Trong quá trình làm việc với nhiều người và nhiều công ty ở khắp nơi trên thế giới, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với nỗi đau và những trăn trở mà nhiều người trong số họ đang đối mặt có liên quan đến niềm tin. Một trong những lý do khiến cho nỗi đau trở nên quá lớn là tận sâu bên trong, con người bẩm sinh đã biết rằng lợi ích từ các mối quan hệ, đội nhóm và tổ chức có niềm tin cao có hiệu năng cao hơn và sự hài lòng lớn hơn rất nhiều lần. Họ có thể cảm nhận rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn rất nhiều, công việc của họ sẽ mỹ mãn hơn nhiều, và các mối quan hệ cá nhân của họ sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu họ ở trong môi trường có niềm tin cao. Vì thế, nơi nào càng thiếu vắng niềm tin thì thất vọng sẽ càng lớn hơn. Hãy xem những mối bận tâm họ chia sẻ dưới đây nghe có vẻ quen thuộc với bạn không?
“Với nạn tham nhũng, những vụ bê bối và các vấn đề về đạo đức tràn lan mà tôi đang nhìn thấy, dường như tin vào người khác là hành động chấp nhận rủi ro cao – có lẽ phải nói rằng quá cao – đối với tôi.”
“Tư tưởng ‘làm ít hưởng nhiều’ dường như chỉ tạo ra những thứ tệ hại nhất ở nhiều người mà tôi làm việc cùng. Thật là căng thẳng! Làm sao chúng ta có thể xây dựng niềm tin bên trong tổ chức khi chúng ta phải chịu những áp lực như thế?”
“Tôi ước mình có thể tin tưởng vào con cái, nhưng hết lần này đến lần khác chúng chỉ cho thấy chúng không thể tin tưởng được. Làm thế nào tôi buộc chúng phải thay đổi đây?”
“Tôi từng thấy nhiều người nỗ lực đến kiệt sức. Tôi không còn biết mình có thể tin ai được nữa đây .”
“Tôi biết phòng ban của chúng tôi cần phải cộng tác với những phòng ban khác, nhưng làm sao tôi có thể cộng tác với những người tôi không tin?”
“Chúng tôi thuộc một ngành kinh doanh có điều kiện và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều loại luật lệ – tất cả những thứ đó đều bất khả tín. Làm sao chúng tôi có thể xây dựng niềm tin bên trong tổ chức của mình trong bối cảnh niềm tin sa sút đến thế?”
“Khi quyết định có nên tin cậy người khác hay không, tôi không biết mình nên sống và làm việc bằng cái đầu hay bằng con tim nữa!”
“Sự phấn khích và niềm vui tôi thường có trong công việc này nay ở đâu? Một ngày kia, câu hỏi sẽ là ‘Để làm gì cơ chứ?’”
“Sếp của tôi bảo tôi rằng ông ấy tin tưởng tôi, nhưng cách quản lý chi li và để mắt đến mọi việc tôi làm cho thấy điều ngược lại. Tại sao ông ấy không nhìn thấy điều đó nhỉ?”
“Các nhà lãnh đạo công ty chúng tôi bảo rằng chúng tôi được xem là những ‘đối tác’ trong một đội chịu trách nhiệm về chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng tôi có thể tin và làm việc ra sao với những người tôi chưa hề gặp mặt, đặc biệt là những người đến từ những nền văn hóa hoàn toàn khác và thậm chí nói một thứ ngôn ngữ khác?”
“Làm sao tôi dám mạo hiểm tin vào người khác khi cái giá của sai lầm thường rất lớn?”
“Niềm tin có thể có ích trong một số hoàn cảnh, nhưng không bao giờ có ích ở đất nước chúng tôi. Hối lộ, lừa đảo và mưu cầu lợi ích cá nhân là một phần của cách mà người ta đang sử dụng trong cuộc chơi tại đất nước này .”
“Tôi muốn tin rằng niềm tin mang lại những kết quả tốt đẹp, nhưng tôi gặp quá nhiều ví dụ cho thấy không phải vậy. Liệu có nhà lãnh đạo nào ngoài Warren Buffett thành công với điều này không? Liệu có tổ chức nào như vậy hay không? Nếu có, họ là ai và đang làm gì?”
“Làm sao tôi biết được ai là người tôi có thể tin tưởng – và tại sao?”
Nếu bất kỳ mối quan tâm nào nêu trên nghe quen thuộc với bạn, chào mừng bạn đã gia nhập câu lạc bộ của chúng tôi! Nhưng bạn cũng cần biết rằng có một giải pháp, một lựa chọn thứ ba có thể thay thế niềm tin mù quáng, thứ làm cho chúng ta suy kiệt và lừa dối để lấy đi sự thịnh vượng, sinh lực và niềm vui của chúng ta. Hiểu về lựa chọn thứ ba – niềm tin thông minh – chính là nội dung của Phần I cuốn sách này.