Bạn có quyền lực siêu phàm để trở nên giàu có, nếu bạn chưa là một triệu phú, hẳn bạn vẫn chưa được hưởng những gì bạn xứng đáng có được.
STUART WILDE
Tác giả cuốn The Trick to Money is Having Some
Vào năm 1926, George Clason đã viết một cuốn sách mang tựa đề The Richest Man in Babylon - một trong những cuốn sách kinh điển về thành công của mọi thời đại. Cuốn sách là câu chuyện ngụ ngôn về một người đàn ông có tên Arkad, một người làm nghề chép thuê, đã thuyết phục khách hàng của mình là một chủ tín dụng dạy cho ông các bí quyết về tiền bạc của ông ta.
Nguyên tắc đầu tiên mà người chủ tín dụng dạy cho Arkad là: “Anh phải dành dụm một phần của tất cả các khoản thu về”. Ông tiếp tục giải thích bằng cách trước tiên để dành ít nhất 10% của tất cả các khoản thu nhập - và không chi tiêu một chút tiền nào trong số đó - Arkad sẽ thấy khoản tiền này lớn dần lên, và bắt đầu tự sinh lời. Lâu hơn, khoản tiền càng lớn nhờ lãi suất kép.
Rất nhiều người đã xây dựng cơ nghiệp nhờ tự dành dụm cho chính mình trước. Điều này cho đến nay vẫn tỏ ra đúng đắn và hiệu quả như năm 1926.
MỘT CÂU CHUYỆN
Công thức 10% này thật đơn giản, song tôi luôn thấy ngạc nhiên khi mọi người không thực sự hào hứng khi nghe tới nó. Một tối, tôi đang ngồi trên chiếc limo từ sân bay về nhà tại Santa Barbara. Anh tài xế 28 tuổi, sau khi nhận ra tôi, đã nhờ tôi chia sẻ một số bí quyết về thành công giúp anh có thể ứng dụng vào cuộc sống của chính mình. Khi tôi nói anh ta nên đầu tư 10% của mỗi đồng thu nhập anh ta kiếm được, sau đó lại đem tái đầu tư phần lãi thu về, tôi thấy rõ những điều mình nói vào tai trái rồi lại ra tai phải của anh ta. Anh ta đang tìm kiếm một kế hoạch làm giàu nhanh chóng.
Mặc dù các cơ hội làm giàu nhanh chóng rất đáng để kiếm tìm song tôi tin rằng, tương lai của bạn cần được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, một kế hoạch đầu tư lâu dài. Bạn càng bắt đầu sớm, bạn càng có thể nhanh chóng xây dựng quỹ một triệu đô la của mình.
Hãy tìm tới một nhà hoạch định tài chính hoặc một trang web, nơi bạn có thể xác định giá trị tài sản ròng hiện tại và các mục tiêu tài chính khi về hưu, sau đó tính xem bạn cần tiết kiệm và đầu tư bao nhiêu từ thời điểm này để đạt được mục tiêu đó cho tới khi về hưu1.
1 Một công cụ giúp bạn tính toán mất bao lâu để trở thành triệu phú là trang web www.armchairmillionaire.com/calculator.
KỲ QUAN THỨ TÁM CỦA THẾ GIỚI
Lãi suất kép là kỳ quan thứ tám của thế giới và là công cụ mạnh mẽ nhất tôi từng biết.
ALBERT EINSTEIN
Nhà vật lý học từng đạt giải Nobel
Nếu khái niệm lãi suất kép còn mới mẻ với bạn, tôi xin giải thích đơn giản như sau: Nếu bạn đầu tư 1000 đô la và được hưởng lãi suất 10%, bạn sẽ thu được 100 đô la tiền lãi vào cuối năm thứ nhất, tổng tài sản của bạn là 1100 đô la. Nếu bạn tiếp tục giữ khoản gốc và lãi thu được trong tài khoản, năm tiếp theo bạn sẽ thu được 10% tiền lãi trên khoản 1100 đô la, tương ứng với 110 đô la. Năm thứ ba bạn sẽ thu lãi trên khoản 1210 đô la - và cứ tiếp tục như vậy, chỉ cần bạn vẫn giữ khoản tiền trong tài khoản. Cứ sau bảy năm, số tiền của bạn sẽ tăng gấp đôi. Cuối cùng, sau một thời gian, nó sẽ trở thành một khoản tiền khổng lồ.
Hiển nhiên, thời gian chính là người bạn tốt nhất của bạn. Bạn càng bắt đầu tiết kiệm sớm, khoản tiền sau này bạn có càng lớn. Hãy tham khảo ví dụ sau: Mary bắt đầu đầu tư từ khi 25 tuổi, và dừng khi cô 35 tuổi. Tom bắt đầu từ khi anh 35 tuổi cho tới tận khi nghỉ hưu ở tuổi 65. Cả hai đều đầu tư 150 đô la mỗi tháng với lãi suất kép 8% một năm. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi xem xét kết quả tại thời điểm cả hai nghỉ hưu ở tuổi 65. Mary chỉ đầu tư trong 10 năm song nhưng cuối cùng lại có 283.385 đô la, trong khi Tom đầu tu liên tục trong 30 năm song chỉ có 220.223 đô la. Một người tiết kiệm 10 năm lại có nhiều hơn người dành dụm 30 năm, tuy nhiên, bắt đầu muộn hơn. Bạn càng bắt đầu tiết kiệm sớm, bạn càng được tận hưởng quyền lực kì diệu của lãi suất kép.
ANH TA ĐÃ TỰ TRẢ CÔNG CHO MÌNH TRƯỚC
Tiến sĩ John Demartini là một bác sĩ điều trị bằng phương pháp nắn xương. Ông đã tổ chức vô số buổi hội thảo hướng dẫn phương pháp tự phát triển bản thân và nắm bắt các vấn đề tài chính cho các Bác sĩ cùng ngành. Ông là một trong những người giàu có nhất tôi từng biết - cả trên phương diện tinh thần, bạn bè, lẫn tiền bạc. John nói với tôi:
Khi mới vào ngành vài năm trước, tôi trả tiền cho mọi người trước, sau đó giữ cho mình phần còn lại. Sau đó tôi nhận ra rằng những người chỉ làm việc cho tôi chưa tới sáu tháng luôn nhận được lương đúng kỳ. Tôi cũng thấy rằng lương của họ cố định còn thu nhập của tôi luôn biến đổi. Điều đó thật không thể tưởng tượng nổi. Người quan trọng nhất - tôi - người phải chịu mọi áp lực trong khi những người khác lại được hưởng sự ổn định. Tôi quyết định thay đổi mọi việc và tự trả lương cho mình trước tiên. Tiếp đó tôi nộp các khoản thuế, ngân sách phục vụ đời sống và các hóa đơn.
Tôi sắp xếp việc rút tiền tự động và phương pháp này đã hoàn toàn thay đổi tình hình tài chính của tôi. Tôi không lưỡng lự. Nếu hóa đơn cứ chất đống còn tiền thì không đổ vào, tôi sẽ cho dừng các khoản rút tiền tự động. Các nhân viên của tôi sẽ buộc phải tìm cách đặt trước các buổi hội thảo và thu tiền. Theo phương pháp cũ, tôi sẽ tự phải làm những việc này. Song bây giờ mọi việc đã thay đổi. Nếu họ muốn có lương, họ buộc phải tìm cách kiếm tiền.
QUY LUẬT 50/50
John cũng đề xuất một quy luật khác, theo đó, bạn không bao giờ được chi tiêu quá số tiền tiết kiệm. Nếu anh muốn tăng chi tiêu cá nhân lên 45.000 đô la, trước tiên anh phải kiếm thêm 90.000 đô la. Giả sử, bạn muốn mua một chiếc xe hơi trị giá 40.000 đô la. Nếu bạn không bỏ thêm 40.000 đô la vào tài khoản tiết kiệm, bạn cũng không thể mua được chiếc xe đó. Hoặc là mua một chiếc rẻ hơn, hoặc là chịu khó dùng chiếc hiện tại. Nếu không, hãy ra ngoài và kiếm thêm tiền đi. Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ bạn không nâng cao mức sống cho tới khi bạn kiếm đủ tiền để có quyền đó bằng cách bỏ thêm cùng một khoản vào tài khoản tiết kiệm.
Quy luật 50/50 sẽ giúp bạn nhanh chóng trở nên giàu có. Nó chính là điểm cốt lõi trong chính sách làm giàu của nhà tỉ phú John Marks Ternpleton.
ĐỪNG NÓI RẰNG BẠN KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC!
Hầu hết mọi người chỉ bắt đầu tiết kiệm khi đã có một khoản tiền kha khá. Song nguyên tắc trên không hoạt động theo cách đó. Bạn phải bắt đầu tiết kiệm và đầu tư cho tương lai ngay từ bây giờ. Bạn càng đầu tư nhiều, bạn càng nhanh chóng được độc lập về mặt tài chính. Ngài John Marks Ternpleton bắt đầu đầu tư 150 đô la mỗi tuần khi còn là một nhà môi giới chứng khoán. Ông và vợ mình, Judith Folk, quyết định đầu tư 50% thu nhập vào thị trường cổ phiếu. Như vậy, hai vợ chồng chỉ còn sống dựa trên 40% thu nhập của John. Nhưng ngày nay, John Ternpleton đã là một tỉ phú! Ông vẫn tiếp tục thực hiện quy luật này cho tới tận bây giờ.
AI MUỐN TRỞ THÀNH TRIỆU PHÚ?
Các số liệu của chính phủ cho thấy vào năm 1980, có khoảng 1,5 triệu triệu phú tại Hoa Kỳ. Vào năm 2000, con số này là 7 triệu. Dự kiến con số này sẽ tăng lên khoảng 50 triệu vào năm 2020. Người ta ước tính cứ khoảng bốn phút tại Hoa Kỳ lại có một người trở thành triệu phú. Chỉ cần chuẩn bị tốt, có kỉ luật và nỗ lực, bạn sẽ trở thành một trong số những triệu phú này.
TRIỆU PHÚ KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI “SIÊU SAO”
Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng - dựa trên quan sát từ Donald Trump, Britney Spears, và Oprah Winfrey - hầu hết các triệu phú đều là các siêu sao, song sự thật là hơn 99% triệu phú là các nhà đầu tư và tiết kiệm chăm chỉ, có phương pháp.
Các triệu phú này thường xây dựng cơ nghiệp theo một trong ba cách sau: từ doanh nghiệp riêng, khoảng 75% tất cả các triệu phú của Mỹ sử dụng phương pháp này; giữ vai trò giám đốc tại một tập đoàn lớn, khoảng 10%; hay là các chuyên gia (bác sĩ, luật sư, nha sĩ, kế toán, kiến trúc sư). Thêm vào đó, khoảng 5% trở thành triệu phú bằng cách bán hàng hoặc tư vấn bán hàng.
Thực tế, hầu hết các triệu phú Mỹ đều là những công dân bình thường, họ làm việc chăm chỉ, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm 10% tới 20% tổng thu nhập và tái đầu tư vào doanh nghiệp, bất động sản, vào thị trường chứng khoán. Họ là những người sở hữu các đại lý xe, chuỗi nhà hàng, công ty đá quý, doanh nghiệp vận tải,…
Tuy nhiên, mọi người xuất thân từ mọi gia cảnh đều có thể trở thành tỉ phú nếu họ học được kỉ luật đầu tư và tiết kiệm đồng thời bắt tay thực hiện từ sớm. Bạn hẳn đã nghe hay được đọc về Oseola McCarty, người Hattiesburg, Mississippi. Cô đã bỏ học từ lớp Sáu để chăm sóc gia đình và dành 75 năm giặt là quần áo cho mọi người. Cô sống cuộc đời thanh đạm và tiết kiệm các khoản tiền nhỏ nhoi cô kiếm được. Tới năm 1995, cô đã quyên góp 150.000 đô la trong khoản tiền tiết kiệm 250.000 đô la của mình cho quỹ học bổng của trường Đại học South Mississippi. Và điều thú vị ở đây là: Nếu Oseola đã đầu tư khoản tiền tiết kiệm của mình, ước tính khoảng 50.000 đô la vào năm 1965, vào một quỹ chỉ số S&P 500 và nhận được lãi suất trung bình khoảng 10,5% mỗi năm, khoản tiền của cô sẽ không chỉ là 250.000 đô la mà là 999.628 đô la - xấp xỉ một triệu đô, cao gấp bốn lần.1
1 Hãy tìm đọc cuốn The Oseola McCarty Fribble của tác giả Selena Maranjian, xuất bản ngày 5 tháng 9 năm 1997 tại Motley Fool, website www.fool.coin/ Fribble/1997/Fribble97l0905.html.
PHƯƠNG PHÁP TRỞ THÀNH MỘT “NHÀ TRIỆU PHÚ TỰ ĐỘNG”
Cách đơn giản nhất để triển khai kế hoạch tiết kiệm chính là lập kế hoạch “tự động” - tức là thực hiện tự động trích một số phần trăm trong mỗi khoản thu nhập và đem đầu tư theo ý muốn của bạn.
Các nhà hoạch định tài chính, từ kinh nghiệm của họ với hàng trăm khách hàng, sẽ cho bạn biết rằng rất ít - và hầu như không có - khách hàng nào thực hiện được kế hoạch tiết kiệm đầu tư nếu không nhờ phương pháp tự động. Nếu bạn là một nhân viên, hãy kiểm tra xem công ty bạn có các tài khoản lương hưu tự đầu tư như kế hoạch 401(k) không.
Bạn có thể sắp xếp để công ty tự động chuyển lương vào kế hoạch đó. Nếu lương được chuyển vào kế hoạch trước khi bạn nhận được séc, bạn sẽ không bao giờ tiêu mất. Quan trọng hơn, bạn không phải suy nghĩ về các khoản đầu tư - bạn cũng không cần phải tự giác, tự kỉ luật. Điều đó không còn phụ thuộc vào tâm trạng, trường hợp khẩn cấp hay bất cứ việc gì khác. Bạn chỉ cần cam kết một lần và mọi việc sẽ tự động tuân theo cam kết đó. Một ích lợi khác của hình thức này là bạn gần như không phải chịu bất cứ loại thuế nào cho tới khi rút tiền ra. Do đó, thay vì chỉ sở hữu 70 xu, bạn có cả một đô la - và sinh lãi suất kép hàng năm.
Một số công ty thậm chí sẽ cho phép nhân viên lựa chọn tỉ lệ đầu tư. Nếu bạn làm việc tại một công ty như vậy, hãy hành động ngay. Kiểm tra lại với phòng lợi ích nhân viên của công ty để tìm cách đăng ký. Khi thực hiện, hãy nhớ đóng góp tỉ lệ phần trăm lớn nhất theo luật, và ít nhất là 10%. Nếu bạn hoàn toàn không thể tự thuyết phục mình dành ra 10%, thì hãy trích lại tỉ lệ phần trăm nhiều nhất có thể. Sau vài tháng, hãy đánh giá lại và xem liệu bạn có thể tăng tỉ lệ này lên hay không. Hãy linh động với việc cắt giảm các khoản chi tiêu và tăng thu nhập thông qua các nguồn khác.
Nếu bạn không có kế hoạch lương hưu tại công ty, bạn có thể mở kế hoạch lương hưu cá nhân (individual retirement account - IRA) tại một ngân hàng hoặc công ty môi giới. Với một kế hoạch lương hưu cá nhân, bạn có thể đóng góp tài chính tới 3000 đô la mỗi năm (3500 đô la nếu bạn ở tuổi 50 hoặc ngoài 50). Hãy yêu cầu ngân hàng, công ty môi giới hoặc tư vấn tài chính giúp đỡ bạn trong việc xác định nên sử dụng tài khoản IRA truyền thống hay Roth IRA. Để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho một IRA cũng chỉ mất thời gian ngang với mở một tài khoản séc. Và nếu đặt lệnh tự động, bạn có thể yêu cầu tự động chuyển từ tài khoản séc của bạn sang IRA.
Nếu các bạn muốn được giải thích cặn kẽ hơn về lợi ích của chương trình đầu tư tự động, tôi thành thật khuyên bạn nên đọc cuốn The Automatic Millionaire: A Powerful One-Step Plan to Live and Finish Rich, của David Bach (New York: Broadway Books, 2004). David đã cho bạn mọi kiến thức bạn cần biết cũng như các nguồn lực để biến những đề xuất thành hành động - thậm chí cả số điện thoại và các trang web để bạn có thể dễ dàng thực hiện từ nhà.
TẠO RA TÀI SẢN THAY VÌ NỢ NẦN
Quy tắc Đầu tiên: Bạn phải biết phân biệt giữa tài sản và nợ phải trả. Những tầng lớp người nghèo và trung lưu nắm giữ các khoản phải trả, song lại coi đó là tài sản. Tài sản thu tiền về túi tôi. Còn nợ phải trả đem tiền ra khỏi túi tôi.
ROBERT T. KIYOSAKI
Đồng tác giả cuốn Rich Dad, Poor Dad
Có quá nhiều người chi tiêu phung phí và hình “đầu tư” của họ có dạng như sau.
Tuy nhiên, bạn hãy thử nhìn cách những người giàu có tiếp cận với các khoản đầu tư của mình. Họ sử dụng các khoản tiền kiếm được đầu tư một phần lớn vào các tài sản tạo thu nhập - bất động sản, công ty con, cổ phiếu, trái phiếu, vàng và các tài sản tương tự. Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy theo bước họ. Hãy bắt đầu tiếp cận các hoạt động tài chính của mình như sau:
KHI Ổ TRỨNG VÀNG CỦA BẠN BẮT ĐẦU NỞ
Khi tiền bắt đầu sản sinh, bạn sẽ mong muốn được học những phương pháp tốt nhất để đầu tư các khoản tiền đó. Cuối cùng, bạn có thể muốn tìm tới một nhà tư vấn tài chính tốt. Tôi đã tìm thấy nhà tư vấn tài chính của mình nhờ hỏi thăm bạn bè, sau đó chú tâm vào những cái tên được nhắc tới nhiều lần. Mọi việc diễn ra như vậy đấy.
Nếu bạn bè bạn chưa từng biết tới các nhà tư vấn tài chính, hay bạn không thể tìm thấy cái tên chung nào được nhắc lại nhiều lần, bạn có thể truy cập vào một nguồn khác là trang www.fmishrich.com. Tại đây bạn có thể chọn ra cho mình một nhà tư vấn tốt. Hãy nhấp chuột vào mục “Find a Financial Advisor” (tìm nhà tư vấn tài chính) dưới phần “Resources Section” (Các nguồn lực). Trang web này có vô số thông tin hữu ích cho bạn.
TỰ BẢO VỆ CÁC TÀI SẢN CỦA MÌNH BẰNG BẢO HIỂM
Ngày nay, có một sự thật đáng buồn là nhiều người giàu có đã trở thành mục tiêu của các vụ kiện tụng, tố cáo, khiếu nại vô lý. Thêm vào đó, các sai lầm và tai nạn luôn xảy ra. Đó chính là lý do tại sao bạn cần bảo vệ tài sản tài chính của mình thông qua chính sách bảo hiểm tốt. Phương pháp này thậm chí còn quan trọng hơn trong trường hợp bạn sở hữu một doanh nghiệp nhỏ.
Bạn cũng có thể tìm tới một nhân viên môi giới bảo hiểm tốt với cùng cách thức như đã tìm nhà tư vấn tài chính hay công ty quản lý tài sản.
BẢO VỆ TÀI SẢN CỦA BẠN BẰNG THỎA ƯỚC HÔN NHÂN
Nếu bạn dự định kết hôn và mang theo rất nhiều tài sản vào cuộc sống chung, phần lớn các nhà tư vấn tài chính sẽ khuyên bạn nên lập thỏa ước hôn nhân. Tôi biết rằng việc này có vẻ như bạn đang đưa ra một khía cạnh tiêu cực trong khi nên yêu thương và san sẻ. Tuy nhiên, ngày nay, những thỏa ước như vậy đang trở nên rất cần thiết. Tôi từng chứng kiến không ít người - nam giới có, phụ nữ có - mất quyền sở hữu với chính những tài sản của mình bởi họ e ngại việc lập thỏa ước hôn nhân.
Khi tái hôn, người vợ sắp cưới của tôi rất sẵn lòng lập thỏa ước hôn nhân. Cô nói: “Em không muốn lấy đi của anh những tài sản thuộc về anh khi chúng ta chung sống. Anh đã làm việc rất vất vả mới có được và em muốn anh cảm thấy an tâm rằng anh vẫn sở hữu những tài sản của mình.”
Chính thái độ đó khiến tôi hiểu rằng chúng tôi kết hôn bởi cô ấy yêu tôi, chứ không phải của cải của tôi. Tôi rất ngưỡng mộ đức tính cân bằng, hợp lý của cô, cô đã không hề lợi dụng tôi hay công ty của tôi.
Nếu bạn không thể nói chuyện cởi mở về một thỏa ước hôn nhân, có lẽ bạn sẽ không thể thoải mái nói chuyện về bất kì vấn đề tình cảm khó khăn nào có thể xảy ra. Như vậy, mối quan hệ của bạn không thể tốt đẹp hay lâu dài được. Hãy tìm tới một nhà tư vấn hôn nhân hay một vài luật sư giỏi - những người đã từng lập các bản thỏa ước hôn nhân trước tòa - để cùng nhau lập ra một thỏa ước mà cả hai vợ chồng bạn đều hài lòng. Đây cũng là một trải nghiệm phát triển cá nhân cho cả hai vợ chồng bạn.