Tên khai sinh: Nguyễn Văn Phú
Sinh năm: 1981
Quê quán: Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội
Hiện công tác tại: Học viện Biên phòng.
ĐỒI LAU SAU HOA TÍM
1
Hai năm trước, Quân lên Đồn biên phòng Ma Cư Thàng đúng vào đầu mùa thu.
Mùa thu ở vùng cao thật đẹp. Cây rừng nhuộm núi đồi vàng ửng, đôi chỗ rực lên tấm thảm chói đỏ màu mặt trời. Buổi sớm, muôn triệu hạt sương li ti trong suốt như ngọc vung vãi trên những thảm lá. Khi tia nắng đầu tiên chiếu rọi, rừng cây trình diễn một lễ hội băng đăng khổng lồ, lung linh, rực rỡ.
Quân đặc biệt ấn tượng với những bông lau sau trên đồi Nàng Đôn. Cây lau sau gần giống cây lau. Thân, lá cây óng chuốt, mềm mượt hơn. Hoa lau sau bung nở là tín hiệu gọi thu về. Lúc mới ra bông, hoa lau sau như đuôi chú mèo con phơn phớt tím. Vài ngày hoa lau sau vụt lớn. Nhìn lên đồi lau sau thấy muôn ngàn chiếc đuôi ngựa tung lên trời vô vàn sợi tím ngắt, tạo thành một vùng tím đến day diết.
Chiều chiều, nhìn đàn chim sải cánh bay về dãy núi mờ xa, nỗi se buồn, mơn man nhớ ùa vào Quân. Ngày trước ở quê, mỗi khi gặp một cánh chim chiều Quân từng mơ ước có đôi cánh như thế. Quân sẽ dang rộng cánh bay đến những bến bờ khao khát. Ở đó, có những tòa nhà cao chọc trời, những chiếc ô tô láng bóng, những ánh đèn không bao giờ tắt trong đêm… Ở đó, sẽ khác xa vùng quê hiu hắt buồn của Quân. Ở đó, chàng trai trẻ là Quân sẽ sống hết mình cho những đam mê.
Vậy mà, cuối cùng Quân lại đến với vùng núi rừng rậm rì, hoang vu này.
2
Trăng ở miền núi bao giờ cũng trong sáng, dịu dàng, khoáng đạt hơn ở đồng bằng. Những đêm trăng, bầu trời trong vắt, tưởng có thể nhìn thấy những vệt mây nhỏ như sợi chỉ, Quân và anh Phong thường lên đồi lau sau nằm. Hai anh em kể chuyện cho nhau nghe, rồi mỗi người trôi theo một miền nhớ của riêng mình.
Anh Phong là trung đội trưởng của Quân. Buổi đầu tiên lên đồn, thằng Hùng kéo mấy “ma mới” ra gốc sa mộc, bảo: “Tao nghe mấy “ma cũ” nói sếp khó tính, quản lý chặt lắm. Anh em mình mới, lớ ngớ, cứ phải cẩn thận đấy…”. Mới tiếp xúc thấy anh lành lạnh, khó gần, Quân không mấy thiện cảm. Sau một tháng, suy nghĩ và tình cảm của Quân trái ngược hoàn toàn. Với Quân, anh là một người chỉ huy rất bản lĩnh, nghiêm khắc nhưng biết quan tâm và chia sẻ với chiến sĩ những tâm sự sâu kín.
Ở đồn, anh Phong không được lòng một số người bởi cái tính thẳng thắn và nghiêm khắc. Anh cho rằng dù ở một đơn vị lẻ, giữa núi rừng heo hút thì các chế độ cũng phải thực hiện đảm bảo. Dĩ nhiên là không quá cứng nhắc. Nếu chế độ nào cũng “vận dụng”, “linh động” liệu có còn là đơn vị quân đội nữa không? Anh không chấp nhận lối sinh hoạt tuỳ tiện, vi phạm chế độ của một số cán bộ. Thời gian qua, vài người đã vi phạm kỷ luật trong quan hệ tiếp xúc với dân, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị… Anh Phong gay gắt phê bình họ, không ngần ngại trường hợp nào. Kể cả người đó là Đồn phó quân sự Cam. Anh Cam ghét anh ra mặt. Anh Phong bị một số người ghép cho cái tội “thích xoi mói”, “ngựa non háu đá”… Anh nghe được tất cả những điều ấy từ sau lưng. Anh vẫn sống theo cách của mình. Anh được Đồn trưởng Chương ủng hộ vì cách sống, cách làm việc của anh hợp với con người ông. Nhưng ông đã có tuổi và sắp về hưu. Rồi đây khi ông rời xa nơi này, rất có thể sẽ xuất hiện cơn gió lạ quét đi tất cả những gì tập thể đồn đã dày công xây đắp lên. Những ngày cuối cùng ở đồn ông rất lo lắng, trăn trở vì điều ấy. Chiều, ông thường đi loanh quanh khắp đơn vị. Mắt ông nhìn đăm đăm về những dãy núi, những bản làng. Quân thấy trong mắt ông cả một buổi chiều đông hoang vắng, tê tái.
Anh Phong quý Quân như em trai nên chẳng giấu chuyện gì. Có lần anh nói với Quân về Đồn phó Cam: “Bố ấy làm thì láo báo cáo thì hay. Việc thì đổ tất lên đầu anh. Mà sao bố ấy nói tục, chả biết ngượng mồm…”. Và mối quan hệ của hai người càng trở nên căng thẳng khi sự việc Đồn phó Cam có “quan hệ không rõ ràng” với cô giáo Liên ngoài thị trấn bị đưa ra trước sinh hoạt chi bộ.
Quân được biết ngày mới ra trường anh Cam là một sĩ quan trẻ, đẹp, nhiệt tình, năng nổ… Nhưng ở mỗi người trẻ tuổi bên cạnh những mơ ước, đam mê, nỗ lực, khẳng định… thì luôn có cả những bồng bột, sai lầm, vấp ngã... Anh Cam buộc phải lấy một cô giáo kém xa anh về hình thức, lại hơn anh ba tuổi sau những lần không làm chủ được bản thân. Sự khập khiễng, trớ trêu ấy đẩy anh vào mớ bùng nhùng day dứt, khó chịu, mặc cảm... Anh chui sâu vào cái vỏ cô lập để phòng thủ trước lời đàm tiếu, giễu cợt. Anh dần thay đổi trong cách sống và công việc…
3
Buổi sáng, Đồn trưởng Chương rời đơn vị. Trời chớm thu, sương trắng cuộn lên từng mảng lớn. Gió xào xạc trên đồi lau sau. Cả đơn vị đứng tiễn người đồn trưởng già. Tuyết, con ngựa trắng của đồn trưởng, được dắt ra. Ông đã giao nó cho anh Phong. Chính trị viên định sử dụng nó thồ hành lý cho ông, để nó tiễn ông những bước chân cuối cùng ở đất này. Nhìn bộ dạng của nó, đồn trưởng ái ngại.
- Đừng đặt gì lên lưng nó! - Đồn trưởng nói.
- Nó yếu lắm rồi, chắc không đi xa được.
Câu nói của anh Phong làm đồn trưởng nhìn anh trân trối. Phải, nó già rồi, như ông. Nó là con ngựa cuối cùng của đời ông. Từ nay ông không đồng hành với nó. Không lâu nữa nó cũng phải vĩnh biệt những lối mòn thân thuộc mà ông và nó đã thành tri kỉ. Ông rưng rưng bắt tay từng người. Đến bên con Tuyết, đôi tay ông run run trên trán nó, ông ve vuốt bờm nó. Nó hếch mũi lên hít hít, đôi mắt ướt nhèm. Nó hí lên thê thiết - lời từ biệt vị chủ nhân gắn bó gần trọn cuộc đời nó. Đồn trưởng Chương ra hiệu xuất phát cho hai anh cán bộ giúp ông mang hành lý. “Tôi đi đâ… y”. Giọng người đồn trưởng già nghèn nghẹn. Không nhìn mọi người, ông vội bước. Bóng ông nhanh chóng bị màn sương sánh đặc nuốt chửng. Mọi người đã đi làm việc, chỉ còn anh Phong và Quân cứ trân trân nhìn vào miền sương trắng. Anh Phong dắt con Tuyết về chuồng, nó dứt dây cương, định lao về phía con đường Đồn trưởng Chương đi.
Trăng lên. Anh Phong rủ Quân lên đồi lau sau nằm. Anh dắt con Tuyết theo. Nó chậm rãi bước sau anh. Tấm lưng võng, bộ áo tuyết nhiều đốm xám vì rụng lông, vó khô khẳng… Nó già nua thật rồi. Anh Phong bảo: “Con ngựa này rất khái tính. Dạo chú Chương mới giao cho anh, nó không cho anh lại gần đâu. Giờ nó đã thân anh. Nó sống có tình lắm!”. “Lúc nhìn anh âu yếm, vuốt ve, tắm táp cho nó, em ghen với nó” - Quân thủ thỉ. Hai anh em rứt lá lau sau rải nằm. Lá lau sau rằm rặm, thơm ngái. Tuyết ngước lên vầng trăng ngơ ngác. Vầng trăng tròn vạnh, trong lành, tưới xuống núi đồi thứ ánh sáng huyễn hoặc, mơ hồ. Dãy núi nằm nghiêng như người đàn bà khỏa thân căng mẩy, cong mình hứng trăng. Con ngựa lao ra vạt đồi bằng, nơi có thảm cỏ rộng. Nó rung bờm, hí dài. Tiếng hí rền, ngân vang tựa thứ âm thanh phát ra từ một loại nhạc khí của núi rừng. Bờm nó rung rinh những sợi bạc. Cả thân hình nó phát ra vầng hào quang sáng chói, đẹp sững sờ. Nó không còn là nó nữa, con ngựa già yếu, mà vụt trở thành một chàng tuấn mã đẹp mê hồn, hùng dũng lạ thường. Hình như cùng lúc anh Phong và Quân đều rùng mình nhận ra điều ấy…
Anh Phong nói, ngày mới yêu chị Thào Ly hai người hay lên đây nằm ngắm trăng. Quân ít gặp nhưng biết nhiều về chị Thào Ly qua lời kể của anh em. Chị là một cô giáo Mông giỏi giang xinh đẹp và khéo léo. Tình yêu của anh chị là dòng suối yên bình đã trải qua nhiều ghềnh thác.
Dạo đó, chị từ Mèo Vạc sang Ma Cư Thàng dạy học. Anh yêu chị từ cái nhìn đầu tiên. Anh chị yêu nhau không ít người gièm pha, nói ra nói vào vì sự kỳ thị cố hữu. Cũng nhiều người mừng cho anh, ra sức động viên, ủng hộ. Đồn trưởng Chương còn hứa: “Nếu đồng chí Phong cưới cô giáo Thào Ly, đồn sẽ mừng ba con dê to để làm cỗ cưới”. Người phản đối chuyện của anh chị gay gắt nhất là bà mẹ anh Phong. Chồng chết, một mình bà nuôi hai người con. Con gái theo chồng vào Nam, con trai lên biên giới, bà ở nhà một bóng… Anh Phong hiểu nỗi lòng của mẹ. Nhưng Tết đó anh vẫn đánh liều mang người yêu về ra mắt mẹ. Thật bất ngờ, bà mẹ nắm tay con dâu tương lai: “Mày làm con u nhá?”. Thì ra, một phần bà lo con trai lấy vợ xa không làm tròn trách nhiệm với tổ tiên họ mạc, phần khác bà sợ con dâu không nói được tiếng Kinh, không mặc quần như các cô gái quê bà! Gặp nó bà không sợ nữa… Cuối năm đó, một đám cưới đông nhất, vui nhất đã được tổ chức ở đồn Ma Cư Thàng.
Anh Phong rứt lá sim đặt lên môi. Lần đầu tiên được nghe tiếng kèn lá của anh, Quân ngỡ ngàng. Quân bay theo những thanh âm nhẹ nhàng, tha thiết trong một cảm giác lâng lâng, phiêu bồng. Cảm xúc cùng ánh trăng làm gương mặt anh rạng rỡ tựa gương mặt thần Apolo. Vậy mà lúc anh bực, Quân nhìn thấy sợ. Anh nóng nảy, khả năng kìm chế kém.
Quân thổi đứt hơi, chỉ có tiếng è è phát ra. Anh Phong ôm bụng cười: “Muốn thổi được kèn lá phải biết lòng mình đang muốn nói điều gì. Nói với bạn tình ấy! Sau đó tập dần là thổi được”. Tiếng “bạn tình” Quân nghe vừa thích thích vừa xấu hổ. Chợt nhớ một người, lòng Quân trĩu nặng. Không biết người con gái ấy giờ thế nào? Quân thấy hình như mình là kẻ gây ra nỗi đau cho cô…
“Trong lòng anh em là bông hoa đẹp nhất/ Là tiếng chim hót buổi sớm mai/ Là ngôi sao đầu núi/Anh mê mẩn trong lòng…”8. Anh Phong ngừng thổi, thì thầm bên tai Quân. “Người con gái sẽ trả lời ra sao, anh?”. Quân khẽ hỏi. Anh Phong lại đặt chiếc lá lên môi:
“Anh ơi, nhà em không có rào/ Anh ơi, nhà em cửa không cao/ Anh yêu anh cứ vào, cứ vào…”, “Kìa mưa về hoa dưa nở tươi/ Kìa nắng đến hoa dưa buồn khô/ Yêu anh em yêu lắm/ Ra về thương nhớ mãi anh ơi...”9. “Đấy, các cô gái thường hát những câu như thế”.
8. Dân ca Mông.
9. Dân ca Mông.
Quân nghe nói ngày trước có rất nhiều người theo đuổi chị Thào Ly. Nào trai bản, giáo viên, bộ đội… Chị chọn anh Phong vì anh biết thổi kèn lá và hát được những bài tình ca Mông nao buồn, thổn thức. Anh hát bằng tiếng Mông còn hay hơn các trai bản.
Anh Phong thở dài. Quân biết anh nhớ chị Thào Ly. Chị về Hà Nội học đã ba năm để lấy bằng đại học. Anh chị ít gặp nhau, hai người đang kế hoạch, chưa sinh con. Anh nóng lòng chờ ngày chị học xong, hai người sẽ sinh những đứa con thật đẹp và đón mẹ lên. Mẹ anh chưa chịu rời quê vì chưa có cháu bế. Điều ấy làm anh day dứt.
Tâm trạng của anh Phong làm Quân nhớ mẹ. Ngày đó, vì Quân không đỗ đại học nên người con gái đó đã lạnh nhạt, rồi chia tay. Chán nản, suy sụp, oán hận, tự ti, yếu mềm… Quân muốn tránh ánh mắt người thân, bạn bè. Họ đã hy vọng ở Quân rất nhiều. Quân định lên thành phố. Nhưng mẹ đã động viên nên nhập ngũ. Đó là con đường cha Quân đã đi. Mẹ muốn Quân tiếp tục sự nghiệp của cha. “Lúc này, con lên thành phố mẹ sẽ mất con, Quân ạ. Thành phố với bao cám dỗ, lọc lừa, chông gai, cạm bẫy… thật khó lường! Con phải chọn một hướng đi khác. Hãy đi theo con đường của cha con. Núi cao và dòng máu của cha đang chảy trong con sẽ cho con sức mạnh, sự sáng suốt. Con sẽ tìm được chính mình. Hãy đi đi con...”. Đó là những lời gan ruột mẹ nói với Quân. Chị gái lấy chồng xa, mẹ chỉ còn mình Quân. Mẹ phải nén lòng, cố giấu nước mắt để tiễn con một người đi tìm đường, đi để được thấy mình lớn lên.
Hai năm ở rừng, sống giữa thiên nhiên thuần khiết, vương vất nét hoang sơ, gắn bó, chia sẻ những gian nan với đồng đội, với những người dân lam lũ, lầm lụi mà thuần hậu lòng Quân được thanh lọc, tĩnh lại. Quân nhìn mình, nhìn đời bằng đôi mắt khác: công bằng và vị tha. Giờ Quân mạnh mẽ lên nhiều, không còn cảm giác tự ti. Trong Quân đã sáng rõ một con đường đang cố gắng để cả cuộc đời được bước đi trên con đường ấy.
Sương sa mỗi lúc một dày. Trăng đã ngủ trong đám mây trắng xốp. Khắp thân người ướt lạnh, Quân vẫn muốn nằm mãi, nằm hết đêm tâm sự với anh Phong. Tuyết vào cắn chân anh Phong. Nó đã lạnh và muốn về. Anh Phong kéo Quân dậy. Hai anh em cùng Tuyết lặng lẽ về đồn…
Mắt Quân cay xè, trằn trọc mãi không ngủ được. Vừa chợp mắt thì Quân mơ thấy Dớ. Trông Dớ tả tơi, hồn vía như bay đi mất. Dớ nói trong tiếng khóc: “Quân ơi, sao anh không yêu Dớ? Anh sợ Dớ là con hủi à? Không yêu được Quân thì Dớ phải đi thôi. Con trai khắp vùng này không đứa nào muốn lấy Dớ nữa rồi”. Nói rồi Dớ cười sằng sặc, cắm cúi chạy. Quân đuổi theo, càng đuổi, bóng Dớ càng xa. Khi không còn thấy Dớ, Quân lạc vào rừng ngọc am. Rừng cây bốc cháy, Quân như bị vứt vào vạc dầu. Thật lạ, lửa không cháy bên ngoài cơ thể mà cháy dữ dội trong trái tim Quân. Không chịu nổi, lồng ngực Quân nổ tung, trái tim vọt ra ngoài, giãy giụa trong ngọn lửa đang giật đùng đùng.
Tỉnh dậy Quân thấy toàn thân đầm đìa. Mắt sũng ướt, rõ ràng mình đã khóc. Quân vùng chạy ra ngoài, nhìn về hướng Pa Vầy Sú. Tim thắt lại.
4
Pa Vầy Sú là bản xa đồn nhất. Bản ấy nằm trên đỉnh núi quanh năm mây mù và thiếu nước. Mấy chục hộ người Mông sống ở đấy. Pa Vầy Sú như một thế giới biệt lập. Ngày trước, bản này là bản hủi, không ai dám đặt chân đến. Cả bản bỏ Pa Vầy Sú đi, rồi lại lũ lượt kéo về. Rừng ngọc am cháy rụi, giờ vẫn còn những khúc gỗ, rễ cây rắn chắc, đỏ au như bắp chân lực sĩ. Dân trong vùng vẫn ngại tiếp xúc với những người bản này. Nhưng con gái ở đây lại đẹp mê hồn. Cô nào cô ấy ngọt nước, căng ứ như quả đào chín. Khi các cô xúng xính váy áo xuống chợ, gái bản khác ghen tức, bảo: “Mấy con hủi Pa Vầy Sú!”. Các anh biên phòng, giáo viên thì trầm trồ: “Ôi, tiên Pa Vầy Sú!”.
Người là vậy, còn trăng trên đỉnh Pa Vầy Sú thì rất tình tứ. Lúc như đôi môi tham lam lướt trên những bầu ngực núi căng nhức, gọi mời. Khi lại là con mắt hau háu săm soi những khe những hẻm lơ phơ cỏ dại.
Năm trước, đơn vị Quân phải lập một đội công tác lưu động lên Pa Vầy Sú giúp dân xây bể nước và tổ chức lớp xóa mù. Hôm ra quân, có đại diện huyện, xã lên tham dự. Anh Cam thay mặt chỉ huy đồn phát biểu: “Bà con đói anh em đồn chúng tôi no lắm... Phát triển kinh tế xã hội để bà con đủ lo là trách nhiệm của tất cả chúng ta!”. Các vị đại biểu và anh em đồn cười rần rần. Bà con không hiểu gì, tròn mắt ngạc nhiên. Nhưng ở đây, anh Cam được bà con rất kính trọng. Hơn mười năm trước, anh là người đầu tiên của đơn vị lên cùng ăn cùng làm với họ. Anh giỏi tiếng Mông, hiểu sâu sắc phong tục người Mông không kém già bản.
Lớp xóa mù do anh Phong và Quân đảm nhiệm. Học sinh của lớp chủ yếu là thanh niên. Dạy họ, Quân nhận ra đời họ thiếu cái chữ như cái cây thiếu nước. Nhưng cái chữ đến với những con người nơi đây khó khăn biết chừng nào. Lòng Quân dấy lên một nỗi thương cảm.
Trong những giờ Quân đứng lớp, một đôi mắt đẹp như mắt thỏ rừng thi thoảng cứ nhìn không chớp. Đôi lúc làm Quân bối rối. Người có đôi mắt ấy là Dớ. Dớ là cô gái đẹp nhất Pa Vầy Sú, năm đó đã mười sáu tuổi. Nhiều trai Pa Vầy Sú muốn kéo Dớ về buồng nhà mình. Cái bụng Dớ chưa ưng ai. Lúc nghỉ, Quân hỏi mấy em nhỏ, chúng bảo: “Chị Dớ học hết lớp năm, biết nhiều chữ rồi. Nhưng chị ấy mê thầy giáo Quân đẹp trai nên cứ đi học thôi. Chị ấy còn làm cả bánh ngô cho thầy giáo đấy”. Thì ra là vậy. Đến cuối buổi, mọi người về hết, Dớ vẫn chưa chịu về. Dớ e thẹn đến sát Quân, dúi vào tay Quân một bọc to gói bằng lá rừng rồi chạy vụt đi, hai má ửng đỏ. Mở ra thì đúng là bánh ngô thật. Những buổi sau Dớ hay ở lại hỏi bài, Quân biết các phép tính ấy Dớ làm được mà cứ hỏi thôi. Quân lâng lâng, váng vất khi nhìn thân hình căng nõn của Dớ, nhất là bộ ngực phập phồng sau làn áo và hơi thở thơm như mật ong. Quân cũng thấy thích khi được ở bên Dớ. Biết Dớ thích Quân, nhiều trai bản ghen, nhìn Quân với ánh mắt sắc lạnh như lưỡi con dao đi rừng. Quân không sợ nhưng ngại những ánh mắt ấy. Đơn vị Quân đang có mối quan hệ rất tốt với bà con bản này. Họ tin tưởng ở người lính biên phòng. Lại nghĩ yêu Dớ rồi mình sẽ đi đến đâu? Con đường phía trước của Quân còn dài, rộng lắm. Quân cố tỏ ra thờ ơ với Dớ.
Một hôm, Quân vào rừng lấy củi thì Dớ đã đứng ở đó từ lúc nào. Thấy Quân, mắt Dớ sáng lên. “Dớ tặng anh Quân đấy”. Dớ dúi cái khăn thổ cẩm vào tay Quân, rồi biến vào rừng. Cái khăn rất đẹp. Quân đã định giữ, sau lại nhờ cậu bé Lình đem trả Dớ.
Quân đâu biết con gái Mông không yêu thì thôi, đã yêu thì rất đắm đuối. Bị Quân trả lại khăn, Dớ định ăn lá ngón tự tử. Người nhà phát hiện sớm, Dớ được cứu. Sự việc ấy làm xôn xao cả vùng. Quân sống trong những ngày khó xử. Quân cảm thấy mình có lỗi, mà Quân không thể yêu Dớ.
Hơn tháng sau Dớ bỏ đi đâu không ai biết. Người nhà, lực lượng trinh sát đồn vẫn đi tìm, dò la tin tức của Dớ.
Nhớ Dớ, Quân vừa giận vừa thương. Rồi lại trách mình sao không hành động khôn khéo, tế nhị hơn, biết đâu Dớ đã không làm những việc dại dột.
5
Mỗi đợt chiến sĩ ra quân, Quân thấy xao xác lạ. Một nỗi buồn man mác cứ len vào sâu thẳm trong lòng. Quân vốn là chàng trai đa cảm…Và lần này cũng vậy. Có khi nào Quân gặp lại những người bạn đã từng gắn bó?
Cái thằng Lử có thân hình trùng trục, làn da láng nhẫy của loài hải cẩu, lại hôi nách. Lười tắm nhất trần đời. Ngày mới về tiểu đoàn huấn luyện nó dùng ô-mô thay dầu gội, tóc rụng hết, rồi mọc một lớp tơ trắng xoá. Chuyện của nó thành giai thoại ở tiểu đoàn huấn luyện. Nhưng đi tuần nó là con lợn nòi dũng mãnh, tinh ranh.
Rồi thằng Vác “Thiên Lôi” chỉ đâu đánh đấy. Được cắt cử việc gì nó làm hùng hục hơn trâu húc mả. Lúc bình thường thì lại ì ra như phỗng. Có bằng cấp hai mà đọc chưa thông, viết chưa thạo.
Thằng Xen “Gấu” cao to lừng lững, da đen thui như chui ra từ đám cháy rừng, tóc dựng lông nhím. Rất thích soi gương, nặn trứng cá bôi vàng khè chiếc gương của trung đội. Anh Phong phạt nó đào hào mấy lần vì cái tội ấy. Nó còn sở hữu tật hay ăn vụng, cứ sẩy ra là xuống bếp tìm cháy, nhai tóp ta tóp tép suốt ngày. Được cái làm khoẻ, lần nào đi lấy củi cũng vác hộ Quân một ít, mặc dù bó củi của nó gấp đôi của Quân. Quân thân nhất với nó một phần vì hành động “hào hiệp” đó. Nó tâm sự thật, lần này không muốn ra.
- Ở đồn sướng hơn ở nhà. Nhà tao nghèo, đông em nhỏ, bố lại say xỉn suốt ngày… Ở lại mỗi tháng tao có thể giúp mẹ mấy trăm ngàn phụ cấp. - Nó nói.
- Năm nay, Bộ chỉ huy không lấy trường hợp nào ở lại. Cậu nên vui vẻ về nhà - Quân động viên.
- Tao rất nhớ đồn, nhớ anh Phong và mày! - Nó buồn buồn - Về, tao cũng chưa biết sẽ làm gì. Chả lẽ lại bám đít trâu?
Quân không trả lời được câu hỏi của bạn, chỉ thấy thương nó.
Ôi, những người bạn vùng cao đã có lúc Quân nghĩ không thể hoà đồng. Quân từng coi họ không thuộc “đẳng cấp” với mình. Quân thấy xấu hổ vì từng có suy nghĩ ấu trĩ, nhỏ nhen về họ. Chỉ ít ngày nữa thôi Quân cũng sẽ tạm xa nơi này để về nhập học. Hôm có thông báo đỗ Học viện Biên phòng, Quân khóc. Cả đồn nhìn Quân với ánh mắt khác. “Em được lắm, cố gắng nhé!”. Anh Phong nói, nhìn Quân đầy tự hào, tin yêu. Đúng hôm đó anh Phong nhận được thư chú Chương, chú có hỏi thăm Quân: “Về nhà một thời gian rồi, ở trong nhà của mình mà có lúc chú vẫn còn cảm giác như ở giữa khu vườn lạ. Chú không dám nói với cô điều này, sợ bà ấy tủi thân. Có hôm cơm sáng xong lại lấy quân phục ra mặc chỉnh tề. Nhiều đêm giật mình vì tiếng ngựa hí, chú mơ thấy con Tuyết… Phong hãy sống đúng là con người cháu. Chú tin ở cháu... Còn Quân, chú mong cháu sớm thực hiện được ước mơ của mình. Con đường cháu chọn sẽ còn nhiều gian nan, vất vả. Nhưng cuộc đời này có được ngọt bùi, vinh quang mấy ai không phải trải qua cay đắng, khổ ải? Gắng lên, cháu sẽ thành công. Phía trước cháu là ánh sáng…”. Đọc những dòng này Quân ứa nước mắt vì xúc động.
Sau lời dặn dò của chính trị viên, năm chiến sĩ ra quân đợt ấy đi bắt tay, chào tạm biệt từng người. Nắng đã lên, sương tan trên cành thông, sa mộc. Sương rớt xuống, đọng lại trên khoé mắt, rồi tràn xuống mằn mặn ở môi Quân và mấy người bạn. Những bóng áo xanh như những chiếc lá từ từ trôi xuống dốc. Con dốc sâu hun hút dưới ánh nắng chan hoà.
6
Ở Ma Cư Thàng mùa hè thường kết thúc bằng những trận mưa lớn. Những trận mưa bất ngờ có thể quật đổ những cây cổ thụ to nhất trong rừng hay xẻ tan những quả núi. Mấy hôm nay trời oi nồng. Lòng Quân có một sự hồi hộp, nôn nao lạ thường, không hẳn là do Quân sắp rời đồn.
Buổi sáng ấy, trung đội trưởng dân quân xã Ma Cư Thàng thông báo lùi đợt tuần tra. Anh Phong xin đồn phó Cam đang trực chỉ huy cho dừng đi tuần vì quân số không đảm bảo, chưa được một phần ba so với kế hoạch. “Ba người cũng đi!”. Đồn phó Cam cương quyết. Anh Phong thực hiện nhiệm vụ trong tâm trạng không được thoải mái. Hôm đó, đến lượt Quân nấu cơm. Quân đã định xin đổi cho thằng Mụng để đi cùng anh Phong. Nghĩ đi nghĩ lại thế nào lại thôi. Cái sự không dứt khoát ấy làm sau này Quân thêm ân hận, tự trách mình mỗi khi nhớ đến anh Phong.
Ba ngày sau. Buổi chiều. Anh Phong cùng hai chiến sĩ đang trên đường trở về thì bất ngờ một trận lũ quét ào xuống khu vực bản Nặm Quà. Tiếng nổ inh tai, núi đồi rung chuyển, cây cối gãy đổ ầm ào… Trong lúc hai chiến sĩ hoảng loạn, anh Phong nhận ra dưới suối Nặm Pùa mấy đứa trẻ đang cố lùa đàn trâu vượt qua. Không suy nghĩ, anh lao vụt đi, cứu được hai đứa trẻ. Nhìn anh, Quân không thể tưởng tượng đó lại là người trung đội trưởng, người anh thân thiết của mình. Nước mắt Quân khô thành muối, buốt nhói trong tim.
Con Tuyết chết sau ba ngày anh Phong lâm nạn. Hai đêm liền nó hí thống thiết. Mỗi lần nó hí, Quân lại tỉnh dậy. Quân ra chuồng, vỗ vỗ vào tấm lưng nó. Quân nhận ra hơi ấm, mùi mồ hôi của anh Phong vẫn còn phảng phất trên lưng Tuyết. Đêm thứ ba không thấy nó hí. Nửa đêm tỉnh dậy, Quân lao ra chuồng, nó đã chết. Nó nhớ anh Phong, nhớ những con dốc hay nhớ tuổi trẻ của nó?! Quân không biết, chỉ thấy nước mắt mình tràn xuống lạnh ngực. Con Tuyết được chôn giữa vườn rau xanh theo lời dặn của Đồn trưởng Chương…
7
Đêm nay, một mình Quân lên đồi lau sau. Sớm mai Quân sẽ xa nơi này. Trăng sáng đến thảng thốt. Ánh sáng mơ hồ như hư ảnh. Gió núi se sắt. Dưới ánh trăng cả đồi lau sau trắng sáng như đang chuyển động. Quân nhớ anh Phong từng kể: “Thuở xa xưa, có người con gái đêm ngày đứng chờ người yêu trên đồi lau sau này. Chàng trai chết trận không về. Những bông lau sau trắng vì nhuộm nước mắt nàng mà từ đó thành tím ngắt. Người con gái chết, nàng biến thành ngọn gió bay đi khắp núi đồi tìm người yêu. Đến giờ vẫn chưa tìm được nên nàng thường trở về đồi lau sau khóc than. Người ta gọi quả đồi có những bông lau sau tím theo tên nàng…”. Chuyện đó Quân nửa tin nửa ngờ. Nhưng lúc này nghe những tiếng rì rào, rì rào… Quân lại chắc chắn đó là tiếng nức nở của nàng Đôn…
Một làn sương mỏng lướt qua. Rồi trong khoảnh khắc kỳ diệu đồi lau sau bỗng bung nở trắng xoá. Những bông lau sau mỗi lúc thêm cao lên thành những con sóng bạc nối đuôi nhau chạy từ đỉnh xuống chân đồi. Trên không trung con Tuyết thân hình dũng mãnh tung bờm bay lượn. Toàn thân nó phát ra vầng hào quang sáng chói. Phía sau, anh Phong nắm tay chị Thào Ly, cả hai như thiên thần nhẹ bẫng, bay bay, gương mặt thánh thiện, siêu thoát. Dưới chân họ là những đứa trẻ bụ bẫm, xinh đẹp cười nắc nẻ…
Tiếng cười của chúng vang ngân thành tiếng kèn lá trong vắt, rộn ràng, cao vút.
Và mùi lá lau sau thơm ngái, nồng nàn.
Hà Nội, mùa thu 2009