Năm năm về trước, ngày cuối tuần gia đình bác sĩ cùng vài người bạn ra ngoại ô chơi và câu cá. Miệt mài từ sáng đến trưa cuối cùng cả hội cũng giật được một chú cá chép to để nhờ nhà hàng chế biến món kinh điển “Cá chép om dưa”. Một giờ chiều đồ ăn lên, ai cũng hồ hởi chờ nâng cốc để thưởng thức sản phẩm do chính tay mình câu được. “Reng… reng” điện thoại reo, có ca mổ cấp cứu người quen cần về ngay. Ngậm ngùi tạm biệt mọi người ở lại, bác sĩ lên đường về thẳng bệnh viện.
Con trai bác sĩ từ bé khi ngủ luôn cần cha bên cạnh. Có những đêm bác sĩ đi trực, đợi mãi chẳng thấy cha về, cậu lặng lẽ ôm gối ra ghế sofa ngoài phòng khách ngủ và chờ. Một hôm trong đêm, con trai sốt cao liên tục, bác sĩ phải dùng hạ sốt và nằm cạnh xoa lưng cháu mới ngủ được. “Reng reng”, bệnh nhân chấn thương cột sống từ quê chuyển ra, giờ đang đẩy vào phòng mổ cấp cứu. Tạm biệt con trai yêu quý, cha lại vào viện. Mong con trai ngủ thật ngon và thấu hiểu cho cha, vì ngoài kia, những người thân cũng đang mong mỏi bệnh nhân khỏe mạnh trở về…
Có người sẽ thắc mắc rằng sao những ca mổ đêm, những trường hợp bác sĩ ở xa như vậy không nhờ người khác mổ đi. Hoặc những buổi khám sao không từ chối bớt để về sớm. Chắc bác sĩ muốn kiếm thêm thu nhập nên mới như vậy, mà đã vậy thì đừng… kêu.
Kiếm thêm thu nhập từ việc làm chân chính ai cũng muốn và bác sĩ không phải là ngoại lệ. Nhưng ở những tình huống này, lý do đó là phụ, các bạn ạ. Tâm lý bệnh nhân, người nhà khi đã quen và nhờ trực tiếp mổ, mọi người sẽ thấu hiểu rằng nếu bác sĩ nhờ người khác mổ thay thì bệnh nhân ít nhiều không an tâm, đúng không các bạn? Thậm chí, kể cả khi chuyên môn của những đồng nghiệp bác sĩ nhờ còn giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn. Tất cả đều xuất phát từ tâm lý, có thân có quen dù sao vẫn thấy vững tâm hơn. Nghĩ xa hơn nữa, chẳng may trong trường hợp bác sĩ nhờ người khác mổ thay và bệnh nhân có những vấn đề phát sinh, ca mổ không như ý muốn thì câu chuyện có thể còn đi xa hơn nữa. Sự phán xét sẽ được người nhà đặt ra. Hiểu được điều này nên dù đêm hôm con ốm hay dù ở xa, bác sĩ luôn cố gắng tối đa để về bên cạnh bệnh nhân, tham gia ca mổ. Ít nhất cũng để giải quyết được phần nào tâm lý đang lúc hoang mang, lo lắng của người nhà.
Còn việc nhận khám bệnh quá nhiều và về muộn? Những tin nhắn với nội dung như “Bác sĩ ơi, chị ở xa nên mỗi lần đi khám đặt vé tàu xe hết sức vất vả, mong bác sĩ nhận khám thêm cho chị vào ngày mai nhé!” hoặc những cuộc gọi với nội dung “Bác sĩ ơi, mẹ em đau quá, mong chiều ngày mai bác sĩ khám giúp, nhìn bà đau đớn chúng em không thể cầm lòng”. Những tình huống như vậy làm sao bác sĩ có thể từ chối chỉ vì lý do buổi khám đã nhận đủ số người. Nghề Y có những nét riêng rất đặc biệt, ở đó sự thấu cảm, chia sẻ là rất quan trọng để bệnh nhân thấy an yên phần nào. Và cũng vì như vậy, thời gian do ta nắm lấy nhưng thực sự với nghề Y, điều đó dường như đang… ngoài tầm tay với.
Phút giải lao bên ly capuchino thân thuộc