Sinh năm: 1979
Quê quán: Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Hiện công tác tại: Báo Phòng không - Không quân.
KHI GIẤC MƠ VỀ
Thức vụt chạy về phía biển. Mệt nhoài. Thở dốc và nằm xoài trên cát, mặc kệ cho những viên cỏ lông chông như đàn nhím hoang gặp nạn lao thục mạng đâm xiên vào mặt buốt nhói.
Đột nhiên gió tắt. Biển lặng. Thức thấy mình chìm dần, chìm dần trong mênh mông nước. Tiếng cười trong vắt, tiếng gọi lanh lảnh của Lài vọng hắt lên từ lòng biển. Khúc nhạc oan thai cứ văng vẳng ngân nga cao vút. Những ngón tay nõn nà, thon dài cứ cụt dần, cụt dần. Máu tua túa nhỏ trên dây đàn sắc lẹm.
- Dậy! Dậy... đi... Ngủ gì mà kinh thế hả ông mãnh. Dậy để đi thôi.
Thức vùng dậy. Cả thân thể đau nhức, lạnh ngắt. Mồ hôi túa ra ướt nhèm nhẹp.
- Cậu dậy chuẩn bị quân tư trang nhanh lên kẻo muộn. Tàu đến bây giờ.
Tiếng của Đội trưởng Vịnh kéo Thức ra khỏi giấc mơ. Thức vụt nhớ, hôm nay là ngày phải đi cùng Đội trưởng Vịnh vào bờ để dự lớp tập huấn.
Thú thật Thức không muốn vào bờ chút nào. Bởi bao năm tháng qua, mỗi bước chân trên bờ của mình, Thức chỉ mải miết đi tìm tiếng đàn ấy. Mỗi mét đường chỉ vỏng vọng nã vào óc Thức những tiếng hú, tiếng cười trầm mặc bên tiếng đàn tranh. Nhưng đó không phải lý do để Thức nói ra được. Mà nếu nói thì biết nói thế nào. Vô lý và nhảm nhí hết sức. Thế là mỗi khi được vào bờ là Thức lại đi.
Giá như không có những ngày tháng ấy thì có lẽ bây giờ Thức đã khác, cuộc đời Thức đã khác, những giấc mơ đến với Thức chắc chắn khác đi nhiều.
Đêm ấy.
Đó là đêm của những năm về trước, khi mà Thức mười chín tuổi. Tuổi mười chín của những ừng ực khao khát. Thèm muốn. Khám phá. Nhưng rồi những đêm hành quân, những khi miệt mài trên bãi tập làm cho những miền khao khát ấy thiếp đi và nén lại như quả bóng bay uống dần từng hạt khí.
Càng về đêm trăng càng sáng hơn, thứ ánh sáng diệu kỳ ấy cứ vằng vặc phả vào mặt biển rồi hắt lên mặt đất lung linh, mát rượi. Hôm ấy đội của Thức đang huấn luyện một bài khó nhất. Đó là bài ngụy trang giấu hơi người. Khâu đoạn huấn luyện này đòi hỏi con người ta phải kiên trì tuyệt đối, phải tập nhịn đói, nhịn khát, nhịn nói, nhịn cười, nhịn cử động.
Cả đội của Thức đã nằm nhồng nhộng gần một ngày rồi. Khổ thân, cả ngày nằm bất động ở ruộng bùn gần mép đường bao nhiêu người qua lại, mà phải đến tận nửa đêm mới được rút về đơn vị. Chỉ cần một tiếng ho, một cái cựa quạy thôi là coi như đi toi, là coi như thất bại trong huấn luyện, nó đồng nghĩa với sự thật trong chiến đấu, là tất cả đội sẽ bị lộ, sẽ chết hết. Thế nên mặc dù bị muỗi đốt, đỉa châm cũng phải cố mà chịu coi như mình tập chết để mà sống.
Hôm trước kể ra cũng tội cho thằng Mật. Vì nó mà cả đội phải ngồi sinh hoạt kiểm điểm với nhau mấy ngày.
Ấy là thế này. Ngày đầu tiên của bài huấn luyện mới. Cả đội nằm nửa ngày trời không sao. Đúng lúc có một toán nữ học sinh đi qua thì thằng Mật kêu toáng lên, ôm cái ấy chạy thục mạng về phía đầm nước. Toán học sinh trên đường tưởng ma vứt cả xe đạp mà chạy, mà la.
Người từ trong làng bổ ra lăm lăm trên tay những cuốc, những gậy thẳng tiến về hướng kêu cứu. Bị lộ, cả đội buộc phải tồng ngồng bò rút về phía đầm nước. May mà chỉ huy huấn luyện đoàn nhanh chóng chạy ra can thiệp nếu không sự việc còn rắc rối to.
Tại buổi sinh hoạt kiểm điểm. Mật đã kể lại chi tiết nguyên nhân của khuyết điểm tai hại ấy.
Chẳng là khi Mật đang nằm thì nó thấy buồn dưới chân, rồi dần dần lên đến bẹn. Cái buồn cứ ngọ ngoạy chạy dài lên đến ngực. Mật đã nuốt tiếng cười đến nghẹt thở. Tim như ngừng đập thế mà nó cứ nhồn nhột leo lên cổ, rồi tới cằm. Mật từ từ mở mắt thì trời ơi. Cái đầu con rắn to bằng bàn tay trên miệng đang cặp một con chẽo vẫn còn lắc lư.
A... a... a... a...
Tiếng a man rợ kêu lên và chỉ có như thế thôi cái gì đến đã đến rồi, lý do là như thế.
Nhưng Mật đã phải chịu kỷ luật nghiêm khắc. Vì theo cán bộ huấn luyện thì coi như cả đội đã hy sinh trong chiến đấu. Một bài học nữa mới đến. Nếu cần hy sinh bản thân mình thì phải sẵn sàng hy sinh chứ không bao giờ được phép để đồng đội phải hy sinh vì mình.
Nhắm mắt. Thức như nhìn thấy cả một trời trăng đang tưới vào mặt mình. Thi thoảng Thức lại mở mắt nhìn cái đường cong mờ ảo của nàng trăng nhu nhú đầu tháng. Đúng là người đời đúc kết chí lý thật. “Gái nhìn xa, hoa nhìn gần”. Nhìn đẹp là thế chứ theo khoa học thì nơi ấy lấy đếch đâu ra sự sống. Thế mà các cô giáo dạy văn của Thức khi tả về trăng đều rất say mê. Nào là đấy là nơi gửi gắm khát vọng. Nào là khuôn mặt con gái tròn như mặt trăng. Nào là chị Hằng xinh đẹp. Mà thôi không nghĩ về nó nữa.
Trên đường. Thi thoảng có chiếc xe chạy qua, rồi tất cả lại im bặt. Chỉ có lác đác tiếng ếch từ xa vọng tới. Tiếng chẽo chuộc lòng vọng rồi lại thôi. Đôi lúc Thức thấy thân mình nhói lên một cái. Chắc là con đỉa đói lại thèm máu. Kệ. Quen rồi mà. Hôm nào khi được lệnh kết thúc ngày huấn luyện, đứng dậy vuốt bùn khỏi người mà đỉa chả rơi lả tả. Có con no máu căng tròn to bằng ngón chân cái. Thậm chí có những hôm đôi cua tưởng chỗ ấy là tụm rêu nên cứ tự nhiên ve vãn, cắp véo nhau. Cái cắp trượt vô tình trùng chằng vào đúng chỗ ấy đau buốt, nhưng cũng đành cố mà chịu.
Bỗng có tiếng phanh lết của một chiếc xe. Tiếng máy khừng khựng rồi lặng im. Léo nhéo tiếng người cười. Nói. Tiếng bước chân dàn dạt đi về vạt ruộng nơi đội đang nằm.
Khỉ thật. Họ làm gì không biết. Có lẽ cả đội cũng đang cùng suy nghĩ với Thức. Thức nín thở. Nhắm mắt và cầu trời đừng có chuyện gì xảy ra như những câu chuyện trong phim ấy.
Trong nhiều bộ phim mà Thức được xem đã chẳng từng diễn ra cảnh, các đại gia săn lùng cổ vật thường tới nơi cánh đồng, cánh rừng. Họ cứ nhằm vào lúc đêm tối mới đào, moi. Hay cái cảnh đi bụi tập thể của lũ thanh niên hư hỏng. Chúng thường tìm ra những chỗ đại loại như thế này, hoặc bãi tha ma nào đó để đú đởn, chích choác. Ôi! Nếu đúng như thế thì nguy mất. Chích xong chúng phi xi lanh xuống ruộng này thì coi như chấm hết. Con AIDS sẽ lao vào. Sẽ chết chắc.
Thức he hé mở mắt.
Một bóng người tiến thẳng lại chỗ đội đang nằm. Khoảng cách cứ thu gần lại. Thức nhận ra đó là một cô gái. Rồi cô gái bước thật nhanh lại bờ ruộng thấp đúng chỗ Thức. Cô gái ngó nghiêng rồi gỡ chiếc săng tia ra rất nhanh. Soẹt. Chiếc séc quần được kéo ra, cô gái ngồi thụp xuống.
Thức nhắm mắt lại và cảm thấy toàn thân nóng ran, cứng đờ.
Một tia nước âm ấm siết mạnh đúng vào bẹn Thức.
Thức lại he hé mở mắt.
Trời. Trăng hắt vào giữa cái lùm đen đen, nơi đang bắn ra những tia nước cuối cùng ngắt quãng, là một khum hình tròn vo và cặp đùi dài, trắng nõn.
Thức đưa mắt dọi từ dưới lên. Đó là một cô gái rất trẻ. Mái tóc được búi cao sau gáy, cái cổ dài đầy dưới khuôn mặt như một thiên thần với cái nhìn lanh lánh trăng. Có lẽ trong đời Thức chưa bao giờ nhìn thấy ai đẹp như thế.
Soạch.
- Ái...
Cứng đờ. Tim ngừng đập trong khoảnh khắc rồi lại rung lên thình thịch.
Nhắm chặt mắt lại. Gồng mình lên hết cỡ. Nhưng Thức vẫn cảm nhận được một chân cô gái nằm ở giữa háng Thức và chân kia đang áp vào mép đùi mình. Tất cả im phăng phắc. Không! Hình như Thức ù tai. Chắc chắn cả đội đang nín thở, nhịn cười và dõi theo mọi cử động sau cái mất thăng bằng của cô gái . Một mùi thơm khó tả chạy vào mũi thức rồi xộc tới mơn man lên từng tế bào. Cả người Thức như một chảo lửa hừng hực cháy.
Cô gái hí húi, loay hoay, nhấp nhổm. Một phút. Không, có lẽ phải hơn quãng thời gian ấy cô gái mới kéo được cái quần lên. Thức thấy nhẹ cả người mặc dù khi lên khỏi bờ, cô gái ấy còn không quên ném vào bờ một chút giấy thấm.
Tiếng xe lại khèng khẹc kéo những lết lốp bám đường và biến mất vào đêm.
Cả đội của Thức nhìn thấy cảnh ấy. Họ thường bảo Thức là số đỏ, được xem phim miễn phí còn gì. Họ còn bắt Thức tả cho họ nghe. Mỗi khi nhắc đến chuyện đó Thức đều đỏ mặt lảng sang chủ đề khác.
Cả đội nhìn thấy nhưng có lẽ chỉ có Thức là nhìn rõ khuôn mặt cô gái. Và đêm nào cũng thế. Thức mong. Thức đợi và thèm một tiếng máy xe khựng lại. Nhưng chẳng có chiếc xe nào thôi nổ khi đi qua chỗ ấy cho tới hết khoá huấn luyện cả.
Khóa huấn luyện kết thúc, Thức được điều về một đơn vị ở ngoài đảo. Giữa trùng khơi. Ngoài nỗi nhớ nhà Thức mang cả nỗi nhớ và hình ảnh cô gái ấy vào trong lưa thưa giấc ngủ. Khuôn mặt người con gái cứ ám ảnh Thức mãi.
Thế mà cũng đã mấy năm qua đi rồi còn gì.
Cả đảo như có hội. Ấy là ngày cán bộ, chiến sĩ trên đảo được đón đoàn văn công trong đất liền ra biểu diễn. Ai cũng mặc bộ quần áo mới nhất. Dẫu sao đó cũng là một trong số những cơ hội ít ỏi để gặp được người từ đất liền, mà đây lại là các anh chị văn công trẻ, đẹp như lời của đội trưởng nhắc trước buổi sinh hoạt đêm qua.
Đó là một đêm không trăng, nhưng trời thì ngập những ánh sao. Những ánh sao đêm cứ lấp lánh trên sóng biển cùng với tiếng hát da diết cất lên nơi nhà trung tâm chỉ huy của đảo.
Ca gác của Thức kết thúc cũng là lúc tiếng đàn ngân lên. Không hiểu sao cung đàn khiến bước chân Thức luýnh quýnh.
Sân khấu được kê đệm giản dị. Ánh đèn điện chỉ đủ hắt vào mặt người nghệ sĩ. Người con gái có mái tóc dài cứ say sưa chơi một bản tình ca về lính biển.
Tiếng đàn tranh trầm, bổng. Đôi khi lặng xuống rồi lại ào ạt dâng lên như sóng biển cuồn cuộn khao khát vỗ bờ.
Bản tình ca kết thúc. Thức bỗng lơi cái vỗ tay khi cô gái ngẩng mặt lên chào.
Đúng. Đúng rồi. Đúng là cô gái ấy rồi. Khuôn mặt ấy lẫn vào đâu được. Khuôn mặt mà những ngày tháng qua giấc mơ Thức thường rong ruổi khao khát đi tìm. Ngập ngừng một lát, Thức luống cuống bẻ vội cành lá bên cạnh chạy lên tặng cô gái. Lúc tặng Thức không quên để lại câu hẹn sau buổi biểu diễn. Không biết vì xúc động trước những giọt nước mắt và câu nói chân thành của Thức hay vì thương cuộc sống thiếu thốn của lính đảo mà cô gái đã nhận lời.
Ngay sau buổi diễn, Thức đã tìm đến được với cô gái, và họ cùng nhau đi về phía những phiến đá men biển.
Ngồi trên tảng đá quen thuộc mà Thức thấy nó xa lạ quá. Tảng đá trơ lơ, những ngón tay không còn bẻ cộc được nữa. Thời gian ngộp thở, tim đập thình thịch và Thức nghe cả tiếng đập ấy từ phát ra từ Lài.
Biết bắt đầu từ đâu nhỉ? Trên đường ra đây Thức và Lài chỉ kịp biết tên nhau, chẳng lẽ lại nói rằng: Lài ạ... đêm ấy... đúng không? Điên. Điên hết sức.
- Biển đêm đẹp anh Thức nhỉ?
Câu hỏi của Lài phá tan sự căng thẳng, khiến Thức bình tĩnh trở lại:
- Ừ đẹp! Em đã được ra biển nhiều chưa hả Lài?
Biển đêm thật lạnh. Những con sóng về đêm cũng dữ dội hơn. Chẳng biết có phải vì lạnh hay tại câu hỏi vô tình của Thức mà đôi vai Lài cứ bần bật run lên theo từng câu nói:
- Ra biển ư?
Bao năm tháng nay, em thành người của biển rồi anh ạ. Mỗi khi được nghỉ hoặc chỉ cần nghe có đoàn nào đó đến biểu diễn ở biển em đều xin đi cho bằng được.
Không để Thức hỏi lý do, Lài lại tiếp tục:
- Gia đình em là gia đình nghệ sĩ, sống ở một thành phố lớn. Đó là trước kia, chứ bây giờ thì em không còn ai cả. Khi em bước vào năm học thứ ba của trường nghệ thuật thì bố mẹ em lần lượt qua đời.
Đôi vai Lài rung càng mạnh hơn. Những cái nấc nghẹn lại trong cổ họng. Biển văng bọt trắng xoá. Những hạt nước bắn vào mặt, vào môi mặn chát. Thức vòng tay kéo Lài ngả vào lòng mình.
- Mẹ em mất vì bị tai nạn giao thông trong một lần đưa bố ra bến xe vào Nam tìm mộ ông. Mẹ mất được chưa tròn năm mươi ngày thì bố cũng ra đi vì một căn bệnh quái ác. Đó là hậu quả của cuộc chiến tranh thời ông nội để lại. Lúc hấp hối, bố em đã khóc trong thều thào. Con nhớ phải đi tìm ông. Phải cố tìm được hài cốt của ông nội.
Ông nội em là nghệ sĩ đàn tranh. Bố thường kể nhiều. Trong chiến tranh ông nội đã từng đi biểu diễn phục vụ lính biển ở khắp mọi nơi.
Mỗi lời tâm sự của Lài như một vết cứa, một nhát gọt xiên vào lòng Thức.
Lài lại kể về những giấc mơ. Những giấc mơ cứ mòn vọt tuổi thanh xuân của Lài. Trong những giấc mơ, Lài đã được gặp ông nội: “Cháu cứ đi đi. Đi đến nơi nào mà khi chơi đàn, dây thứ mười sáu đứt thành bốn đoạn thì đấy là nơi ông đợi”.
Đêm ấy họ đã ngồi bên nhau rất lâu. Khi chia tay họ đã trao cho nhau lời hẹn ở bờ. Họ mong và vẫn thường thấy nhau qua những trang thư ít ỏi.
Năm nay, đơn vị Thức không lúc nào được ngơi nghỉ. Hết huấn luyện lại diễn tập. Hết diễn tập nọ đến diễn tập kia.
Thức vẫn đếm từng ngày. Từng ngày một để được nghỉ phép vào bờ. Xót ruột. Lo lắng và sợ. Nỗi hoang mang không gọi thành tên khi mà đến năm tháng nay Thức không nhận được hồi âm của Lài.
Những giấc mơ cứ tìm đến với Thức nhức nhối. Không! Không phải. Không thể. Đó là giấc mơ thôi mà.
Không địa chỉ. Không số điện thoại. Biết nơi đâu mà tìm em Lài ơi?
“Vĩnh Linh... ngày... tháng... năm...
Anh...”
Đó là hy vọng duy nhất. Nơi mà lá thư cuối cùng Thức nhận được của Lài. Và Thức đã tìm đến nơi ấy. Nơi mà thức đã được biết đến trong sử sách. Trong những buổi nói chuyện truyền thống về người lính hải quân. Nơi mà người đời vẫn nhắc đến như một vết tích về cái giá của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nơi mà người lính đặc công nước xếp lớp lên nhau mở đường tiến vào chiến dịch.
Thức ngồi vào quán nước chè đầu làng, nơi đã ghi trong lá thư cuối cùng mà Lài gửi cho anh.
Chiến tranh đã đi qua bao nhiêu năm mà làng thưa thớt quá. Ảm đạm và nghèo quá. Những ngôi nhà xiêu xiêu thẫm mục. Chỉ có san sát những ngôi mộ thẳng lối là được quét vôi trải dài trắng xóa.
- Cậu hỏi nhà ai?
Bà cụ vừa rót chén nước chè xanh vừa hỏi.
- Dạ. Cháu tìm một người. Một cô gái.
- Nó con nhà ai, tui chỉ cho. Làng này tui chả lạ ai đâu.
- Dạ không. Cô gái ấy không phải người vùng này bà ạ.
Thức đã kể cho bà nghe câu chuyện về Lài...