Không điều gì làm chúng ta dễ bị tổn thương hơn là tin vào ai đó và bị phản bội – nhưng nghịch lý là nếu không tin ai cả,chúng ta cũng không thể tìm thấy… niềm vui.
WALTER ANDERSON
Bạn có thể bị lừa dối vì tin quá mức, nhưng bạn sẽ sống trong giày vò nếu tin không đúng mức.
FRANK CRANE
Năm 1974, một nạn đói kinh khủng quét qua Bangladesh, quốc gia đang vật lộn sau cuộc chiến giành độc lập1, cuộc chiến đã tàn phá đất nước Nam Á này một cách ghê gớm. Hàng triệu người đói khổ di cư từ những làng quê xa xôi phía bắc tới những thành phố phương nam để kiếm sống.
1 Bangladesh có hai ngày độc lập: ngày 15/08/1947 phân chia Bengal và tách khỏi Ấn Độ, và ngày 26/03/1971 tuyên bố độc lập khỏi Pakistan.
Tại một trong những thành phố như thế, thành phố Chittagong, có một vị giáo sư kinh tế ba mươi bốn tuổi tên là Muhammad Yunus, vừa trở về từ Hoa Kỳ, nơi ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế bằng học bổng Fulbright2. Khi Yunus chứng kiến dòng người đói khát lũ lượt kéo tới ngày càng đông, ông bắt đầu cảm thấy có sự mất kết nối giữa những gì ông dạy cho sinh viên của mình tại Đại học Chittagong và những gì ông đang nhìn thấy trên đường phố: những thân thể da bọc xương và những cặp mắt vô hồn của hàng ngàn người đang chết dần chết mòn vì đói. Thất vọng và quyết tâm tìm ra cách trợ giúp, ông quyết định bắt đầu với những người nghèo tại làng Jobra lân cận.
2 Học bổng Fulbright được sáng lập từ năm 1946 bởi Quốc hội Hoa Kỳ với mục đích xây dựng mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia (nhất là các nước đang phát triển) thông qua các hoạt động giáo dục và trao đổi văn hóa.
Khi Yunus tới thăm những người này, ông phát hiện ra rằng hầu hết “những người nghèo nhất trong số những người nghèo” là những phụ nữ góa chồng, đã ly hôn, hoặc bị ruồng bỏ, đang cố gắng nuôi con trong tuyệt vọng. Vì không có tiền để mua nguyên liệu, họ buộc phải vay mượn từ những thương nhân và bán lại sản phẩm họ làm ra cho những người này với giá rẻ mạt. Chẳng hạn như, một người phụ nữ có ba con nọ vay 5 taka (khoảng 22 xu Mỹ3) để mua tre, sau khi làm từ sáng sớm cho tới tối mịt để đan tre thành chiếc ghế đẩu, cô phải trả nợ vay ngay trong ngày bằng cách bán chiếc ghế này cho người đã cho cô vay để lấy 5 taka 50 poysha (khoảng 24 xu). Như vậy, cô chỉ kiếm được 2 xu Mỹ mỗi ngày, không đủ để nuôi sống bản thân, chưa kể đến con cái.
3 1 đô-la Mỹ = 100 xu.
Như nhiều người khác trong các ngôi làng tại Bangladesh, người phụ nữ này bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn khiến chắc chắn cô và các con của mình sẽ mãi mãi sống trong nghèo đói hết thế hệ này đến thế hệ khác. Là một nhà kinh tế, Yunus nhận ra rằng cách duy nhất cô có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này là bằng cách này hay cách khác kiếm được 5 taka để mua tre nguyên liệu và có thể bán chiếc ghế với đúng giá bán lẻ tại thị trường tự do. Nhưng không có ai cho cô vay vốn với mức lãi suất hợp lý. Khi tìm kiếm khắp ngôi làng Jobra nhỏ bé này, ông thấy rằng tổng dân số chỉ là bốn mươi hai người – gồm những người thợ đan ghế, đan chiếu, người làm nghề kéo xe, v.v… – tất cả đều phụ thuộc vào các nhà buôn và tất cả các khoản vay của họ gộp lại chỉ khoảng 856 taka, tức chưa tới 27 đô-la. Ông bàng hoàng: “Mọi thống khổ và bất hạnh của các gia đình này chỉ là vì thiếu 27 đô-la!”.
Thế rồi Yunus cho bốn mươi hai người dân làng này vay tiền vì không ai khác muốn cho họ vay, với yêu cầu đơn giản là họ chỉ cần trả nợ gốc, không tính lãi, khi nào họ có thể. Sau đó, ông tới một ngân hàng địa phương và nói chuyện với người quản lý về việc cho những người có hoàn cảnh tương tự vay. “Ông ta như người từ trên trời rơi xuống!”, Yunus kể lại, “Ông ta bảo tôi: ‘Ông điên à! Không thể được! Làm sao chúng ta có thể cho người nghèo vay tiền? Họ không đáng tin cậy. Luật lệ của chúng ta không cho phép!’”. Người quản lý này tiếp tục nói rằng 75% dân số Bangladesh không biết đọc hoặc viết để có thể điền vào một tờ đơn xin vay, và họ cũng chẳng có gì để thế chấp. Không có cách nào để những người này có thể trả nổi một món nợ. Toàn bộ ý tưởng này là quá rủi ro. Không nản chí, Yunus tìm tới người quản lý ngân hàng khu vực và sau khi giải thích ý định, thư qua thư lại trong sáu tháng, cuối cùng nếu chịu đứng ra làm người đảm bảo thì Yunus mới có thể vay được một khoản 300 đô-la từ người quản lý ngân hàng đang rất đắn đo để cấp vốn cho những người nghèo.
Thế là một kỷ nguyên mới trong cuộc sống của Yunus và những người dân nghèo Bangladesh (sau này là nhiều nước trên thế giới) bắt đầu. Mặc dù Yunus chưa bao giờ có ý định bước vào lĩnh vực ngân hàng, nhưng rồi cuối cùng ông đã làm thế – bất kể các cảnh báo của nhiều người trong ngành. Ông nghiên cứu cách các ngân hàng thiết lập các định chế và vận hành nghiệp vụ cho vay, rồi lập ra một ngân hàng lấy tên là Grameen Bank (“Grameen” có nghĩa là “nông thôn” hoặc “làng”), và làm ngược lại. Trong khi các ngân hàng khác cố kéo dài thời hạn trả nợ vay để tăng các khoản cho vay (nhưng lại khiến người vay khó lòng trả nổi), thì Yunus áp dụng chính sách trả nợ vay hằng ngày. Ông lập các nhóm hỗ trợ và tạo ra những ưu đãi để khích lệ người vay giúp nhau thành công. Trong khi các ngân hàng ở Bangladesh loại trừ phụ nữ ra khỏi đối tượng được cho vay một cách hết sức hiệu quả, thì ông xác định mục tiêu một nửa số người vay tiền từ Ngân hàng Grameen là phụ nữ.
Trong cuốn sách của mình, Banker to the Poor, ông mô tả về một người đi vay tiêu biểu của Ngân hàng Grameen vào những ngày đầu khi cô ấy bước ra khỏi ngân hàng với khoản vay của mình – khoảng 25 đô-la – trong tay:
Suốt đời mình, cô ấy được bảo rằng cô ấy chẳng là gì tốt đẹp cả, rằng cô ấy chỉ mang lại sự khốn khổ cho gia đình mình, và rằng họ không có tiền để cho cô ấy làm của hồi môn 4 . Nhiều lần, cô ấy nghe mẹ hoặc cha mình bảo rằng lẽ ra cô ấy đã bị giết chết ngay khi vừa chào đời, bị phá thai, hoặc để cho chết đói. Với gia đình mình, cô ấy không là gì cả ngoài việc làm tăng thêm một miệng ăn và thêm một món hồi môn nữa phải trả. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên trong đời mình, một tổ chức đã tin tưởng cô ấy và cho vay với một khoản tiền lớn. Cô ấy hứa sẽ không bao giờ làm tổ chức này hoặc chính bản thân mình thất vọng. Cô ấy sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo mỗi một xu được vay sẽ được trả lại đầy đủ cho ngân hàng.
4 Của hồi môn được mong đợi và được yêu cầu như là một điều kiện để chấp nhận hôn nhân ở một số nơi trên thế giới, chủ yếu ở một số nước thuộc khu vực châu Á, Bắc Phi và Balkan. Của hồi môn có thể là tiền mặt, vàng bạc, nữ trang, đất đai, gia súc, hay tài sản khác. Ở một số nơi trên thế giới, tranh chấp liên quan đến của hồi môn đôi khi dẫn đến các hành vi bạo lực đối với phụ nữ, kể cả giết người.
Ngược lại với các tiên đoán tiêu cực của hầu hết mọi người, 98% người vay tiền của Ngân hàng Grameen đã trả lại khoản nợ họ vay. Để so sánh, tỷ lệ trả nợ trên một khoản vay làm ăn nhỏ truyền thống chỉ là 88%. Trong danh sách vay có cả những người như Mufia, một cô gái lấy chồng ở tuổi mười ba, bị mẹ chồng mắng nhiếc và bỏ đói trong khi chồng vắng nhà lâu ngày, thường xuyên bị chồng đánh đập khi anh ta trở về, cuối cùng là ly hôn và bị bỏ rơi đến độ phải đi ăn xin ngoài đường với ba đứa con nhỏ. Với một khoản vay từ Ngân hàng Grameen, Mufia có thể tiếp tục công việc làm ra những sản phẩm từ tre. Từ tiền lãi, cô ấy mua quần áo, dụng cụ nấu bếp, thức ăn cho con mình và sống một cách đường hoàng. Lại có những người cảm thấy cuộc đời vô vọng như Amina, một cô gái có bốn (trong số sáu) người con bị chết và chồng qua đời sau những tháng ngày bệnh tình dai dẳng. Những anh chị em dâu rể của gia đình chồng luôn hắt hủi và muốn đuổi cô ra khỏi nhà, một căn nhà mái tôn dột nát, vách đất, không cửa nẻo, không chịu nổi những trận mưa đã đổ sập và đè chết đứa con gái sơ sinh của cô. Nhờ một món vay từ Ngân hàng Grameen, cô đã có thể mua tre để làm rổ rá nuôi sống chính mình và đứa con duy nhất còn sống sót.
Với khao khát ngày càng lớn muốn xóa đi sự đói nghèo trên phạm vi rộng lớn hơn, Yunus từng bước tiến về phía trước – học hỏi, phạm sai lầm và thay đổi để thích nghi nhằm đối đầu với những thử thách. Dần dần, ông bắt đầu thay đổi lối suy nghĩ và thu hút ngày càng nhiều người vào trong tầm nhìn của ông – từ những người trong ngành ngân hàng, chính phủ, và các ngành có liên quan khác. Dưới sự lãnh đạo của Yunus, Ngân hàng Grameen tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng của mình, và tính đến nay tổ chức này đã cung cấp những khoản vay đến hơn 6 tỷ đô-la cho hơn tám triệu người vay ở Bangladesh, và 97% trong số đó là phụ nữ.
Nhiều chi nhánh của Ngân hàng Grameen được mở ra và hoạt động với tôn chỉ tương tự ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những nỗ lực của Yunus thành công đến độ ông được xem là người sáng lập phong trào “tín dụng siêu nhỏ” và nó đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Liên Hợp Quốc đã công bố năm 2005 là “Năm Quốc tế Vi Tín dụng”. Vào năm 2006, Muhammad Yunus và Ngân hàng Grameen được đồng trao giải thưởng Nobel Hòa bình vì những nỗ lực giúp hàng triệu người thoát khỏi nghèo khó. Vào năm 2009, Hoa Kỳ đã trao tặng ông Huân chương Tự do của Tổng thống, huân chương dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ.
Cuộc Khủng Hoảng Niềm Tin
Với chúng tôi, khía cạnh thú vị nhất trong câu chuyện về Muhammad Yunus chính là câu chuyện về niềm tin. Đây là câu chuyện về một người đàn ông biết cách tin và có niềm tin rằng bằng những biện pháp thông minh, người cùng khổ, những người không có vật thế chấp, không có nghề nghiệp ổn định và chưa hề có lịch sử tín dụng kiểm tra được đều có thể được tin tưởng rằng họ sẽ sử dụng tiền vay một cách khôn ngoan, và họ sẽ trả lại món tiền họ đã vay. Yunus nói:
Nếu muốn hoạt động tốt, Grameen của chúng tôi phải tin tưởng vào khách hàng. Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi biết rằng hệ thống của chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận việc khống chế và kiểm soát khách hàng. Chúng tôi không cần tòa án, luật sư hay các thế lực nào khác để đảm bảo thu được các khoản cho vay. Ngày nay, các ngân hàng thương mại thường giả định rằng người đi vay sẽ bỏ trốn với tiền của họ, vì vậy họ trói khách hàng vào những ràng buộc pháp lý. Các luật sư nghiền ngẫm các quy định thần thánh của họ để đảm bảo rằng không một người đi vay nào dám bỏ trốn khi còn nợ vay chưa trả. Ngược lại, Grameen giả định rằng mọi người đi vay đều chân thật nên không cần công cụ pháp lý nào giữa bên cho vay và bên vay. Chúng tôi được thuyết phục rằng ngân hàng nên được xây dựng dựa trên niềm tin vào con người, không dựa trên những bản hợp đồng vô nghĩa… Chúng tôi có thể bị cho là ngây thơ, nhưng kinh nghiệm của chúng tôi với những khoản nợ xấu là chưa tới 1%. Và ngay cả khi người đi vay không thể trả nợ, chúng tôi cũng không cho rằng họ là người xấu. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng có lẽ hoàn cảnh cá nhân đã không cho họ trả được món nợ.
Thú vị hơn nữa là Yunus có thể hoàn thành tất cả những gì ông làm và duy trì sự tin tưởng mạnh mẽ vào niềm tin trước sự chống đối của cả ngành – thực ra là, cả một nền văn hóa vì xét về mặt lịch sử, thường bị chìm ngập trong sự hoài nghi và bất tín. Hơn thế nữa, Yunus luôn tin tưởng vào con người dù rằng thế giới này đang ở giữa cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về niềm tin. Cuộc khủng hoảng này – được phản ánh qua nhiều bài báo về nạn tham nhũng, những vụ gian lận tài chính công ty, các hành vi sai trái và những mưu đồ chính trị bất lương – đã và đang thu hút sự chú ý của chúng ta trong suốt thập niên vừa qua.
Ví dụ, trong suốt hoặc trong khoảng thời gian Yunus được trao giải Nobel Hòa bình và Huân chương Tự do của Tổng thống Hoa Kỳ, đã có những chuyện sau đây xảy ra:
• Nhiều công ty toàn cầu, hoặc các quản trị viên ở đó (trong đó có thể kể đến như Parmalat, Enron, Tyco và WorldCom) đã có những hoạt động tài chính gian lận, và hơn hai trăm công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán cuối cùng bị buộc phải lập lại báo cáo tài chính theo đạo luật Sarbanes-Oxley của Hoa Kỳ.
• Ở Trung Quốc, khoảng hai trăm phi công đã khai gian lịch sử bay của họ trong nhiều năm để tránh bị liên lụy với công ty mẹ trong vụ rơi máy bay tệ hại nhất lịch sử hàng không của Trung Quốc.
• Ramalinga Raju, Chủ tịch Công ty Satyam Computer Services, gây sốc cho ngành công nghiệp thuê ngoài (outsourcing) khi thừa nhận rằng ông đã “thổi phồng lượng tiền mặt trên bản cân đối tài sản của công ty công nghệ thông tin lớn thứ tư Ấn Độ gần 1 tỷ đô-la, tạo ra khoản nợ 253 triệu đô-la trên những quỹ do chính ông ta phù phép và phóng đại doanh thu trong bản báo cáo quý vào tháng 9 năm 2008 tới 76% cùng lợi nhuận lên tới 97%”, mang lại cho Satyam danh tiếng xấu là “Enron5 Ấn Độ”.
5 Enron là một trong những vụ gian lận tài chính nghiêm trọng tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giai đoạn 2000 – 2002, dẫn tới sự ra đời của đạo luật Sarbanes-Oxley của Hoa Kỳ (do hai nghị sĩ Sarbanes và Oxley đệ trình) nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư vào các công ty đại chúng bằng cách buộc các công ty niêm yết phải đảm bảo độ tin cậy về việc tuân thủ các nguyên tắc kế toán và minh bạch các báo cáo tài chính của họ.
• Ở Hoa Kỳ, năm nhà giáo dục (một hiệu trưởng, một trợ lý hiệu trưởng và ba giáo viên) đã từ chức sau vụ bê bối giúp nâng điểm cho nhiều học sinh lớp năm ở các bài thi tiêu chuẩn hóa để nhận tiền thưởng.
• Hàng ngàn nhà đầu tư ngã ngửa khi biết rằng chuyên gia tư vấn đầu tư và chứng khoán Mỹ Bernie Madoff đã gian lận để chiếm đoạt của họ hơn 65 tỷ đô-la Mỹ từ một vụ đầu tư đa cấp kiểu Ponzi6 lớn nhất lịch sử nhân loại.
6 Mô hình Ponzi được đặt theo tên của Charles Ponzi hay Carlo Ponzi (phát âm theo tiếng Ý), người từng sử dụng mô hình này vào những năm 1920. Mô hình Ponzi là hình thức vay tiền của người này để trả nợ người khác. Người đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại giới thiệu những người cho vay khác. Bằng hình thức này, người đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn. Nhưng các khoản nợ ngày càng lớn dần, chồng chất lên nhau như một kim tự tháp ngược và nhanh chóng sụp đổ hoàn toàn.
• Một tờ báo “lá cải” của Anh đột ngột đóng cửa sau 168 năm hành nghề xuất bản khi bị phơi bày tội lấy cắp dữ liệu điện thoại khổng lồ và bê bối đút lót cảnh sát, dẫn tới nhiều người phải từ chức và bị bắt giữ cùng vô số cuộc điều tra.
Kết quả của hàng ngàn tựa báo và bản tin thời sự công bố những câu chuyện đại loại như thế cho thấy hiện vẫn có một cuộc khủng hoảng về niềm tin ở hầu hết mọi nơi trên thế giới – trong các cộng đồng xã hội, tổ chức, chính phủ, dịch vụ truyền thông, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các công ty, các mối quan hệ, thậm chí cả trong đời sống cá nhân nữa. Trong một số trường hợp, niềm tin chưa bao giờ xuống thấp như ngày nay. Hãy cùng xem xét những kết quả sau từ các cuộc khảo sát mới đây về việc đo lường niềm tin do Viện Gallup, Edelman và Harris Interactive thực hiện:
• Hoa Kỳ thấy mình đang trở thành một xã hội có niềm tin đang ngày càng xuống thấp vì niềm tin vào chính phủ, các công ty, giới truyền thông và các tổ chức phi chính phủ đã sụt giảm đáng kể nếu so với những năm trước đó và với những quốc gia công nghiệp hóa khác.
• Niềm tin vào truyền thông ở Mỹ đã xuống tới mức thấp nhất vào năm 2010 từ khi Viện Gallup bắt đầu đo lường nó vào đầu thập niên 1970.
• Chỉ 46% số người trả lời khảo sát ở Mỹ và 44% ở Anh tin rằng các công ty đang kinh doanh đúng đắn.
• Chỉ 40% số người trả lời khảo sát ở Mỹ và 33% ở Đức tin rằng chính phủ đang làm điều đúng.
• Chỉ 33% người Mỹ có niềm tin vào lãnh đạo y tế vào năm 2011, giảm từ 73% vào năm 1966.
• 53% người làm thuê ở Mỹ nghĩ ông chủ của họ không trung thực, và 69% người Mỹ không hài lòng với bầu không khí đạo đức xã hội mà họ đang sống trong đó.
Cuộc khủng hoảng niềm tin không chỉ diễn ra trong các tổ chức, nó còn mở rộng ra hệ thống kinh tế và xã hội toàn cầu nữa. Theo Chỉ số Niềm tin Tài chính của trường Chicago Booth/Kellogg vào tháng 5 năm 2011, chỉ 20% người Mỹ có niềm tin vào hệ thống tài chính của mình – một tỷ lệ chỉ nhỉnh hơn tỷ lệ thấp nhất mọi thời đại vào lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Sự thiếu khả năng của các lãnh đạo chính phủ ở Washington D.C. trong việc hợp tác để đề ra một giải pháp chống thâm hụt/nợ công, từ đó truyền cảm hứng lấy lại niềm tin, đã dẫn tới sự sụt giảm lịch sử về niềm tin quốc gia vào năm 2011, càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng niềm tin vào chính phủ cũng như các hệ thống kinh tế. Tương tự, các lãnh đạo Liên minh châu Âu phải đối mặt với sự mất niềm tin đang gia tăng trước khả năng quản lý cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng của họ.
2011 sẽ là năm niềm tin vào chính phủ bị sụt giảm mạnh. Từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu cho tới phản ứng của các chính phủ sau trận động đất ở Nhật Bản, từ vụ tai nạn tàu cao tốc ở Trung Quốc cho tới cuộc chiến về mức trần nợ vay ở Washington, người dân trên khắp thế giới đang mất niềm tin vào chính phủ của mình.
Richard Edelman Chủ tịch & CEO, Edelman
Hơn nữa, sự mất niềm tin đã lan tràn ra khắp xã hội chúng ta. Các nhà xã hội học đo lường niềm tin xã hội tại nhiều quốc gia để trả lời cho câu hỏi: “Nhìn chung, liệu bạn sẽ nói rằng hầu hết mọi người có thể tin cậy được hay bạn cần thật cẩn trọng trong việc đối xử với con người?”. Trả lời, chỉ có 13% người dân Chi-lê và 24% người dân Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng họ có thể tin tưởng người khác, trái ngược đáng kể với những xã hội có niềm tin cao hơn như Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy, nơi hơn 80% người dân tin rằng mọi người đều có thể tin được.
Những tiêu đề và con số thống kê cho thấy thế giới đang trong một cuộc khủng hoảng về niềm tin. Cuộc khủng hoảng này đang tác động sâu sắc đến sự lành mạnh của nền kinh tế và chất lượng sống của chúng ta trên toàn cầu.
Niềm tin giống như không khí chúng ta hít thở hằng ngày – khi có, không ai để ý; khi thiếu, mọi người mới nhận ra.
Warren Buffett
Cái Giá Của Cuộc Khủng Hoảng Niềm Tin
Thế cái giá của cuộc khủng hoảng này là gì và chúng ta có thể định lượng nó ra sao? Khi chúng tôi làm việc với những người và tổ chức khác nhau trên khắp thế giới trong hai mươi năm qua, chúng tôi thấy rằng niềm tin luôn mang lại ba thành quả – những thay đổi trong cuộc sống cá nhân, nghề nghiệp và xã hội. Ba thành quả đó là sự thịnh vượng, năng lượng và niềm vui. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét từng thành quả một.
Niềm Tin Tạo Ra Sự Thịnh Vượng
Ngày càng rõ ràng rằng trong nền kinh tế ngày nay, kết quả sau cùng có liên quan trực tiếp tới niềm tin. Nói cách khác, kinh doanh phải dựa vào niềm tin – và điều này là bắt buộc. Danh tiếng của công ty, khả năng hợp tác với các công ty khác, năng lực sáng tạo, hiệu quả gắn kết nhân viên, khả năng thu hút và giữ chân nhân tài, tốc độ biến những điều đó thành hiện thực – tất cả những chiều kích này của thành công, cùng với nhiều yếu tố khác nữa, đều bị tác động mạnh mẽ bởi niềm tin.
Trên thực tế, niềm tin đã trở thành một thứ tiền tệ mới của nền kinh tế toàn cầu. Nó là nền tảng mà trên đó nhiều người làm kinh doanh – hoặc không. Ví dụ, năm 2009, Edelman Trust Barometer công bố một báo cáo cho thấy có 77% người được khảo sát trả lời rằng họ từ chối mua sản phẩm và dịch vụ từ những công ty họ không tin tưởng, trong khi 72% phê phán các công ty làm ăn bất tín trước mặt bạn bè hoặc đồng nghiệp. Nhưng khi niềm tin lên cao, những lợi ích trở nên hiển hiện. Có 55% người được hỏi nói rằng họ sẵn lòng trả tiền cao hơn để mua sản phẩm hoặc dịch vụ từ một công ty họ tin tưởng, và 76% nói rằng họ giới thiệu những nhãn hàng đáng tin cậy với đồng nghiệp hoặc bạn bè. Trên thực tế, giới thiệu là một ví dụ cho thấy niềm tin được xem như một thứ tiền tệ vì nó tượng trưng cho một “niềm tin được chuyển giao” từ một khách hàng hiện tại tới một khách hàng triển vọng và trở về với người bán. Với tốc độ truyền thông xã hội ngày nay, cả lời phê bình lẫn lời giới thiệu sẽ được truyền đi ngày càng nhanh hơn so với trước đây. Theo Brian Singh, nhà sáng lập hãng truyền thông xã hội Canada Zinc Research: “Một ngày kia, một công ty có thể sẽ không nên hỏi lợi nhuận của họ là bao nhiêu mà sẽ hỏi tài sản niềm tin của họ lớn thế nào”.
Niềm tin là những gì làm cho những thị trường của chúng ta hoạt động. Nó làm cho thế giới chuyển động. Về cốt lõi, chủ nghĩa tư bản được dựa trên ba yếu tố: vốn hay tư bản, tính thanh khoản và niềm tin. Mặc dù ba yếu tố trên đều quan trọng ngang nhau, nhưng về cơ bản nếu thiếu niềm tin, hai yếu tố còn lại bị mất giá trị sâu sắc. Dov Seidman, nhà sáng lập LRN, một công ty quản trị tuân thủ và đạo đức toàn cầu, nói rằng:
Các thị trường tài chính thế giới gần như sụp đổ vào mùa thu trước vì cùng một lý do: thiếu niềm tin. Tín dụng, nguồn sống của nền kinh tế toàn cầu, gần như ngừng chuyển động. Ngay cả các ngân hàng lớn cũng từ chối cho nhau vay vì họ không tin rằng họ sẽ được trả nợ. Chúng ta đã và đang xem niềm tin như là một thứ đương nhiên, sẵn có. Hợp đồng là loại giấy tờ làm nền tảng cho các giao dịch của chúng ta, nhưng ai ký chúng nếu không có niềm tin vào đối tác? Niềm tin là thiết yếu cho việc xây dựng những kết nối lâu dài với nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và các cộng đồng mà trong đó chúng ta hoạt động kinh doanh. Nó thúc đẩy chúng ta dám chấp nhận rủi ro để đi tới sự sáng tạo và tiến bộ.
Nói về lợi thế cạnh tranh, Seidman khẳng định:
Đây sẽ là loại tiền tệ “mềm” của thế kỷ 21: Ai có niềm tin nhiều nhất vào những mối quan hệ của mình, và nơi nào hầu hết mọi người đều muốn làm việc, người đó, tổ chức đó sẽ thành công.
Mối quan hệ giữa niềm tin và sự thịnh vượng của một quốc gia trở nên rõ ràng khi chúng ta so sánh Chỉ số Nhận thức Tham nhũng7 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một chỉ số về sự đáng tin cậy, trong đó có xét tới GDP của các nước được đánh giá. Nhìn chung, một quốc gia được xem là ít tham nhũng hơn (đáng tin cậy hơn) thường có nền kinh tế thịnh vượng hơn. Ngược lại, một quốc gia được xem là tham nhũng hơn (ít đáng tin cậy hơn) thì nền kinh tế của nó kém thịnh vượng hơn. Như bạn có thể thấy trong biểu đồ dưới đây, sự tương ứng giữa độ đáng tin cậy và sự thịnh vượng là rất rõ ràng.
7 Corruption Perceptions Index (CPI).
Lý do tại sao có mối liên hệ trực tiếp giữa niềm tin và sự thịnh vượng là niềm tin luôn ảnh hưởng tới hai yếu tố đầu vào chính của sự thịnh vượng: tốc độ và chi phí. Khi niềm tin trong một mối quan hệ, một nhóm, một tổ chức hoặc một quốc gia đi xuống thì tốc độ sẽ đi xuống và chi phí sẽ tăng lên. Tại sao? Vì nhiều bước phải được thực hiện để bù đắp cho việc thiếu niềm tin. Đây là một thứ thuế – thuế đánh trên niềm tin thấp vì mọi thứ đều phải mất thời gian, giao tiếp sai lệch, sự thừa mứa các bước thẩm định lẽ ra không phải sử dụng, và sự lặp đi lặp lại tạo ra những trì hoãn vô cùng tốn kém.
⇑ Niềm tin = ⇑ tốc độ ⇓ chi phí
Sự thụt lùi của kinh tế trên thế giới có thể được giải thích bởi sự thiếu niềm tin lẫn nhau.
Kenneth Arrow Nhà kinh tế học được trao giải Nobel
Công thức này đúng với những công ty nổi tiếng như Satyam. Họ mất 78% giá trị vốn hóa thị trường ngay vào ngày đầu tiên vụ bê bối được phanh phui. Hoặc Enron, nơi sự mất niềm tin lớn đến mức nó cướp đi sinh mạng của cả công ty – và tạo ra một môi trường phán xét nặng nề ngày càng lớn. Hoặc hãng dịch vụ tài chính toàn cầu Lehman Brothers, một công ty phá sản sau khi mất niềm tin của khách hàng, đối tác, và thậm chí cả những đối thủ của mình, tạo ra một hiệu ứng dây chuyền nhiều tỷ đô-la, dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa hồi phục một cách toàn diện. Bạn có thể thấy tác động của nó trong cuộc sống của nhiều cá nhân – chẳng hạn như Bernie Madoff, người lừa dối hàng ngàn người khác và con trai của ông ta đã tự tử một cách bi thảm hai năm sau khi người cha bị bắt giữ; hoặc Tiger Woods, người có hành vi trái ngược với hình ảnh được vun đắp kỹ lưỡng trong vai trò người phát ngôn của công ty, dẫn tới thiệt hại vừa về sự tín nhiệm trong vai trò người phát ngôn cho nhiều công ty và hàng triệu đô-la từ sự tài trợ, quảng cáo. Bạn có thể thấy nó trong cái giá của sự lừa đảo ở nhiều ngành nghề và trong sự thừa mứa những luật lệ, quy tắc, chính sách và quy trình ở hầu hết các tổ chức ngày nay. Trên thực tế, thậm chí bạn có thể nhìn thấy nó trong chính công ty hay nhóm của mình, hoặc trong một công ty hay nhóm mà bạn từng biết.
Nói cách khác, khi có niềm tin cao trong một mối quan hệ, một nhóm, một công ty, hoặc một quốc gia thì tốc độ thực hiện mọi việc càng cao và chi phí càng thấp. Người ta có thể truyền đạt nhanh hơn, cộng tác tốt hơn, sáng tạo hơn, hoạt động kinh doanh nhanh hơn và hiệu quả hơn. Chúng ta gọi đó là cổ tức niềm tin cao.
⇑ Niềm tin = ⇑ tốc độ ⇓ chi phí
Các “nền kinh tế dựa vào niềm tin” tồn tại mãi theo thời gian và trên thị trường. Theo một nghiên cứu của Watson Wyatt, những tổ chức có niềm tin cao hoạt động hiệu quả cao hơn những tổ chức có niềm tin thấp về lợi tức dành cho cổ đông đến 286% (không kể giá vốn cổ phiếu). Một nghiên cứu tương tự phân tích “100 công ty tốt nhất để làm việc” do tạp chí Fortune bầu chọn cũng công nhận niềm tin chiếm đến 2/3 các tiêu chí. Điều đó cho thấy những công ty có niềm tin cao hoạt động hiệu quả hơn trên thị trường qua mười ba năm nghiên cứu (từ năm 1998 đến năm 2010) lên tới 288%.
Cách tiếp cận của chúng tôi dựa trên những khám phá quan trọng trong hai mươi năm nghiên cứu – rằng niềm tin giữa các nhà quản lý và nhân viên là yếu tố cơ bản trong việc xác định những nơi làm việc tốt nhất.
Viện Great Place to Work
Những nghiên cứu khác cho thấy một hiện tượng tương tự đang diễn ra tại nhiều quốc gia. Trong một nghiên cứu quan trọng vào năm 2001 trên bốn mươi mốt quốc gia, nhà kinh tế học Paul Zak và Stephen Knack nhận thấy một tỷ lệ thuận rõ rệt giữa mức độ niềm tin bên trong một quốc gia với sự tăng trưởng kinh tế và hoạt động đầu tư tại quốc gia đó, và kết luận rằng “đầu tư và tăng trưởng kinh tế gia tăng tỷ lệ thuận với niềm tin”.
Vì niềm tin làm giảm chi phí mọi giao dịch… nên các xã hội có niềm tin cao tạo ra nhiều giá trị hơn các xã hội có niềm tin thấp.
Paul Zak & Stephen Knack Nhà kinh tế học
Niềm tin cao là cấp số nhân về hiệu quả làm việc – một cấp số nhân trực tiếp chuyển hóa thành sự thịnh vượng: doanh thu, lợi nhuận và các thành quả kinh tế đều tăng lên. Niềm tin cao tạo ra loại cổ tức làm gia tăng năng suất và lợi nhuận của những tương tác mà từ đó gia tăng lợi nhuận. Niềm tin thấp tạo ra một thứ thuế – một thứ thuế lãng phí – trừng phạt những tương tác thiếu vắng niềm tin triệt thoái sự thịnh vượng.
Ý thức của mọi người về mối quan hệ ngày càng tăng giữa niềm tin và sự thịnh vượng là rõ ràng khi chúng tôi có cơ hội tham gia một hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới mùa hè năm 2008 tại Thiên Tân, Trung Quốc. Diễn đàn rất có uy tín – bởi nó “cam kết cải thiện tình trạng thế giới” – bao gồm 1.400 nhà lãnh đạo từ các công ty và chính phủ, cũng như những học giả và nhà báo được chọn lọc từ hơn chín mươi quốc gia trên thế giới. Hội nghị đặc biệt này hứa hẹn sẽ đưa ra những tư tưởng rất sâu sắc vì cuộc khủng hoảng kinh tế vào lúc đó. Trước đó hai tuần, Lehman Brothers sụp đổ và các thị trường đang rơi tự do. Vào ngày nghỉ cuối tuần đó, Quốc hội Mỹ và các chính phủ khác trên toàn cầu gặp nhau khẩn cấp để thảo luận về những khả năng cứu vãn tình thế. Mọi người ở khắp mọi nơi rơi vào hoảng sợ tột độ khi chứng kiến bức tranh toàn cảnh về sự lệ thuộc lẫn nhau giữa nền kinh tế thế giới bắt đầu hiện ra.
Vào phiên kết thúc của diễn đàn, người tham gia được chia thành những nhóm thảo luận từ mười đến mười hai người, và mỗi nhóm được yêu cầu nhận diện thách thức hàng đầu đang đe dọa sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm tới là gì. Từ hàng trăm nhóm thảo luận đó, bảy thách thức hàng đầu được đưa ra và trình bày trước toàn hội nghị để lấy biểu quyết. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này chỉ được xếp hạng là thách thức thứ hai mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt trong bối cảnh nhiều thị trường đang tan rã trước mắt. Thế thách thức được xếp hạng nhất là gì? “Sự mất mát niềm tin” (loss of trust) và “mất tin tưởng” (loss of confidence). Các nhà lãnh đạo và các nhà tư tưởng hàng đầu nhận ra rằng mọi thứ khác trong xã hội – kể cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra – đang bị làm cho trầm trọng hơn bởi một cuộc khủng hoảng niềm tin và sự tin tưởng.
Chúng tôi tin rằng những người tham dự diễn đàn Thiên Tân đã nhận diện đúng vấn đề, và trên thực tế, chúng tôi càng được xác quyết khi vào kỳ nghỉ cuối tuần ấy chúng tôi tham dự một cuộc tọa đàm được truyền hình trực tiếp về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới trên kênh CNBC Asia. Những người tham dự cuộc tọa đàm đó cũng đồng tình rằng cội rễ của cuộc khủng hoảng này là một cuộc khủng hoảng niềm tin. Họ nhận ra rằng các chính phủ có thể bơm nhiều vốn hơn vào hệ thống. Họ có thể cố cải thiện khả năng thanh khoản trong những nỗ lực nhằm làm cho đồng tiền lưu thông trở lại. Nhưng không có niềm tin, các ngân hàng sẽ không cho những ngân hàng khác, tổ chức hoặc cá nhân vay tiền vì họ nghĩ sẽ không thu lại được, theo đó tiền sẽ không thể lưu chuyển. Rõ ràng sự thịnh vượng không chỉ là lợi ích to lớn của niềm tin cao mà nó còn là nạn nhân của niềm tin thấp.
Niềm Tin Tạo Ra Năng Lượng
Thành quả thứ hai bị tác động đáng kể bởi niềm tin là năng lượng. Khi dùng từ “năng lượng”, chúng tôi không hàm ý đó là sức mạnh thể chất hay cảm xúc tinh thần mà là sự tham gia, sự sáng tạo, sự kiện toàn sức khỏe, và hạnh phúc. Để hiểu mức độ của tác động này, đơn giản hãy suy nghĩ về ai đó mà bạn có mối quan hệ với niềm tin thấp. Bạn sẽ chọn những từ/cụm từ nào để mô tả đúng nhất cách bạn làm việc hoặc tương tác với người ấy.
Căng thẳng | Vui vẻ |
Phức tạp | Dễ dàng |
Mệt mỏi | Đầy phấn khích |
Khó khăn | Tiếp thêm sinh lực |
Khó chịu | Mang lại năng suất |
Thất vọng | Tiếp thêm năng lượng |
Chán nản | Thú vị |
Không kết quả | Thẳng thắn |
Không mang lại sự toại nguyện | Khích lệ |
Gây đau đớn | Có ích |
Rủi ro | An toàn |
Đáng sợ | Được tự do |
Nguy hiểm | Được giải phóng |
Bây giờ, hãy đọc lại danh sách trên và hình dung ra ai đó mà bạn có mối quan hệ với niềm tin cao. Những từ nào mô tả đúng nhất cảm giác của bạn khi làm việc hoặc tương tác với người ấy? Khi bạn cân nhắc từ trái nghĩa, bạn nghĩ niềm tin – hoặc thiếu niềm tin – có thể có tác động gì lên sinh lực bạn cảm nhận trong đời sống cá nhân hoặc cuộc sống gia đình mình, hoặc trong nhóm hay công ty mình? Bạn nghĩ nó sẽ ảnh hưởng ra sao đến khả năng của mình hoặc khả năng của tổ chức trong việc hợp tác hoặc cộng tác với người khác, tổ chức khác?
Khi chúng tôi thực hiện bài tập này với các nhóm khác nhau, những người tham gia bị mắc kẹt trong sự đối lập sâu sắc giữa năng lượng phi thường được tạo ra từ những nhóm có niềm tin cao và sự căng thẳng đến suy kiệt trong những nhóm có niềm tin thấp. Hiện tượng này tạo ra hiệu ứng làn sóng lan to lớn – theo mọi hướng – làm thay đổi năng lượng toàn diện và động lượng bên trong tổ chức nói chung, đặc biệt là trong hai chiều quan trọng: sự tham gia và sự đổi mới sáng tạo.
Sự tham gia. Không có nơi nào mà niềm tin làm thay đổi năng lượng trong tổ chức nhiều bằng sự tham gia của nhân viên. Mặc dù có nhiều động cơ thúc đẩy sự tham gia, nhưng hai động cơ chính là: (1) mối quan hệ niềm tin mà nhân viên có với nhà quản lý của họ, và (2) niềm tin họ đặt vào tổ chức nói chung. Một nghiên cứu của trường Kinh doanh thuộc Đại học Dublin City cho thấy niềm tin và sự tham gia tạo nên một vòng xoáy hỗ trợ lẫn nhau, hướng lên trên, và đầy ý nghĩa – nói cách khác, khi niềm tin bên trong một tổ chức lên cao thì sự tham gia của mọi người cũng tăng lên; và khi sự tham gia tăng lên, niềm tin cũng tăng lên.
Doug Conant, CEO của Công ty Campbell Soup, mô tả mối liên hệ giữa niềm tin với năng lượng và hiệu quả làm việc như sau:
Chúng tôi có cái gọi là Mô hình Lãnh đạo Campbell và chúng tôi bắt đầu từ đó. Mô hình đó nói rằng cơ bản bạn phải truyền cảm hứng niềm tin, và một khi có được niềm tin của người khác, bạn sẽ tạo ra những kết quả đáng kinh ngạc. Niềm tin cho phép bạn định ra phương hướng cho người khác, đưa mọi người vào hàng lối, và truyền cho họ năng lượng để hoàn thành công việc. Niềm tin giúp tạo ra sự xuất sắc và những thành quả phi thường. Khi bạn thể hiện sự xuất sắc và làm tròn cam kết của mình, niềm tin sẽ dễ dàng lan tỏa và vận hành như một bánh đà cho cỗ máy thành tích bất tận.
Sự đổi mới sáng tạo. Niềm tin cũng giúp gia tăng năng lượng dưới dạng cộng hưởng tích cực (1 + 1 = 3 hoặc lớn hơn) và sự đổi mới sáng tạo. Khi bạn chú ý đến nó một cách nghiêm túc, sự đổi mới sáng tạo sẽ đến từ đâu? Nó đến từ sự va chạm của những khác biệt trong những môi trường phù hợp. Nhà tâm lý học Carl Jung nói: “Sự đối lập càng lớn bao nhiêu, tiềm năng càng lớn bấy nhiêu. Năng lượng lớn chỉ đến từ sự căng thẳng lớn tương đương giữa những thứ đối lập với nhau”.
Nhưng nếu không có niềm tin, những khác biệt sẽ không nhất thiết tạo ra cộng hưởng tích cực; trên thực tế, thành quả phổ biến hơn là cộng hưởng tiêu cực (nơi 1 + 1 = 1 ½ hoặc nhỏ hơn). Kết quả cuối cùng là, khi người ta tin tưởng lẫn nhau, khác biệt trở thành sức mạnh; khi không tin tưởng nhau, khác biệt là sự chia rẽ và bất hòa.
Nghiên cứu trên chỉ ra rằng đổi mới sáng tạo giúp tạo ra môi trường có niềm tin cao, đồng thời làm suy yếu môi trường có niềm tin thấp. Một nghiên cứu khác của tờ Times tại Anh, so sánh 20% các công ty hàng đầu với 20% các công ty thuộc hàng dưới thuộc Top 1000 về sự đổi mới sáng tạo và hiệu quả kinh doanh, cho thấy niềm tin là “yếu tố khác biệt quan trọng nhất”. Theo báo cáo này, “niềm tin giữa con người với nhau giúp họ chia sẻ những ý tưởng một cách thoải mái, là yếu tố có ý nghĩa nhất để phân biệt sự khác nhau giữa các công ty đổi mới sáng tạo thành công”.
Sự tồn tại của niềm tin giải phóng tinh thần con người để sáng tạo, rộng lượng và trung thực thay vì phòng thủ, yếm thế và giả tạo.
Tom Hayes Tác giả cuốn Jump Point
Chuyên gia nghiên cứu về đổi mới sáng tạo Robert Potter Lynch mô tả quá trình đổi mới sáng tạo và vai trò của niềm tin như sau:
Mọi sự đổi mới đến từ những con người có suy nghĩ khác biệt – có nghĩa là, một quan điểm gặp gỡ một quan điểm khác, và một điều mới mẻ có thể được khai sinh… Nhưng hai quan điểm khác nhau không tự động tạo ra một điều gì đó mới mẻ, và tất cả sự khác biệt thường trở thành thứ hủy diệt: tương tự như người theo đảng Cộng hòa với người theo đảng Dân chủ, mới và cũ, con đường của tôi hoặc xa lộ của chúng ta. Vì vậy, vấn đề là làm sao bạn có thể gia tăng khía cạnh sáng tạo từ những tương tác giữa những người trái ngược nhau? Câu trả lời là niềm tin. Khi sự căng thẳng này tồn tại trong môi trường có sự tin cậy, những tinh túy sáng tạo của họ sẽ đồng điệu với nhau và họ cùng nhau sáng tạo. Vì vậy, niềm tin là sự hòa hợp của năng lượng con người. Năng lượng này được xem như là hợp lực – thứ thường lẩn trốn bên trong các tổ chức và những mối quan hệ.
Không một xã hội có niềm tin thấp nào có thể tạo ra sự đổi mới sáng tạo bền vững.
Thomas Friedman Nhà báo đạt giải thưởng Pulitzer
Ngoài sự tham gia và đổi mới sáng tạo, niềm tin còn làm thay đổi năng lượng về mặt sức khỏe và hạnh phúc. Dù có nhiều thước đo xã hội, nhưng một chỉ báo được chấp nhận rộng rãi là tuổi thọ. Qua các số liệu được thu thập thường xuyên, chúng ta thấy có mối liên hệ giữa tuổi thọ và niềm tin. Nói một cách đơn giản, người có niềm tin có khuynh hướng sống thọ hơn; người không có niềm tin có khuynh hướng chết sớm hơn. Ví dụ, một nghiên cứu trên 97.000 phụ nữ trong tám năm cho thấy những người hoài nghi yếm thế và cực kỳ không có niềm tin về người khác có nguy cơ tử vong cao hơn đến 16% so với nhóm ngược lại. Trong cuốn sách kinh điển Bowling Alone, Robert Putnam ghi nhận rằng những người có niềm tin không chỉ sống lâu hơn mà còn mạnh khỏe hơn. Khi chúng ta xem xét dữ liệu về mức độ hạnh phúc của các quốc gia với mức độ niềm tin ở chính các quốc gia này, kết quả biểu thị mối quan hệ rõ ràng của cả hai.
Mức độ hạnh phúc của một quốc gia cũng như khả năng cạnh tranh của nó bị tác động bởi một đặc trưng văn hóa hiện diện khắp nơi: mức độ niềm tin được kế thừa trong xã hội ấy.
Francis Fukuyama Nghiên cứu sinh Đại học Stanford
Niềm Tin Tạo Ra Niềm Vui
Qua từ “niềm vui”, chúng tôi đơn giản hàm ý là niềm hạnh phúc, sự vui vẻ, sự hài lòng, và điều mà nhà tâm lý học, Tiến sĩ Martin Seligman gọi là “sự thăng hoa”. Đối với nhiều người, hạnh phúc là mục tiêu quan trọng nhất trong đời.
Khi chúng tôi làm việc với những nhóm và tổ chức khắp nơi trên thế giới, người ta không nhất thiết sử dụng từ “niềm vui” khi mô tả những mối quan hệ có niềm tin cao tại nơi làm việc, nhưng bạn có thể thấy nó – hoặc sự thiếu vắng nó – trên khuôn mặt họ. Khi họ nói về những mối quan hệ có niềm tin thấp, bạn sẽ nhìn thấy sự căng thẳng, buồn bã, nỗi đau, và đôi khi cả sự sợ hãi nữa. Khi họ nói chuyện về những mối quan hệ có niềm tin cao, mọi thứ đều thay đổi – những cặp mắt ngời sáng, những nụ cười tỏa nắng, họ trở nên sinh động và câu chuyện tập trung vào những thành quả tích cực mang lại niềm hạnh phúc.
Hơn bất kỳ thứ gì khác, niềm vui là bí quyết thành công của Virgin.
Richard Branson CEO, Tập đoàn Virgin
Hạnh phúc ngày càng trở thành mục tiêu theo đuổi của các quốc gia. Điều này được phản ánh trong sự thay đổi mới đây từ sự tập trung độc nhất vào GDP – thứ chỉ đo lường thành quả kinh tế – sang một thước đo toàn diện hơn: chỉ số đánh giá mức độ hạnh phúc và khỏe mạnh của một quốc gia.
Các nỗ lực đo lường chiều kích xã hội này bao gồm những công cụ dựa trên “tổng hạnh phúc quốc nội” (Gross National Happiness), một thuật ngữ được tạo ra bởi nhà vua xứ Bhutan vào những năm 1970, và những công cụ như Chỉ số Cuộc sống Tốt hơn (Better Life Index) và Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index) của Liên Hợp Quốc. Theo một khảo sát của Hãng tin BBC ở Anh, 81% dân số nghĩ rằng chính phủ nên tập trung vào việc làm cho công dân của mình hạnh phúc hơn thay vì giàu có hơn.
Hạnh phúc của xã hội là mục tiêu tối hậu của chính phủ.
John Adams Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ
Theo nhà kinh tế học người Canada John Helliwell, yếu tố quan trọng nhất liên kết với hạnh phúc – hơn cả thu nhập và sức khỏe tốt – là các mối quan hệ có sự tin tưởng. Trong cuốn The Happiness Advantage, Shawn Achor chỉ ra rằng “những mối quan hệ xã hội là yếu tố đảm bảo tốt nhất cho niềm hạnh phúc được nâng cao và sự căng thẳng được hạ thấp, thứ thuốc giải cho sự trầm cảm lẫn toa thuốc cho hiệu suất làm việc cao”. Ông mô tả nghiên cứu về sự phát triển của người trưởng thành của Đại học Harvard trên 268 người từ khi bước vào đại học vào cuối những năm 1930 cho tới ngày nay. Kết quả cho thấy “có một – và chỉ một – đặc điểm giúp phân biệt 10% người hạnh phúc nhất với những người khác, đó là thế mạnh của các mối quan hệ xã hội”.
Ở trung tâm của những mối quan hệ lâu bền và vững chắc là niềm tin, trong khi định nghĩa về một mối quan hệ xấu là “không có hoặc có rất ít niềm tin”. Dựa trên nghiên cứu của họ, Paul J. Zak và Ahlam Fakhar kết luận rằng: “Một mặt, thu nhập gia tăng vốn liên quan hời hợt với hạnh phúc đang ngày càng gia tăng, thì mặt khác, những chứng cứ khoa học thần kinh chỉ ra rằng có những phản hồi hai chiều giữa hạnh phúc và niềm tin”.
Những mối quan hệ duy nhất trên đời được xem là xứng đáng và lâu bền là những mối quan hệ trong đó người này có thể tin vào người kia.
Samuel Smiles Tác giả & nhà cải cách người Scotland
Thật thú vị, quốc gia hạnh phúc nhất trên trái đất này, Đan Mạch, cũng là quốc gia có niềm tin cao nhất. Hãy cùng xem xét mối quan hệ giữa hạnh phúc và những cấp độ niềm tin bên trong các quốc gia được trình bày trong biểu đồ sau.
Niềm tin tác động sâu sắc đến niềm vui trong các đội nhóm và tổ chức, xét về sự hài lòng của nhân viên và khả năng thu hút, giữ chân người giỏi. Đáng chú ý là một nghiên cứu vào năm 2008 của John Helliwell và Haifang Huang cũng cho thấy mức gia tăng 10% về niềm tin trong một tổ chức có ảnh hưởng tương tự đến sự hài lòng của nhân viên khi thu nhập tăng lên 36%!
Điều quan trọng rút ra là, theo cùng cách thức như thế, niềm tin làm gia tăng sự thịnh vượng về mặt định lượng và làm gia tăng năng lượng, niềm vui về mặt định tính. Các công thức này thật đơn giản, dễ đoán, và rất rõ ràng:
⇓ Niềm tin = ⇓ Thịnh vượng ⇓ Năng lượng ⇓ Niềm vui
⇑ Niềm tin = ⇑ Thịnh vượng ⇑ Năng lượng ⇑ Niềm vui
Lợi ích đối với nhân loại từ việc có thể tin tưởng lẫn nhau lan tỏa vào tận mọi khe hở và ngóc ngách của cuộc sống con người: kinh tế có lẽ là phần nhỏ nhất của lợi ích đó, nhưng cũng không thể tính toán theo cách thông thường.
John Stuart Mill Kinh tế gia & triết gia người Anh
Niềm Tin Là Một Nguyên Tắc Của Sức Mạnh
Rõ ràng niềm tin có mối liên hệ trực tiếp với mức độ thịnh vượng, năng lượng và niềm vui mà chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống cá nhân lẫn nghề nghiệp. Lý do là niềm tin là nguyên tắc cơ bản của chất lượng cuộc sống và không chịu ảnh hưởng bởi thời gian – không chỉ đối với chúng ta trong những mối quan hệ cá nhân mà còn đối với những nhóm, tổ chức, xã hội, ngành nghề và cả quốc gia nữa. Niềm tin là chất xúc tác thúc đẩy và trao quyền, được đan quyện vào nhau trong mọi thành tố của mọi xã hội dân sự vững mạnh. Nhưng hầu hết chúng ta không ý thức về nó, hoặc về sự phụ thuộc của chúng ta vào nó, cho tới khi chúng ta đánh mất nó.
Sự hủy diệt nặng nề nhất gây ra bởi những cuộc tấn công khủng bố – có lẽ nhiều hơn sự thiệt hại tức thời gây ra – là sự hủy diệt niềm tin. Đột nhiên, chúng ta trở nên sợ làm những việc hằng ngày mình vẫn thường làm một cách không đắn đo. Cách đây mấy năm, khi khu vực Washington D.C. trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố bắn tỉa trong nhiều tháng, toàn bộ những khu phố không làm gì ngoại trừ sự vắng lặng để duy trì sự sống. Nỗi sợ hãi và mất niềm tin trở nên lớn đến nỗi người ta tránh những hoạt động không cần thiết, chẳng hạn như chơi bóng đá ở trường và những sự kiện văn hóa nơi công cộng.
Các xã hội mở càng phô bày ra trước chủ nghĩa khủng bố hỗn tạp bao nhiêu thì niềm tin càng bị gạt bỏ nhiều bấy nhiêu, và các xã hội mở ấy càng dựng lên nhiều tường cao và đào thêm nhiều hào sâu bấy nhiêu.
Thomas Friedman Nhà báo đạt giải thưởng Pulitzer
Để hiểu được niềm tin cơ bản là gì, bạn hãy tưởng tượng ra một thế giới không có niềm tin. Hãy tưởng tượng thế giới đó sẽ như thế nào khi bạn lái xe mà không có niềm tin vào nhân cách hoặc sự thành thạo của những tài xế khác trên đường… hoặc lên một chiếc máy bay mà bạn không hề tin vào khả năng của cơ trưởng hoặc quy trình bảo dưỡng máy bay trước đó… hoặc bạn nhập viện để giải phẫu mà không tin rằng bác sĩ và kíp mổ đã được đào tạo bài bản… hoặc lập gia đình mà không tin rằng vợ/chồng mình sẽ yêu thương và chăm sóc mình. Một lý do tại sao những sự vi phạm niềm tin lại gây thiệt hại nặng nề là vì niềm tin là nguyên tắc nền tảng, và dù ý thức được hay không, chúng ta đều dựa vào niềm tin để làm cho thế giới này trở nên có ý nghĩa và những mối quan hệ trở nên xứng đáng hơn.
Giữa Tâm Khủng Hoảng: Sự Phục Hưng Của Niềm Tin
Tin mừng và nghịch lý lớn mà chúng tôi nói đến trong cuốn sách này, là ngay trong một thế giới có niềm tin thấp, vẫn có “những người xuất chúng” – là những con người, nhà lãnh đạo, các công ty, ngành nghề, thậm chí là những quốc gia giống như Muhammad Yunus, họ đang trợ giúp để phục hưng niềm tin, theo đúng nghĩa đen của nó. Họ đang tận hưởng và lan tỏa những lợi ích của sự thịnh vượng, năng lượng và niềm tin khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi gọi đây là sự phục hưng vì nó không phải là một kỹ thuật hoặc một xu hướng nhất thời; nó là sự tái sinh hoặc tái khám phá một nguyên tắc không chịu ảnh hưởng bởi thời gian nhưng lại làm thay đổi cuộc chơi và mang lại nhiều lợi ích cho mọi người, tương tự như cách mà Thời kỳ Phục hưng từng bắt đầu từ thế kỷ mười bốn ở châu Âu, đã nâng toàn bộ nhân loại và xã hội lên tầm cao mới.
Hãy xem các thương gia Maghrib ở Trung Đông vào thế kỷ thứ mười. Giữa bầu không khí chính trị và xã hội hỗn loạn ở Baghdad thời đó, một số nhà buôn di cư tới Maghrib, một khu vực trên lục địa châu Phi giữa dãy núi Atlas ở phía nam và biển Địa Trung Hải ở phía bắc. Được khích lệ bởi nhiều cơ hội buôn bán khắp vùng Địa Trung Hải và không muốn nhìn thấy những cơ hội đó bị mất đi bởi những hỗn loạn chính trị, họ đã thiết lập nên một hệ thống buôn bán có thể tồn tại độc lập với sự can thiệp của chính quyền. Hệ thống đó được đặt trên nền tảng của niềm tin. Trong cuốn Jump Point, Tom Hayes nhận xét:
Lợi ích từ việc tham gia hoạt động buôn bán, trao đổi là rất lớn và những cám dỗ để tiếp tục tồn tại trong các liên minh thương mại là rất rõ ràng. Đáng nói là, hệ thống này, dù trải dài hàng ngàn dặm và kết nối nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng nó vận hành đơn giản chỉ bằng một cái bắt tay (mà bản thân nó là một biểu hiện của niềm tin: những bàn tay không cầm dao găm). Xét về chi phí và thời gian ra tòa vì những kiện tụng trong kinh doanh – chưa kể đến việc phải đưa hối lộ và sự hay thay đổi của luật lệ từ những quan tòa triều đại Fatimid – người Maghrib đã tạo ra một dạng luật pháp phi nhà nước rất hiệu quả cho chính họ. Chìa khóa để đảm bảo hiệu quả và sự tuân thủ luật pháp: sự gian dối và trốn nợ ngay lập tức sẽ bị làm nhục và tẩy chay. Theo lối nói ngày nay, họ sẽ bị đuổi ra khỏi hội đoàn. Nỗi sợ bị người khác trả thù và tránh mặt là một cơ chế luật pháp tự phát huy hiệu lực vô cùng tuyệt vời.
Bằng cách thực hành niềm tin và sử dụng sự trừng phạt của xã hội thay vì nhờ tới luật pháp, các thương nhân Maghrib có thể tham gia thành công vào hoạt động thương mại vùng Địa Trung Hải trong suốt nhiều thế kỷ.
Ngay cả trong cuộc khủng hoảng niềm tin ngày nay, chúng ta vẫn có những nhà buôn Maghrib hiện đại, nhiều người trở thành bằng chứng thực tế cho thấy niềm tin đơn giản là một cách sống và lãnh đạo tốt hơn – thịnh vượng hơn, giàu năng lượng hơn và nhiều niềm vui hơn. Một ví dụ điển hình cho điều này đó là Azim Premji, Chủ tịch Wipro, một trong những công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất Ấn Độ. Vào một buổi sáng nọ, ông gởi một thông điệp đến mọi trưởng phòng tại Wipro rằng ông đang bay tới Bangalore để gặp họ vào tối hôm đó. Ông nói ông không muốn họ mất nhiều thời gian, nhưng ông cảm thấy có vấn đề rất quan trọng và ông cần nói chuyện trực tiếp với họ. Trong cuộc họp, ông giải thích rằng một vị giám đốc sẽ nghỉ việc vì anh ta đã nâng khống hóa đơn công tác phí. Người này đã có những đóng góp quan trọng cho Wipro và số tiền kê khống không nhiều, nhưng đó là vấn đề về nguyên tắc nền tảng. Premji nói ông đã tự mình giải thích hoàn cảnh vì ông không muốn có lời đồn đại quanh việc ra đi của vị giám đốc nọ và cũng muốn làm rõ rằng bất kỳ nỗ lực nào muốn làm bẽ mặt anh ta sẽ lập tức chịu một hình thức kỷ luật thích hợp tương tự.
Trong một ví dụ khác, một số hàng hóa quan trọng gởi cho Wipro đang được giữ tại cửa khẩu Mumbai chờ thông quan, cùng lúc đó là một phiên thuyết trình ngân sách chính phủ đang được thực hiện. Nhiều người tin rằng phiên thuyết trình này có thể sẽ dẫn tới sự gia tăng thuế suất mà Wipro sẽ phải chịu, vì vậy các cán bộ hải quan cho rằng họ sẽ lợi dụng tình huống này bằng cách cho lô hàng thông quan nhanh hơn để đổi lấy một món tiền nhỏ. Do sự phạm luật của giao dịch này, vấn đề phải được trình lên chủ tịch. Premji nói: “Hằng ngày hãy đi nài xin các cán bộ hải quan tăng tốc thông quan những lô hàng của chúng ta thuần túy theo thông lệ. Đừng đưa bất kỳ đồng ru-pi nào. Nếu những nỗ lực của anh em không thành công, đừng đánh mất con tim. Nếu cuối cùng chúng ta vẫn phải trả một khoản tiền thuế cao hơn nhiều thì cũng không sao, chúng ta sẽ trả, nhưng hãy cố gắng một cách sốt sắng để chỉ thông quan những lô hàng của chúng ta theo cách bình thường”.
Hành vi đáng tin cậy này của Premji đã tạo ra niềm tin. Kết quả là ông được ghi nhận bởi tạp chí Time như là một trong hàng trăm người có sức ảnh hưởng nhất thế giới và bởi tạp chí Financial Times như là một trong hai mươi lăm người “đang tái định hình một cách ngoạn mục cuộc sống của con người, làm việc hoặc suy nghĩ [và] đã hoàn thành nhiều nhất để tạo ra sự thay đổi chính trị, văn hóa, xã hội có ý nghĩa và bền vững”.
Không ai có thể tận hưởng quả ngọt của thành công nếu phải tranh cãi với chính lương tâm của mình… Người ta có thể lắng nghe những gì bạn nói, nhưng họ chỉ tin những gì bạn làm. Chân giá trị là vấn đề của niềm tin. Chúng phải được phản ánh trong từng hành động của bạn.
Azim Premji Chủ tịch Wipro Corp., Ấn Độ
Một thương nhân Maghrib của thời hiện đại khác nữa là Tony Hsieh, CEO của Zappos, người bắt đầu sự nghiệp từ trường đại học vào năm 1996 bằng cách tạo ra một công ty tên là LinkExchange với một người bạn cùng phòng. Hai năm sau, cả hai bán công ty này cho Microsoft với giá 265 triệu đô-la. Tại sao họ bán? Theo Hsieh, đó là vì văn hóa công ty đã suy yếu. “Khi chúng tôi chỉ có mấy người”, anh nói, “chúng tôi ai nấy đều phấn khích, làm việc suốt ngày, ngủ ngay dưới bàn làm việc và không để ý hôm nay là thứ mấy”. Nhưng khi nhân lực của công ty lên tới một trăm thì Hsieh “sợ phải ra khỏi giường vào mỗi sáng và chỉ muốn ngủ nướng”.
Đó là lý do tại sao khi Hsieh trở thành chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư và cuối cùng là CEO của Zappos, ưu tiên hàng đầu là tạo ra văn hóa công ty bao gồm không chỉ sự thịnh vượng mà còn là năng lượng và niềm vui. Trong quá trình đó, anh đưa công ty từ chỗ hầu như không có thương vụ nào cho đến khi thu nhập công ty lên tới 1 tỷ đô-la và đưa Zappos vào danh sách “100 công ty tốt nhất để làm việc” theo bình chọn của tạp chí Fortune. Và cách anh làm được điều này giữa bầu không khí kinh tế ảm đạm nhất trong nhiều thập niên là tin vào nhân viên và khách hàng của mình.
Văn hóa của Zappos là hình ảnh thu nhỏ của niềm tin. Trong cuốn Delivering Happiness của mình, Hsieh nói: “Chúng ta không có những kịch bản có sẵn [để nhân viên chăm sóc khách hàng sử dụng] vì chúng tôi tin rằng nhân viên của chúng tôi biết dùng những phán đoán tinh tường nhất khi giao tiếp với từng khách hàng”. Không giống như hầu hết các trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại, thời gian gọi không được ghi lại và nhân viên được khuyến khích sử dụng thời gian bao lâu cũng được miễn là để làm khách hàng hài lòng. Hsieh nói: “Hãy trao quyền và tin tưởng nhân viên dịch vụ khách hàng của bạn. Hãy tin rằng họ muốn cung cấp dịch vụ tốt nhất… vì họ thực sự muốn điều đó. Hãy hạn chế ít nhất việc nhân viên đưa sự vụ tới người giám sát của họ”.
Zappos cũng tin vào khách hàng của mình, cho họ cơ hội để đặt mua bất kỳ đôi giày nào họ muốn, thử và trả lại nếu họ không thích – với tiền giao hàng miễn phí cả hai chiều và chính sách trả lại có giá trị trong 365 ngày. Ngoài ra, công ty còn nhất quán cư xử theo những cách truyền cảm hứng niềm tin. Vào tháng 5 năm 2010, một lỗi về định giá dẫn tới mọi món hàng có trên 6pm.com, một trang web chị em với Zappos, được chào bán trong vòng sáu giờ với giá tối đa 49,95 đô-la. Vì một số món được thực hiện trên trang web này thường được bán với giá hàng ngàn đô-la nên vụ này đã dẫn tới một thiệt hại khổng lồ cho Zappos. Tuy nhiên, Zappos tôn trọng giá đã được chào mời.
Một mặt, chúng tôi chắc chắn đây là một giao dịch lớn đối với khách hàng, mặt khác, đó là lỗi của chúng tôi và chúng tôi chịu thiệt hại vô cùng lớn (hơn 1,6 triệu đô-la – Ôi chao!) vì bán rất nhiều món dưới giá vốn. Tuy nhiên, đó là lỗi của chúng tôi. Chúng tôi chấp nhận mọi đơn hàng được đặt trên trang web 6pm.com trong khoảng thời gian đó. Chúng tôi xin lỗi bất kỳ khách hàng nào bị bối rối và/hoặc thất vọng trong thời gian chúng tôi phạm sai lầm nhỏ này và cảm ơn họ vì đã là những khách hàng tuyệt vời như vậy. Chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục Mua hàng, Tiết kiệm và Mỉm cười hài lòng trên trang 6pm.com của chúng tôi .
Điều ấn tượng nhất về Hsieh và Zappos là những kết quả họ đạt được ngay giữa cơn suy thoái kinh tế. Và đó không phải là những kết quả tài chính, dù chúng rõ ràng là rất ấn tượng. Với Hsieh, những kết quả quan trọng nhất mà Zappos tạo ra đều có liên quan tới năng lượng tích cực và niềm vui. Trên thực tế, mang lại hạnh phúc cho nhân viên, khách hàng và các đối tác của Zappos mới thực sự là những gì đã định hình nên Zappos. Tầm nhìn và lời tuyên bố mục đích của công ty rất rõ ràng: “Zappos luôn mang lại hạnh phúc cho thế giới”.
Niềm vui lớn trong đời là được tin tưởng một cách đúng đắn.
Charlie Munger Phó Chủ tịch, Berkshire Hathaway
Wipro và Zappos chỉ là hai trong số hàng ngàn đội nhóm và tổ chức đang tạo ra hiệu ứng làn sóng lan tỏa của sự phục hưng niềm tin hiện đại đang tích nguồn năng lượng tích cực ở khắp nơi trên thế giới.
Hãng đồ chơi xếp hình LEGO trụ sở ở Đan Mạch tin tưởng khách hàng thông qua những công cụ để “tự sáng tạo cho riêng mình” trong việc tạo ra, thiết kế và lắp ghép những hình thù từ những mẩu LEGO. Quan điểm của LEGO là khách hàng làm chủ nhãn hiệu LEGO như chính công ty vậy.
Amazon tạo ra niềm tin cho khách hàng bằng cách cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến tuyệt vời, bao gồm phục vụ như là người trung gian cho nhiều nhà bán lại khác – thậm chí cắt giảm giá của mình để cung cấp mọi khả năng chọn lựa có thể cho người tiêu dùng. Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos nói: “Nếu bạn xây dựng một trải nghiệm tuyệt vời, khách hàng sẽ kể cho nhau nghe về nó. Lời truyền miệng quả là đầy sức mạnh”.
Geisinger Health System gia tăng niềm tin với bệnh nhân của họ bằng cách cung cấp dịch vụ “giải phẫu có bảo hành” – một mức giá không đổi cho việc giải phẫu tim nối tắt bao gồm chăm sóc tiền phẫu, hậu phẫu và chăm sóc tiếp theo trong vòng chín mươi ngày đã mang đến những kết quả tốt hơn trên gần như mọi thước đo.
Max Hamburgerrestauranger [Hamburger Restaurants] của Thụy Điển công khai tổng lượng phát tán các-bon của mọi món ăn trên thực đơn, cho phép khách hàng cân nhắc tác động lên môi trường khi đưa ra chọn lựa. Cách hoạt động kinh doanh đầy trách nhiệm và minh bạch này, cũng như việc cung cấp những chiếc bánh sandwich ngon tuyệt, đã tạo ra sự trung thành tuyệt vời của khách hàng và mang lại cho Max sự hài lòng của khách hàng đạt mức cao nhất trong ngành suốt chín năm liên tục.
Ngoài việc tạo ra niềm tin với khách hàng, hàng ngàn đội ngũ và tổ chức cũng đang cố gắng tạo ra văn hóa niềm tin cao. Tata Group của Ấn Độ đã tạo ra một văn hóa như thế cho bốn trăm ngàn nhân viên của mình thông qua khẩu hiệu “Lãnh đạo bằng niềm tin”, thể hiện mục đích của công ty (“Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cộng đồng chúng ta phục vụ”), bộ quy tắc ứng xử và tính nhân văn của họ.
Vào năm 2003, IBM truyền cảm hứng niềm tin cho nhân viên bằng cách đưa ba trăm mười chín ngàn nhân viên khắp nơi trên thế giới tham gia vào sự kiện “gói giá trị” kéo dài ba ngày để tái tạo lại những giá trị họ cảm thấy nên là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của công ty. Một trong ba giá trị họ chọn là “niềm tin và trách nhiệm cá nhân trong mọi mối quan hệ”. Ngày nay, họ đưa ra mô hình niềm tin đó thông qua sự chấp nhận rộng rãi chế độ làm việc tại nhà và những sắp xếp lịch làm việc linh hoạt như là một cách tiếp cận tốt hơn cho đa số nhân viên của mình. Điều đó mang lại kết quả là năng suất và lòng trung thành đều gia tăng.
General Mills tạo ra niềm tin cho nhân viên thông qua cam kết phát triển bền vững, bao gồm những sáng kiến trách nhiệm xã hội thường xuyên và cam kết làm cho “cuộc sống thăng hoa”. Kết quả của niềm tin này là CEO của họ, Ken Powell, được 100% nhân viên đánh giá là “vị sếp tốt nhất” vào năm 2010, có lẽ đứng đầu các vị sếp tốt của Hoa Kỳ.
Công ty Dalton, một công ty dịch vụ xây dựng ở Canada, tạo ra niềm tin cho nhân viên bằng “cách tiếp cận có thể thay thế khác trong xây dựng”, bắt đầu bằng việc tăng cường niềm tin cho nhân viên, sau đó là các đối tác kinh doanh, và cuối cùng là khôi phục niềm tin trong toàn ngành xây dựng.
Trung tâm Y tế Virginia Mason ở Seattle truyền cảm hứng niềm tin cho nhân viên thông qua “Khế ước Bác sĩ”, một thỏa thuận nhằm biến đổi mối quan hệ vốn hời hợt, đối đầu giữa các bệnh viện và các bác sĩ thành một mối quan hệ với niềm tin cao được xây dựng dựa trên những kỳ vọng rõ ràng và sự tin cậy lẫn nhau. Kết quả là văn hóa niềm tin cao đã lan tỏa khắp các cộng đồng mà Virginia Mason phục vụ. Nhiều chính phủ và các xã hội cũng đang tham gia vào sự phục hưng niềm tin này. Là một phần của chiến dịch chống tham nhũng tràn lan, văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Indonesia tiến hành chương trình “cà phê trung thực” nhằm nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm khi người mua phải tự bỏ tiền vào thùng thanh toán. Theo một bài báo trên tờ New York Times, “bằng cách chuyển sang trách nhiệm tự thanh toán, chương trình này buộc mọi người phải suy nghĩ về việc họ có trung thực hay không và, như bạn có thể đoán ra, làm cho họ cảm thấy mình phạm tội nếu không trung thực”. Theo bài báo này, các quán cà phê trong chương trình được xem là một thành công lớn với hơn bảy ngàn địa điểm đang hoạt động ở hai mươi ba thành phố của Indonesia. Theo công bố Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế vào năm 1995, Indonesia đứng cuối bảng xếp hạng trong số những quốc gia được khảo sát. Trước năm 2010, thứ hạng được cải thiện lên 110/178 quốc gia được khảo sát, và những “quán cà phê trung thực” đó đang góp phần vào sự yêu mến của quần chúng đối với vị tổng thống đầu tiên được dân bầu lên Susilo Yudhoyono, người luôn ủng hộ chương trình này như là một phần của chiến dịch chống tham nhũng do ông đề ra.
Niềm Tin Và Sự Trỗi Dậy Của Trách Nhiệm Xã Hội
Như là một phần của sự phục hưng niềm tin, nhiều cá nhân và tổ chức đang thực hành trách nhiệm xã hội hoặc tôn trọng bộ ba mục tiêu tối hậu: con người, hành tinh của chúng ta và lợi nhuận. Tức là thành quả của niềm tin cao (sự thịnh vượng, năng lượng và niềm vui) chỉ có thể bền vững khi các tổ chức và các ngành hoạt động theo những cách có lợi cho các bên liên quan8, chứ không chỉ cho những người sở hữu cổ phiếu9.
8 Stakeholders: các bên (có quyền lợi và nghĩa vụ) liên quan.
9 Shareholders: những người sở hữu cổ phiếu (cổ đông).
Một trong những người nhiệt thành ủng hộ cho sự thay đổi này là CEO của PepsiCo, Indra Nooyi. Dưới sự lãnh đạo của bà, PepsiCo tìm kiếm “sự tăng trưởng bền vững thông qua việc đầu tư vào một tương lai lành mạnh hơn cho mọi người và cho hành tinh của chúng ta” song song với tuyên ngôn “Đạt hiệu quả và có mục đích” của họ. Nhiều công ty khác, và thậm chí nhiều ngành khác, cũng bắt đầu chuyển từ sự tập trung đơn thuần vào lợi nhuận qua sự tập trung vào việc trở nên thân thiện hơn với môi trường và con người, mang lại những thành quả tích cực về sự thịnh vượng, năng lượng, và niềm vui cho mọi cổ đông. Những chuyển biến tư tưởng này tượng trưng cho một sự thay đổi lớn lao và quan trọng đối với thành công vì ngày càng có nhiều người ở khắp nơi trên thế giới nhận ra rằng các cá nhân và công ty không thể chỉ hoạt động kinh doanh và chà đạp thế giới mà không bị trừng phạt. Niềm tin và những lợi ích từ nó đang ngày càng được chuyển sang con người và các tổ chức kiên trì thực hành trách nhiệm xã hội.
Một công ty được cấp giấy phép hoạt động bởi xã hội, cho nên nó phải có bổn phận chăm sóc lại xã hội. Vì vậy, theo đuổi những thành quả ngắn hạn là chưa đủ. Hiệu quả hoạt động đó cần phải hài hòa với mục đích tối thượng; nếu không, nó cũng sẽ biến mất… Vì vậy, các công ty chỉ có thể hoạt động tốt, xét trong dài hạn, nếu các xã hội mà trong đó họ hoạt động cũng vận hành tốt đẹp.
Indra Nooyi CEO, PepsiCo
Đặt trọng tâm vào các bên liên quan hay các cổ đông dẫn tới những đáp ứng xã hội khác nhau. Ví dụ, bên cạnh sáng kiến vi tín dụng từng giúp Yunus được trao giải Nobel, ông còn tạo ra hình thái “doanh nghiệp xã hội” đa quốc gia một cách có ý thức đầu tiên của thế giới – một doanh nghiệp được thiết kế để giải quyết những vấn đề của xã hội mà không phân chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư và mọi lợi nhuận đều được đưa trở lại tổ chức nhằm cải thiện sản phẩm, dịch vụ và gia tăng khả năng cho vay. Một kế hoạch tương tự được phát triển từ một cuộc hẹn ăn trưa vào tháng 10 năm 2005 giữa Yunus và Franck Riboud, Chủ tịch kiêm CEO của Groupe Danone tại Pháp (nhà sản xuất Dannon Yogurt ở Mỹ và những sản phẩm khác khắp nơi trên thế giới). Riboud từng nghe nói về công việc của Yunus nên đã mời ông ăn trưa để tìm hiểu sâu hơn và hỏi ông làm thế nào sử dụng công ty thực phẩm của mình để giúp đỡ người nghèo. Khi Yunus đề xuất lập một liên doanh giữa Grameen và Danone để cung cấp các loại thực phẩm bổ dưỡng nhằm cải thiện bữa ăn cho trẻ em Bangladesh, Riboud đứng lên, chìa tay ra và bắt tay Yunus: “Nhất trí!”. Nghĩ rằng mình nghe nhầm, Yunus cẩn thận hỏi lại Riboud những gì ông ấy vừa nói.
“Tôi hiểu rõ rồi!”, Riboud đáp. “Tôi bắt tay ông vì ông bảo tôi rằng ở Ngân hàng Grameen, ông dựa trên niềm tin thuần túy giữa ngân hàng và người đi vay. Ông cho vay bằng một cái bắt tay thay vì những bộ hồ sơ pháp lý đồ sộ. Vì thế, tôi đang làm theo cách của hệ thống của ông đây. Chúng ta đã bắt tay, và theo như tôi hiểu, thương vụ này vừa được chốt một cách thành công”. Vẫn còn nghĩ rằng Riboud có lẽ không hiểu những gì mình đang dấn thân, Yunus tiếp tục giải thích đó sẽ là một “doanh nghiệp xã hội” – một doanh nghiệp bán sản phẩm với giá vừa đủ để giúp nó tự duy trì hoạt động mà không trả cổ tức cho các nhà đầu tư, vì lợi nhuận sẽ được giữ lại để “làm nhiều điều tốt hơn cho thế giới”. Riboud nhanh chóng đồng ý và một lần nữa bắt tay Yunus, rồi quả quyết nói: “Chúng ta làm thôi!”.
Grameen Danone xây dựng xí nghiệp đầu tiên của họ ở Bogra, Bangladesh, vào năm 2006, và tính đến nay đã thiết lập xong mạng lưới phân phối với hơn 1.600 cửa hàng. Công ty này đã đạt mức bền vững về mặt tài chính vào năm 2010 và đang chinh phục các mục tiêu xã hội của mình bằng cách tạo ra hàng trăm ngàn việc làm và cung cấp thực phẩm dinh dưỡng với giá hợp lý cho trẻ em suy dinh dưỡng ở Bangladesh. Kể từ đó, Grameen tiếp tục hình thành những liên doanh tương tự với BASF, Intel, Adidas và nhiều công ty khác.
Bill Gates, nhà đồng sáng lập của Microsoft và Quỹ Bill & Melinda Gates, tổ chức tư nhân lớn nhất thế giới, tiếp cận vấn đề về các bên liên quan từ quan điểm của “chủ nghĩa tư bản sáng tạo”. Trong bài diễn văn trước các sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard vào năm 2007, Gates nói:
Chúng ta có thể tạo ra các xung lực thị trường hiệu quả hơn cho người nghèo nếu chúng ta có thể làm cho chủ nghĩa tư bản trở nên sáng tạo hơn – hoặc nếu chúng ta có thể kéo dãn sức mạnh của thị trường để nhiều người hơn nữa có thể kiếm lợi nhuận, hoặc ít nhất là kiếm sống, để phục vụ cho những con người đang chịu khốn khó bởi sự bất bình đẳng tồi tệ nhất. Chúng ta cũng có thể buộc các chính phủ khắp nơi trên thế giới phải chi tiêu tiền thuế của dân theo những cách có ý nghĩa nhất đối với người đóng thuế.
Nếu chúng ta có thể tìm ra nhiều cách tiếp cận để đáp ứng những nhu cầu của người nghèo theo cách tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp và những lá phiếu cho các chính trị gia, thì chúng ta phải tìm ra cách bền vững để giảm thiểu sự bất bình đẳng trên thế giới. Công việc này không có hồi kết và có thể không bao giờ được hoàn tất, nhưng bất kỳ nỗ lực nhỏ nào đáp lại thách thức này cũng sẽ làm thay đổi thế giới.
Nhiều nhà tư tưởng hàng đầu từng viết về phong trào này, trong đó có Jeffrey Sachs của Đại học Colombia với cuốn The End of Poverty, và C. K. Prahalad của Đại học Michigan với cuốn The Fortune at the Bottom of the Pyramid. Prahalad xem phong trào này không chỉ là một phong trào xã hội thuần túy mà còn là một phong trào chứa đựng bên trong nó cơ hội giàu có dành cho những ai sẵn sàng mạo hiểm đáp ứng các nhu cầu xã hội. Tựa phụ cuốn sách của PrahaladEradicating Poverty Through Profits (Triệt tiêu cái nghèo bằng lợi nhuận) phản ánh sự tích tụ các lợi ích kinh tế và xã hội biến phong trào này thành một giải pháp thay thế thứ ba với niềm tin cao.
Ngày càng có nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhận biết tầm quan trọng về trách nhiệm của mình đối với xã hội và hành tinh, đồng thời ứng xử theo những cách phản ánh sự hiểu biết đó và truyền cảm hứng niềm tin. Các doanh nghiệp như thế đang tạo ra sự thịnh vượng, năng lượng và niềm vui cho các bên liên quan. Sự chuyển biến nhảy vọt này nhắc cả hai chúng tôi nhớ về “tuyên bố sứ mệnh phổ quát” mà chúng tôi cùng tạo ra trong những năm 1980 tại Covey Leadership Center, một phát biểu chỉ gồm vỏn vẹn mười hai từ [tiếng Anh]: “Gia tăng hạnh phúc trọn vẹn về mặt kinh tế và chất lượng cuộc sống cho tất cả các bên liên quan”10. Đó là nỗ lực ban đầu của chúng tôi nhằm chuyển sự tập trung duy nhất từ cổ đông sang các bên liên quan, sau đó chuyển đến hạnh phúc trọn vẹn và chất lượng cuộc sống (năng lượng và niềm vui) bên cạnh lợi ích tài chính (sự thịnh vượng).
10 Nguyên văn: “To increase the economic well-being and quality of life of all stakeholders”.
Nếu bạn không có được niềm tin từ xã hội mà bạn đang phụng sự, bạn không thể có một mô hình kinh doanh bền vững lâu dài.
Andrew Witty CEO, GlaxoSmithKline
Người Tạo Ra Sự Khác Biệt
Qua một số ví dụ minh họa chúng tôi vừa chia sẻ trong chương này, nghịch lý lớn mà chúng tôi đang nói là có thật. Ngay giữa một cuộc khủng hoảng niềm tin rộng lớn, chúng ta đang thực sự chứng kiến sự phục sinh của niềm tin. Trong kỷ nguyên Bernie Madoff, chúng ta có Muhammad Yunus. Trong thời đại Ken Lay và Jeff Skilling của Enron, chúng ta có Warren Buffett và Charlie Munger của Berkshire Hathaway. Trong thời đại của Ramalinga Raju của Satyam (Enron Ấn Độ), chúng ta có Azim Premji của Wipro.
Khi chúng tôi làm việc với những cá nhân, đội ngũ và tổ chức khắp nơi trên thế giới, chúng tôi thường thấy những người chọn phong cách sống và lãnh đạo trên nền tảng niềm tin là những người tận hưởng trọn vẹn nhất những lợi ích của sự thịnh vượng, năng lượng và niềm vui – và các xã hội lựa chọn như thế cũng vậy. Điều quan trọng nhất là, mỗi người đều có thể tạo ra sự khác biệt. Một nhóm người có thể tạo ra sự khác biệt. Một tổ chức có thể tạo ra sự khác biệt. Một đất nước có thể tạo ra sự khác biệt. Và trong thế giới ngày nay, những hành động hàm chứa niềm tin cao của một người có thể tạo ra hiệu ứng làn sóng lan tỏa những lợi ích của sự thịnh vượng, năng lượng và niềm vui cho các bên liên quan trên khắp địa cầu.
Câu hỏi suy ngẫm
• Bạn nhìn thấy những chứng cứ nào về sự phục hưng của niềm tin trên thế giới?
• Mức thịnh vượng, mức năng lượng và độ lớn niềm vui hiện tại của bạn ra sao?
• Các mối quan hệ với niềm tin cao gia tăng những thành quả nói trên (sự thịnh vượng, năng lượng và niềm vui) trong cuộc sống cá nhân của bạn, đội nhóm, tổ chức và đất nước của bạn như thế nào?