Sinh ngày: 21-1-1977
Quê quán: Hạ Hòa, Phú Thọ
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hiện công tác tại: Tạp chí Văn nghệ quân đội
HOA BIỂN
Ý thấy mình rời khỏi mặt đất, bay lơ lửng trên biển cả cùng mây, cùng gió, lướt trên những con sóng bạc đầu, cùng những chú hải âu chao lượn, nghịch đùa trên bọt nước. Bỗng trong đám bọt tung trắng xoá, phía đảo san hô ngầm, rẽ sóng hiện lên một thiếu nữ, không, một nàng tiên cá nhìn anh với ánh mắt nửa thiết tha, gần gũi nửa như hờ hững, xa xăm. Trong giây lát anh cảm thấy có một luồng hơi lạnh thổi tới khiến toàn thân lạnh toát, tê cóng. Nàng tiên cá cứ nhấp nhô, ẩn hiện theo từng con sóng, lấp ló trong đám bụi nước bạc mờ như sương, như khói, như mời gọi, như thách thức...
Giấc mơ chợt đến khiến khuôn mặt anh lúc co lại, lúc giãn ra, hai khoé môi nhênh nhếch cái cười của người đang đón nhận niềm vui nho nhỏ. Vài sợi tóc ngả màu vàng loà xoà trên trán, đôi lông mày đen và dày mọc lan sang nhau thành hai đường vòng cung trên khuôn mặt phảng phất chút lãng mạn phong trần...
Một làn gió từ biển thổi tới xô những tán phong ba vốn đã ít ỏi giạt về một phía tạt vào nhau tành tạch rồi chui xuống mái tôn khiến chúng rung lên khe khẽ. Hơi nóng phả xuống ràn rạt làm Ý choàng tỉnh, mồ hôi vã ra đầm đìa hai bên thái dương và vai áo. Buổi trưa ở đảo thường như thế. Phải như mọi ngày thì anh đã dậy lấy khăn lau cho đỡ khó chịu nhưng hôm nay thì không, anh vẫn nằm đấy, đôi mắt lim dim nhấp nháy dư vị ngọt ngào của giấc mơ thoảng qua. Rồi đôi mắt lại khép, có lẽ để tìm lại hình ảnh nàng tiên cá, nhưng không thể, anh đã tỉnh hẳn.
Ồ! Mà cần gì phải mơ nữa. Không cần phải mơ nữa anh cũng sẽ gặp nàng tiên cá hiện hữu bằng xương bằng thịt, chỉ vài ngày nữa thôi khi con tàu cập cảng Nha Trang nhất định anh sẽ gặp được Hà, anh sẽ gặp... Mới nghĩ đến đấy, Ý đã thấy rạo rực, anh mỉm cười một mình rồi bật dậy, vươn vai mấy cái cho tỉnh táo, trong đầu tự tính mấy việc mình sẽ làm để chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai - ngày mai anh sẽ vào đơn vị trong đất liền dự hội nghị tổng kết phong trào thi đua quyết thắng kết hợp nghỉ phép, một lý do đáng để vui lắm chứ.
Vừa xếp mấy thứ linh tinh vào chiếc túi du lịch, Ý vừa khe khẽ hát. Đồ đạc cũng chẳng có gì nhiều, hai bộ quần áo, một số sách vở giấy tờ, các thứ đồ dùng cá nhân thì đều để lại cho anh em, một cành san hô, mấy chiếc vỏ ốc biển xinh xinh. Ngoài ra còn dăm hộp thịt tiêu chuẩn ăn không hết và một bọc thư to tướng anh em nhờ gửi về. Tất cả được cho vào một cái túi ni-lông lớn và dày, loại thường dùng chứa đồ đi biển để tránh bị ướt.
Đã đến giờ báo thức, anh em bắt đầu dậy. Trạm trưởng đi kiểm tra các bộ phận dừng lại trước cửa phòng Ý:
- Thế nào! Sắp về thăm em không ngủ được hả?
- Dạ, em có ngủ đấy chứ ạ.
Mấy chú lính trẻ thì tỉa tót:
- Anh Ý mảnh khảnh thế kia chắc bị em chê rồi.
Ý cười tươi rói:
- Sút có ba kilôgam, vẫn phong độ chán!
- Này! Trong ấy bây giờ đang mốt tóc vàng đấy nhá!
- Ừ, mốt cả “a còng” nữa đấy, liệu mấy cái vỏ ốc, vỏ sò có ăn thua gì không?
- Chỉ so sánh vớ vẩn, lính phòng không mình là... hơi bị có giá đấy!
Một lúc sau Ý đã đứng trên mỏm đá lặng lẽ nhìn ra biển. Đã thành thói quen, những hôm không mắc trực, anh thường ra đây ngắm bình minh lên. Lúc này còn sớm lắm, sớm đến mặt trời cũng chưa mọc. Biển hiền hoà quá, những con sóng lao xao trên mặt nước như vỗ vào lòng người một cảm giác yên bình êm ái. Buổi sáng trên đảo chưa phải chịu cái nóng như rang của ban trưa, không khí còn mát và trong trẻo lắm. Nhưng nếu cứ như vậy mãi thì đảo sẽ buồn và biển cũng chỉ như một bản nhạc với những nốt trầm đều đều buồn tẻ. Không! Biển cũng như con người. Biển cũng có cái ồn ã khi chiều về, thét gào khi giông đến. Biển cũng có lúc nhạt nhoà sắc đỏ trong buổi hoàng hôn hay một màu xanh ngọc lấp lánh lúc ban trưa. Nắng và gió làm nên sự diệu kỳ của biển, nhưng cũng nắng và gió ấy đã hoá phép những mái tóc đen chuyển sang màu vàng hoe và màu da gì cũng thành đen bóng cả. Lo gì, quân đội đẹp ở sự thống nhất, tất cả đều như thế chứ mình ai đâu mà sợ, thằng Tuấn vẫn “ca” câu ấy. Mấy ông có vợ thì luôn mồm doạ tụi lính trẻ về “ế người yêu”. Thằng Hùng vằng lại: Thế mà trong ấy khối thằng còn phải đi nhuộm tóc từ đen sang vàng đấy thôi. Còn da đen? À! Đen thì càng đỡ mối mọt chứ sao - Sơn “Cọc Sáu” chống chế. Vậy là cười, cười như át tiếng sóng. Được cái cũng đỡ mệt, đỡ nhớ đất liền. Thằng nào mà chả nhớ đất liền, đứa nào bảo không nhớ là nói phét. Cánh lính trẻ bảo thế. Mà đúng thế. Thì ti vi đấy vào mà xem. Không, tao đi đọc thư. Gớm, làm như mình ông có thư, quý như rau ấy. Đây này tôi cũng khối, có đến mấy cân ấy chứ. Thế đổi lấy mấy cân rau có đổi không? Đợi đấy, còn lâu nhé. Chỉ được cái “tinh vi”, không có mấy dòng kết bạn trên “Tiền phong” thì có khối đấy. Biết thế sao không gửi, địa chỉ lính đảo lúc nào chả được ưu tiên? Đừng có mà lợi dụng, đăng cho lắm rồi lại nhờ hồi âm hộ. Ừ, mà nhiều quá cơ, những mấy trăm lá, tha hồ mà gặm nhấm. Đấy, rau tinh thần đấy, ăn đi. Mấy ông có vợ (lại mấy ông trời đánh) châm chọc: Chung quy là “tốn tiền tem” thôi, mấy chú đừng hy vọng. “Bất mãn” vừa thôi, mà tem, phong bì cũng của đất liền cả, toàn quà tặng chứ mất gì? Thế thì viết đi, rồi xem! Xem à, đây này thư chị Hà gửi anh Ý đây này: Em nghĩ đến cái ngày anh được về đất liền và chúng mình gặp nhau. Ôi! Em không dám nghĩ tiếp nữa, mong sao ngày ấy đừng đến sớm quá... Ái chà, thằng này tán giỏi ghê, nghe “lâm ly bi đát” ra phết, đưa đây tao đọc tý? Tránh ra, lấy thư vợ mà đọc.
Ý miên man nghĩ đến những ngày sống trên đảo, anh em đồng đội gắn bó bên nhau như trong một gia đình giữa trời nước bao la bốn bề sóng vỗ. Đôi mắt anh mở to nhìn ra biển có vẻ chăm chú lắm, nhưng thực ra anh chẳng nhìn vào đâu hết, dáng điệu hệt như thi sĩ sắp làm thơ. Trạm phó chính trị thường bảo thế - “Mà thi sĩ thì đa tình lắm, đã yêu là yêu phải biết”. “Nhưng mà hay gặp trắc trở”. Thằng Hùng “cổ cánh” đế thêm. Chả biết có đúng không?
Ý quen Hà cũng từ những lá thư kết bạn. Trong hàng trăm bức thư nào “Áo trắng sân trường”, “Giảng đường đại học”, theo đúng như câu “Rất mong được làm quen với các nữ sinh Sư phạm” của “những người lính phòng không trên đảo”, giữa những nét chữ nắn nót màu mực tím học trò được cánh lính trẻ vồ như bắt được vàng, Ý bỗng chú ý đến lá thư ấy, lá thư đầu tiên của cô giáo Hà, nét chữ cứng cỏi và từng trải lắm: Xin cho em được sẻ chia với các anh một chút nắng, một chút gió và những khó khăn thường ngày nơi đảo xa... Và gây chú ý hơn là dòng địa chỉ cuối thư: ... 49 - Phan Chu Trinh - Nha Trang. Ồ, nó chỉ cách hậu cứ của đơn vị anh ở đất liền chưa đầy hai kilomét. Ngoài bì thư lại chọn đúng tên “Nguyễn Như Ý” làm địa chỉ người nhận. Ý đọc xong lá thư cứ thấy một cái gì lưu luyến, bâng khuâng đối với người con gái chưa từng quen biết, anh đặt bút hồi âm ngay. Tuy nhiên lá thư ấy phải đợi một tháng sau mới có tàu vào.
Vậy mà đã được hai năm, thư đi rồi thư đến. Một cánh thiệp gửi ra, một chiếc lá phong ba ép khô gửi về. Trong anh có hình cô gái với bộ cánh thiên thần khoanh tay đứng tựa lan can. Ở em có hình anh lính ôm đàn ghi ta dưới gốc cây bàng vuông. Tập thư ngày càng dày lên, tình cảm của họ dành cho nhau như tự lúc nào đã mặn mòi như hơi nước biển thấm vào từng nét chữ. Ý nôn nao nhắc đến ngày về để được thấy luôn cả “hình lẫn tiếng”. Hà không nói gì chỉ gửi ra một câu châm ngôn của Bussy Rebutin cắt từ báo: Tình yêu trong xa cách như ngọn lửa trước gió. Gió sẽ thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn. Chả lẽ Hà không mong có ngày đó sao? Hà cứ muốn xa cách mãi sao? Thế có tiểu thuyết quá không? Nhiều lúc Ý tự hỏi không biết tình cảm giữa hai người có phải tình yêu thực sự? Tại sao anh cứ thấy một cảm giác bất ổn len lỏi trong những dòng chữ của Hà? Anh cố xua đi nhưng ý nghĩ ấy cứ quanh quẩn lẩn khuất trong tâm trí anh. Hà tỏ ra tinh tế, trải đời và rất chân thành qua những lá thư song hình như vẫn còn điều gì bí ẩn trong đôi mắt thông minh gợi buồn kia? Anh linh cảm thấy thế và cứ day dứt trong trạng thái phấp phỏng, liệu linh cảm của mình có đúng không? Nếu đúng thì điều ấy là điều gì? Những lúc đọc thư Hà anh cũng ngồi đây, khi đọc xong anh thường hướng về phía trùng khơi như muốn tìm kiếm điều gì quen thuộc của đất liền. Anh muốn ngắm biển kỹ hơn, muốn nhìn thấu qua những con sóng kia xem trong lòng biển có gì. Những đảo san hô, những con cá mập nguy hiểm bên cạnh những chú cá voi hiền lành, những chú ốc, chú trai vô hại. Biển pha trộn cả dữ dằn và hiền dịu, cả sự cao thượng bao dung và lòng ích kỷ nhỏ nhen. Biển thật phức tạp. “Đời là biển cả, ai không bơi sẽ chìm”. Hà bảo thế, đúng hơn là viết thế. Vậy thì tất cả mọi người đều phải “bơi”, và “bơi” nhiệt tình để không ai bị chìm, không có cơ hội cho lũ cá mập dưới đáy biển. Có phải Hà muốn nói như thế?
- Này! Cậu nghỉ phép, mỏm đá này nó nhớ lắm đấy! Bộ đội mà lãng mạn quá, vào nhà chuẩn bị đi một tiếng nữa tàu chạy rồi.
Tiếng Trạm phó chính trị sau lưng làm Ý giật mình quay lại cười trừ. Hai người cùng đi về phía nhà ở. Trên biển bình minh đang lên rực rỡ ánh vàng. Đàn hải âu chao liệng trong nắng sớm.
*
Bốn mươi bảy, bốn mươi tám - Ý lẩm nhẩm - bốn mươi chín: “Cà phê Tigôn”. Anh hơi sững lại. Chiếc xe mini vẫn trôi chầm chậm, gặp cái ổ gà quá sâu nó chồm lên làm mấy chiếc vỏ ốc trong chiếc hộp bọc giấy bóng màu nơi giỏ xe kêu lọc cọc, chiếc nơ xinh gài trên “món quà đảo xa” khẽ rung rung. Ý bị hẫng, hình ảnh khuôn mặt ngỡ ngàng của Hà khi đón nhận điều bất ngờ vẫn ngự trị trong đầu giờ biến mất. Đi quá một đoạn anh mới phân vân quay xe lại. Lúc đó khoảng tám giờ sáng, quán đã vắng khách: Một dãy bàn xen kẽ giữa những cây cảnh lâu năm, đoạn giữa là một khoảng vườn vừa phải với những bộ bàn ghế chỉ để dành cho hai người kê dưới những tán cây có gắn bóng đèn màu. Trong cùng là ngôi nhà có lẽ đã xây dựng khá lâu song lối kiến trúc nhìn vẫn hợp mắt. Khu nhà - vườn - quán được bố trí tương đối hài hoà, nét cổ điển chưa bị các yếu tố hiện đại phá vỡ. Phía sau quầy có bóng mấy cô gái thấp thoáng.
Không lẽ Hà ở trong ngôi nhà đó, cô giáo của anh ở trong đó sao? Tự nhiên trong Ý xuất hiện hình ảnh cô chủ quán với ánh mắt đa tình giữa những nàng tiếp viên mắt xanh mỏ đỏ, áo quần cũn cỡn, trái ngược với hình ảnh cô gái với bộ áo dài trắng tha thướt mà anh hằng ấp ủ. Ý thấy ngại ngại... Anh rẽ vào quán nước đối diện gọi một ly cà phê đá, mắt vẫn không rời tấm bảng có dòng chữ màu xanh giữa những hàng dây leo nho nhỏ.
Chị chủ quán gợi chuyện:
- Anh mới ở Trường Sa về?
Ý bị ngắt ra khỏi dòng suy nghĩ ngước lên nhìn người phụ nữ với vẻ ngạc nhiên, song chợt nhớ tới mái tóc và nước da mình anh trả lời khe khẽ, mắt nhìn làm bộ lơ đãng:
- Vâng!
- Ngoài đó... vui không anh?
- Vui. À, cũng bình thường.
Anh trả lời qua loa rồi đột ngột chuyển đề tài:
- Bữa ni lắm quán cà phê mới ghê chị à?
Chị bán hàng như được gãi trúng chỗ ngứa:
- Úi dào! Đua nhau mở, đoạn này trước đây chỉ có tiệm này với tiệm Tigôn, dăm ba năm lại đây cà phê karaôkê mọc lên như nấm thành ra những quán như chúng tôi cũng ít khách.
Ý chộp luôn:
- Quán Tigôn có cô chủ quán xinh lắm cơ mà?
- Đâu có, chỉ có ông bà chủ thôi.
- Thế cô con gái?
- Cô ấy đi nước ngoài lâu rồi.
Ý thăm dò:
- Hình như bên đó có cô tên Hà?
- À, có! - Chị chủ quán nhìn anh ngờ ngợ.
- Cô ấy là giáo viên phải không chị? - Anh đi sâu hơn.
- Làm gì ra. Tiếp viên. Ủa! Mà anh quen cô ta sao?
Ý gượng gạo:
- Vâng! Trước đây cũng có biết.
Ngụm cà phê trong miệng Ý đắng nghét. Chiếc bàn trước mặt tròng trành. Chị chủ quán đã lui vào phía trong. Có sự nhầm lẫn nào ở đây chăng? Hay nhầm địa chỉ? Nhưng bên kia tấm biển quảng cáo với những chùm hoa li ti vẫn cứ rùng rình như sắp rơi xuống trong cái nắng đầu hè. Hà tiếp viên? Hà giáo viên? Ừ, mà tên Hà thì nhiều lắm. Nhưng Ý bỗng nhớ lại những lá thư: Tại sao những câu hỏi của anh về gia đình, về mái trường và trẻ thơ Hà đều né tránh trả lời? Có lần anh gặng hỏi thì Hà ghi mỗi một câu: Rồi có ngày em sẽ kể cho anh biết. Và bây giờ là lúc anh được biết ư? Thế nhưng Hà đã ghi thư kết bạn, đã tự nguyện đến với anh, vậy Hà nói dối anh để làm gì chứ? Tại sao Hà phải làm thế? Có đúng Hà ở đây không?
Ý dắt xe xuống lòng đường, anh đi như theo quán tính. Ánh nắng chiếu vào ba chiếc sao trên cầu vai nhấp nhoá, những câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu. Liệu anh có nên tìm gặp người con gái ấy không?
Ý trở về chỗ Mạnh. Anh và Mạnh vốn cùng học một lớp tại trường chỉ huy kỹ thuật thông tin cũng tại thành phố này. Ra trường hai người lại cùng về nhận nhiệm vụ tại một đơn vị. Thế rồi Ý tình nguyện ra công tác ở đảo còn Mạnh ở lại đây. Hôm qua cả hai người đều được đi dự Đại hội Thi đua quyết thắng của Trung đoàn. Tuy Mạnh sống sôi nổi và mạnh mẽ còn Ý có phần trầm lắng hơn song họ khá thân nhau. Cả ngày hôm đó Ý như từ trên trời rơi xuống, anh lấy tấm ảnh ra nhìn như đốt cháy người con gái trong đó, hình ảnh một cô gái hiền dịu và một cô gái nhà hàng cứ lẫn lộn, ám ảnh. Mạnh bảo: “Thì mày cứ tìm hiểu cho rõ đã nào”. Phải rồi, anh sẽ chưa quyết định khi mọi chuyện còn mập mờ. Anh phải làm rõ tất cả.
Mới sẩm tối Ý đã kéo Mạnh:
- Đi với tao!
- Xả hơi hả? - Mạnh liếc Ý tinh nghịch.
- Không, có việc. - Ý trả lời rồi nói như ra lệnh. - Thay đồ đi.
- Dân sự cơ à! Sang nhỉ. Ừ thì đi.
Trong chiếc quần thô màu tàn thuốc lá và chiếc áo sơ mi trắng trông Ý không được tự nhiên lắm. Mấy năm ở đảo toàn đóng quân phục giờ “cắm thùng” vào cứ thấy nó thế nào. Tuy thế nhìn hai người vẫn khác hẳn lúc mặc đồ lính.
- Hai anh dùng gì ạ? - Một giọng miền Trung dễ thương.
- Cho hai cà phê! - Mạnh nhanh nhảu.
- Đen hay nâu ạ?
- Đen.
Cô gái bưng khay đặt hai ly cà phê xuống rồi kéo ghế ngồi cạnh hai người. Chiếc quần “Jeans” bó sát cặp giò thon thả, cái áo thun màu tối làm nổi bật làn da trắng khác hẳn những cô gái miền biển. Trông cô đẹp và kín đáo. Phía trong chiếc cát-xét mở vừa phải, giọng Thanh Lam da diết: Em vẫn từng đợi anh, như hoa từng đợi nắng...
Ánh đèn màu làm khoảng không gian ấm cúng hơn. Ý nhìn bao quát một lượt. A, đúng rồi, chỗ lan can kia là cảnh trong tấm ảnh, không lẫn được. Vậy là đích xác rồi. Nhưng còn Hà, Hà đâu? Ý quay sang nhìn cô gái ngồi cạnh như ông bố lần đầu tiên tiếp xúc với người yêu của con mình, khuôn mặt dễ coi được trang điểm khéo léo, giọng nói nhỏ nhẹ, đúng đắn, đôi mắt to, khá giống cô gái trong tấm ảnh của anh.
- Hai anh mới đến đây lần đầu?
- Không hẳn thế.
Cô gái lại hỏi:
- Các anh là bộ đội?
Ý hơi chột dạ. Mạnh mỉm cười xác nhận. Mạnh không ngạc nhiên. Với những cô gái bán hàng có kinh nghiệm thì việc nhận diện và phân loại khách chẳng mấy khó khăn. Nhất là đối với thành phần như các anh. Vả lại ở cái nơi khá nhiều đơn vị bộ đội này thì hình như các cô cũng dễ nhận ra hơn.
- Quán đông khách không em? - Mạnh hỏi.
- Dạ cũng đều đều. Tối thứ bảy thì có đông hơn, ở đây chúng em đón khách quen là chính.
- Nhiều khách quen vậy sao? - Bây giờ Ý mới vào cuộc.
- Cũng tương đối.
Ý thăm dò:
- Lần trước anh tới chưa thấy em?
- Là bao giờ ạ?
- Năm ngoái! - Cô gái tròn xoe mắt đưa tay lên che miệng cười khúc khích. - Năm ngoái thì không gặp là phải. Em mới làm ở đây đầu năm nay.
Ý nghĩ thầm: Vậy là không phải. Nhưng sao giống thế nhỉ?
Cô gái tiếp:
- Mà ở đây chúng em làm ổn định chứ như mấy tiệm trên kia các anh đến tuần trước có khi tuần sau đã không thấy nữa rồi à.
- Vì sao vậy? - Mạnh thắc mắc.
- Chủ cho nghỉ vì không đạt yêu cầu hoặc tự xin nghỉ vì không thích nghi được. Nhiều lý do lắm. Mà xin nghỉ là phải.
- Sao em lại nói vậy? - Mạnh hỏi.
- Thì anh cứ thử đến đấy khắc biết. Nói chung phức tạp lắm.
Ý xen vào:
- Thế còn ở đây?
- Ở đây khác. - Cô gái nói hết sức nghiêm túc.
Quán bắt đầu đông khách, cô gái xin phép đứng lên. Các bàn lần lượt có người. Vài đôi trai gái sánh vai bước vào phía trong, nơi dành cho họ. Trong ấy đèn không sáng bằng ngoài này và hình như tiếng nói chuyện cũng ít hơn. Có lẽ họ nói nhiều nhưng không ai nghe thấy. Phía quầy phục vụ xuất hiện thêm hai cô gái nữa, họ tất bật bưng bê tới các vị trí. Câu chuyện bị ngắt quãng...
Ý nín thở nhìn theo các cô gái đi lại như con thoi trong quán: dáng người họ khá giống nhau, và cả khuôn mặt nữa, sao cứ hao hao người trong ảnh. Liệu trong họ có ai là Hà không? Không. Nhìn cử chỉ họ ngây thơ và vô tư lắm. Hà không như thế.
Mấy vị khách “độc thân” mới vào sau đã yên vị thả hồn theo làn khói thuốc mỏng như sương. Như thường lệ, sau vài câu xã giao, mấy cô gái lui về phía quầy bên. Ý thấy vững tâm hơn. Anh gọi một gói thuốc, vẫn cô gái khi nãy mang lại. Nhìn bao thuốc “Jet” còn khá nhiều trên bàn cô hơi ngạc nhiên. Hai người tiếp tục gợi chuyện. Ý vờ hỏi:
- Ba người làm có bận lắm không em?
- Dạ, cũng có lúc vội. Có bốn người nhưng một chị mới về quê.
- Sao vậy? - Mạnh có vẻ tò mò.
- Chị ấy về chuẩn bị để thi.
- Thi gì? - Mạnh ngạc nhiên hỏi pha chút đùa cợt - Thi hoa hậu hả?
Cô gái miễn cưỡng ngồi xuống:
- Không. Chị ấy thi... Cao đẳng Sư phạm.
Đến lượt Ý sững sờ. Có lẽ vì những chuyện như thế người ta ít tin nó có thể xảy ra tại những nơi như thế này chăng. Linh cảm thấy điều gì mà cô gái ngồi trước mặt vừa nhắc đến, anh buột miệng:
- Chị ấy tên... tên Hà phải không?
- Vâng, chị Hà. Mà sao anh biết? - Cô gái ngạc nhiên nhìn Ý.
Ý không nghe thấy gì nữa, nơi lồng ngực tức nghẹn như vừa ăn một quả nốc ao, mặt anh thần ra. Cô gái không nhận thấy sự thay đổi trên gương mặt anh. Cô nhìn anh từ đầu đến chân như muốn giải đáp một điều gì.
Ý bình tĩnh trở lại, anh hỏi cô gái:
- Hà về lâu chưa em?
- Cũng được nửa tháng. Anh... Anh quen chị Hà?
Cô gái nghi hoặc:
- Ừ! Cũng gần như thế.
- Nghĩa là sao?
- Là bạn.
- Vậy sao hôm nay em mới thấy anh?
- À... Anh đi công tác ghé qua.
Ý nói dối một cách vụng về. Cô gái cũng nhận ra sự không trung thực đó nhưng không hỏi tiếp, cô chỉ nhếch mép khe khẽ:
- Thế ạ!
Ý bỗng hỏi:
- Mà em có rảnh không?
Cô gái ngước mắt lên:
- Để làm gì ạ?
Ý nhìn thẳng vào mắt cô gái:
- Anh muốn hỏi em một chuyện. Liệu có phiền không?
Thoáng một chút khó hiểu nhưng hình như nhận thấy vẻ quan trọng trong lời đề nghị, cô hỏi:
- Nhưng chuyện gì cơ ạ?
- Chuyện về Hà.
- Về chị Hà? Anh là bạn sao lại phải hỏi em. - Cô gái nghi ngờ thốt lên.
- Nhưng chuyện này... chỉ em mới biết.
Lại có hai người khách nữa bước vào. Suy nghĩ một lát cô gái nói:
- Thật vậy sao? Thôi được, nếu thế anh có thể đến vào sáng mai. Nhưng nếu về chuyện riêng tư thì em không biết đâu đấy.
- Cám ơn em. Mai anh đến. Tám rưỡi được chứ?
- Vâng. - Cô đáp nhanh rồi đứng lên đón khách.
Mạnh ngoắc Ý ra về để lại phía sau ánh mắt chưa hết vẻ tò mò của cô gái mà họ chưa kịp hỏi tên.
*
Đúng hẹn, Ý lại có mặt tại quán Tigôn. Anh mặc bộ quân phục sáng hôm qua bởi nghĩ nếu đóng kịch tiếp có lẽ thừa hay đúng hơn anh vào vai cũng không đạt lắm.
Cô gái đang thu dọn ly cốc trên bàn, thoáng chút ngỡ ngàng cô bỗng reo lên một tiếng “A” như vừa phát hiện ra điều thú vị lắm. Ánh mắt cô rất sắc:
- Trông anh khác tối qua quá!
Ý chỉ mỉm cười. Cô gái nói một mình nhưng rất to:
- Tại sao tối qua mình lại không nghĩ ra nhỉ!
Ý không hiểu cô gái muốn nói gì.
Cô gái cũng vừa thu dọn xong quay ra bảo anh:
- Anh ngồi chờ em chút xíu.
Rồi cô đi về phía quầy, một lát sau quay ra. Trong quầy, hai cô kia cứ nhìn anh cười tủm tỉm. Bây giờ Ý mới thấy nét khác nhau giữa họ. Buổi tối họ thật giống nhau.
- Anh có dùng gì không?
- Không. Cám ơn em.
Khoảng cách giữa họ xích lại, có vẻ thân mật hơn.
Cô gái ngồi xuống đối diện Ý, hai tay khoanh trước ngực chờ đợi. Ý không biết nên bắt đầu như thế nào, sự bối rối làm khuôn mặt anh ửng đỏ. Dường như hiểu điều đó cô gái giúp anh:
- Anh quen chị Hà lâu chưa?
Ý được gỡ bí:
- Cũng được hai năm.
- Tại đây chứ?
- Không. Tại... Bưu điện. - Ý lấy lại vẻ tự nhiên bằng một câu hài hước.
- Và hai người chưa từng gặp nhau?
- Đúng thế.
- Vậy bây giờ anh muốn biết điều gì?
- Em kể về Hà đi.
- Nhưng về cái gì mới được chứ?
- Về chuyện đi thi chẳng hạn, mà nói chung là những gì em biết.
Cô gái tinh nghịch:
- Nhưng em toàn biết cái xấu thôi. - Rồi cô hỏi dồn dập:
- Chả lẽ chị Hà không kể gì với anh? Mà sao anh có thể tin em?
- Tin.
Cô gái im lặng một lát rồi hạ giọng:
- Thôi được.
Cô kể giọng đều đều...
- Hà làm ở đây đã gần ba năm. Quê chị mãi ngoài Quảng Nam, cũng ở ven biển như thế này. Chị học giỏi nhưng nhà nghèo lắm. Bố mẹ nuôi chị học hết phổ thông đã là cố gắng quá sức, dưới chị còn bốn đứa em nữa. Thi tốt nghiệp được một tháng bố gọi chị đến và bảo: “Ba biết con rất muốn học tiếp nhưng nhà mình như thế... Ba đã xin được việc làm cho con, con cố gắng làm vài năm kiếm chút vốn rồi tính sau”.
Chị vô đây làm nhờ sự giới thiệu của một người bà con xa, khi đi còn mang theo mấy cuốn sách. Đấy là em nghe bà chủ kể lại. Ông bà chủ đều là cán bộ tỉnh nghỉ hưu. Cô con gái đã theo chồng sang Pháp. Có lẽ họ muốn giữ lại cái tiệm này cho vui nhà hay vì mọi người đã quen với sự tồn tại của nó. Ông bà chủ hiểu hoàn cảnh và quý chị lắm. Chị sống lặng lẽ nhưng có bản lĩnh. Chúng em ai cũng nể phục. Biết chị có ý định đi thi ông bà chủ đều động viên, ủng hộ. Nghề dạy học vốn là ước mơ từ lâu của chị. Từ ngày vào làm đến nay cũng nhiều người muốn kết bạn nhưng chị chỉ cười trừ, lúc rảnh chỉ thấy chị đọc sách. Em làm cùng chị thời gian chưa lâu nên cũng không biết nhiều.
Mọi người bảo người yêu chị ở Trường Sa, hai người thư cho nhau nhiều lắm.
Kể đến đó cô ngừng lại nhìn thẳng vào mắt Ý rồi buông một câu như vô tình:
- Mà anh ấy có tên nghe hay ghê cơ. Chị ấy bảo lúc đầu chị ghi thư kết bạn cũng vì cái tên ấy.
Cô gái vẫn nhìn vào mắt Ý như muốn thử dây thần kinh anh. Ý lảng tránh, khuôn mặt lại đỏ lên. Cô gái cười khanh khách nhưng vẫn chưa buông tha. Cô đột ngột đổi giọng:
- Chắc anh chưa nhận được lá thư chị Hà gửi hôm đi?
Ý trả lời như một sự thừa nhận:
- Chưa. Ngoài đó thư ra chậm lắm.
Vừa nói anh vừa tự nhủ: “Cô này quái quỷ thật”.
Cô gái trở lại giọng nghiêm túc:
- Em cũng nghe chị Hà nói vậy. À! Mà bữa nay lẽ ra chị ấy vô rồi, nhưng sao chưa thấy?
- Hà về có việc gì nữa không em?
- Chị ấy về lo chuyển hộ khẩu vô đây để thi. Cũng gấp, còn có ba tháng nữa. Ông bà chủ nói cứ ở đây, ngày đi học tối về giúp bà phụ bán hàng.
- Ra thế. Cám ơn em.
- Anh nói “thế” là thế nào?
- À! Không.
Cô gái bỗng thay đổi nét mặt, giọng buồn buồn:
- Nghề như tụi em dễ bị hiểu lầm lắm đúng không anh?
- Không! Không? Em đừng nghĩ thế.
Ý vội trả lời. Anh định nói thêm điều gì nữa nhưng không sao cất lên được. Từ hôm qua tới giờ anh đã đón nhận biết bao sự bất ngờ. Cô gái lại nhìn anh:
- Anh không ngại khi làm bạn với tiếp viên nhà hàng sao?
Cô nhấn mạnh cụm từ “tiếp viên nhà hàng” giọng pha chút mỉa mai chua chát. Thái độ cô thay đổi quá nhanh khiến Ý không biết xử trí thế nào cho phải.
- Sao lại ngại. Chẳng có gì xấu nếu việc đó là chân chính. - Ý an ủi cô gái nhưng cũng nhận thấy câu nói hơi sáo.
Phía quầy tiếng chuông điện thoại reng reng. Cô gái đứng bên nhấc máy rồi reo toáng lên: “A! Cái Hà nó gọi vô này”. Ý và cô gái cùng ngoái đầu lại rồi quay sang nhau. Ánh mắt Ý pha lẫn ngạc nhiên và vui sướng. Cô gái cũng vui vẻ trở lại:
- Đấy mà! Vừa mới nhắc xong đã thấy ngay. Chắc chị ấy biết có người mong đấy.
Qua một hồi đối thoại cô kia đặt ống nghe, gọi với sang chỗ họ:
- Này Trân! Cái Hà nó nói chiều nay em đi đón nó đó.
Cô gái còn lại xen vào:
- Nhưng chỉ được đi một mình thôi nghe không!
Mấy cô gái cười giòn tan. Ý cũng cười theo. Vài giọt nắng xuyên tán cây nhảy nhót trên vai áo anh...
*
Ý tạm biệt Trân và hai cô gái, không quên hẹn năm giờ chiều sẽ quay lại để cùng ra ga. Anh đạp xe hòa vào dòng người trên phố. Đi được một đoạn khá xa mới nhận ra mình đã nhầm đường, anh bật cười về sự lẩn thẩn ấy nhưng không quay lại mà dong xe theo đường Trần Phú dọc bãi biển.
Những con sóng ào ạt đuổi nhau liếm vào bờ cát như cử chỉ của một anh chàng si tình tham lam. Mặt biển xanh và êm như ru, Ý nhớ tới sự so sánh của Hà giữa cuộc đời và biển cả. Bên lề đường, cứ một đoạn lại xuất hiện một chồng phao tắm dành cho khách du lịch thuê. Rất nhiều người ngồi ngắm biển, tuy nhiên không phải ai có mặt ở đây cũng đều là du khách. Anh dừng xe trước quảng trường “Mùng hai tháng tư” cạnh đài liệt sĩ, ngồi xuống chiếc ghế đá dưới bóng cây. Mấy anh “phó nháy” qua lại mời chào. Bây giờ Ý mới nhận thấy sự đông vui náo nhiệt của thành phố biển.
Trên đường về, Ý vào hiệu sách mua một cuốn “Danh ngôn tình yêu” nho nhỏ và chọn một bộ tài liệu hướng dẫn ôn thi đại học.
Tháng 1 năm 2000