Năm 2005 với tôi là một cột mốc đáng nhớ khi gia đình nhỏ chào đón đứa con gái đầu lòng. Sau đó tôi có chuyến tu nghiệp ở Đức, trau dồi thêm những kỹ thuật niềng răng tiên tiến của thế giới. Trở về Việt Nam, gia đình tôi hạnh phúc chào đón thêm thành viên nhí là cậu con trai bé bỏng. Trở thành cha của hai thiên thần nhí này với tôi là một hạnh phúc không gì so sánh được, cũng cho tôi nhiều trải nghiệm, sự thấu hiểu quý báu mà nếu không có các con, tôi sẽ chẳng thể nào có được. Tôi tin rằng những ai được vinh dự ở trong cương vị làm cha làm mẹ này cũng đều có cảm giác như vậy, cảm thấy bản thân lớn lao hơn để có thể che chở cho các con, mong cho con mọi điều tốt đẹp nhất. Hành trình lớn lên của mỗi đứa trẻ đều là một hành trình diệu kỳ, và không thể trốn tránh sự thật là, phụ huynh như chúng ta thật sự có rất nhiều mối lo. Thương yêu càng nhiều lo lắng càng nhiều, đó cũng là lẽ thường. Đó là lý do mà tôi dành riêng một chương để chia sẻ một vài kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ trong phạm vi chuyên môn của mình. Với một chút kinh nghiệm và sự để tâm đúng mực, cha mẹ có thể giúp các con hạn chế tối đa những vấn đề về răng có thể phát sinh do sinh hoạt, chăm sóc không đúng cách. Bởi vì, phòng ngừa vẫn hơn điều trị.
Đầu tiên, cơ bản nhất để đảm bảo sức khỏe răng đương nhiên là vệ sinh răng đúng cách. Đây là điều đã luôn được khuyến cáo thường xuyên mọi lúc mọi nơi rồi, tôi sẽ không nói thêm. Tôi muốn chia sẻ một chút về những nguyên nhân, những “tật” có thể ảnh hưởng đến vẻ đẹp của răng, cụ thể là góp phần dẫn đến tình trạng răng xô lệch, dẫn đến về sau phải có can thiệp bằng niềng răng nếu muốn phục hồi thẩm mỹ.
Các tật về răng có thể do yếu tố di truyền, đây là điều chúng ta buộc phải “trị” chứ không thể “phòng”. Bên cạnh đó, rất nhiều thói quen xấu tưởng như vô hại vẫn có thể dẫn đến các tật răng như hô, móm, nhất là các thói quen ở trẻ em kéo dài từ sơ sinh đến tuổi thiếu niên.
* Núm vú giả
Nhiều bậc cha mẹ có thói quen dùng núm vú giả cho con, để con đỡ quấy khóc, tuy nhiên đây là giải pháp không nên bị lạm dụng. Việc cho trẻ ngậm núm vú giả thường xuyên trong thời gian dài có thể khiến hàm răng trẻ biến dạng, còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cơ mặt, của lưỡi và cung răng. Lực ép từ việc mút núm vú giả sẽ tác động lên xương hàm, có thể dẫn đến việc mất hài hòa trong cấu tạo gương mặt, cụ thể là gây hô. Ngoài ra khi trẻ thực hiện động tác này liên tục có thể khiến hai bên hàm không phát triển, dẫn đến tình trạng vòm hàm hẹp. Thói quen bú bình cũng có ảnh hưởng tương tự. Thêm nữa, nhiều bậc cha mẹ còn có thói quen cho con bú sữa bình để dỗ ngủ, nghĩa là con cứ bú sữa xong là ngủ luôn, việc này làm tăng khả năng bị sâu răng của trẻ.
* Mút tay
Mút tay là một trong những thói quen xấu mà các con hay mắc phải, có ảnh hưởng xấu đến quá trình mọc răng, thẩm mỹ của răng và cung hàm. Trẻ con thường mút tay khi đói, khi cảm thấy bất an hay buồn chán. Nếu phụ huynh không nhắc nhở, ngăn cản thì dần sẽ trở thành một thói quen khó bỏ. Tác hại của việc mút tay tùy thuộc vào số lần mút trong ngày và thời gian kéo dài của mỗi lần mút. Mút tay tiềm ẩn vấn đề về vệ sinh, lây nhiễm những mầm bệnh, nhưng quan trọng hơn là mút tay ảnh hưởng tới răng và xương rất nhiều, trong đó đáng kể là :
* Răng cửa hàm trên mọc chìa ra ngoài làm thưa các răng và dễ bị gãy khi va chạm.
* Khi mút tay, má hóp lại làm cho răng hàm của hàm trên bị ép lại và nằm ở phía trong của răng hàm dưới làm sai lệch khớp cắn. Đây là nguyên nhân gây đau khớp thái dương hàm và khớp cắn hở.
* Răng hàm trên và răng hàm dưới không chạm vào nhau làm cho lưỡi bị đẩy ra phía trước làm trẻ phát âm khó khăn.
* Trong quá trình mút tay, môi dưới bị ép lại nằm phía sau răng cửa hàm trên làm hô (vẩu) răng cửa hàm trên.
Vậy nên khi thấy con có thói quen này, cha mẹ cần can thiệp sớm bằng cách không để trẻ đói lâu, đánh lạc hướng trẻ bằng các hoạt động khác, thậm chí tôi còn nghe những chia sẻ của một vài phụ huynh dùng biện pháp “mạnh tay” là bôi một chút chanh vào tay con. Tôi thì không tán thành phương pháp này lắm, nhưng nếu hết cách thì phụ huynh có thể thử, vì thật ra nó không gây hại cho trẻ.
* Mút môi, cắn môi
Mút môi, cắn môi nếu diễn ra liên tục trong thời gian dài có thể trở thành nguyên nhân gây lệch khớp cắn, hàm vẩu, hàm bất đối xứng. Trẻ có thể mút môi trên hoặc môi dưới, dẫn đến những triệu chứng lâm sàng khác nhau. Nếu trẻ mút môi dưới có thể dẫn đến hàm hô, kém phát triển xương hàm dưới, ngoài ra còn gây tổn thương lên da dưới môi. Nếu trẻ có thói quen mút môi trên thì sẽ dẫn đến tình trạng khớp cắn ngược. Khi nhận thấy con bắt đầu có thói quen này, phụ huynh nên can thiệp sớm bằng cách nhắc nhở, có thể phải dùng thái độ kiên quyết. Trường hợp thói quen trở thành khó bỏ thì cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của nha sĩ để dùng khí cụ can thiệp là thanh chặn môi (lip bumper).
* Tật đẩy lưỡi
Tật đẩy lưỡi (tongue thrusting) được xác định khi trẻ có thói quen đưa lưỡi vào giữa hai hàm răng, khi nuốt nước miếng lẽ ra phải đưa lưỡi về phía sau thì trẻ lại đưa về phía trước. Lực đẩy của lưỡi là rất mạnh, nếu thói quen kéo dài thì sẽ làm răng cửa bị đẩy về phía trước, dẫn đến tình trạng vẩu (cả hai hàm), hoặc khớp cắn hở. Thói quen này có thể khó phát hiện, cha mẹ cần để ý kỹ sinh hoạt của con để có biện pháp nhắc nhở, can thiệp kịp thời.
* Thở bằng miệng
Nguyên nhân có thể do trẻ bị một trở ngại về đường mũi khiến trẻ thở bằng mũi khó khăn nên trẻ phản xạ tự nhiên là thở bằng đường miệng. Thở bằng miệng sẽ làm khô niêm mạc miệng, làm lệch lạc răng và hàm, dễ gây sâu răng và dễ nhiễm khuẩn đường hô hấp. Khi phát hiện con có biểu hiện này, cha mẹ cần đưa con đi kiểm tra đường hô hấp để có giải pháp kịp thời.
* Nghiến răng
Nghiến răng là tật không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà có cả người lớn. Nghiến răng là động tác tác động lực khá mạnh lên răng, cung hàm. Tật này có thể phát sinh do sự căng thẳng, do thiếu canxi và magie, do rối loạn giấc ngủ hoặc do bệnh về đường hô hấp. Trẻ có thói quen nghiến răng thường xuyên, kéo dài có thể dẫn đến những hệ quả tai hại, ảnh hưởng đến cơ, hàm, khớp cắn, khả năng nhai. Đôi khi trẻ vô thức nghiến răng quá mạnh còn có thể làm vỡ men răng, mòn răng, dẫn đến khớp cắn sâu hoặc khiến gương mặt mất cân xứng. Khi phát hiện con có tật nghiến răng, phụ huynh cần đưa con đến gặp bác sĩ để xác định được nguyên nhân, từ đó có biện pháp can thiệp thích hợp.
* Chống cằm, nhai vật cứng
Đây là thói quen dễ bắt gặp khi trẻ bước vào giai đoạn đến trường. Đây là động tác ảnh hưởng đến xương hàm, có thể khiến khuôn mặt mất tính cân đối. Nếu để ý thấy con có thói quen này, cha mẹ cần kiên nhẫn nhắc nhở mỗi lần con chống cằm, dần dần con sẽ bỏ được thói quen.
* Nằm nghiêng một bên
Việc con quen với một phía nào đó và luôn nằm nghiêng về hướng đó là rất thường thấy. Hành động tưởng như vô hại này thật ra có thể dẫn đến những hậu quả lép một bên mặt, lép xương hàm, khiến gương mặt thiếu cân xứng. Đây là thói quen dễ nhận ra nên khi thấy con có xu hướng chỉ nghiêng về một bên khi nằm, cha mẹ cần giúp con trở bên. Ban đầu con có thể vẫn quay về hướng mình quen, nhưng nếu cha mẹ kiên nhẫn giúp con thì rồi thói quen này sẽ không còn.
* Răng sữa rụng quá sớm
Răng sữa có thể đảm bảo cho xương hàm phát triển bình thường và các răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí, giúp trẻ có hàm răng đều đẹp trong tương lai. Khi răng sữa bị nhổ quá sớm sẽ làm mất định hướng của răng vĩnh viễn, xương hàm có thể bị ảnh hưởng và phát triển không bình thường như hẹp cung hàm, khiến răng vĩnh viễn bị thiếu chỗ mọc nên răng mọc chen chúc hoặc lệch hẳn. Điều này sẽ phá vỡ cấu trúc răng, hàm, gây mất thẩm mỹ và các bệnh răng miệng dễ dàng xảy ra hơn. Ngược lại, nếu răng sữa rụng quá trễ cũng có thể chiếm chỗ, khiến răng vĩnh viễn mọc lệch, không đúng vị trí trên xương hàm.
Tuổi các con càng nhỏ càng dễ uốn nắn, cũng càng dễ bị những hành động dù rất nhỏ tác động, định hình. Với một chút tinh tế để ý đến các thói quen của con, phụ huynh có thể giúp con rất nhiều trong việc tránh những thói quen xấu dẫn đến hậu quả về sức khỏe và thẩm mỹ sau này. Tôi hy vọng những chia sẻ này có thể giúp những ai đang là phụ huynh lưu tâm nhiều hơn đến quá trình phát triển, định hình răng, hàm của con. Một can thiệp dù nhỏ cũng có thể đỡ cho con rất nhiều khỏi những điều trị phức tạp sau này.