Các bạn ạ, mấy ngày hôm nay nhận thông tin về những mảnh đời vì mưu sinh mà gặp bất hạnh, bỏ thân nơi xứ lạ trong thùng container, tâm trạng bác sĩ chùng quá. Dù là người nước nào, quê hương ở đâu thì cũng đều là con người cả, phải không các bạn? Ở nơi này, bác sĩ chỉ biết nguyện cầu những điều bình yên nhất sẽ đến với gia đình của những bạn ấy. Mong các bạn sẽ có một cuộc đời mới tốt đẹp hơn nơi miền Cực lạc.
Vấn đề bác sĩ suy nghĩ đó chính là làm sao giảm hoặc không để những việc đau lòng tương tự xảy đến trong tương lai?
Mỗi con người luôn mang trong mình một nguồn năng lượng vô cùng lớn, ai cũng có những khả năng riêng biệt của chính mình. Vì vậy mỗi chúng ta luôn hoàn toàn có thể “định đoạt” được cuộc đời của riêng mình sẽ ra sao ngày sau. Những yếu tố khác như truyền thống gia đình, nền kinh tế, nền giáo dục, quê hương đất nước… đều góp phần ít nhiều vào sự thành − bại của mỗi con người, tuy nhiên chúng ta không nên quá phụ thuộc vào những điều đó mà trước hết, mỗi bạn trẻ hãy tự cứu lấy cuộc đời mình bằng những con đường tiếp cận khác nhau.
Dưới đây, bác sĩ xin được mạn phép gửi gắm đôi điều đến các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên hay cả những ai còn chưa tìm được cho mình một con đường đi rõ nét giữa cuộc đời này. Các bạn tham khảo nhé!
Điều đầu tiên các bạn nên thực hiện đó là đọc sách mỗi ngày: Cuốn sách rẻ về giá trị tiền nhưng lại vô cùng đắt đỏ về tri thức. Xin đừng lấy bất cứ lý do gì để biện hộ cho việc lười đọc sách của mình. Khi nền giáo dục chưa làm chúng ta hài lòng, chúng ta luôn có cách để xây dựng cho mình sẽ trở thành một con người hiểu biết và tăng cơ hội có “công ăn việc làm”, đó là đọc sách. Mỗi sáng mai thức giấc, đều đặn các bạn đọc giúp bác sĩ 20 trang sách thôi, mỗi năm các bạn đã đọc được trên 30 cuốn sách rồi. Sách kinh doanh, sách làm giàu, sách truyền cảm hứng, sách dạy nấu ăn, sách văn học… Tùy nhu cầu sở thích của mỗi người, chúng ta sẽ chọn cho mình những chủ đề ưu tiên trước. Sách giúp chúng ta hiểu biết hơn, tự tin hơn, dũng cảm hơn và tử tế hơn… Đặc biệt, những cuốn sách sẽ giúp các bạn tăng rất cao khả năng có việc làm hoặc “nảy ra” những ý tưởng kinh doanh, những công việc mới.
Vì sao những người thành công nhất trên thế giới đều là những người đọc sách thuộc hàng top đầu thế giới? Warren Buffett, Bill Gates, Elon Musk… là những ví dụ.
Vì sao thư viện sách ở Tokyo Nhật Bản, ở Mỹ, ở Singapore, ở Seoul Hàn Quốc hay Thượng Hải − Trung Quốc là những thư viện có lượng người vào đọc và mượn nhiều nhất trên thế giới? Họ là những quốc gia phát triển bậc nhất trên địa cầu.
Không phải ngẫu nhiên để một người tự lập thành công. Tất cả đều cần có những người thầy, những sự trải nghiệm. Và trong số những người thầy đó thì sách là người thầy số một. Bác sĩ sinh ra ở một miền quê nghèo xứ Nghệ, gia cảnh nghèo đói, nhưng bác sĩ may mắn được đến trường như bao các bạn khác. Tuy vậy, có một điều đặc biệt với riêng cá nhân bác sĩ, đó là ngày ấy bác sĩ thường vào thư viện tỉnh Hà Tĩnh mượn và đọc rất nhiều sách. Và chính trong một lần tìm đọc như vậy, bác sĩ có manh mối giải được bài toán khó trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh để rồi trở thành thủ khoa. Đó là bước ngoặt để một học trò trường huyện như bác sĩ được tỉnh gọi đi thi học sinh giỏi quốc gia rồi vào thẳng trường Đại học Y Hà Nội. Nếu ngày ấy không chăm đọc sách, chắc chắn sẽ không có bác sĩ Khánh hôm nay.
Điều thứ hai là hãy học ít nhất một ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật hay cả tiếng Tây Ban Nha, tiếng Séc… Khi giỏi một ngôn ngữ nào đó, khả năng bạn có việc làm sẽ tăng lên gấp cả chục, thậm chí cả trăm lần. Chưa kể sự hiểu biết và những cơ hội khác cũng sẽ ùa đến với cuộc đời bạn. Đến thời điểm này bác sĩ chưa gặp người nào biết ngoại ngữ mà không có một công việc đủ để nuôi sống bản thân, thậm chí cả gia đình. Có bạn làm giáo viên dạy ngoại ngữ, có bạn làm phiên dịch viên, có bạn làm hướng dẫn viên du lịch, có bạn ngồi dịch văn bản, có bạn tư vấn du học… Và thêm một điều bác sĩ cũng nhận thấy rất rõ là những bạn ấy luôn có những nét rất riêng dễ cảm mến, khiến đối phương cảm thấy trân trọng.
Và điều cuối cùng đó là hãy học lấy một nghề nào đó thật bài bản: Nếu không thể theo đuổi con đường học hành để trở thành “ông nọ bà kia” thì các bạn cũng đừng buồn và đánh mất niềm tin. Có vô vàn những con đường khác nhau dẫn chúng ta đến với thành công, thành nhân. Liên quan trực tiếp đến “miếng cơm manh áo” của cả nhà nên các bạn hãy đi học lấy một nghề, học thật nghiêm túc, bài bản và hãy luôn trau dồi nó, các bạn nhé! Bác sĩ tin chắc rằng các bạn sẽ có việc làm ổn định vì nhất nghệ tinh. Hiện nay có nhiều trung tâm dạy nghề, trường nghề đào tạo rất tốt, các bạn hãy tìm hiểu về nó và sớm hành động ngay. Ở khía cạnh nghề nghiệp này, bác sĩ xin phép được cập nhật một chút về xu hướng công việc trong tương lai cũng như “Mối đe dọa” từ robot, từ trí tuệ nhân tạo để các bạn tham khảo. Một nghiên cứu rất lớn từ viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey thực hiện cách đây hai năm về 800 nghề nghiệp ở 46 quốc gia cho thấy, đến năm 2030, 800 triệu người sẽ bị robot và tự động hóa “cướp” việc làm, chiếm 20% nhân lực lao động toàn cầu. Vậy những việc làm nào dễ bị robot thay thế nhất? Và những việc làm nào chúng ta khó bị mất về tay robot?
Những việc làm dễ bị Robot thay thế, bao gồm:
1. Tiếp thị qua điện thoại
2. Thư ký, kế toán
3. Quản lý rủi ro và bồi thường, bảo hiểm
4. Nhân viên lễ tân
5. Nhân viên chuyển phát nhanh
6. Người đọc thử (Người đọc trước và sửa chữa văn bản, sách vở)
7. Chuyên gia hỗ trợ máy tính
8. Chuyên viên phân tích nghiên cứu thị trường
9. Nhân viên bán hàng quảng cáo
10. Nhân viên bán lẻ
Những việc làm Robot và trí tuệ nhân tạo khó lấy đi của chúng ta nhất, bao gồm:
1. Giáo viên, huấn luyện viên
2. Vận động viên
3. Nhà thiết kế, nhà sáng tạo trong các lĩnh vực
4. Thợ cắt tóc, làm móng, nhân viên trang điểm, làm đẹp
5. Nhà vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
6. Nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, người sáng tác
7. Kiến trúc sư
8. Nhân viên y tế
9. Người giúp việc, trông trẻ, chăm sóc người già
10. Nhà hoạt động xã hội
11. Nhà tâm lý
12. Luật sư, trọng tài
13. Quản đốc bảo trì
14. Nhà hoạt động chính trị
15. Thợ chụp ảnh
16. Đầu bếp
Trên đây là những điều bác sĩ mong muốn chia sẻ cùng các bạn trẻ. Thay vì bi lụy xót thương, chúng ta hãy cùng nhau bước qua nỗi đau và hành động ngay từ bây giờ để hướng đến những điều tốt đẹp hơn, các bạn nhé!
Hà Nội, ngày 27/10/2019