Quá trình học tập bằng ngôn ngữ thứ hai hóa ra cũng không đáng sợ như tôi nghĩ. Sau một vài tuần đầu cần tập trung cao độ khi lên lớp, tôi bắt đầu quen với nhịp của bài giảng, mỗi lần lên lớp trở thành một chuyến khám phá thú vị. Năm 2010, tôi tốt nghiệp, trở về Việt Nam và bắt đầu đem những gì mình học được phục vụ cho cộng đồng.
Đã gần mười năm trôi qua từ thời điểm ấy, tôi vẫn nhớ ca đầu tiên mình thực hiện sau khi trở về Việt Nam. Bước vào văn phòng tôi hôm đó là một người mẹ trẻ với gương mặt căng thẳng, đi cùng là cô con gái độ chừng đang học cấp hai. Phối hợp cùng vẻ căng thẳng của người mẹ là gương mặt như mất đi mọi sức sống của cô con gái. Hiển nhiên, cô bé đã bị ép đến đây. Sự căng thẳng và bất hợp tác của hai bệnh nhân đầu tiên khi tôi hành nghề trở lại chắc chắn đã đặt phần nào áp lực lên tôi.
Hơn ai hết, tôi hiểu rằng với điều trị niềng răng, chuyên môn và kỹ thuật là chưa đủ, điều quan trọng không kém là tâm lý. Và là một bác sĩ niềng răng, bên cạnh việc đảm bảo sự cẩn trọng, tỉ mỉ về chuyên môn thì điều cần phải luôn để tâm là giải phóng tâm lý cho bệnh nhân. Điều trị niềng răng là một hành trình dài, qua nhiều giai đoạn và đòi hỏi sự phối hợp giữa bác sĩ và bệnh nhân. Quá trình không thể nào diễn ra suôn sẻ nếu một bên luôn e dè, sợ hãi đối phương. Vậy nên tôi biết ngay là mình cần giải quyết sự căng thẳng đang tràn ngập trong căn phòng.
Người mẹ giới thiệu mình tên Nga, cô con gái là Linh Anh. Linh Anh đang ở tuổi 14 và vừa nhập học lớp chín. Tôi cố gắng khơi lên một cuộc trò chuyện cởi mở với hai mẹ con, đặc biệt là cô con gái, người mà qua quan sát chuyên môn, tôi không khó nhận ra chính là bệnh nhân tương lai trong văn phòng của mình. Trò chuyện với người mẹ khá dễ dàng vì chị có vẻ là người cởi mở. Chị tự giới thiệu mình hoạt động kinh doanh, đi lại giao tiếp nhiều, nên đã nghe nói đến kỹ thuật niềng răng. Tuy nhiên, những gì chị “nghe được” vẫn rất mơ hồ, và đa số là những mô tả có phần “đáng sợ”. Dẫu vậy, chị vẫn mong muốn con gái có được cơ hội cải thiện khuyết điểm trên gương mặt mà bản thân chị vẫn luôn phần nào cảm thấy áy náy với con.
Linh Anh có đôi mắt sáng, vầng trán cao, nhưng có răng hô và có phần xộc xệch dẫn đến về tổng thể gương mặt kém hài hòa. Và với một cô bé mà nói, tôi không nghi ngờ gì là em sẽ phần nào cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình. Nhưng đó là vấn đề chúng tôi sẽ giải quyết sau, trước mắt, cái tôi cần làm là tìm hiểu sự căng thẳng và bất hợp tác mà cô bé thể hiện khá rõ ràng trong màn chào hỏi ngắn của chúng tôi. Và dĩ nhiên, cả sự lo lắng của người mẹ nữa. Và những căng thẳng này, tôi phải bóc từng lớp.
Đầu tiên, tôi quyết định chuyện trò với người mẹ để hiểu và giải thích những lo lắng của chị trước khi chuyển sang làm quen với cô con gái. Dĩ nhiên cô bé vẫn ngồi cạnh bên để nghe những giải thích đó, tôi hy vọng rằng điều đó sẽ phần nào giúp cô bé có sự chuẩn bị trước khi chúng tôi đi sâu vào giải quyết vấn đề.
Lo lắng đầu tiên vẫn là lo lắng mà hầu như bất kỳ ai từng cân nhắc đến giải pháp niềng răng đều nghĩ tới, là niềng răng có đau không. Câu trả lời cho vấn đề này như tôi đã đề cập ở chương trước, tôi trình bày nó rõ ràng với người mẹ. Và phần giải đáp đó dẫn đến câu hỏi thứ hai, câu hỏi quan trọng mà chị quan tâm nhất: khi nào thì phải nhổ răng và con gái chị có buộc phải nhổ răng nếu muốn niềng răng không?
Đầu tiên, mục đích của việc nhổ răng là để tạo khoảng trống để răng di chuyển. Đây là một nguyên lý vô cùng cơ bản, niềng răng là sự can thiệp vật lý, đưa những răng mọc ở vị trí không đúng về một vị trí khác thích hợp hơn. Và để di chuyển, thì nhất định cần có khoảng trống.
Để tạo khoảng trống niềng răng, bác sĩ sẽ có các biện pháp nha khoa là tạo các khe hở để răng đủ chỗ đứng khi dịch chuyển về vị trí mới, tránh tình trạng chen lấn giữa các răng (những ai có răng mọc thưa thì không cần các biện pháp tạo khoảng trống). Việc tạo khoảng trống niềng răng sẽ giúp quá trình niềng răng diễn ra nhanh hơn, đơn giản hơn và hiệu quả đạt được tốt hơn. Thêm vào đó sẽ tiết kiệm được thời gian mang khí cụ niềng răng cho người điều trị. Về cơ bản, để tạo khoảng trống trong cung hàm có rất nhiều phương pháp, nhổ răng chỉ là một trong số đó. Ngoài ra, còn có phương pháp mài kẽ răng (mài hai mặt bên của răng, làm cho răng thon hơn, tạo khoảng trống để di chuyển răng), nong cung hàm (tôi sẽ dành một phần riêng để nói về kỹ thuật này bên dưới), di xa răng cối lớn, dựng trục răng nghiêng, chính xoay các răng sau, làm nhô các răng trước v.v... Trong những phương pháp này thì nhổ răng đem lại khoảng trống tương đối lớn (khoảng 6 - 8 cm mỗi bên), nên thường thì sẽ được chỉ định khi răng bệnh nhân mọc chen chúc hoặc hô nhiều. Thông thường, bác sĩ sẽ kéo lùi nhóm răng cửa vào khoảng trống răng đã nhổ nhằm giảm hô (điều trị hô), hoặc xếp đều nhóm răng cửa bị chen chúc vào khoảng trống nhổ răng (răng chen chúc), hoặc là kéo chiếc răng khểnh vào vị trí nhổ răng (điều trị răng khểnh), v.v… Trong một số trường hợp, có thể còn khoảng trống nhỏ, do kích thước răng không phù hợp (quá to hoặc quá nhỏ so với hàm đối diện), hoặc do răng bị dị dạng (răng hình chêm, răng dính với răng). Khi đó bác sĩ sẽ đề nghị trám lại hoặc làm veneer để thay đổi hình dạng răng và đóng kín khe hở.
Mài kẽ răng
Như vậy, niềng răng không phải là một công cụ “thần kỳ” có thể di chuyển răng mà không có khoảng trống. Niềng răng không thể giúp răng cửa lùi lại, dù chỉ là 0,5 mm nếu bác sĩ không tạo ra được khoảng trống.
Thông thường, sau khi chỉnh nha, khoảng trống sẽ được đóng lại, vì vậy bệnh nhân không phải trồng lại răng sau khi chỉnh nha vào vị trí răng đã nhổ.
Tuy nhiên, trong quan niệm của tôi và nhiều đồng nghiệp khác, nhổ răng chỉ nên là giải pháp cuối cùng nếu như các phương pháp khác không có khả năng tạo đủ khoảng trống cũng như những điều kiện cần thiết khác để răng di chuyển. Với tôi, chỉnh nha vẫn luôn tuân theo nguyên tắc điều chỉnh bảo tồn, hạn chế mọi sự “phá hủy” không cần thiết. Ngoài những yếu tố như không có khả năng phục hồi thì việc quan trọng là nhổ răng sẽ ảnh hưởng lớn đến khuôn mặt của bệnh nhân. Vì vậy, trong quá trình cần cân nhắc có nên nhổ răng hay không, bác sĩ chỉnh nha sẽ cần phải nghĩ đến và dự đoán được khuôn mặt của bệnh nhân sau khi kết thúc kế hoạch điều trị và sau mười, hai mươi năm sau đó. Tất cả những trường hợp mà nhổ răng khi niềng răng đều được xem là những ca khó và cần nhiều thời gian để hoàn thành kế hoạch điều trị hơn là ca niềng răng không nhổ răng. Tôi khẳng định điều đó với người mẹ:
– Vậy trong trường hợp nào thì bắt buộc phải nhổ răng? Và bác sĩ xác định trường hợp đó bằng cách nào? – Người mẹ hỏi.
Một câu hỏi hoàn toàn hợp lý. Mọi quyết định nhổ răng của bác sĩ đưa ra đều phải trải qua quá trình thăm khám, kiểm tra bằng trực quan lẫn chụp phim và phân tích cấu tạo răng, xương hàm cũng như phân tích dấu mẫu hàm. Tuổi của bệnh nhân cũng là một nhân tố quyết định có nhổ răng hay không. Thông thường, trẻ em sẽ không phải nhổ răng, bởi vì ở độ tuổi đó, xương hàm của trẻ vẫn đang phát triển để có kích thước lớn như của người trưởng thành, trong khi kích thước của răng thì không thay đổi. Vì vậy, bác sĩ sẽ có đủ chỗ để sắp xếp răng đều đặn và thẩm mỹ mà không cần nhổ răng.
Hình ảnh toàn cảnh tiêu chuẩn
Hình ảnh X-quang chân răng cả hàm trên và dưới
X-quang phân tích xương hàm giúp xác định tình trạng răng
Đối với những trường hợp được chỉ định phải nhổ răng, vấn đề tiếp theo cần cân nhắc chính là: phải nhổ răng nào?
Dĩ nhiên, với cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, hạn chế càng nhổ ít răng càng tốt. Đầu tiên, chọn những chiếc răng đối xứng với răng đã mất (để hạn chế số răng cần nhổ). Nếu bệnh nhân có đầy đủ 32 cái răng, thì yếu tố kế đến là những răng đã bị hư hỏng, bị vỡ lớn, bị sâu nhiều, bị mài làm răng sứ, bị chữa tủy, v.v… Nếu răng được chăm sóc tốt, và không có chiếc răng nào bị hư hỏng, thì những răng ít sử dụng hoặc không có chức năng như răng số 8 (răng khôn) hoặc các răng số 4 sẽ được chỉ định nhổ.
Nói thêm một chút về răng khôn. Răng khôn là răng cối lớn trong cùng, hay còn gọi là răng số 8, thường mọc khi bệnh nhân 18 tuổi, nếu có đủ khoảng trống. Trong trường hợp cung hàm bệnh nhân nhỏ, không có đủ khoảng trống, răng khôn có thể chưa mọc, mọc kẹt, hoặc bị ngầm. Răng khôn có kích thước tương đối lớn, thường không đủ chỗ để mọc, hoặc nếu mọc lên sẽ đẩy các răng khác ra trước, gây xô lệch hoặc hô thêm. Thực tế, một số bệnh nhân cảm thấy răng của họ bị hô hoặc chen chúc nhiều hơn so với lúc 16,17 tuổi (trước khi răng khôn bắt đầu mọc). Khi răng khôn mọc, sẽ làm giảm khả năng kéo lùi nhóm răng cửa để giảm hô, hoặc mất đi khoảng trống để xếp đều răng (khoảng trống từ việc nhổ răng số 4), ảnh hưởng đến kết quả chỉnh nha. Vì vậy, khi bác sĩ chỉnh nha cảm thấy răng khôn gây bất lợi cho quá trình điều trị, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân nhổ răng khôn.
Các dạng mọc răng khôn thường gặp
Tiếp theo, một trong những điều cần hiểu về nhổ răng trong chỉnh nha mà tôi muốn nhấn mạnh đó là sức khỏe răng và sức nhai sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Như tôi đã nói, không có bác sĩ chỉnh nha nào muốn nhổ răng của bệnh nhân, trừ khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên, xét về lâu dài, một hàm răng có khớp cắn tốt sẽ vẫn tốt hơn một hàm răng “có nhiều răng” nhưng tiếp xúc giữa các răng không tốt. Sức nhai của hàm răng sẽ phụ thuộc vào bề mặt răng “thật sự tiếp xúc” với hàm đối diện khi ăn nhai. Nghĩa là nếu bạn có chiếc răng khểnh hay răng bị lệch vào trong hay ra ngoài, thì những răng đó “không có tiếp xúc nhai”. Khi chỉnh nha, bác sĩ có thể nhổ đi chiếc răng bạn đang dùng để ăn nhai, nhưng sau đó sẽ kéo chiếc răng khểnh (hoặc răng bị lệch lạc khác) vào “vị trí ăn nhai”. Vì vậy, sức nhai sẽ được phục hồi sau khi chỉnh nha. Về sức khỏe của răng, một chiếc răng sẽ có được “độ bền” lâu dài và tuổi thọ cao nếu trục răng được đặt ở vị trí thẳng góc so với cung hàm. Ví dụ trường hợp răng cửa bị chìa ra trước, dưới tác dụng của lực nhai, phần chân răng có thể bị ảnh hưởng, và “sức khỏe” của răng có thể không được tốt bằng một chiếc răng có trục dựng thẳng so với nền xương hàm. Khi chỉnh nha, bác sĩ sẽ cố gắng dựng trục răng phù hợp với nền xương hàm, nhằm giúp cho răng có “sức khỏe” khi ăn nhai tốt nhất.
Vài sự thật thú vị về răng khôn
» Răng khôn bắt đầu hình thành trong xương hàm khi bạn khoảng 10 tuổi và bắt đầu mọc từ 17- 25 tuổi.
» Không phải ai cũng mọc răng khôn.
» Tùy cơ địa mà thời gian mọc răng khôn có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm.
» Khoảng 85% răng khôn phải nhổ đi.
Sau khi giải thích tất cả những điều này, người mẹ vẫn chưa yên tâm hoàn toàn, có thể thấy chị vô cùng kỹ tính và suy nghĩ chu toàn. Chị hỏi:
- Tôi đã tìm hiểu, nhổ răng có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh và trí nhớ. Chuyện này thật sự đáng lo ngại như thế nào?
- Một câu hỏi sáng suốt và hoàn toàn hợp lý. Đây là một lo lắng hoàn toàn có cơ sở, vì chân răng nằm sâu dưới nướu và gần với khu vực tập trung những dây thần kinh quan trọng. Chính vì vậy, bác sĩ thường chỉ chỉ định thực hiện nhổ răng với những trường hợp bất khả kháng. Và trước khi nhổ răng bắt buộc phải chụp X-quang để bác sĩ biết được có dây thần kinh nào nằm dưới chân răng và việc nhổ răng có ảnh hưởng đến thần kinh hay không.
Trước khi nhổ răng, bác sĩ tiến hành gây tê để bệnh nhân không phải chịu đựng đau nhức. Thực chất, gây tê chỉ là chích thuốc tê tại chỗ và sẽ hết tác dụng sau 1 đến 3 giờ. Thuốc gây tê chỉ làm tăng khả năng chịu đau chứ không gây ảnh hưởng gì đến hệ thần kinh trung ương và cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh nhổ răng làm giảm trí nhớ cả.
- Và tôi cũng nghe nói nhổ răng khi niềng có thể gây hóp má, ảnh hưởng tới tổng thể gương mặt? Chuyện này có thật không?
- Đây cũng là một thắc mắc khác mà tôi thường xuyên nhận được. Thế này nhé, phần má được cấu tạo bởi rất nhiều khối cơ liên kết chặt chẽ với nhau, hệ thống xương hàm cùng răng trên cung hàm sẽ giúp má đầy đặn và căng hơn. Do đó, má chỉ bị hóp khi ăn nhai kém, các khối cơ không còn nơi nâng đỡ hay làm đầy, theo cơ chế tự nhiên sẽ chùng xuống dẫn đến hiện tượng hóp má. Thực chất răng khôn là chiếc răng mọc cuối cùng trên cung hàm, không đủ chỗ trống trên cung hàm cho răng số 8 mọc, nên dù có nhổ răng khôn thì các răng còn lại cũng không bị ảnh hưởng xô lệch về khoảng trống nhổ răng. Do đó, việc nhổ răng để niềng là tạo khoảng trống giúp các răng dịch chuyển và sẽ nhanh chóng đóng vùng khoảng mất răng, nên không phải lo lắng niềng răng bị hóp má. Tình trạng hóp má ở một số người có thể là do chế độ ăn uống không được đảm bảo trong quá trình nhổ răng hoặc niềng dẫn đến sụt cân, gây hóp má. Nãy giờ chị hỏi rất nhiều về việc nhổ răng, có phải đó là điều chị lo lắng nhất không?
- Ồ, lo lắng thì rất nhiều, nhưng đúng là tôi đang bận tâm điều này nhất. Bởi vì con gái tôi vốn từ nhỏ đã ốm yếu hơn các bạn, lại chịu đau rất kém. Bác sĩ có thể thấy con bé đang sợ lắm. Vì nghĩ tới tương lai sau này của con, thú thật là tôi đã phải dùng quyền hạn ép con tới đây. Nhưng tôi đã hứa là nếu phải nhổ răng, tôi sẽ không ép con niềng răng nữa.
Độ tuổi “vàng” được nha sĩ khuyên niềng răng là từ 6 tới 12 tuổi. Nhưng tất nhiên, người lớn vẫn có thể niềng răng hiệu quả như thông thường. Tùy theo từng người, tùy vào cơ địa cũng như tình hình phát triển thực tế của răng miệng mà bác sĩ sẽ khuyên niềng răng vào thời điểm nào. Nếu thực hiện đúng thời điểm, hiệu quả chỉnh nha sẽ cao hơn, còn khi đã quá thời điểm “vàng”, bệnh nhân sẽ phải đeo niềng răng lâu hơn mới đạt kết quả như mong muốn. Ở độ tuổi của Linh Anh, có thể xem là vẫn gần với giai đoạn tốt nhất để điều trị, nếu không điều trị bây giờ thì về sau sẽ khó khăn thêm. Tôi nghĩ chúng tôi nên tận dụng lợi thế độ tuổi này ngay bây giờ. Tôi quay sang cô con gái, bởi không nghi ngờ gì, đây là thời điểm thích hợp để tìm hiểu về vẻ mặt lo âu và có phần buồn bã kia sau khi tôi đã giải thích là niềng răng vốn không đau đớn như mọi người vẫn tưởng.
- Vậy là con sợ đau hả? Khi nãy chú có nói đấy, niềng răng thật ra không đau lắm đâu. Chỉ khi nào phải nhổ răng thì sẽ đau hơn một chút, nhưng thật ra cũng hoàn toàn không đáng sợ như mọi người nghĩ. Chú sẽ không muốn dọa con chạy mất đâu, nên trước khi chúng ta có những kiểm tra cần thiết để quyết định xem trường hợp của con có cần nhổ răng không, thì chú sẽ không giải thích thêm về việc nhổ răng. Nhưng con cứ yên tâm là nó hoàn toàn không đáng sợ, được chứ?
- Dạ,…
- Trông con vẫn buồn lắm. Nói chú nghe con đang nghĩ gì được không? Chú là bác sĩ mà, chú có thể giúp con. – Tôi nháy mắt với cô bé.
- Đeo niềng răng rất xấu, còn phải đeo rất lâu nữa… sẽ bị chọc ghẹo.
Vậy ra đây mới là nguyên nhân chủ yếu của vẻ mặt ủ rũ này. Tôi bỗng cảm thấy có chút thú vị. Đa số bệnh nhân đến phòng nha với quyết định niềng răng thì đều xác định mục đích là để đẹp, và họ chấp nhận, trong một giai đoạn nào đó, có thể “không đẹp”, để đạt đến kết quả cuối cùng là “đẹp”. Mong muốn đẹp là mong muốn tự nhiên nhất của mọi người. Tôi sẽ nghi ngờ lắm nếu ai đó nói rằng họ không muốn đẹp. Và với Linh Anh, cô bé không muốn đeo niềng răng vì sợ “xấu” thì hiển nhiên là cô bé cũng muốn đẹp. Vậy thì tại sao cô bé không chịu “xấu” một chút thôi, trong một khoảng thời gian, để cuối cùng được “đẹp” mãi. Ừ thì, suy cho cùng, ở tuổi của cô bé, hẳn sẽ có những mối quan tâm, những mong đợi, những e dè mà người lớn chúng ta không hiểu được. Vậy bây giờ, tôi phải giải quyết với cô bé vấn đề niềng răng mất bao lâu, và niềng răng có thật sự “xấu” không. Một ca khó với một đứa trẻ tuổi này. Nhưng suy cho cùng, chẳng phải tôi đang giữ vai trò “bác sĩ tâm lý” trước khi có thể thực hiện chuyên môn của mình sao? Tôi ngồi xuống trước mặt cô bé, nói chậm rãi:
- Chú sẽ bật mí cho con một bí mật nhé. Chú đã từng niềng răng! – Cô bé ngẩng đầu lên, nheo mắt nghi ngờ. – Đúng vậy đấy, trước đây chú không có đẹp trai như bây giờ đâu. – Tôi đùa, nhe hàm răng cười thật tươi với cô bé. – Chú đã đeo niềng răng suốt hai năm trời, và con biết không, chưa từng có ai cười chú vì chuyện đó cả. Chú cũng không cảm thấy mình “xấu” đi vì đeo niềng răng đâu, người ta còn nói vui là đó giống như trang sức, con nghĩ như vậy có thú vị không. Chú nói này, bất cứ ai yêu thương con sẽ không bao giờ vì con “xấu” hơn, hay vì con đeo niềng răng mà bớt yêu thương con đi đâu. Khi con là một cô bé tuyệt vời, dù con có đeo niềng răng hay đeo cái gì đi nữa, con vẫn là một cô bé tuyệt vời, chẳng phải vậy sao? Con sẽ không bị chọc ghẹo là xấu hơn vì đeo niềng răng đâu. Chú hứa đấy. Nhưng, điều kỳ diệu là gì con biết không, là sau khi niềng răng xong, con sẽ đẹp hơn. Đó là điều chắc chắn. Vậy là con được lời rồi còn gì?
Lần đầu tiên kể từ lúc bước vào phòng, cô bé có vẻ bớt căng thẳng, và đã nhoẻn miệng cười. Cô bé lí nhí hỏi:
- Có thật là sẽ đẹp hơn không ạ?
- Niềng răng bên cạnh vì thẩm mỹ còn một điều quan trọng hơn là vì sức khỏe răng miệng của con sau này nữa. Tùy vào đặc điểm từng gương mặt, sẽ mang lại kết quả khác nhau. Nhưng mà đúng vậy, chú đảm bảo với con là sau khi niềng, con sẽ đẹp hơn bây giờ, với một khuôn miệng cười tiêu chuẩn, và răng cũng sẽ khỏe hơn nữa. Vậy con có muốn ráng một chút, một khoảng thời gian thôi, để được đẹp hơn không?
- Bao lâu ạ? Con phải đeo niềng răng bao lâu?
- Việc này còn tùy thuộc vào tình trạng răng, xương hàm của con nữa. Chú sẽ phải làm các kiểm tra cần thiết trước khi đưa ra lộ trình cụ thể cho con. Trung bình sẽ từ một năm rưỡi đến hai năm. Đâu có lâu lắm, phải không nào? Hai năm… khi đó con học lớp mấy nhỉ, mười một thôi. Để chú cho con xem cái này nhé.
Trước khi niềng
Trong khi niềng
Sau khi niềng
Tôi kéo ngăn tủ lấy ra một xấp hình ảnh chụp cận cảnh khuôn miệng cười của các bệnh nhân trước và sau khi niềng răng để Linh Anh nhìn rõ được sự khác biệt. Cô bé lật giở từng tấm ảnh, ngắm nghía, mỉm cười rất nhẹ. Tôi có thể thấy là mình đã thuyết phục được cô bé rồi. Tôi quay sang nhìn mẹ cô bé, thấy chị mỉm cười, gật đầu với tôi. Rồi chị nhẹ nhàng nắm tay Linh Anh, nhỏ giọng, nhưng kiên quyết:
- Con cố gắng nhé, đâu có gì đáng sợ phải không nào? Bác sĩ sẽ giúp con, mẹ nữa, có mẹ đây, đâu có gì phải sợ chứ.
Cô con gái ngập ngừng một chút, rồi gật đầu. Vậy là chúng tôi đã giải quyết xong chướng ngại tâm lý ban đầu. Nhưng hành trình của cô bé sẽ còn dài, và dĩ nhiên, tôi sẽ luôn theo sát từng chặng đường cô bé đi qua.
***
Ở trên tôi có nói qua về nong hàm và tôi muốn dành riêng một phần phân tích kỹ hơn cho kỹ thuật này (trường hợp của Linh Anh cũng đã áp dụng kỹ thuật này).
Nong hàm là kỹ thuật nới rộng diện tích vòm miệng, giúp điều chỉnh khớp cắn phù hợp với cấu trúc khuôn mặt. Kết hợp nong hàm trong niềng răng còn nhằm tạo khoảng trống trên cung răng để các răng được sắp xếp dễ hơn. Quá trình này thường diễn ra trong giai đoạn đầu của một ca niềng răng, kéo dài từ một đến ba tháng. Khi sử dụng phương pháp nong hàm trong quá trình niềng răng, thường thì bệnh nhân không cần nhổ bỏ thêm bất kỳ chiếc răng nào, bởi quá trình này sẽ tự tạo khoảng trống để các răng di chuyển được trên cung hàm. Tuy nhiên phương pháp không áp dụng trong mọi ca niềng răng mà chỉ trong vài trường hợp nhất định.
Khi cung hàm quá hẹp, thì nong hàm là bước cần thiết. Một cung hàm được coi là hẹp không dựa trên bất kỳ chỉ số cụ thể nào mà phải dựa vào tương quan giữa vòm hàm với cấu trúc tổng thể của khuôn mặt. Thông qua kết quả chụp phim và thăm khám trực tiếp, bác sĩ sẽ xác định được sự tương quan giữa cung hàm và cấu trúc tổng thể của cả khuôn mặt, từ đó xác định được cung hàm của bệnh nhân có bị hẹp hay không.
Một trường hợp khác là cung hàm không đủ chỗ cho răng sắp xếp, nghĩa là không đủ chỗ cho 28 - 32 chiếc răng. Tuy nhiên với trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ tiến hành nong hàm nếu yêu cầu chỉ cần nong hàm ở mức vừa phải, tránh nong nhiều có thể phá vỡ cấu trúc hài hòa của khuôn mặt. Đôi khi phải kết hợp nong hàm với nhổ răng trong trường hợp này.
Nong hàm còn được dùng để can thiệp trong trường hợp hàm lệch, méo. Đây được xem là trường hợp phức tạp hơn so với hai trường hợp kể trên. Hàm lệch được xác định khi một trong hai hàm không được cân đối, bị méo hẳn về một bên, người ta gọi là khớp cắn lệch lạc. Khi đó, bác sĩ sẽ phải dùng một lực nong rộng một bên hàm để tương xứng với bên còn lại, sao cho tỷ lệ khuôn mặt được cân đối.
Cung hàm không đủ chỗ cho răng sắp xếp
Hàm lệch, méo
Nong hàm là thủ thuật tác động đến xương hàm, do đó để xác định có cần nong hàm hay không, bác sĩ cần kiểm tra thông qua phân tích phim xương hàm. Thủ thuật này được khuyến khích áp dụng ở trẻ em, đặc biệt trẻ trong độ tuổi từ 7 đến 15. Tận dụng sự phát triển tự nhiên của vòm miệng, nong hàm giống như một sự “định hướng” để trẻ lớn lên có khung hàm cân đối, đủ chỗ cho các răng vĩnh viễn mọc. Bên cạnh định hình cấu trúc hài hòa của khuôn mặt, nong hàm còn giúp cải thiện hô hấp.
Thủ thuật nong hàm được thực hiện bằng khí cụ chuyên dụng, giúp các răng hàm từ từ cách xa nhau, lúc này, vòm miệng sẽ bắt đầu hình thành xương mới, giúp vòm hàm mở rộng ra. Thời gian hình thành xương mất khoảng một đến ba tháng. Tác động đến xương này diễn ra chậm rãi, từng chút một nên sẽ không đến mức gây đau đớn. Chỉ cần thực hiện đúng kỹ thuật, trong khoảng thời gian vừa đủ, thì việc nong hàm sẽ hoàn toàn an toàn, không gây đau đớn. Giống như khi thực hiện mọi thủ thuật khác, trong thời gian nong hàm, việc đảm bảo vệ sinh răng miệng là vô cùng quan trọng.
Vài sự thật thú vị về răng của bạn
» Răng bắt đầu hình thành trước cả khi chúng ta được sinh ra, răng sữa bắt đầu hình thành từ giai đoạn thai nhi nhưng đến 6 tháng tuổi thì răng mới bắt đầu mọc nhô lên.
» Men răng là chất cứng nhất trong cơ thể. Nhưng đừng chủ quan, nó cũng là chất dễ dàng bị hủy hoại.
» Giống như dấu vân tay, bộ răng ở mỗi người là duy nhất. Sẽ không có ai trên đời có bộ răng giống như bạn. Vậy nên trong những trường hợp đặc biệt, bộ răng chính là đặc điểm để nhận dạng ai đó.
» Sức khỏe răng miệng có liên quan đến rất nhiều loại bệnh khác trong cơ thể. Nếu răng không được chăm sóc tốt, có thể dẫn đến các bệnh đường ruột, các vấn đề về tim, thận, đường tiêu hóa và các bệnh khác nữa.