Lịch sử nhân loại mấy nghìn năm chứng kiến bao sự đổi thay, tiến bộ, những gì hưng thịnh rồi tàn lụi và hồi sinh ở một bản thể khác - thế giới biến chuyển không ngừng nghỉ. Trong suốt quá trình đó, có một điều vẫn luôn tồn tại, như sợi chỉ xuyên suốt, kết nối vạn vật, kết nối thời đại: cái Đẹp. Đẹp là một phạm trù mỹ học chỉ thực tại thẩm mỹ khách quan. Trong cả mỹ học và triết học, nó chưa bao giờ là một khái niệm thống nhất, mà luôn biến đổi theo các trường phái và thời kỳ. Triết gia David Hume cho rằng cái đẹp không phải là phẩm chất vốn có trong sự vật, nó chỉ có trong tinh thần và chỉ tinh thần mới chiêm nghiệm được cái đẹp. Trong khi Hegel quan niệm cái đẹp là hình thể cảm tính của các ý niệm. Mỹ học duy vật lại nhìn nhận cái đẹp như một phẩm chất của bản thân vật thể, như sự biểu lộ tính quy luật của tự nhiên và có sự kết hợp với ý nghĩa của phẩm chất ấy đối với con người. Bất kể hiểu theo cách nào, điều chúng ta không thể phủ nhận là con người luôn đi tìm và tôn thờ cái đẹp, cái đẹp bên ngoài lẫn cái đẹp bên trong. Tôi vẫn thường nghĩ về nghề nghiệp của mình với một chút tự hào, rằng sự nghiệp y khoa mà tôi theo đuổi không chỉ đem lại sức khỏe cho mọi người, mà còn có thể hỗ trợ họ đi tìm vẻ đẹp mà tạo hóa có thể đã cho họ có được, họ chỉ cần một chút nỗ lực và hỗ trợ. Chỉnh nha, về bản chất là một kỹ thuật đảm bảo sức khỏe răng miệng, nhưng thực tế, đa số bệnh nhân tìm đến chúng tôi đều có mong muốn đầu tiên là đẹp, một mong muốn hoàn toàn tự nhiên và hợp lý. Nhưng đẹp như thế nào? Chỉnh nha thật sự giúp cải thiện vẻ đẹp của nụ cười nói riêng và tổng thể gương mặt nói chung ra sao thì không phải ai cũng hiểu, càng không có một khuôn thước nhất định nào để hình dung rõ ràng điều đó. Nhưng đó là một sự cải thiện có quy luật, và tôi luôn giải thích rõ quy luật này với mọi bệnh nhân trước khi họ bắt đầu hành trình dài của mình để tránh những ảo tưởng và thất vọng.
Tôi đã bước đầu phá vỡ rào cản tâm lý của Linh Anh, nhưng để bắt đầu dấn thân thật sự vào hành trình của cô bé, lại là một câu chuyện khác, câu chuyện của chuyên môn và những mục tiêu rõ ràng. Vậy là chúng tôi ngồi lại, nói về những thực tế. Cái đẹp thì trừu tượng, nhưng mong muốn và đích đến của bệnh nhân phải là thực tế, không thể nuôi dưỡng bằng những ảo tưởng. Tôi không muốn Linh Anh, hay bất cứ bệnh nhân nào nuôi hy vọng rằng cứ niềng răng, tháo mắc cài ra là sẽ xinh đẹp như Taylor Swift hay một cô nàng xinh đẹp nào đó (tôi cũng không chắc các cô bé tuổi này thì thần tượng cô nàng nào). Vậy nên, để nói về những thay đổi sau niềng răng, tôi bắt đầu nói về những thay đổi khuôn mặt có thể xảy ra, để chuẩn bị cho Linh Anh một hình dung về kết quả mà cô bé có thể đạt được.
Hình dáng của khuôn mặt được quyết định bởi nhiều yếu tố từ: vầng trán, gò má, chiếc mũi, hàm và cằm… Trong đó khuôn miệng đóng vai trò quan trọng tạo nên hình dáng cấu trúc ở phần dưới của khuôn mặt. Khi một hàm răng không đều sẽ làm cho khuôn mặt của bạn trông mất cân đối, đặc biệt là phần dưới mặt. Nếu cấu tạo xương hàm và khuôn răng rộng thì miệng sẽ trông to hơn bình thường, tổng thể khuôn mặt cũng vì thế mà không hài hòa. Ngược lại, nếu hàm răng đều đặn, khuôn miệng đầy, vòm miệng cân đối đúng tỷ lệ trên - dưới thì lẽ dĩ nhiên là khuôn mặt bạn sẽ hài hòa, cân xứng, ta gọi là đẹp. Ở trường hợp khác răng hô, răng móm, răng lệch lạc là những trường hợp mất cân đối về miệng và răng cũng làm cho gương mặt không cân xứng.
Khuôn mặt có tỷ lệ chuẩn
Niềng răng không tác động đến khung xương mặt, mà chỉ nắn chỉnh răng về đúng vị trí trên cung hàm. Đối với một vài trường hợp, sau khi kết thúc quá trình niềng răng: Khớp cắn và khung hàm tròn đều, hàm răng trở nên đều đặn, độ rộng của khung miệng, vòm hàm thay đổi làm toàn bộ khuôn mặt bệnh nhân cũng có sự thay đổi đáng kể so với trước khi niềng răng. Chính vì vậy, có thể nói niềng răng sẽ làm thay đổi khuôn mặt, theo chiều hướng tích cực hơn, cân đối và hài hòa hơn.
Một số người còn truyền tai nhau rằng niềng răng giúp mũi cao hơn. Nhận định này thật ra không chính xác. Quá trình niềng răng tác động lên khung xương răng nên sau khi niềng, những khuôn miệng rộng hay khuôn răng rộng vốn khiến cho khuôn mặt có hàm và cằm rộng sẽ nhỏ lại theo vòm tỷ lệ chuẩn, từ đó giúp cho khuôn mặt trở nên hài hòa cân xứng. Còn việc mũi cao hay thấp thực chất là do sự phát triển của xương sụn, của việc cánh mũi dày hay mỏng, hoàn toàn không liên quan đến khuôn xương răng và khuôn xương hàm. Quan niệm niềng răng giúp mũi cao hơn thật ra đến từ tác dụng của niềng răng giúp răng đẹp hơn, khuôn mặt hài hòa hơn, chính sự hài hòa này cho ta cảm giác chiếc mũi trở nên cao hơn so với lúc chưa niềng.
Tuy không có tác dụng giúp mũi cao hơn nhưng niềng răng lại có một “tác dụng phụ” khác được rất nhiều người quan tâm. Đó là giúp gương mặt bệnh nhân sau khi niềng trở nên thon gọn hơn, ngày nay các bạn hay gọi là gương mặt “V-line”. Phần dưới gương mặt được tạo hình chủ yếu từ xương hàm và khớp cắn của răng. Khi khớp cắn bị sai lệch, khuôn mặt cũng theo đó mà méo mó, biến dạng, kém hài hòa. Niềng răng sẽ điều chỉnh khớp cắn dựa trên sự di chuyển của răng dần dần, chậm rãi để xương hàm kịp thích nghi. Khi quá trình niềng răng kết thúc, xương hàm được điều chỉnh theo đúng tỷ lệ chuẩn, nhờ đó khuôn mặt cũng trở nên thon gọn, cân đối hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mức độ tác động của niềng răng đến việc biến đổi khuôn mặt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tình trạng khuôn miệng và hàm răng trước đó.
Chuyên gia nha khoa chúng tôi khẳng định, phương pháp kết hợp chỉnh nha với chỉnh hình thẩm mỹ trong niềng răng không chỉ giúp khắc phục tình trạng hô, móm, khấp khểnh để hàm răng đều đẹp mà còn hỗ trợ điều chỉnh khuôn mặt hài hòa, thon gọn hơn. Chính vì vậy không quá bất ngờ khi nhiều người đã thay đổi hoàn toàn diện mạo khuôn mặt sau khi niềng răng. Tuy nhiên, không phải ai, và không phải lúc nào sau khi niềng răng xong bệnh nhân cũng có thể sở hữu gương mặt chuẩn V-line như mong muốn, bởi chức năng cốt yếu của niềng răng là để cải thiện tình trạng răng chứ không phải là một phương pháp thẩm mỹ gọt cằm hay tạo cằm V-line. Đó chỉ là một “tác dụng phụ” đáng mong đợi mà thôi.
Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt của nó, một khi tác động trên gương mặt có thể giúp cân xứng hơn, thì trong những trường hợp không may, nó vẫn có thể khiến khuôn mặt mất cân xứng hơn cả ban đầu, hoặc có thể gây hóp má, khiến bệnh nhân trông già hơn và nụ cười cũng không đẹp như mong muốn. Đây là trường hợp có thể xảy ra khi bệnh nhân lựa chọn bác sĩ với chuyên môn không vững vàng, hoặc trường hợp bệnh nhân tự niềng răng tại nhà. Nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu là do lực tác động lên xương hàm quá mạnh, răng không thể di chuyển kịp với lực kéo đẩy của khí cụ, xương hàm chưa có thời gian làm quen với mắc cài đã bước qua giai đoạn tiếp theo vì thế xảy ra hiện tượng răng bị quặp vào trong. Ngoài ra, nguyên nhân làm cho khuôn mặt trở nên mất cân xứng còn có thể do tình trạng sụt cân, lo lắng hay ít ăn nhai hoặc chỉ nhai một bên hàm khiến cơ hàm bị teo lại và gương mặt như bị hóp. Giải pháp tốt nhất để tránh những rủi ro này và để niềng răng có thể làm thay đổi khuôn mặt theo hướng tích cực, bệnh nhân cần được thực hiện niềng răng bởi chính bác sĩ có chuyên môn, có kinh nghiệm cùng với đó là một kế hoạch niềng răng, tính toán điều chỉnh lực kéo từ khí cụ phù hợp với từng giai đoạn, từng trường hợp răng miệng cụ thể mới đảm bảo kết quả đạt được như mong muốn. Ngoài ra người đeo niềng răng cũng cần một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý trong quá trình niềng để đảm bảo sức khỏe cũng như gương mặt đầy đặn.
Vậy, chúng ta có một tiêu chuẩn cụ thể nào cho hiệu quả niềng răng không khi mà khái niệm đẹp là trừu tượng? Có tiêu chuẩn cụ thể nào cho cô bé 14 tuổi ngồi trước mặt tôi bây giờ không? Câu trả lời là có và không có.
Để bắt đầu phân tích tình trạng và kết quả có thể mong đợi từ điều trị của Linh Anh, tôi tiến hành kiểm tra lâm sàng. Đầu tiên, tôi yêu cầu cô bé cười tươi hết mức để thấy được bề mặt hàm răng cũng như khuôn cười của cô bé. Răng Linh Anh mọc khấp khểnh, “vô tổ chức” và có hàm hô, khớp cắn sai. Khi cười, cô bé có cung cười rủ xuống, tạo một cảm giác thiếu sức sống. Tôi chỉ ra điều này và cũng giải thích cho hai mẹ con về tiêu chuẩn một cung cười lý tưởng chung cho mọi gương mặt.
Một cung cười lý tưởng thông thường sẽ có hai mép đi theo chiều cong lên, hai môi có độ mở vừa đủ khoe khoảng 20 răng với tỷ lệ răng đều đặn và lộ một chút lợi của hàm trên.
Cung cười lý tưởng
Cung cười này sẽ được điều chỉnh sau chỉnh nha nhờ vào sự thay đổi của vòm hàm, độ rộng của khung miệng, sự đều đặn của hàm răng.
Tiếp theo là mục tiêu cải thiện khớp cắn. Một hàm răng đẹp phải có khớp cắn chuẩn. Khớp cắn chuẩn không những là nền tảng thẩm mỹ chính cho sự hài hòa của khuôn miệng, tạo sự cân đối cho khuôn mặt mà khớp cắn chuẩn còn có giá trị đặc biệt về chức năng. Vậy, để xác định một khớp cắn chuẩn hay không thì phải dựa vào những yếu tố hay chỉ số nào?
Khớp cắn chuẩn hay còn gọi là khớp cắn trung tâm phải có sự tương quan hài hòa và đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về vòm hàm, cung răng, tỷ lệ các răng cũng như là sự cân đối về tỷ lệ và kích cỡ các răng và đạt được sự tương quan chuẩn trong tổng thể khuôn mặt, với trán, mắt, mũi…
Khớp cắn chuẩn trực tiếp tạo nên sự hài hòa giữa răng ở hai hàm trên – dưới, biểu hiện trực tiếp ở các nhóm răng trước. Nhóm răng trước hàm trên bao gồm răng cửa chính, răng cửa bên và răng nanh ở khớp cắn chuẩn sẽ trùm bên ngoài nhóm răng trước của hàm dưới với độ tiếp xúc vào khoảng 2/3 thân răng cửa hàm trên nếu khép răng trong trạng thái bình thường. Nhóm răng sau bao gồm các răng hàm và răng tiền hàm của hai hàm trên – dưới tiếp xúc với nhau ở mặt nhai.
Khớp cắn chuẩn nhìn thẳng và nghiêng
Khớp cắn chuẩn cũng thể hiện ở một trục đối xứng trên khuôn miệng. Nếu dùng một trục kéo từ đỉnh trán qua đỉnh mũi xuống đến cằm thì ở người có khớp cắn chuẩn trục này sẽ là một đường thẳng tắp, không bị gãy, không gấp khúc, không bị lệch trái hay lệch phải tại vị trí của khuôn miệng. Trục đối xứng này sẽ đi qua hai kẽ răng cửa chính hàm trên và hàm dưới. Cũng có nghĩa, ở người có khớp cắn chuẩn thì hàm răng hai bên phải trái cũng đối xứng với nhau qua trục này, kẽ răng cửa chính hàm dưới thẳng với kẽ răng cửa chính hàm trên.
Để dễ hiểu hơn, tôi cho hai mẹ con xem qua hình ảnh của một hàm răng được coi là đẹp theo tiêu chuẩn thông thường, cũng chính là hình ảnh hiệu quả của một ca niềng răng hướng tới. Nghĩa là, sau khi niềng răng, bệnh nhân cơ bản phải đạt được tiêu chuẩn của một hàm răng đẹp.
Hàm răng đẹp là phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố sau đây:
» Màu răng đẹp: Màu răng cần đảm bảo trắng sáng, có độ bóng và trong nhất định mới đảm bảo tự nhiên. Nếu bệnh nhân không có răng trắng sáng tự nhiên, bác sĩ có thể chỉ định một số can thiệp chuyên môn.
» Răng đều đặn: Tương quan các răng phải đều với nhau, cạnh răng sát khít, liên tiếp.
»Kích cỡ răng chuẩn và hài hòa với nhau về chiều dài, độ rộng, thế nghiêng. Răng cửa chính phải to hơn răng cửa bên, răng nanh phải hơi nhọn ở rìa răng,… Đường thẳng đi qua kẽ răng cửa chính phải ở chính giữa khuôn mặt và cung hàm, chia khuôn mặt thành hai phần cân xứng nhau.
» Tỷ lệ dài răng và lộ nướu phải hợp lý sao cho khi cười không lộ hoặc lộ nướu rất ít. Bờ cắn hàm trên chạm vào đường viền môi dưới. Khoảng cách từ mặt ngoài răng tiền hàm đến khóe mép làm sao cho nhỏ đi.
Nụ cười hoàn hảo
Bốn tiêu chuẩn nụ cười hoàn hảo:
1. Khi cười không lộ nướu hoặc lộ ít nướu
2. Khoảng cách từ mặt ngoài răng tiền cối đến khóe mép phù hợp nhất
3. Bờ các cạnh cắn răng, răng trước chạm với đường viền môi dưới
4. Răng có hình dáng màu sắc đẹp và sắp xếp thẳng hàng
Như vậy, về cơ bản tôi đã giúp mẹ con Linh Anh hình dung ra được kết quả mà cô bé có thể đạt được sau niềng răng, một cách thực tế. Vậy tại sao ở trên tôi lại nói cũng “không có” một tiêu chuẩn cụ thể nào cho kết quả niềng răng? Bởi vì đây là một hành trình đòi hỏi không chỉ chuyên môn, sự tập trung của bác sĩ, mà còn phải có sự phối hợp, hợp tác nghiêm túc của bệnh nhân. Chúng tôi, bác sĩ và bệnh nhân phải luôn là hai người đồng hành gắn bó và tin tưởng nhau. Và với Linh Anh, sau những cuộc trò chuyện ban đầu, giúp hiểu nhau hơn, vạch rõ lộ trình, chúng tôi đã có thể đi đến sự tin tưởng để gắn bó trên hành trình đó. Và may mắn cho cả hai chúng tôi, đó là một hành trình suôn sẻ, với kết quả đáng hài lòng.
Vài sự thật thú vị về nụ cười của bạn
» Một số người có thể cười nhiều hơn người khác. Nghiên cứu cho thấy trung bình phụ nữ cười 62 lần một ngày. Con số này ở đàn ông là 8 lần.
» Cười giúp bạn khỏe mạnh hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng nụ cười có thể làm tăng hệ miễn dịch và giúp huyết áp của bạn giảm xuống.
» Nụ cười có cùng một ý nghĩa dù bạn thuộc quốc gia, sắc tộc hay tôn giáo nào.
» Một nụ cười của bạn cần tới hoạt động của từ 5 đến 53 cơ.