin rằng mình biết người khác nghĩ gì dù cho họ không nói ra. Bạn nghĩ mình đọc được suy nghĩ khi trong đầu bạn xuất hiện những câu như Anh ta phát điên vì tôi đã… Cô ta không thích tôi… Anh ta sẽ nói không… Ông ấy sẽ sa thải mình. Hãy thay thế những suy nghĩ đó bằng Tôi không thể biết được anh ta đang nghĩ gì nếu không hỏi. Có thể chỉ là do anh ta đã có một ngày tồi tệ.
Hãy nhớ rằng, bạn không thể nhìn thấu suy nghĩ của người khác trừ khi bạn là một thầy bói ở California. Bạn không thể biết được mọi người đang nghĩ gì trừ khi họ nói với bạn hoặc bạn hỏi họ. Hãy kiểm tra những giả thiết của bạn bằng các câu hỏi. “Tôi cảm thấy hình như anh đang rất giận tôi phải không?” Tôi thường dùng câu thành ngữ “nếu nghi ngờ, hãy thử kiểm tra” để luôn nhắc nhở mình trong những trường hợp như thế này.
Cảm giác tội lỗi
Cảm giác tội lỗi xuất hiện khi bạn sử dụng những từ như nên, phải, cần phải. Sau đây là một vài ví dụ: Tôi nên dành nhiều thời gian hơn để làm bài tập… Tôi nên dành nhiều thời gian hơn cho lũ trẻ… Tôi cần có nhiều thử thách hơn. Mỗi khi chúng ta cảm thấy nên làm điều gì đó, chúng ta sẽ tự hình thành tâm lý không muốn thực hiện.
Sẽ tốt hơn nếu bạn thay vì sử dụng các từ chỉ cảm giác tội lỗi bằng các cụm từ như: Tôi muốn… Tôi đặt ra mục tiêu là… Sẽ là khôn ngoan nếu… Mục tiêu lớn nhất của tôi là… Cảm giác tội lỗi không bao giờ mang lại hiệu quả. Chúng sẽ chắn ngang đường tới thành công của bạn. Vì vậy, hãy từ bỏ những cảm xúc đó.
“Nhãn hiệu xấu xa”
“Nhãn hiệu xấu xa” là việc bạn gắn cho chính mình, hoặc người khác một hình ảnh tiêu cực. Điều này có thể khiến bạn không có đủ tỉnh táo để hành động một cách hiệu quả. Một số “nhãn hiệu xấu xa” có thể gặp như Kẻ ngốc nghếch, kẻ ngu xuẩn, kẻ kiêu căng hay người tắc trách. Khi bạn sử dụng những thuật ngữ này, bạn sẽ tự cho mình hoặc người khác là những kẻ ngốc. Khi đó, bạn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với các tình huống gặp phải. Hãy thay suy nghĩ: Tôi thật ngu ngốc bằng suy nghĩ: Có thể tôi đã không đủ sáng suốt vào lúc đó nhưng tôi vẫn là một người khôn ngoan.
Mọi ý nghĩa cuộc sống đều do chính chúng ta tạo nên.
VIRGINIA SATIR
Bác sĩ tâm lý nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực điều trị tâm lý cuộc sống gia đình
Cách nhìn chủ quan
Bạn có một cách nhìn chủ quan khi xem xét một tình huống ngẫu nhiên theo quan điểm cá nhân. Kevin không gọi lại. Chắc chắn anh ta đang giận mình. Hay chúng ta đã đánh mất khách hàng Vanderbilt. Đây là do sai lầm của tôi. Đáng lẽ tôi nên dành nhiều thời gian hơn cho họ. Thực ra có rất nhiều cách giải thích khác cho hành động của một người, chứ không chỉ theo những suy nghĩ tiêu cực của bạn. Ví dụ, Kevin không gọi điện lại là do anh ấy bị ốm, đi xa, hoặc có việc gì bận. Bạn không bao giờ biết chắc được lý do cho những việc làm của người khác.
BIẾN “NHÀ PHÊ BÌNH” TRONG BẠN TRỞ THÀNH “HUẤN LUYỆN VIÊN” CHO MÌNH
Một việc làm rất hữu ích là hãy biến nhà phê bình bên trong bạn trở thành người thầy có thể giảng giải toàn bộ sự thật. (Xem Nguyên tắc 29 “Hoàn thành quá khứ để tiến tới tương lai”) Để có thể biến “nhà phê bình” thành huấn luyện viên cho mình, bạn nhất thiết phải biết được nguyên tắc cơ bản sau: Hầu hết các lời tự phê bình và tự nhận xét đều xuất phát từ cảm xúc, tình yêu. Con người bên trong này mong muốn bạn có được những điều tốt đẹp nhất. Cũng giống như cha mẹ, “nhà phê bình” bên trong luôn muốn tốt cho bạn nên mới chỉ trích bạn. Nó muốn bạn hành động đúng đắn hơn để được lợi nhiều hơn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ “nhà phê bình” này chỉ nói đúng một phần sự thật.
Khi còn trẻ con, có lẽ đã có lần bạn bị bố mẹ mắng và nhốt trong phòng sau mỗi lần bạn làm điều gì đó ngu ngốc như chạy ngang qua đầu ô tô. Thông điệp thực sự của họ là “Bố mẹ yêu con. Bố mẹ không muốn con bị tai nạn. Bố mẹ muốn được nhìn thấy con sống, khỏe mạnh, hạnh phúc và trưởng thành.” Nhưng họ chỉ gửi đi được một phần của thông điệp đó. “Con bị làm sao vậy? Đầu óc con có vấn đề à? Con không biết làm gì khác ngoài việc chạy ra ngoài đường đầy xe cộ vào buổi sáng à? Con sẽ bị nhốt trong một giờ. Lên phòng ngay và suy nghĩ về những việc mình vừa làm.” Sợ hãi rằng bạn bị nguy hiểm khiến họ chỉ có thể diễn tả được sự tức giận của mình. Nhưng đằng sau nỗi cáu giận đó còn có ba lời nhắn khác không được chuyển tới bạn: nỗi sợ hãi, lời yêu cầu và tình yêu. Thông điệp đầy đủ có lẽ phải là:
Sự tức giận: Bố mẹ phát điên lên vì con chạy ra đường mà không chịu nhìn xe cộ qua lại.
Nỗi sợ hãi: Bố mẹ sợ con bị thương hay thậm chí là mất con mãi mãi.
Yêu cầu: Bố mẹ muốn con chú ý hơn khi chơi ngoài phố. Dừng lại và nhìn mọi hướng trước khi con băng qua đường.
Tình yêu: Bố mẹ yêu con rất nhiều. Bố mẹ không muốn sống thiếu con. Con là điều quý giá nhất trên cuộc đời này. Bố mẹ muốn con an toàn và khỏe mạnh. Con xứng đáng được hưởng một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Con có hiểu điều này không?
Điều khác tôi muốn nói ở đây là “nhà phê bình” bên trong sẽ đối xử với bạn hệt như vậy. Bạn có thể thực hành bài tập sau đây bằng cách viết ra giấy hoặc nói to với chính mình. Tôi thường tưởng tượng ra chính tôi đang ngồi đối diện và sau đó nói chuyện với chính mình.
Hãy lập một danh sách ghi lại tất cả những điều bạn nói khi bạn tự chỉ trích mình. Danh sách này bao gồm tất cả những việc mà bạn nghĩ mình nên làm nhưng lại không làm được. Sau đây là một ví dụ về danh sách như vậy:
∗ Anh cần tập thể dục nhiều hơn.
∗ Anh béo quá rồi.
∗ Anh nhìn chẳng khác gì một củ khoai tây.
∗ Anh uống quá nhiều rượu và ăn nhiều kẹo nữa.
∗ Anh nên giảm lượng cacbon-hydrat đưa vào trong cơ thể.
∗ Anh cần xem ít ti vi thôi và đi ngủ sớm hơn.
∗ Nếu anh dậy sớm, anh sẽ có nhiều thời gian để tập thể dục.
∗ Anh lười quá. Anh chẳng bao giờ hoàn thành những việc đang dang dở.
∗ Anh đã lập ra một chương trình nhưng chưa bao giờ thực hiện nó.
∗ Anh là kẻ vô trách nhiệm. Anh nói mà không làm.
Sau khi hoàn thành xong danh sách, bạn hãy thực hành “thông điệp bốn bước” như đã trình bày ở trên: [1] sự tức giận, [2] nỗi sợ hãi, [3] lời yêu cầu và [4] tình cảm. Hãy dành ít nhất một phút cho mỗi bước. Cần đảm bảo rằng bạn có một lời yêu cầu rõ ràng. Hãy nói chính xác những gì bạn muốn mình làm. “Tôi muốn anh có một chế độ ăn phù hợp hơn” quá chung chung. Bạn cần cụ thể hơn. Ví dụ như: “Anh cần ăn bốn đĩa rau mỗi ngày. Tôi muốn anh không tiếp tục ăn thịt rán Pháp và đồ tráng miệng ngọt sau bữa ăn. Anh nên ăn sáng bằng hoa quả. Anh cần phải ăn lúa mì hay gạo thay cho bột mì.” Bạn càng yêu cầu rõ ràng, hiệu quả của bài tập này sẽ càng cao. Nếu bạn thực hành bài tập này bằng cách nói to, tôi khuyên bạn nên bày tỏ càng nhiều cảm xúc càng tốt.
Sau đây là một ví dụ về cách sử dụng danh sách đánh giá trên:
Sự tức giận: Tôi rất bực mình khi anh chẳng chịu quan tâm đến sức khỏe của mình. Anh là một kẻ lười biếng? Anh uống rượu và ăn quá nhiều. Anh không hề có tính kỉ luật. Tất cả những gì anh làm chỉ là ngồi xem ti vi. Tôi không thể chịu nổi thói lười nhác này. Anh càng ngày càng trở nên béo ị. Quần áo thì chật hơn. Trông anh tệ hại quá mức. Tôi căm giận anh.
Nỗi sợ hãi: Nếu anh không thay đổi, anh sẽ ngày một béo hơn cho tới khi gặp các vấn đề về sức khỏe. Tôi e rằng nồng độ cholesterol trong máu tăng lên và anh sẽ mắc các bệnh tim mạch. Tôi lo rằng anh có thể bị tiểu đường. Tôi sợ rằng nếu không thay đổi, anh sẽ chết trẻ mất thôi. Điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ không thể hoàn thành các ước mơ còn dang dở. Nếu anh không có chế độ ăn tốt hơn, nếu tự anh không chú ý đến bản thân mình thì sẽ chẳng có ai quan tâm đến anh nữa. Anh có thể sẽ phải sống phần đời còn lại một mình.
Yêu cầu: Tôi muốn anh tham gia một câu lạc bộ thể hình và đi tập ba buổi mỗi tuần. Bốn ngày còn lại trong tuần, anh phải đi bộ mỗi ngày 20 phút. Tôi muốn anh giảm một giờ xem ti vi mỗi ngày và thay vào đó là các bài tập thể dục. Anh không nên ăn các món chiên, rán có nhiều mỡ mà nên ăn hoa quả, rau cỏ nhiều hơn. Anh cũng nên thay thế sô đa bằng nước lọc. Thêm vào đó, anh chỉ được uống rượu vào tối thứ Sáu và thứ Bảy.
Tình yêu: Tôi yêu anh. Tôi muốn anh được sống lâu. Tôi muốn anh có được các mối quan hệ tốt đẹp. Trông anh phải thanh lịch trong các bộ quần áo của mình. Anh xứng đáng với những ước mơ mà mình theo đuổi. Tôi muốn anh sống khỏe mạnh, ý nghĩa chứ không phải lúc nào cũng mệt mỏi, bơ phờ. Cuộc sống của anh phải thật tươi đẹp và anh đáng được tận hưởng từng giây phút đó. Anh phải được hạnh phúc.
Bất cứ khi nào con người bên trong chỉ trích bạn, bạn hãy đáp lại như sau: “Cảm ơn đã quan tâm tới tôi. Vậy anh sợ điều gì?... Anh muốn tôi làm gì?... Điều đó sẽ giúp ích gì cho tôi?... Cảm ơn.”
20 năm trước, sau khi thực hành bài tập “biến nhà phê bình thành nhà giáo của mình” thì cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi. Ngừng công việc tại một trường đào tạo, tôi chuyển sang làm tư vấn và chuyên gia diễn thuyết. Nhưng tôi thực sự muốn lập một trung tâm đào tạo riêng của mình, muốn đào tạo những người khác, muốn mở chi nhánh tại các thành phố khác và muốn công ty mình nổi tiếng trên toàn thế giới. Nhưng dường như đó là một nhiệm vụ bất khả thi và tôi sợ mình sẽ thất bại. Điều tồi tệ hơn nữa là tôi dần tự mất đi lòng can đảm để theo đuổi ước mơ này.
Sau khi hoàn thành bài tập trên, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Tôi nhận thấy rằng mình đã, đang và sẽ bỏ lỡ những gì nếu không chịu tiến bước. Tôi nói rõ với bản thân những việc cần làm. Những ngày sau đó, tôi lập một kế hoạch cho công ty của mình. Tôi hỏi vay mẹ mười ngàn đô la, đề nghị bạn bè cộng tác và thiết kế lô gô, phát các tờ rơi. Chưa đầy ba tháng sau, tôi được hướng dẫn lớp đào tạo của riêng mình đầu tiên tại St. Louis với hơn 200 người tham dự. Gần một năm sau đó, tôi đã mở văn phòng tại Los Angeles, St. Louis, Philadelphia, San Diego và San Francisco. Kể từ đó đã có hơn 40.000 người tham dự vào các chương trình đào tạo cuối tuần và dài hạn của tôi. Các chương trình đó bao gồm: “Tự tin và đỉnh cao thành tích,” “Tự tin trong lớp học,” “Sức mạnh của sự tập trung,” “Đào tạo người đào tạo,” “Làm việc theo cặp,” “Giàu có và thịnh vượng,” “Sống trong cuộc sống hằng mong ước,” và “Các nguyên tắc thành công.”
Bằng cách biến “nhà phê bình” bên trong thành “huấn luyện viên” cho riêng mình, tôi đã từ bỏ được cảm giác sợ hãi thất bại để dám hành động nhằm biến ước mơ thành hiện thực. Tôi từ một người chỉ biết cách ngăn cản bản thân tiến bước đã chuyển thành một người biết sử dụng các năng lực của mình để đạt tới những gì mong muốn.
Đừng để sự đơn giản bề ngoài của bài tập này đánh lừa bạn. Nó thực sự rất có ích. Nhưng cũng giống như các kỹ năng khác được trình bày trong cuốn sách này, bạn cần phải thực hành bài tập thì mới có thể thấy rõ công dụng của nó. Ngay bây giờ, hãy dành 20 phút để chuyển “nhà phê bình” thành “huấn luyện viên” trong bạn. Hãy tập trung tất cả những điểm mạnh của bạn, hòa quyện chúng với nhau, bạn sẽ tìm ra con đường đi tới ước mơ và khát vọng.
ĐỂ “NHÀ PHÊ BÌNH” TRONG BẠN IM LẶNG
Đã bao giờ bạn dạy một lớp học, có một bài phát biểu, thuyết trình về doanh thu tại công ty, tham gia một cuộc thi thể thao, chơi trong một buổi hòa nhạc, hay bất kì một việc nào tương tự… và trên đường về nhà bạn luôn thấy trong đầu mình có những ý nghĩ như: anh thật bối rối, đáng lẽ anh nên làm theo cách khác, đáng lẽ anh phải làm việc này tốt hơn rồi? Tôi chắc chắn là bạn đã từng có lúc như vậy. Nếu bạn để những suy nghĩ này ám ảnh mãi trong đầu, bạn sẽ bị mất tự tin, tổn thương lòng tự trọng, hay thậm chí là chán nản và bị tê liệt. Sau đây là một cách khác cũng rất hữu hiệu để chuyển những chỉ trích, phê bình này thành lời khuyên và động lực.
Hãy luôn nhớ rằng “nhà phê bình” trong bạn chỉ mong muốn bạn làm mọi việc tốt hơn thôi. Yêu cầu “nhà phê bình” đó dừng chỉ trích và trách móc bạn, nếu không bạn sẽ không nghe anh ta nói nữa. Nói với anh ta rằng bạn không sẵn sàng lắng nghe những lời hăm dọa, những lời nói khiến bạn nản chí, mà chỉ muốn nghe những lời khuyên để bạn có thể thực hiện mọi việc tốt hơn trong lần sau. Việc này sẽ chấm dứt những lời phê bình anh ta dành cho bạn và chuyển hướng “cuộc đối thoại” này sang thành “cơ hội để cải thiện”. Như vậy, “nhà phê bình” bây giờ đã trở thành “huấn luyện viên” giúp bạn tìm ra phương thức hữu hiệu để đạt được kết quả tốt hơn trong tương lai. Quá khứ là những gì đã qua và bạn không thể thay đổi được nó. Bạn chỉ có thể học hỏi từ quá khứ để làm mọi việc tốt hơn trong tương lai.
Sau đây là một ví dụ về chính bản thân tôi. IC ở đây là “nhà phê bình”/ “huấn luyện viên” trong tôi đang nói.
IC: Tôi không thể tin được. Anh đã nghĩ gì vậy? Anh cố gắng nhét tất cả thông tin vào trong hội thảo đó. Anh nói quá nhanh rồi đùng cái kết thúc. Làm sao mọi người có thể “tiêu hóa” nổi bằng đấy thông tin cơ chứ! Sau bao nhiêu năm tổ chức hội thảo, chẳng lẽ anh không còn cách làm nào khác hiệu quả hơn sao?
Tôi: Bình tĩnh nào. Tôi không muốn nghe những lời chỉ trích của anh. Tôi chỉ cố gắng hết sức để truyền đạt cho mọi người những kinh nghiệm của mình. Mọi chuyện đã xảy ra rồi. Nhưng tôi chắc sẽ có cách khác tốt hơn cho những lần sau. Nếu anh có một yêu cầu rõ ràng cho tôi thì hãy nói ra. Đó mới là điều tôi muốn nghe. Tôi không thích anh phê bình tôi. Hãy chỉ đưa ra những ý tưởng của anh để tôi có thể đạt được kết quả tốt hơn cho hội thảo tiếp theo.
IC: Được rồi. Hãy chỉ đưa ra ba đến bốn nội dung chính trong buổi hội thảo tiếp theo. Hãy tập chung vào các ý chính đó, lấy nhiều ví dụ, thêm vào chút hài hước, các bài tập thực hành để người nghe dễ tiếp nhận thông tin hơn. Anh không thể nói hết mọi thứ chỉ trong vòng một ngày.
Tôi: Anh nói đúng. Còn gì nữa không?
IC: Có. Vào buổi chiều, mọi người đều đã mệt mỏi. Anh nên tổ chức các trò chơi để giúp người nghe phấn chấn hơn và đỡ buồn ngủ.
Tôi: Vâng. Tiếp đi.
IC: Tôi nghĩ rằng ra chơi 10 phút sau mỗi giờ đồng hồ tốt hơn là 20 phút sau hai tiếng. Làm như vậy sẽ khiến mọi người thoải mái và dễ lĩnh hội thông tin hơn.
Tôi: Một ý kiến hay! Còn gì nữa không?
IC: Có. Hãy luôn tổ chức các hoạt động giúp mọi người tương tác với nhau trong hội thảo. Điều này sẽ giúp họ thích thú với buổi hội thảo.
Tôi: Tiếp đi.
IC: Lần sau hãy phát cho mỗi người hai bản copy của nội dung hội thảo - một họ dùng ngay tại buổi hội thảo, còn một họ sử dụng sau khi buổi hội thảo kết thúc. Ngoài ra, anh cũng nên đưa nó lên website để mọi người có thể download nó về.
Tôi: Ý kiến tuyệt vời! Còn gì nữa không?
IC: Tôi nghĩ thế là đủ rồi.
Tôi: Tôi sẽ ghi lại tất cả những ý kiến này và chắc chắn sẽ áp dụng nó trong hội thảo sắp tới. Cảm ơn anh nhiều lắm.
IC: Không có gì.
Từ ví dụ trên bạn có thể thấy rằng “huấn luyện viên” bên trong bạn có rất nhiều ý tưởng cho hành động của bạn. Vấn đề chỉ là anh luôn thể hiện nó dưới dạng những lời chỉ trích. Nếu bạn có thể chuyển hướng cuộc hội thoại với anh ta thành một cơ hội để cải thiện cho lần sau thì những lời chỉ trích tiêu cực sẽ biến thành các ý tưởng tích cực cho bạn.
Và điều cuối cùng cần chú ý là: Nghiên cứu về não bộ chỉ ra rằng những ý tưởng chỉ được lưu giữ trong trí nhớ 40 giây. Vì vậy, bạn nên ghi lại vào một cuốn sổ để có thể dễ dàng xem lại. Nếu không, bạn sẽ chẳng thu được lợi gì từ những thông tin phản hồi mới có được.