C
âu chuyện của ông đầu bếp trên thuyền Có chúng tôi đây! thì khác. Ông ta xuất hiện với tất cả đồ nghề gói gọn trong một chiếc khăn, và ông ta trèo lên chiếc Constance. Ông ta không cần được trả lương, và cũng không quan tâm đến chuyện mình sẽ ngủ ở đâu. Mối quan tâm của ông ta, thứ đã được báo mộng qua các giấc mơ, là đi theo Harvey suốt đời. Họ đã tranh luận một hồi, và thử thuyết phục ông ta; nhưng có một sự khác biệt lớn giữa một người Cape Breton và hai người da đen đến từ Alabama, và vấn đề ấy được ông đầu bếp và gã khuân đồ nói lại với Cheyne. Vị triệu phú chỉ bật cười. Ông đoán là Harvey sẽ cần đến một người phục vụ riêng, và một người tự nguyện nhận việc ấy thì cũng đáng giá ngang với năm nhân công khác rồi. Vì thế, ông đã đồng ý để người đầu bếp ở lại, dù ông ta tự gọi mình là MacDonald và chửi thề bằng tiếng Gael. Chiếc xe có thể quay về Boston, ở đó, nếu ông ta vẫn giữ nguyên ý định, họ sẽ đưa ông ấy về miền Tây.
Cùng với chiếc Constance, mà tận sâu trong thâm tâm ông rất ghét, Cheyne khởi hành rời tàn tích cuối cùng trong vương quốc của triệu phú Cheyne, và tự cho phép mình được lười biếng một cách đầy năng lượng. Gloucester là một thị trấn mới ở một vùng đất mới, và ông dự định sẽ “thu nạp nó”, như xưa kia từng thu nạp mọi thành phố từ Snohomish đến San Diego kể từ ngày ông vào nghề. Họ kiếm tiền trên những con phố rách nát, một nửa là cầu tàu và nửa còn lại là các cửa tiệm. Là một chuyên gia hàng đầu, ông muốn học cách kinh doanh như những đại gia. Người ta nói rằng bốn trong năm đĩa cá viên được phục vụ trong các bữa sáng ngày Chủ nhật ở New England đến từ Gloucester, và khiến ông đau đầu với những con số - số liệu tàu bè, dụng cụ đánh cá, mặt tiền của cầu tàu, lượng tiền đầu tư, ướp muối, đóng gói, các nhà xưởng, bảo hiểm, tiền lương, tiền sửa chữa và lợi nhuận. Ông đã nói chuyện với các chủ đoàn thuyền lớn mà các thuyền trưởng chỉ được coi trọng hơn đám nhân công chút xíu, và thủy thủ đoàn của họ phần lớn là người Thụy Điển hoặc Bồ Đào Nha. Rồi ông thảo luận với Disko, một trong số ít những người có thuyền riêng, và so sánh với những điều đã ghi nhớ trong đầu. Ông đi dọc các cửa hàng bán đồ tiện ích đi biển, hỏi thăm một cách vui vẻ, vô tư với sự tò mò của người miền Tây, cho đến khi tất cả vùng bờ biển đều muốn biết người đàn ông đó đang trù tính điều gì. Ông mò vào trong các phòng bảo hiểm chung, yêu cầu được giải thích về những dấu phấn trắng bí ẩn trên các tấm bảng hằng ngày, và điều đó khiến các tay thư ký của hội Góa phụ Ngư dân và Tổ chức nhận nuôi trẻ mồ côi trong thành phố bám theo ông. Họ xin xỏ một cách vô liêm sỉ, ai nấy đều sẵn lòng phủ nhận giấy tờ của bên còn lại, và Cheyne chỉ vuốt râu rồi đưa họ đến gặp bà Cheyne để bà lo liệu.
Bà đang nghỉ tại một nhà khách gần Cực Đông - một nhà khách lạ lùng, được những vị khách đến từ phương xa quản lý. Họ có khăn trải bản kẻ ca rô trắng đỏ và những nhân công ở đây dường như đều đã quen nhau nhiều năm, họ dậy để làm món bánh mì nướng nếu cảm thấy đói. Vào sáng ngày thứ hai ở đó, bà Cheyne đã cất mấy món nữ trang kim cương đi trước khi xuống nhà ăn sáng.
“Thật là những con người đáng mến.” Bà nói với chồng mình. “Rất thân thiện và đơn giản, dù họ gần như đều là người Boston.”
“Đó không phải là sự đơn giản, mẹ nó à.” Ông nói và nhìn qua tảng đá sau rặng cây táo, nơi có những chiếc võng đung đưa. “Là một thứ khác mà anh vẫn chưa gọi tên được.”
“Không thể nào.” Bà Cheyne lặng lẽ đáp. “Không một người phụ nữ nào ở đây có một chiếc váy trị giá đến một trăm đồng. Chúng ta...”
“Anh biết mà. Chúng ta thì có, dĩ nhiên là vậy. Anh đoán là ở miền Tây họ ăn mặc theo lối ấy. Em có thấy thoải mái không?”
“Em không gặp Harvey nhiều, lúc nào nó cũng đi với anh, nhưng em không còn bồn chồn như trước nữa.”
“Anh chưa thấy vui như vậy kể từ khi Willie chết. Anh chưa từng thực sự nhận ra mình có một đứa con trai trước khi chuyện này xảy đến. Harve chắc hẳn là một thằng bé rất tuyệt vời. Có cần anh làm gì cho em không? Chèn gối ra sau đầu em nhé? Chà, ta sẽ xuống cầu cảng lần nữa và quan sát một chút.”
Những ngày này, Harvey cứ như cái bóng của bố mình, cả hai đi bộ cạnh nhau, Cheyne viện cớ đường gập ghềnh để vịn một tay lên vai cậu. Chỉ khi ấy, Harvey mới để ý và ngưỡng mộ một điều mà cậu chưa từng nhận ra trước đó - bố cậu có sức mạnh tìm ra được gốc rễ vấn đề, như thể học được từ những người lang thang trên đường.
“Làm sao bố có thể khiến họ kể cho mình mọi điều mà không cần tiết lộ điều gì về mình?” Đứa con hỏi khi hai người ra khỏi một quán ăn.
“Bố đã gặp nhiều loại người trong đời, Harve, và bố đoán là bố có thể hiểu được họ. Bố cũng hiểu đôi điều về bản thân mình nữa.” Rồi, sau một quãng nghỉ, khi họ ngồi xuống bờ cầu tàu, ông tiếp tục: “Người ta sẽ luôn nhận ra ai đó đã phải tự mình tích lũy và xử lý mọi việc, và khi đó, họ sẽ coi anh ta là một trong số họ.”
“Giống như cách họ đối xử với con ở cầu tàu của Wouverman. Giờ thì con là một trong số họ. Disko đã nói cho mọi người biết con đã tự tay kiếm được những đồng tiền của mình.” Harvey xòe tay ra và xoa hai tay vào nhau. “Tay con lại mềm trở lại rồi.” Cậu nói với vẻ thất vọng.
“Hãy cứ giữ chúng như vậy thêm vài năm nữa, trong lúc con đi học. Rồi con thích làm chai sạn tay mình sau đó cũng được.”
“Vâng... Con đoán là như vậy.” Cậu trả lời mà giọng ỉu xìu.
“Kinh nghiệm của con sẽ còn mãi, Harve. Hoặc con lại có thể trốn sau váy mẹ, và khiến bà nổi điên vì sự điên rồ của con cũng như nhiều trò vô nghĩa như thế.”
“Con đã làm như vậy sao?” Harvey tỏ vẻ bồn chồn.
Bố cậu quay sang và đưa tay ra. “Con, cũng như bố, đều biết là bố không thể dạy dỗ con nếu con không thành thật với bố. Bố có thể tự mình dạy dỗ con nếu con ở một mình, nhưng bố không muốn điều khiển cả hai mẹ con. Dù sao thì cuộc đời này cũng rất ngắn ngủi.”
“Đúng là con không được tín nhiệm lắm nhỉ?”
“Bố đoán là lỗi của bố cũng rất lớn, nhưng nếu con muốn nghe sự thật, đúng là từ trước đến giờ con không làm được gì có ích lắm. Còn giờ thì sao?”
“Ừm... Disko nghĩ là... Bố ước chừng đã tốn bao nhiêu để nuôi con từ khi mới sinh ra?”
Cheyne mỉm cười. “Bố không ghi sổ, nhưng tính thành tiền thì bố đoán là chừng hơn bốn mươi, gần năm mươi nghìn đô la, cũng có thể là sáu mươi. Lũ trẻ thì hay đòi hỏi nhiều. Chúng phải có thứ này thứ kia, và rồi chúng lại chán những thứ ấy, và các ông già thì phải thanh toán hóa đơn.”
Harvey huýt sáo, nhưng trong thâm tâm, cậu khá hài lòng khi nghĩ mình là một đứa trẻ tốn kém. “Và đó là những khoản tiền bỏ đi rồi, phải không ạ?”
“Là những khoản đầu tư, Harve ạ. Bố hy vọng là như thế.”
“Cứ cho là chỉ mất ba mươi nghìn đô la thôi, thì ba mươi đồng con kiếm được chỉ là một phần quá nhỏ trong đó. Quả là một nỗ lực thảm hại.” Harvey lúc lắc đầu vẻ buồn bã.
Cheyne cười rũ đến mức suýt nữa thì ngã khỏi cầu tàu xuống nước.
“Disko còn thu được nhiều tiền hơn thế từ Dan kể từ khi cậu ấy mười tuổi, và Dan lại còn đi học mất sáu tháng trong năm nữa.”
“Ồ, vậy là con muốn như vậy à?”
“Không. Con không muốn gì cả. Chỉ là con không còn là một đứa ích kỷ nữa, vậy thôi. Con cần bị ăn đòn.”
“Bố không làm được, ông cụ non ạ, hoặc là bố cũng có thể nện cho con một trận, nếu bố được nuôi dạy theo cách ấy.”
“Vậy thì con sẽ ghi nhớ điều đó đến cuối đời, và không bao giờ tha thứ cho bố.” Harvey nói và tựa cằm lên tay.
“Chính xác. Bố sẽ làm như thế. Con thấy không?”
“Vâng, con hiểu rồi. Lỗi hoàn toàn là do con. Nhưng kết quả vẫn như vậy, ai đó phải cho con một bài học.”
Cheyne lấy ra một điếu xì gà từ trong túi áo vest, cắn đứt một đầu và bắt đầu hút. Cha nào con nấy, bộ râu đã che gần hết miệng của Cheyne. Harvey có cái mũi hơi khoằm giống cha, mắt đen láy, xương gò má cao và hẹp. Nếu thêm chút sơn nâu lên má, trông cậu sẽ chẳng khác nào một đứa bé da đỏ trong các cuốn truyện tranh.
“Giờ thì con có thể tiếp tục sống theo lối đó.” Cheyne chậm rãi nói. “Tiêu tốn của bố từ sáu đến tám nghìn mỗi năm cho đến khi con đủ tuổi bầu cử. Khi ấy con sẽ được gọi là một người đàn ông. Con có thể sống như thế, ăn bám bố hết bốn hoặc năm mươi nghìn, bên cạnh số tiền mẹ cho con, cùng với một chiếc xe và một du thuyền để con dạo chơi, giả bộ như đang đầu tư tiền nuôi ngựa đua và chơi bài với đám bạn của con.”
“Giống như Lorry Tuck ạ?” Harvey chen vào.
“Phải! Hoặc là hai đứa trẻ nhà De Vitre, hoặc con trai của ông McQuade. California đầy rẫy những kẻ như vậy, và đây chỉ là một ví dụ của miền Đông trong lúc chúng ta nói chuyện mà thôi.”
Một chiếc du thuyền hơi nước đen bóng, với boong lái màu đỏ gụ, hộp la bàn mạ thiếc, có mái hiên sọc trắng và hồng lò dò vào cảng, trên nóc phấp phới ngọn cờ của một câu lạc bộ nào đó ở New York. Hai gã trai trẻ mặc bộ đồ hóa trang thành sinh vật biển đang chơi bài cạnh cửa sổ của phòng tắm nắng, và có mấy phụ nữ cầm ô trắng và xanh nhìn họ và cười thành tiếng một cách ồn ào.
“Tốt nhất là họ đừng nên ra biển nếu trời có gió. Không có cột gì cả.” Harvey phê phán khi con thuyền chậm chạp thu phao neo lên.
“Họ đang vui vẻ với những gì được ban cho. Bố có thể cho con thứ đó, thậm chí gấp đôi, Harve. Con có thích không?”
“Chúa ơi! Đó không phải là cách thả xuồng xuống.” Harvey nói, mắt vẫn không dời con thuyền. “Nếu đã không thể luồn dây một cách khéo léo hơn thì thà ở trên bờ cho xong... Nếu con không làm như thế thì sao?”
“Ở trên bờ hay thế nào?”
“Có du thuyền và trại ngựa và ăn bám vào ông già, trốn sau váy mẹ mỗi khi gặp rắc rối.” Harvey nói mà mắt lấp lánh.
“Trong trường hợp đó thì, con hãy đi cùng bố, con trai.” “Mười đô la một tháng ạ?” Cậu lại nháy mắt.
“Không thêm một xu nào nữa cho đến khi con trở thành người có giá trị hơn, và con cũng không được đụng đến tiền trong vài năm sau đó.”
“Có lẽ con nên bắt tay vào quét dọn văn phòng, đó có phải là cách những ông lớn khởi nghiệp không?”
“Bố biết, ai cũng cảm thấy như vậy. Nhưng bố đoán ta thuê người quét dọn là được. Chính bố cũng mắc lỗi khi đã bước vào công việc kinh doanh quá sớm.”
“Một lỗi lầm đáng giá ba mươi triệu đô la phải không ạ? Con sẽ liều làm theo cách ấy.”
“Bố cũng đã mất mát nhiều, và nhận được đôi chút. Rồi bố sẽ kể cho con.”
Cheyne vuốt vuốt bộ râu và mỉm cười khi nhìn mặt nước tĩnh lặng, cất giọng kể, Harvey nhận ra bố đang kể lại câu chuyện đời mình cho cậu nghe. Ông kể bằng chất giọng trầm trầm, chậm rãi, không hề khua tay hay làm động tác mô tả gì, và đó là thứ tiểu sử mà hàng tá tờ báo hàng đầu sẵn sàng chi trả rất nhiều tiền để mua - câu chuyện của bốn mươi năm đi liền với sự phát triển của miền Tây mới, và câu chuyện ấy thì vẫn chưa được viết ra.
Nó bắt đầu với một cậu bé không người thân thích, lang thang ở Texas, trải qua hàng trăm biến cố thần kỳ, lên voi xuống chó trong đời, rồi bối cảnh chuyển từ bang này sang bang khác, từ những thành phố mọc lên chỉ trong một tháng và cũng tàn lụi chỉ sau một mùa, đến những vụ đầu tư mạo hiểm trong những trại người mà hiện giờ là các thành phố sầm uất, được lát đá.
Câu chuyện bao gồm việc xây dựng ba tuyến đường sắt và vụ thất bại một cách cố ý ở tuyến đường thứ tư, về các đầu máy hơi nước, thị trấn, khu rừng, hầm mỏ, và công nhân đến từ đủ các nước, quản lý, xây dựng, gọt giũa và đào bới trong đó.
Về những cơ hội làm giàu lớn lao tung ra trước mắt nhưng lại không được nhìn thấy hoặc bị bỏ lỡ chỉ vì đôi chút khác biệt về mặt thời gian hay đường đi; và chính sự thay đổi điên rồ của mọi việc, đôi khi trên lưng ngựa, nhưng thường xuyên hơn là đi bộ, có lúc giàu, lúc nghèo, vào rồi lại ra, lùi lại rồi tiến lên, đi thuyền, đi tàu, chủ thầu, quản gia cho khách sạn, nhà báo, kỹ sư, tay trống, môi giới bất động sản, chính trị gia, thu nợ, buôn rượu, chủ hầm mỏ, kẻ đầu cơ, chăn gia súc, hay một kẻ lang thang, đã đưa Harvey Cheyne, một cách lặng lẽ và thận trọng, trên đường đi tìm kiếm định mệnh của chính mình, đến với vinh quang và sự tiến bộ cho chính đất nước của ông.
Ông kể về thứ niềm tin mà chưa từng làm ông thất vọng ngay cả khi đang ở bên bờ vực tuyệt vọng, thứ niềm tin đến từ sự hiểu biết về con người và vạn vật. Ông nói to hơn, như thể đang nói chuyện với chính mình, về lòng can đảm lớn lao và khả năng ứng biến trong mọi tình huống. Trong đầu ông, điều ấy hiển nhiên đến độ ông còn không buồn đổi giọng. Ông mô tả cách đánh bại kẻ thù, hoặc tha thứ cho họ, chính theo cách mà họ đã đánh bại hoặc tha thứ cho ông vào những ngày còn vô tư; cách ông dụ dỗ và thu nạp các thị trấn, công ty, và hiệp đoàn, tất cả đều vì lợi ích lâu dài của họ. Ông đã phải mò quanh các dãy núi hay khe đá, kéo theo dây và vòng sắt làm đường xe lửa phía sau, và cuối cùng, ông đã ngồi yên ra sao để cái xã hội lộn xộn này xé tan những mảng tính cách cuối cùng của ông ra thành những mảnh vụn.
Câu chuyện ấy khiến Harvey gần như nghẹt thở, đầu cậu hơi nghiêng sang một bên, mắt cậu không dời khỏi khuôn mặt của bố, bóng hoàng hôn phủ xuống, chấm xì gà đỏ chiếu sáng đôi gò má và đôi lông mày nặng trĩu của ông. Cứ như thể cậu đang quan sát một đầu máy xe lửa lao qua vùng đồng quê trong bóng tối, mỗi cánh cửa lò than cách nhau cả dặm, chỉ khác là đầu máy này có thể nói, và những lời ấy khiến cậu rung động sâu trong tâm hồn. Cuối cùng, ông Cheyne ném cái đầu xì gà đi, và cả hai ngồi trong bóng tối phía trên những con sóng nối nhau xô vào bờ.
“Bố chưa từng kể câu chuyện này cho ai trước đây.” Ông nói.
Harvey thở gấp. “Đúng là điều tuyệt vời nhất từng xảy đến trên đời!” Cậu nói.
“Đó là những gì bố thu được. Giờ thì đến phần mà bố không hiểu nổi. Có lẽ chuyện này không quá quan trọng với con, nhưng bố không muốn con nhận ra nó khi đã ở vào tầm tuổi của bố. Bố có thể ứng đối với mọi loại người, dĩ nhiên, và bố không phải là gã ngốc trong số những người cùng địa vị, nhưng... bố không thể cạnh tranh với những người được học hành đầy đủ! Bố đã va vấp nhiều trên đường đời, và bố đoán những lỗi lầm hiện lên trên khắp người mình.”
“Con chưa từng thấy điều đó.” Cậu con trai nói với vẻ phẫn nộ.
“Rồi con sẽ thấy, Harve ạ. Con sẽ thấy... ngay khi con học xong đại học. Con nghĩ bố không biết ư? Con nghĩ bố không thấy ánh mắt của người ta khi họ nghĩ bố là một gã xuất thân từ một “khu ổ chuột”, cái cách mà người ta vẫn gọi ngoài kia ấy? Bố có thể nghiền nát họ, nhưng bố không thể nào đáp trả theo cùng cách như vậy. Bố không nói họ ở mãi tít trên trời, nhưng bố cảm thấy cách biệt y như vậy. Nhưng con thì có cơ hội của riêng mình. Con phải học hỏi tất cả những gì có ở xung quanh, và con sẽ sống cùng một đám đông cũng làm những điều giống như con. Nhưng nếu họ đi học chỉ để kiếm vài nghìn đô la một năm, con phải nhớ rằng con học để kiếm hàng triệu đồng. Con sẽ học luật đủ để biết bảo vệ tài sản của mình khi bố đã ra đi, và con sẽ phải cứng rắn với những người giỏi nhất trên thị trường (họ sẽ có ích về sau). Và trên tất cả, con sẽ phải bỏ cái thái độ dửng dưng, tầm thường, ngồi xuống chống cằm lên tay mà học. Con không kiếm được tiền từ đó, Harve, và càng ngày con sẽ càng phải trả nhiều tiền hơn ở đất nước này - trong kinh doanh và chính trị. Rồi con sẽ thấy.”
“Sẽ chẳng có hoa hồng ở cuối đường con đi.” Harvey nói. “Bốn năm học đại học! Ước gì con đã chọn ô tô và du thuyền!”
“Đừng lo, con trai ạ.” Cheyne nhấn mạnh. “Con đang đầu tư vào nơi sẽ mang lại lợi ích lớn nhất, và bố đoán số tài sản của con sẽ không sụt giảm khi con sẵn sàng trở về tiếp quản nó đâu. Cứ nghĩ kĩ đi và cho bố biết quyết định của mình vào sáng mai. Nhanh lên nào! Chúng ta sẽ bị muộn giờ ăn tối mất!”
Vì đây là cuộc nói chuyện về công việc, cậu không cần phải kể lại với mẹ, và ông Cheyne cũng nghĩ tương tự. Nhưng bà Cheyne đã nhận ra và cảm thấy lo sợ, cùng chút ghen tỵ. Con trai của bà, một cậu bé kiêu ngạo và thô bạo, đã đi mất, thay vào đó là một thanh niên sắc sảo, yên lặng đến mức lạ lùng, và gần như chỉ muốn tâm sự cùng bố mình. Bà hiểu đó là chuyện công việc, một thứ khái niệm vượt ra ngoài những tri thức của bà. Nếu bà có những nghi ngờ, chúng cũng sẽ biến mất ngay khi ông Cheyne đến Boston và mua về cho bà một cái nhẫn kim cương mới.
“Hai người vừa mới làm gì thế?” Bà hỏi, với nụ cười nhàn nhạt.
“Nói chuyện... chỉ là nói chuyện thôi mà, mẹ nó! Không có gì gọi là ra lệnh hay ép buộc Harvey hết.”
Và đúng như thế. Cậu bé đã tự đưa ra lời đề nghị của mình. Cậu giải thích rằng cậu không có chút hứng thú nào với đường sắt hay việc buôn gỗ, bất động sản hay khai thác mỏ. Thứ mà tâm hồn cậu khao khát là được kiểm soát những con thuyền mới mua lại của bố cậu. Nếu bố cậu hứa sẽ trao nó cho cậu sau một khoảng thời gian hợp lý, về phần mình, cậu sẽ đảm bảo học hành nghiêm túc và tu tỉnh ở trường đại học trong bốn hoặc năm năm. Vào các kỳ nghỉ, cậu sẽ được toàn quyền tiếp cận với các thông tin liên quan đến tuyến tàu chở hàng - cậu vẫn chưa hỏi đến hai nghìn câu hỏi về nó, từ những giấy tờ riêng tư nhất trong két sắt của bố cậu cho đến tàu kéo ở cảng San Francisco.
“Đồng ý!” Cuối cùng, ông Cheyne nói. “Dĩ nhiên con sẽ đổi ý đến cả chục lần trước khi rời trường đại học, nhưng nếu con bảo toàn được lời đề nghị này mà không đạt được nó trước năm hai mươi ba tuổi, bố sẽ trao nó cho người khác. Được chứ, Harve?”
“Không, không bao giờ trả tiền để hòa giải một vấn đề đang xảy ra. Thế giới này đã có quá nhiều sự cạnh tranh rồi, Disko từng nói “người cùng nhà thì phải bảo vệ nhau”. Những người của ông ấy không chống lại ông ấy. Đó là một trong những lý do mà họ kiếm được khá như vậy. Mà, thuyền Có chúng tôi đây! sẽ khởi hành đi Georges vào thứ Hai. Họ sẽ không ở lâu trên bờ, phải không ạ?”
“Chà, bố đoán là chúng ta cũng sắp phải lên đường rồi. Bố đã bỏ bê công việc ở hai đầu đại dương, đã đến lúc kết nối hai đầu trở lại. Nhưng bố cũng chán ghét công việc đó, bố chưa có kỳ nghỉ nào như thế này suốt hai mươi năm qua.”
“Chúng ta không thể đi mà không từ biệt Disko.” Harvey nói. “Hơn nữa, thứ Hai còn là ngày tưởng niệm các chiến sĩ. Hãy ở lại qua ngày đó, bố ạ.”
“Ngày tưởng niệm thì sao? Họ đang bàn về ngày đó ở các nhà khách.” Cheyne hỏi. Ngay cả ông cũng không muốn phá hỏng ngày lễ ấy.
“Chà, theo như con hiểu thì họ đang dàn dựng một màn biểu diễn ca múa dành cho các vị khách mùa hè. Disko không quan tâm lắm đến thứ ấy, vì ông ấy nói nó lậm vào quỹ ủng hộ cho các bà góa và trẻ mồ côi. Disko rất độc lập, bố không nhận ra sao?”
“À, có. Một chút. Ở một số mặt. Nhưng đó là buổi diễn của cả thị trấn, phải không?”
“Kỳ họp mùa hè thì là như vậy. Họ sẽ đọc tên những người đã chết đuối, mất tích hoặc đi lạc kể từ mùa trước, rồi họ phát biểu, đọc thơ và nhiều thứ khác. Rồi, Disko nói, thư ký của các hội trợ giúp sẽ ra sân sau và tranh giành số tiền. Màn diễn thực sự, ông ấy nói, là vào mùa xuân. Các bộ trưởng đều tham gia và không có các du khách mùa hè ở đây.”
“Bố hiểu rồi.” Cheyne nói, bằng vẻ thấu hiểu của một người sinh ra và lớn lên trong niềm kiêu hãnh của dân thành phố. “Chúng ta sẽ ở lại đến ngày tưởng niệm và lên đường vào buổi chiều.”
“Chắc là con sẽ đến nhà Disko và nhờ ông ấy đưa cả thủy thủ đoàn đến trước khi họ ra khơi. Tất nhiên con sẽ phải đứng cạnh họ.”
“Ồ, thì ra là như vậy.” Cheyne nói. “Bố chỉ là một du khách ngớ ngẩn, còn con...”
“Một thủy thủ vùng Bank - chính cống.” Harvey nói với lại khi cậu lên một chiếc xe điện, và Cheyne tiếp tục mơ về những giấc mơ tốt đẹp trong tương lai.
Disko không có ý định xuất hiện trước đám đông, nơi mà họ lấy vẻ ngoài ra để quyên tiền từ thiện, nhưng Harvey nài nỉ rằng ngày lễ sẽ mất vui nếu thủy thủ đoàn Có chúng tôi đây! vắng mặt. Rồi Disko đưa ra điều kiện.
Ông ấy nghe nói - thật kỳ lạ là khi ở biển, mọi người vẫn có thể biết được chuyện gì đang diễn ra trên thế giới - rằng có “một nữ diễn viên Philadelphia” sẽ tham gia vào phần biểu diễn, và ông ấy tin rằng cô ta sẽ diễn vở Chuyến đi của Thuyền trưởng Ireson. Về mặt cá nhân, ông không quan tâm đến các diễn viên cũng như các du khách mùa hè, nhưng công lý thì vẫn là công lý, và dù bản thân ông (nói tới đây thì Dan cười khúc khích) đã từng có định kiến sai lầm, nhưng chuyện này cần phải chấm dứt. Vì thế, Harvey trở về Đông Gloucester, và dành ra nửa ngày để giải thích với nữ diễn viên nổi tiếng nhất nhì hai bờ biển lớn về sự tình của lỗi lầm mà cô sắp mắc phải. Và cô cũng đồng ý rằng việc ấy là thật thiếu công bằng, thậm chí đúng như những gì Disko nói.
Nhờ kinh nghiệm dày dạn của mình, Cheyne biết điều gì sẽ xảy ra, các lễ hội đối với cuộc sống con người cũng quan trọng như chuyện cơm ăn áo mặc vậy. Ông thấy những chiếc tàu điện hối hả đi về hướng đông, trong một buổi sáng nóng nực, những phụ nữ mặc váy mỏng mùa hè, và những người đàn ông mặt trắng đội mũ rơm đến từ các văn phòng ở Boston. Đám xe đạp phía ngoài bưu điện, những viên quan chức bận bịu đến rồi lại đi, tiếng chào hỏi lẫn nhau, những ngọn cờ bay uể oải trong bầu không khí nặng trĩu, và người đàn ông quyền thế với một cái vòi phun rửa gạch lát vệ đường.
“Mẹ nó à.” Ông đột nhiên nói. “Em có nhớ, sau khi Seattle cháy rụi, và người ta lại xây dựng lại nó không?” Bà Cheyne gật đầu và nhìn con phố rách nát bằng ánh mắt nghiêm trọng. Giống như chồng mình, bà hiểu được những đám đông kia, tất cả đều đến từ miền Tây, và so sánh họ với nhau. Các ngư dân bắt đầu hòa vào đám đông ở cửa tòa thị chính - những người Bồ Đào Nha với xương hàm xanh, vợ của họ phần lớn thời gian đều để đầu trần hoặc choàng khăn; những người Nova Scotia mắt trong và dân thị trấn Maritime Province; người Pháp, Ý, Thụy Điển và Đan Mạch, với các thủy thủ trên các tàu cá sát bờ biển. Các góa phụ mặc đồ đen chào nhau với niềm kiêu hãnh u ám, vì đây là ngày dành riêng cho họ. Và có người đứng đầu các giáo xứ - các giám mục của các đoàn giáo dân lớn, giàu có, ra biển để đi nghỉ, và sẽ có người chăm lo mấy công việc thường ngày cho họ, từ các cha xứ của nhà thờ vùng Hill đến các cựu thủy thủ râu rậm theo phái Lutheran, cất giọng chào những người đàn ông trên nhiều tàu khác.
Có cả ông chủ của nhiều thuyền đánh cá - các nhà đóng góp hào phóng cho cộng đồng, và cả những người thấp cổ bé họng, các cánh buồm của họ chốt vào đỉnh cột buồm, các ông chủ nhà băng và nhân viên bảo hiểm đi biển, thuyền trưởng các tàu kéo và ca nô du lịch, tàu chở hàng, tàu lắp ráp, chở gỗ, muối, tàu sửa chữa, và tất cả các quần thể pha tạp của vùng biển.
Họ đi dọc những hàng ghế đã thấp thoáng bóng những chiếc váy mùa hè của du khách, và một trong những quan chức của thị trấn đi đi lại lại truyền cảm hứng cho mọi người cho đến khi ông ta tỏa sáng với lòng kiêu hãnh.
Cheyne đã gặp ông ta chừng năm phút vào mấy ngày trước, và họ hoàn toàn thông cảm cho nhau.
“Chà, ông Cheyne, ông nghĩ gì về thành phố của chúng tôi? - Vâng, thưa bà, bà ngồi đâu cũng được. - Ông cũng có ngày lễ này ở miền Tây chứ?”
“Vâng, nhưng không lâu đời như ở đây.”
“Vâng, dĩ nhiên rồi. Chắc là ông vẫn còn đang đi học khi chúng tôi ăn mừng hai trăm năm mươi năm thành lập thị trấn. Ông Cheyne ạ, thành phố cũ này tự mang lại tiếng tăm cho nó.”
“Tôi đã nghe nói. Và nó cũng phải trả giá. Nhưng sao ở đây không có khách sạn hạng nhất nào?”
“Ngay phía bên trái kia, Pedro. Có đầy phòng cho ông và người của ông. Đó là những gì tôi nói với họ suốt ngày, ông Cheyne. Nó tốn nhiều tiền đầu tư, nhưng tôi đoán là với ông thì không vấn đề gì. Cái chúng tôi muốn là...”
Một bàn tay nặng nề đặt lên đôi vai rộng của ông ta, gã thuyền trưởng mặt đỏ lừ của một tàu cung cấp than và đá Portland xoay ông ta lại. “Các ông nghĩ gì mà lại xén cỏ như vậy khi những người đàn ông chân chính đều đã ra khơi? Hả? Thị trấn này khô như ngói, và bốc mùi kinh khủng hơn lần cuối cùng tôi ở đây. Lẽ ra nên để lại một quán rượu để chúng tôi ra vào chứ.”
“Có vẻ vẫn không ảnh hưởng gì đến khẩu vị của anh sáng nay, Carsen. Tôi sẽ bàn luận chuyện đó sau. Ngồi xuống cạnh cửa và suy nghĩ về chuyện đó đến khi tôi quay lại nhé.”
“Tranh cãi thì có ích gì? Ở Miquelon, rượu sâm banh chỉ có mười tám đô la một thùng và...” Gã thuyền trưởng ngồi vào chỗ khi dàn nhạc cất tiếng và khiến ông ta phải im lặng.
“Dàn nhạc mới của chúng tôi...” Vị quan chức tự hào nói với Cheyne. “... đã tiêu tốn bốn ngàn đô la. Chúng tôi sẽ phải nâng giá giấy phép năm sau để bù vào đó. Tôi sẽ không để các mục sư giành hết sự chú ý trong các cuộc họp của họ. Trong dàn nhạc này còn có những đứa trẻ mồ côi. Vợ tôi đã dạy chúng hát. Gặp ông sau nhé, ông Cheyne. Họ muốn tôi lên sân khấu.”
Giọng ca của những đứa trẻ cao vút, trong trẻo và chân thành, đã dẹp yên những tiếng ồn cuối cùng của những người đang ổn định chỗ ngồi.
Những gì Chúa làm, xin chúc phúc cho Người: hãy ca ngợi Người và tôn vinh Người vĩnh viễn!
Những người phụ nữ khắp căn phòng đều ngả về phía trước để nhìn khi những nhịp điệu lặp đi lặp lại lan khắp không gian. Bà Cheyne, cùng một vài người khác, bắt đầu thở gấp. Bà không thể tưởng tượng được lại có nhiều góa phụ đến thế trên thế giới, và theo bản năng, bà đưa mắt tìm Harvey. Cậu đã thấy thủy thủ đoàn Có chúng tôi đây! ở phía cuối hàng ghế, họ đang đứng giữa Dan và Disko. Bác Salters, người đã trở lại đêm qua cùng Penn, từ Pamlico Sound, nhìn cậu vẻ nghi ngờ.
“Bố mẹ của cậu chưa đi sao?” Bác ta gầm ghè. “Cậu đang làm gì ở đây, anh bạn trẻ?”
Ôi Đại dương và những cơn lũ, xin chúc phúc cho Người: hãy ca ngợi Người và tôn vinh Người vĩnh viễn!
“Cậu ấy có quyền chứ!” Dan nói. “Cậu ấy đã ra khơi, như tất cả chúng ta.”
“Không phải trong bộ quần áo kia.” Salters hục hặc.
“Yên lặng nào, Salters.” Disko nói. “Rồi gậy ông lại đập lưng ông bây giờ. Cậu cứ đứng đấy, Harve.”
Rồi một vị khách được mời thuyết trình dịp ấy, một trụ cột khác trong hội đồng thành phố, đứng lên chào mừng cả thế giới đến với Gloucester, và vô tình chỉ ra thế mạnh giúp Gloucester vượt trội trước cả thế giới. Rồi ông ta quay về phía nguồn di sản biển của thành phố, nói về cái giá phải trả cho vụ mùa hằng năm. Sau đó, họ được nghe tên của những người đã khuất, tổng cộng là một trăm mười bảy người. (Các góa phụ nhìn đăm đăm một lúc, rồi quay sang nhìn nhau.) Gloucester không thể khoe khoang về những nhà máy hay công xưởng. Những người con nơi đây làm việc để đối lấy những gì đại dương ban cho; và họ đều biết cả vùng Georges hay vùng Bank đều không phải là những vựa cá lớn. Điều lớn nhất mà những người ở trên bờ làm được là giúp đỡ các góa phụ và trẻ mồ côi, và sau một vài lời tóm tắt tình hình nói chung, ông ta nhân cơ hội này thay mặt thành phố cảm ơn những người đã có tinh thần vì cộng đồng mà tham gia vào buổi lễ này.
“Ta ghét đoạn cầu xin này.” Disko hầm hè. “Làm cho người khác hiểu nhầm về chúng ta.”
“Nếu họ không biết lo xa và để dành khi có cơ hội...” Salters đáp lời. “... thì theo lẽ tự nhiên họ phải thấy xấu hổ. Cậu hãy nhớ lấy, anh bạn trẻ ạ. Miệng ăn núi lở, nếu cậu tiêu tốn cả vào những thứ đắt tiền...”
“Nhưng nếu mất đi tất cả mọi thứ, mọi thứ...” Penn nói. “Thì họ biết làm gì? Một lần tôi...” Đôi mắt long lanh ánh nước ngước lên rồi lại cúi xuống như thể tìm kiếm điều gì đó giúp chúng có thể bình tĩnh lại. “Tôi từng đọc... trong một cuốn sách, tôi nghĩ vậy... về một con thuyền bị va quệt, ai cũng chết, trừ một người, và ông ta nói với tôi...”
“Suỵt!” Salters chặn ngang. “Cậu đọc ít sách đi và biết quan tâm đến miếng ăn hơn một chút, rồi cậu sẽ tiến gần hơn đến với cổ phần của riêng mình, Penn ạ.”
Harvey, bị kẹt cứng giữa các ngư dân, cảm nhận được một cơn rùng mình, ớn lạnh chạy từ gáy xuống tận chân cậu. Cậu cũng cảm thấy lạnh, dù hôm ấy là một ngày nóng nực.
“Đó là cô diễn viên đến từ Philadelphia à?” Disko Troop hỏi và nheo mắt nhìn lên sân khấu. “Cậu đã lo liệu vụ ông Ireson rồi chứ, Harve? Cậu biết vì sao rồi đấy.”
Người phụ nữ không hát bài Chuyến đi của Ireson, mà hát một bài thơ khác về một cảng cá tên Brixham cùng một đoàn thuyền lưới rà bị bão quật ngã vào ban đêm, trong khi những người phụ nữ đốt lửa để làm dấu cho họ ở đầu cầu cảng bằng bất cứ thứ gì họ tìm được.
Họ lấy chăn của bà ngoại, người đang rét run và xua họ đi.
Họ lấy nôi của em bé, kẻ không biết từ chối.
“Chà!” Dan nói và nhìn qua vai Long Jack. “Hay thật! Nhưng chắc tốn kém lắm.”
“Một tình huống đáng phê phán.” Người Galway nói.
“Cái cầu cảng được thắp sáng bằng cách dở quá, Danny.”
Và suốt lúc ấy, họ không hề biết
Mình đang đốt lửa để dẫn đường
Hay để tiễn biệt những kẻ xấu số.
Giọng ca tuyệt vời đã chiếm được trái tim của họ, và khi cô kể đến đoạn thủy thủ đoàn ướt sũng bị dạt lên bờ, kẻ còn sống, người đã chết, họ mang những cơ thể ấy đến bên ngọn lửa và hỏi: “Cháu bé, đây có phải cha cháu không?” hay “Đây có phải chồng của cô không?”, người ta có thể nghe thấy tiếng thở nặng nhọc trên các hàng ghế.
Và khi các tàu của Brixham ra khơi, đối mặt với cơn bão,
Nghĩ về những người dấu yêu đã ở phía sau
Như những ngôi sao chiếu sáng từ xa!
Chẳng có mấy ai vỗ tay khi cô ta hát xong. Phụ nữ thì lục tìm khăn tay của mình, còn nhiều người đàn ông đã ngước lên nhìn trần nhà với đôi mắt long lanh ánh nước.
“Hừm!” Salters nói. “Chỉ cần trả một hay hai đồng là nghe được thứ đó ở bất kỳ nhà hát nào rồi. Một vài kẻ, ta đoán, là sẵn lòng trả số tiền ấy. Với ta thì đúng là một sự phí phạm. Làm thế nào mà thuyền trưởng Bart Edwardes lại dạt vào đây?”
“Không thể cản được hắn ta.” Một người Eastport ở phía sau nói. “Hắn là một nhà thơ và sắp được lên phát biểu. Hắn cũng đi qua đây đấy.”
Anh ta không nhắc đến chuyện thuyền trưởng B. Edwardes đã nài nỉ suốt năm năm liền để được phép đọc một bài thơ của ông ta trong lễ tưởng niệm ở Gloucester. Hội đồng thành phố đã phát mệt nên cuối cùng đành cho phép ông ta. Niềm hạnh phúc giản đơn của người đàn ông già, khi ông ta đứng lên trong bộ lễ phục đẹp nhất của mình, đã chiếm được cảm tình của công chúng cho đến khi ông ta mở miệng. Họ ngồi đó chịu đựng suốt ba mươi bảy khổ thơ vụng về, mô tả đầy đủ về sự mất mát của thuyền Joan Hasken ngoài khơi Georges trong cơn bão năm 1867, và khi ông ta đọc xong, họ hò reo để ăn mừng.
Một phóng viên bị viễn thị đến từ Boston lập tức bám theo để xin bản đầy đủ của bài thơ và phỏng vấn tác giả. Trái đất này không còn gì để ban tặng thuyền trưởng Bart Edwardes, một cựu ngư dân săn cá voi, người đóng tàu, tay thả lưới cự phách, và một nhà thơ, ở cái tuổi bảy mươi ba của ông ta.
“Tôi coi đó mới là thứ đáng nghe.” Gã người Eastport nói. “Bài thơ chép tay của ông ta đã đi cùng tôi khắp nơi, hệt như ông ta vừa đọc trên sân khấu, và tôi cam đoan là ông ta nói thật.”
“Nếu Dan không viết xong một bài thơ hay hơn như thế chỉ bằng một tay trước bữa sáng, cậu ta chắc chắn sẽ bị thay thế.” Salters nói và tôn vinh bang Massachusett nói chung. “Tôi không có quyền tự do tuyên bố rằng cậu ấy khá có khiếu văn học... so với vùng Maine. Tuy nhiên...”
“Chắc chuyến này bác Salters sẽ hy sinh mất. Lần đầu tiên bác ấy khen tớ đấy!” Dan khịt mũi. “Cậu làm sao thế, Harve? Cậu cứ yên lặng và tái xanh cả người thế kia. Thấy không khỏe à?”
“Tớ không biết mình bị làm sao nữa.” Harvey phân trần. “Có vẻ tớ không kiềm chế được cảm xúc của mình. Tớ cứ thấy ngộp thở và run rẩy.”
“Hay là bị trào ngược? Hừ... Tệ thật! Chúng tớ chờ họ đọc tên xong rồi sẽ rơi đi, trước khi thủy triều ập đến.”
Các góa phụ - gần như mới là nạn nhân của mùa cá này - cố gắng tỏ ra mạnh mẽ như những người sắp bị xử tử, vì họ biết điều gì sắp xảy đến. Những du khách mặc áo ngắn màu hồng và xanh đã ngừng sụt sịt trước bài thơ tuyệt vời của thuyền trưởng Edwardes, và nhìn về phía sau để biết vì sao họ đã im lặng cả rồi. Các ngư dân dồn về phía trước khi vị đại biểu kia, người đã nói chuyện với ông Cheyne, tiến lên sân khấu và bắt đầu đọc danh sách người thiệt mạng năm nay, chia theo từng tháng. Những người thương vong của tháng Chín năm ngoái hầu hết đều là đàn ông độc thân và người lạ, nhưng giọng ông vẫn vang lên hết sức cô độc trong không khí im lặng của khán phòng.
“Ngày mùng Chín tháng Chín. Thuyền Florrie Anderson bị chìm cùng tất cả thuyền viên ngoài khơi Georges.” “Reuben Pitman, chủ thuyền, năm mươi tuổi, độc thân, Main Street, thành phố.”
“Emil Olsen, mười chín tuổi, độc thân, 329 phố Hammond, thành phố. Người Đan Mạch.”
“Oscar Standberg, độc thân, hai mươi lăm tuổi. Người Thụy Điển.”
“Carl Stanberg, độc thân, hai mươi tám tuổi, Main Street. Thành phố.”
“Pedro, có lẽ là người Madeira, độc thân, ở nhà khách của Keene. Thành phố.”
“Joseph Welsh, còn gọi là Joseph Wright, ba mươi tuổi, ở St. John, Newfoundland.”
“Không... Augusty, Maine.” Một giọng nói vang lên từ giữa khán phòng.
“Anh ta lên thuyền từ St. John.” Vị đại biểu nói và đưa mắt tìm.
“Tôi biết. Cậu ấy là người Augusty. Cháu của tôi.”
Người đọc sửa lại bằng bút chì bên lề danh sách và tiếp tục.
“Cùng thuyền, Charlie Ritchie, Liverpool, Nova Scotia, ba mươi ba tuổi, độc thân.”
“Albert May, 267 phố Rogers, thành phố, hai mươi bảy, độc thân.”
“Ngày Hai mươi bảy tháng Chín - Orvin Dollard, ba mươi tuổi, đã kết hôn, chết đuối trên xuồng, ngoài Cực Đông.”
Cái tên ấy đã gây xúc động mạnh mẽ, vì một trong các góa phụ đã rùng mình trên ghế, đập hai tay vào nhau rồi lại ngưng. Bà Cheyne, người đang mở to mắt và căng tai nghe, ngẩng đầu lên và bị ngộp thở. Mẹ của Dan, ngồi cách đó một vài ghế, đã nhìn thấy và nhanh chóng ngồi vào cạnh bà. Họ tiếp tục đọc. Khi đến danh sách tháng Một và Hai, những nhịp thở trở nên ngắn và dồn dập, và những góa phụ thì đang nín thở.
“Ngày Mười bốn tháng Hai. Thuyền Harry Randolph gãy cột buồm trên đường về từ Newfoundland; Asa Musie, đã kết hôn, ba mươi hai tuổi, phố Main, thành phố, ngã khỏi thuyền.”
“Ngày Hai mươi ba tháng Hai. Thuyền Gilbert Hope; xuồng bị đi lạc, Robert Beavon, hai mươi chín, đã kết hôn, người Pubnico, Nova Scotia.”
Vợ của anh ta lúc này đang ở trong phòng. Họ nghe thấy tiếng khóc thút thít, như thể một con vật bị nhốt trong lồng. Tiếng khóc bị chặn lại, và một người con gái chạy ra khỏi phòng. Cô đã nuôi hy vọng hàng tháng trời, vì có những người bị dạt xuồng vẫn được cứu bởi các thuyền đi quăng lưới ở vùng biển sâu một cách kỳ diệu. Giờ thì cô đã có kết quả chắc chắn, và Harvey có thể thấy ông cảnh sát bên vệ đường gọi xe cho cô. “Từ đây đến nhà kho là năm mươi xen.” Viên tài xế mở miệng, nhưng viên cảnh sát giơ tay lên. “Nhưng đằng nào tôi cũng đi về hướng đó. Vào xe đi. Nghe này, Al, lần sau đừng vẫy tôi vào nếu không thấy đèn sáng nhé?”
Cánh cửa xe đóng lại dưới ánh mặt trời chói chang, và mắt Harvey quay lại với vị quan chức kia cùng danh sách dài vô tận.
“Ngày Mười chín tháng Tư. Thuyền Mamie Douglas bị chìm ở vùng Bank cùng tất cả các thuyền viên.”
“Edward Canton, bốn mươi ba tuổi, ông chủ, đã kết hôn, thành phố.”
“D. Hawkins, còn gọi là Williams, ba mươi tư tuổi, đã kết hôn, người Shelbourne, Nova Scotia.”
“G. W. Clay, da màu, hai mươi tám tuổi, đã kết hôn, thành phố.”
Và còn nhiều cái tên khác. Cổ họng Harvey cứ nghẹn cứng, và ruột cậu quặn lên như cái ngày cậu ngã khỏi tàu chở khách.
“Ngày mùng Mười tháng Năm. Thuyền Có chúng tôi đây! (máu chảy rần rật khắp người cậu) Otto Svendson, hai mươi tuổi, độc thân, thành phố, ngã khỏi thuyền.”
Một lần nữa, tiếng khóc thút thít lại vang lên đâu đó ở phần sau của đám đông trong phòng.
“Cô ấy không nên đến. Cô ấy không nên đến.” Long Jack nói với vẻ thương hại.
“Đừng có ngất đấy, Harve.” Dan thì thầm. Harvey chỉ nghe được đến đó, những gì còn lại là bóng đen và có vài đốm lửa xoay mòng mòng trong đầu cậu. Disko ngả người về phía trước và nói chuyện với vợ mình, bà ấy đang một tay vòng qua người bà Cheyne, tay kia đè chặt hai bàn tay đang bứt rứt tột độ.
“Cúi đầu xuống, cúi xuống!” Ông thì thầm. “Nó sẽ qua đi trong chừng một phút nữa.”
“Tôi không làm được! Không được! Ôi, hãy để tôi...” Bà Cheyne không biết mình đang nói gì nữa.
“Bà phải cố lên!” Bà Troop nhắc lại. “Con trai bà đã ngất đấy. Thỉnh thoảng chúng sẽ làm như thế ở tuổi đang lớn. Có muốn chăm sóc cho thằng bé không? Ta sẽ ra ngoài theo lối này. Khẽ thôi. Hãy đi theo tôi. Yên nào, chúng ta đều là phụ nữ. Chúng ta phải chăm lo cho gia đình. Đi nào!”
Thuyền viên của thuyền Có chúng tôi đây! nhanh nhẹn đi qua đám đông như thể mấy người vệ sĩ, và họ dựng Harvey ngồi lên một chiếc ghế băng, lúc này đang trắng bệch và run rẩy, ở trong phòng chờ.
“Tránh đường cho mẹ cậu ấy.” Bà Troop chỉ nói thế, và người mẹ kia quỳ xuống cạnh đứa con của mình.
“Làm sao mà anh nghĩ thằng bé chịu đựng được điều ấy?” Bà gào lên vẻ giận dữ với Cheyne, người không nói câu gì cả. “Thật kinh khủng, kinh khủng! Lẽ ra ta không nên đến đây. Việc này thật sai lầm và độc ác! Nó không đúng đắn chút nào! Tại sao họ không đăng lên báo, như thế chẳng phải hợp lý hơn sao? Con đã khá hơn chưa, con yêu?”
Câu ấy khiến Harvey cảm thấy xấu hổ. “Ồ, con ổn mà!” Cậu nói và cố đứng dậy, giọng cười của cậu vụn vỡ. “Chắc là do đồ ăn sáng thôi.”
“Chắc là do cà phê.” Ông Cheyne nói, mặt đã cứng cả lại vì căng thẳng, như thể được tạc bằng đồng. “Ta sẽ không quay lại nhà hàng đó.”
“Có lẽ đã đến lúc ta ra cầu cảng.” Disko nói. “Ở đó gần những người Dago, và không khí trong lành sẽ giúp bà Cheyne khá hơn.”
Harvey tuyên bố cậu chưa từng thấy khỏe hơn như vậy trong đời, nhưng chỉ đến khi cậu nhìn thấy thuyền Có chúng tôi đây!, sau khi được gia cố, ở cầu cảng của Wouverman, cậu mới mất đi cảm giác mất mát kia, và thay thế nó bằng thứ cảm xúc hỗn độn giữa tự hào và buồn bã. Những người khác - những khách du lịch và đại loại như vậy - đang nô đùa trên những chiếc thuyền một buồm hay quan sát biển từ đầu cầu tàu. Nhưng cậu hiểu trong lòng mình đang cảm thấy ra sao, và nó chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn cậu có thể nghĩ được.
Tuy thế, cậu vẫn đã có thể ngồi xuống và rú lên khi thấy con thuyền nhỏ rời bến. Bà Cheyne chỉ biết khóc nức nở theo từng bước chân và nói những điều vô cùng kỳ lạ với bà Troop, người đang “vỗ về” bà cho đến khi Dan, kẻ chưa từng được mẹ “vỗ về” từ khi lên sáu, phải huýt sáo thật to.
Và thế là thủy thủ đoàn - Harvey cảm thấy họ như những thủy thủ cổ xưa nhất bị thả vào một chiếc thuyền cũ giữa các con xuồng rách nát - trong lúc Harvey tháo dây buộc đuôi tàu ở cầu tàu, họ dùng tay đẩy con thuyền dọc mép cầu tàu để ra khơi. Ai cũng muốn nói nhiều điều, vậy nên chẳng ai nói điều gì cả. Harvey nài nỉ Dan chăm chút cho đôi ủng của bác Salters và đống neo xuồng của Penn, còn Long Jack dặn Harvey nhớ kĩ những bài học trên biển của mình, nhưng trò đùa của họ chấm dứt khi họ thấy hai người phụ nữ kia, và thật khó mà nói đùa khi con nước màu xanh ở cầu tàu đang ngày một chia rẽ những người bạn nhiều hơn.
“Giương buồm tam giác và buồm trước!” Disko hô vang và đến đứng phía sau bánh lái khi gió bắt đầu đẩy thuyền đi. “Gặp lại sau nhé, Harve. Không hiểu sao ta nghĩ đến cậu và gia đình cậu rất nhiều đấy.”
Rồi con thuyền đã đi xa quá tầm nghe và họ ngồi xuống để nhìn nó ra khỏi cảng, bà Cheyne vẫn tiếp tục khóc.
“Kìa, mạnh mẽ lên!” Bà Troop nói. “Chúng ta đều là phụ nữ. Dù sao thì có khóc mới nhẹ lòng được. Chúa chưa bao giờ phù hộ cho tôi, nhưng Ngài cũng biết tôi còn có thứ để mà khóc thương!”
Giờ đã là một vài năm sau, ở phía đầu kia của nước Mỹ, một người đàn ông trẻ tuổi đi qua màn sương mù trên biển, dọc theo con phố gió lùa toàn những căn nhà đắt tiền được xây bằng gỗ giả đá.
Anh đứng cạnh một cánh cổng sắt, một con ngựa tiến vào, con ngựa phải có giá đến cả nghìn đô la, trên lưng nó là một người đàn ông khác. Và họ đã nói với nhau:
“Chào, Dan!”
“Chào, Harve!”
“Mọi chuyện tốt đẹp chứ?”
“Chà, tớ chính là cái mà họ gọi là trợ lý trên tàu đấy. Cậu đã gần xong cái bằng đại học đắt gấp ba lần bình thường kia chưa?”
“Cũng sắp rồi. Trường Leland Stanford Junior không thể nói là giống thuyền Có chúng tôi đây! được, nhưng mùa thu năm sau, tớ sẽ bước chân vào nghề kinh doanh.”
“Đoàn thuyền của chúng ta sao?”
“Chứ còn gì. Cứ chờ đến khi tớ xử lý cậu, Dan ạ. Cả tuyến đường sẽ phải quỳ xuống và khóc thét khi biết tớ đã tiếp quản nó.”
“Tớ sẽ chờ xem sao.” Dan nói và nở nụ cười thân thương như một người anh trai, trong khi Harvey xuống ngựa và hỏi xem Dan có vào nhà cùng không.
“Tớ đi tàu điện đến đây để làm gì? Nhưng bác sĩ có ở cùng cậu không? Có ngày tớ sẽ nhấn chìm người da màu ấy cùng mấy lời tiên tri của ông ta.”
Có tiếng cười trầm trầm đắc thắng vang lên, cựu đầu bếp của thuyền Có chúng tôi đây! đi ra từ trong màn sương để cầm lấy dây yên cương của con ngựa. Ông ta không cho phép ai khác đáp ứng các nhu cầu của Harvey. “Sương dày như ở vùng Bank, phải không bác sĩ?” Dan nói với giọng bông đùa.
Nhưng ông đầu bếp người Celt da đen như than, với khả năng tiên tri, không buồn trả lời cho đến khi đã đập tay lên vai Dan, và nhắc lại lời tiên đoán cũ vào tai cậu lần thứ hai mươi.
“Ông chủ - thợ thuyền. Thợ thuyền - ông chủ.” Ông ta nói. “Cậu có nhớ những gì tôi nói không, Dan Troop? Trên thuyền Có chúng tôi đây! ấy?”
“Chà, cháu sẽ không phủ nhận lúc này vì mọi sự có vẻ đúng là như thế đấy.” Dan nói. “Đó là một chiếc thuyền tốt, và bằng cách này hay cách khác, cháu nợ nó rất nhiều, cả nó và Bố cháu.”
“Tớ cũng vậy!” Harvey Cheyne nói.
HẾT