Top 10 điều nên biết về việc học hành
C
ó đó sao, ba là cũng điều bài tôi tập, còn không có bài một tập thích điều và ở bài tôi trường tập. thích, Nhưng phổ đó thông, là dẫu thơ ca. Cảm hứng thi ca của tôi có thể đến từ mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ, tôi đã viết một mạch bài thơ bốn câu của mình ngay ngày đầu kỳ nghỉ hè. Hôm đó, tôi và hai đứa em trai của mình, David và Stephen đang nằm dài trên ghế nệm để xem chương trình bóng bầu dục trên TV. Vừa xem, chúng tôi vừa từ từ xử lý hết một đống đồ ăn linh tinh - bánh pizza, khoai tây rán, soda, trái cây, nước ngọt. Khi đồ nhấm nháp vừa hết, thì chúng tôi cũng vừa chìm vào giấc ngủ. Đến chiều, tôi thức dậy với một cảm giác vô cùng khó chịu. Tôi đã ghi lại khoảnh khắc này bằng một bài thơ như sau:
Bài thơ “tuyệt tác” của tôi hẳn đã giúp các bạn thư giãn rồi chứ? Thời còn đi học, tôi cũng có tham gia vào vài cuộc thi thơ, và bạn có thể căn cứ vào bài thơ của tôi ở trên mà đoán ra ngay, rằng tôi đã chẳng giành được bất kỳ một giải thưởng nào. Nhưng điều này chẳng hề gì, bởi tôi đã khám phá ra rằng tôi có một niềm đam mê kỳ lạ đối với ngôn ngữ. Và khám phá này đã giúp tôi xác định được mình nên học cái gì ở trường đại học cũng như nên theo nghề gì khi ra trường.
Điều này dẫn dắt tôi đến quyết định quan trọng đầu tiên trong đời. Còn bạn, bạn đang nghĩ gì về việc học của mình? Tại sao đây lại là một trong sáu lựa chọn quan trọng nhất? Điều này thật đơn giản. Những định hướng của bạn trong học tập gần như chắc chắn sẽ xác định xem bạn sống như thế nào trong vòng năm mươi năm nữa.
Trong chương này có nhiều vấn đề quan trọng nên tôi chia nó thành bốn phần:
Cố gắng đến cùng, được viết cho những người đang nghĩ đến việc thôi học phổ thông.
Vượt qua khó khăn và tiếp tục phấn đấu, chúng ta sẽ nói về việc làm thế nào để giữ vững mục tiêu, để học tập tốt, có thể đối mặt với tất cả những áp lực và rắc rối hằng ngày ở trường.
Bước vào đại học là phần tập trung vào các vấn đề làm sao chuẩn bị cả về tinh thần lẫn vật chất trước khi bước vào con đường đại học mà bạn chọn.
Đi tìm tiếng nói của bạn, chúng ta sẽ bàn về việc bạn muốn trở thành người như thế nào trong tương lai.
BÀI TRẮC NGHIỆM VỀ TRƯỜNG LỚP!
Trước khi chúng ta đi xa hơn, các bạn hãy cùng tôi làm bài trắc nghiệm nhỏ gồm 10 câu này. Nó sẽ giúp bạn xác định xem mình đang đi trên con đường nào. Và ở mỗi chương tiếp theo, tôi đều dành cho bạn một bài kiểm tra nhỏ tương tự, chỉ cần các bạn trả lời thành thật nhất.
Mỗi câu hỏi ở trên có thang điểm từ 1 đến 5, mức đầu tiên là cho câu trả lời phủ định, và ngược lại, mức cuối cùng dành cho trường hợp bạn đồng ý hoàn toàn. Giờ thì ta hãy cộng điểm của mình lại và đối chiếu với kết quả dưới đây. Bạn cũng đừng quá căng thẳng với bài kiểm tra này, điểm số chỉ giúp chúng ta ước định được những lựa chọn mà mình sắp đưa ra.
Cố Gắng Đến Cùng
Nhiều năm trước, tại trường Đại học Stanford, một nhà tâm lý học tên là Walter Mischel đã thực hiện một bài thí nghiệm với những đứa trẻ lên bốn. Ông tập hợp chúng lại quanh chiếc bàn với giỏ kẹo dẻo thật ngon ở chính giữa. Nhà tâm lý nói với bọn trẻ rằng ông phải rời khỏi phòng trong vòng vài phút, nếu chúng có thể đợi đến khi ông quay lại, ông sẽ cho mỗi đứa hai viên kẹo dẻo. Còn không thì chúng có thể ăn ngay một viên, nhưng như vậy thì sẽ không có thêm bất kỳ một viên nào khác khi ông quay về.
“Một viên ngay bây giờ, hoặc hai viên sau này.” - Mischel thỏa thuận rồi rời khỏi phòng. Và đây là kết quả:
• Vài đứa trẻ không đợi được đã ăn một viên kẹo dẻo chỉ vài giây sau khi ông rời khỏi.
• Vài đứa giữ được ít phút trước khi bỏ cuộc.
• Chỉ có vài đứa trẻ quyết tâm kiềm chế đến cùng, và chờ đợi.
Khi Mischel quay về, ông cho những đứa trẻ biết chờ đợi hai viên kẹo dẻo như thỏa thuận và tiếp tục dõi theo cuộc sống của từng đứa trẻ cho đến tận những năm chúng học phổ thông. Đáng chú ý là, những đứa trẻ có thể kiềm chế được, không ăn kẹo ngày trước đã sống tốt hơn rất nhiều so với những đứa không chờ đợi được. Chúng biết điều chỉnh bản thân, tự tin hơn, được yêu thích hơn và đáng tin cậy hơn. Chúng cũng học tốt hơn nhiều.
Vậy thì, những viên kẹo dẻo thì liên quan gì đến việc không bỏ học? Thật sự là rất nhiều đấy các bạn ạ. Việc bỏ học có thể được so sánh với việc ăn một viên kẹo ngay lúc này. Viên kẹo dẻo ấy mới thơm ngọt, mới hấp dẫn làm sao. Và bỏ học lúc đầu dường như cũng hấp dẫn như vậy đấy. Bạn có thể ngay lập tức bắt đầu việc kiếm tiền. Bạn sẽ có quyền tự chủ hơn, mua được nhiều thứ mình mong muốn. Và còn tuyệt hơn nữa là ngay lập tức bạn có thể thoát khỏi tất cả những vấn đề như bài tập về nhà hay điểm số.
Nhưng mặt khác, với việc thôi học bây giờ, bạn đã hy sinh một nửa cơ hội tiếp theo của đời mình. Hai viên kẹo dẻo sau này tượng trưng cho những kỹ năng được hoàn thiện hơn, một công việc lương cao hơn, chiếc xe đẹp hơn, nhiều cơ hội để giúp đỡ người khác hơn, và một nhận thức tốt hơn về mọi thứ xung quanh bạn. Một bạn trẻ tên là Yolanda đã tiết lộ với chúng ta một lời khuyên rất bổ ích của mẹ bạn ấy rằng: “Mẹ tôi vẫn thường nói: Trả giá bây giờ để ngày sau được sung sướng, hay là sung sướng bây giờ để phải trả giá về sau”. Thật không khó để có thể hiểu được ý nghĩa của câu nói này, bởi nếu chúng ta cố gắng học tập tốt ở trường, ta sẽ có khả năng trở thành một người thành đạt trong cuộc sống tương lai; còn nếu cứ mãi rong chơi bây giờ, thì tương lai ta sẽ hoàn toàn ngược lại.
Chỉ cần một phép so sánh đơn giản, chúng ta có thể thấy ngay sự chênh lệch giữa số tiền mà bạn sẽ kiếm được nếu bỏ học với thu nhập khi bạn học xong phổ thông hay tốt nghiệp đại học. Tôi xin tiết lộ với các bạn vài thông tin về lương bổng do Bộ Lao động Hoa Kỳ cung cấp:
Nếu bạn nhân những con số này cho số năm làm việc (trung bình khoảng 40 năm), thì sự khác biệt còn đáng kể hơn nữa!
THẾ HỆ TƯƠNG LAI
Nếu bỏ học và bắt đầu đi làm, lúc đầu có thể bạn sẽ thấy mình hoàn toàn đủ khả năng nuôi sống được bản thân. Nhưng khi bạn muốn vươn lên, hoặc quyết định lập gia đình, bạn sẽ thấy cuộc sống sẽ không còn dễ dàng nữa. Greg Byron - chuyên gia viết sách dành cho tuổi trẻ cũng đã từng nói về vấn đề này.
“Lần đầu tiên sống xa gia đình, bạn sẽ sống tiết kiệm, và cảm thấy thật thoải mái. Nhưng rồi mọi sự sẽ thay đổi theo thời gian, bởi bạn sẽ có nhu cầu về một chốn riêng tư, một chỗ ở mới tốt hơn, một chiếc xe để đi lại, các kỳ nghỉ để thư giãn lấy lại sức, hay những món đồ chơi công nghệ cao để không lạc hậu so với thời đại. Sau đó, sẽ đến lúc bạn biết yêu, rồi lập gia đình, có con cái. Lúc này thì thật sự bạn có rất nhiều thứ phải lo, như một ngôi nhà rộng, quần áo cho các con, tiền học hành cho chúng, và hàng trăm thứ linh tinh khác. Nếu cả hai vợ chồng đều không có một công việc lương bổng ổn định, thì cuối cùng bạn sẽ phải sống trong cảnh nghèo khó mà thôi. Việc thiếu tiền sẽ nhanh chóng trở thành một vấn đề thường trực. Nó sẽ làm cho gia đình bất hòa, sẽ khiến bạn luôn cảm thấy nặng nề, áp lực. Và mặc dù không nhắc đến, nhưng bạn sẽ thật sự hối tiếc khi xung quanh đều là những người thành đạt trong sự nghiệp, có nhà đẹp, có xe tốt và một cuộc sống đủ đầy. Đã bao giờ bạn nhận ra tiền bạc cũng là một vấn đề lớn đến như vậy hay chưa?”.
Có thể bạn sẽ bào chữa rằng có những người từng bỏ học mà vẫn thành công trong cuộc sống. Đúng là có thật, nhưng số người ấy chỉ là một bộ phận rất nhỏ nếu đem so với những người phải chịu cảnh cơ cực - thành công trong hoàn cảnh này cũng giống như mua xổ số vậy.
Dưới đây là vài sự thật phũ phàng:
• Những người bỏ học giữa chừng gặp nhiều khó khăn hơn khi xin việc và duy trì việc làm: 50% những người bỏ học phải lâm vào cảnh thất nghiệp.
• Những người bỏ học luôn bị gắn mác lười biếng, không có quyết tâm hay không có năng lực làm việc.
• Những người bỏ học thường làm hết việc này đến việc khác thay vì gây dựng một sự nghiệp ổn định.
• Những người bỏ học thậm chí còn không có cơ hội làm một công việc lương cao ngay cả khi họ hội đủ điều kiện để làm việc đó.
• Và trong thời đại ngày nay, ở phần lớn các nước trên thế giới, một tấm bằng phổ thông vẫn là chưa đủ. Vlad, một bạn trẻ người Nga đã nói rằng: “Ngày nay ở Nga, gần như bạn chẳng là gì cả nếu bạn không có được một tấm bằng đại học. Bạn sẽ không kiếm được việc làm nếu không có nó”.
Tôi có thể tưởng tượng ra một tấm poster như sau ngay bây giờ:
PHÁ VỠ VÒNG LẨN QUẨN
Chúng ta thường đi theo những thói quen hay khuôn khổ tiêu cực được hình thành qua các thế hệ một cách vô thức. Quy luật đáng buồn này biểu hiện ở các vấn nạn như nghiện ngập, tù tội, nghèo khó, thất học,... Những gia đình “có vấn đề” như thế thường lặp lại chính hình ảnh của họ trong các thế hệ con cháu tiếp theo.
Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng vậy, bởi bạn vẫn đang nắm giữ một quyền năng rất lớn đó là quyền lựa chọn. Bạn có thể trở thành người tiên phong phá vỡ vòng tròn quy luật của gia đình mình. Bạn có thể bỏ thói quen xấu đó, không cho nó thâm nhập vào mình, và rồi truyền lại hình ảnh tốt đẹp hơn cho các thế hệ con cháu tiếp theo. Sẽ thật tuyệt vời khi bạn là người đầu tiên trong gia đình vào được đại học, giành được tấm bằng thạc sĩ, hoặc tiến sĩ đầy cao quý. Tấm gương của bạn sẽ được lưu truyền, và đó là bước khởi đầu cho một truyền thống tốt đẹp trong tương lai.
Tôi vẫn còn nhớ cuộc nói chuyện với Sammi: Tôi đã từng chơi với nhiều người bạn bỏ học từ rất sớm, và đôi lúc tư tưởng của họ khiến tôi cảm thấy mình cũng không coi trọng việc học nữa. Nhưng may mắn là tôi có quen một người làm chung ở tiệm bán thức ăn nhanh McDonald’s học chậm đến ba năm. Dù đã 20 tuổi, anh vẫn chăm chỉ từng ngày đến trường phổ thông học chung với những người thuộc thế hệ đàn em. Nhìn vào tấm gương của anh, tôi nhận ra rằng, mình vẫn có điều kiện tốt hơn để đến trường. Tôi không muốn làm việc tại cửa hàng bán đồ ăn nhanh ấy trong cả cuộc đời mình, mặc dù cha mẹ tôi vẫn nói rằng công việc đó cũng được rồi. Nhưng tôi không muốn công việc làm nông như cha tôi hoặc bán hàng tạp hóa như mẹ, và hơn hết, tôi không muốn phải nhìn lại quá khứ mà thốt lên một cách cay đắng: “Ước gì ngày đó mình đã quyết định khác đi”.
Đưa ra quyết định tiếp tục con đường học tập có thể là điều khó khăn nhất mà bạn từng làm. Tôi hiểu rằng có thể bạn đang ở trong một hoàn cảnh sống hết sức khó khăn, và không nhận được bất kỳ sự khích lệ nào từ phía gia đình trong việc học tập. Hoặc cũng có thể bạn gặp khá nhiều rắc rối ở trường, với bạn bè, thầy cô, với các bài kiểm tra, các môn học,... Nhưng tôi xin cam đoan với bạn rằng trong cuộc sống này, bất cứ điều gì cũng có cái giá tương xứng phải trả. Muốn học tốt, bạn phải nỗ lực. Đó là công thức duy nhất. Và một điều chắc chắn là bạn sẽ phải cảm ơn chính mình mãi mãi về sau nếu ngày hôm nay bạn quyết định cố gắng đến cùng. Đây không phải là một việc dễ thực hiện nhưng nó xứng đáng để bạn nỗ lực. Hai viên kẹo nhận được vào ngày mai luôn tốt hơn một viên của ngày hôm nay, đấy là điều hiển nhiên!
Vượt Qua Khó Khăn Và Tiếp Tục Phấn Đấu
Tôi sẽ liệt kê ra những đầu mục ở dưới đây - và công việc của bạn là điền vào chỗ trống những từ đầu tiên bạn liên tưởng đến khi đọc từng đầu mục. Bạn không cần nghĩ ngợi gì nhiều cả, chỉ đơn giản là những từ ngữ bật ra trong đầu mình thôi mà.
Tôi đã thử hỏi một nhóm bạn trẻ, và đây là kết quả chung của nhiều người:
Các giáo viên: NHỮNG CAI NGỤC
Môn ngữ pháp: ĐẦY PHONG BA BÃO TÁP
Bài tập về nhà: NHỮNG THỬ THÁCH KHÓ CHINH PHỤC
Sổ liên lạc: TỜ PHÁN QUYẾT
Các kỳ kiểm tra: SỰ NHỒI NHÉT QUÁ MỨC
Khi nghĩ về trường lớp, bạn có thấy toàn những điều tiêu cực như vậy không? Nhiều bạn trẻ nói với tôi là họ chỉ muốn phát ốm lên với việc học tập. Tôi phải thừa nhận rằng khi còn đi học, tôi cũng rất ghét các bài kiểm tra giữa kỳ, những bài luận đòi hỏi tham khảo hàng đống sách vở, và còn môn thể dục nữa. Vì vậy, tôi hiểu rằng không ít thì nhiều, các bạn trẻ đều gặp rắc rối nào đó về trường lớp, trong số những rắc rối ấy, có bốn vấn đề thường bị các bạn than phiền nhiều nhất là:
1 Tôi hoàn toàn kiệt sức
2 Có quá nhiều việc phải làm trong khi tôi không có đủ thời gian
3 Tôi không quan tâm đến việc học hành nữa
4 Tôi không có khả năng học tốt, chỉ đơn giản vậy thôi
Vấn đề thứ nhất: “TÔI HOÀN TOÀN KIỆT SỨC!”
“Điều gì ở trường khiến bạn kiệt sức?”. Tôi đã hỏi vài bạn trẻ câu hỏi ấy, và đây là câu trả lời của họ:
“Cha mẹ, thầy cô, nhà trường, và cả xã hội đều luôn kêu gọi, rồi tuyên truyền, thậm chí bắt buộc chúng tôi phải học tập thật tốt.”
“Các thầy cô chỉ chăm chăm ra hàng đống bài tập, mà chúng tôi đâu phải chỉ học có một, hai môn. Còn nhà trường chẳng bao giờ có sự sắp xếp hợp lý cả, như thứ hai tuần rồi lớp tôi có tới bốn bài kiểm tra.”
“Điểm số khiến tôi phát ngấy.”
“Ở lớp có bao nhiêu là cạnh tranh.”
“Thầy cô chẳng biết cách làm cho bài giảng của mình sinh động. Cứ hễ vào lớp là họ bắt đầu đều đều như một cái máy.”
Thật ra, đó là những gì mà ai cũng phải gặp trong đời, dù có đi học hay không. Bản chất vấn đề là những áp lực luôn luôn tồn tại, chỉ có khác nhau về hình thức mà thôi. Khi bạn đã kết thúc việc học hành ở trường, thì áp lực không biến mất, mà chỉ thay đổi theo chiều hướng khác. Thay vì bây giờ bạn cảm thấy bị áp lực trong chuyện học hành, trường lớp, thì mai kia bạn lại phải chịu áp lực về các hóa đơn cần thanh toán, về con cái, về công việc và họ hàng nội ngoại. Như vậy chỉ còn một cách duy nhất để sống sót, đó là học cách đối mặt với áp lực. Nhưng bằng cách nào đây? Đó chính là: bạn phải rèn giũa bản thân.
Rèn giũa bản thân
Giờ thì bạn đã nhận ra số điểm của mình cao thấp ở phần nào rồi chứ? Nó cho thấy bạn đã thực sự chú ý đến bản thân của mình hay chưa. Nếu bạn chỉ được điểm 2 ở mục Trái tim, thì có nghĩa là bạn cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Nếu bạn cho mình điểm 3 ở mục Cơ thể, thì cũng nên giảm bớt việc lại một chút để dành thời gian chăm sóc bản thân. Bốn mục này cũng giống như bốn bánh của một chiếc xe hơi vậy, chỉ cần có một bánh không căng đầy, cả chiếc xe sẽ không chạy nhịp nhàng được. Hay cụ thể hơn, bạn khó có thể học tập tốt ở trường (trí óc) nếu sức khỏe không tốt (cơ thể). Hoặc nếu bạn sống thoải mái và có mục đích (tâm hồn), thì bạn sẽ dễ dàng trở thành một người bạn tốt (trái tim) và một học trò giỏi (trí óc).
Trong việc học hành, sự căng thẳng là điều đáng sợ, nhưng ta cũng có rất nhiều cách để có thể chế ngự nó. Đây là vài bí quyết có thể giúp ích cho các bạn khi đối mặt với áp lực và căng thẳng của một vài bạn trẻ:
• “Tôi chạy bộ. Nó giúp tôi có sức khỏe, đồng thời nhận thức được các vấn đề tốt hơn để tìm ra giải pháp.”
• “Tôi cho mình một giờ đồng hồ để trút hết mọi tâm sự. Sau một tiếng ấy, tôi không cho phép mình kêu ca hay suy nghĩ về áp lực căng thẳng đó nữa.”
• “Tôi vào phòng tắm hoặc đi bơi. Nước có khả năng cuốn trôi mọi ưu phiền của tôi.”
• “Tôi chơi bóng. Khi tập trung theo quả bóng, tôi chẳng lo nghĩ bất kỳ điều gì nữa.”
• “Tôi tập tạ để giải tỏa bớt bực bội dồn nén trong người.”
• “Giúp đỡ người khác giúp tôi quên đi các vấn đề của mình.”
• “Tôi ra khỏi nhà và đi dạo một vòng.”
Những cặp mắt đờ đẫn vì thiếu ngủ
Chúng ta hãy bàn đến một trong những vấn đề quan trọng nhất của sức khỏe - đó là giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy việc thiếu ngủ sẽ dẫn đến những vấn đề còn tồi tệ hơn là sự chán nản, buồn rầu, điểm kém hay tai nạn. Dù bạn có thừa nhận hay không, thì sự thật là khi bạn mệt mỏi, bạn thường không ý thức được hết hành vi của mình.
Để giúp bạn có thể kiểm soát giấc ngủ của mình một cách tốt hơn, tôi sẽ nêu ra bốn bí quyết đã được công nhận là rất hiệu nghiệm:
1. KHÔNG NÊN TIẾC THỜI GIAN CHO VIỆC NGỦ. Phần lớn các bạn trẻ chỉ ngủ khoảng bảy tiếng đồng hồ một đêm hoặc ít hơn, trong khi các chuyên gia đều cho rằng cơ thể ta cần từ 8,5 đến 9,25 tiếng đồng hồ mỗi ngày dành cho chuyện ngủ. Hãy xác định xem nhu cầu ngủ của bạn là bao nhiêu tiếng? Có như vậy, bạn mới có được một thời gian biểu hợp lý cho giờ ngủ và giờ thức dậy. Hãy luôn nhớ rằng: giấc ngủ là thức ăn của bộ não.
2. ĐI NGỦ SỚM, DẬY SỚM. “Hãy đi ngủ sớm và thức dậy sớm, nó sẽ giúp con người khỏe mạnh, có một tinh thần phong phú và sáng suốt” - tôi hoàn toàn tin vào sự chính xác của câu ngạn ngữ này. Các chuyên gia về sức khỏe cũng cho rằng mỗi tiếng đồng hồ bạn ngủ trước lúc nửa đêm có giá trị bằng hai giờ ngủ sau đó. Vậy thì đừng nấn ná bên chiếc ti-vi hay mải mê với bộ phim khuya nữa, bắt đầu và kết thúc một ngày của mình sớm hơn, bạn sẽ thấy cuộc sống có nhiều điều kỳ diệu hơn đấy! Hãy thử xem!
3. HÃY KIÊN ĐỊNH. Nếu ngày thường bạn đi ngủ vào lúc 11 giờ tối, thì đừng để mãi đến 3 giờ sáng ngày thứ bảy hay chủ nhật mới chịu leo lên giường, để rồi lại ngủ nướng đến tận trưa hôm sau. Những giấc ngủ nướng vào cuối tuần có thể khiến bạn gặp nhiều rắc rối khi quay về với lịch trình thường ngày của mình. Điều này không có nghĩa là bạn không nên vui vẻ hay thức khuya một chút vào những ngày nghỉ, mà chỉ là đừng nên quá lố thôi. Hãy giữ cho giờ ngủ của mình luôn ổn định và có giới hạn.
4. THƯ GIÃN TRƯỚC KHI NGỦ. Trước khi đặt lưng xuống giường, thay vì uống một cốc cà phê hay lôi bao nhiêu chuyện rắc rối ra giải quyết, thì bạn hãy cố gắng thư giãn. Chẳng hạn, bạn có thể đi tắm, viết vài dòng nhật ký, đọc truyện vui trên báo,... Điều này có thể giúp bạn thoải mái hơn, đặc biệt là tránh được những cơn ác mộng khủng khiếp có thể đến!
Bốn bí quyết trên đây không phải là những quy tắc phải tuân theo một cách tuyệt đối, mà chỉ là vài mẹo nhỏ giúp bạn không phải đối đầu với chứng mất ngủ hay các hệ quả của nó. Tôi hiểu rằng sẽ có những lúc bạn muốn thức khuya cùng với bạn bè, hay phải giải quyết nốt đống bài tập về nhà... Nhưng dù sao đi nữa, hãy cố gắng giữ cho nếp sống của mình được điều độ. Nếu bạn thấy mệt mỏi, chán nản hay hoàn toàn kiệt sức, một giấc ngủ sâu có thể là phương thuốc duy nhất mà bạn cần.
Vấn đề thứ hai: “TÔI CÓ QUÁ NHIỀU VIỆC CẦN PHẢI LÀM VÀ KHÔNG ĐỦ THỜI GIAN!”
“Tôi thật sự rất bận, - một bạn trẻ nói, - tôi phải làm rất nhiều thứ: tham gia vào một ban nhạc, luyện tập trong đội cầu lông, lại học thi lấy bằng lái. Tôi có hai việc làm thêm và có một lớp dạy ngoài giờ mỗi tuần. Tôi tham gia năm câu lạc bộ khác nhau và phải học thêm rất nhiều lớp”.
Nhiều việc phải làm thật đấy, mà thời gian thì có hạn, vậy làm sao ta có thể giải quyết tất cả những việc ấy? Bạn biết không, có một sự thật là: bạn có thể làm tất cả, hoặc ít nhất là phần lớn những việc đó, nếu bạn cẩn thận hơn với thời gian của mình.
Nhiều người vẫn thường ao ước mỗi ngày có thêm một giờ đồng hồ và mỗi tuần có thêm bảy tiếng để làm những gì mình thích. Nhưng bạn biết không, có thể bạn không nhận ra và không thể tin được rằng nhiều người trong chúng ta đang lãng phí từ 7 đến 20 tiếng đồng hồ mỗi tuần. Đó là số liệu dựa trên một thống kê khoa học rất đáng tin cậy, và tôi cũng có thể chứng minh cho bạn thấy. Hãy bắt đầu bằng việc điền vào chỗ trống dưới đây để xem ta có thể tiết kiệm được bao nhiêu thời gian.
Xem ti-vi thường làm mất thời gian nhiều nhất, và nó chính là việc mà những bạn trẻ “không được siêng năng cho lắm” thích làm hết giờ này đến giờ khác. Tôi không có ý nói rằng xem ti-vi là vô bổ, mà chỉ khuyên bạn đừng quá lạm dụng để phí phạm thời gian quý giá của mình. Theo thống kê thì trung bình thanh thiếu niên Mỹ xem ti-vi đến 21 giờ đồng hồ một tuần, và sau đó lẽ dĩ nhiên họ đều than phiền rằng mình không có thời gian để làm bất cứ việc gì cả.
CẢI TIẾN: Hãy nghĩ về 7 ngày vừa qua. Cộng dồn xem bạn đã dành ra bao nhiêu thời gian để xem ti-vi hay phim ảnh trong suốt quãng thời gian này, bao gồm cả những ngày cuối tuần. Bây giờ thì hãy thành thật và điền vào bên dưới mục Số giờ đã bỏ ra cho việc này tuần trước. Tiếp theo, bạn hãy suy nghĩ xem mình có thể thực hiện giảm được bao nhiêu thời gian? Hãy điền nó vào bên dưới mục Số giờ có thể tiết kiệm mỗi tuần.
Giảm các hoạt động hao phí thời gian cá nhân
Có thể bạn sẽ không tin, nhưng thực tế thì chúng ta thường hay sa lầy vào những hoạt động thuộc Cung thời gian thứ 4. Tôi gọi chúng là các hoạt động hao phí thời gian cá nhân. Chúng có thể được thể hiện khác nhau qua từng cá nhân, như dành quá nhiều thời gian để nói chuyện điện thoại, gửi tin nhắn, chơi trò chơi điện tử, mua sắm, trang điểm, sắp xếp lại phòng, đọc tạp chí v.v. Cũng như việc xem ti-vi, tất nhiên những việc này không phải là xấu, bởi chúng là những hoạt động giải trí lành mạnh để thư giãn và hồi phục sức lực. Điều đáng nói ở đây là ta nên giảm bớt chúng lại ở một khoảng thời gian hợp lý.
CẢI TIẾN: Hãy quay lại Cung thời gian thứ 4 và suy nghĩ về những hoạt động hao phí thời gian cá nhân của mình. Có thể bạn cũng đã từng tiêu tốn khá nhiều thời gian cho chúng đấy. Và tất nhiên bạn cần suy xét cẩn thận xem mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu thời gian để dành cho những việc bổ ích hơn nhé!
Từ chối với một thái độ vui vẻ
Không những chúng ta hao phí thời gian vào những hoạt động cá nhân mình thích, mà đôi khi còn bởi tính không dứt khoát. Vì muốn làm hài lòng tất cả mọi người hoặc vì tham lam không muốn bỏ sót điều gì, chúng ta nói “đồng ý” với tất cả mọi thứ mà không hề suy xét xem nó có thiết thực hay không.
Hãy luôn tự hỏi mình: “Hiện giờ tôi có đang làm quá nhiều việc không?”. Nếu bạn đang tham gia vào quá nhiều hoạt động và cuộc sống của bạn trở nên ngoài tầm kiểm soát, hãy loại bỏ những hoạt động ít quan trọng hơn và tập trung vào những hoạt động chính yếu. Hãy bắt đầu học cách nói “không” với một thái độ vui vẻ. Elizabeth ở trường trung học Hilliard Darby kể:
Có lần tôi được yêu cầu biên tập một đoạn kịch cho lớp. Tất nhiên là tôi rất thích và hãnh diện vì mình là người được chọn, nhưng vấn đề là tôi sẽ có một bài kiểm tra môn tiếng Pháp rất quan trọng ở trung tâm ngoại ngữ vào cuối tuần đó. Quả thật là khó khăn đối với tôi, vì tôi không muốn làm một người vô trách nhiệm với lớp, mà cũng không muốn làm người vô trách nhiệm với việc học hành của mình. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng nếu tôi không biên tập kịch, thì trong lớp sẽ có người khác làm thay tôi, mà còn có thể làm tốt hơn tôi nữa. Cuối cùng, tôi quyết định nói với cô giáo chủ nhiệm rằng tôi không thể làm được trong thời gian này. Đã đến lúc tôi phải học cách từ chối.
Hãy đơn giản hóa mọi chuyện đi bạn. Đừng ôm đồm quá nhiều việc, để rồi không có việc gì ra hồn cả, như một câu ngạn ngữ xưa đã khuyên: “Hãy làm vài việc thật xuất sắc thay vì làm nhiều việc tầm thường”.
CẢI TIẾN: Giờ thì bạn hãy xét lại những hoạt động ngoại khóa, hay các việc làm thêm của mình. Chúng có thật sự quan trọng không? Bạn có thể bỏ bớt việc nào không? Và nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được bao nhiêu thời gian?
Đừng trì hoãn
Sự trì hoãn luôn khiến bạn phải trả giá và tốn nhiều thời gian hơn lúc ban đầu. Vì vậy, khi do dự trước một việc gì đó cần phải làm, bạn hãy tự hỏi mình hai câu hỏi: Nếu không phải bây giờ thì lúc nào? Nếu không phải tôi thì ai sẽ làm?
Một khi bạn có thể trả lời hai câu hỏi này một cách suôn sẻ thì bạn có thể tự tin bước vào đời mà không sợ điều gì ngăn cản hoặc phải hối tiếc về sau. Còn nếu bạn là người có thói quen “chờ nước đến chân mới nhảy” thì hãy thận trọng, vì bạn sẽ không hề biết được mình có thể chạy kịp hay sẽ phải chết ngộp trong biển nước.
Việc học cũng giống như việc nhà nông vậy. Nếu quên cày cấy vào mùa xuân, rong chơi suốt mùa hè, thì việc gieo hạt lúc sang thu sẽ chẳng thu hoạch được bao nhiêu lương thực cho mùa đông sắp tới. Cuộc sống là một chặng đường dài đòi hỏi mỗi chúng ta phải biết tự chuẩn bị cho mình những điều tốt nhất cho ngày mai. Bạn gieo gì thì sẽ gặt nấy thôi.
Nếu có thể thực hiện việc gì ngày hôm nay, thì hãy bắt tay vào làm ngay đi thôi. Hãy sống trọn vẹn mỗi ngày như thể mình không còn cơ hội có ngày mai. Bạn đang có cơ hội thu lượm kiến thức, thì hãy tập trung hết sức vào nó. Hãy nghiên cứu bài học, hãy hỏi kỹ giáo viên, đừng để bất kỳ vấn đề nào vướng mắc trong đầu cả. Ngoài ra, hãy sắm cho mình một quyển sổ nhỏ ghi chép những kế hoạch cần phải làm để bạn không còn lo sợ vì quên bất cứ điều gì. Nếu bạn có thể làm được như vậy, tôi tin chắc bạn sẽ tiến xa hơn rất nhiều trên đường đời.
CẢI TIẾN: Trong tuần vừa rồi, bạn có dành thời gian cho những công việc mà mình đã trì hoãn trước đó chứ? (Ví dụ: Tổng vệ sinh căn phòng đã quá lâu không dọn dẹp, nghiên cứu thêm bài vở vì nhận thấy mình đã có một lỗ hổng kiến thức, hoặc hồi phục sau một cơn bệnh vì đã làm việc quá sức.) Và tiếp theo, hãy ghi lại lượng thời gian mà bạn nghĩ mình có thể tiết kiệm được hằng tuần nếu không trì hoãn công việc nữa.
Bây giờ, hãy tổng kết số thời gian ở cột Số giờ có thể tiết kiệm mỗi tuần và xem bạn có gì. Bạn có tiết kiệm được đến 7 giờ đồng hồ không? Chắc hẳn điều này khiến bạn ngạc nhiên lắm phải không? Thật ra, mỗi người chúng ta có 168 giờ đồng hồ một tuần để sử dụng theo ý muốn của mình, một con số không ít tí nào.
“Tin xấu là thời gian không ngừng bay vụt qua. Còn tin tốt, bạn chính là phi công điều khiển nó đấy!” - Michael Altshuler đã từng viết như thế.
Vấn đề thứ ba: “TÔI KHÔNG QUAN TÂM!”
Một bạn trẻ mà tôi quen biết đã bị sốc khi nghe thầy giáo của mình bảo rằng: “Em chưa quan tâm đúng mức đến việc học của mình đâu. Thầy biết nếu em cố gắng chăm chỉ và để tâm vào bài vở hơn một chút nữa, thì em có thể học tốt hơn nhiều”. Cô ấy đã không hề nhận ra điều đó, việc học đối với cô cũng chỉ là một việc bình thường cần phải làm. Cô ấy không vui, mà cũng chẳng buồn với kết quả luôn ở mức trung bình của mình. Và mọi việc có lẽ vẫn tiếp diễn như vậy nếu cô bạn của chúng ta không nhận được lời “cảnh tỉnh” từ thầy giáo.
Thật ra, trường hợp của bạn gái trẻ này không phải là cá biệt. Phần lớn chúng ta không đạt được kết quả tốt nhất bởi không thực sự quan tâm tới những gì mình đang làm.
Việc học hành là nghĩa vụ của chính bạn, chứ không phải của cha mẹ hay thầy cô. Khi chào tạm biệt tuổi mới lớn, chắc chắn bạn sẽ muốn mình biết đọc, biết viết, biết suy nghĩ, nói năng một cách đàng hoàng và có thể tìm được một công việc ổn định. Bạn sẽ muốn biết một vài điều về lịch sử, về các quốc gia và các nền văn hóa. Bạn sẽ muốn đọc nhiều sách kinh điển, và muốn biết về những người vĩ đại trong lịch sử đất nước cũng như thế giới... Đó là những gì mà việc học tập có thể giúp bạn và bạn sẽ rất có lợi khi xác định học tập là mục tiêu của đời mình.
Sau đây là vài cách để làm tăng niềm ham thích học hỏi của bạn:
• Hình thành một sở thích thật sự, ví dụ như nhiếp ảnh, nghệ thuật, khiêu vũ hay bất cứ thứ gì khiến bạn có cảm hứng.
• Tham gia một lớp học chuyên đề mà bạn muốn học.
• Tham gia các hoạt động ngoại khóa như đi picnic, chơi thể thao,...
• Đăng ký công việc tình nguyện mùa hè hay thực tập trong lĩnh vực mà bạn cảm thấy quan tâm, thích thú.
• Tham gia vào một khóa học hướng nghiệp phù hợp.
• Đi du lịch.
Thế giới bao la
Thánh Augustine đã nói rằng: “Thế giới này là một quyển sách mà những người suốt ngày nằm ỳ ở nhà chỉ đọc được có mỗi một trang”. Dù đó là chuyến tham quan một châu lục khác hay chỉ đơn giản là ghé thăm một đài tưởng niệm, bạn đều có thể học hỏi được nhiều điều mà nếu ở nhà, bạn sẽ không thể biết được. Quả thật, chẳng điều gì có thể vừa mang lại cho ta niềm vui, vừa củng cố, bổ sung được kiến thức thực tế bằng những chuyến tham quan, du lịch. Carol Carter đã từng nêu ra trong cuốn sách “Majoring in the Rest of Your Life” của ông một vài ích lợi điển hình:
1 Đi du lịch có thể khởi đầu cho một nghề nghiệp mà bạn thích. Đôi khi, niềm đam mê hay năng khiếu nào đó ẩn sâu trong bạn và chỉ bộc lộ khi bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm sống thông qua những chuyến đi.
2 Đi du lịch có thể mang đến cho bạn một trải nghiệm đặc biệt: tiếp xúc với một ngôn ngữ mới.
3 Đi du lịch mang đến cho bạn sự tự tin và giúp mở rộng tầm nhìn của bạn đối với cuộc sống.
4 Đi nhiều nơi, hiểu biết thêm nhiều điều có thể giúp bạn nhận ra được những di sản có giá trị thiêng liêng của đất nước mình.
5 Đi du lịch là một hoạt động thú vị. Bạn sẽ được chứng kiến những cảnh tượng hùng vĩ, những công trình kiến trúc vĩ đại mà trước giờ chỉ mới được đọc qua sách báo, như bảo tàng Louvre ở Paris, Vạn lý trường thành ở Trung Quốc, hay Quảng trường Thời đại ở thành phố New York.
Chúng ta đã khám phá ra những điều rất lý thú của việc đi du lịch khắp nơi, nhưng còn một điều khác quan trọng hơn, đó là làm thế nào kiếm đủ tiền để chi phí cho những chuyến đi ấy? Thật ra, vấn đề sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu bạn biết tận dụng các cơ hội. Để tôi kể ra cho các bạn nhé!
• Hãy tận dụng tối đa những chương trình du lịch của trường. Tham gia vào những chuyến du lịch do trường tổ chức, và nếu may mắn bạn còn có thể nhận được một chuyến đi du lịch nước ngoài nữa cơ đấy. Khi còn học phổ thông, tôi đã có dịp đến Mexico trong một chương trình do nhà trường tài trợ. Ở đó, tôi được sống trong một gia đình người bản xứ, được làm quen với những phong tục thật mới mẻ. Đó là một kỷ niệm tuyệt vời mà tôi không bao giờ quên trong suốt cuộc đời.
• Hãy tham gia vào một tổ chức từ thiện. Có rất nhiều tổ chức từ thiện luôn sẵn sàng chào đón những thành viên mới. Và cùng với họ, bạn sẽ có thể đến nhiều vùng đất mới, có thể là một khu vực chưa phát triển, một địa phương xa xôi nào đó...
• Là một sinh viên trao đổi quốc tế. Đây là một cơ hội quý giá cho bạn đấy. Hãy nhanh chóng đăng ký để có cơ hội học tập ở nước ngoài và khám phá những điều tuyệt diệu của đất nước ấy.
• Đi theo trong những chuyến công tác của cha mẹ. Ban ngày, khi cha mẹ bận làm việc, bạn sẽ có thời gian đi tham quan thành phố, bảo tàng, sở thú, ăn trưa tại một nhà hàng bản địa. Đó chẳng phải là một chuyến du lịch tuyệt vời sao? Nơi chúng ta sống chỉ là một mảnh vườn nhỏ bé của thế giới bao la. Vì vậy, hãy mở rộng tầm mắt của mình qua những chuyến tham quan đây đó. Có biết bao điều kỳ thú đang chờ đợi bạn, và bạn sẽ thấy mình biết thêm nhiều điều mà thường ngày chưa khám phá hết được.
Vấn đề thứ tư: “TÔI KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG HỌC TỐT”
Có thể bạn đang học hành không tốt ở trường, hoặc cũng có thể bạn cho rằng mình không đáp ứng được những yêu cầu mà trường lớp đưa ra. Đừng quá bận tâm về điều đó. Một khi bạn cố gắng, không có bất kỳ thử thách khó khăn nào có thể ngăn cản được bước chân bạn. Không ít những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới có thể là minh chứng cho điều này.
Albert Einstein, được xem là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 chỉ bắt đầu biết nói năm lên 4 tuổi, và mãi đến năm 7 tuổi mới biết đọc. Đến năm 9 tuổi, ông mới hết ngọng nghịu. Một thầy giáo đã khuyên ông nên bỏ học: “Vì trò sẽ chẳng bao giờ làm được cái gì nên hồn đâu, Einstein ạ”.
Isaac Newton, người đặt nền móng cho ngành vật lý hiện đại, đã từng học rất tệ môn toán.
Patricia Polacco, nhà văn và họạ sĩ nổi tiếng, biết đọc năm 14 tuổi.
Henry Ford, người đã phát triển dòng xe Model T nổi tiếng và thành lập ra tập đoàn Ford, phải khó khăn lắm mới tốt nghiệp được phổ thông.
Lucille Ball, một diễn viên hài nổi tiếng và ngôi sao của bộ phim Tôi yêu Lucy, đã từng bị trường kịch nghệ từ chối cho tiếp tục theo học vì quá nhút nhát.
Pablo Picasso, một trong những họa sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại, từng bị đuổi học vào năm lên 10 vì học quá tệ. Một gia sư được cha ông thuê dạy cũng đầu hàng trước Picasso.
Ludwig van Beethoven là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất nhân loại. Vậy mà thầy dạy nhạc của ông đã từng nói: “Với tư cách là một nhà soạn nhạc, tôi có thể nói cậu ta hoàn toàn vô vọng”.
Wernher von Braun, nhà toán học nổi tiếng toàn thế giới, đã từng bị đánh trượt năm lớp 9 vì môn đại số.
Agatha Christie, nhà văn viết truyện trinh thám lừng danh có số lượng sách xuất bản hàng đầu, đã từng rất khó khăn mới học đọc được vì chứng khó đọc của mình.
Winston Churchill, vị thủ tướng nổi tiếng của nước Anh, đã thi trượt lớp sáu. Thay vì đầu hàng trước những khó khăn trong học tập, họ đã vượt lên và làm được những điều vĩ đại. Bạn cũng hoàn toàn có thể làm được như vậy.
Hãy sống hết mình, vượt qua những lời áp đặt và nhớ những gì Einstein đã rút ra từ chính trải nghiệm của ông: “Những tinh thần vĩ đại luôn gặp phải sự chống đối, công kích từ những suy tính thấp hèn”.
Nếu tôi thực sự có vấn đề trong học hành thì sao?
Có thể có ai đó nói với bạn rằng bạn đang mắc phải một chứng bệnh khó khăn cho việc học tập, như chứng khó đọc, hay không có khả năng tập trung chẳng hạn. Thật là một cú sốc phải không? Đừng bi quan mà việc trước tiên nên làm là đến gặp một chuyên gia và kiểm tra lại mọi chuyện. Nếu thực tế bạn mắc bệnh, họ sẽ có phương pháp đặc biệt giúp bạn, như uống thuốc, ăn kiêng, liệu pháp tâm lý, điều khiển stress, dùng thảo dược hay kết hợp nhiều thứ lại với nhau... Cũng có những người chỉ cần thay đổi suy nghĩ của mình là lập tức khỏi bệnh, bởi thực sự họ không hề có vấn đề gì cả.
Greg Fox chia sẻ cho chúng ta một câu chuyện như sau:
Đó là năm tôi bắt đầu vào học cấp hai, thỉnh thoảng vào giờ ra chơi, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu tôi theo cô đến phòng hội đồng. Ở đó, cô hỏi tôi những vấn đề về cuộc sống và ghi chép lại tất cả những gì tôi nói. Ngoài tôi, cũng có một vài bạn khác trong lớp được “quan tâm chăm sóc” như vậy. Lúc đó, tuy nhận ra có điều khác biệt, nhưng chúng tôi không hề biết rằng nhà trường đã xếp mình vào loại những học sinh không có khả năng học tập.
Các giáo viên đều xem chúng tôi là những học sinh cá biệt. Họ cho chúng tôi đáp án của các bài tập toán, giúp chúng tôi làm bài tập về nhà, cho phép chúng tôi làm các bài kiểm tra không giới hạn thời gian, thậm chí còn có đề bài luận dành riêng... Không ai bảo ai, chúng tôi trở thành những học sinh yếu nhất lớp và yên trí với vị trí đó mà không hề suy nghĩ gì thêm.
Mãi cho đến khi tôi được chuyển vào lớp do thầy Weisberg chủ nhiệm, ban đầu tôi gần như bị sốc và oán trách thầy bởi cách ông làm không hề giống các thầy cô trước đó. Ông không bao giờ chấp nhận bất cứ lý do gì cho việc tôi không hoàn thành đủ bài tập về nhà, cũng không cho tôi thời gian làm bài luận nhiều hơn bất kỳ học sinh nào khác trong lớp. Điều này thật đáng ngại đối với tôi, bởi tôi đã quen với những ưu ái đặc biệt ngày trước. Nhưng dần dần thầy Weisberg cũng đã khiến tôi tin tưởng rằng mình là một con người hoàn toàn bình thường với nhiều khả năng tiềm ẩn. Những lời động viên đúng lúc và cách đối xử công bằng của thầy đã giúp tôi vượt qua định kiến vô hình mà ngay cả tôi cũng tự áp đặt cho mình.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi tiếp tục vào đại học - một thành tích làm bất ngờ cả gia đình và nhà trường. Hiện nay, tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp bằng cử nhân khoa tiếng Anh, và không hề thua kém bất kỳ sinh viên nào khác trong lớp. Nhưng điều quý giá nhất, trên cả những bằng cấp và điểm tổng kết, là tôi đã học được cách tin vào bản thân, biết sống có trách nhiệm với tương lai của mình. Tôi chỉ thấy tiếc những năm tháng mà tôi đã buộc mình phải sống giam hãm trong những định kiến của người khác.
Tôi chợt nhớ một nhà thơ Ba Tư - Hafiz đã từng viết:
“Từ trước khi bạn được sinh ra,
Thượng đế đã dành tặng cho bạn vô số những món quà, và phần lớn trong số đó vẫn đang chờ bạn khám phá.”
Tôi đã từng gặp một cô gái rất dễ thương tên là Amelia. Lúc ấy, cô vừa nhận bằng tốt nghiệp của trường Đại học Weber State, khoa Kỹ thuật cơ khí. Cô là sinh viên nữ duy nhất của trường tốt nghiệp chuyên ngành này. Với năng lực vượt trội, đã có rất nhiều công ty mời cô đến làm việc, trong đó có cả công ty sản xuất xe mô tô nổi tiếng Harley-Davidson.
Amelia sinh ra và lớn lên ở Provo, Utah, là một trong năm đứa con của một người mẹ nghèo, đơn thân. Để nuôi sống gia đình, bà đã phải làm việc rất vất vả.
“Mẹ tôi đã nói rất rõ ràng rằng bà không đủ sức chi trả học phí đại học cho tôi. Bà cũng mong tôi lấy được học bổng vì đó là cách duy nhất để tôi vào đại học, và sẽ giúp tôi có được một cuộc sống tốt hơn sau này.”
Nhưng ai biết rằng trong những năm tiểu học, Amelia học không tốt lắm. Cô bị chứng khó đọc, và mãi đến những năm phổ thông cô mới biết mình mắc chứng bệnh này.
“Một lần ở nhà, tôi đọc lớn một đoạn văn cho mẹ nghe nhưng không sao trôi chảy được. Tôi cứ đọc sai từ mãi khiến mẹ tôi rất giận. Bà hỏi: “Chẳng lẽ ở lớp con không học được gì ư?”. Tất nhiên không phải như vậy. Tôi học rất chăm, và cũng hiểu bài nữa, nhưng không hiểu sao nhiều lúc, tôi cứ phải đọc đi đọc lại một từ đến hai ba lần thì mới đúng được. Mẹ đưa tôi đi khám, và các bác sĩ chẩn đoán rằng đó là chứng khó đọc nghiêm trọng. Trước đó, tôi không biết vì sao việc học hành lại khó khăn đến như thế đối với mình, thậm chí cả mẹ tôi và các giáo viên ở trường cũng chỉ nghĩ rằng do tôi không thông minh hay không chăm chỉ mà thôi.”
Chứng khó đọc làm bệnh nhân nhìn các chữ cứ lộn xộn cả lên. Trong nhiều năm, những người mắc chứng bệnh quái ác này bị cho là đần độn, cho đến khi Margaret Rawson tìm ra nguyên nhân. Đây là lời giải thích kịp lúc cho hàng triệu đứa trẻ đang hoang mang vì không biết điều gì đang xảy ra với trí óc của mình. May mắn thay, trong những năm học phổ thông và đại học, Amelia có được những người bạn tốt đã giúp đỡ cô rất nhiều. Họ luôn ở bên cạnh để động viên, an ủi mỗi khi cô cảm thấy khó khăn muốn bỏ cuộc.
Chỉ cần thực sự cố gắng và chăm chỉ, cộng thêm sự giúp đỡ của những người quan tâm, bạn hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức trong việc học tập, giống như Amelia vậy.
7 BÍ QUYẾT ĐỂ ĐẠT ĐIỂM CAO
Tôi tin rằng mọi người đều có khả năng đạt điểm cao nếu họ muốn, ngay cả khi họ chưa bao giờ học tốt trước đó hay gặp vài khó khăn trong vấn đề học tập như chúng ta đã nói ở trên. Dĩ nhiên điểm số không phải là vấn đề quan trọng nhất, bởi nó chưa phải là bằng chứng của kiến thức hay biểu hiện chính xác những công sức bạn bỏ ra. Nhưng nói chung, đạt được điểm tốt là dấu hiệu của việc bạn đang cố gắng, và mang lại niềm vui cho không chỉ riêng mình. Sau đây, tôi sẽ tiết lộ cho các bạn 7 bí quyết để có được điểm tốt ở trường.
Bí quyết thứ nhất: Tin vào chính mình
Mọi thành quả bạn đạt được đều bắt nguồn từ bản thân bạn, từ những điều mà bạn nghĩ trong đầu. Bạn không thể làm được điều gì nếu ngay chính bạn cũng không tin vào khả năng của mình. Chúng ta hãy cùng tham khảo câu chuyện của Josh nhé! Nó có thể khiến bạn phải suy nghĩ đấy!
Trong suốt những năm học phổ thông, tôi chưa bao giờ đạt được điểm cao. Tôi có thể là một vận động viên thể thao rất cừ ở trường, nhưng điểm cao dường như là một chuyện nằm ngoài tầm với của tôi. Tôi biết tôi hiểu bài nhanh hơn một số bạn trong lớp, nhưng tôi gặp vấn đề trong việc tập trung. Việc ngồi một chỗ học bài khiến tôi rất mau chán, và tôi cũng không bao giờ học kỹ bài nữa. Dần dần, tôi cũng quen với những con điểm trung bình của mình mà không thắc mắc gì thêm.
Ước mơ của tôi là trở thành một nha sĩ nhưng tôi lại luôn cho rằng mình sẽ không bao giờ đạt được đủ số điểm để biến ước mơ này thành sự thật.
Một ngày nọ, khi đang dạo chơi trên Internet, tôi phát hiện ra một trang web có các bài trắc nghiệm để kiểm tra chỉ số thông minh. Tôi nhớ cha mẹ có lần nói với tôi rằng tôi đã được số điểm rất cao khi làm bài kiểm tra IQ hồi còn học tiểu học. Muốn thử sức mình, tôi cũng làm bài kiểm tra đó, và kết quả đã làm tôi thật sự ngạc nhiên. Tôi đạt số điểm 140! Thật không thể tin được. Máy tính cho tôi một danh sách những công việc phù hợp với chỉ số thông minh vừa đo được, trong đó có cả nghề nha sĩ. Lối suy nghĩ của tôi thay đổi ngay sau đó, và tôi đã lật ngược tình thế một cách ngoạn mục. Ở học kỳ tiếp theo, bảng điểm của tôi chỉ toàn những điểm A và B+. Tất cả sự biến chuyển đó là vì tôi tin rằng: tôi làm được.
Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn là một kẻ ngốc nghếch hay “không thể đạt được điểm cao”. Ai cũng có thể trở thành một học sinh giỏi, đừng nhìn vào kết quả trong quá khứ hay những lời chê bai. Tất cả đều có thể, nó sẽ bắt đầu với niềm tin trong chính bản thân bạn.
Bí quyết thứ hai: Tự tin thể hiện mình
“Tám mươi phần trăm của thành công là do lòng can đảm thể hiện khả năng của mình.” - Đạo diễn vĩ đại người Mỹ Woody Allen đã nói như vậy. Có rất nhiều người trong chúng ta có khả năng - thậm chí là tài năng - nhưng không dám thể hiện mình khi có cơ hội. Sự nhút nhát, không tự tin và tâm lý lo sợ người khác nhận ra điểm yếu của mình khiến chúng ta chỉ biết an phận ở vị trí đi sau một người tiên phong nào đó. Giải pháp cho vấn đề này là gì? Tôi nghĩ chỉ có một cách thôi, đó là sự mạnh dạn. Hãy xung phong trả lời các câu hỏi, làm các bài tập có điểm thưởng, và tích cực đóng góp ý kiến của mình trong những bài thảo luận, dù nó có nhận được ý kiến đồng tình hay phản đối đi chăng nữa. Khi sự mạnh dạn đã trở thành thói quen, tôi chắc rằng bạn sẽ nhận được rất nhiều cơ hội thành công không những trong học tập, mà cả trong sự nghiệp tương lai của mình!
Bí quyết thứ ba: Luôn hoàn thành các bài tập được giao
Bất cứ khi nào giáo viên của bạn giao bài tập làm thêm, hãy thực hiện nó đầy đủ. Điều này hoàn toàn không uổng phí công sức chút nào đâu. Những bài tập làm thêm như thế này thường rất dễ thực hiện, nhưng vừa có thể giúp bạn kiếm thêm nhiều điểm, vừa giúp bổ trợ kiến thức cho các bài kiểm tra sắp tới. Thường thì phần lớn các bạn học sinh không mấy quan tâm tới dạng bài tập này, bởi họ hoàn toàn được quyền không làm. Ngày xưa, chính tôi cũng có suy nghĩ như vậy, nhưng một lần tôi phát hiện ra sự tuyệt diệu của nó nhờ vào môn lượng giác. Khi đó, tôi học môn này chỉ ở mức trung bình, nhưng nó lại là môn quan trọng ở trường. Quyết tâm học tốt hơn, tôi tập trung thời gian và công sức hoàn thành một cách đầy đủ những bài tập được giao về nhà, thậm chí cả những bài làm thêm không bắt buộc. Thật kỳ diệu, càng làm nhiều bài tập, vấn đề càng trở nên nhẹ nhàng hơn với tôi. Cuối học kỳ đó, tôi đã nhận được một điểm A tuyệt vời cho những nỗ lực của mình.
Bí quyết thứ tư: Hãy yêu quý và kính trọng các thầy cô giáo
Hãy chủ động chào hỏi khi gặp thầy cô giáo. Điều này không có nghĩa là chúng ta muốn gây cảm tình để được chú ý đặc biệt, mà là để ta có thể dễ dàng hơn khi tiếp xúc, trao đổi thêm về bài học hay nói lên những ý kiến, những suy nghĩ của mình. Phần lớn các thầy cô đều rất thân thiện, nếu bạn tỏ ta tôn trọng và gần gũi với họ thì họ cũng sẽ ân cần với bạn.
Bí quyết thứ năm: Bản lĩnh trước vùng cấm
Vùng cấm là 20 mét cuối cùng trên sân bóng bầu dục trước khi đến lằn biên cuối sân. Đây là khu vực khó vượt qua nhất. Bạn có thể một mình dẫn bóng từ đầu sân đến cuối sân rất ngoạn mục, nhưng nếu bạn mất bóng trong vùng cấm, bạn sẽ không ghi được điểm nào cả.
Cũng tương tự như vậy, tôi từng chứng kiến nhiều bạn trẻ đã rất cố gắng trong gần hết học kỳ, nhưng lại buông xuôi trong vài tuần cuối cùng vì đã quá mệt mỏi. Trong việc học hành, vùng cấm là những khi có bài kiểm tra hay có thể là tuần cuối cùng của khóa học, khi bạn phải chuẩn bị cho một loạt những bài thi cuối kỳ trong thời gian ngắn ngủi. Đây là những lúc bạn phải thật mạnh mẽ, thật bình tĩnh và tự tin ở chính mình. Thật ra, những vùng cấm trong học tập này không quá khó như bạn nghĩ, nếu bạn đã bỏ công học tập hàng ngày, thì đây chỉ là thời điểm ôn lại mọi thứ. Đừng để nỗi lo lắng, căng thẳng khiến bạn buông xuôi.
Khi còn học phổ thông, tôi cũng phải đối mặt với những kỳ thi căng thẳng, trong đó quan trọng nhất là kỳ thi tốt nghiệp. Đó là một bài thi làm trong ba tiếng đồng hồ, nhưng chỉ vừa được một nửa thời gian, một người bạn cùng lớp tôi đứng dậy nộp bài và ra về. Rõ ràng bạn ấy đã quá mệt mỏi, không thể duy trì sự cố gắng của mình đến phút cuối, thế là công sức học hành bấy lâu nay đều đổ xuống sông xuống biển.
Bài học của câu chuyện này là: Phải bản lĩnh khi giải quyết những chuyện quan trọng.
Bí quyết thứ sáu: Tập trung tiềm năng
Khi còn bé, cha tôi thường dẫn cả nhà đi lướt ván vào mỗi kỳ nghỉ hè. Và bất cứ khi nào một trong số chúng tôi loay hoay không trèo lên ván được, ông lại gào lên cổ vũ: "Con yêu, hãy cố gắng lên, con làm được mà. Hãy vận dụng hết năng lực của con và thử lại xem nào!”. Cha tôi luôn tin tưởng rằng chúng tôi có thể làm được bất kỳ điều gì, vì bản thân mỗi người đều có những “tiềm năng” vô giá mà chưa biết cách tận dụng hết để giải quyết mọi việc.
Khi dần lớn lên, tôi càng thấm thía câu nói ngày ấy của cha. Chúng ta đều được trao những điều kiện cần và đủ để thành công. Đối với việc học hành, “tập trung tiềm năng” có nghĩa là nỗ lực hết sức mình và đón nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh như thầy cô, bạn bè, anh em, ông bà, cha mẹ, gia sư v.v.
Không có gì quý bằng sự hợp lực, cổ vũ từ những người xung quanh. Hãy tìm một ai đó tin ở bạn, quan tâm đến bạn và nhờ họ giúp đỡ mỗi khi bạn gặp khó khăn.
Bí quyết thứ bảy: Phát triển thói quen học tập
Tôi hiểu rằng bạn rất bận rộn. Bạn có bao nhiêu việc phải làm, từ học hành, bạn bè, công việc, đến những hoạt động ngoại khóa và những thứ linh tinh khác cần giải quyết. Vì thế, để hoàn thành tốt công việc của mình bạn cần phải có những thói quen học tập hợp lý, đồng thời lưu ý đến những yếu tố sau:
• DINH DƯỠNG ĐẦY ĐỦ. Hãy nhớ rằng, não bộ của bạn luôn cần được nuôi dưỡng một cách chu đáo. Để làm việc tốt, nó cần phải được bồi bổ. Vì thế, đừng bao giờ lao vào học khi đang đói lả bạn nhé! Hãy kiếm thứ gì đó ăn ngay.
• ĐỊA ĐIỂM THÍCH HỢP. Bạn nên tìm một nơi yên tĩnh để học bài - nơi bạn không phải chịu sự chi phối bởi những việc xảy ra xung quanh.
• THỜI GIAN THÍCH HỢP. Hãy tự đặt ra cho mình một khoảng thời gian xác định để làm bài tập về nhà, tránh bị gián đoạn trong khi đang học. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tập trung vào bài, hãy thử chia nhỏ các phần bài tập của mình ra và giải quyết nhiều lần trong ngày.
• ƯU TIÊN. Hãy lên kế hoạch những gì bạn sẽ phải làm. Trước hết, tập trung vào những việc trước mắt như hoàn thành tất cả những bài tập mà bạn phải nộp ngày mai. Sau đó, giải quyết dần những việc quan trọng, các bài luận và bài kiểm tra sắp tới.
• LƯỚT, ĐỌC VÀ ĐÀO SÂU. Hãy tưởng tượng bạn có một giờ đồng hồ để học toàn bộ chương 9 bài lịch sử cho tiết kiểm tra vào ngày mai. Thay vì đọc sách giáo khoa hay ôn lại những ghi chép trên lớp, bạn hãy thử phương pháp này xem:
Lướt (10 phút) Đọc lướt chương số 9, gạch đầu dòng ra giấy những đề mục của chương. Đây chính là bộ khung của bài học, là những ý chính bạn cần phải nắm vững.
Đọc (30 phút) Đọc lại toàn bộ chương 9 trong sách giáo khoa một cách kỹ càng, kết hợp với những gì bạn đã ghi chép trên lớp để rút ra những nội dung quan trọng cần nắm.
Đào sâu (20 phút) Sau khi đã nắm bài, hãy thử trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa hay các câu hỏi mình tự đặt ra. Điều này sẽ rất có ích cho bạn trong bài kiểm tra ngày mai.
Bước Vào Đại Học
Khi phải bước tiếp lên một nấc thang nữa của cuộc đời, phải trưởng thành, phải chịu trách nhiệm về bản thân đôi khi khiến nhiều bạn trẻ hoang mang.
Tôi cũng đã từng trải qua cảm giác hoang mang, bối rối ấy, nhưng giờ đây, nếu được phép đưa ra cho các bạn một lời khuyên, tôi sẽ bảo rằng: “Hãy học càng nhiều càng tốt. Hãy tốt nghiệp phổ thông và bước vào đại học. Hãy cố gắng hoàn tất bốn năm để có được tấm bằng cử nhân, rồi học lên cao hơn nữa nếu bạn có thể”. Ở đây, tôi muốn nói đến đại học theo nghĩa rộng, nghĩa là tất cả những cấp giáo dục mà bạn có thể học sau khi hoàn tất bậc phổ thông, dù là một tấm bằng kỹ thuật, một tấm bằng quân sự, giáo dục từ xa hay cái gì đó đại loại như vậy. Tất cả chúng đều là những bước chuẩn bị tốt cho bạn bước vào đời.
Vậy học đại học có thật sự đáng giá không? Chắc chắn rồi! Một nền giáo dục ở đại học có thể mang đến cho chúng ta ba lợi ích rất lớn:
1. Giáo dục bậc đại học sẽ làm giàu cuộc sống của bạn!
Vào năm đầu tiên của trường đại học, tôi có tham gia một câu lạc bộ tiếng Anh. Trong buổi sinh hoạt đầu tiên, cô giáo đề nghị chúng tôi phải đọc hai truyện ngắn rồi sau đó thảo luận xem truyện nào hay hơn. Thật tình, tôi không hề có bất kỳ một cảm nhận nào cả, văn chương không phải là thế mạnh của tôi. Ấy vậy mà sau khi nghe cô giáo phân tích, tôi được mở rộng tầm mắt rất nhiều. Cô giải thích cho chúng tôi hiểu đâu là giá trị văn chương đích thực, đâu chỉ là một câu chuyện hời hợt không đáng quan tâm. Vài tháng sau đó, tôi cảm nhận được rằng mình đã học hỏi được nhiều điều. Tôi đã có thể nhận thấy cái hay của một tác phẩm văn chương, đồng thời nâng sức cảm thụ văn học của mình lên một tầm mức mới.
Việc giáo dục tuyệt vời như vậỵ đó. Nó giúp chúng ta có khả năng thấy, hiểu và cảm thụ được tất cả những gì thuộc về cuộc sống - âm nhạc, hội họa, khoa học, con người, tự nhiên, bản thân chúng ta... làm cuộc sống chúng ta phong phú hơn.
2. Giáo dục bậc đại học sẽ mở ra nhiều cánh cửa!
Hãy tưởng tượng bạn đọc được thông tin về một việc làm tuyệt vời trên Internet. Đây là công việc bạn hằng ao ước và tin chắc rằng mình sẽ làm rất tốt. Bạn phấn khích đến mức muốn đăng ký và nộp đơn phỏng vấn ngay lập tức. Nhưng sau đó bạn nhìn thấy hàng chữ: “Yêu cầu: Tốt nghiệp đại học”, trong khi bạn đã bỏ dở việc học từ thời trung học! Bạn biết rằng mình có thể hoàn thành công việc này tốt hơn bất kỳ ai, nhưng điều này không thay đổi được gì cả. Bạn hoàn toàn không có cơ hội.
Ngày nay, có rất nhiều công việc đòi hỏi người dự tuyển phải có bằng cử nhân. Nếu cầm được tấm bằng ấy trên tay, bạn sẽ mở rộng nhiều cơ hội cho mình.
3. Với một tấm bằng đại học, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn!
Tất nhiên là trong cuộc sống có nhiều điều quan trọng hơn việc kiếm tiền. Và cũng không có gì đáng xấu hổ khi bạn không giàu có. Nhưng thực sự mà nói, khi có nhiều tiền cũng có nghĩa là nhiều điều kiện để thư giãn, nhiều cơ hội để đi du lịch, nhiều khả năng để phát triển bản thân hơn nữa hoặc có thể giúp đỡ người khác một cách thiết thực nhất...
VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Andres sinh ra ở Guatemala, trong một thị trấn gần San Marcos. Nhà cậu rất nghèo. Ở Guatemala, dưới 1% thanh niên được học đại học - đó là một giấc mơ khó thành hiện thực trong cuộc sống không mấy dễ dàng của họ. Tuy thế Andres vẫn không nản lòng.
Cậu luôn khao khát có một ngày được bước vào cổng trường đại học.
Andres cố gắng học tập chăm chỉ và đạt được nhiều kết quả xuất sắc. “Bạn bè thường rủ tôi đi chơi bóng rổ, nhưng tôi luôn từ chối. Tôi không thể phung phí bất kỳ khoảng thời gian nào, vì như vậy tôi sẽ phung phí cơ hội cho tương lai mình. Có thể nói rằng tôi say mê việc học và khao khát thành công. Tôi thường tìm hiểu các gương vĩ nhân trên sách, và luôn ao ước mình sẽ làm được như họ.”
Vào năm học cuối ở trường phổ thông, Andres đã tự đặt ra cho mình mục tiêu thi đỗ vào một trong những trường đại học tốt nhất ở Guatemala. Mọi người, ngay cả thầy giáo, đều nói với cậu rằng: “Thôi nào, Andres. Đó là một giấc mơ không tưởng. Chưa có ai ở thị trấn chúng ta làm được điều đó cả, và thầy biết với gia đình của trò thì càng khó khăn hơn nữa.”
Nhưng Andres rất kiên quyết. Cậu vẫn quyết định dự thi đầu vào của ba trường đại học hàng đầu của Guatemala. Cậu không chấp nhận từ bỏ ước mơ mà cậu đã nuôi bằng ý chí và lòng quyết tâm trong suốt bao nhiêu năm.
Một trong những trường Andres nộp đơn là trường Francisco Marroquin (UFM), trường đại học uy tín và đắt đỏ hàng đầu Trung Mỹ. Một cán bộ của trường - Mónica, nhớ lại:
“Tôi nhớ khi đó chúng tôi đang kiểm tra lại tất cả những bài thi nhập trường của các thí sinh. Quả thật, các thầy cô có mặt đều rất ấn tượng trước bài làm môn toán đạt điểm tuyệt đối của Andres. Không chỉ có vậy, cậu ấy còn đạt điểm rất cao trong các môn còn lại.”
Andres trúng tuyển vào trường đại học này, nhưng đúng như những dự liệu ban đầu: cậu không có tiền để chi trả học phí. Điều này đã được Ban giám hiệu nhà trường biết, và chẳng phải đợi lâu Andres đã nhận được câu trả lời làm cậu vô cùng hạnh phúc: “Đừng lo, Andres. Em sẽ là sinh viên đầu tiên được nhận học bổng toàn phần của trường. Em xứng đáng được nhận phần thưởng ấy. Xin chúc mừng em, tân sinh viên của trường!”.
Vài năm sau, Andres tốt nghiệp xuất sắc khoa Kinh tế trường Đại học UFM. Hiện tại anh đang theo học tiến sĩ ở Hoa Kỳ.
Thay vì rên rỉ: “Tôi nghèo quá”, “Việc học đại học chỉ là mơ ước mà thôi”, Andres đã tập trung hết sức lực của mình để biến giấc mơ thành hiện thực. Cuối cùng, phần thưởng cho chàng trai dám nghĩ, dám làm ấy là hoàn toàn xứng đáng.
CHỌN ĐÚNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Trường đại học nào là phù hợp nhất đối với bạn? Chỉ có bạn mới có thể quyết định được điều này. Nhưng đôi khi chúng ta lại mắc phải những sai lầm đáng tiếc khi chọn trường, và kết quả là ta cảm thấy chán ngán khi theo học một ngành chẳng hề phù hợp với bản thân mình. Tôi sẽ kể ra cho các bạn một số điều không nên làm khi đưa ra quyết định:
• Đừng vào một trường đại học chỉ vì bạn bè ta cũng thi vào đó.
• Đừng chọn trường chỉ vì trường đó có danh tiếng vượt trội.
Có những thứ quan trọng hơn cần được quan tâm, như nó có phù hợp với sở thích, sở trường của bạn? Có bao nhiêu thí sinh sẽ thi vào trường đó? Sức học của bạn liệu có thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh? Chi phí học tập, điều kiện sinh hoạt, vị trí, điều kiện vật chất liệu có phù hợp với bạn?...
Chọn lựa đúng trường là một quyết định lớn, vì thế bạn hãy suy nghĩ thật kỹ càng. Để có thể tìm hiểu thêm thông tin về trường, bạn có thể:
• Nghiên cứu kỹ quyển cẩm nang “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học”.
• Hỏi thăm những người đã có kinh nghiệm học ở trường đó.
• Tham khảo trang web chính thức của trường.
• Đến tham quan trường.
• Thử tham gia một lớp học dự thính để làm quen với cách dạy của giáo viên đại học.
BẠN CÓ ĐỦ TIÊU CHUẨN KHÔNG?
Làm thế nào để được nhận vào ngôi trường mình đã chọn? Mặc dù có vài khác biệt ở mỗi trường, nhưng hầu như tất cả đều có những tiêu chí chung trong việc lựa chọn học viên, bao gồm:
Đam mê: Liệu bạn có thực sự thích thú và quyết tâm vào ngôi trường mình đã ứng tuyển?
Năng lực học tập: Bài thi tuyển sinh của bạn có tốt không? Điểm tổng kết ở trường trung học thế nào?
Đạo đức: Bạn có gặp vấn đề rắc rối nào trong quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội trước đó? Bạn có phải là một học viên chịu chấp hành theo nội quy?
Các hoạt động ngoại khóa: Bạn có năng khiếu trong lĩnh vực nào, thể thao hay thơ ca, diễn kịch hay lãnh đạo hội nhóm?
Hoạt động xã hội: Bạn đã từng tham gia vào những hoạt động tình nguyện có ý nghĩa nào chưa?
Thư giới thiệu: Những người khác nghĩ về bạn như thế nào? Hãy chọn những người hiểu rõ bạn để nhờ họ viết thư giới thiệu; đừng quá quan trọng vấn đề tên tuổi của người đó.
Kỹ năng giao tiếp: Bạn bày tỏ ý kiến cá nhân của mình tốt không?
Nếu điểm thi đầu vào của bạn thấp hơn mong đợi thì bạn cũng đừng quá thất vọng. Vẫn còn rất nhiều cơ hội mở ra cho bạn: Một số trường đại học thường không quá siết chặt đầu vào mà chú trọng đến kết quả học tập của sinh viên tại trường. Vì vậy, hãy luôn ý thức rằng bạn phải học hành thật chăm chỉ.
CHUẨN BỊ CHO BÀI THI TUYỂN SINH
Để bước vào kỳ thi quan trọng này, bạn phải chuẩn bị kiến thức từ trước đó vài năm. Hãy là một chú kiến chăm chỉ góp nhặt từng kiến thức thay vì dồn hết tất cả vào năm học cuối. Đến năm cuối cấp mới lên kế hoạch ôn lại kiến thức thi đại học thì đã muộn.
Làm thế nào để làm bài thi cho thật tốt? Điều duy nhất tôi có thể khuyên các bạn, đó là hãy tự tin. Đừng đặt quá nhiều áp lực lên mình. Bạn đã học hành chăm chỉ, thì bạn sẽ đậu. Và bạn cũng có thể tự thi thử bằng cách giải các bài tập ở nhà theo đúng thời gian quy định, điều này giúp bạn khỏi phải bỡ ngỡ khi bước vào phòng thi.
Trước ngày thi bạn cũng nên ngủ thật ngon để sáng hôm sau có thể tỉnh táo, và nhớ ăn sáng rồi hãy bước vào phòng thi. Đây cũng là điều rất quan trọng.
HỌC PHÍ
Chi phí cho việc học đại học cao hơn học phổ thông rất nhiều. Học phí không rẻ, tiền tài liệu, sách vở cũng nhiều hơn. Hơn nữa, bạn còn phải chi tiền ăn ở, sinh hoạt phí nếu học xa nhà. Nhưng có một tin mừng: có rất nhiều học bổng cũng như tiền tài trợ dành cho sinh viên. Phần lớn các học bổng có hai dạng: Dạng thứ nhất là những khoản trợ cấp cho các bạn trẻ sống trong gia đình có thu nhập thấp, không đủ khả năng chi trả học phí. Dạng thứ hai dành cho những người thực sự tài năng ở các lĩnh vực khác nhau.
Đừng để việc thiếu tiền trở thành nguyên nhân khiến bạn không vào được đại học. Nếu cần thiết bạn có thể vay ngân hàng hoặc đi làm thêm để chi trả cho việc học tập. Mọi thứ đều có cái giá của nó. Và thực sự thì có hai thứ đáng để chúng ta phải mắc nợ trên đời này: một mái nhà hạnh phúc và một nền học vấn đến nơi đến chốn.
Đi Tìm Chính Mình
Ngày còn thơ, chúng ta thường có nhiều mơ ước về nghề nghiệp dựa trên trí tưởng tượng và niềm yêu thích của mình. Nhưng khi lớn lên, nhiều người cảm thấy trong lòng phai dần mối quan tâm đối với nghề nghiệp mình từng mong ước. Có nhiều thú vui chờ đợi chúng ta: những buổi rong chơi cùng bạn bè, những bữa tiệc sinh nhật và cả những buổi hẹn hò... Chúng dần chiếm hết thời gian dành cho việc thực hiện ước mơ.
Khi bước vào khoảng thời gian chạy nước rút của cấp phổ thông, bạn buộc phải suy nghĩ về việc mình muốn trở thành một người như thế nào sau khi tốt nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn định hướng rõ ràng hơn cho con đường tương lai của mình.
Nhưng làm thế nào để bạn xác định nghề nghiệp phù hợp giữa một rừng những công việc hấp dẫn của thời đại ngày nay? Chìa khóa ở đây là bạn hãy đi tìm chí hướng của mình thông qua sự giao hòa giữa tài năng, sở thích và nhu cầu trong cuộc sống của bạn.
Hãy tưởng tượng có bốn vòng tròn:
Nơi mà bốn vòng tròn này giao nhau thể hiện chí hướng của bạn. Hãy nghĩ về chí hướng của mình khi bạn chọn trường, chọn ngành học, chọn công việc...
Cả bốn vòng tròn này đều quan trọng. Ví dụ: bạn rất yêu âm nhạc (đam mê), và bạn có năng khiếu (tài năng), nhưng bạn cũng cần phải tìm cách để sống được nhờ nó nữa (nhu cầu). Có thể bạn mơ về việc trở thành một ngôi sao nhạc rock, bởi nó có thể đáp ứng cả đam mê, tài năng và nhu cầu mà chúng ta vừa kể trên. Nhưng bạn biết đấy, cơ hội để đạt được giấc mơ của bạn chỉ một phần mười nghìn, vì thế hãy cân nhắc thật kỹ càng. Bạn có thể tìm một nghề nghiệp khác cũng phù hợp với bạn không kém, như dạy nhạc hoặc sáng tác âm nhạc cho các chương trình quảng cáo trên TV hay phim ảnh chẳng hạn.
Cũng tương tự như vậy, đừng chọn một nghề nghiệp chỉ vì bạn sẽ được trả lương cao (nhu cầu) nhưng lại không làm bạn cảm thấy hạnh phúc (đam mê), cũng chẳng giúp bạn thể hiện khả năng của bản thân mình (tài năng).
Hoặc cũng có thể khi chọn lựa nghề nghiệp, bạn bị thôi thúc bởi một điều gì đó tận sâu thẳm trong tim. Tiếng nói bên trong thúc giục bạn làm công việc đó vì lợi ích của những người khác. Đây chính là lương tâm - một yếu tố quan trọng hơn hết thảy.
Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng nhận ra được chí hướng của bản thân mình. Có khi nó cần phải trải qua một quá trình kiếm tìm. Vì vậy, hãy kiên nhẫn. Dưới đây là một số phương thức có thể giúp bạn tìm được chí hướng của mình:
KHÁM PHÁ
“Hãy thăm thú những cánh đồng hoang dã, nhưng đừng quên chăm sóc cho những cánh đồng nhà”.
Cánh đồng hoang dã ở đây là những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, còn cánh đồng nhà chính là sở trường của chúng ta, những gì chúng ta có năng khiếu và thực sự yêu thích. Chúng ta dạo qua cánh đồng rộng lớn để khám phá ra đâu là thứ phù hợp với mình, đến khi xác định được rồi, thì ta nên dồn sức đầu tư cho nó. Đây quả thật là một lời khuyên bổ ích. Khi còn đang học phổ thông, bạn hãy tham gia vào các lớp học ngoại khóa khác nhau. Hay bạn cũng có thể tham gia vào các câu lạc bộ, đội nhóm đang hoạt động trong trường. Biết đâu đó lại là những khởi đầu giúp bạn định hướng cho công việc tương lai.
Hãy cho mình nhiều cơ hội để lựa chọn. Đôi khi một sự kiện nhỏ cũng có thể làm bừng lên trong bạn một niềm đam mê nào đó, như trong trường hợp của Justin chẳng hạn:
Một ngày nọ cha tôi mang về một chương trình kiến trúc 3D, vì biết rằng tôi rất thích thiết kế. Ông bảo tôi cài đặt vào máy và tự mày mò khám phá. Quả thật, đó là một chương trình rất hay, đã làm tôi say mê. Thế rồi một hôm, thầy giáo thông báo rằng, bài tập cuối khóa để kết thúc môn học sẽ là thiết kế một ngôi nhà. Tôi rất háo hức với đề tài này. Ngay ngày hôm sau, tôi bắt tay vào làm và hoàn thành chỉ trong vòng một tuần. Tôi đạt điểm gần như tuyệt đối. Điều này nuôi dưỡng trong tôi một mơ ước trở thành kiến trúc sư để thiết kế nhiều ngôi nhà mới. Một ngày nào đó tôi sẽ thiết kế và xây dựng được những tòa nhà chọc trời.
CƠ DUYÊN
Cơ duyên là “một điều bất ngờ mang theo hạnh phúc”. Hãy trân trọng và nhận thức được cơ duyên dưới dạng một bước ngoặt may mắn, một việc tình cờ, một sự thay đổi, hay một người nhìn thấy ở bạn điều gì đó mà bạn không thể tự nhận ra.
Khi lần đầu tiên đăng ký vào đội bóng bầu dục của trường phổ thông Provo, nguyện vọng của tôi là chơi ở vị trí hậu vệ biên. Nhưng vì đội bóng thiếu người, huấn luyện viên Drury chỉ định tôi làm tiền vệ - vị trí mà tôi không hề mong muốn chút nào. Thật không ngờ rằng quyết định này chính là bước ngoặt trong đời tôi. Suốt những năm trung học cho đến khi vào đại học, tôi đều được chọn để chơi ở vị trí tiền vệ cho đội bóng của trường. Cũng nhờ những buổi tập, tôi có dịp quen với một thầy giáo dạy tiếng Anh, người đã truyền cho tôi niềm đam mê đối với ngôn ngữ. Không lâu sau đó, nhờ sự hướng dẫn của thầy, tôi bắt đầu viết sách - và một lần nữa việc làm này đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời tôi.
Mỗi khi nhớ về chuyện xưa, tôi lại nghĩ nếu huấn luyện viên Drury chấp nhận cho tôi chơi ở vị trí hậu vệ biên, hẳn tôi chỉ là một cái bóng mờ nhạt trong các trận đấu (tôi biết mình không đủ nhanh để chơi tốt ở vị trí ấy). Và nếu như vậy, hẳn tôi đã không được chơi bóng ở trường đại học, và gần như chắc chắn sẽ không gặp được người thầy truyền thụ cho tôi niềm đam mê viết sách.
Trong nhiều trường hợp, những chướng ngại mà bạn vượt qua để trưởng thành lại là những nấc thang đưa bạn đến tương lai. Tôi có một người bạn tên là John, anh ấy từng gặp rất nhiều khó khăn với việc tìm định hướng cho bản thân khi còn là một chàng trai trẻ. Đến bây giờ, anh ấy đã thành một nhà văn rất thành công, phần lớn các cuốn sách của John đều viết về phương pháp đối mặt với cuộc sống của các bạn trẻ. Quả thật, đôi khi chúng ta lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình, và đôi khi chúng ta chỉ tình cờ đến với nó.
SUY NGHĨ KỸ CÀNG
Bạn biết không, có rất nhiều người không thích thú gì với công việc hiện tại của họ. Họ làm việc một cách miễn cưỡng, không chút hứng thú hay say mê. Phần lớn trong số họ chưa bao giờ dành thời gian để suy nghĩ về những điều mình thật sự muốn làm. Tất nhiên kết quả công việc của những người này không thể nào cao, và tâm trí họ cũng không khi nào thoải mái khi cứ phải đối mặt hàng ngày với những điều mình không thích.
Để tránh tình cảnh này, bạn phải suy nghĩ thật kỹ về nghề nghiệp tương lai của mình. Bạn phải hiểu rõ những việc mà bạn thích và không thích, những mục tiêu và cả những gì mình mong muốn trong cuộc sống.
Anh rể tôi, Matt, đã rất nghiêm túc trong việc chọn lựa nghề nghiệp cho mình. Ngay từ nhỏ, anh ấy đã ước mơ trở thành một bác sĩ, và trong suốt những năm học phổ thông cũng như giai đoạn đại cương ở trường y, anh ấy tìm hiểu một cách cẩn thận tất cả các chuyên ngành. Matt nói chuyện với các bác sĩ chuyên khoa khác nhau về công việc cũng như cuộc sống của họ. Dù đã từng có ý định chọn chuyên ngành phẫu thuật chỉnh hình, nhưng sau khi tìm hiểu, Matt biết đó là một nghề sẽ khiến anh luôn bận rộn và làm việc trong một lịch trình bó buộc. Cuối cùng anh chọn làm một bác sĩ gia đình - một công việc không quá căng thẳng và bận rộn mà vẫn giúp anh có được một đời sống đầy đủ và cân bằng.
Với kinh nghiệm của chính mình, tôi khẳng định với bạn rằng: Quan trọng nhất trong việc chọn nghề nghiệp là tìm được một công việc mà bạn thật sự yêu thích.
Để nhận ra chí hướng của bản thân, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:
CÔNG VIỆC CỦA CẢ CUỘC ĐỜI
Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra với một sứ mệnh nào đó trong đời. Có một công việc ở phía trước đang đợi ta làm, một tiếng nói thiêng liêng trong tâm hồn chờ ta khám pha. Tôi thích cách mà “Nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey nói:
Hãy xây dựng lòng can đảm để theo đuổi đam mê của bạn - và nếu như bạn không biết đam mê đó thực sự là gì, thì hãy nhận thức rằng mục đích sống của chúng ta là phải tìm cho bằng được nó. Nó sẽ không đến với bạn một cách tự nhiên hay do một người nào đó sắp đặt. Công việc của bạn là hãy nỗ lực để tìm ra, và sau đó rèn luyện tính kỷ luật, sự kiên trì, lòng can đảm để theo đuổi nó đến cùng.
Làm sao để bạn biết được mình đang đi đúng đường, đồng hành đúng người, hay lựa chọn đúng nghề nghiệp? Chỉ có linh cảm của bạn mới có câu trả lời chính xác nhất. Mỗi người trong chúng ta đều có một khao khát để vươn tới những điều mình mong mỏi, và chỉ có bạn mới có thể nhận ra khao khát ấy là gì.
Hãy chú ý đến những yếu tố tác động có thể khiến bạn cảm thấy mình năng động hơn, vui vẻ hơn, hào hứng hơn - bởi đó chính là kim chỉ nam dẫn bạn đi đúng hướng. Bắt tay vào làm những gì bạn thích sẽ giúp bạn đi đến thành công, và sớm tận hưởng những khoảnh khắc ngọt ngào do cuộc sống đem lại.
Ngày nay, Oprah được xem là một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, nhưng bà không có được điều đó ngay từ lúc mới sinh. Bà lớn lên trong một gia đình nghèo khó chỉ có hai mẹ con. Bà được bà ngoại nuôi dạy, và từng chịu đựng nạn phân biệt chủng tộc gay gắt suốt cả thời tuổi trẻ. Dù vậy, Oprah luôn cảm thấy mình có thể làm một điều gì đó có ý nghĩa để cùng sẻ chia với nhân loại, với những người đồng cảnh ngộ. Nhiều năm sau đó, tuy chậm chạp nhưng vô cùng vững chắc, bà đã từng bước một tìm thấy chí hướng của mình - giúp phụ nữ sống một cuộc sống hạnh phúc và nhiều ý nghĩa hơn.
“Tôi không phải là Oprah”, bạn có thể nói vậy. Vâng, bạn không phải là ”nữ hoàng truyền hình”, nhưng bạn có những giá trị và tài năng riêng mà không ai có được. Bạn đủ sức làm một điều đặc biệt nào đó đóng góp cho cuộc sống này - điều mà không ai khác có thể làm được. Có rất nhiều cách để cống hiến và chia sẻ: ở trường, ở công sở, hay đơn giản chỉ trong bốn bức tường nhà bạn.
Tôi hy vọng bạn sẽ chọn đúng con đường để đi bằng cách nỗ lực hết mình và không ngừng học tập. Sẽ rất thuận lợi khi bạn biết tự chuẩn bị cho mình một nghề nghiệp rõ ràng trong tương lai. Nếu bạn đã đi sai đường trong nhiều năm, hãy chuyển sang con đường đúng đắn ngay ngày hôm nay. Dĩ nhiên, bạn sẽ phải cố hết sức để lấy lại những gì mình đã bỏ lỡ, nhưng thà muộn còn hơn không.
Nền tảng học vấn đối với mỗi người có vai trò giống như vai trò của tấm lưới an toàn đối với người diễn viên nhào lộn trên không. Ngay cả khi bị rơi xuống từ trên cao, bạn cũng sẽ được nó đỡ lấy. Với một học thức đầy đủ, bạn không phải lo sợ bất kỳ điều gì; ngay cả khi mất việc, bạn vẫn có thể tìm được một công việc khác. Sự an toàn ở đây có nghĩa là khả năng tìm được một công việc tốt bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Bạn có được điều này bởi học vấn chính là bằng chứng hữu hiệu nhất để chứng minh giá trị của bạn.
ĐIỀU HẤP DẪN KẾ TIẾP
Bạn có phải đối mặt với những cô nàng xấu tính hay những anh bạn hung hăng ở trường không? Đây là vấn đề của hầu hết chúng ta. Ở chương tới, hãy xem những người khác vượt qua vấn đề này như thế nào nhé!
NHỮNG BƯỚC NHỎ
1. Nếu bạn đang định bỏ học, thì hãy sẵn sàng chấp nhận những gì xảy đến cho tương lai mình bằng cách hằng ngày làm quen với câu nói này: “Tôi đang trông đợi một công việc với mức lương thấp suốt đời mình”.
2. Ba lợi ích của việc tốt nghiệp phổ thông và học đại học:
___________________________________________
___________________________________________
___________________________________________
3. Một buổi tối nào đó trong tuần này, hãy ngủ một giấc thật ngon khoảng 8 đến 9 tiếng đồng hồ và xem bạn thấy thoải mái thế nào ở trường trong ngày hôm sau.
4. Hãy thực hiện thử thách “Một tuần không màn hình”: sống trọn bảy ngày không xem ti-vi, phim ảnh, không đụng tới Internet, trò chơi điện tử v.v. và xem bạn tiết kiệm được bao nhiêu thời gian. (Ghi chú: Bạn có quyền dùng máy tính để làm bài tập.)
5. Nếu bạn được đi du lịch thế giới, thì bạn sẽ chọn nơi nào? Hãy động não nghĩ ra các cách để bạn có thể biến chuyến du lịch tuyệt vời này thành hiện thực vào một ngày nào đó.
6. Bất cứ khi nào thầy giáo của bạn cho bài tập kiếm thêm điểm thưởng, hãy tận dụng cơ hội này.
7. Tạo mối quan hệ thân thiết với các thầy cô giáo của bạn bằng các gợi ý:
- Chào lễ phép
- Hỏi thăm
- Tỏ ra thân thiện
- Không ngại trao lời khen (một chiếc áo đẹp, một bài giảng hay chẳng hạn...)
8. Lập một thời gian biểu để giải quyết các bài tập trong tuần. Hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để học hành.