Không biết từ bao giờ, mâm cơm dành riêng cho các vong linh anh hùng liệt sĩ, những người cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước… được gia đình tôi luôn quan tâm, chú trọng trong các ngày giỗ kỵ. Để xác định chính xác việc này bắt đầu từ thời điểm nào thì cũng rất khó; vì bà tôi đã không còn nữa; chỉ biết rằng, khi tôi tầm bảy tuổi, thì đã thấy mỗi khi đến ngày kỵ cơm trong gia đình, họ hàng đều có một mâm dành riêng để tưởng nhớ. Thường, bà và cha tôi lúc sinh thời hay nhắc, mâm cơm này phải được dọn lên bàn lớn, đặt ngoài thềm nhà, nhiều chén bát hơn mâm cúng thường, vì các “Ngài” đông lắm, có khi “rủ rê” nhau cùng về họp mặt cho ấm… Và... có khi các “Ngài” ngại, ít dám vào, nên mâm cơm được dọn lên bàn lớn ngoài thềm nhà cho tiện... Tôi viết điều này bằng cả tấm lòng: Tôi không mê tín, tôn giáo; nhưng tâm niệm là một điều hiển nhiên tồn tại. Đây cũng là một phần làm cơ sở để tôi tin rằng, không riêng gia đình, thân tộc, họ hàng tôi; một số tỉnh thành khác ở miền Tây mà tôi biết, tôi cũng thấy có, đó là mâm cơm dành cho vong linh chiến sĩ trong các ngày giỗ, kỵ; thường được trân trọng gọi chung bằng mâm cơm chiến sĩ.
Trở lại cái hồi bà và cha tôi chưa về với đất, nhất là cha tôi. Mỗi ngày giỗ, kỵ cơm trong gia đình, họ hàng, thân tộc… như là một ngày kỷ niệm để cha tôi gặp lại đồng đội cũ và hàn huyên tâm sự. Trong vô vàn kỷ niệm thời chiến trường của cha tôi, thể nào ông cũng gợi, cũng nhắc lại những người đã ngã xuống đâu đó ở lộ Vòng Cung hồi Mậu Thân 1968; hay Rừng Sác, Chiến khu Đ; hay lâu hơn, trước đó, cái hồi chú Bảy Thành của tôi hy sinh ở Bàu Dừa lúc vừa tròn mười tám tuổi… Đến bây giờ, dù cha đã đi xa hơn một năm, nhưng những câu chuyện cũ, những gương mặt cô chú bác thời cha tôi cầm súng ở chiến trường, vẫn quen thuộc với anh em tôi như hồi cha tôi còn sống; chỉ tiếc rằng, lúc cha còn bên anh em tôi, tôi đã vô tình quên hỏi ông về mâm cơm chiến sĩ đã hiện hữu trong các ngày giỗ, kỵ trong gia đình tôi mấy chục năm qua.
Ký ức, theo thời gian rồi sẽ nhạt nhòa cùng năm tháng. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ và đã trở thành điều hiện hữu hiển nhiên, vĩnh cửu; như cái miền tâm linh mà có lẽ không chỉ riêng tôi, tôi tin rất nhiều người cũng không lý giải được. Ngày của cha năm nay đang gần kề. Nhìn đâu cũng thấy nhớ. Tôi viết lên đây cũng nằm trong vô số gam màu nhớ về cha tôi cũng là một người chiến sĩ năm xưa. Trong tôi đang dày đặc hình ảnh: Cha đang nằm đưa võng cót két, tôi sà xuống hỏi ông về mâm cơm chiến sĩ mà gia đình hay dành riêng để vọng tưởng những vong linh anh hùng liệt sĩ, những người đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ cho quê hương, đất nước… thể nào cha cũng ngồi bật dậy, hào hứng nói với tôi về ý tưởng đầu tiên ra sao để bà tôi bắt đầu chú ý đến mâm cơm chiến sĩ từ hồi mấy mươi năm trước…
Tháng Bảy cũng đang ngấp nghé. Cá nhân tôi mong rằng, với bề dày lịch sử đấu tranh của dân tộc, thì Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm như để tri ân những người đã hy sinh cả cuộc đời hoặc một phần xương thịt của mình cho quê hương đất nước… Bên cạnh việc thắp nến, thì mâm cơm chiến sĩ cũng là điều cần phải thực hiện như là những bữa cơm họp mặt dành riêng cho các “Ngài” và đồng đội vậy. Phải chi bà và cha tôi còn, tôi chắc chắn sẽ hỏi kỹ, mâm cơm chiến sĩ bắt nguồn từ ý tưởng của ai đầu tiên… Và biết đâu năm nay, cha tôi cùng về góp mặt trong mâm cơm chiến sĩ ấy...