Sau khi bác sĩ tiến hành xong những thủ thuật chuyên môn tại phòng khám, răng bạn bước vào liệu trình điều trị, thì cán cân nhiệm vụ trong quá trình niềng răng dài ngày này bắt đầu nghiêng về phía bạn nhiều hơn. Lúc này, chỉ có bạn mới giúp được mình có đời sống sinh hoạt thoải mái, sống một cuộc đời bình thường. Dĩ nhiên để làm vậy, bạn cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chỉnh nha, và phải luôn trao đổi thẳng thắn với bác sĩ của mình về bất cứ vấn đề phát sinh nào.
Khi đã bắt đầu đeo niềng răng, bệnh nhân cũng cần chú ý đến các hoạt động của mình. Muốn niềng răng hoạt động tốt và không bị vỡ, cần tránh cắn móng tay, nhai đầu bút .... Khi hoạt động thể thao, bạn có thể tháo niềng răng ra nếu là niềng răng tháo rời, còn với niềng răng cố định thì nên đeo dụng cụ bảo vệ hàm. Đặc biệt nếu bạn thường xuyên chơi nhạc cụ hơi thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình niềng răng, vậy nếu bạn là nhạc công, hoặc thường xuyên chơi nhạc trong các hoạt động hằng ngày thì nên trao đổi trước với bác sĩ để có lựa chọn phương pháp thích hợp như dùng niềng răng tháo lắp.
Tái khám định kỳ là yêu cầu bắt buộc bởi sau khi gắn mắc cài, dây cung, khí cụ, thì việc di chuyển răng về đúng vị trí trên cung hàm được tạo ra do lực siết răng từ dây cung. Tái khám định kỳ hằng tháng giúp bác sĩ xem xét tình trạng răng, mức độ di chuyển răng, tăng lực siết để răng di chuyển. Đồng thời, việc tái khám định kỳ cũng giúp bác sĩ ngăn chặn kịp thời những bệnh lý về răng có thể cản trở quá trình chỉnh nha, kéo dài thời gian niềng răng.
Quan trọng nhất, người đeo niềng cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách, chải răng ba lần/ngày, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng, máy tăm nước… để loại bỏ các thức ăn thừa, mảng bám trên răng gây các bệnh lý như nha chu, sâu răng cản trở quá trình chỉnh nha. Dưới đây là dụng cụ cơ bản mà một người niềng răng phải làm quen và gắn bó một khi đã bắt đầu quá trình.
1. Chỉ nha khoa
Chỉ nha khoa có thiết kế nhỏ, dai và tiện lợi có thể luồn lách vào các kẽ răng và mắc cài nên có thể làm sạch các mảng bám mà bàn chải không thể với tới. Hơn nữa, chỉ nha khoa nhỏ gọn nên dễ mang theo bên người và có thể sử dụng nhanh chóng ở bất kỳ nơi đâu.
Chỉ nha khoa
2. Bàn chải chuyên dụng
Đây là vật dụng rất quan trọng và bắt buộc phải có để chăm sóc răng miệng cho răng niềng. Với những bàn chải chuyên dụng, hàm răng đeo niềng sẽ được lấy đi các cặn bẩn và thức ăn thừa hằng ngày, giúp răng miệng khỏe mạnh và hạn chế các tác động của vi khuẩn có hại cho răng. Có nhiều loại bàn chải chuyên dụng dành cho răng niềng, tùy theo đặc điểm của vùng răng cũng như phương pháp niềng mà bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các loại thích hợp. Và hãy nhớ, chải răng ba lần/ngày.
Bàn chải chuyên dụng
3. Nước súc miệng
Ngoài việc sử dụng bàn chải, chỉ nha khoa để làm sạch răng thì bạn nên sử dụng thêm nước súc miệng bởi vi khuẩn vẫn có khả năng còn sót trong khoang miệng, gây hôi miệng và sâu răng nghiêm trọng. Sử dụng nước súc miệng thường xuyên sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn và chất bẩn trên răng mà bàn chải và chỉ nha khoa có thể bỏ sót, mang lại cảm giác sạch sẽ và thơm tho.
4. Máy tăm nước
Máy tăm nước là dụng cụ cầm tay, dễ sử dụng. Nhờ áp lực nước để làm sạch mảng bảm trên răng. Đây là lựa chọn tuyệt vời, khắc phục mọi nhược điểm vệ sinh răng miệng của các dụng cụ khác.
Máy tăm nước
5. Sáp nha khoa
Với các tính năng vượt trội trong việc bảo vệ răng miệng khỏi những tổn thương khi đeo niềng, sáp nha khoa giống như một lớp nệm giữa khí cụ chỉnh nha và niêm mạc. Sáp nha khoa có độ dẻo vừa phải, độ bám dính cao, giúp hạn chế tổn thương cho vùng niêm mạc miệng sau khi niềng răng, bảo vệ vùng miệng nhạy cảm một cách tối đa.
Sáp nha khoa
Vệ sinh răng miệng đòi hỏi phải làm kỹ và cẩn thận vừa để đảm bảo sức khỏe răng miệng, đặc biệt là không để thức ăn, mảng bám giữ lại trên mắc cài, dây niềng, lò xo,… và không được làm ảnh hưởng đến hình dạng cấu trúc niềng răng. Tôi vẫn khuyên bệnh nhân của mình nên sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride và có thể dùng thêm các nước súc miệng có chứa fluoride thông thường. Chúng sẽ cung cấp fluoride để bảo vệ và làm răng cứng chắc trong suốt quá trình chỉnh nha.
Trường hợp bệnh nhân đeo hàm duy trì sau chỉnh nha hay bất kỳ khí cụ chỉnh nha tháo lắp nào thì chúng cũng cần được vệ sinh thường xuyên. Hãy chải sạch khí cụ hằng ngày bằng bàn chải đánh răng và có thể sử dụng thêm kem đánh răng. Đặc biệt, chú ý làm sạch mặt khí cụ tiếp xúc với răng và niêm mạc miệng.
Các bước vệ sinh răng
Chú ý dinh dưỡng cũng là một trong những điều vô cùng quan trọng mà bệnh nhân nhất thiết phải lưu ý. Cảm giác ê ẩm, khó chịu trong những ngày đầu đeo niềng khiến bệnh nhân có cảm giác không muốn ăn uống. Hoặc sau đó, bệnh nhân lại có thể vì những bất tiện trong việc vệ sinh răng miệng mà cũng “lười” ăn hơn. Nhưng như tôi đã nói ở trên, không đảm bảo dinh dưỡng trong quá trình niềng răng có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có. Để giúp bệnh nhân có thời gian thích nghi với sự khó chịu ban đầu, thường thì bác sĩ chúng tôi sẽ có những biện pháp hỗ trợ như kéo dài thời gian gắn khí cụ, mỗi tuần chỉ gắn một khí cụ để bệnh nhân có sự thích nghi từ từ trước khi gắn khí cụ tiếp theo, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng vật liệu làm giảm sự khó chịu như sáp que mềm để che mắc cài. Trong trường hợp cần thiết có thể sẽ kê thêm thuốc giảm đau.
Người niềng răng nên ăn các thức ăn mềm
Khi Phúc bắt đầu điều trị niềng răng ở chỗ tôi, cô vốn đã gầy, gương mặt nhỏ nhắn khiến hàm răng hô trông càng mất cân đối trên gương mặt. Tất nhiên chúng tôi cũng trải qua những quá trình củng cố tâm lý, tư vấn, thảo luận, lựa chọn giải pháp phù hợp. Thế nhưng chẳng bao lâu sau quá trình đeo niềng, cô hớt hải xuất hiện trong văn phòng tôi với vẻ lo lắng sầu não. Đến hôm đó là cô đã trễ ngày tái khám định kỳ đến hơn một tuần, nghĩa là từ lần gặp trước đến nay đã gần hai tháng. Tôi đã cố gắng liên lạc với cô, nhắc cô tái khám đúng hẹn, nhưng cô nói mình phải đi công tác xa suốt một tháng. Tôi đã hy vọng mọi chuyện sẽ ổn trong thời gian đó, nhưng rõ ràng hiện tại cho thấy cô không ổn chút nào, ít nhất là từ vẻ mặt sầu não kia.
- Em như già đi thêm mười tuổi rồi bác sĩ ạ. – Cô vào thẳng vấn đề. Tôi có thể thấy cô đã gầy đi nhiều so với trước, và má bị hóp, chính điều đó khiến gương mặt cô trông có phần già hơn.
- Em đã sụt bao nhiêu cân rồi? – Tôi hỏi, cô ngập ngừng. Tôi nói tiếp: – Tôi có thể thấy là em đã sụt cân nhiều. Đó là một phần lý do dẫn đến hóp má, và hóp má khiến em trông già đi. Gần đây em có đảm bảo dinh dưỡng như hướng dẫn không đấy?
- Vừa rồi em phải đi công tác liên tục, ăn uống có hơi bất tiện, hơn nữa phải ăn kiêng mà, nên…
- Ăn kiêng? Tôi nghĩ em đã hiểu lầm về “ăn kiêng” trong chỉnh nha rồi.
Thật ra trường hợp của Phúc tôi không lạ gì, nhiều bệnh nhân của tôi dù đã được tư vấn ban đầu về tầm quan trọng của việc đảm bảo dinh dưỡng trong niềng răng. Nhiều bệnh nhân hiểu lầm rằng chỉnh nha thì phải ăn kiêng, nhưng thực tế không phải vậy. Trong điều kiện sức khỏe của bạn bình thường bạn đã phải đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, thì trong khi điều trị niềng răng, khi cơ thể bạn đang chịu tác động, có thể là đau, có thể là phải nhổ răng (mất máu) thì bạn càng phải bổ sung dinh dưỡng đầy đủ hơn. Bác sĩ không khuyến cáo bạn phải ăn kiêng, bác sĩ chỉ khuyên bạn thay đổi cách nạp thức ăn vào cơ thể. Nếu trước đây bạn thoải mái ăn bất kỳ loại thức ăn nào mình thích, ở bất kỳ trạng thái nào mà thức ăn ngon nhất, thì giờ đây bạn cần đảm bảo thức ăn không quá nóng, không quá lạnh, không quá cứng hay quá dẻo, bởi chúng sẽ có những tác động vật lý trực tiếp lên răng của bạn. Còn về bạn ăn gì, thật ra không phải là vấn đề phải kiêng dè đâu. Trước đây bạn thích ăn gì, thì giờ cứ ăn món đó nếu thích. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng giai đoạn đầu khi đeo niềng cơ thể bệnh nhân sẽ có rất nhiều phản ứng đào thải (bởi cơ thể sẽ coi niềng răng của bạn là một dị vật), bệnh nhân sẽ cảm thấy khô miệng, khô môi, rát lưỡi, một số trường hợp có thể loét áp tơ, trầy xước… chính những triệu chứng này khiến bệnh nhân mất đi cảm giác thèm ăn, cộng với việc phải chuẩn bị thức ăn cầu kỳ hơn (thức ăn mềm, cắt nhỏ, hoặc xay nhuyễn) khiến bệnh nhân dần dần rơi vào trạng thái chán ăn. Một hai ngày thì đó có thể không phải là vấn đề, nhưng một khi cơ thể bạn bắt đầu thiếu dinh dưỡng, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, mà còn ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả niềng răng. Tiêu biểu nhất là trường hợp của Phúc, nó khiến em bị tụt cân và gây hóp má. Hóp má, nếu như trước mắt chỉ khiến bệnh nhân trông có vẻ già nua, thì về lâu dài, nó có thể gây những biến chứng trong kết quả điều trị. Ở một mức độ nào đó, thì hóp má trong niềng răng là triệu chứng bình thường (như tôi đã có giải thích ở đầu sách) thì trường hợp hóp má do thiếu hụt dinh dưỡng là không đáng có và có thể cải thiện. Tôi nhấn mạnh lại với Phúc, như với mọi bệnh nhân của mình, rằng phải đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Sự khỏe mạnh sẽ giúp bệnh nhân thích nghi nhanh hơn với niềng răng, sớm đưa bệnh nhân về với sinh hoạt bình thường.
Bổ sung canxi đầy đủ cũng là một yêu cầu bắt buộc của người niềng răng bởi nó sẽ hỗ trợ cho quá trình tái tạo xương. Uống sữa là một giải pháp đơn giản và hiệu quả. Bạn cũng nên tránh những đồ uống nhiều đường và axit gây mòn răng.
- Còn có điều gì khiến em thấy bất tiện về khoản ăn uống không, bởi đó là một phần quan trọng để em quay về nếp sinh hoạt bình thường đấy? Và có sinh hoạt bình thường thì em mới đảm bảo tinh thần được. Mà tinh thần là yếu tố cực kỳ quan trọng trong chỉnh nha, em nhớ chứ? – Tôi hỏi thêm để chắc chắn mình có thể tháo gỡ hết những vấn đề Phúc đang gặp phải.
Biểu đồ dinh dưỡng cho người niềng răng
- Ngoài chuyện không thể ăn uống tùy ý như trước đây thì khi ăn em cũng hay bị mắc thức ăn vào răng và mắc cài. Ở nhà thì không sao, đi làm hay ra ngoài giao tiếp em đều phải liên tục dè chừng, để tránh rắc rối em cũng hay bỏ bữa…
- Em phải nhớ là em sẽ gắn bó với niềng răng gần hai năm, em phải tập làm quen với nó, nếu không em sẽ không thể sinh hoạt bình thường được.
Vướng thức ăn vào các rãnh trên mắc cài hay giữa mắc cài và răng là tình trạng mà người mang mắc cài có thể thường xuyên gặp phải. Ngoài cảm giác khó chịu và nếu thức ăn bị nhét lâu ngày, có thể dẫn đến viêm nhiễm nướu, thậm chí ảnh hưởng đến vị trí tái tạo xương của răng. Sử dụng chỉ nha khoa sẽ là tiện dụng nhất, nhưng tôi vẫn khuyên bệnh nhân nên trang bị máy tăm nước, hiệu quả vệ sinh sẽ tốt hơn. Giai đoạn đầu phải sử dụng thêm những dụng cụ hỗ trợ này, bạn có thể cảm thấy “lỉnh kỉnh”, phiền phức, nhưng rồi sẽ quen, sẽ thành nếp sinh hoạt. Vệ sinh răng miệng và dinh dưỡng nên luôn là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải một giây phút thanh lịch gượng ép, bạn nhé.
Tái khám định kỳ đúng hẹn là một phần vô cùng quan trọng của quá trình niềng răng. Thông thường bệnh nhân sẽ phải gặp bác sĩ sau mỗi ba - sáu tuần một lần, tùy vào mỗi trường hợp và tùy vào diễn tiến của quá trình mà bác sĩ sẽ đặt hẹn. Không phải ngẫu nhiên mà bác sĩ cứ “muốn gặp bạn hoài” như thế. Bạn bận rộn, và bác sĩ chúng tôi cũng vậy. Tái khám thường xuyên bởi điều đó là cần thiết, là quan trọng. Trong những lần tái khám này, tôi sẽ theo dõi diễn biến của quá trình dịch chuyển răng, kiểm tra khí cụ để thay thun, thay dây cung nếu cần. Và đến thời điểm thích hợp thì sẽ tiến hành tạo khoảng trống bằng mài kẽ, hay nhổ răng, và thay đổi lực siết hàm theo đúng liệu trình dịch chuyển răng. Bác sĩ cũng không quá khắt khe nhất định muốn bệnh nhân phải khám đúng ngày đúng giờ hẹn. Bệnh nhân luôn có thể dời lịch nếu bận công việc, nhưng không thể dời quá xa lịch hẹn, bởi sẽ ảnh hưởng đến sự theo dõi tiến triển của quá trình. Nhiều trường hợp bệnh nhân không có kiến thức nhất định về niềng răng, cứ nghĩ rằng tái khám càng nhiều, lịch gặp bác sĩ càng dày đặc, tác động siết lên dây cung càng nhiều thì có thể đẩy nhanh quá trình. Hiểu lầm này là rất nghiêm trọng. Cơ thể chúng ta có cơ chế sinh lý nhất định, chỉnh sửa răng, xương cần có thời gian thích nghi, tái tạo. Xin hãy kiên nhẫn, tái khám đúng kỳ, tin tưởng phác đồ điều trị của bác sĩ của bạn, kết quả rồi sẽ tốt đẹp thôi.