Chuyến bay từ Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Los Angeles vào một buổi chiều âm u tháng Chín. Vậy là tôi đã ở đây, một đất nước hoàn toàn xa lạ, với nền văn hóa trước giờ chỉ biết đến qua sách vở, và với một tương lai đang trải ra trước mắt trên con đường mà tôi đã lựa chọn gắn bó trọn đời – một nha sĩ. Đó là năm 2006, thời điểm những kỹ thuật nha khoa vừa chớm tìm đường du nhập vào Việt Nam. Và tôi sẽ là một trong những cầu nối đưa những tiến bộ kỹ thuật nâng cấp đời sống đó về nước nhà. Suy cho cùng, tôi đã ở nước Mỹ, đất nước có kỹ thuật hàng đầu thế giới về y khoa nói chung và kỹ thuật niềng răng nói riêng.
Ở thời điểm đó, tôi là bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam du học chương trình bác sĩ chỉnh nha chuyên nghiệp ở trường POS, California. Áp lực rõ ràng đến mức tôi gần như có thể cảm nhận nó trĩu trên từng bước đi băng qua khu vực làm thủ tục năm ấy. Nhưng vượt trên cả điều đó, là sự phấn khởi và hy vọng lớn lao về viễn cảnh được tiếp xúc và học hỏi những kỹ thuật tiên tiến và mang nó về quê nhà.
Niềm phấn khởi nhanh chóng xẹp xuống khi sau quá trình loay hoay với mớ hành lý và thủ tục sân bay, tôi gặp được người của trường POS cử ra đón tôi. Đó là một anh chàng cởi mở và hăng hái. Suốt dọc đường về khách sạn, anh hỏi tôi không ngớt những câu hỏi có phần riêng tư, mà tôi chỉ hiểu lõm bõm nửa chừng những gì anh ta nói. Đó là khoảnh khắc tôi nhận ra sự khác biệt vô cùng lớn giữa tiếng Anh tôi học ở Việt Nam và tiếng Anh của người bản xứ. Tôi thật sự phát hoảng với ý nghĩ lớp học đầu tiên của mình sẽ bắt đầu ngay hôm sau mà tôi thì không chắc mình sẽ hiểu được bao nhiêu bài giảng. Sáu năm học nha ở đại học và sáu năm công tác ở khoa Răng Hàm Mặt tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh như thể lùi xa mờ mịt trước áp lực và những điều mới mẻ trước mắt. Nhưng là một bác sĩ, cũng từng là “bệnh nhân”, tôi hiểu sâu sắc những hạn chế hiện tại và tiềm năng tương lai của điều trị nha khoa nước nhà, với quyết tâm hiện thực hóa những tiềm năng đó, tôi xốc lại tinh thần, xông vào “cuộc chiến” học tập phía trước như một chiến binh với nhuệ khí cao nhất.
Đã hơn mười năm trôi qua từ buổi chiều ở xứ người ấy, giờ đây tôi đã phần nào hoàn thành những mục tiêu đề ra từ những năm tuổi trẻ. Hơn hai mươi năm hành nghề, chứng kiến và góp phần vào sự phát triển của kỹ thuật điều trị nha khoa tại Việt Nam, có cơ hội tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, với vô vàn những tình huống, những lo âu và rồi được chứng kiến, cảm nhận được sự hài lòng, mãn nguyện sau điều trị của họ, là một vinh dự và là hạnh phúc to lớn trong cuộc đời hành nghề của tôi. Nhưng hành trình vẫn chưa dừng lại. Con đường trước mắt mà tôi và các đồng nghiệp phải đi với sứ mệnh phụng sự vẫn còn rất dài. Tôi muốn chia sẻ hành trình đã qua của mình và những điều chờ đợi chúng ta ở phía trước, bằng chuyên môn của mình tôi muốn được vinh dự làm người dẫn đường, đưa bạn thoát khỏi những lo âu, thắc mắc ở một lĩnh vực mà theo một cách nào đó có thể cải thiện cuộc sống và hạnh phúc của bạn. Đó là lý do cuốn sách này ra đời.
Tôi không có ý định trình bày ra đây những kiến thức dông dài về kỹ thuật để ru ngủ các bạn. Vinh dự cho tôi, trong hơn hai mươi năm hành nghề đã được tiếp xúc với nhiều người, với mỗi người là một câu chuyện, một trăn trở riêng về vấn đề sức khỏe và thẩm mỹ nha khoa. Tôi muốn kể lại những câu chuyện này, để chia sẻ kiến thức chuyên môn của tôi, phối hợp cùng kinh nghiệm điều trị của những bệnh nhân tôi từng hỗ trợ. Hy vọng của tôi là có thể mang đến một tài liệu vừa bổ ích, vừa thú vị về lĩnh vực niềng răng, để những ai có vấn đề về răng miệng nhưng vẫn còn do dự và lo lắng chưa tìm đến giải pháp phù hợp thì có thể sớm lựa chọn cho mình một quyết định đúng để cải thiện vấn đề sức khỏe và thẩm mỹ tưởng nhỏ mà rất quan trọng là hàm răng này. Cái răng cái tóc là gốc con người. Chỉ một hành động nhỏ, một quyết định sáng suốt và một chút kiên trì, ai cũng có thể vun đắp cho cái gốc này luôn khỏe mạnh và đẹp đẽ.
Những câu chuyện được chia sẻ trong cuốn sách này đã có sự đồng ý của các nhân vật được đề cập, nhiều trường hợp được đổi tên để đảm bảo sự riêng tư của bệnh nhân.
***
Để bắt đầu kể câu chuyện của mình, sẽ không gì thích hợp hơn là quay lại hơn hai mươi năm trước, sau rất nhiều cân nhắc cuối cùng tôi đã lựa chọn theo chuyên ngành nha. Vì sao tôi lựa chọn một chuyên ngành vẫn còn chưa phổ biến và ít cơ hội vào thời điểm đó như vậy? Xác định đi theo ngành y, những nguyện vọng và mong muốn cống hiến của một thầy thuốc của tôi về cơ bản cũng như mọi đồng nghiệp khác, nhưng bên cạnh đó, tôi còn tự nhận thấy ở mình một khát vọng tìm tòi những điều mới mẻ và một “tham vọng” được dự phần trong một quá trình phát triển mang lại dấu ấn nào đó. Tôi sẽ không chối cãi là tại thời điểm lựa chọn đi theo ngành nha, tôi đã ôm mộng xây dựng, đẩy mạnh và phát triển chuyên khoa này ở nước nhà. Suốt những năm sinh viên, rồi những năm tháng hành nghề, rời xa gia đình đi tu nghiệp, khát vọng đó trong tôi chưa từng thay đổi.
Năm 1996, năm thứ tư đại học, nha khoa chỉnh hình du nhập vào Việt Nam với kỹ thuật niềng răng bằng mắc cài. Dù lúc này vẫn là một sinh viên với kinh tế eo hẹp, tôi vẫn đăng ký tham gia điều trị, phần vì hiểu được sự cần thiết của việc điều trị dự phòng này, phần vì muốn trải nghiệm những điều tôi đã, đang và sẽ tiếp tục học rồi điều trị cho người khác với tư cách một bệnh nhân. Sẽ không có cách nào hiểu được công việc mình đang theo đuổi nhiều hơn là thật sự dấn thân vào nó. Và bất chấp những ngày cuối tháng phải co ép chi tiêu, thậm chí còn từng trải qua những cơn đói về đêm mà không có gì bỏ bụng, tôi biết khi đó mình đã lựa chọn đúng. Nhờ trải nghiệm này mà tôi đã thật sự thấu hiểu sâu sắc những lo lắng, những thắc mắc, những trở ngại tâm lý mà một bệnh nhân trước và trong liệu trình niềng răng thường gặp phải.
Niềng răng, hay chỉnh nha là một kỹ thuật dùng để sắp xếp đều các răng, đưa răng mọc lệch về vị trí thích hợp. Ban đầu, đó là một quá trình điều trị dự phòng cho các bệnh sâu răng, nha chu và những ca lệch hàm nghiêm trọng, nhằm đảm bảo vệ sinh răng miệng cũng như chất lượng cuộc sống hàng ngày qua việc phục hồi sức nhai. Về sau, kỹ thuật ngày một phát triển, chỉnh nha còn giúp điều trị những ca hô, móm, phục hồi tính thẩm mỹ của gương mặt.
Niềng răng là phương pháp điều trị đã có từ rất lâu trên thế giới. Ở các nước tiên tiến, niềng răng được liệt vào y tế dự phòng và còn được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên ở Việt Nam, kỹ thuật này mới chỉ được du nhập chưa lâu và cho đến những năm gần đây mới bắt đầu được chú ý và biết đến nhiều. Dẫu vậy, nhận thức của đa số về sự cần thiết, tầm quan trọng của loại hình can thiệp y tế này vẫn còn hạn chế và những hiểu biết quy trình trị liệu vẫn còn mơ hồ.
Bản thân tôi khi trải nghiệm quá trình với tư cách bệnh nhân cũng từng trải qua nhiều lo lắng, trong đó, câu hỏi lớn nhất là niềng răng có đau không? Và trong quá trình niềng răng cuộc sống sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Lợi thế của tôi khi đó chính là những kiến thức y khoa đã tích lũy được trong bốn năm đại học.
Đầu tiên, để hiểu về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc chỉnh nha, chúng ta cần hiểu chỉnh nha là gì. Niềng răng, hay chỉnh nha, là một phương pháp thẩm mỹ sử dụng hệ thống mắc cài và dây cung, áp dụng lực lên hai hàm răng giúp sắp xếp lại tình trạng răng mọc không đúng vị trí như: Hô, móm, thưa hay lệch. Mục đích của kỹ thuật chỉnh nha này nhằm góp phần mang lại một hàm răng đều đẹp, ngay ngắn và về đúng khớp cắn. Những lợi ích thiết thực của chỉnh nha thể hiện rõ qua cảm giác thoải mái khi ăn nhai, mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ và quan trọng là giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Tình trạng trước niềng răng của tôi là răng lệch và hô. Tuy nhiên vẫn có những tình trạng răng, hàm lệch nghiêm trọng có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt khác.
Với những ai bị móm, khả năng cắn xé thức ăn kém, dẫn đến khó ăn.
Với người bị vẩu, nhìn trực diện, gương mặt khá khó coi do cấu trúc gương mặt hơi nhọn, thô, ngoài ra họ còn hay bị tình trạng hở nướu (khi cười thấy nướu nhiều hơn răng).
Khớp cắn hở khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc cắn xé thức ăn, ảnh hưởng đến việc ăn nhai nên cần phải chỉnh nha, niềng răng đóng khoảng hở lại.
Cũng có những người bị khớp cắn sâu sẽ khó khăn trong cắn xé lẫn ăn nhai nên cần chỉnh nha, niềng răng để khớp cắn đúng, giúp việc ăn uống dễ dàng hơn.
Khớp cắn chéo là tình trạng nếu bị nặng có thể gây méo, lệch cằm.
Bên cạnh đó, xét về tình trạng răng lệch lạc, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và thẩm mỹ thì còn có thể phân thành những loại dưới đây:
Răng chen chúc: Răng mọc thừa hoặc mọc chen chúc với nhau trên cung hàm, xảy ra khi kích thước của răng lớn trong khi xương hàm nhỏ, không đủ cho răng mọc.
Răng lệch đường giữa: Điển hình là phần trung tâm của hai răng cửa hàm trên và hai răng cửa hàm dưới lệch vị trí nhau, không tạo thành một đường thẳng.
Răng thưa: Có khoảng trống giữa các răng trên cung hàm.
Khớp cắn chuẩn
Răng hô
Răng khấp khểnh
Răng móm
Các dạng khớp cắn phổ biến
Các dạng khớp cắn lệch
Quay trở lại với nỗi sợ những cơn đau và câu hỏi muôn thuở: niềng răng có đau không? Đau cũng có nhiều dạng và mức độ. Về bản chất, niềng răng là kỹ thuật dùng khí cụ tác động lực lên cấu trúc răng, tạo sức ép lên răng, nên không thể tránh khỏi cảm giác ê buốt và căng tức âm ỉ. Ngoài ra ma sát giữa khí cụ niềng răng và lưỡi cũng có thể tạo ra cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, những cảm giác này sẽ dần dần mất đi, hay nói đúng hơn, bạn đã quen với sự hiện diện của khí cụ và không còn cảm thấy khó chịu nữa. Trong quá trình niềng răng, bình quân một tháng bạn phải gặp lại bác sĩ để thay dây cung, thay thun và tăng lực siết. Việc di chuyển răng về đúng vị trí trên cung hàm được tạo ra do lực siết răng từ dây cung. Và bởi vì răng được đặt áp lực di chuyển rất chậm nên hầu như bạn sẽ không cảm thấy đau. Hơn nữa, thường thì khi bắt đầu quá trình điều trị, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng dây cung có lực nhẹ để bệnh nhân dần quen. Riêng trường hợp phải nhổ răng thì sẽ đau nhiều hơn và phải uống thuốc giảm đau. Vấn đề nhổ răng hay không và trường hợp nào bắt buộc phải nhổ răng tôi sẽ nói kỹ hơn ở một phần khác.
May mắn thay, hơn mười năm qua, những tiến bộ khoa học đã không ngừng nâng cấp cho kỹ thuật niềng răng. Ngày nay, dây cung niềng răng là loại có tính đàn hồi (dây hợp kim Niti – Niken và Titanium). Đặc điểm của loại dây này là có “trí nhớ”, tức khả năng phục hồi lại nguyên dáng ban đầu sau khi bị biến dạng, chính quá trình phục hồi nguyên dáng ban đầu này tác động lực lên mắc cài đã được lắp trên răng, làm răng di chuyển chậm, và bệnh nhân hầu như không đau.
Nói tóm lại, ngay cả trong thời điểm tôi thực hiện niềng răng khi kỹ thuật còn chưa phát triển, thì niềng răng cũng không gây quá nhiều đau đớn, còn ngày nay, niềng răng hầu như không đau. Vậy nên nếu trong quá trình niềng răng, bệnh nhân cảm thấy đau nhiều hoặc không thể sinh hoạt bình thường thì hãy nghĩ ngay đến lực siết mạnh có thể xảy ra nếu bệnh nhân không lựa chọn bác sĩ tốt hay tự mình niềng răng tại nhà.
Sau khi chính mình trải nghiệm quá trình niềng răng, sống cùng niềng răng, rồi sau đó nhận được kết quả ưng ý, tôi càng thấy tâm huyết với nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi, càng muốn học hỏi và cống hiến nhiều hơn. Tôi ra trường năm 1998, và bắt đầu công tác tại khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp, tôi được theo đuổi công việc mà mình yêu thích, cũng trong giai đoạn này, tôi gặp được người phụ nữ tuyệt vời mà sẽ gắn bó với tôi tạo dựng một gia đình hoàn chỉnh về sau. Thế nhưng, cũng trong giai đoạn đó, lòng tôi vẫn không ngừng canh cánh về sự tiến bộ của ngành. Mấy năm làm nghề, tôi gặp vô số bệnh nhân, vô số trường hợp, có những trường hợp có thể dễ dàng xử lý, nhưng cũng không thiếu những trường hợp bệnh nhân buộc phải trải qua những đau đớn nhất định mới có thể đi đến kết quả cuối cùng. Thậm chí nhiều trường hợp bệnh nhân quyết định bỏ cuộc, không điều trị tiếp vì nỗi sợ những cơn đau hay biến chứng. Tôi tự nói với mình phải học nhiều hơn, phải tìm tòi nhiều hơn, phải đến lúc nâng tầm công nghệ điều trị để bệnh nhân không còn đớn đau hay e ngại nữa. Năm 2005, cơ duyên đã đến với tôi. Trong một chuyến đi dự hội thảo ở Pháp, tôi được giới thiệu về khóa đào tạo chuyên sâu kỹ thuật niềng răng ở trường POS, nước Mỹ. Thời điểm đó ở Việt Nam còn chưa có khóa dạy chuyên sâu về niềng răng, và cũng chưa có ai sang Mỹ học chuyên ngành này. Vậy đây là cơ hội, cũng là thử thách của tôi. Tôi biết mình phải nắm ngay lấy cơ hội này, dù phải để người vợ vừa kết hôn không lâu lại Việt Nam. Nhưng hơn ai hết, tôi biết con đường mình phải đi, tôi biết đó là con đường dành cho tôi, thuộc về tôi.
Vậy là tôi đến nước Mỹ.
Cùng các đồng nghiệp tại Mỹ