Bất cứ bệnh nhân nào đi đến chặng cuối của quá trình tôi đều muốn chúc mừng và tuyên dương thành tích của họ. Với tôi, một ngày làm việc bất kỳ đều có thể tháo niềng cho không ít người, nhưng với mỗi bệnh nhân, đó là một hành trình độc nhất vô nhị của nỗ lực, kiên trì. Tháo niềng răng có thể là một trong những khoảnh khắc nhẹ nhõm, đáng mong đợi của bệnh nhân, bởi lúc này bệnh nhân hầu như có thể thấy được thành quả từ sự kiên trì của mình.
Mang niềng răng là cả một chặng đường, bệnh nhân sẽ từng có lúc cảm thấy nặng nề, khó chịu. Đến khi tháo ra thì cũng lại có cảm giác “trống trải”. Theo chia sẻ của nhiều bệnh nhân với tôi thì khi mới gắn mắc cài họ cảm thấy không quen thế nào thì đến lúc tháo mắc cài cũng cảm giác không quen tương tự. Cơ chế thích nghi của cơ thể chúng ta thật diệu kỳ. Ngoài ra, khi mới tháo niềng, sự “không quen” này còn có thể thể hiện ở những phản ứng ở nướu, như sưng, viêm.
Tuy nhiên có phải cứ tháo niềng là đã xong, là bạn sẽ có hàm răng đẹp mãi đến cuối đời? Câu trả lời là không. Hành trình của các bạn chưa kết thúc và vai trò đồng hành của bác sĩ chúng tôi cũng chưa dừng lại. Việc sau cùng, cũng là việc cực kỳ quan trọng với kết quả lâu dài của mỗi ca niềng răng đó là đeo khí cụ duy trì.
Đến thời điểm hiện tại, số ca niềng răng tôi từng thực hiện đã không còn có thể thống kê. Bên cạnh những ca thành công ngoài mong đợi, những ca đi theo đúng liệu trình, cũng có ít nhiều những trường hợp đáng tiếc, đến từ nhiều nguyên nhân mà tôi, với vai trò bác sĩ không thể quyết định được. Đó là ý thức và sự nghiêm túc của bệnh nhân. Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng trường hợp của Dương có lẽ vẫn là một trong những ca tôi không quên được, theo một cách khá buồn. Thời điểm tôi tiếp nhận trường hợp của em, tôi vừa trở về Việt Nam sau chuyến tu nghiệp tại Đức. Ca của em là một ca tương đối khó, hầu như phải thực hiện những biện pháp mạnh tay trong suốt quá trình, nong hàm, nhổ răng, đủ cả. Và sau hai năm, ngày em tháo niềng răng, tôi đã vô cùng vui sướng bởi sự thay đổi tuyệt vời trên gương mặt và nụ cười của em khi so với ảnh trước khi niềng. Đối với tôi, đó là một ca thành công tuyệt đối, thành công ngoài mong đợi, ít nhất là cho đến thời điểm tháo niềng. Hình ảnh chụp của em sau đó cũng được tôi lấy làm mẫu giới thiệu, tư vấn cho những ca khác. Một thành công chuẩn mực, hay ít nhất là khi đó tôi đã nghĩ vậy. Và tôi đã không thể nghĩ vậy được lâu. Vì chỉ hơn nửa năm sau khi tháo niềng, Dương quay lại phòng khám của tôi. Tôi nhớ em rất rõ, và tôi cũng nhận ra ngay vấn đề khi em vừa mở miệng. Sự hoàn hảo mà tôi nhớ ban đầu đã không còn. Răng của em đã có dấu hiệu xô lệch trở lại, không còn hình ảnh hàm răng đều tăm tắp như tấm ảnh tôi chụp ngày em tháo niềng. Với kinh nghiệm chuyên môn, tôi xác định ngay nguyên do, tôi hỏi em:
- Em đã bắt đầu bỏ đeo hàm duy trì từ bao giờ?
Dương có hơi chững lại khi nghe tôi hỏi vậy, ban đầu em còn vòng vo, nói rằng mình vẫn tranh thủ “đeo khi có thể”.
- “Khi có thể” cụ thể là bao lâu môt ngày? Thời điểm này, hơn lúc nào hết chúng ta cần sự trung thực để xác định đúng vấn đề, mới đưa ra được giải pháp. Tôi nhìn là biết ngay em đã không đeo hàm duy trì theo hướng dẫn. Tôi nhớ ca của em rất rõ. Chỉ định là đeo hàm duy trì một năm, đúng không?
Không thể né tránh, Dương thừa nhận là sau khi tháo niềng, em đã nhận một chuyến công tác dài, do đặc thù công việc, phải di chuyển liên tục khắp nơi trong suốt mấy tháng qua. Mấy tuần đầu em còn cố gắng đeo hàm duy trì, nhưng phần vì công việc quá bận rộn, phần vì chủ quan nghĩ rằng không đeo hàm một hôm thì “cũng chẳng sao”, huống hồ răng đã đẹp thế này rồi. Từ việc bỏ đeo một ngày, rồi sau đó hai ngày, ba ngày, rồi có khi em quên luôn không đeo cả tuần.
Tôi chỉ có thể thở dài khi nghe em nói như vậy. Dẫu bác sĩ nào cũng nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc đeo hàm duy trì, nhưng vẫn có không ít bệnh nhân, như Dương, quá chủ quan và quá choáng ngợp trước thành công của việc niềng răng, đã bỏ qua những quy luật cơ bản về những thay đổi trên cơ thể. Không phải tự nhiên mà bác sĩ chỉ định bệnh nhân đeo khí cụ duy trì, dù răng đã đẹp.
Vào giai đoạn cuối của một ca niềng răng, khi tháo niềng cũng là khi răng đã được dịch chuyển đến vị trí mới mà bác sĩ (và bệnh nhân) mong muốn. Đây là thời điểm mà xương và răng còn trong giai đoạn thích nghi, vẫn chưa thật sự cố định chắc chắn ở vị trí mới. Xương và răng cần thời gian cho việc này. Trong thời gian đó, bất cứ tác động ngoại lực nào lên răng cũng có khả năng làm răng tiếp tục dịch chuyển (thường là dịch về vị trí cũ). Các hoạt động sinh hoạt cơ bản như ăn uống, cắn nhai cũng có thể tác động đến răng, chưa kể đến các hoạt động mạnh khác. Đây là lúc bệnh nhân cần hàm duy trì. Nhiệm vụ của hàm duy trì là cố định các răng, giúp răng ổn định ở vị trí mới cho đến khi xương, răng và nướu đã thích nghi và phát triển thuận theo sự thay đổi của hàm răng sau quá trình đeo niềng.
Có ba loại hàm duy trì mà bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân: hàm duy trì cố định, hàm duy trì tháo lắp và hàm duy trì trong suốt.
Tùy thuộc tình trạng răng sau khi tháo niềng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phải đeo hàm duy trì trong bao lâu. Để đảm bảo kết quả cuối cùng cũng như duy trì được kết quả đó lâu dài, bệnh nhân cần tuân thủ đúng thời gian mà bác sĩ yêu cầu. Với những trường hợp thông thường, thời gian đeo hàm duy trì kéo dài từ sáu tháng đến một năm, những ca đặc biệt thì có thể đeo trên dưới hai năm. Trong thời gian đeo hàm duy trì, bệnh nhân cũng cần đảm bảo một lịch tái khám định kỳ với bác sĩ, không chỉ để theo dõi tình trạng ổn định của răng, mà còn giúp xác định đã đến lúc chính thức kết thúc quá trình niềng răng chưa. Thời gian đeo hàm duy trì cũng phụ thuộc vào mức độ bệnh nhân tuân thủ chỉ dẫn về ăn uống, chăm sóc và vệ sinh răng miệng.
Các loại hàm duy trì
Về mật độ đeo niềng, khoảng thời gian từ ba đến sáu tháng đầu tiên, thông thường bệnh nhân được yêu cầu phải đeo hàm duy trì từ 12 đến 20 giờ mỗi ngày. Khuyến nghị này có thể thay đổi dựa trên nhiều yếu tố như mức độ lệch lạc của tình trạng răng ban đầu, tuổi của người điều trị (thời gian mang hàm duy trì ở người lớn sẽ lâu hơn trẻ em). Ngoài ra, bác sĩ còn có thể sử dụng hàm duy trì để hoàn tất một vài vị trí răng chưa thật sự thẳng hàng. Sáu tháng tiếp sau đó có thể chuyển sang chỉ đeo hàm duy trì vào ban đêm. Sau mười hai tháng thì có thể giảm xuống chỉ đeo hàm duy trì ba - bốn ngày trong một tuần, chủ yếu vào ban đêm khi ngủ. Tóm lại, khoảng thời gian đeo hàm mỗi ngày sẽ giảm dần cho tới khi bác sĩ chi định tháo hàm ra.
Tầm quan trọng của hàm duy trì là không thể xem nhẹ. Bất kể kết quả khi tháo mắc cài có khả quan đến đâu, nếu không tuân thủ chỉ định đeo hàm duy trì, kết quả tốt đẹp đó đều có thể biến mất. Sự chủ quan về kết quả trước mắt là vô cùng nguy hiểm. Nguy hiểm không kém chính là suy nghĩ “bỏ một hôm sẽ không sao đâu”. Một hôm đó rồi sẽ biến thành hai, ba, bốn hôm và sẽ đến lúc bạn quên luôn tầm quan trọng của nó, cho đến khi răng bắt đầu xô lệch lại thì mới hoảng hốt lên vì mấy năm trời vất vả đứng trước nguy cơ “đổ sông đổ biển”.
Đeo hàm duy trì thật ra không có gì bất tiện so với một, hai năm trời đeo mắc cài mà bệnh nhân đã vượt qua được. Chỉ cần thêm một chút kiên nhẫn, ý thức và hiểu biết thôi. Trong quá trình đeo hàm duy trì, vệ sinh là điều cần được lưu ý. Hàm duy trì cần được làm sạch hằng ngày bằng cách rửa qua nước lạnh, dùng kem đánh răng và bàn chải đánh răng lông mềm vệ sinh kỹ. Việc này sẽ giúp làm sạch các cặn bẩn, vụn thức ăn bám trên hàm duy trì, hạn chế vi khuẩn làm tổn thương đến sức khỏe răng miệng. Mỗi lần tháo hàm duy trì xuống để tham gia các hoạt động thể thao, sinh hoạt hay ăn uống thì nên cẩn thận để chúng vào trong hộp để tránh tình trạng rơi vỡ hoặc bị mất. Đặc biệt, hàm duy trì bằng nhựa có thể bị biến dạng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, tuyệt đối không dùng nước nóng để rửa.
***
Trường hợp răng bị xô lệch trở lại sau khi tháo niềng vì không đeo hàm duy trì như của Dương (hay còn gọi là tái phát sau niềng răng) chỉ là một trong những trường hợp có thể xảy ra. Tái phát sau niềng răng tuy không thường gặp, nhưng không phải là không có. Và nó đến từ rất nhiều nguyên nhân, từ cả hai phía bệnh nhân lẫn bác sĩ điều trị.
Khi người bệnh không có kiến thức niềng răng nhất định, không tuân thủ theo đúng lộ trình chỉnh nha như chỉ định của bác sĩ thì hiệu quả chỉnh nha có thể không được duy trì. Nhiều bệnh nhân kiên quyết tháo niềng trước thời hạn vì những lý do cá nhân như kết hôn, đi du học, đi công tác có thể sẽ phải chịu rủi ro tái phát do quá trình niềng răng chưa kết thúc hoàn chỉnh. Trường hợp không tuân thủ hướng dẫn đeo hàm duy trì như đã nói ở trên cũng dẫn đến hậu quả tương tự. Một yếu tố khác nữa có thể dẫn đến tái phát đó là độ tuổi. Nếu phụ huynh đưa con đi niềng răng quá sớm, nhưng sau đó không có sự theo dõi những biến đổi trong quá trình lớn lên, thì có thể khi trưởng thành hàm răng đã không còn đẹp.
Về phía bác sĩ điều trị, nếu không có chuyên môn cao, không có tâm lý vững (chiều theo những yêu cầu không hợp lý của bệnh nhân) có thể dẫn đến những tác hại lớn. Nhiều trường hợp bệnh nhân muốn rút ngắn quá trình điều trị, nếu bác sĩ không đủ tầm nhìn chuyên môn có thể chiều theo bằng cách tăng lực siết trên dây cung, khiến việc tiêu xương và tái tạo xương diễn ra không đều nhau, ảnh hưởng đến kết quả sau này. Nguy hiểm hơn còn có thể gây tụt nướu. Ngoài ra còn một trường hợp khó lường khác dẫn tới tái phát đó là mọc răng khôn sau khi niềng răng.
Để tránh tất cả những hậu quả không đáng có đó, bệnh nhân cần lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín để được khám và tư vấn thật kỹ, lựa chọn phương pháp phù hợp, liệu trình hiệu quả. Và quan trọng hơn hết là tuân theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, bất kỳ sự thay đổi nào mà bạn muốn trong quá trình đó, cần được thẳng thắn chia sẻ, thương lượng với bác sĩ. Với niềng răng, dục tốc bất đạt, bệnh nhân cần đảm bảo thời gian điều trị, thời gian đeo niềng, thời gian đeo hàm duy trì. Sau khi chính thức kết thúc quá trình điều trị thì phải theo dõi sự phát triển của răng khôn. Với những ca niềng răng sớm, nên chăm sóc răng sau niềng cẩn thận cũng như phải theo dõi sự phát triển của răng cho đến lúc trưởng thành.
Với trường hợp tái phát, tái xô lệch như của Dương, nếu nhận ra sớm và đến gặp bác sĩ điều trị để xử lý kịp thời thì sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc. Dương được tôi gắn lại mắc cài cho những răng xô lệch, tất nhiên lần này em đã “sợ” rồi và hứa sẽ tuân theo mọi hướng dẫn của tôi. Dẫu sau đó răng em cũng đã đẹp hơn, vẫn đẹp cho đến giờ, nhưng mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy tiếc, vì ca của em lẽ ra đã là một ca thành công hoàn hảo, nếu như em chỉ kiên nhẫn thêm một chút thôi. Các bạn thấy đấy, hành trình niềng răng chưa bao giờ là đơn phương của bệnh nhân hay bác sĩ, cả hai phải luôn kết hợp, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau thì kết quả mới được như mong đợi.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một chút về biến chứng tụt nướu mà tôi có nhắc qua ở trên, vì đây là biến chứng có phần nghiêm trọng, cả về mặt sức khỏe lẫn thẩm mỹ. Như bạn sẽ thấy dưới đây là hình ảnh một hàm răng bị tụt nướu.
Trông vừa đáng sợ, vừa thiếu thẩm mỹ. Tụt nướu có thể xảy ra ở nhiều trường hợp, từ nhiều nguyên nhân, và trong chỉnh nha, nó cũng là một biến chứng có khả năng xảy ra. Nhiều bệnh nhân từng tìm hiểu qua về chỉnh nha cũng rất lo ngại về khả năng này. Tuy nhiên đây là một nguy cơ hoàn toàn có khả năng tránh khỏi.
Tụt nướu là tình trạng nướu răng bị co lại, làm lộ chân răng, làm mất xi-măng răng, có thể dẫn đến gãy răng. Nguyên nhân dẫn đến tụt nướu thì rất nhiều, do bệnh lý (như nha chu) lẫn những tác động ngoại lực không đúng cách (ở đây là niềng răng với bác sĩ thiếu kinh nghiệm). Như chúng ta đều đã biết, niềng răng vốn sẽ tác động ngoại lực lên răng bằng các thao tác vật lý và khí cụ đi kèm. Niềng là quá trình tiêu xương và tái tạo xương, có thể nói răng trong quá trình niềng sẽ ở trong trạng thái yếu. Vệ sinh răng trong lúc mang mắc cài cũng đặc biệt cần sự đầu tư hơn. Nếu trong giai đoạn này, vệ sinh không đúng cách có thể tạo ra những ổ viêm nhiễm trên kẽ răng, cuối cùng dẫn đến tụt nướu. Bởi vậy trước mỗi quá trình niềng răng bác sĩ đều kiểm tra “độ khỏe” của cả răng và lợi. Nếu bệnh nhân có bất kỳ vấn đề bệnh lý về răng miệng nào thì phải xử lý trước khi bắt đầu niềng răng. Tóm lại, cả răng và lợi của bệnh nhân đều phải ở trong trại thái tốt, để tránh viêm nhiễm diễn ra trong quá trình niềng.
Hàm răng bị tụt nướu
Một nguyên do khác có thể là do bệnh nhân chải răng không đúng cách, dùng bàn chải quá cứng, hoặc làm tổn thương nướu trong lúc đánh răng. Thực tế, tôi cũng có những bệnh nhân gặp rắc rối ở biến chứng tụt nướu này chỉ vì vệ sinh răng không đúng cách. Tôi khuyên bệnh nhân nên dùng bộ vệ sinh chuyên dụng như có hướng dẫn ở trên. Đầu tư một chút ngay từ đầu có thể tránh cho bạn vô số rắc rối về sau.
Đáng tiếc nhất trong các nguyên do dẫn đến tụt nướu có lẽ là từ phía bác sĩ thiếu kinh nghiệm, phán đoán sai lực kéo phù hợp cho răng. Khi quá trình tái tạo xương không bắt kịp quá trình tiêu xương mà lực kéo tạo ra, chân răng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, nếu bạn thấy đau nhiều trong những lần siết dây cung, hãy lập tức trao đổi thẳng thắn với bác sĩ điều trị, đừng cố chịu đựng. Vì như tôi đã nói từ đầu, niềng răng đúng cách vốn không đau đớn nhiều.
Vậy, khi tụt nướu bạn cần làm gì? Bình tĩnh là việc đầu tiên. Đến gặp bác sĩ của bạn ngay để được đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Trong trường hợp bạn chỉ bị nhẹ, vừa khởi phát bạn chỉ cần thay bàn chải lông mềm, tập đánh răng đúng cách, có thể sử dụng thêm chất chống ê buốt hoặc ngậm gel flour. Khi răng, nướu sạch sẽ, nướu sẽ từ từ tái tạo quanh chân răng của bạn. Nếu răng có nhiều vôi bám thì bác sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng. Trường hợp tụt nướu nghiêm trọng bác sĩ có thể phải đề nghị bệnh nhân tiến hành phẫu thuật ghép mô nướu để phục hồi lại phần nướu che phủ chân răng. Tuy nhiên, phòng ngừa vẫn hơn điều trị, bạn cần nghiêm túc với hành trình niềng răng của mình dù là những bước nhỏ nhất, có như vậy mới tránh được mọi rủi ro không đáng có.