Khác với những điều trị y tế khác, bên bàn tư vấn của một bác sĩ niềng răng thường là những câu hỏi và câu trả lời dường như không hồi kết. Đôi khi có những ca “điều trị” diễn ra dưới dạng một buổi tư vấn tâm lý, và rốt cuộc dừng lại ở đó, không thể tiến xa hơn. Với bản chất không phải là quá trình điều trị bắt buộc mà là điều trị cải thiện, niềng răng không phải lúc nào cũng là lựa chọn ưu tiên của bệnh nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến gặp tôi, đặt các câu hỏi, nhận được sự tư vấn, giải thích từ mọi góc độ khoa học lẫn đời sống, trở về nhà suy nghĩ, rồi tiếp tục quay lại với những câu hỏi mới, và đến cuối cùng là quyết định không niềng răng. Tôi luôn tôn trọng lựa chọn của bệnh nhân, suy cho cùng, chúng ta ai cũng có quyền sắp xếp những ưu tiên trong đời sống.
Cái tôi nhận ra sau những buổi chuyện trò ấy là có những câu hỏi thường lặp đi lặp lại trong thắc mắc của hầu như mọi bệnh nhân. Một số còn đề cập tới chuyện họ tham khảo những câu hỏi đó ở nhiều nguồn khác nhau và nhận được câu trả lời không thống nhất, vậy đâu là thông tin đúng? Tôi không thể biết tất cả những nguồn mà bệnh nhân của mình tham khảo, nên không thể nói đâu là đúng đâu là sai. Nhưng có một điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là chuyên môn, kinh nghiệm và tầm nhìn của mỗi bác sĩ điều trị sẽ có những khác biệt nhất định. Và đối với một trường hợp cụ thể, mỗi bác sĩ có thể đưa ra những lý giải, những lộ trình điều trị ít nhiều khác biệt, điều đó không có nghĩa là câu trả lời này là đúng, câu trả lời kia là sai. Một đích đến có thể được dẫn tới bằng nhiều con đường. Đây là điều hết sức bình thường trong chỉnh nha. Vì vậy bệnh nhân nên chuẩn bị tinh thần trước khi đi tư vấn nhiều nơi để không phải hoang mang, lo lắng. Thật ra, nếu bạn không quá chú ý nhiều đến kế hoạch điều trị, thì nơi nào khiến bạn yên tâm thì bạn cứ điều trị tại nơi đó, bởi sự tin tưởng và hợp tác là rất quan trọng trong chỉnh nha. Ngược lại, nếu bạn quan tâm đến kế hoạch điều trị, thì hãy “lắng nghe và suy nghĩ một cách logic” ở đâu có kế hoạch điều trị mà bạn cảm thấy hợp lý thì bạn có thể “chọn mặt gửi vàng”.
Trước khi đi sâu hơn vào chi tiết của một hành trình niềng răng, tôi muốn dành trọn chương này để giải đáp những câu hỏi tưởng như bên lề nhưng lại rất liên quan và thường xuyên được bệnh nhân thắc mắc bên bàn làm việc của tôi. Tôi hy vọng những giải đáp chung này có thể giúp các bạn cởi bỏ phần nào những gánh nặng để tập trung vào quá trình niềng răng.
Một câu hỏi tôi hay nhận được nhất của những bệnh nhân có vấn đề về răng, mong muốn có hàm răng đẹp nhưng ngại đeo niềng chính là:
Có thể chọn phương pháp làm răng sứ để đạt kết quả nhanh hơn mà không cần chỉnh nha không?
Vấn đề này khá đơn giản, bởi nguyên lý hoạt động và mục đích của hai phương pháp này khá khác nhau, nên chúng ta không thể dùng phương pháp này và hy vọng kết quả của phương pháp còn lại. Mục đích của phục hình răng sứ là để thay thế cho phần răng thật bị mất đi, hoặc do phần răng thật đó không tốt (như nhiễm Tetracycline), chứ không phải là để đưa răng đến một vị trí tốt. Nếu cố gắng dùng phương pháp làm răng sứ để thay đổi hình dạng răng nhằm đưa răng đến một vị trí tốt (chẳng hạn với trường hợp răng mọc chen chúc), bạn sẽ cần phải mài nhiều răng thật, và nhiều khả năng phải lấy tủy răng. Trong khi đó, nếu chỉnh nha, không những răng sẽ di chuyển, mà phần nướu và xương xung quanh răng cũng sẽ được “tạo hình” theo răng, nên kết quả sẽ tự nhiên, hài hòa và thẩm mỹ hơn. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa chỉnh nha là phương pháp hoàn hảo nhất để có một hàm răng đẹp. Đôi khi bệnh nhân cần điều trị kết hợp giữa chỉnh nha để di chuyển răng đến vị trí hợp lý và làm răng sứ để khắc phục những khiếm khuyết của răng (như bể vỡ lớn, răng sậm màu, răng có hình dạng bất thường, v.v…). Nếu từng chiếc răng bạn đã đẹp, thì chỉ cần chỉnh nha và tẩy trắng răng là đủ để có một nụ cười đẹp.
***
Có những bệnh nhân đã xác định được tình trạng răng của mình phải điều chỉnh bằng chỉnh nha chứ không thể chỉ làm răng sứ nhưng vẫn quyết định không niềng răng với bác sĩ mà chọn một giải pháp khác, mà các bạn cho là ít tốn kém và đơn giản hơn – niềng răng tại nhà. Tôi thông cảm với những đắn đo về kinh tế và thời gian của các bạn, nhưng một khi đã cân nhắc đến chuyện cải thiện sức khỏe và ngoại hình của mình, tôi vẫn mong muốn cách bạn ưu tiên cho giải pháp hiệu quả và an toàn nhất. Tôi từng tiếp nhận không ít những bệnh nhân tìm đến phòng khám trong tình trạng viêm nhiễm, thậm chí tụt nướu hay chết tủy… những hậu quả của việc niềng răng tại nhà. Vậy, vấn đề tiếp theo tôi muốn làm rõ là:
Có thể thực hiện niềng răng tại nhà mà không cần đến bác sĩ không?
Ngày nay, chỉ cần tốn vài chục nghìn mua khoảng một mét dây thép, vài chiếc dây chun co giãn tốt thì bạn đã có thể tự chế dụng cụ niềng răng cho riêng mình. Thực tế những cách niềng răng tự chế DIY cũng đã được áp dụng và một số người đã thành công. Tuy nhiên đó chỉ là những trường hợp hy hữu, vô cùng hiếm có trong vô số trường hợp thất bại thảm hại khác. Báo chí và các chuyên gia nha khoa đã nhiều lần báo động về hệ quả tiêu cực của niềng răng tự làm tại nhà. Tuy nhiên, nhiều người vẫn khá dửng dưng, bởi cho rằng bản thân có thể cẩn thận hơn, hoặc những hậu quả đó “chắc sẽ chừa mình ra”. Vậy nên bất chấp những cảnh báo rằng niềng răng tại nhà dẫu có thể tiết kiệm được chi phí ban đầu nhưng việc khắc phục những hậu quả còn tốn kém gấp nhiều lần.
Việc di chuyển răng không đúng cách sẽ làm tổn hại đến nguồn cung cấp máu, điều này sẽ làm cho nướu phải chịu áp lực, các nguồn cung cấp máu bị cắt khiến nướu bị thay đổi hình dạng gây viêm nhiễm nặng, hoặc răng có thể bị lệch lạc, gây đau nhức,… Nhiều trường hợp nặng hơn, răng bị di chuyển đột ngột khiến các mạch máu bị đứt, gây chết tủy. Thiếu những theo dõi chuyên môn, răng có thể phải chịu lực tác động không đều, không đúng thời điểm khiến tiến trình di chuyển của răng không ổn định cứ di chuyển được một chút lại bị tái xô lệch, dễ bị đau nhức, ê buốt.
Ảnh chụp phim một ca điều trị sau khi niềng răng bị hỏng
Về khí cụ, trong khi các sợi dây cao su hoặc dây đàn hồi có thể có vẻ vô hại, thì nếu mang không đúng cách chúng có thể trượt lên răng, vào sâu trong nướu răng và cắt đứt nguồn cung cấp máu. Tệ hơn nữa, những chiếc dây thun, dây thép ở sát chân răng có thể phá hủy mô xương, mô mềm làm răng lung lay, theo thời gian người niềng răng tại nhà có thể bị rủi ro suy giảm chức năng ăn nhai, răng bị gãy rụng. Hơn nữa những dụng cụ tự niềng răng tại nhà không được đảm bảo vệ sinh sẽ sinh ra vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng, viêm lợi, nặng hơn là biến chứng thành viêm tủy răng, và gây hại đến sức khỏe.
Tóm lại, với tư cách một người có chuyên môn trong ngành, tôi khuyến cáo bệnh nhân nếu chưa có thời gian và điều kiện để tiến hành niềng răng thì hãy đợi đến khi điều kiện của bạn cho phép, đừng tự thử niềng tại nhà, nếu không muốn phải tốn kém thời gian, tiền bạc và tổn hại sức khỏe vì những biến chứng đáng tiếc.
***
Niềng răng không phải quá trình điều trị một sớm một chiều, bạn không thể bước vào phòng khám và bước ra với một diện mạo mới. Nó cần thời gian, kế hoạch, sắp xếp cuộc sống hợp lý để có thể thêm lịch trình này vào cuộc sống vốn bộn bề của mình. Đôi khi ta phải lựa chọn, hoặc làm việc này, hoặc làm việc khác. Nhưng có phải luôn phải lựa chọn như vậy?
Phương vội vã bước vào phòng làm việc của tôi vào một buổi chiều muộn, khi tôi đã chuẩn bị ra về. Cô đã đến đây trước đó, tư vấn niềng răng và đã đi đến thống nhất với tôi về một kế hoạch điều trị, chúng tôi sẽ tiến hành gắn mắc cài cho cô trong tuần sau, nhưng nhìn dáng điệu của cô lúc này thì có vẻ đã có sự thay đổi. Tôi khoác lại áo blouse, mời cô ngồi xuống và bảo cô thẳng thắn về vấn đề của mình.
Vấn đề thật ra không có gì lớn, sau khi đã lên kế hoạch điều trị và chuẩn bị tâm lý cho hành trình niềng răng bắt đầu vào tuần tới thì cô vừa phát hiện mình mang thai và cô không chắc niềng răng khi mang thai có ảnh hưởng gì đến mẹ và thai nhi không? Liệu có nên hoãn kế hoạch điều trị lại hay không?
Mang thai khi niềng răng có ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi không?
Như đã nói ở trên, niềng răng là phương pháp điều trị răng hô, móm, thưa, lệch lạc bằng các khí cụ, đưa răng về vị trí đúng trên cung hàm. Răng được di chuyển từ từ và không bị xâm lấn hay ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Chính vì thế, về nguyên tắc, niềng răng không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Dẫu vậy, khi mang thai, bệnh nhân sẽ cần có những điều chỉnh nhất định trong kế hoạch điều trị cũng như có những lưu ý nhất định phải tuân theo. Quá trình niềng răng thường kéo dài ít nhất một năm, trong thời gian này bệnh nhân phải thường xuyên đến phòng khám nha khoa để tái khám và điều chỉnh lực siết của dây cung, việc không quen ăn uống khi mới gắn mắc cài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ là khoảng thời gian nhạy cảm, phải đặc biệt lưu ý để có thể niềng răng an toàn.
Có một số điểm mà bệnh nhân nhất thiết phải lưu ý: Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân niềng răng nếu mang thai thì không nên chụp phim, lùi thời gian nhổ răng và không tạo lực siết răng quá mạnh trong ba tháng đầu đeo mắc cài. Vậy nên, bạn bắt buộc phải báo cho bác sĩ điều trị của bạn biết việc mình mang thai hoặc nghi ngờ mang thai để bác sĩ có thể chọn những giải pháp thay thế việc chụp X-quang, nhổ răng (nếu có), hoặc lựa chọn loại khí cụ phù hợp. Trong trường hợp tình trạng sức khỏe của thai phụ không được tốt, sự phát triển của phôi thai không ổn định, hay ốm nghén quá nặng, thai phụ có thể thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, bị mòn răng do axit dạ dày trào ngược, ê buốt răng về sau hoặc nguy cơ viêm nướu do những mảng bám trên răng… thì có thể đề nghị tháo bớt các khí cụ nếu thấy khó chịu. Hoặc bác sĩ có thể xem xét tạm dừng điều trị chỉnh nha, giảm lực siết răng hoặc thậm chí là tháo bớt mắc cài để thai phụ thoải mái và điều dưỡng sức khỏe. Trong trường hợp sức khỏe cả mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh thì mẹ bầu vẫn có thể tiếp nhận những điều trị chỉnh nha bình thường. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bác sĩ chúng tôi có thể cân nhắc lực siết răng nhẹ nhàng hơn, lưu ý vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh răng miệng cho thai phụ và hạn chế tối đa việc dùng thuốc.
Bước qua giai đoạn ba tháng đầu vất vả, niềng răng có thể diễn ra bình thường và thoải mái hơn. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn và cảm giác dễ chịu cho sản phụ đang niềng răng thì mọi thao tác khi chỉnh nha của bác sĩ đều phải thật nhẹ nhàng, chú ý tình trạng viêm nướu thai kỳ do thay đổi hormone.
Trong thời gian ba tháng cuối thai kỳ, bệnh nhân vẫn có thể yêu cầu bác sĩ tháo tạm mắc cài, có thể chuyển sang giai đoạn đeo khí cụ duy trì. Sau khi tháo mắc cài, sản phụ sẽ được cho đeo hàm duy trì để ổn định răng, hạn chế những nguy cơ xô lệch, sau khi sinh xong, sức khỏe ổn định có thể gắn lại mắc cài và tiếp tục quá trình chỉnh nha.
Tóm lại, trừ những trường hợp ngoài kế hoạch, với tư cách chuyên môn, tôi vẫn khuyên các nữ bệnh nhân có ý định hoặc đang mang thai nên đợi sau khi sinh em bé xong hãy niềng răng, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con đồng thời để quá trình niềng răng được diễn ra liên tục. Vậy nên với trường hợp của Phương, khi chúng tôi chỉ mới thực hiện các kiểm tra ban đầu và lên kế hoạch, tôi đề nghị cô hoãn lại việc niềng răng đến sau khi sinh em bé xong.
Không chỉ trường hợp mang thai, còn có nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc sống có thể diễn ra giữa quá trình niềng răng, dẫn đến một câu hỏi tôi cũng được hỏi vô số lần đó là:
Có thể tháo niềng tạm thời được không?
Tất nhiên để đạt kết quả tốt nhất thì nên theo đúng liệu trình, đeo niềng liên tục trong suốt thời gian được chỉ định, nhưng nếu có sự kiện thực sự quan trọng (như cưới hỏi chẳng hạn) thì bạn vẫn có thể tháo tạm thời. Để làm vậy bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị, kiểm tra tình trạng răng hiện tại có đủ điều kiện để tháo niềng ra không. Nếu có thể tháo được thì sau đó bệnh nhân sẽ phải bắt đầu lại quy trình lắp niềng. Cần lưu ý là bệnh nhân không được tự ý tháo niềng mà chưa có sự cho phép của bác sĩ, vì sẽ rất dễ làm răng bị xô lệch khi khớp cắn chưa chuẩn và ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện sau này. Cần lưu ý là một khi tháo niềng tạm thời, tổng thời gian niềng răng của bạn có thể kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu.
Một trường hợp khác thường khiến bệnh nhân đến tìm tôi trong cảm giác ít nhiều “tiến thoái lưỡng nan”, đó là răng bệnh nhân chỉ gặp vấn đề với một hàm răng, hoặc một vài chiếc răng, phần còn lại có thể xem đã đạt tiêu chuẩn. Vậy là, không niềng răng thì về tổng thể, hàm răng vẫn xấu, mà niềng răng, tiêu tốn tiền bạc và một khoảng thời gian đáng kể thì các bạn cảm thấy… không đáng. Đây là một sự do dự hoàn toàn hợp lý. Vậy nên ở đây tôi sẽ trả lời ba câu hỏi hay được hỏi nhất khi bệnh nhân đến gặp tôi trong tình thế “khó xử” này.
Có thể niềng răng một hàm hay không?
Câu trả lời là có, nhưng rất hiếm. Niềng răng đặt ra tiêu chí của hiệu quả là gương mặt đạt được độ hài hòa tốt nhất, cải thiện chức năng ăn nhai, tạo khớp cắn chuẩn, chứ không đơn thuần chỉ là để làm đều răng. Chính vì vậy thông thường bác sĩ sẽ chỉ định đeo khí cụ trên cả hai hàm để đảm bảo sự hài hòa khi tháo niềng.
Niềng răng một hàm vẫn có thể áp dụng được trong một số trường hợp răng bệnh nhân đã đạt những tiêu chuẩn nhất định như răng có độ chuẩn tương đối về khớp cắn, răng hàm thẳng và đồng đều, chỉ có một hoặc vài răng bị lệch nhẹ, cần phải nắn chỉnh để tương quan hài hòa với hàm răng còn lại hay chỉ cần tác động đến một hàm cũng đạt được giá trị thẩm mỹ mong muốn. Tuy nhiên, với những trường hợp khác chuyên gia vẫn khuyến khích nên áp dụng đồng thời niềng răng hai hàm để có được hiệu quả tốt nhất với hàm răng đều, đẹp, chắc khỏe.
Tôi cũng nhận thấy nhiều người nghĩ đến việc niềng răng một hàm là bởi vấn đề về chi phí, và đây lại là một hiểu lầm khác nữa.
Niềng răng một hàm
Có phải niềng răng một hàm sẽ chỉ bằng nửa giá tiền của niềng răng hai hàm?
Câu trả lời là không. Thực tế niềng răng một hàm tốn chi phí tương đương 60% so với niềng hai hàm (mà hiệu quả thì có thể kém hơn rất nhiều), bởi chi phí bộ mắc cài thường bao gồm cả hàm trên và hàm dưới và cho dù bạn chỉ niềng một hàm thì cũng phải mua trọn bộ mắc cài.
Nếu chỉ vì tiết kiệm 40% chi phí mà không đảm bảo được hiệu quả tối ưu thì tôi thấy không nên, vì vậy tôi vẫn khuyên bệnh nhân nên chọn giải pháp an toàn là niềng cả hai hàm để cả hai cùng tiến, cùng lùi.
Có thể niềng răng theo chiếc hoặc chỉ niềng hai răng cửa thôi được không?
Câu trả lời là không nếu dùng phương pháp niềng mắc cài. Tuy nhiên với niềng không mắc cài cũng có thể điều trị một vài trường hợp đặc biệt.