Bạn hãy nhìn vào bảng số dưới đây, gồm những con số từ 1 đến 54 được sắp xếp lộn xộn không theo trình tự. Nhiệm vụ của bạn là phải tìm ra được tất cả các số theo thứ tự, bắt đầu từ số 1, rồi 2, rồi 3 v.v. Sau 1 phút rưỡi, hãy xem mình đã tìm được bao nhiêu số. Bạn đã sẵn sàng chưa? Bắt đầu đi nào!
B
ạn tìm được đến số mấy? Bây giờ, chúng ta thử lại một lần nữa nhé, nhưng lần này tôi sẽ hướng dẫn cho bạn một phương pháp có thể định vị được con số mình cần tìm một cách nhanh chóng hơn rất nhiều. Hãy xem trang 44 và mọi thứ sẽ được giải thích ở đó. Chào mừng bạn trở lại. Lần này bạn tìm được đến số mấy nào? Tôi chắc là nhiều hơn trước, có lẽ đến con số cuối cùng rồi ấy chứ! Vậy điểm khác biệt ở đây là gì? Chỉ có một khác biệt duy nhất mà thôi - là tôi đã cho bạn một hướng tư duy - một khuôn mẫu - để giúp bạn tìm được những con số cần thiết. Một khi bạn đã biết được mình nên nhìn vào đâu, bạn có thể tăng tốc độ làm việc của mình lên gấp ba lần.
Đó chính xác là 7 thói quen mà tôi đang nói đến. Chúng là những khuôn mẫu, hay có thể nói là một lối tư duy có thể giúp bạn giải quyết được những vấn đề của mình một cách tốt hơn và nhanh chóng hơn. Chúng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bạn đưa ra được những lựa chọn thông minh cho 6 quyết định quan trọng nhất cuộc đời mình. Vì thế, trong quá trình đọc cuốn sách, bạn sẽ thấy tôi nhắc đến chúng thường xuyên.
Trước khi giúp bạn có cái nhìn sơ lược về 7 thói quen, tôi cũng xin trình bày để các bạn hiểu được hai khái niệm ngắn gọn sau đây: những khuôn mẫu và những nguyên tắc.
Khuôn mẫu là nhận thức, quan điểm, nhân sinh quan của bạn. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thể làm rõ hơn về điều này. Vào một kỳ nghỉ nọ, anh Kameron - anh họ tôi, đã dồn hết thời gian và công sức để làm một bờ rào bằng các thanh ray đường sắt bao bọc lấy vườn hoa trước nhà. Khi anh đã gần hoàn thành công việc của mình, một bà lão hàng xóm đến và ngập ngừng hỏi rằng liệu anh có thể thay những đoạn đường ray xe lửa bằng cọc gỗ, bằng gạch, đá hay bất kỳ chất liệu nào khác được không; “Tôi biết có vẻ đường đột, nhưng chồng tôi không muốn nhìn thấy những thanh ray trong quãng đời còn lại”.
Khi biết được lời đề nghị đó, những người bạn cùng làm và cả gia đình anh Kameron đều hết sức bất bình. Họ cho đó là một điều hết sức vô lý, đặc biệt là khi bờ rào đã sắp hoàn thành và lại rất đẹp. Nhưng không hiểu sao, anh Kameron lại nghĩ về lời đề nghị của bà lão. Và tuy không hoàn toàn hiểu thấu lý do, anh vẫn chấp nhận lời thỉnh cầu của bà, dù anh sẽ phải mất thêm một tuần làm việc vất vả để làm lại bờ rào.
Tuần sau, bà lão hàng xóm lại ghé qua và bày tỏ sự biết ơn của mình. “Anh biết đấy, - bà nói, - ông ấy sẽ không bao giờ kể với ai điều này đâu: Khi chồng tôi còn trẻ, ông ấy đã bị nhốt trong trại tập trung ở Đức trong vòng 18 tháng. Trong suốt khoảng thời gian đó, hàng ngày ông ấy phải vác những thanh ray nặng trịch trên vai. Đến bây giờ, những ký ức kinh hoàng đó vẫn đọng lại trong tâm trí chồng tôi, khiến ông ấy luôn cảm thấy choáng váng mỗi lần nhìn thấy bất kỳ một thanh ray nào”.
Bạn có thể thấy rằng chỉ cần một lời giải thích ngắn gọn là đã lập tức thay đổi vấn đề rồi chứ? Điều tưởng chừng vô lý, hóa ra lại hoàn toàn có lý và rất đáng cảm thông chỉ trong chốc lát. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên xét đoán người khác, hiếm khi chúng ta biết được toàn bộ câu chuyện về họ. Cái khuôn mẫu mà tôi muốn nói ở đây chính là nhận thức của chúng ta. Chúng ta thường nhìn nhận vấn đề theo một khuôn định sẵn, nhưng hóa ra bên trong nó còn có khá nhiều lý do, nhiều uẩn khúc cần được hiểu rõ. Vậy thì hãy xem lại những khuôn mẫu của mình, bởi đôi khi nó có vấn đề và cần phải điều chỉnh lại đấy, bạn ạ!
NGUYÊN TẮC LÀ GÌ?
Nguyên tắc là những điều luật tự nhiên. Lấy ví dụ như trọng lực, nếu bạn ném quả táo lên không, nó sẽ rơi xuống, dù bạn ném nó ở New York hay New Delhi, dù bạn sống ở thời điểm hiện tại hay vào năm 2000 trước Công nguyên.
Cũng giống như những nguyên tắc đã cấu thành nên thế giới vật lý, có những nguyên tắc cấu thành nên sự tương tác của con người. Ví dụ, sự thành thật là một nguyên tắc. Nếu bạn thành thật với người khác, bạn sẽ có được niềm tin nơi họ. Còn nếu không, bạn có thể lừa dối người khác được một vài lần, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ bị phát hiện. Và còn vô số những nguyên tắc sống khác nữa như làm việc chăm chỉ, lòng kính trọng, nghĩa vụ, sự tập trung, sự kiên nhẫn, tinh thần trách nhiệm, tình thương yêu, lựa chọn, công lý...
Chúng ta hãy cùng xem một bản chép tay đoạn đối thoại trên sóng vô tuyến giữa một tàu hải quân Mỹ và lực lượng hải quân Canada ở gần bờ biển Newfoundland bạn nhé!
Tàu Mỹ: “Làm ơn quay về hướng Bắc 20 độ để tránh va chạm”.
Phía Canada: “Yêu cầu quay mũi tàu về hướng Nam 20 độ để tránh va chạm”.
Tàu Mỹ: “Tôi là thuyền trưởng của tàu hải quân Mỹ đây. Tôi nhắc lại, hãy quay về hướng Bắc”. Phía Canada: “Không, tôi nhắc lại, hãy quay mũi tàu của các anh về hướng Nam”. Tàu Mỹ: “Đây là hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln, chiếc tàu lớn thứ hai trong hạm đội Atlantic của Mỹ. Chúng tôi được hộ tống bởi ba tàu khu trục, ba tàu tuần tiễu và vô số thuyền tiếp nhiên liệu. Tôi ra lệnh cho các người hãy quay tàu về hướng Bắc 20 độ. Xin nhắc lại, 20 độ về hướng Bắc, nếu không những biện pháp cứng rắn sẽ được thực hiện để đảm bảo an toàn cho con tàu”. Phía Canada: “Đây là hải đăng đang phát tín hiệu từ đất liền”. Bạn cũng thấy rồi đấy, làm sao một ngọn hải đăng có thể di chuyển để tránh được con tàu? Bạn có thể liên tưởng những nguyên tắc cũng giống như hình ảnh ngọn hải đăng vậy - chúng không chịu ảnh hưởng của thời gian, mang tính phổ quát vô cùng lớn và hiển nhiên đúng. Bạn không thể phá vỡ những nguyên tắc mà chỉ phá vỡ chính bản thân mình nếu chống lại chúng, dù bạn có là ai đi chăng nữa.
Mỗi điều trong số 7 thói quen tôi sắp nêu ra sau đây đều dựa trên những nguyên tắc cơ bản. Xuyên suốt quyển sách, chúng ta sẽ cùng xem xét mình sẽ lệch hướng như thế nào khi không nhìn theo ánh sáng hướng dẫn từ những nguyên tắc ấy.
7 THÓI QUEN
Hình minh họa trên đã cho thấy, những thói quen sau được xây dựng trên nền tảng của những thói quen trước. Ba thói quen đầu tiên đóng vai trò gốc rễ, giúp ta kiểm soát được hành động của bản thân nên gọi chúng bằng một cái tên chung là Chiến thắng bản thân. Ba thói quen tiếp theo chính là thân cây và cành nhánh, những thứ đã thực sự hiện hữu trên bề mặt mà mọi người đều có thể nhìn thấy. Những thói quen này thể hiện qua việc sống hòa đồng với người khác. Chúng ta sẽ gọi nó là Thắng lợi cộng đồng. Nếu bạn không có được Chiến thắng bản thân ở một mức độ nào đó, bạn sẽ không thể giành được Thắng lợi cộng đồng.
Thói quen cuối cùng - Rèn giũa bản thân, hay còn gọi là thói quen tự làm mới mình. Nó mang đến sự sống và luồng sinh khí để hỗ trợ cho 6 thói quen kia.
Để các bạn có thể nhớ được một cách dễ dàng hơn, tôi sẽ khắc họa từng thói quen một cách thật hình ảnh.
THÓI QUEN SỐ 1: CÓ THÁI ĐỘ SỐNG TÍCH CỰC
Đối với thói quen đầu tiên này, bạn hãy nghĩ đến một chiếc điều khiển từ xa.
Thói quen số 1 quyết định quyền làm chủ cuộc đời của chúng ta. Bạn tôi, nhà văn John Bytheway, đã nói: “Những người có thái độ sống tích cực luôn nắm giữ trong tay chiếc điều khiển cuộc đời họ. Họ tự do chọn lựa tâm trạng, lựa chọn cách sống, cách suy nghĩ cho bản thân. Còn với những người sống thụ động, họ cho phép người khác điều khiển mình, hay nói cách khác, họ đưa chiếc điều khiển ấy cho người khác, để rồi bất kỳ ai cũng có thể làm thay đổi tâm trạng, tư duy hay cách sống của họ chỉ bằng một cái nhấn nút”.
Điểm đáng nói ở đây là khi bạn đóng vai nạn nhân, tức là bạn từ bỏ quyền làm chủ bản thân mình. Bạn dâng chiếc điều khiển cuộc đời cho người đó - có thể là cha mẹ, thầy cô, người yêu, ông chủ, hay bản thân số phận của bạn. Thói quen số 1 chính là chìa khóa giúp chúng ta giành lại quyền điều khiển cuộc đời mình và sống một cách có trách nhiệm hơn.
Tôi đã có một trải nghiệm thú vị về vấn đề này. Cách đây không lâu, Jen - một bạn gái trẻ - tâm sự với tôi về nỗi đau khổ của cô khi phải chịu đựng những lời bình phẩm ác ý ở trường. Tuy vậy, sau khi đã được giải thích về Thói quen số 1, cô ấy đã bắt đầu giành lại quyền điều khiển cuộc đời mình. Jen nói: “Tôi thấy can đảm hơn trước rất nhiều. Tại sao tôi lại phải sống theo cách họ mong muốn cơ chứ? Họ muốn tôi đau khổ ư? Không, tôi sẽ không chấp nhận như vậy. Khi nghe thấy những điều ác ý họ nói, tôi chỉ cười. Giờ đây tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc”.
Thật tuyệt vời, phải không các bạn? Bạn cũng có thể thấy Thói quen số 1 đóng vai trò hết sức quan trọng trong tất cả những quyết định trọng đại của bạn sau này.
THÓI QUEN SỐ 2: BIẾT ĐỊNH HƯỚNG CHO TƯƠNG LAI
Khi nói về Thói quen số 2, hãy nghĩ đến một tấm bản đồ.
Hãy nghĩ xem, khi phải đối diện với một con đường dài đầy rối rắm mà không có bản đồ trong tay, làm thế nào để bạn tìm được nơi mình cần đến? Nếu chúng ta không định hướng được đích đến của mình và cũng chẳng phác họa được con đường mình phải đi, thì chắc chắn ta sẽ phải đi lòng vòng, luẩn quẩn, lãng phí thời gian, công sức, và rồi phát điên lên với những ý kiến của người khác.
Để xác định được đích đến của mình trong tương lai, bạn nên viết ra cho mình Bản cam kết - một ghi chép rõ ràng các mục đích mà bạn quyết tâm đạt được trong cuộc sống. Hãy xem nó như một bản đồ chỉ đường của riêng bạn mà thôi. Để dễ hình dung hơn, tôi sẽ tiết lộ cho bạn Bản cam kết của Ayesha Johnson - một cô bạn gái cũng ở lứa tuổi đầy ước mơ và năng động như các bạn.
NHIỆM VỤ CỦA TÔI LÀ... ... Trở thành người tốt nhất có thể. ... Tiếp tục là tấm gương cho các em tôi. ... Tốt nghiệp phổ thông và đại học. ... Giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. ... Là một người vợ hiền, người mẹ tốt sau này. ... Trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. ... Tiết kiệm thật nhiều tiền và giúp đỡ kẻ khó. ... Hiến tặng nội tạng sau khi qua đời. ... Luôn tin tưởng “mọi việc đều có thể xảy ra, chỉ cần ta có niềm tin”.
Xuyên suốt quyển sách, tôi sẽ chia sẻ với các bạn những Bản cam kết khác của các bạn trẻ ở khắp nơi, như vậy sẽ dễ dàng hơn cho các bạn trong việc lập ra một bản tương tự.
THÓI QUEN SỐ 3: VIỆC HÔM NAY KHÔNG ĐỂ ĐẾN NGÀY MAI
Khi nói đến Thói quen số 3, hãy nghĩ về một chiếc đồng hồ.
Tôi sẽ giới thiệu với các bạn một bảng phân chia thời gian mà tôi rất tâm đắc, và tôi tin là nó có thể giúp ích rất nhiều cho các bạn. Bảng thời gian này gồm có bốn cung, được cấu thành bởi hai phần:
Cung thời gian số 1 là cung của những công việc vừa quan trọng vừa khẩn cấp, cần phải được giải quyết ngay. Sở dĩ bạn thấy việc nào cũng quan trọng và khẩn cấp là vì trước đó bạn đã trì hoãn, không thực hiện chúng đúng thời điểm. Một lối sống theo cung thời gian số 1 sẽ dẫn đến tình trạng kiệt sức và thường xuyên bị stress.
Cung thời gian số 2 bao gồm những điều quan trọng nhưng không khẩn cấp, bởi vì bạn đã biết sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện chúng. Nhờ đó, bạn luôn làm việc đạt hiệu quả cao và có một cuộc sống cân bằng.
Cung thời gian số 3 thể hiện những việc khẩn cấp, nhưng không quan trọng. Những công việc ở cung thời gian này có thể biến bạn trở thành người ba phải: nói “Vâng” với tất cả mọi việc và tất cả mọi người chỉ vì không muốn làm phật lòng ai cả.
Cung thời gian số 4 đây là chốn hội tụ của những người chỉ biết hoang phí thời gian vào quá nhiều những hình thức giải trí, như “nấu cháo” điện thoại, dạo chơi trên Internet vô độ, ngủ quá nhiều, rong chơi và mua sắm vô tội vạ.
THÓI QUEN SỐ 4: TƯ DUY CÙNG THẮNG
Đối với Thói quen số 4, hãy nghĩ đến một cái vỗ tay ăn mừng.
Các bạn biết không, cái vỗ tay ăn mừng này đã xuất hiện từ thời con người chúng ta còn sống trong hang động cơ đấy. Nó là biểu tượng của tinh thần đồng đội và tư duy cùng thắng. Đúng như tên gọi, Tư duy cùng thắng là một thái độ sống thể hiện niềm tin rằng mọi người đều có thể và đều xứng đáng giành chiến thắng như bản thân ta vậy. Không phải chỉ riêng mình bạn hay chỉ riêng mình tôi, mà là cả hai chúng ta đều chiến thắng. Với những người có tư duy tích cực này, thay vì lo sợ hay ganh ghét đối với thành công của người khác thì họ lại cảm thấy vui mừng. Thật vậy, thành công của người này hay người kia không lấy đi của bạn bất kỳ điều gì cả. Vì vậy, thay vì đứng trên lợi ích, khát vọng của mình mà quên đi người khác (tư duy ta thắng - người thua) hay chỉ làm bệ phóng cho họ mà bản thân mình lại trở nên nhu nhược (tư duy ta thua - người thắng), tại sao chúng ta không nghĩ về những phương pháp làm cho đôi bên cùng có được cái mình muốn?
Trong thể thao hay trong kinh doanh luôn có những cuộc đua tranh lành mạnh để xác định ngôi vị quán quân, nhưng cuộc sống của ta thì không phải như vậy bạn ạ! Trong tất cả các mối quan hệ, nếu cả hai không cùng thắng nghĩa là chúng ta đều trở thành kẻ thua cuộc.
Khi đưa ra những quyết định trong việc chọn bạn để chơi, trong việc hò hẹn hay trong quan hệ với cha mẹ thì tư duy cùng thắng là điều rất quan trọng.
THÓI QUEN SỐ 5: BIẾT LẮNG NGHE ĐỂ THẤU HIỂU VÀ ĐỂ ĐƯỢC THẤU HIỂU
Khi nói đến Thói quen số 5, hãy nghĩ về một cái tai lớn.
Tại sao con người chúng ta được sinh ra với hai cái tai, nhưng chỉ có mỗi một cái miệng thôi, bạn nhỉ? Đó là vì Thượng đế muốn chúng ta phải nghe nhiều hơn là nói. Chúng ta vẫn biết như vậy, nhưng điều này thật khó thực hiện phải không? Phần đông chúng ta thường ít khi chịu lắng nghe, để cuối cùng một trong những điều gây ra phiền muộn nhất trong cuộc sống là không được thấu hiểu. Ta cảm thấy dường như không ai hiểu được những vấn đề mà ta đang phải đối mặt, không biết đến nỗi đau, mong ước hay tình thế khó khăn hiện tại của ta.
Kỹ năng giao tiếp quan trọng nhất mà bạn phải học, đó là lắng nghe và biết cách lắng nghe. Bạn biết không, chúng ta thường gặp rắc rối vì đã vội vàng kết luận khi chưa hiểu tường tận vấn đề đấy! Dù không phải là cố tình, nhưng ta lại hay áp đặt sự việc theo suy nghĩ chủ quan của mình. Tôi sẽ đưa ra cho các bạn một ví dụ - một câu chuyện thực tế mà bạn Logan của chúng ta đã từng trải qua:
Ngày nọ tôi thấy bạn gái mình đi với kẻ lạ
Tay trong tay với miệng cười nghiêng ngả
Họ thản nhiên sánh bước cùng nhau
Tôi ngập ngừng rồi dấn bước theo sau
Đôi mắt buồn trước sự thật đắng cay
Nét ngời hạnh phúc trên gương mặt gã trai
Đang dần mang người yêu tôi đi mất!
Trái tim tôi tan thành trăm mảnh
Đã quá đủ cho một cuộc tình...
Một bức e-mail trút nỗi oán hờn
Tôi muốn cho cô ta phải nhận
Để nhìn lại mình xem có kịp ăn năn
Bỗng đầu dây bên kia người yêu tôi gọi
“Xin lỗi anh yêu hôm nay mình không gặp
Anh trai em vừa mới ghé qua thăm
Người đã bao lần em kể cùng anh...”
Bạn thấy đấy! Muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ, bạn bè và những người xung quanh, điều đầu tiên là bạn phải biết lắng nghe một cách thấu đáo!
THÓI QUEN SỐ 6: CÓ TINH THẦN HỢP TÁC
Khi nói về Thói quen số 6, hãy nghĩ đến hình ảnh bốn cánh tay kết vào nhau.
Tinh thần hợp tác có được khi hai hay nhiều người cùng kết hợp làm việc với nhau để tạo ra một kết quả tốt đẹp hơn thay vì chỉ làm một mình. Chúng ta làm theo cách của bạn hay của tôi, điều đó không quan trọng, mà quan trọng là cách đó phải tốt hơn, hiệu quả hơn.
Mỗi người chúng ta đều khác nhau ở một số mặt nào đó, có thể là về nền tảng giáo dục, về lối sống, chủng tộc hay văn hóa, về ngoại hình, cách suy nghĩ, nói năng v.v. Chính điều này sẽ biến việc hợp tác trở thành chiếc chìa khóa mở cửa thành công, khi những thế mạnh của từng người được kết hợp, bổ sung cho nhau, và những điểm yếu cũng được chuyển hóa tích cực hơn. Một truyện ngắn nổi tiếng của George H. Reavis có tựa đề “Ngôi trường của muông thú” sẽ giải thích vì sao chúng ta nên đánh giá cao những sự khác biệt và đừng bao giờ đòi hỏi sự giống nhau như một khuôn mẫu ở người khác:
Ngày xưa, tất cả muông thú đều học chung trong một ngôi trường. Chúng cùng tham gia vào các môn học như chạy nhảy, leo trèo, bơi lội, bay lượn...
Vịt con học rất giỏi môn bơi, thậm chí còn giỏi hơn cả thầy, ấy vậy mà nó lại học môn chạy rất tồi. Vì bị điểm kém trong môn chạy, nên vịt con phải ở lại trường sau giờ học để luyện tập thêm, thậm chí nhà trường còn quyết định giảm giờ học bơi của vịt lại để tập trung cho môn chạy...
Còn thỏ con đứng đầu lớp trong môn chạy, nhưng luôn phấp phỏng lo sợ trong giờ học bơi.
Sóc con không để cho ai vượt mình môn leo trèo, nhưng lại cảm thấy vô cùng thất vọng trong giờ học bay, khi thầy bắt nó bay từ dưới đất lên thay vì phóng từ trên cây xuống...
Đại bàng là một học sinh cá biệt và thường xuyên bị kỷ luật. Trong lớp trèo cây, nó đánh bại tất cả những học sinh khác, nhưng chỉ muốn sử dụng cách riêng của mình để leo lên ngọn cây.
Vào cuối năm học, chỉ có lươn là đạt được điểm tổng kết cao nhất, bởi nó có thể bơi cực tốt, có thể chạy, leo trèo. Ba môn ấy đã vớt điểm môn bay dưới trung bình, và vì vậy, nó được cử làm đại diện cho toàn bộ học sinh phát biểu trong lễ tốt nghiệp.
Tương tự như vậy, sẽ là vô nghĩa khi bạn so sánh bản thân mình với một ai đó ở trường rồi rút ra kết luận: “Mình tuyệt hơn cô ta” hay “Chán thật, mình không bao giờ có thể giỏi bằng người ấy!”. Sự thật là không có ai giỏi hơn người này hay dở hơn người kia cả, bởi chúng ta đều có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau.
Biết đánh giá đúng khả năng của mình và của người khác là một trong những bí quyết tuyệt vời nhất để có được tâm hồn bình yên, không ganh ghét, đua chen.
THÓI QUEN SỐ 7: RÈN GIŨA BẢN THÂN Đối với Thói quen số 7, hãy nghĩ đến một cái cưa.
Một người thợ cưa sẽ không bao giờ quá bận rộn đến mức không có thời gian để mài sắc lưỡi cưa của mình. Bạn cũng vậy, dù có viện ra bao nhiêu lý do đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không thể không có chút thời giờ dành riêng cho bản thân mình. Chúng ta có một trái tim, một thể chất, một trí óc và một tâm hồn. Bất kỳ cơ quan nào trong số đó cũng đều cần có thời gian nghỉ ngơi và phải được quan tâm đúng mức.
Nhu cầu của con người có thể tóm gọn lại như sau:
Lấy cảm hứng từ một câu ngạn ngữ cổ của Ấn Độ, nhà văn Anh - Rumer Godden – đã viết:
“Mỗi người chúng ta đều là một căn nhà gồm có bốn phòng, một phòng thể chất, một phòng tinh thần, một phòng cảm xúc và một phòng tâm linh... Chỉ khi nào hàng ngày chúng ta đều dành thời gian đi thăm cả bốn phòng, dù chỉ để chúng có hơi ấm con người đi chăng nữa, thì lúc đó chúng ta mới sống một cách trọn vẹn.”
Chúng ta thường cảm thấy mình ích kỷ khi dành nhiều thời gian cho bản thân, bởi ngay từ khi còn bé chúng ta đã được giáo dục rằng hãy nghĩ đến người khác trước tiên. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi! Bạn có quyền được ích kỷ một chút, nếu không nói là bạn cần phải làm điều đó, để chăm lo cho cuộc sống của mình một cách chu đáo hơn.
Vậy là bạn đã có một bản tóm tắt về “7 thói quen của những bạn trẻ thành đạt” rồi đấy. Tôi hy vọng rằng bạn sẽ không bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của những thói quen trong cuộc sống của mình, bởi chúng thực sự có thể tạo dựng nên tương lai hay phá hủy cả cuộc đời bạn đấy. Hãy nhớ rằng: “Những thói quen xấu giống như một chiếc giường êm ấm vậy: dễ leo lên nằm nhưng lại khó trèo xuống”. Tuy nhiên, thật may là thói quen tốt cũng vậy, một khi đã ăn sâu vào trong con người bạn thì bạn sẽ không dễ quên nó!
ĐIỀU HẤP DẪN KẾ TIẾP
Nếu bạn tò mò muốn biết 7 bí quyết để đạt điểm cao ở trường, thì hãy đọc tiếp. Bạn sẽ nhanh chóng tìm thấy chúng.
TRỞ LẠI VỚI BẢNG SỐ CỦA CHÚNG TA
Trang này là một bảng số cũng giống như bảng số mà bạn đã gặp ở trang trước. Dù vậy, lần này tôi đã chia bảng số ra làm 9 hình vuông bằng nhau. Để tìm các số, bạn chỉ cần theo trình tự dưới đây. Nói cách khác, số đầu tiên bạn cần tìm nằm trong ô số 1, số tiếp theo nằm trong ô số 2, số tiếp theo nữa nằm trong ô số 3, cứ thế cho đến ô số 9 rồi lại quay về lại ô số 1.
Hãy tính lại thời gian để xem trong vòng 1 phút rưỡi bạn có thể tìm được đến số bao nhiêu. Khi làm xong, hãy quay lại trang 22. Bạn đã sẵn sàng chưa? Nào, chuẩn bị và bắt đầu!